25 thg 4, 2013

Ariya patauw adat likei - Guga


Ariya patauw adat likei 

Phàm chúng ta là đàn ông, nhưng dường như nói đến ariya Chăm chúng ta chỉ hướng tâm vào Glơng Anak hoặc Pauh Catwai, Ariya Bini – Cam hoặc Xah Pakei… Thậm chí khi đề cập đến Gia huấn ca, chúng ta cũng chỉ phân tâm về Muk Thruh Palei hay Patauw Adat Kamei mà quên bẵng đi rằng: Ariya Patauw Adat Likei mới là kim chỉ nam mà mỗi người đàn ông phải gối đầu giường trong bất cứ hoàn cảnh nào! Một câu nói tưởng chừng giản đơn nhưng quyết định tất cả: “Likei di bơng mưsuh, kumei di bơng mưnưk” có nghĩa là: Đàn ông phận chiến đấu, đàn bà phận sinh đẻ. Nói rộng hơn, đàn ông lo chuyện bên ngoài xã hội, đàn bà đảm nhận công việc trong nhà. Thiên chức ấy thể hiện ở vai trò bao gồm: quan hệ với mọi đối tượng người trong giao tiếp, đấu tranh với thiên nhiên để mang về của cải vật chất, chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ tổ quốc giống nòi. Muốn như thế, người đàn ông phải tu dưỡng đạo đức, tôi luyện bản lĩnh, trang bị một nền học vấn cần và đủ mới mong phần nào hoàn thành nghĩa vụ của mình. Còn đàn bà lo việc nội trợ gia đình, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ, giỗ đám trong tộc họ. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Tổ có đủ ấm hay chưa thì đó là việc của đàn bà, còn đàn ông chúng ta hãy bắt đầu công việc xây nhà của mình qua những vần ariya mà tiền nhân đã đúc kết và đây cũng là một nét giáo dục đậm phong cách Chăm.

Ở đây, người viết muốn dẫn nhập tuần tự theo văn bản cho người đọc dễ nắm bắt. Bởi lẽ cách viết trong ariya Chăm luôn hàm chứa nhiều ẩn dụ ví von, nhiều khi là một thử thách lớn cho việc tiếp cận và tiếp nhận. Muốn giải mã trọn vẹn, đòi hỏi người đọc phải có kiến thức phổ thông vững chắc, một trải nghiệm nhất định và nhất là phải tập trung cao độ với sự trọng thị cần thiết. Chúng ta có thể bắt đầu cuộc hành trình.

Ni twơr panưh dalam ariya
Anưk likei jwai gila dwah akhar thrơm katih
Dom panwơc gru patauw đaum abih
Harei mưlơm jwai đih pơng panwơc gru patauw.

Nay lưu sáng tác trong thơ
Làm trai chớ dại khờ học văn luyện toán
Mấy lời thầy dạy nằm lòng
Ngày đêm chớ ngủ nghe thầy bảo ban.

Chữ nghĩa là phương tiện tối ưu để bảo lưu văn hóa dân tộc. Chăm may mắn có chữ viết rất sớm, may mắn hơn chữ viết ấy lại được nâng cao bằng nghệ thuật thơ. Trước tiên, tác giả tự hào về điều đó. Lời dạy là một lời khuyên, êm như lời ru đầu đời nâng bước người con tự tin ra khỏi cửa nhà với mớ hành trang đủ đương đầu với những bất trắc ngoài xã hội. Một người con trai nếu không muốn dại khờ, dễ bị người khác lừa lọc khống chế thì căn bản phải học văn luyện toán. Văn để làm người và toán để toan tính. Không những phải nằm lòng những gì thầy dạy mà ngày đêm không hề sao nhãng những điều mình đã học, biết vận dụng lý thuyết vào thực hành để tri thức ngày càng mở rộng tinh tiến.

Nau tau anaih drei di gru
Sunuw binrik drei hu hatai urang jwai ppaklah
Anưk lơy pơng amư kakei asah
Mưgru akhar thuw bidrah vơk mưrai vơy anưk.

Đi đâu hạ mình với thầy
Tri thức nơi mình chớ để người đời xa lánh
Con ơi nghe lời cha dặn
Thu thập kiến thức kịp thời để còn cứu đời ơi con.

Không thầy đố mày làm nên, nửa chữ cũng thầy, trọng thầy mới được làm thầy… Không thể vì mình thành đạt mà lại coi thường thầy, như thế có khác chi mình tự hạ bệ mình khi phải lừa thầy phản bạn. Học vị học hàm mình hơn người nhưng nếu không khôn khéo thì khi nói ra cũng không thuyết phục được người khác. Thậm chí còn bị người đời xa lánh, ghét bỏ, lên án… thì sở học mình có cũng chẳng ý nghĩa gì, không giúp ích thiết thực cho đồng loại nếu không muốn nói là một trở lực đáng phê phán. Con ơi hãy nghe lời cha dặn nhỏ thôi: Sự học phải được trang bị từ phôi thai, ngày đêm không ngưng nghỉ mới mong thấu triệt và con mới có cơ hội cứu giúp người đời.

