Homkar Chăm, từ nguồn gốc đến thực tại
Homkar là sản phẩm của nền văn minh Phạn ngữ
(Sanskrit). Nó được dùng để diễn đạt tư tưởng chung trong triết lý đạo Bàlamôn
và Phật Giáo. Hình tượng này không chỉ có riêng ở người Chăm mà nó có mặt ở các
nước có nền văn minh Phạn ngữ như Ấn Độ, Champa, Campuchia, Lào, Thái Lan,
Trung Quốc (Phật Giáo Tây Tạng) đến Nhật Bản…
1.
Homkar trong triết lý Ấn Độ giáo và Phật giáo:
–
Nguồn gốc của Homkar:
Homkar
còn gọi là Omkar là âm thanh tổng hợp từ 3 âm tiết A, U, M và đọc thành đơn âm OM. A, U, M không phải là một từ vựng mà nó là một âm
tiết (syllabe) thiêng liêng trong nền văn minh Ấn Độ và Phật Giáo, có nghĩa là
“với bao sự tôn kính của tôi” (je fais reverence). OM
còn là âm tiết chứa chất nhiều ý nghĩa trong nền văn minh Ấn Độ giáo. Om là âm thanh mà con người phát ra đầu tiên khi mới lọt
lòng mẹ, hay nói cách khác nó là âm đầu tiên của lời nói (verbe). Om là âm thanh trường cửu (akshara); là bản thể (essence)
của Veda – truyền thống của Ấn Độ giáo. Om còn
biểu thị cho Ganesha và tương ứng với Swatika, biểu hiện cho định luật chu kỳ(1).
Theo
tác phẩm của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant thì Om cũng là xuất phát từ 3
âm tiết A. U. M và đọc là OM. Âm OM là bao hàm mọi ý nghĩa và cai quản cả lý
thuyết của tâm trụ (repartitions ternaires), đó là: tâm Veda (Rig, yajur,
sama); tâm trạng thái của con người (sự thực, chiêm bao và giấc ngủ); tâm thời
gian (sáng, chiều, tối); tâm không gian – thế giới (trái đất, trời và không
trung); tâm yếu tố (lúa, mặt trời và gió); tâm xu hướng (cởi mở, cấu kết, tiến
lên); tâm đấng thần linh (Brahma, Vishnu, Shiva); tâm quyền hành (hành động
hiểu biết và quyết tâm). Om biểu thị cho
Brahma cũng là lời nói thiêng liêng (verbe divin) mà nhân loại có thể nghe được
mà tiếng phạn gọi là Nanda–Brahm, Omkara–Om cũng biểu thị cho sức nóng mặt trời
(feu solaire), cho sự tổng hợp (unite), cho sự vô hạn (immencite) và cho vũ trụ
(cosmos). Bởi vì Om chứa chất một bản thể
(essence) của tất cả âm thanh mà nhân loại có thể phát âm được trong quá khứ,
trong hiện tại và trong tương lai.
Trong
ba âm tiết A. U. M: âm tiết A (Chăm gọi là akhar A) biểu thị cho đấng sáng tạo
(Brahma), cho sức nóng (feu), và cho hành động (action); Âm tiết U (akhar U)
biểu thị cho đấng bảo tồn (Vishnu), cho mặt trời (soleil), cho kiến thức
(connaissance); và âm tiết M (tut takai mưk) biểu thị cho đấng phá hoại (OM tập
trung trong ba quyền lực tối cao xuất phát từ ba đấng thiêng liêng (Brahma,
Vishnu, Shiva) trong triết lý Ấn Độ giáo.
