30 thg 7, 2017

TRÀ VIGIA: VÌ MỘT CỘNG ĐỒNG



Một con người không thể tồn tại khi không có một sự gắn bó hữu cơ với những cá thể khác cho dù có muốn hay không! Một ai đó bị lạc trên một hòn đảo hoang vu không một bóng người, một ai đó bị biệt giam trong một nhà tù hoặc vì một lí do nào đó bị cách li khỏi xã hội loài người mới thấm thía rằng sự tồn tại của mình chỉ thực sự có ý nghĩa khi có sự hòa nhập chung với đồng loại. Sự kết nối ấy không chỉ đơn thuần mang tính tâm lí mà còn bao hàm cả tính sinh lí và luận lí cùng nhiều yếu tố căn bản khác. Từ buổi khởi thủy hồng hoang chỉ ra một điều cốt yếu rằng, nếu không có nàng Eva thì sự hiện diện của chàng Adam trở nên vô nghĩa và thừa thải biết bao! Và nếu Adam không ăn quả táo của Eva thì trí tuệ con người không có cơ hội phát triển, những khái niệm tốt xấu đúng sai không cần được xác định và con người mãi mãi chỉ sống theo bản năng như thú vật. Cộng đồng chỉ được hình thành khi có sự gắn kết hữu cơ từ hai cá thể khởi nguyên được gọi là vợ chồng, sau đó là cha mẹ với con cái và giữa anh chỉ em với nhau trong phạm vi một gia đình. Nhiều thế hệ sẽ tạo nên một đại gia đình rồi từ đó nhiều đại gia đình sẽ tạo nên một tộc họ. Trong một địa bàn cư trú sẽ tạo nên một xóm làng với những quan hệ láng giềng cùng san sẻ và nương tựa lẫn nhau để có một cuộc sống an lành no ấm. Quan hệ thuận lợi tốt đẹp tạo nên sự liên kết bạn bè thân thiện, còn ngược lại thì trở nên hiềm khích bất hòa và đôi khi trở thành thù địch! Một cộng đồng lành mạnh bền vững khi có sự tương thân tương ái sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, còn không thì cộng đồng ấy chỉ như một sự tồn tại tạm bợ mong manh dễ vỡ, luôn sống thoi thóp trong tình thế mang tính đối phó với nhiều thử thách khôn lường rất khó chống đỡ. Cho nên việc xác lập tư thế của mỗi người trong một cộng đồng tưởng chừng đơn giản nhưng hàm chứa lắm gian nan…
 
Không ai có thể phủ nhận được vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình, nhân tố chính để duy trì và phát triển một nền tảng vững chắc cùng phát huy tính kế thừa cao xa. Một người chồng không đủ bản lĩnh thì không thể chèo lái con thuyền gia đình vượt qua phong ba bão táp, một người cha không đủ đức độ thì không thể dẫn dắt con cái vượt qua đồi núi thác ghềnh một cõi đi về không hứa hẹn! Một trí thức không đủ tư cách đạo đức và trí tuệ thì không thể dẫn đạo để vực dậy một cộng đồng đang hồi rệu rã phân li về nơi bình yên chim hót. Và một con người bình thường nếu không biết mình là ai trong cuộc sống nhiễu nhương hôm nay thì không thể biết mình đang làm gì, đang đi đâu và sẽ về đâu cho dẫu cuộc đời chưa kết thúc?! Mỗi người phải tự hỏi rằng liệu mình đã thể hiện được vai trò của mình chưa trước khi trách móc hay lên án một người nào khác… Vì một cộng đồng hiểu nôm na là một người sống vì mọi người, làm được như thế thì mọi người mới có cơ sở để sống vì mình mà không được đòi hỏi hay một yêu cầu không chính đáng. Phải chăng đó chỉ là một khẩu hiệu suông để nói cho vui tai hay chỉ là một sự lập lờ đánh tráo khái niệm cho một mục đích không chính đáng, một màn kịch mà sự thành công chỉ đến cho những diễn viên mà sự diễn xuất nổi trội hơn hết thảy mọi người?! Đó là một câu hỏi không dễ có đáp án nhưng thời gian sẽ trả lời tất cả khi ván bài lật ngửa, mọi tấm mặt nạ rơi xuống để khuôn mặt thật hiện nguyên hình như vốn có mà không cân một phiên bản nào sao chép. Vì một cộng đồng đòi hỏi đức tính bao dung vị tha, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của riêng mình để đóng góp cho quyền lợi chung của một tập thể. Tinh thần cao thượng ấy luôn diễn ra trong thầm lặng và bền bỉ trong một nỗ lực phi thường, cho dù phải đánh đổi cả một cuộc đời cùng nhiều thứ quý giá khác! Một người chồng không kể công với vợ, một người cha không kêu ca với con và một công dân không cần tổ quốc ghi ân cho dù cho dù hiến dâng bằng cả sinh mạng mình. Làm mà như không làm, không cần ai phải ghi nhận bởi mình còn có thể làm nhiều việc có giá trị hơn mà hôm nay chưa thể làm được. Làm vì coi đó là nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng dân tộc, đối với cuộc đời mà mình đã đầu thai và chưa thể yên tâm khi chưa làm trọn vẹn hết mình! Rất tiếc có nhiều người cứ cố thổi phồng chiến tích, tự tô vẽ chân dung mình vì sợ đồng loại lãng quên vô tình tự loại bỏ mình ra khỏi cuộc chơi trong ngay cả mảnh đất mình đang ở…