Gru patauw sah kanal bikajap
Takai akhar bitanat mưng drei drơh urang
Nau tau wơk mưrai tơl sang
Jwai bblah di urang ac hatai klak akhar.

Thầy dạy thoáng con nhớ kỹ
Chữ nghĩa vững vàng mới sánh được người
Đi đâu cũng trở về nhà
Đừng bắt chước người nản lòng bỏ chữ.

Học hành phải luôn tập trung, những lời giảng thoáng qua tưởng như không quan trọng nhưng con cũng phải ghi nhớ chắc chắn. Kiến thức phải căn bản con mới không thua kém người trong bất cứ tình huống nào. Dù con có đi đâu, làm gì, cũng phải trở về ngôi nhà một mái ấm không nơi nào thay thế được. Con có học hỏi nên người, nếu không phục vụ đúng chỗ thì cũng bằng không! Đừng bắt chước người tham phú phụ bần, trọng vật chất hơn tinh thần, thấy công việc khác dễ dàng nhưng lợi nhuận cao mà nản lòng quay lưng với văn hóa cha ông đã dày công vun xới.

Dom panwơc gru patauw đaum kanal
Harei mưlơm jwai wơr tadhiai di tian drei tabiak
Dauk di lok xanưng anak linhaiy likuk
Đa gơp gan limuk drei biak kan khing dauk.

Mấy lời thầy dạy thuộc lòng
Ngày đêm chớ quên lười nhác từ chính tâm mình
Ở đời luôn nghĩ trước gẫm sau
Biết đâu họ hàng ghét bõ mình khó sống chung.

Những lời thầy dạy ban đầu luôn là kim chỉ nam bất biến. Trên đường đời có thể sẽ phải học nhiều ông thầy khác nhưng người cha làm thầy mới là người thầy tin cậy. Dù thời thế có đổi thay với nhiều nghịch cảnh khôn lường nhưng không vì thế mà quên đi lời dạy của người thầy đầu tiên. Sự nản lòng lười nhác là nguyên nhân của biến chất thoái hóa phải luôn được cảnh tỉnh. Ở đời cần suy trước nghĩ sau, làm gì cũng phải tiên liệu hậu quả của nó để không phải trả một giá quá đắt cho những bất cẩn không đáng có. Nếu vì quyền lợi nhất thời mà để họ hàng người thân ghét bỏ thì coi như ta đã đi lầm đường lạc lối!

Urang kađa twei urang bboh bbauk
Likuk drei nau ra dauk ra đom tachơp ka drei
Anit bbiak luc sa tian saung sa muk
Nau tau jang ka-uk su-uh su-on hanuk yawa.

Người nể trọng mình lúc ở trước mặt
Sau lưng người nói xấu mình đủ điều
Thương thật lòng chỉ có ruột thịt người thân
Đi đâu cũng hướng về quê cha đất tổ.

Thói thường ai cũng thích lời ngon ngọt nịnh bợ. Muốn lấy lòng nhờ vả mình họ phải a dua tâng bốc, nhưng khi mình quay lưng họ không tiếc lời gièm pha phỉ nhổ như để bù trừ cho những lời họ đã ngợi khen. Đôi khi mình chỉ là công cụ cho những ý đồ đen tối hoặc là phương tiện do người khác đẩy đưa với những thù lao nho nhỏ mà tưởng rằng ta đây ghê gớm lắm. Thật ra chỉ có người thân ruột thịt mới thương ta bởi giọt máu đào hơn ao nước lã, môi hở răng lạnh… Cho nên đi đâu về đâu, nghĩ gì làm gì cũng luôn hướng đến nơi mình sinh ra, lớn lên và trưởng thành với những mục tiêu thiết thực cho mình và lợi ích cộng đồng. Cạm bẫy đời khó lường nhất vẫn là những lời mật ngọt mê hoặc, những lợi quyền hư danh treo lơ lửng còn độc hại hơn quả đấm sắt trong bao găng nhung!

Yah ong thuw abih jwai gila
Gơp gan ra taha yuw amư drei likei
Dom adat khaul ita anưk likei
Pơng panwơc gru kakei o kan karang ong di hagait.

Nếu ông thấu suốt thì chớ dại khờ
Họ hàng người già như cha mình phận đàn ông
Những điều đạo lý chúng ta tinh thông
Nghe lời thầy dạy thì không gì suy suyển.

