30 thg 1, 2013

Ariya Glơng Anak - Trà Vigia

Trà Vigia

Nói đến dân tộc Chăm, người ta thường hình dung đến những ngôi tháp Chàm cổ kính uy nghiêm đứng trầm mặc trên đồi cao phơi nắng gió ơ hờ nhìn thời thế đổi thay. Đó không là điều lạ biệt bởi những quần thể tháp Chàm không chỉ là di sản văn hóa quốc gia mà còn là của thế giới được Unesco công nhận bảo vệ trùng tu… Một nền kiến trúc, điêu khắc phơi bày cùng ẩn chứa bao bí mật tiềm tàng mà ngày nay con người văn minh chưa thể giải mã hết được! Tuy nhiên, đấy mới chỉ là lớp vỏ bề ngoài, cái sâu thẳm vẫn là những gì được gói ghém trong tâm hồn Chăm qua từng trang Ariya đang từng ngày chìm vào phôi phai quên lãng. Một nền văn minh huy hoàng thuở nào nay đang hấp hối dưới cái nhìn vô tình của loài người mà đúng ra chúng ta có thể học được nhiều điều với một chút thiện tâm thì cuộc sống này có lẽ nhẹ nhàng hơn, tươi đẹp hơn chăng?!


1. Đường vào Ariya:

Chăm có chữ viết bản địa vào thế kỷ thứ IV. Bản thân chữ viết cưu mang và chuyên chở thông tin tư tưởng của thời đại qua quá trình hình thành và phát triển. Hơn 1000 năm, nền văn hóa ấy đã để lại những gì giờ chỉ còn là vết mờ lịch sử. Tất cả đã hóa thân vào tro bụi nên không thể định lượng được thời hoàng kim của văn chương Chăm có diện mạo như thế nào và có bao nhiêu tác phẩm đã ra đời. Những tác phẩm còn lưu lại đến hôm nay chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ XVIII không là bao nhiêu so với gia tài nguyên nguyên thủy. Nhưng vẫn là may mắn, vẫn còn rớt rơi vài tuyệt phẩm mà đáng tiếc thay hậu duệ Chăm hôm nay không còn hứng thú tiếp nhận hay ngó ngàng tới. Đúng là: “Bhian drơp ngak ralo piơh hapak khing ka thraung”(1). Bấy nhiêu thôi mà không giữ gìn vun xới, nói chi cả một kho tàng cũng chỉ để hoài phí mà thôi! Có lẽ nên: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” để nhắm mắt đưa chân vậy.

 
Bài học đầu tiên của bất kỳ sinh linh nào cũng là tập nói tiếng mẹ đẻ, sau đó học chữ để trang bị kiến thức làm người và sống cho ra người. Mỗi ngôn ngữ của từng dân tộc đều có nét đặc thù riêng và điều đó quy định lối tư duy, biểu đạt và ứng xử của mỗi cá thể trong cộng đồng trong nhiều tình huống khác nhau nhưng luôn thống nhất trong tư tưởng và hành động đang hiện tồn hay mất đi mà chúng ta định nghĩa là lịch sử. Con đường vào Ariya được bắt đầu như thế, bập bẹ tiếng mẹ rồi đánh vần chữ cha ông, được ru ca dao hát đồng dao, ứng đối tục ngữ thành ngữ… Những cái đấy dần đi vào máu thịt để rồi một ngày nào đó chúng ta ngâm nga ariya và sẵn sàng vào cuộc chơi sáng tạo.

Hành trình vào ariya có lẽ được dẫn dắt bằng những bước đi chập chững nhưng đầy khó nhọc theo một lộ trình không định trước tùy theo từng hoàn cảnh điều kiện. Những gì còn sót lại chỉ có thể là:

- Ariya patauw adat Chăm gồm có: Ariya Muk Thruh Palei, Ariya Patauw Adat Kamei, Ariya Patauw Adat Likei

- Ariya ký sự thời sự như: Ariya Po Parơng, Ariya Rideh Apwei, Ariya Ơk Lipa

- Ariya thời sự lịch sử: Ariya Twơn Phauw, Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Kalin Nưsak Asaih

- Ariya trữ tình: Ariya Xah Pakei, Ariya Cam Bini, Ariya Bini Cam… cùng những sáng tác cận đại như Ariya Mưyut, Kei Oy, Po Thien

- Ariya mang tính sử thi như: Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup

- Ariya xakarai triết lý về nhân sinh quan, vũ trụ quan: Ariya Nau Ikak, Jadar, Ar Bingu, Hatai Paran, Dauh Tơy lơy

- Ariya triết luận thế sự: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai…(2)

Ngoài ra còn có những bài Damnưy (tụng ca) của Ong Mưdwơn, Danak (thánh ca) của Ong Kadhar hay những bài Kalơng (thần chú) của Gru Urang đều mang tính văn hóa văn chương cần khám phá và bảo tồn. Đó là bổ trợ cần thiết cho vốn liếng văn chương Chăm còn lại không nhiều. Qua đó chúng ta thấy rằng: Con đường tìm và hiểu ariya thật lắm nhiêu khê gập ghềnh không chỉ bởi sự lãng quên quá lâu mà còn chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Trở lực trước nhất là chúng ta không có vạch xuất phát rõ ràng, tiếp theo là mọi người đánh mất niềm tin vào truyền thống. Từ đó dẫn đến hậu duệ Chăm ngày càng xa rời ariya Chăm, xa rời bản sắc văn hoá, lạc mất cội nguồn và trôi đi nhạt nhòa vào chân trời vô định!


2. Đi là ở lại:

Như đã dẫn nhập ở trên, để thấu hiểu tâm hồn Chăm cần đi sâu vào Ariya để nhận diện đúng bản chất mà ngày nay đã ít nhiều biến dạng trong sinh hoạt đời thường cùng tư duy nhận thức. Chúng ta men từng nấc thang đi dần từ dễ tới khó, từ thấp lên cao, từ gần đến xa… để bắt đầu làm quen với Ariya Glơng Anak. Có thể nói đây là thi phẩm nổi tiếng nhất của Chăm cả về tính phổ cập bình dân cũng như đỉnh cao bác học. Ngày trước, dường như bất cứ một người Chăm nào cũng thuộc và ngâm nga vài câu, vài đoạn Ariya Glơng Anak để biện giải sự đời hay chỉ để ru mình và ru người. Đó là một chủ đề cốt lõi để mỗi cá nhân xác lập kiến thức của mình cùng thế đứng trong cộng đồng, uy tín trong xã hội… Tại sao Ariya Glơng Anak lại có tầm ảnh hưởng đến thế và cũng tại sao ngày ngày ariya này dần xa rời thế hệ trẻ Chăm hay sự quan tâm của đội ngũ trí thức?! Theo tôi có mấy lý do sau:

- Thời thế đổi thay: Chữ nghĩa Chăm không còn mang tính ứng dụng thực tiễn, nói nôm na là không còn phương tiện thiện xảo để mưu sinh (oh buh tamư gauk lisei hu) một khi chúng ta theo học chương trình phổ thông từ vỡ lòng đến sau đại học. Có học thêm ngôn ngữ khác thì tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… để bổ trợ. Còn muốn có vai trò tư thế trong xã hội khả dĩ vinh thân phì gia thì phải có chức vị học vị hoặc thành đạt trong kinh doanh dịch vụ. Không hiểu văn hóa Chăm cũng chẳng sao! Chết đi cũng được làm đám tang về chầu tiên tổ.

