17 thg 9, 2018

BANI LÀ AI? - TRÀ VIGIA


Po Gru palei Katuh đang hành lễ Karơh, Katat
Nếu có ai đó hỏi bạn hay bạn hỏi tôi: Bani là ai thì có lẽ đó là một câu hỏi buồn cười và có vẻ kỳ cục! Bởi từ xưa đến giờ không ai hỏi thế và cũng không ai đặt câu hỏi này để làm gì, thi thoảng có vài người bạn Bani than phiền: Bani đúng là nửa nạc nửa mỡ Islam không ra Islam mà Balamon cũng không ra Balamon. Thế mới là Bani, sự chơi vơi chênh vênh ấy ắt có lý do của nó nhưng chẳng một ai tìm đến ngọn nguồn thấu đáo để làm sáng tỏ vấn đề. Từ xưa đến giờ mọi người đều cho rằng Bani là những tín đồ Islam xưa kia bị Chăm hóa và đúng hơn là sự dung hòa giữa hai tôn giáo Islam và Balamon trong một bối cảnh lịch sử nhất định trong sự hòa giải và hóa giải để hình thành nên một tôn giáo mới. Đó là một sự thỏa hiệp về đức tin, một sự giao thoa về văn hóa hay một giải pháp để ổn định trật tự xã hội khi lòng dân ly tán? Cũng như ta đã chơi với một người bạn từ thuở cởi truồng, bỗng một ngày ta đặt câu hỏi người bạn này là ai mà ta có thể gắn bó lâu đến thế! Đôi khi đối với người bạn đời vợ mình, một giây phút chạnh lòng bạn tự đặt câu hỏi: Nàng là ai mà sao khiến ta phải suốt đời phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng một cách vô điều kiện và vô vị lợi?! Một câu hỏi khó nhưng không thể không trả lời, phải có câu trả lời để khi chết đi ta còn được yên tâm nhắm mắt trong sự thanh thản vô ưu. Bạn hỏi tôi hay tôi hỏi bạn thì có muốn trả lời hay không thì cũng chẳng sao, nhưng nếu một người ngoại tộc như một người bạn Việt hay Tây Nhật Mỹ hỏi bạn một cách nghiêm túc thì bạn cũng phải có câu trả lời nghiêm chỉnh. Quan trọng hơn là khi ta tự hỏi mình khi không thể dối mình và dối người, biết thì thưa thốt mà không biết thì dựa cột mà nghe…