Đến đây tác giả chuyển nhân xưng từ con qua ông cho ta thấy rõ: Đối tượng nói là cha, đối tác nghe là con. Cha gọi con bằng ông bởi vì ông con làm quan để cai quản dân, là người có vai trò chủ đạo đưa ra những đường lối chính sách hợp lý để nâng cao đời sống của dân, tạo sự công bằng tiến bộ ổn định xã hội. Muốn được như thế, ông con phải biết đạo lý làm người, những cạm bẫy đời, phân biệt được phải trái cái chính cái phụ, kẻ gian người ngay. Quan trọng nhất là biết lắng nghe và tôn trọng người thầy mà người thầy ở đây không chỉ là người cha mà còn là những người già trong họ hàng. Một người dù có tài giỏi đến đâu thì vẫn chưa đủ và luôn cần sự giúp đỡ tham mưu của nhiều người có thiện ý. Có như thế thì chẳng thế lực nào có thể thao túng được mình.

Mưyah ong thuw adat dauk tapak
Jơl drei hapak hu urang hadai ppaklah
Pathơr mưng panwơc xanưng di tian drei ppablauh
Halei tabiak di pabah panwơc trak tian urang.

Nếu ông hiểu đạo sống chân thành
Mình mang họa ắt có người cứu giúp
Lời nói ra phải suy nghĩ trước
Đã ra cửa miệng thì dễ mất lòng người.

Một người sống chân thành thì luôn được mọi người thương yêu tin cậy. Trái lại, nếu cứ thủ đoạn ma mãnh thì sẽ bị đồng loại cảnh giác coi khinh. Những ai thường nịnh trên thì hay nạt dưới bất chấp quy luật làm quan nhất thời làm dân vạn đại. Khi có chức có quyền thì được người đời bợ đỡ, còn lúc sa cơ thất thế thì chẳng ai ngó ngàng. Bài học nhãn tiền đó dường như ít người chú trọng một khi nền tảng đạo đức suy đồi, thượng bất chính hạ tắc loạn. Sống chụp giựt đến đâu hay đến đấy thì khi hoạn nạn còn ai đoái hoài tiếc nhớ. Phải cân nhắc đắn đo từng lời nói vì một khi lời nói đã ra khỏi cửa miệng thì không thu lại được. Ai cũng có danh dự giá trị riêng cho dù mỗi người mỗi cảnh không ai giống ai.

Halei ong thuw ligaih dauk bijiơng
Piơh ka mik wa urang tadhuw phwơl drei hadei
Thei xakrưn ka tanưh saung basei
Taum thun mưbauh sa bơng brei tathak yamưn o thei ra ngap.

Biết vận dụng điều thuận lợi đạt thành quả tốt
Để bà con gần xa chúc phúc cho mình
Ai hiểu cho tương quan giữa đất và sắt
Đến vụ ra trái chín ngọt chẳng ai hay.

Nếu ông hiểu quy luật cuộc sống thì phải biết hóa dữ ra lành, cái khó ló cái khôn, toàn tâm toàn ý đem hết tài năng mang lợi ích cho mọi người. Sự đền đáp cao nhất không phải món quà vật chất mà là lời chúc tốt lành cùng sự thương yêu đùm bọc của người chịu ơn. Ai thấu hiểu được giữa đất và sắt liên hệ như thế nào? Sắt là công cụ để vun xới cho đất tươi xốp để cuối mùa vụ cây ra quả ngọt lành cũng như con người phải tu dưỡng tôi luyện đạo đức trí tuệ thường xuyên thì hành vi thái độ mới hướng đến chân thiện mỹ. Còn không thì ta cứ u mê trì trệ như đời cây còi cọc chẳng bao giờ ra hoa kết trái.

Halei amil saung adang mưsơm haplak
Pajiơng adang hu katak thei tathit khing ka thuw
Thei xakrưn ka bingu o thuw layuw
Dauk di krưh phun kayuw tamư tabiak o thei ra bboh.

Đâu là lá me với lá giang có vị chua chát
Khiến lá giang có nhựa ai truyền bảo cho hay
Ai nhận biết loài hoa không bao giờ héo
Đậu giữa thân cây ra vào không ai thấy.