- Ngôn ngữ Chăm trong ariya mang tính bác học uyên thâm, nếu không được trang bị căn cơ mang tính kế thừa thì rất khó tiếp cận và tiếp thu. Chưa nói đến một bộ phận khác trong lễ nghi, phong tục tập quán chỉ thực thi theo quán tính, cảm tính cũng dần mất đi ý nghĩa nguyên thủy và ngày càng không hợp lý hợp thời.

- Môi trường sống của người Chăm không còn thuận lợi để duy trì và phát huy nét đặc thù sinh hoạt văn hóa Chăm. Tâm điểm văn hóa Chăm được hiểu và lý giải theo hệ quy chiếu khác làm lệch lạc cách đọc và cảm, cách làm và diễn… Nghệ thuật bị sân khấu hoá, nâng cao cách điệu máy móc dần vô tình đánh mất bản sắc.

Để hiểu một tác phẩm như Ariya Glơng Anak quả là gian nan, nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ trân trối nhìn viên ngọc trong đá nằm hoài hoang phế theo thời gian để một ngày lịm tàn vào tro bụi lòng người lòng đời hoang hoải!


a. Mồng 10 tháng 2:

Một điểm son trong Ariya Glơng Anak là có ghi rõ ngày tháng năm được viết mà thông thường không có ở bất kỳ ariya nào khác. Đây là điểm khác biệt và cũng là yếu tố quan trọng để xác định bối cảnh lịch sử lúc tác phẩm ra đời cùng nội tâm ngoại cảnh tác giả đang sống và viết. Đây là manh mối đầu tiên mà nếu chúng ta nhầm lẫn thì không còn biết đường nào mà lần nói chi biết ngõ mà ra. May thay!

Kumi xarak di dalơm ariya
Nưsak pabaiy bilan dwa sa pluh bingun Xuk tanrwah
.

(dịch thơ)

Ta ghi trong tập thơ này 
Mồng mười tháng hai thứ Sáu năm Ất Mùi.

Trở ngược thời gian về quá khứ nơi ngày tháng ông bắt đầu chấp bút viết trang ariya bất tử này. Theo lịch pháp, thiên can địa chi của mười hai con giáp cứ luân chuyển trong chu kỳ sáu mươi năm. Lịch Chăm ngày xưa có lẽ tính theo lịch Sakti (Sakti Calendar) của Ấn Độ, từ sau thế kỷ XVII chịu ảnh hưởng lịch Hồi giáo nên dung hòa hai phép tính trên thành ra lịch hỗn hợp cho khớp với ngày tháng phục vụ lễ nghi cho cả hai bên tín đồ. Phép tính này dùng phương thức Gwơr và Gwơc (chặn và móc) để điều chỉnh cho ngày tháng phù hợp với ngày thứ trong tuần lễ để có những ngày tháng nhất định cho Lễ hội, giỗ chạp, đám tang đám cưới… Cách tính có hơi phức tạp và có nhiều quan điểm khác nhau nhưng tựu trung vẫn nhất quán với Dương lịch và Âm lịch chúng ta đang dùng thời nay. Ngày, thứ, năm, tháng đều giống nhau nhưng luôn đi sau Dương lịch 3 tháng và Âm lịch 2 tháng. Ví dụ Katê đầu tháng 7 Chăm lịch thì rơi vào tháng 10 Dương lịch và tháng 9 Âm lịch. Ngày trong tháng thường trước Âm lịch 1 ngày, đôi khi trùng khớp. Chịu khó một chút chúng ta lần ra Thứ Sáu mồng 10 tháng hai năm Pabaiy Jim là Thứ Sáu mồng 9 tháng 4 năm Đinh Mùi, nhằm vào Thứ Sáu ngày 25 tháng 5 năm 1787. Một ngày quá xa để nhớ để quên!

Thời điểm ấy là một giai đoạn lịch sử vô cùng đen tối. Anh em Tây Sơn lấy chính nghĩa phò Lê dẹp Trịnh diệt Nguyễn nên chiến sự xảy ra liên miên, dân tình khốn đốn. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết! Dĩ nhiên dân Chăm luôn ở giữa hai gọng kềm trên hai đầu chiến tuyến không biết phải theo ai, nương nhờ vào ai để sống còn và luôn là vật hy sinh cho những thế lực tranh chấp. Còn giai cấp quý tộc trí thức Chăm thì sao?

Dalơm o drơh norapat sa kaya
Urang bihuh bihah biha bihi rakơng hu abih

(dịch thơ)

Tâm hồn ta không còn đâu tầm quý phái 
Phường giá túi áo cơm đâu khỏi để bị người mua chuộc…

Ở bên trong, trung tâm đầu não Chăm, chỉ là bù nhìn theo cơ cấu mặt trận chỉ là hư vị không có thực quyền. Chỉ là một chiêu bài chính trị mặc dù vẫn có tước phong Phiên vương nhưng không bênh vực bảo vệ được tính mạng dân Chăm. Còn bốn giai cấp tăng lữ quý tộc thứ dân nô lệ người ta đều mua chuộc sai khiến không chừa một ai.

Tác giả đã tự hỏi:

Gram Xarawan dwix di hagait blauh o thah
Bbai tapuh di grơp nưrah tagrang kađaung pak halei
?!

(dịch thơ)

Đất nước tội chi mà chưa được cứu thoát 
Đã dâng chuộc khắp sứ nào khác, còn vướng mắc nơi đâu?!

Gram có nghĩa là dòng tộc quý phái lâu đời từ thuở khởi thuỷ. Ở đây Gram Xaravan chỉ bộ tộc Cau là tổ tiên khai phá miền nam Champa gồm Kauthara và Panduranga, đối trọng với bộ tộc Dừa vốn ở phía bắc thuộc Amaravati và Vijaya. Vì thời cuộc tộc Dừa biến mất hay thiên di đi nơi khác. Nhưng hôm nay dân tộc Cau muốn sống yên ổn an phận vẫn không được cho dù đã nhẫn nhục chịu đựng bằng hết phương cách ngay cả cứu chuộc trong tâm linh vẫn không hiểu nổi nguyên do còn vướng đọng nơi nào!