Tôi sinh ra ở làng dệt Cakling (Mỹ Nghiệp), làng Bani gần làng tôi nhất là Cwah Patih (Thành Tín). Nhưng làng Bani tôi gắn bó nhiều nhất lại là Palei Ram (Văn Lâm) bởi tôi đã học tiểu học ở đấy 3 năm, khoảng thời gian tuy không dài nhưng lại thẩm thấu vào tôi những hình ảnh và tình cảm rất đặc biệt! Cha tôi làm hiệu trưởng ở đây hơn 20 năm trước khi chuyển sang làm thanh tra Ty tiểu học, ông quen và chơi thân hầu hết các nhân sĩ trí thức Chăm ở đó nên tôi cũng có nhiều cơ hội học hỏi những gì mình cho là cần thiết. Palei Ram nếu viết đúng chữ thì là Aram có nghĩa là gò cao, Chăm nói Cauh tabbok rok aram có nghĩa là cuốc gò nhỏ để rồi san bằng gò lớn để bồi đắp cho vùng trũng cho ngang bằng để làm ruộng chẳng hạn. Trong gò cao ấy có ba gò nhỏ, xưa kia chỉ quần cư duy nhất ở Tabbok Angauk còn gọi là Ram Ngauk hay Ram Ga bởi nơi ấy có Ga tàu hỏa. Sau này dân cư phát triển đông hơn và có thêm sự ngụ cư của người Kinh nên một bộ phận di chuyển sang Tabbok Krưh rồi lan sang Tabbok Gah. Tabbok Krưh và Tabbok Gah được ngăn chia bởi một cái Bàu tự nhiên mà Chăm gọi là Kawei nên người Việt gọi là xóm Bàu. Từ Gò Trên chuyển qua Gò Giữa rồi Gò Ngoài là cả một quá trình vận động tạo nên một nét văn hóa riêng cho Palei Ram, nổi trội nhất là ưu thế về văn nghệ thể thao và lòng hiếu khách mà ít làng Chăm nào sánh được! Thằng bé con tôi trong những ngày đầu tiên cha tôi gởi trọ ở một nhà ông Y tá, thấy tôi cứ đi lang thang chẳng thấy cơm nước ngủ nghê gì thì ông chuyển tôi qua ở nhà một người bạn Giáo viên để tiện việc quản giáo. Cũng chẳng ăn thua gì vì tôi như một con chim sổ lồng trong bầu trời rực nắng với bao điều mới lạ cần khám phá, tôi bị nhiều trận đòn răn đe ra trò nhưng đâu lại vào đấy nên cha tôi cũng mặc xác vì xét cho cùng thì tôi cũng chẳng biến đi đâu được trong cái làng này! Hôm nay thì thằng bạn này mời ăn cơm, hôm khác thì thằng khác bởi tôi là con thầy hiệu trưởng nên cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cứ thế mà luân phiên xoay vòng. Cuối cùng tôi cũng định cư ở một nhà người bạn là con út của một ông Gru (Cả sư thánh đường Bani), vợ ông chắc thấy tôi mủm mỉm hiền ngoan nên bảo tôi cứ ở cùng con bà để kèm cặp nhau chuyện học hành còn chuyện cơm nước bồi dưỡng thì để bà lo. Bani lúc đó đối với tôi quá lạ lẫm cho dù cũng là người Chăm với nhau, họ không ăn thịt heo và thịt dông và có ngày Ramưwan vào thánh đường trong những ngày chay niệm. Một hôm tôi hỏi Po Gru theo kiểu trẻ con rằng tại sao Bani lại khác Chăm như thế, ông mỉm cười hiền từ bảo Bani cũng từ Chăm mà ra từ xưa truyền lại đến giờ như một nghiệp chướng nên không có gì phải thắc mắc. Từ đó về sau tôi không hỏi thêm một ai nữa và coi đó như một sự sắp đặt của thượng đế, bởi có hỏi thì chắc cũng thế thôi!

Thời gian gần đây thì có một anh bạn Bani lại hỏi tôi về vấn đề ấy, tôi không phải là một nhà nghiên cứu nên không thể trả lời bởi không có những luận cứ khả dĩ xác thực mang tính thuyết phục. Nhưng không nghiên thì chẳng thể cứu ai được nên tôi đành phải mày mò đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc, dẫu gì đó cũng là câu hỏi của chính mình từ thời thơ trẻ cho dù chẳng dễ dàng gì! Trong nghiên cứu thì sai một ly thì đi một dặm, cho nên các nhà nghiên cứu thường hay trích dẫn và tổng hợp ý kiến của những người đi trước hơn là nêu bật luận điểm của mình. Ví dụ có bạn trẻ hỏi tôi về địa danh Đà Nẵng có nghĩa là gì mặc dù biết rõ đấy là từ phiên âm tiếng Chăm, nói đến địa danh thì người ta thường căn cứ vào địa lý để xác minh nguồn gốc ngữ nghĩa. Đạ Oai Đạ Nhim Đà Lạt Đà Rằng… trong đó từ Đạ hoặc Đà có nghĩa là sông nước theo ngữ hệ Mon-Khmer mà mỗi địa phương có cách phát âm khác nhau, còn Đà Nẵng thì không thể là tên sông được vì nó thuộc ngữ hệ Chăm-Polynesien. Hóa ra tên gọi không xuất phát từ địa lý mà lại bắt nguồn từ lịch sử, Đà Nẵng là từ phiên âm của Danâng phát âm theo vùng Amaravati là Quảng Nam bây giờ mà Panduranga phát âm là Danưng có nghĩa là nương tựa hoặc dựa vào. Khi hai vùng Thuận Hóa thất thủ thì đèo Hải Vân chính là tiền đồn cố thủ để bảo vệ cho miền đất phía sau trước sự nam tiến mãnh liệt của Đại Việt, dựa vào lưng núi để phòng thủ thì trong binh pháp Tàu gọi là thế Ỷ dốc dựa vào thành lũy thiên nhiên hơn là nhân tạo. Với từ Bani cũng thế tuy có khó khăn hơn vì đó là căn ngữ của vùng Tây Á rất lạ lẫm so với Đông Nam Á như Champa, cho nên không thể dùng nghĩa của nước này để hóa đồng và quy kết cho nước khác. Bani trong tiếng Ả Rập có nghĩa là đứa con của Thượng đế nhưng đối với Chăm thì trở thành Người theo đạo, với Islam thì có nghĩa là những người bạn nhưng với Do Thái giáo lại mang nghĩa là Kẻ xa lạ. Thế thì đối với Chăm Người theo đạo mà ở đây là Islam có ý nghĩa gì và đường đi của họ ra sao?

