21 thg 8, 2018

VŨ ĐIỆU CHÀM - TRÀ VIGIA

Trà Vigia tại gia 2018, ảnh: Phạm Anh Duy



Chàm là một vật thể hữu hình vừa vô hình nếu ai đó chỉ quan sát và ghi nhận bằng con mắt trần gian, hữu hình khi ta nhìn ngắm nó như một xác chết và vô hình khi nhìn qua lăng kính siêu thoát thăng hoa. Trước tiên thì phải nói đến đất nước Chàm mà các nhà sử học thường gọi là vương quốc Champa, trong đó có nhiều dân tộc sống quần cư trên từng vùng miền khu vực. Trên Tây nguyên thì có Banar, Jarai, Rade, Kaho… , chếch về nam thì có Mơ nông, Stieng, Mạ… hướng về bắc thì có Hroi, Hre, Cơtu… Trong đó Chàm là dân tộc chủ đạo chiếm đa số kèm theo người em sống trong môi trường rừng là Raglai, các dân tộc khác thường sinh sống trên vùng núi còn riêng Chàm luôn ở vùng xuôi men theo đồng bằng ven biển. Nếu xưa kia Chàm có 5 tiểu quốc gồm: Indrapura – Amaravati – Vijaya – Kauthara – Panduranga thì ngày nay Chàm chỉ còn sống rải rác theo từng Palei trong tiểu quốc cực nam Panduranga được phân chia thành 4 vùng: Panrang – Kraong – Parik – Pajai và xa hơn ở vùng Tây Ninh – An Giang đã lạc loài cố quốc!


Tử thi Chàm còn có thể sờ mó được là Tháp Chàm, nhà khoa học thì đo đạc khám nghiệm còn dân Chàm thì lo chiêm bái cúng kính như một điểm đến tâm linh cần trì níu để bấu víu niềm tin. Hôm nay thì tháp chịu chơi mở cửa suốt ngày đón khách tham quan, thần linh đã đi tị nạn đâu đó trên hố đen của vũ trụ. Nay mai nếu xảy ra chiến tranh giữa các vì sao thì thần linh cũng phải cao chạy xa bay, còn người Chàm thì vẫn cứ ở lại vì không còn nơi chốn nào để đi nữa! Chỉ còn vũ điệu Chàm vẫn còn lung linh chập chờn trong ảo mộng, những vũ nữ Apsara đã hóa đá ẩn cư trong Viện bảo tàng hoặc trầm tích dưới đáy sâu huyệt mộ. Hồi nhỏ tôi thường níu áo mẹ đi xem Rija Harei Rija Dayơp hoặc Rija Praong, tôi được ru và sống trong vũ điệu Chàm mơ hồ huyền hoặc mà hôm nay chỉ còn nhạt nhòa trong ký ức. Mỗi dòng họ đều có một Muk Rija để múa lễ, có một Ong Mưdwơr để làm thầy chủ tế điều khiển lễ hội trong dòng tộc mình để đón mời ông bà tổ tiên về tham dự. Ranh giới giữa người trần và người khuất mặt dường như bị xóa nhòa dưới ánh nến lung lay hiu hắt, những thành viên trong dòng tộc kéo về tề tựu đông đủ. Tiếng trống Baranưng thoát ra từ lồng ngực bao dung thúc giục tiếng trống Ginơng tấu lên hành khúc trầm hùng, kéo theo lệnh truyền từ chiếc kèn Xaranai dõng dạc một sức sống vô thủy vô chung liên tu bất tận. Tôi được phân công đóng vai Patra cưỡi ngựa đến dự lễ, đằng sau là một con ngựa chiến có đầy đủ yên cương kèm theo một vòng lục lạc được đeo trên cổ. Người giữ ngựa thì cứ rung lục lạc theo nhịp trống, còn tôi thì vỗ tay cho thật kêu còn miệng thì hô Haiy haiy có nghĩa là hứa hay đồng ý nhất trí với lời cầu khấn của mọi người. Còn những người ngồi xung quanh thì cỗ vũ hào hứng Ahei để động viên cho người đánh trống và thổi kèn có khí thế nhập hồn hơn, hòa thanh hay thì Muk Rija liền thưởng cho vài ngụm rượu để hưởng lộc thần thánh! Muk Rija trong điệu múa dìu dặt khoan thai chẳng khác gì một tiên nữ từ cõi trời về cưỡi mây xuống trần gian trên nền nhạc phiêu linh, xong một điệu múa lại mặc khải những lời của người khuất mặt dặn dò dạy bảo con cháu cần làm. Người chết người sống cùng hòa nhập chung vui với nhau không còn biết đâu là trần gian thiên giới, ngày nay người sống với nhau chắc gì có được lòng tin với người và trong chính mình?!