Tơl thun nưsak asaih nan ra brei
Apwei kadhir bbơng palei nưgar Thrai Drut mưrai
.

(dịch thơ)

Đến năm ngọ người sẽ ban giao 
Lửa thiêng cháy xóm thôn làm u ám rủ buồn.

Đến năm Bính Ngọ 1786 người cho lửa đạn cháy xóm thôn và đó là lúc quân Xiêm đến. Bilan tajuh Langka mưrai sumu/ Kluw pakar mai saung nhu Kawei angan Bhum Kawei. Tháng 7 năm ấy quân Pháp cũng vừa kịp đến. Ba sự kiện ấy là liên quân Nguyễn Ánh, quân Xiêm, quân Pháp cùng hợp lực đối phó với quân Tây Sơn. Lưu ý: Kawei tiếng Chăm có nghĩa là Hồ (nước). Anh em Tây sơn gốc người Nghệ An nguyên thủy có họ Hồ, sau này mới đổi thành họ Nguyễn. Tên tộc của Nguyễn Huệ là Hồ Thơm. Tác giả nhân cách và hoán dụ từ này độc đáo quá thành bí hiểm!

Grum mưnhi kluw yava tatrok di drei
Praittik jang mưgei tajot xala jang tatwơn
.

(dịch thơ)

Ba tiếng sấm vang to làm chột dạ này 
Mặt đất cũng lung lay, triều đình cũng rúng động.

Ba tiếng đại bác bắn hiệu lệnh như ba tiếng sấm rền khiến vũ trụ lung lay, âm cung rúng động nói chi lòng người đang nơm nớp lo âu sợ hãi. Thật ra những sự kiện lịch sử ấy đã xảy ra từ mấy năm trước. Năm 1783, quân Tây Sơn đại phá quân Nguyễn ở Gia Định và lùng bắt chúa Nguyễn khắp mọi nơi. Cùng đường, Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc, rồi một mặt cho Giám mục D’Adran (Bá Đa Lộc) đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp xin cầu viện, một mặt tự thân đi xin viện binh ở Xiêm La (tháng 2 năm Giáp Thìn 1784). Tháng 6, chúa Nguyễn theo đại quân Xiêm (2 vạn và 300 chiến thuyền) về chiếm lại vùng Hậu Giang. Nguyễn Nhạc nghe tin liền sai Nguyễn Huệ đem thủy quân vào tiêu diệt hoàn toàn quân Xiêm ở Xoài Mút. Chúa Nguyễn lại chạy ra biển Tây Nam rồi sang Xiêm tị nạn vào năm 1785 rồi ở luôn tại Bangkok. Đến tháng 7 năm Đinh Mùi mới trốn về Gia Định khi nghe tin anh em Tây Sơn bất hòa khi Nguyễn Huệ bao vây Nguyễn Nhạc ở thành Phú Xuân. Sự kiện đó khiến tác giả ám ảnh và tiên liệu cuộc chiến sắp diễn ra sẽ khốc liệt hơn, và dân Chăm sẽ càng điêu đứng hơn. Phải làm gì để sống sót?!


b. Glơng Anak ông là ai?

Ông có ghi rõ ngày tháng lúc viết nhưng không để lại tên tuổi. Thật tiếc nhưng không sao bởi vì ông muốn thế. Tinh thần vô danh Chăm là như thế! Một người trí thức đúng nghĩa không phải sống trên đầu dân mà sống trong lòng dân, đau nỗi đau của dân, sẵn sàng chia sẻ gánh vác những gì mà người khác không thể làm được. Thôi cứ gọi ông là ông Glơng Anak vậy. Ông đã sinh ra trên mảnh đất này và rồi ông sẽ hóa thân vào lòng đất này một khi ông không còn làm gì được nữa, một khi không còn hy vọng vào một ai. Lẽ thường thì: Urang jiong di mik saung va, lẽ nào mình mư-aum cangwa kauh gai patauk? Phải tìm một con đường trong mịt mù hỗn mang lòng người điên đảo. Bầu trời ta hướng đến là lòng dân chứ không thể là một vòm nia nhỏ bé chờ lọt sàng chỉ đủ cho một thân sống nhục!

Thái độ trí thức:

Glơng anak linhaiy likuk jang o hu
Bhian drơp ngak ralo piơh hapak khing ka thraung

Panrang Kraung Parik Pajai halei gilaung
Kiem basei khing ka raung kacwơc tabiak jiơng darah

(dịch thơ)

Nhìn trước ngoảnh sau còn ai đâu 
Gia sản để lại nhiều, cất nơi nào cho an 

Phan Rang, Phan Rí, Lòng Sông, Phú Hài đâu là con đường? 
Quyết nhai sắt cho vỡ tan, hai hàm răng ta vỡ nát…

Glơng trong tiếng Chăm có nhiều nghĩa tùy theo văn cảnh ngữ cảnh và ngay trong tâm cảnh. Glơng có nghĩa là nhìn thấu suốt vào đúng bản thể của một sự kiện vấn đề; Glơng có nghĩa là trông nom chăn dắt một con người hay một đàn súc vật; Glơng cũng có nghĩa là bói toán tiên đoán những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong quá khứ hiện tại và tương lai. Tùy vào cách nhìn và góc nhìn, mỗi người có thể hiểu một trong ba ý hay hàm ý cả 3 nghĩa cùng lúc cũng không sao. Nhìn trước ngoái sau đều vô vọng! Nhìn và ngoái để làm gì? Có thể ông tìm một con người cụ thể nào đó cùng chí hướng để đồng hành nhưng vô vọng. Hay ông đang tìm một con đường, một lối thoát nhưng vô phương! Cũng có thể ông đang suy tư tìm một kế sách để giải tỏa những bế tắc trong nỗi dằn vặt nhưng vô ích… Của cải vật chất con người tạo dựng từ mấy ngàn năm nay cất giữ nơi nào cho khỏi tiêu tan, văn hóa văn minh truyền đời từ bao thế hệ lẽ nào đến đây chấm dứt?! Bốn vùng Chăm còn lại không còn một lối thoát… nhưng ông không tuyệt vọng, ông tự nhủ lòng và khuyên mọi người rằng vẫn còn một con đường trong ý chí và nhẫn nhục. Để vượt qua gian khó hiểm nguy cũng giống như ta nhai từng chút một miếng sắt, nhai làm sao cho nát bấy mà không tiếc thời gian công sức. Khi ấy tinh hoa mới được chắt lọc, thành quả mới hiện tồn! Sự tu dưỡng và tôi luyện ấy không chỉ trong hành động mà phải bắt đầu bằng tư duy. Muốn làm một việc hệ trọng phải nhìn trước ngó sau, suy nghĩ kỹ càng. Nếu nông nỗi hời hợt, cực đoan quá khích làm theo ý mình ắt sẽ dẫn đến hậu quả không ai lường được! Đó là thái độ của một thiện trí thức, một người có văn hóa giáo dục và được trui rèn thử thách trong nhiều môi trường khốc liệt. Mặc cho người mê ta tỉnh, mặc cho người ngủ ta thức. Tự ý thức trách nhiệm và tự phân công thử thách. Bởi ông là Ông Glơng Anak!