Để hiểu và nắm vững căn cơ về Bani thì chúng ta cần khái quát sơ qua vài giai đoạn lịch sử như một liên văn bản không thể tách rời, như sự hiện diện của Bani là tất yếu chứ không phải là một sự thỏa hiệp như nhiều người đã nghĩ. Trước hết chúng ta nói đến sự trỗi dậy của vương triều Indrapura (875-991) mà Phật giáo gần như trở thành một tôn giáo chính, đánh dấu sự đổi thay quan trọng của một hệ thống chính trị và văn hóa vốn hình thành và phát triển trên nền tảng Balamon. Indrapura là một tiểu quốc vùng cực bắc Champa gồm Quảng Trị Quảng Bình và Thừa Thiên Huế mà lẽ ra kinh đô phải được dựng trên những vùng đất này, nhưng nó phải quá giang vào tiểu quốc Amaravati vốn không phải là vùng đất của mình là một dấu hỏi lớn? Đơn giản là Indrapura không thể tự chủ và tự quản trước sự xâm lược ồ ạt và liên miên từ phương bắc từ thời Ngô Quyền cho đến thời nhà Đinh rồi nhà Tiền Lê. Balamon không đủ khả năng và tiềm lực để đối phó với thế lực hùng mạnh và hiếu chiến từ phương bắc, cần thay thế một tinh thần vệ quốc mới và đó chính là Phật giáo. Phật viện Đồng Dương chính là minh chứng rõ nét về sự thay đổi đó, tạm cư ở Amaravati để củng cố một thế lực đủ mạnh như một liên kết song hành với Sinhapura để đương đầu với một kẻ thù chung. Điểm đáng lưu ý ở đây là Phật vào Chăm không phải là Phật giáo nguyên thủy mà là Phật giáo đại thừa, hiện tượng này không chỉ liên quan đến sự thành lập ở Ấn Độ vương triều Pala ở Bengale và Magadha vào giữa thế kỷ thứ VIII mà chủ yếu do sức mạnh đến từ đông đảo quần chúng của tông phái này. Khác với những nước Đông nam á lân bang du nhập Phật giáo tiểu thừa như một điều hiển nhiên trong tu tập thì Chăm tìm đến Phật giáo như tìm đến một sức mạnh để cứu nước và giữ nước! Năm 982 Lê Hoàn thân chinh mang quân tiến đánh Champa thắng trận, bắt nhiều tù binh và mỹ nữ cùng vàng bạc châu báu vô kể, đền đài cung điện thành quách lăng miếu đều bị phá hủy san bằng. Không những Indrapura bị diệt tuyệt mà Sinhapura cũng bị họa lây, vào năm 998 Champa phải dời đô về Vijaya để bắt đầu một vương triều mới và từ đó Phật giáo cáo chung không hẹn một ngày tái ngộ!