Trời sinh ra muôn loài muôn vẻ, bá nhân bá tánh và mỗi loài có một đặc điểm riêng với những công dụng riêng không thể nhầm lẫn. Như cây me và cây giang có hình thái bề ngoài khác nhau, cây me thuộc loại thân mộc còn cây giang thuộc thân cỏ nhưng lá đều có vị chua chát dùng để nấu canh chua rất ngon. Vị chua chát ấy từ nhựa mà ra và không thể biến đổi thành đắng cay hay mặn ngọt. Chúng ta dễ dàng phân biệt về hình thức bằng mắt nhưng để nhận biết vị bên trong phải nếm bằng lưỡi. Còn như một loài hoa không bao giờ héo tàn, có màu đỏ tươi với hai cánh rung rinh suốt một đời ở giữa cơ thể con người thì không một ai có thể nhìn thấy bằng mắt hay nếm bằng lưỡi, mà phải nghe bằng tai mới nghe thấy nhịp đập nhè nhẹ. Hoa tim ấy mang tính thiện hay ác đòi hỏi phải có cảm nhận cao hơn bằng tri thức, vượt tầm nhận biết bằng giác quan dù ta có va chạm hàng ngày.

Halei ra jak di xanưng khing ka drơh
Đaum kanal jwai piơh panưh tabiak ka ra pơng
Urang pajiơng mưng liwik ray ni xơng
Tajuh drei ciim nhu đơm di ngauk cơk o thei xakrưn.

Đâu người khôn gẫm suy cho thỏa
thấu hiểu đừng cất giấu giảng giải cho người nghe
Loài người sinh thành từ xưa đến nay
Bảy con chim đậu trên núi không con nào biết.

Một người có tư chất thông minh là do bẩm sinh, nhưng nếu không chịu khó học hỏi, suy nghĩ thấu đáo thì chỉ nhìn thấy hiện tượng bên ngoài mà không nhìn rõ bản chất bên trong. Khi đã có trí tuệ hơn người, nhưng sự hiểu biết ấy không mở rộng tầm nhìn cho người khác thì cũng bằng không. Sứ mệnh của trí thức là làm cho dân thường ngày càng hiểu biết hơn, có như thế ông mới là thiện trí thức. Sự tiến hóa của loài người từ xưa đến nay là như thế, không chỉ nhận biết bởi bảy con chim là hai con mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi và một lỗ miệng gồm răng và lưỡi. Sự nhạy cảm của trái tim và minh mẫn của trí não với sự nỗ lực phi thường mới thấu suốt được bức màn che vật chất và những biến tướng vô hình luôn chuyển động. Phải quan sát, suy nghĩ ngay cả trong giấc mơ.

Yah ong thuw abih jwai damưn
Mưgrak mưgru khing ka krưn halei mưng hu urang taka
Halei ong xanưng ligaih thuw dahluw
Dauk di lok kayuw batuw jang twei cađang hatai.

Nếu ông tỏ tường đừng hoài phí
Nghiên cứu cho thấu đáo mới mong người nhờ cậy
Suy tính đâu vào đấy trước
Trong thế giới vô tri như gỗ đá cũng thuận theo lẽ đạo.

Cho dù ông có hiểu biết hơn người cũng không nên chủ quan tự mãn. Mỗi sự việc đều có những vướng mắc khác nhau tùy vào không gian thời gian nhất định. Phải luôn nghiên cứu học hỏi theo trào lưu phát triển của thời đại để không lạc hậu cố chấp với những định kiến cực đoan để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người dân thấp cổ bé miệng. Mọi sự việc phải được suy tính cân nhắc cho hợp lẽ trước khi giải quyết vấn đề. Được như vậy thì dù cho nhiều đối tượng người vô tình vô cảm như gỗ đá cũng bị cảm hóa tuân phục.

Bilan mak than on o thei ra thuw
Krưn ke bilan biruw piơh nưm tơl hadei
Panưh tabiak di dalam xakarai
Thei ra glaung bidi biniai pơng bijip blauh xanưng.

Tháng Chạp chuyển mùa ai người hiểu
Biết cho tháng mới để ghi dấu ngày sau
Trích ra từ trong cổ thư
Ai người cao đạo nghe cho kỹ rồi nghĩ suy.

Thường thì một năm có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, nhưng với người Chăm một năm chỉ có hai mùa: Bilan Halim và Bilan Bhang tức là mùa mưa và mùa khô. Khí hậu thổ nhưỡng dải đất miền Trung là như thế cho nên cuối tháng Chạp lịch Chăm bắt đầu chuyển mùa với tiếng sấm gầm vang lay chuyển đất trời báo hiệu vào đầu năm mới với những tín hiệu mới. Những thành bại trong năm cũ đã qua đi và năm mới sẽ chất chứa bao niềm tin và hy vọng vào sự no ấm yên bình. Ai ai cũng phấn chấn hồ hởi, mong được làm một việc gì đó tốt hơn năm cũ. Để đạt được mục tiêu ấy, trước hết cần phải trau dồi kiến thức, rút ưu khuyết điểm những gì đã qua. Không gì tốt hơn là rút tỉa từ cổ thư, một kho tàng được tích lũy qua nhiều thế hệ. Ai người hiểu biết thì nghe cho kỹ rồi gẫm suy học hỏi. Đây là đợt kiểm tra kiến thức cuối năm cho những ai tư/bị gán mình là trí thức.