- Ý thức công dân:

Jhak dahluw siam hadei nan mưng thraung
Mưnhum tathik tabơng saung kraung o thei mai ngak di drei

Adat kayuw phun hapak jruh tak nan
O kan jruh pak bikan drei tacei wơk ka drei

Dwix xak ke pơp di thei
Đom saung gơp blauh kakei mưng thuw khing đwơc dwah pajơng

(dịch thơ)

Dữ trước, lành sau mới được trường tồn 
Uống nước biển với xây ngăn nước sông thì không ai có thể hại 

Đạo của cây thì thân ở đâu thì rụng lá nơi ấy 
Ví có bay rụng nơi khác chăng, đấy là mình tự hại mình

Tội lỗi vướng vào thì tìm ai mà gặp? 

Có nhắn bảo ai trước, mới biết đường chạy đi náu thân

Quốc gia nào cũng cần những bàn tay đen và lương tâm trắng! Ai cũng mong ước cho bản thân mình và người thân một cuộc sống yên bình tốt đẹp nhưng cái gì cũng có giá của nó. Một cuộc sống no đủ tiện nghi phải được đánh đổi bằng công sức thực lực của mình chứ không thể bằng luồn cúi nịnh bợ với những thủ đoạn đê tiện thấp hèn thậm chí làm tổn thương hoặc xâm hại người khác. Trong họa có mầm phúc và trong phúc có mầm họa và thành công đi lên từ cùng khổ mới mong lâu dài nhàn nhã. Có uống nước mặn biển cả mới so sánh được vị ngọt của dòng sông thì không ai có thể dụ dỗ mua chuộc ta được. Quy luật của đời người đời cây gốc rễ ở đâu thì rụng nơi đó. Nếu vì quyền lợi nhất thời mà rụng nơi khác thì tội lỗi ấy ta phải gánh chịu, không thể biện minh ở hoàn cảnh mà ngay trong chính tâm mình. Những đọa đày nghiệp chướng không chừa một ai cả và biến tướng muôn hình vạn trạng. Nếu tâm ta không vững, miếng mồi danh lợi sẽ đưa ta vào tội lỗi đi ngược lại sinh hóa cộng đồng thì muôn đời ô nhục. Hãy thì thầm dặn dò nhau ghi nhớ để biết nơi đâu là bến đỗ trạm dừng, người nào ta có thể nương nhờ ủi an lúc hoạn nạn! Để thể hiện tư cách công dân trong thời bình đã khó huống hồ trong thời chiến lại càng ngàn lần khó hơn. Nếu ai cũng vì quyền lợi riêng tư mà bỏ rơi quyền lợi tập thể thì tất yếu xã hội ấy sẽ ngày càng tha hóa dẫn đến hỗn loạn. Tư cách công dân của một trí thức lại càng quan trọng và mang tính quyết định. Phải đi đầu và đương đầu với mọi gian nan thử thách. Bàng quan hoặc tiêu cực làm ngơ cũng là một tội lỗi! Ông Glơng Anak đã nhiều lần nhắc nhở và nhắn nhủ như thế. Biết có ai để tâm?!

- Phương châm sống:

Twơk tabiak piơh tơl ray hadei
Tabơm pala jiơng rei bithuw hadơr ra taha

Yah pơp ra mưtwei saung ra gila
Jwai limuk jwai ba gơp gan gơk katơk

Nan drơh ngak di rup drei wơk
Lihik phwơl dhar ra plơk likuk dalơm xakkarai

(dịch thơ)

Viết ra cho hậu thế tỏ tường 
Hạt giống người ương trồng để nhớ đức ông cha

Có gặp người côi quả hay kẻ dại khờ 
Chớ ghét bỏ, hững hờ, cũng đừng ngang ngược bức hại

Có khác chi thân mình mà mình tự hoại 
Thất đức thế nên người mới ngoảnh mặt, chẳng ghi công…

Cuộc đời này không là bao nhiêu, chúng ta đầu thai trên cõi đời này như là một nghĩa vụ đi làm người, phải sống ra sao cho xứng đáng?! Ai có khả năng bao nhiêu thì cứ thể hiện hết mình để lại thành quả cho đời sau kế tục. Những hạt giống ta gieo vãi hôm nay đều thừa hưởng từ bao thế hệ cha ông không thể khinh suất tùy tiện. Cho dù mình quyền cao chức trọng, khi gặp kẻ nghèo hèn cô quả cũng đừng khinh khi chèn ép. Nếu không giúp được người thì cũng đừng ghét bỏ người. Làm như thế có khác gì mình tự cô lập mình, tự đào thải mình khỏi cộng đồng xã hội. Quan trọng hơn đó là thất nhân tâm phi đạo đức dẫn đến hậu quả mọi người đều xa lánh, đến khi sa cơ thất thế còn mong ai cứu giúp xót thương. Điều ấy đã nói nhiều trong cổ thư và nhãn tiền trong cuộc sống hiện tại. Hạnh phúc là sự thanh thản trường cửu nơi tâm hồn chứ không phải sự thỏa mãn nhất thời nơi vật chất. Rất tiếc một khi thời thế đảo điên, con người yếu đuối dễ sa ngã, bán mình cho vật chất cũng có nghĩa là bán linh hồn!

Một con người thể hiện thái độ trí thức với tinh thần đầy trách nhiệm, một tư cách công dân mẫu mực luôn ý thức được vai trò và sự hiện diện của mình giữa mọi người chung quanh để luôn trăn trở kiếm tìm giải pháp tối ưu phù hợp cho sự tồn tại của giống nòi. Ấy chỉ có thể là ông Glơng Anak! Chắc rằng ông phải có một tư thế nhất định nào đó, một người trong hoàng tộc Chăm và có một chức vị quan trọng ở triều đình.nên mới có điều kiện đi suốt chiều dài đất nước và nắm rất rõ diễn biến tình hình xã hội. Một con ngưòi tài cao đức trọng ưu thời mẫn thế có cái nhìn tiên tri thấu thị nhưng rồi ông đã bất lực khi những nỗ lực cuối cùng của ông không thể cứu vãn được tình thế để rồi một ngày ông ra đi và rồi viết ariya gửi lại. Đi là ở lại như thế!


c. Glơng Anak ông ở đâu?