Khi không còn nương tựa vào thế lực của Phật giáo thì Champa bắt buộc phải tìm đến một thế lực mới bởi Balamon chỉ có thể dựng nước chớ không thể giữ nước, đó là Islam bởi lúc đó Hồi giáo đã có một ảnh hưởng lớn trên các nước Java. Theo Biên niên sử Hoàng Gia Chăm thì vương triều vào năm 1000 theo Hồi giáo, không hiểu vì lý do nào đến đời sau thì lại tiếp nối Balamon như một định phận khôn rời! Islam lại lóe lên vào thế kỷ thứ 14 dưới triều đại của Chế Bồng Nga oanh liệt, nhiều lần tiến vào Thăng Long như chỗ không người để thị uy nhưng cuối cùng cũng tử trận bởi một gian tế không rõ là Chàm hay Việt trong một âm mưu bí ẩn nào?! Từ đó Islam lại chìm lỉm và rồi bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ vào đầu thế kỷ thứ 17 dưới triều Po Rome, lúc đó vận nước như ngàn cân treo sợi tóc khi biên giới đã lùi khỏi tiểu quốc Kauthara. Đại Việt không chỉ mạnh về quân sự trong chiến tranh nhân dân, mỗi người dân đều là một người lính từ đàn bà cho đến trẻ con. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, nắm thắt lưng quần không được thì cứ nắm cái buồi mà đánh, thánh Gióng chưa biết nói cũng phải ra quân theo phong trào toàn dân giết giặc! Khi đó vai trò Bani mang tính quyết định vì đây là trận chiến cuối cùng cho sự tồn vong của đất nước, đích thân Po Rome phải đi học đạo ở Kalentan tại Malaya là căn cứ Hồi giáo chủ lực ở vùng Đông Nam Á. Đến đây chúng ta mới đặt vấn đề Bani là ai sau khi đã lược qua một số quy luật liên quan trong từng giai đoạn lịch sử, Bani có phải là một tôn giáo mới không hay chỉ là biến thái của một tổ chức vệ quốc? Theo tôi là không và không thể, Bani không phải là một tôn giáo như mọi người mặc định…

Một số sự kiện sau đây sẽ minh chứng và làm căn cứ cho sự nhận định lạ lùng đó:

- Bani làm lễ Katat và Karơh cho thiếu niên nam nữ sắp trưởng thành chỉ mang tính tượng trưng với ý nghĩa đã gia nhập vào Bani bởi trước kia họ vẫn là Chăm, còn bên Islam làm lễ Khotan hoàn toàn mang tính khoa học. Họ cắt đầu dương vật để dễ dàng vệ sinh và cắt đầu âm vật để hạn chế ham muốn tình dục của phụ nữ, bởi họ chủ trương đa thê và phụ nữ chỉ ở trong cấm phòng trong tư thế lệ thuộc.

- Bani không làm lễ Samyơng 5 lần một ngày như bên Islam, mùa chay tịnh họ cũng không nhịn đói ngoại trừ tu sĩ Acar. Mùa Waha họ không đi haji hành hương ở thánh địa Mecca, bởi họ không thờ đức Allah mà chỉ thờ ông bà tổ tiên của họ. Ngôn ngữ Chăm vẫn là tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống thường ngày, tu sĩ Acar chỉ đọc kinh Coran khi tụng niệm theo quán tính chứ không phải do đức tin. Họ nắm vững akhar Thrah và lưu giữ nhiều văn bản cổ Chăm chẳng khác gì đồng tộc Chăm, còn tinh thần dân tộc Chăm thì chắc chắn rằng họ trội hơn hẳn…

- Bani chưa bao giờ theo Islam, bằng chứng là trong ariya Nai mai mưng Mưkah nàng công chúa Chăm đang tỵ nạn ở Malaya về thăm quê hương chỉ chấp nhận nối lại tình yêu với hoàng thân Chăm với điều kiện khi vị này lôi kéo tất cả dân Chăm về theo Islam. Cuộc tình đỗ vỡ khi đó là một nhiệm vụ bất khả thi, lựa chọn đôi đường trong khi đất nước đang tan hoang khiến lòng dân ly tán!