Tóm
lại, Omkar hàm chứa nhiều yếu tố, triết lý khác nhau nhưng “Om
có một nghĩa cuối cùng là tổng thể không định nghĩa (ensemble indermine), biểu
tượng cho khoa học vô hình (mantra)”. (Ts. Po Dharma)
2. Omkara
trong nền văn hóa Chăm:
Homkar
được người Chăm gọi phổ biến là Homkar hoặc Omkar (xem hình 1 a, 1 c). Homkar
xuất hiện trong nền văn hóa Chăm vào thế kỷ II sau Công nguyên, khi mà người
Chăm tiếp nhận văn minh Ấn Độ, đặc biệt là đạo Bàlamôn. Trong tất cả bi kí, và
một số đền tháp khi xây dựng để thờ các vị thần người Chăm đều khắc vẽ hình
Homkar. Homkar Chăm thường dùng làm kí hiệu, biểu tượng để mở đầu các cho các
bài kinh trên bia đá, các lời thần chú, bùa chú trong sách chữ Chăm. Homkar
Chăm xuất hiện đầu tiên trên bia Võ Cạnh (Nha Trang – Phú Khánh vào thế kỷ II
sau Công nguyên), về sau lan ra đến vùng phía bắc Champa như bi kí Lai Trung,
bi Phú Lương – Huế; bi ở các nhóm tháp A và B… ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) đều có khắc
hình Homkar ở hai mặt; bi kí ở Tây Nguyên như bi Kontum (thế kỷ VI) đều có khắc
hình Homkar; xuôi về phía Nam chúng ta thấy bi kí Po Klaung Girai, bi Yang
Tikuh (Đá Trắng – Ninh Phước)… đều khắc hình Homkar. Homkar Chăm còn khắc trên
trụ tháp vào cửa chính của tháp Po Klaung Girai và đặc biệt Homkar Chăm được
tạo khắc 4 mặt ở trụ đá hình linga trên đỉnh tháp Po Rome (Ninh Thuận) – ngôi
tháp cuối cùng của người Chăm.
Ngoài
xuất hiện trên bi kí, trên đền tháp, Homkar Chăm còn có mặt trong nhiều tư liệu
viết tay trong sách chữ Chăm cổ cũng như hiện nay, đặc biệt là các tu sĩ
(Paseh) đạo Bàlamôn thường dùng Homkar cầu thần, hành lễ và các “Thầy Chăm”
(Gru tiap bhut, tiap kalơng) thường dùng vẽ các bùa chú và đọc lời chú thuật.
– Homkar
trong tư liệu cổ Chăm: Hiện nay trong tất
cả tư liệu chữ Chăm mà chúng tôi sưu tầm được hơn 650 cuốn, chưa kể kho tư liệu
Chăm cổ bên Pháp thì có nhiều hình Homkar (li ảnh) vẽ trên bìa sách và dùng làm
kí hiệu khởi đầu cho tác phẩm nhưng không có một tập sách nào bằng chữ Chăm lí
giải về Homkar. Vừa rồi trong quá trình sưu tầm tư liệu, ông Lâm Gia Tịnh có
cung cấp cho chúng tôi về tư liệu chép tay, lí giải về hình vẽ Homkar từ Phan
Rí nhưng không phải là tư liệu cổ. Homkar trong tư liệu cổ người Chăm thường
chỉ là biểu thị bằng hình vẽ, biểu tượng (li ảnh), chứ không có một lời chú
giải gì thêm.
– Homkar
đối với tu sĩ Paseh, Gru tiap bhut, tiap kalơng: Homkar chỉ được các tu sĩ Paseh, Gru
tiap bhut, tiap kalơng dùng để đọc, vẽ trong các lời mở đầu nghi lễ, cầu thần,
cầu kinh, đọc lời thần chú và vẽ các loại bùa pháp thuật… Homkar được tu sĩ
Paseh vẽ ở 8 hướng đền tháp trong nghi lễ tẩy uế đền tháp (balih bimong kalan).
Homkar được vẽ lên trên vật lễ (Sanai) cúng thần lửa ở đền tháp (cuh yang
apwei); vẽ trên “brah man” trong nghi lễ nhập kut; vẽ trên đòn khiêng người chết của người Chăm
Bàlamôn. Homkar còn được các thầy Paseh dùng để mở đầu các bài kinh trước khi
bắt đầu thực hiện một nghi lễ như lễ cúng tế đền tháp (pơh bbang yang, yor
yang, kate, cabbur) đám tang (dam cuh), nhập kut… Các lễ nghi này trước khi hành lễ Paseh đều đứng
quay mặt về phía mặt trời mọc đọc Homkar để cầu các vị thần. Ngoài Paseh ra,
các thầy cúng tín ngưỡng Chăm như thầy “tiap bhut, tiap kalơng” cũng sử dụng
Homkar Chăm trong các hình vẽ bùa chú (bauh agamưh) để trấn giữ tà ma treo
trước nhà, làm bùa hộ mệnh cho con người (tamrak). Homkar còn được thầy “Tiap
kalơng” đọc trong bài “tiap kalơng” là “Ong nama sibayong…” – tương ứng với
tiếng Om Namas Sivaya (Po Dharma)… Ngoài Homkar được sử dụng trong các nghi
thức hành lễ nêu trên, giới chức sắc tín ngưỡng, tôn giáo (Paseh, Adhia, Gru
tiap bhut, tiap kalơng) – chủ nhân trực tiếp đón nhận và sử dụng Homkar không
bao giờ lí giải về Homkar. Vì theo nguồn gốc ý nghĩa của Homkar là vô hạn không
giải thích gì thêm. Vấn đề này chúng tôi nhiều lần hỏi Po Adhia (cả sư Trượng
Thọ, Hán Bằng, và Gru tiap kalơng Hào Chức)… họ đều không giải thích mà thường
trả lời là “Homkar vĩ đại lắm, tất cả đều quy tụ về ở Homkar nên không giải
thích được” (Praung di Homkar, bih di Homkar). Nói chung các chức sắc tu sĩ
hiểu Homkar Chăm đúng như tinh thần của Omkara Phạn ngữ. Vì Homkar là từ thiêng
liêng, là tất cả, xuất phát từ âm A.U.M, biểu tượng cho thần quyền, phát âm OM
là bản thể con người chấp nhận thần quyền, là sự hiện hữu của đấng thần linh.