Trước tình hình chính trị xã hội vô cùng rối ren hỗn loạn, mạng sống của từng cá nhân luôn bị đe dọa không biết phải nương nhờ cầu cứu vào ai trong khi chính quyền bù nhìn Chăm chỉ là tay sai, còn các phe phái đương đầu với nhau bằng vũ lực. Theo Tây Sơn hoặc Nguyễn Ánh cũng không là con đường sống! Bboh mưbai saung janưk dom di on/ Dhar phwơl calah calwơn ra mưk di drei nau dahluw. Phe nào cũng hứa hẹn mang lại quyền lợi cho dân Chăm nếu theo họ để rồi nơi hai đầu chiến tuyến người Chăm chém giết nhau đến nỗi: Grum mưnhi riyak tathrok kayuw mưgei/ Xa-ai o krưn ka adei mik o krưn lac kamwơn! Và giải pháp cuối cùng là chạy và chạy, bỏ quê hương mà chạy. Nhưng chạy đi đâu khi: Di grơp tapien ra pawang pabbuk pajaih nan ka drei (giọng chua chát) hay Di grơp tapien ra pawang halei nưgar drei khing nau?! Cho nên ông chỉ thất thần ước mơ cho dù hão huyền: Dơng di Pur khing bbơng parabat o ka ra mai/ Nưh gơp blauh pabrai mưnhum tathik khing ka thu! Ông đang đứng ở phía đông đất nước, trước mặt là rừng núi chập chùng, phía sau là biển khơi muôn trùng sóng vỗ. Giá mà ông có thể ăn và nuốt dãy núi cũng như uống cạn nước đại dương để dọn đường cho dân Chăm chạy loạn thoát thân thì đó là khát vọng cuối cùng ông cần làm để ông yên tâm nhắm mắt nhưng đó cũng chỉ là ước mơ! Đâu đâu cũng là cạm bẫy và bạo lực. Đàn ông Chăm xung phong hoặc bị cưỡng chế ra trận, người già phụ nữ trẻ con dắt díu nhau chạy loạn băng rừng vượt núi tìm miền đất hứa. Gram nưrah laik karơm yuw khing đong/ Apwei ngah yuw khing bhong tani ra lac yuw tani. Đến đâu hay đến đó, cứ chạy và hy vọng. Lẽ nào ngồi chờ chết!

Lúc đó ông Glơng Anak ở đâu? Ông cũng chạy và chạy thoát bằng đường biển, ông đã vượt biên thành công nhưng rồi ông có tị nạn? Ông đang ngồi trên một hòn đảo hoang để định thần và suy tư: Dauk sa drei sa nưgar di krưh hanrai/ Di krưh tathik cwah jai halei nưgar drei xathuw? Ngồi một mình một cõi giữa bao la bãi cát đìu hiu, giữa trùng khơi sóng vỗ giạt bờ, nơi nao là bến đỗ trạm dừng cho bước đường tương lai mịt mù vô định và nơi nao là lẽ sống trong tâm hồn?! Để rồi ông gào vào hư vô: Ew padaung di krưh mưlơm angan harei/ Bbwah kar lo ka thei tathrưk mưhu lo mưng kal. Ông đã kêu cứu dù giữa trưa nắng hay giữa đêm lạnh, cầu cứu cả mặt trời lẫn mặt trăng, kêu cứu tiền nhân ở quá khứ lẫn con cháu chưa chào dời. Ông muốn cứu giúp mọi người nhưng lúc này ông không thể cứu được ngay chính bản thân mình nên đành kêu cứu với trời đất! Cuộc sống có ý nghĩa gì khi ta không còn gắn kết với cộng đồng, với quê hương xứ sở. Và lúc này ông nhận ra dù ông có đi đâu cũng vô ích khi sự ra đi không mang lại điều gì tốt đẹp cho đồng loại. Đó chỉ là sự ích kỷ nhất thời mà ông nhầm lẫn dù chỉ một lần trong đời cũng đủ hủy hoại một kiếp người. May mắn! Đó là lúc ông gượng hết tàn lực viết Ariya Glơng Anak gửi lại hậu thế. Thế nhưng: Dauk tabur khan aw pataih liuw/ Ba alin thei o thuw ra pabbuk piơh tanan. Ông viết và gửi lại là một chuyện, chuyện của riêng ông. Còn hậu thế có đọc và tiếp thu được hay không là chuyện khác, chuyện của loài người!

Hành trình của ông trải dài từ Panrang Kraung Parik Pajai và có lẽ ông đã vượt biển tại Lơmngư Pajai (cảng Mũi Né). Đây là cảng biển giao thương duy nhất còn lại từ khi Champa suy vong và lụi tàn. Trong Ariya Bini Cam, phái đoàn ngoại giao Mã Lai cũng đã từng cập bến tại đây: Nai nau tơl Pajai/ Mưng Lơmngư Pajai Nai jauh akauk xơng (Nàng đi tới Ma lâm/ Từ cảng Ma Lâm nàng trở gót ngay). Theo dấu chân ông trên bản đồ thì hòn đảo ông đang ngồi để viết có thể là đảo Phú Quý ngày nay. Đó chỉ là suy đoán bởi không có tư liệu nào nhắc đến. Ông viết xong rồi ông đi đâu, ông lại trở về hay đã chết trên đảo thì không ai có thể biết được. Chỉ biết rằng thông điệp ông gửi lại đã đến đất liền và được trân trọng trong lòng người Chăm thì ông Glơng Anak ơi, ông có thể yên tâm nhắm mắt!