Thei xakrưn ka pariak saung mưh
Sa bauh cơk dơng di krưh o thuw libik pak halei
Thei xakrưn ka talei sa bimong
O thei twơr thei crong jei hapak o bboh xaglơng.

Ai nhận biết đâu là bạc với vàng
Một ngọn núi đứng chính tâm không đâu nơi chốn
Ai thấu chăng cho dây một chùm
Chẳng ai treo ai đỡ đầu mối đâu không thấy.

Bạc ở đây tượng trưng cho xương và vàng tượng trưng cho da. Còn hai màu nữa không thấy nhắc đến: Đỏ tượng trưng cho máu và đen tượng trưng cho lông tóc. Một trái núi nằm giữa tượng trưng cho thịt che chắn những bộ phận trong cơ thể con người. Nghĩa xa, vàng và bạc là biểu tượng của sự phồn vinh bền vững, ngọn núi là cơ bắp để vận động biểu tượng của sức khỏe. Sợi dây một chùm là bộ tiêu hóa gồm thực quản dạ dày ruột non ruột già. Chúng liên kết với nhau một cách tự nhiên như nhiên, chẳng ai bố trí điều khiển. Đây là kiến thức cơ bản về cơ thể học được trình bày dưới dạng triết học.

Dauk di lok thuw xanưng tơng tabơng
Panwơc kadha bisiam khing pơng tathit dalam   apabhap                                                                                                                                        
Thei xathuw ia dalam sumut drak
Bilan halim o thuw bak bilan bhang o thuw ka thu.

Sống ở đời biết nghĩ suy so sánh
Lời lẽ đẹp hay cần lắng nghe ghi vào tâm khảm
Ai nhận biết nước trong biển khơi sâu thẳm
Mùa mưa không đầy hạn chẳng khô.

Đã sống trên cõi đời này, dù muốn hay không muốn ông cũng phải học cách tồn tại. Học để sản xuất bằng cơ bắp là của kẻ phàm phu, còn trí thức phải động não để hướng đến mục tiêu cao hơn: Hiểu biết khoa học để từng bước nâng cao đời sống. Trước tiên phải hiểu chính bản thân mình và đồng loại, hiểu quy luật vận động của thiên nhiên mà con người là một tiểu vũ trụ để quy chiếu và giao hòa. Muốn thế ông cần có óc quan sát, đối sánh và suy ngẫm. Những điều hay lẽ phải luôn được khắc ghi những khi có dịp học hỏi. Nước là nguyên tố quan trọng nhất để duy trì sự sống, không những trong thiên nhiên mà ngay cả trong cơ thể con người. Nguồn nước chính ở đây là máu lưu thông khắp châu thân như biển cả bao la để nuôi sự sống. Dòng chảy này không bao giờ thay đổi trong bất kỳ biến đổi thời tiết như thế nào. Dòng chảy ngưng là sự sống chấm dứt!

Thei jak xanưng blauh bino
Riyak pauh biak lo thei urang dauk pađơr
Pauh tabiak dwa tamư nan sibơr
Thei tathit blauh bican glaih glar o mưda akhan.

Ai người tài nghĩ suy rồi giải
Sóng vỗ thật nhiều ai kẻ khiến sai
Vỗ ra vào hai là thế nào
Ai sở đắc thì lý giải chẳng ngại bõ công.

Máu lưu thông chẳng kể ngày đêm để nuôi dưỡng từng tế bào trong khắp cùng cơ thể. Mạch lớn vào mạch nhỏ vào mạch li ti xuất phát từ con tim mở van bơm vào động mạch chủ dẫn máu tươi để rồi trở về theo đường tĩnh mạch. Dòng máu đen vào tim lại được tái tạo và chu kỳ mới lại bắt đầu liên miên cho đến khi sự sống chấm dứt. Đó là bộ máy hoàn chỉnh của thượng đế, một cơ cấu vận hành tuyệt diệu mà thế giới loài người mãi mãi không thể với tới được. Có chăng chỉ là một bài học tham khảo.

Krung panwơc ra taha đom akhan
Mưng di hia piơh di tian blauh kanal tơng tabơng
Bilan Cabbur inư ew pabbơng
Drei ke bboh khing glơng srơh karang di hatai.

Tập tục xưa người già kể lại
Luôn ghi nhớ trong tâm để đối chiếu
Mùa cabbur mẹ làm lễ cúng bái
Mình chẳng bận lòng nên tâm trí u mê.