Đấy là lễ hội trong dòng tộc nhà mình, với dòng tộc khác có Rija múa Carit làm tôi đặc biệt ấn tượng nhưng ngày nay dường như đã bị thất truyền. Carit là một đoản kiếm có lưỡi xoắn khác với thanh kiếm thường, đó là thanh kiếm biểu tượng cho quyền uy hơn là dùng để chiến đấu và dường như có xuất xứ từ Mã Lai. Đến tiết mục này thì Muk Rija hiện thân nguyên hình là một nữ tướng hiên ngang nơi trận địa, vẻ mặt ánh mắt toát ra sự bất khuất hiên ngang nhảy múa lồng lộn trong nhịp trống hùng hồn giục giã. Thời ấy có nhiều anh lính Cộng Hòa thường đến xem múa lễ với nhiều sự ngạc nhiên thán phục, thấy Muk Rija đột nhiên hướng ánh mắt hung dữ về mình rồi đâm thẳng Carit vào người thì hoảng sợ bỏ chạy. Lại đâm vào một anh lính khác khiến đoàn lính bỏ chạy tán loạn, Muk Rija cứ nhảy múa đuổi theo trong nhịp trống dồn dập cho đến khi nhịp trống ngưng hẳn mới quay trở về rạp lễ lấy quạt phe phẩy cho tĩnh tâm. Một điệu múa khác cũng thật kiêu dũng oai nghi, đó là điệu múa đạp lửa của Ong Kaing trong lễ hội Rija Nagar cũng là điệu múa của các Rija dòng họ có liên quan. Ong Kaing có nghĩa là người múa bằng lưng, ở đây không phải múa để khoe lưng như múa bụng mà lúc nào cũng phải giữ lưng cho thẳng. Điệu múa này biểu hiện sự kiên cường bất khuất vượt qua mọi chông gai thử thách, đạp lửa có nghĩa là không sợ hãi hoặc thoái lui trước bất kỳ một chướng ngại vật nào. Có lúc thì cầm roi cưỡi ngựa có lúc thì cầm cây chèo để lèo lái con thuyền vượt qua phong ba bão táp, có lúc thì cầm cây quạt phe phẩy hưởng nhàn không màng vinh hoa phú quý hay những cám dỗ của đời thường.

Vương quốc Champa đã bị diệt vong nên ngày nay không ai có thể thấy hình hài của nó nữa, bởi nó đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới và được khai sinh bằng một tên khác nhân văn cao cả hơn. Đất nước Chàm đã mất thì dân tộc Chàm cũng cùng chung số phận, kẻ ra đi người ở lại đều cùng chung hệ lụy vong quốc dẫn đến vong thân. Chàm từ Indrapura đến Kauthara bị đồng hóa hoàn toàn khi đã mất tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ, Chàm vượt biên sang Kampuchea Malaysia còn giữ được tiếng mẹ đẻ nhưng đã mất ngôn ngữ coi như đã bị đồng hóa bán phần. Chỉ còn duy nhất Chàm Panduranga vẫn còn giữ được hai yếu tố căn cơ đó nhưng một số người lại muốn tự đồng hóa chính mình, kẻ thì không cho con mình nói tiếng Chăm và người thì muốn Chăm đi theo một con đường ngoại đạo khác! Thời thế thế thời còn biết nói thế nào nhỉ?

Nói chung Chàm có nhiều điệu múa tượng trưng cho phong cách của từng nhân vật trước những tình huống phải đương đầu, dịu dàng nhẹ nhàng khi hòa nhập với tổ tiên và bất khuất kiên cường trước những gian nguy thử thách. Vũ điệu Tandava kiêu hùng của Shiva hay mơ màng mê ly của Apsara thiên nữ, Biyen Tiaong hay Wah gaiy của người trần hòa điệu với thiên nhiên cũng như đấu tranh giành sự sống trong đời thường. Vũ điệu Chàm không phải là sự mô phỏng bên ngoài mà là toát ra từ bên trong như nàng Apsara đi ra từ tượng đá, vũ nữ không phải múa từ vận động tay chân mà từ trong động lực tâm hồn nguyên phát. Dòng họ bên vợ tôi có tục lệ người phụ nữ nào đã hoàn thành vai trò làm vợ làm mẹ làm bà thì có lễ múa trình tâu tổ tiên, người phụ đó phải đích thân múa chứng tỏ tư thế của mình để báo công đã làm xong nghĩa vụ của mình với dòng họ. Đó là một mỹ tục hay cần bảo tồn và phát huy, múa cho mình chứ không phải múa để trình diễn trước thiên hạ. Điểm đáng lưu ý là chỉ có đàn ông Chăm thôi mới có thiên chức sử dụng nhạc cụ, phụ nữ bởi có ngày tháng nên không đủ tư cách cầm nắm đó nói chi đến sử dụng. Đơn giản hơn là đàn ông là nhạc công còn đàn bà con gái là vũ nữ ca nương, đàn ông cất nhà đàn bà xây tổ ấm bởi đây là nhạc cụ phục vụ cho lễ nghi tôn giáo nên có nhiều điều cấm kỵ cần phải tuân theo. Có vài người bảo tôi có phụ nữ Chăm muốn vượt rào đấy, tôi bảo là không tin bởi chưa từng chứng kiến một cảnh huống nào như thế! Thử hình dung một người phụ nữ Chăm đánh trống Ginơng hay thổi kèn Xaranai thôi thì trông quái gở như thế nào, nói chi đến ôm trống Baranưng nữa thì Ong Mưdwơn chắc phải cắn lưỡi chết và Vũ điệu Chàm coi như tuyệt tự. Có chăng đó chỉ là Ma Chàm đến quấy nhiễu ám ảnh dân Chàm, nếu một lý do nào đó mà như thế thật thì chỉ còn biết lẩm bẩm Thiện tai thiện tai…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com