3. Thông điệp Glơng Anak:

Ông Glơng Anak muốn nói, muốn kể lại chuyện gì và để làm gì dường như trong mổi người Chăm tiếp nhận mỗi khác. Đó là cái hay đầu tiên của Glơng Anak! Cho dù bạn thuộc đối tượng nào cũng có thể đọc Glơng Anak nếu bạn yêu và muốn hiểu văn chương Chăm.Tùy trình độ cảm thụ, cái tâm và cái tình, bạn sẽ đi vào và chìm đắm trong lòng ariya với thế giới riêng mình. Không sao cả, vạn sự vô ngại! Có lẽ thông điệp chúng ta tiếp nhận được đầu tiên là tinh thần vô danh của người nghệ sĩ bởi vì ông là hiện thân công dân của cả một dân tộc chứ không phải của một cá nhân đơn lẻ. Một thái độ trí thức dứt khoát và một ý thức công dân mãnh liệt với một phương châm sống rõ rệt trong tù mù sáng tối nỗi đời và cuộc người. Ông đã khái quát được một giai đoạn lịch sử bi thương và phi thường mà con dân Chăm phải gánh chịu đau xót. Quy luật cuộc đời luôn nghiệt ngã và sòng phẳng. Mạnh được yếu thua cũng là lẽ thường tình trong chế độ cát cứ phong kiến ngày xưa mà ngày nay là một bài học đắt giá cho thế hệ mai sau rút tỉa và học tập. Một tính nhân bản sâu sắc được mổ xẻ dưới lăng kính nhân văn muôn màu muôn vẻ sẽ dẫn dắt và đưa ru chúng ta về cội nguồn nhân tính. Mỗi người sẽ nhận được một thông điệp riêng tùy theo gu và não trạng, theo hướng khám phá và khai thác phù hợp với hành trang mang theo sống đời. Theo tôi, có ba thông điệp thú vị, giản dị cần được suy ngẫm:


a. Trí tuệ và sáng tạo.

Mỗi dân tộc có một cách tư duy và biểu đạt rất riêng. Nhiều cái riêng sẽ đúc kết thành một cái chung để hình thành nên văn hóa và bản sắc. Ở Glơng Anak cái riêng ấy được thể hiện độc đáo không thể lẫn với nhiều ariya khác. Có thể nói với người Chăm, sáng tạo luôn song hành với trí tuệ. Một tác phẩm hay luôn hàm chứa và tiềm ẩn chất trí tuệ trong từng chữ từng câu ngay cả ý tại ngôn ngoại cùng tính triết luận bàng bạc nhưng liên kết chặt chẽ từng đoạn, từng ý trong và ngoài văn bản:

Ngak bal di Mưlithit đa ka ra laung
Hajiơng yuw nan ka tarakaung praung di po debita

Hajiơng ra ngak nưm di ngauk tara
Pak kieng takai kara di krưh thaik bauh lingal

Mưng hu piơh ka lok ni đaum kanal
Apakar rim sibơr grơp mưnưk siam mưtwaw
.

(dịch thơ)

Dựng thủ đô ở Phan Thiết thì e người công 
Nên mới cho cổ họng mình (còn hay mất) là ở đấng chí tôn

Nên người mới làm dấu giữa khoảng không 
Bốn phương: ngay dưới chân sao Rua và giữa sao Cày

Cho thơ được tạc vào dạ người đời sau 
Dù sự biến cố thế nào, mọi vật vẫn thịnh hưng.

Muốn dựng thủ đô ở Phan Thiết e người lại thử thách phá tan. Thành thử cho nên cái vòng luân hồi ấy phải do Tạo hóa định đoạt an bài. Thôi thì ta cứ khởi công tạo dựng ở trên không gian. Ở nơi bốn góc chân rùa giữa trục sao cày. Có như thế mới để lại thành quả cho trần đời ghi nhớ. Căn nguyên có diễn ra thế nào vạn vật vẫn thịnh hưng! Đó là một phong cách sáng tạo siêu nghệ sĩ, vừa trừu tượng mơ hồ nhưng lại rất thực tế cụ thể. Cho dù thực tại không cho phép, không đủ sức để xây dựng một kinh đô tráng lệ nơi trần gian này. Nhưng một nghệ sĩ chân chính có quyền mơ mộng ươm vun một thủ đô cho riêng mình trên những vì sao hay trong tâm hồn mình. Và có thể yên tâm sống và vui chơi trong thế giới ấy bởi đó là trò chơi của số phận! Tarakaung nguyên nghĩa là vòng không khí, nghĩa hẹp là cuống họng chỉ sinh mạng của một con người; nghĩa rộng là số phận của toàn nhân loại. Con rùa là biểu tượng của nền tảng nguyên thuỷ, sao cày xuất hiện để báo hiệu mùa màng gieo cấy. Hãy làm lại từ đầu trong niềm tin và hy vọng vì quy luật cuộc đời thịnh suy hưng vong khôn lường, trong phúc có họa trong họa có phúc!


b. Nội lực và thực tiễn.

Thế chúng ta bắt đầu từ đâu? Người nào muốn dựng thủ đô cứ dựng mà nương náu, còn những ai không có khả năng ấy thì cứ dựng chòi nơi trái đất này. Số phận chúng ta đã từng sinh ra và lớn lên trên ruộng rẫy thì cứ nỗ lực cày cuốc để bới móc miếng ăn mùa nào thức ấy. Không thể trông cậy vào ai khác mà phải dựa vào nội lực của chính mình. Đầu óc có thể mơ những giấc mộng đẹp để tự an ủi động viên mình, nhưng tay chân phải lao động cụ thể để có miếng cơm manh áo:

Ngak rideh paga wal raung kubaw
Bilimưk khơng di nau pajiơng jađun saung hatơm

Pabơk binơk pakwơc ribaung bidalơm
Gan agha gan rơm sa prưn sa hatai

Hadơng hajan ia xwa laik mưrai
Liwa hamu drak patai liwa tanưh pala tangơy

Blauh pala nhjơm paya traung plwai
Mưyah ơk cang thrwai bbơng plwai saung hadak
.

(dịch thơ)

Đóng xe, dựng chuồng, nuôi trâu 
Cho béo mập, to cao, chở cọc, chuyên rào

Đắp đập khai mương cho thật sâu 
Băng rừng rậm, đồi cao, chung lòng chung sức

Đợi khi mưa nguồn kịp xuống 
Cày ruộng trồng lúa, cày rẫy trồng ngô

Rồi trồng bí đỏ, khổ qua 
ăn qua vụ đông, đợi mùa lúa chín.

Chúng ta bắt đầu bằng sức kéo tức là bằng phương tiện. Đóng xe dựng chuồng nuôi trâu.Có béo khỏe mới đủ sức chuyên chở vật liệu cọc rào đắp đập khai mương. Cho dẫu băng rừng vấp rễ cũng một dạ một lòng vượt khó. Chuẩn bị sẵn sàng cho cơn mưa đầu mùa rơi xuống liền cày ruộng gieo lúa cày rẫy trồng ngô cho kịp thời vụ. Sau đó trồng khổ qua cà bí rau củ… Có đói cũng không hề gì bởi đã tích lũy thức ăn chờ giáp vụ. Muốn sống tốt phải có những điều kiện tối thiểu được tạo lập bằng chính nội lực của mình nếu không muốn lệ thuộc vào người khác với những hệ quả phải trả giá. Nội lực ở đây bao hàm kỹ năng sống, chất lượng sống và quan trọng hơn là giá trị sống. Nội lực ở đây được biểu thị bằng sức mạnh cơ bắp trong lao động và sự đoàn kết của một tập thể không còn tiềm lực. Một ý chí quyết tâm trước những thử thách và ý thức chuẩn bị tích luỹ phòng thân trong những tình huống bất lợi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sau cùng là sự trang bị tri thức có được từ những thành quả ban đầu và được vun bồi theo thời gian và không gian, từ ước mơ đến hiện thực!


c. Yêu phận và nhận mệnh.