Cho nên, không chỉ riêng có Omkar Chăm mà bản thân Omkara của Phạn ngữ (Ấn Độ),
Campuchia, Thái Lan, Lào , Nam Dương đều không có lời giải
thích.
– Homkar
trong các hiểu của giới trí thức Chăm Bàlamôn (Ahier): Thời gian về sau, bắt đầu từ 1960 trở
về đây, Homkar (Omkar) Chăm được giới trí thức Chăm (av juk) hiểu và giải thích
theo cách khác. Đại diện cho nhóm trí thức Chăm Bàlamôn (Ahier) là cụ Thiên
Sanh Cảnh lí giải Homkar như sau:
Homkar
là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ (xem hình 1a, 1e): Hình tròn là mặt trời (trái
đất, hình lưỡi liềm là mặt trăng, ở phần trên là số 6 và ở phía dưới là số 3.
Hình Homkar còn là tượng trưng cho con người quay mặt về hướng Đông và mỗi bộ
phận của Homkar là tương ứng với những bộ phận chính của con người. Họ lí giải
trên hình vẽ Homkar có số 3 và 6 nối nhau bằng một sợi dây. Nếu cộng số 6 và số
3 với nhau thì bằng 9 nhưng nếu chia con số 9 ra thì chỉ có 8 khoảng. 8 khoảng
này ứng với số đo thân thể của con người là 8 gang tay (người nào đo gang tay
người ấy). Qua đó, họ đúc kết Homkar Chăm có mặt trời, mặt trăng, trái đất; có
âm và dương và Homkar là hình ảnh vũ trụ, hình ảnh con người(2). Từ đó họ còn suy ra triết lý Homkar là cơ sở để
hình thành lịch pháp, giờ khắc, số đo nhà cửa… Lối giải thích này nghiêng hẳn
về quan niệm âm – dương trong văn hóa Trung Quốc hơn là nền văn minh Phạn Ngữ.
Từ lời giải thích này, bắt đầu lan tràn trong dân gian Chăm, cho đến nay họ vẫn
còn truyền miệng nhau nhưng lại không thấy tư liệu chữ Chăm nào ghi chép về vấn
đề này.
– Homkar
trong cách hiểu của nhóm trí thức Chăm Hồi – Bàni (Aval): Bên cạnh cách hiểu Homkar của người
Chăm Bàlamôn như trên, còn có nhóm trí thức Chăm Hồi – Bàni cũng hiểu Homkar
tương tự như vậy, chỉ khác ở chỗ là, họ giải thích số 6 ở trên hình Homkar là
tượng trưng cho ngày thứ 6 (harei suk), là đấng Allah (Avlwah) – đại diện cho
Aval và số 3 ở dưới trong hình Homkar là tượng trưng cho Chăm Bàlamôn (Ahier).
– Homkar
trong cách hiểu của nhóm Chăm Phan Rí: Dựa theo tư liệu chép tay chữ Chăm bằng
bút mực trên giấy học sinh do ông Lâm Gia Tịnh sưu tầm ở Phan Rí vừa nêu trên
thì nội dung Homkar được hiểu như sau:
Tư
liệu viết: Homkar được gọi là Ongkar hay Ongsabai
- Đầu Homkar – số 6 là thap bak (linh hồn) – đại diện cho vị thần
Motha(3).
- Hình tròn ở giữa Homkar là
tượng trưng cho đất (tanưh riya bangsa akal) hình thành từ khoảng không (el
lak).
- Hình lưỡi liềm là tượng trưng
cho lửa, gió (Po sara phor lak, angin).