Bản sắc văn hóa dân tộc luôn được thể hiện trong phong tục tập quán và các lễ hội. Cabbul là Lễ tế đất thuộc âm được tổ chức vào hạ tuần tháng 9 Chăm lịch. Đây là một lễ hội quan trọng đối với chế độ mẫu hệ. Có lẽ thời xưa, lễ hội này được tổ chức rất trọng thể nhưng giờ đây bị lép vế so với Lễ hội Kate là Lễ tế trời thuộc dương được tổ chức vào thượng tuần tháng 7 Chăm lịch. Vì lý do thời cuộc thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Rija Nưgar đúng ra là Tết Nguyên đán của người Chăm được tổ chức vào đầu tháng 1 Chăm lịch cũng bị lu mờ cùng chung số phận. Đây là ba lễ hội lớn nhất của người Chăm. Nếu một trí thức Chăm không hiểu hết tầm vóc ý nghĩa của ba lễ hội này thì việc hao tâm tổn tướng là điều không thể trách móc ai khác.

Taum thun than on nan mưrai
Su-uh su-on dalam hatai thei urang blauh khing wơr
Thei thuw ka ia nhjơr di tabơng
Tajuh bauh bingun tanan ia dangaih o thei twah

Cuối năm tiếng sấm vọng về
Lo lắng trong lòng ai người đâu dám quên
Ai biết cho nước rỉ trong giếng
Bảy cái giếng ở đấy nước trong chẳng ai vét

Thế là đã ngày cùng tháng tận, tiếng sấm chuyển mùa báo hiệu một năm mới sắp đến. Trong lòng mọi người ai cũng lo lắng về những điều sẽ diễn ra trong tương lai, một khi bao điều còn tồn đọng trong năm qua chưa được giải quyết ổn thỏa. Điều ấy nào dễ quên và còn mãi ám ảnh thân phận trí thức. Nếu ta cất công đào một cái giếng thì nước mạch ngầm trong lòng đất sẽ chảy vào đủ cho ta dùng. Nước chưa trong thì ta còn nạo vét cho đến khi đạt tiêu chuẩn sạch. Còn mạch nước từ bảy lỗ trong cái đầu mình cứ đục ngầu, không nhìn rõ sự vật thì nạo vét ra sao?! Lại phải tiếp tục tu dưỡng tôi luyện bằng chính sự nỗ lực quyết tâm của chính bản thân mình. Không ai có thể nạo vét thanh sạch thay cho mình cả. Có tỉnh táo sáng suốt, mình mới đủ sức đương đầu với những thử thách đang chực chờ phía trước trong khi phía sau gánh nặng vẫn chưa buông.

Thei xakrưn ka dwa jalan dwa canah
Di ngauk batuw aryakah ia nhjơr trun mưrai
Hajiơng hu sa adei sa xa-ai
Tak di kal khing mưrai xa-ai kacwa adei taluc.

Ai biết về hai con đường hai ngả rẽ
Trên tảng đá vô thường nước rỉ dẫn về
Sinh ra được một người em một anh
Đến từ xa xưa là anh cả và em út.

Đường đời luôn là ngả rẽ và đường trong thân người cũng vậy. Từ hai con mắt, hai lỗ mũi hai lỗ tai, hai lá phổi, hai quả thận… đều dẫn về một mối. Ở đây hai con đường hai ngã rẽ cần được phân biệt rõ ràng là cơ quan sinh dục và bài tiết của người phụ nữ. Tảng đá vô thường nước nhỉ dẫn về là sự phối ngẫu của noãn châu dịch chuyển từ hai buồng trứng của người phụ nữ đón đợi tinh trùng của nam giới để từ đó có anh có em ra đời. Chuyện đó không phải mới hôm nay, mà đã có từ thời xa xưa truyền đời. Rằng thuở hồng hoang đến trần gian này chỉ duy nhất một người anh trai cả và một đứa em gái út. Đó là chàng Adam và nàng Eva tạo dựng nên con cháu loài người. Bài học về sự truyền thừa giống nòi là như thế và đây cũng là kiến thức cơ bản cho người con trai trang bị trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.

Thei thuw ia tamuh di ngauk katwơc
O bboh tabơng thei ra kwơc ia nhjơr rai taba
Thei thuw ka apwei saung ia
Di tabơng nhjơr taba apwei ghwơh oh padơm.

Ai biết nước phun trên gò mối
Không thấy giếng người đào nước rỉ dòng ngọt
Ai biết cho lửa với nước
Từ giếng rỉ nước ngọt lửa cháy không hề tắt.