Một khi không thể làm gì khác hơn thì phải biết chấp nhận số phận của mình và yêu quý những gì mình đang cưu mang. Nói như thế không có nghĩa là ta đầu hàng số phận mà là tỉnh táo nhìn nhận vấn đề và dũng cảm đương đầu trực diện với nó. Mỗi người có một phương cách ứng xử riêng nhưng ở đây tác giả muốn hướng chúng ta có một cái nhìn cao hơn, một cái nhìn toàn cảnh và toàn cục mang đậm nhân sinh quan Chăm mà có lẽ ngày nay nhiều người không còn trong bản năng gốc:

Mưbai janưk lo di tian mưk klak
Tian drei jwai jhak biak ligaih bboh xaglơng

Janưk hanim thei ngak piơh tabơng
Dađơp jhak ra glơng mưta bboh di mưta
.

(dịch thơ)

Dứt tuyệt căm thù tận nơi sâu kín 
Tâm ta không ti tiện, cái nhìn sẽ thoáng thông

Dữ - lành được tạo tác ra là để thử lòng 
Cái nham hiểm sẽ hiện tiền, mở phơi cho người trần chứng kiến.

Thù hận trong sâu kín cõi lòng nên vứt bỏ. Tâm mình trong sáng thánh thiện trí mình mới thấu suốt được vấn đề. Hận thù người đời gây ra để gạn lọc xấu tốt. Gian trá dù có che phủ như thế nào thì người đời cũng thấy tận tường. Một tâm hồn khoan dung và độ lượng, luôn lấy đạo lý làm đầu trong nhận thức và đối nhân xử thế. Dĩ nhiên ông Glơng Anak biết rõ sự đau khổ và tủi nhục của người Chăm trong thảm kịch lịch sử mà ngay chính bản thân ông cũng đang bế tắc. Nhưng cuộc đời không cứ là dĩ oán báo oán, ác giả ác báo được! Ông là một đại trí thức ưu thời mẫn thế, có cái nhìn tiên tri thấu thị và nhất là tấm lòng nhân hậu của một bậc chân tu. Ông sẵn lòng chết cho người khác sống và nhất là ông mong muốn dân Chăm được sống sót và tồn tại sau khi ông không còn hiện diện trên cõi đời này. Ông đã để lại ariya này như một lời trăng trối, một bản di chúc không phải chỉ riêng với người Chăm mà cho toàn nhân loại! Thời đại nào cũng thế, trong cuộc đấu tranh sinh tồn luôn để lại những mất mát đau thương mà nhân dân luôn là kẻ chiến bại phải chịu đựng từ đời này sang đời khác. Những di chứng ấy âm thầm hành hạ trong cả thể xác lẫn tâm hồn. Hãy cảm thông và chia sẻ cùng nhau những niềm đau không đáng có! Mỗi một thời đều phải mất mát một cái gì đó, luôn như thế và mãi như thế. Hemingway đã viết trong “Một thế hệ lạc loài” như thế! Hôm nay chúng ta giảm thiểu mất mát cho ngày mai.


4. Một chút đời thường:

Đã nhiều lần ra đi rồi trở về với bàn tay trắng, tôi đã từng hướng tầm mắt về ngút ngàn xa phía trước, thỉnh thoảng ngoái lại dấu chân mờ trên bước đường trơ cát bụi chờ hóa thân. Chẳng thấy gì, chẳng thấy ai… ngoài khoảng trống trải dài mênh mang vô tận. Có chăng vài khuôn mặt anh em, bạn bè, người quen trong ánh mắt nhìn mệt mỏi tương cận những vất vả nhiêu khê đời thường. Đành vậy! Những lúc như thế tôi thường buột miệng lẩm nhẩm vài câu Glơng Anak để trấn tĩnh và định thần. Đó là những câu thần chú hộ mệnh cho riêng tôi những lúc không thể bấu víu vào được gì. Nhất là vào những đêm trăng thượng huyền vào đúng ngày mồng 10 hàng tháng, đặc biệt hơn vào ngày mồng 10 tháng 2 Chăm lịch! Ngày mà người thi sĩ vô danh vĩ đại đã viết tuyệt tác Ariya Glơng Anak lưu danh hậu thế. Tại sao không lấy ngày tháng này làm ngày thơ Chăm để kỷ niệm hàng năm nhỉ?

Nhiều lúc thối chí chán chường, tôi lại nghĩ đến ông Glơng Anak và cảm giác nặng nề ấy dần tan biến. Tôi còn may mắn và sung sướng hơn ông nhiều lắm! Những gì mà con cháu ông thể hiện hôm nay thật chẳng xứng đáng với lời răn dạy chỉ bảo của ông nói chi kế thừa. Thế hệ trẻ hôm nay ngày càng xa rời tư tưởng ông và người Chăm dần lãng quên một nhân cách sống. Trong sự hòa nhập thích nghi mang tính thời đại toàn cầu hoá, phổ cập những kiến thức tiên tiến là điều cần thiết trong xu thế phát triển và tiến bộ nhưng nếu đánh mất tư tưởng chủ đạo thì coi như đánh mất nền tảng tinh thần và lai căng bản sắc và là mầm mống của sự mất gốc vong thân. Đọc Thế giới phẳng hay Chiếc Lexux và cây Ôliu để đâm chồi nở hoa kết trái nhưng trước nhất hay đồng thời phải trang bị thâm sâu Glơng Anak hay Pauh Catwai để vun gốc mọc rễ tạo cành thì thân cây ấy mới cổ thụ trường tồn. Adat kayuw phun hapak jruh tanan luôn là quy luật muôn đời của nguồn sống, là chân lý của mọi thời đại. Đi là ở lại nếu sự ra đi ấy không mang lại lợi ích cho cộng đồng thì thật vô nghĩa!