- Sợi dây nối số 6 và số 3 của
hình Homkar là sóng lưng của thánh Avlwah (talang raung Po Avlwah).
- Số 3 ở phía dưới là đầu
Ongkar sinh ra từ nước và khoảng không (el lak).
Tư
liệu này còn viết:
– Ongkar
– ong sa bai kayong, đó là thánh Mohamat (nan Po Mưng Hammat), đó còn là vua
Bar huk (Patau Bar huk)…
– Mình
Homkar (Rup Homkar) là một vị thần cùng một mẹ sinh ra với Thần Cha (Ongkar rup
tha tian thaung Po yang amư). Ongkar còn là
con của Thần Mẹ xứ sở Chăm (Po Nưgar Taha)…
– Còn
theo sự xác minh của nhóm nghiên cứu – Trường viễn đông Bác cổ, Pháp và cách
viết Homkar: Homkar Chăm có nguồn
gốc từ Phạn ngữ là Omkara. Tất cả Homkar dù là ở Ấn Độ, Tây Tạng (Trung Quốc),
Nhật Bản hay là người Chăm đều xuất phát từ hai nguyên âm và một phụ âm. Đó là
nguyên âm A (akhar A), nguyên âm U (akhar U) và phụ âm M (tut takai mưk). Vì
“A.U.M” đọc thành “Om ” là âm tiết thiêng
liêng, chỉ dùng để phát âm chứ không giải thích và định nghĩa. Thật vậy âm tiết
Om có thể trình bày nhiều kiểu dạng khác nhau
tùy theo mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo và tùy theo người viết của mỗi khu vực.
Chính vì vậy li ảnh (image virtualle) của Homkar đã trở thành hình vẽ đa dạng.
Người ta có thể đặt 3 chữ A.U.M ở hàng ngàn vị trí khác nhau. Nhưng dù viết
dạng nào đi chăng nữa thì Homkar phải giữ nguyên trạng thái nguyên thủy của nó,
có nghĩa là phải có nguyên âm A, U (akhar A, U) và phụ âm M (tut akai mưk).
Ngày nay Homkar của người Chăm vẫn còn giữ nguyên vẹn trạng thái ban đầu của
nó. Phần trên Homkar mà người Chăm gọi là số 6 chính là nguyên âm U (akhar U)
ngược đầu; phần giữa Homkar người Chăm gọi là mặt trời chính là phụ âm M (tut
takai mưk) và phần dưới cùng người Chăm gọi là mặt trăng và số 3 chính là chữ
cái của nguyên âm A (akhar A) (Po Dharma).
Như
vậy toàn bộ tư liệu về Homkar Chăm vừa nêu trên, chúng ta thấy, từ nguồn gốc đó
đến thực tại, Homkar không còn nguyên gốc và mang ý nghĩa như bản thân nó vốn
từng có mà về sau Homkar được người Chăm biến hóa thêm và hiểu nhiều ý nghĩa
khác nhau. Chỉ có chức sắc tu sĩ – chủ thể tiếp nhận và người trực tiếp sử dụng
Homkar trong đời sống tín ngưỡng Chăm vẫn còn trung thành, mang ý niệm linh
thiêng của Homkar trong tâm tưởng. Homkar Chăm “bản thân nó là linh thiêng, là
tất cả, chỉ biểu đạt bằng hình tượng (li ảnh), bằng chuẩn tử âm, bằng ý niệm
thần chú”, chứ không có giải thích và định nghĩa nó.
Tất
cả tư liệu quý giá nêu trên đều do các bậc trí thức Chăm cung cấp, bài viết này
chỉ nhằm mục đích hệ thống lại tư liệu về Homkar, ngõ hầu sẽ góp thêm tư liệu
để chúng ta nhìn lại một cách toàn diện về Homkar trong di sản văn hóa Chăm
hiện nay.
(1)
Xem J. Chevalier et A.Gheerbrant, Dictionaire des Symboles, Paris, 1982; M.Valssan, Le Monosyllabe Om,
Paris 1966; Louis Federic, Dictionaire de la civilisation indienne, Paris, 1987;
Lamma Anagarika Govinda, Fodation of Tibentan Mysticism, Rider and Company,
London, 1960.
(2)
Tư liệu diền dã 1991 do anh Sử Văn Ngọc cung cấp; xem thêm: Thiên Sanh Cảnh, Nội san Panrang, số 4.1972.
(3)
Tư liệu gốc viết bằng chữ Chăm truyền thống (Akhar thrah), chúng tôi chuyển tự
Latinh.
Source: Tagalau.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com