Dĩ nhiên còn nhiều sự kiện khác liên quan, điều muốn nói ở đây để xác định Bani là ai bởi câu hỏi quan trọng ấy dường như vô tình đắm chìm lãng quên trong lịch sử. Bani là một đẳng cấp mới được hình thành khi quốc gia lâm nguy cận kề vong quốc, trong khi đẳng cấp chiến sĩ Balamon không còn đủ sức để đối kháng với thế lực ngoại xâm thì Bani xuất hiện là một sự tất yếu mang tính sống còn. Đó là những chiến binh một đi không hẹn ngày về, những đội quân cảm tử mang tính Samurai thà chết chứ không chịu nhục và là những Kami-kaze sẵn sàng liều chết quyết tử cho tổ quốc quyết sinh! Họ trang bị tinh thần Thánh chiến của Hồi giáo nhưng không tử vì đạo mà tử vì dân tộc tổ quốc, Po Rome chính là chủ soái của đoàn quân tiên phong này nhưng rất tiếc chính Po Rome lại bị sa lầy khi chủ tướng lại thất bại trên một mặt trận khác. Đối thủ chính không ai khác chính là Bia Ut Ngọc Khoa công chúa con Nguyễn Phúc Nguyên, Chàm chỉ gục ngã trước phụ nữ Việt chứ đàn ông thì không ăn thua! Đó là một đội quân gián điệp tinh nhuệ nội công ngoại kích mà vũ khí nguy hiểm nhất là nước mắt đàn bà được vận dụng một cách nhuần nhuyễn đúng người đúng chỗ, một con bài vừa là một nạn nhân như một con tốt thí để đạt mục đích cuối cùng. Po Rome nghe lời Bia Ut chặt cây Kraik là biểu tượng của vương quyền cũng là sự thần phục thống nhất của nhân dân, mẹ vua đã ăn đọt cây Kraik nên mang thai sinh ra vua thì thần mộc Kraik chính là cha mình. Phụ mẫu mình mà còn triệt hạ thì nhân dân ắt mất lòng tin, hai vị tướng tài giỏi và thân cận nhất là Xah Bin và Lah Bin cũng bị Bia Ut ly gián nên không được tin dùng sinh ra chán nản từ quan. Những quan cận thần chủ chiến đều bị Bia Ut ton hót cho ra ngoài rìa thay vào đó những kẻ a dua nịnh bợ tìm cơ hội, đoàn quân Bani chưa lâm trận đã bị Bia Ut đánh cho tan tác dưới bàn tay chủ soái Po Rome. Xah Bin là người trong hoàng tộc đi học đạo còn Lah Bin là người thuộc giới bình dân, Bin là từ Hồi giáo có nghĩa là con đã xuất hiện từ thời Po Bin Swơn tức Chế Bồng Nga có nghĩa là Con nhà trời. Đoàn quân Bani của Po Rome bại trận là điều không tránh khỏi, đó là một bi hùng kịch của lịch sử cần được giải mã thấu đáo như là bài ca không bao giờ quên! Chúng ta không ngạc nhiên khi những lãnh tụ kháng chiến đều là Bani, từ Imưm Bithak Wa đến Katip Sumat hay Twơn Phaow cùng những ai còn đặt câu hỏi: Tự do hay là chết! Bani là một đẳng cấp xã hội chứ không là một tôn giáo do hình thức và lề luật của đẳng cấp này theo tôn chỉ thánh chiến Islam, bởi sinh ra ai cũng là Chăm và lễ vào Bani chỉ còn là một dấu lặng trong quá vãng buồn!!!