Tôi chỉ mới tiếp cận Ariya Glơng Anak bằng văn bản từ năm 1995 và bây giờ vẫn đọc như mới ngày nào tập đánh vần. Tôi không bao giờ có ý định học thuộc lòng Glơng Anak mặc dù tác phẩm rất ngắn bởi vì với tôi mỗi lần đọc đều như là mới lần đầu tiên. Từ đấy tôi mới khám phá chắt lọc từng từ từng câu qua từng ngày từng tháng suy tư miệt mài để hôm nay cặm cụi viết những dòng này. Và đây chỉ mới là khai mở gợi ý ban đầu cho một cuộc tiếp sức. Cần phải có một khảo luận hoàn chỉnh về Ariya Glơng Anak cho thế hệ mai sau nghiên cứu và học tập. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan ban ngành có thẩm quyền chức năng và ý thức của mỗi cá nhân tâm huyết. Di sản vật thể đã được thế giới công nhận. Lẽ nào ariya Chăm cũng phải nhờ Unesco nghiên cứu, hay một tổ chức phi chính phủ nào đó đảm trách? Càng không thể giao cho bần cố nông Chăm ngày đêm đầu tắt mặt tối cày thuê cuốc mướn dưới đáy cùng xã hội!

Để đọc và hiểu một ariya Chăm bạn cần nắm đúng ý nghĩa phần nhập đề và kết luận. Có như thế bạn mới theo dõi được diễn biến ở thân bài để có cái nhìn toàn cuộc. Một văn bản cũng là một liên văn bản vì nếu bạn không nắm được ngữ pháp văn nói trong ca dao tục ngữ… thì rất khó nắm bắt ngữ pháp văn viết trong ariya. Nếu mỗi bài đồng dao Chăm là một tiểu công án thiền thì mỗi ariya triết luận Chăm là một đại công án thiền. Nhiều khi đọc để tiệm ngộ hay hoát ngộ, một hình thức giải mã tâm linh một khi ta không thể cảm và hiểu. Cho nên ngày xưa các ông già thường đọc ariya trong những đêm thanh vắng như lời kinh tụng. Có thể coi Ariya Glơng Anak là một pho kinh. Như Đạo đức kinh của Lão Tử, viết rất ngắn nhưng đọc mãi vẫn không tận cùng và ý nghĩa của nó không bao giờ được quyết toán. Đôi khi tôi tự hỏi ông Glơng Anak đã đọc gì trước đó để có thể viết một cách viết mà hậu thế hôm nay phải cúi đầu bái phục như nhiều nhà khoa học từng đứng trước Tháp Chàm! Những gì trước đó không còn nữa để lần tìm manh mối. Thật đáng tiếc!

Tôi có người ông Út, em ruột ông nội rất mê Ariya Glơng Anak và Pauh Catwai. Lúc nào ông cũng lòa ra vài câu rồi tự rung đùi đắc chí ngay cả những lúc ngồi một mình mải mê làm một công việc gì đó, dường như để giải tỏa một bức xúc hay chỉ đơn thuần giải trí. Thời đó tôi còn trai trẻ đang thất nghiệp và bây giờ cũng đang thất nghiệp! Hôm ấy ông đang tập trung chạm khắc bộ khay trầu bằng bạc, còn tôi tò mò lớ ngớ đứng gần đấy xem. Hồi ấy ariya Chăm tôi mù tịt, chỉ nghe loáng thoáng những câu chuyện thêu dệt thần bí xung quanh ariya Chăm. Ông hào hứng đọc cho tôi nghe vài câu Glơng Anak rồi phán: Phan Rang Phan Rí Phú Hài Lòng Sông đâu còn lối thoát, thôi thì cứ nhai sắt cho hả dạ rồi nhổ ra một bụm máu tươi. Giải thích xong ông nhổ một bãi nước bã trầu đỏ lòm xuống đất rồi vỗ đùi cái đét cuời ha hả khoái chí làm tôi cũng vui lây. Nhưng nghĩ một lúc tôi thấy không ổn nên phân trần, nghĩ như ông cũng hay nhưng ý ông Glơng Anak không như thế và tôi nói cách hiểu của mình. Lúc đầu ông nộ khí xung thiên hét: A thằng này láo thiệt, dám cãi lời ông! Nhưng suy nghĩ một hồi lâu, ông gục gật đầu bảo: Ừ cái thằng này hay, suy nghĩ như thế mới tiến bộ. Ông già rồi nên chắc lẩm cẩm! Dường như chưa hết ấm ức, ông bồi tiếp một câu Pauh Catwai: Jhauk ia di bai dơng kiah/ Rataung nau tapah di ngauk haluw. Lần này có vẻ tự tin hơn, ông giải thích: Câu này mới cao siêu, bọn trẻ không đủ sức hiểu. Múc nước vào rọ rồi đứng gạt cho ngang bằng. Chỉ có cá lòng tong nhỏ bé mới thoát được theo kẻ hở, mấy con cá lóc cá trê cá rô lớn con to xác đều bị tóm gọn. Ta học làm cá lòng tong mới sống yên sống khỏe rồi lại cười ha hả khoái hoạt nhìn tôi thách thức. Lại không ổn, lúc đầu tôi định làm thinh cho ông vui nhưng không hiểu sao tôi lại mạnh miệng lý giải: Ta phải lưu ý chữ Di, tiếng Chăm có nghĩa là ở, tại, từ… Múc nước từ trong rọ rồi đứng gạt cho phẳng. Nước trong rọ ở đây theo nghĩa bóng là đất nước bị nô lệ như chim lồng cá chậu, thuộc tính của nước là một mặt phẳng, thế nhưng cẩn trọng hơn ta phải phả lại một lần nữa cho chắc chắn. Còn thân phận chúng ta nhỏ bé yếu đuối như con cá lòng tong phải bơi ngược nguồn đi tìm chân lý. Đúng là một nhiệm vụ bất khả thi, còn lóc trê rô được ăn mồi no nên đang ngủ gật! Lần này ông tôi không nói gì nữa. Ông buồn thiu và tôi cảm thấy mình có lỗi…

Ông Glơng Anak đã là người thiên cổ, ông tôi cũng đã ra đi. Một nén hương cho tiền nhân, một nén hương cho tôi, cho những ai đi về cõi tạm này không còn hối tiếc.


_______________
(1) Tham khảo nguyên tác và bản dịch của Inrasara trong Ariya Glơng Anak: Văn học Chăm – Trường ca, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006, tr. 227-373.
(2) Xem Inrasara, “Văn học Chăm, mấy vấn đề sưu tầm – nghiên cứu”, Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, in lần 3, NXB Văn học, H., 2008, tr. 122-134.
(3) Xem thêm: Inrasara, Văn học Chăm – Khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994, chương “Thơ thế sự”, tr. 205-216.


_____________
Nguồn: Tagalau 10
Xem thêm: Inrasara.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com