Với cộng đồng Chăm thì càng phức tạp hơn, ai cũng tự cho mình là quan trọng bởi sự có mặt của họ là ân sủng của thượng đế khi bầu trời xưa xa sụp đổ! Mọi người phải chen lấn xô đẩy nhau, thậm chí phải đè đầu cưỡi cỗ nhau để có vị trí tốt nhất trong một không gian hữu hạn chật hẹp này. Mỗi người phải tự trang bị cho mình một phương tiện phù hợp như một thứ vũ khí lợi hại nhất để tiến công và tự vệ một cách hiệu quả nhất! Người thì chạy chọt để có chức quyền, người thì châm chước để có lợi danh, người thì chung chi để có bằng cấp học vị học hàm học giả. Nhiều người chán ngán chấp nhận sống ngoài rìa như loại công dân hạng hai để không nhìn thấy những cảnh chướng tai gai mắt thắt ruột, rốt cuộc cũng không giải quyết được gì! Vì một cộng đồng trở nên xa vời vô nghĩa khi ai cũng vị kỉ cho riêng mình, không thể kết nối dù trong trạng thái vô tâm vô cảm nhất có thể. Những người ích kỉ thường có bụng dạ hẹp hòi nên luôn có cái nhìn thiển cận, chỉ thấy những gì trước mắt nên không thể thấy đường chân trời vời vợi! Nếu anh em bạn bè chỉ kết nối với nhau bằng những lợi ích nhỏ nhặt thì tất yếu hệ quả của nó chỉ mang đến những thành quả vụn vặt và không thể đi xa hơn, từ đó dẫn đến hồi kết vô vị và vô nghĩa. Thử nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc để thấy rõ thực trạng của cộng đồng Chăm hôm nay để thấy một tương lai xa, nơi có ánh sáng ở một cuối đường hầm hun hút không thể định hình! Chăm cũng có nhiều vị quan lớn nhỏ, những vị ấy đã đóng góp gì cho sự phát triển của cộng đồng Chăm; Chăm có không ít người có học vị học hàm cao và các vị ấy đã thúc đẩy ra sao cho sự tiến bộ những thế hệ mai sau để con hơn cha nhà có phúc? Bác sĩ Kĩ sư Giáo viên Chăm không thiếu nhưng sự tác động của những ngành nghề ấy có thực sự nâng đỡ đời sống Chăm một cách tích cực, hay đó chỉ là nghề nghiệp đơn thuần để mưu sinh có vẻ ổn định hơn so với những người tha phương cầu thực khác? Nói chung Chăm có tiềm lực nhưng không thể phát huy bởi sự kết nối cộng đồng còn hạn chế vì quán tính gùi ai nấy mang hồn ai nấy giữ đã in sâu vào tiềm thức từ khi vật chất quyết định ý thức! Đổi mới tư duy cần có thời kì quá độ của nó để phát triển bền vững, bởi ngay tầng lớp tu sĩ Chăm cũng phải định hướng xã hội chủ nghĩa mới có cơ may tồn tại.

Thế hệ trẻ hôm nay có một sự kết nối nhất định khi thời đại dần đi vào toàn cầu hóa như một quy luật tất yếu, đó là một tín hiệu vui khi con người không còn khu biệt vào từng cá nhân hay mỗi địa phương tiêu biểu. Thế giới phẳng hay không phẳng còn tùy vào nhận thức và sự chung tay góp sức của mọi người, những gì không cần thiết cho hôm nay thì nên cho đi vào quá khứ để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Vì một cộng đồng không phải là phương châm to lớn gì, đơn giản chỉ xuất phát từ con tim mỗi người để từ đó bay xa. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân nhưng ít nhất báo hiệu mùa xuân đang về trong lòng người và cảnh vật để từ đó mặt trời chân lí chói qua tim. Năm mới mang đến niềm vui mới, niềm vui chỉ nở rộ khi lan tỏa trong một cộng đồng chan chứa tình người. Như ngày Rija Nưgar đầu năm, hãy nhảy múa thăng hoa theo tiếng kèn Xaranai cùng nhịp vỗ Baranưng tưng bừng tiếng trống Ginơng tấu khúc. Cơn mưa đầu mùa đã về tắm gội tẩy trần bao muộn phiền năm cũ, hãy nở một nụ cười trong thánh thót mưa rơi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com