Hồi còn rất nhỏ cứ mỗi lần vào dịp Ramưwan thì lại có Bani vào làng Chăm để ném gà mang vài con về cúng ông bà, hôm nay thì không còn thấy nữa bởi ký ức xa xưa đã phai mờ trong cuộc sống hiện đại. Tôi tò mò hỏi ông nội thì ông bảo rằng chỉ còn lác đác vài nhà vẫn còn giữ tục, hồi còn thời ông thì tục ném gà rất phổ biến và xem như một điều hiển nhiên. Đó là một hình thức ủy lạo những người chiến sĩ đã xả thân vì nước năm xưa mà ngày nay không ai còn nhớ nữa, đầu năm cúng dê hay vào dịp Rija đều phải mời họ về khoản đãi như một sự tri ân chứ không phải do Islam áp đặt. Họ là những người anh hùng vệ quốc và là những chiến sĩ vô danh, rất tiếc hôm nay mọi người lại nhầm tưởng họ như một hình thức tôn giáo. Trong trận chiến cuối cùng thời Po Rome thì hầu hết nhân dân thuộc đẳng cấp thứ dân và nô lệ đều gia nhập Bani, họ luôn đi đầu nơi các điểm nóng nên được gọi là Awal còn Balamon lụ khụ theo sau nên gọi là Ahier. Thiết nghĩ hai từ này không còn ý nghĩa để biểu đạt vì đã mất thời gian tính, gọi Bani là Awal và Chăm là Ahier không còn phù hợp trong thuật ngữ khoa học cũng như chính danh trong sinh hoạt đời thường. Gru Urang lại thuộc vào một tâm thế khác, bởi khi đã gia nhập Bani thì mọi ràng buộc vào tập quán Balamon đều bị cởi bỏ để không phải vướng bận vào giáo điều. Không chỉ giáo phẩm Kalơng hay Mưdwơn là Gru Urang mà ngay cả giáo phẩm Basaih Kadhar cũng thế, thánh chiến thì không ai là Gru Drei ngoài Bangsa. Bani chỉ giữ lại Kalơng và Mưdwơn gần gũi với tín ngưỡng dân gian để phục vụ người sống, còn phần hồn thì thay thế bằng Acar về đất cho gần với một kiếp đời chiến sĩ! Một người muốn làm Acar phải cạo đầu như một hình thức phát nguyện hy sinh cuộc sống đời thường để toàn tâm toàn lực trung thành với tổ quốc, việc cạo đầu này không dính dáng gì đến Phật giáo hay một lý do nào khác. Họ đội Kapiah như một xác tín sẽ chiến đấu như những đứa con của thượng đế, sau cùng họ hoàn nguyên Chăm khi vấn lên đầu akhan Mưthơm để chứng tỏ họ luôn và mãi mãi là Chăm! Bani vẫn có Sang Mưgik nhưng đó không phải là thánh thất để các tín đồ đi hành lễ, đó chỉ là nơi cho cấp Acar họp kín chuyện cơ mật để thông báo và tiếp nhận những chỉ thị mới. Acar không chỉ là cấp lãnh đạo về quân sự mà còn là lãnh tụ về tinh thần, thay thế hoàn toàn đẳng cấp Basaih của Balamon vốn ôn hòa và thiếu quyết đoán! Hôm nay người Chăm còn tajuh haluw kluw bimong như một minh chứng rằng lực lượng Bani vào thời điểm đó luôn áp đảo Chăm, mỗi Haluw là một đoàn quân chủ lực và sau này hình thành từng thôn làng riêng khi chiến tranh kết thúc. Bani đã anh dũng chiến đấu và chết trận nhiều quá, sự hy sinh ấy trở nên vô ích vì không thể cứu vãn tình hình đến nỗi Ariya Glơng Anak và Pauh Catwai phải lên tiếng can ngăn trong vô vọng! Hôm nay chúng ta đều là những Bani wơr Tauk vì câu chuyện hào hùng bi tráng năm xưa chỉ còn là những ký ức mơ hồ, có chăng chỉ là truyền thuyết cho người đời sau suy gẫm và tôi viết những dòng này chỉ để gợi mở hơn là khép lại một trang đời!