Những mạch nước bí hiểm vẫn tuôn chảy từ những mạch ngầm lan cả trên gò mối. Ở đây là sự ẩn dụ thú vị về hình dạng của đôi bầu sữa mẹ căng tràn sẵn sàng cho con bú mớm. Nguồn sữa ấy là tinh túy của đủ loại thức ăn mà chỉ có người sản phụ mới sản sinh ra được và chẳng ai biết được nó hình thành từ đâu. Còn ai biết sự tương quan giữa nước với lửa. Mới nghe qua thì nước là khắc tinh của lửa nhưng tại sao ngọn lửa ấy vẫn luôn cháy sáng một khi dòng nước vẫn rỉ ra từ giếng?! Đơn giản vì loại nước này là chất đốt, là loại dầu mỡ động thực vật dùng để thắp sáng và để khống chế đêm đen.

Thei xakrưn ka ak patih saung ak hatơm
Pơr harei oh thuw mưlơm nhu dauk mư-in di jallidi
Thei thuw ka ciim mưh dauk tani
Dauk dalam jallidi ppahalwei jrai pariak.

Ai biết về quạ trắng với quạ đen
Bay ngày không biết đêm nó chơi giữa biển khơi
Ai biết cho chim quít ở nơi này
Ở trong biển khơi ẩn dưới bóng râm màn che bạc.

Từ nước đến lửa, từ thực vật chuyển qua động vật được ẩn dụ qua đôi mắt. Quạ trắng là tròng trắng và quạ đen là tròng đen. Hai con quạ này bay chơi suốt ngày trong biển sâu là hố mắt, ban đêm thì đi ngủ. Còn hình tượng con ngươi luôn chuyển động theo hướng nhìn và biểu lộ trạng thái tâm lý tình cảm của con người thì được ví với chim quít. Đây là loại côn trùng nhỏ có màu xanh phản quang lấp lánh, thường được trẻ con bắt làm trò chơi. Tụi nhỏ lấy cây que xỏ vào chóp đuôi rồi lúc lắc, thế là nó xòe đôi cánh múa may rất sinh động không khác gì đôi con ngươi láo liên của lũ trẻ đang chăm chú theo dõi một cách thích thú. Con chim vàng quý giá này luôn được che chắn kỹ càng dưới hàng lông mi cũng đang lấp lánh dưới ánh mặt trời không khác gì một bức rèm che bằng bạc.

Thei xakrưn ka jrai mưh saung jrai pariak
Ppahalwei o brei pađiak hajan angin jang o nhjơp
Thei xakrưn ka haluw kraung dauk dađơp
Dwa rabaung đwơc hatơp trun pabah lơmngư.

Ai biết đâu là rèm vàng với rèm bạc
Phủ bóng râm che chắn nắng gió mưa
Ai biết chăng nguồn sông ẩn kín
Hai con mương chảy xiết xuống cửa biển.

Không chỉ có bức rèm bạc là lông mi mà còn có bức rèm vàng là lông mày để bảo vệ đôi mắt. Tạo hóa rất tinh tế và khoa học trong mỗi vai trò chức năng trong điều kiện ắt có và đủ. Với hàng lông mày phòng thủ từ xa đã giảm thiểu tối đa sự tác động mưa nắng, mồ hôi… đã hỗ trợ lông mi che chắn trực diện gió bụi và các vật lạ cộng với sự nhanh nhạy của con quít là cái chớp mắt phản xạ kịp thời. Đại dương bao la ấy có hai cửa xả như hai dòng sông ngầm là hai tuyến lệ có công dụng rửa mắt cũng như tạo chất nhờn vận động. Đó cũng là hai mạch ngầm dẫn nước mắt xuống cửa miệng mỗi khi ta kìm nén vui buồn và nuốt ực vào trong khi không giải tỏa được.

Thei thuw ka baraung đwơc tamư
Trun pabah lơmngư đwơc pagan ngan dalwơn
Mưyaum lo ka ia hajan saung ia kakwơr
Ia hajan laik tapwơr ia kakwơr o bboh khing glơng.

Ai biết cho ống cống chảy vào
Xuống cửa biển chảy ngược hay xuôi
Khá khen cho nước mưa với giọt sương
Mưa rơi từng cơn còn sương chẳng ai thấy.

Những ống nước chảy vào không biết từ đâu và vì sao. Tràn xuống hốc mũi chảy ra hay dẫn vào cửa miệng nhổ toẹt ra ngoài hay lại lẳng lặng cố nuốt vào trong. Dòng nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ lội ngược về nguồn như sự tuần hoàn của máu. Đó là những biểu hiện tình cảm tự nhiên mà khó có ai làm chủ được mình bằng sự kiềm chế trước những biến cố bi thương của cuộc đời. Còn nước mưa và giọt sương kia cũng chảy cũng rơi từ trên bầu trời. Mưa lâm râm thánh thót, mưa như trút nước, mưa trong gió gào bão thét thì ai cũng từng chứng kiến. Còn giọt sương kia rơi nhè nhẹ từ lúc nào có ai hay biết và tan đi từ bao giờ nào ai biết ai hay cũng như tình cảm con người không thể lường được.