Khi chiến cuộc thất bại họ chạy vào phương nam tìm chốn dung thân vào đất Cambodia thì lại bị đoàn quân của Ngọc Vạn chị của Ngọc Khoa lúc đó là nương nương của vua Cambodia đánh bật trở lại, một số phải long đong nơi vùng biên giới Châu Đốc Tây Ninh hoặc len lỏi vùng sâu các tỉnh miền tây để sống sót. Họ buộc phải vào Islam để có nơi nương tựa bảo bọc, may mắn hôm nay họ vẫn còn nhớ đến cội nguồn Champa của mình! Tôi có một thời gian lưu lạc ở Kampuchea nên có dò hỏi xem có làng Bani nào còn hiện hữu trên đất nước này không, họ bảo còn vài làng ở Kampong Chnâng và rải rác ở vài nơi Batambong Xiemriep… Thời ấy còn mất an ninh vì lính Polpot hoành hành dữ quá, tôi lại chưa chán sống nên không dám mạo hiểm đi tìm đồng tộc của mình hầu tìm lại chút thoang thoảng hương xưa! Ôi đám tàn binh ấy côi cút lạc lõng biết bao nơi xứ xa người, họ vẫn quyết tâm không cải đạo vì họ vẫn bất khuất mang tinh thần Bani cho dẫu nơi quê người đất khách. Họ không cần sự che chở và bảo trợ của thế lực Islam cho dù đã sức tàn lực kiệt, tôi thành thực khâm phục ý chí sắt đá và lòng thủy chung như nhất của họ trong sứ mạng của mình! Đó là Chăm Hri giữa đời thường chứ không phải nơi núi rừng hoang dã, cộng đồng Chăm hãy quan tâm và cưu mang lấy họ như một sự xoa dịu tủi nhục trong chính cõi lòng mình! Có một yếu tố cực kỳ quan trọng mà nhiều nhà nghiên cứu đã vô tình hay cố ý bỏ qua, Islam là một tôn giáo cực đoan chỉ chiếm hữu tín đồ chứ không để tín đồ của mình hòa nhập vào tôn giáo khác. Ai lấy vợ hoặc chồng người Hồi giáo thì nhất quyết phải vào tôn giáo của họ thì mới có thể dẫn đến hôn nhân, vào đảng thì có thể bỏ đảng nếu có thời cơ đi Mỹ chứ vào Islam thì suốt đời mãi là Muslim. Cho nên không thể có chuyện hòa giải giữa Islam và Balamon để trở thành Bani, một Muslim nghe chuyện này thì sẽ rất ngạc nhiên và sẽ cho rằng đây là một trò hề không hơn không kém! Đôi khi để trả lời một câu hỏi cũng cần phải dành cả cuộc đời mình, những chiến sĩ vô danh ấy không cần hữu danh trong thời đại của chúng ta. Cảm ơn ông nội đáng kính đã cho tôi một đầu mối để lần tìm hiện tại mịt mờ trong quá khứ xa xôi, cảm ơn anh bạn Bani đã nhắc tôi câu hỏi đến từ thuở nhỏ. Với tôi thì: Bani muôn năm!!!





1 nhận xét:

  1. There are some interesting closing dates on this article but I don’t know if I see all of them middle to heart. There may be some validity however I'll take maintain opinion till I look into it further. Good article , thanks and we wish more! Added to FeedBurner as properly online casino slots

    Trả lờiXóa

thach.michelia@gmail.com