Halei ra jak xanưng thuw pơng
Tathit tabiak blauh bican urang pajiơng mưng liwik
Thei thuw ka ia kraung saung ia tathik
Riyak pauh taum bilik mưng bbak o thuw taba.

Ai người khôn ngoan biết suy tư
Giảng giải truyền ra điều người xưa lưu lại
Ai biết về nước sông với nước biển
Sóng cuộn vỗ nước mới mặn không hề nhạt.

Người ta nói rằng: “Trên đời không có gì vĩ đại bằng con người và trong con người không có gì vĩ đại bằng trí tuệ.”. Chỉ có những con người được trang bị một nền tảng kiến thức vững chắc, tu dưỡng đạo đức căn cơ, tôi luyện ý chí sắt thép với tinh thần sống vì mọi người mới có thể thấu hiểu những điều người thường không hiểu. Sự hiểu biết ấy không phải là độc tôn của một ai mà cần được truyền giảng cặn kẽ, phổ quát cho những ai ham học hỏi để có thể vận dụng vào thực tiễn những điều người xưa tích lũy qua bao thời đại. Nước luôn chảy từ cao xuống thấp, những con suối sẽ dẫn về dòng sông qua bao ghềnh thác để rồi đổ xô vào biển cả bao dung. Sự đón nhận vô biên ấy cùng những cơn sóng dập dồn cuộn vỗ không ngừng đã tinh tụ vị mặn đặc trưng của biển như chính vị mặn trong dòng máu, giọt mồ hôi nước mắt trong cơ thể con người vậy.

Ppo ppajiơng dom ikan dauk di ia
Takai tangin oh mưda sang danauk o hapak
Dalam tathik ia li-an saung ia pađiak
Taglong tabblak o thei ra ngap glar glaih o thei pađơr.

Trời sinh loài cá ở dưới nước
Chân tay nào có nhà ở cũng không biết nơi đâu
Trong lòng biển nước lạnh với nước nóng
Lắc lư chẳng ai khiến mệt nhoài không ai sai.

Trời sinh muôn loài với những đặc tính khác nhau: con bay trên trời, con chạy trên đất, con bơi dưới nước, con chui dưới đất; thậm chí những con vi khuẩn li ti không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Như loài cá sống dưới nước, tay chân chẳng có nhà cửa cũng không nhưng vẫn tồn tại trong điều kiện và môi trường sống của mình. Huống chi con người có đủ tay chân, cho dù có mất mát phần nào cơ thể hoặc cho dẫu nước mất nhà tan cũng phải cố vươn lên giành lấy quyền được sống. Ngay trong lòng biển cả mênh mông cũng có chỗ nông chỗ sâu chỗ nóng chỗ lạnh. Có vận động thì dòng sông mới không tù đọng, biển có nổi sóng thì đại dương bao la kia mới tự gội rửa chính mình, trời có nổi gió thì không khí mới trong lành tươi mát. Và con người ta cũng không đi ngoài quy luật ấy, rèn luyện cơ thể để bảo vệ sức khỏe, động não tư duy để học hỏi và sáng tạo.

Thei xakrưn ka Ppo bita dơr drei
Yah pađang nan halei di dalam apbhap
Thei xakrưn ka danauk Ppo bita
Saung danauk di grơp adhwa nưbi halei jang thuw abih..

Ai biết cho đấng tối cao quanh ta
Nếu nhận biết thì chỉ trong tâm tưởng
Ai biết chốn ngự của đấng tối cao
Nơi ấy ở khắp nẻo đường thánh thần nào cũng rõ.

Những linh hồn khuất mặt luôn ở quanh mình và hiện diện khắp mọi nơi. Chúng ta chỉ có thể nhận biết bằng sự thành tâm chứ không thể chứng minh bằng khoa học. Đó là tòa án lương tâm trong chính mỗi con người. Chúng ta có thể che mắt người trần, lưồn lách pháp luật bằng nhiều thủ đoạn tinh vi nhưng vải thưa không thể che được mắt thánh. Người trần có nhà cao cửa rộng còn chỗ ở của thần thánh thì vô hình vô tướng, nhưng khi hoạn nạn con người vẫn cứ kêu cứu thần thánh một khi không còn niềm tin vào đồng loại.

Thei sakrưn ka debita dơr dih
Thuw krưn ppa-abih nan mưng drei klah di dwix
Thei thuw ka danauk Ppo Alwah
Ngan danauk nưgar Mưkah nan ni dauk pak halei.

Ai hiểu thượng đế khắp phương
Nhận biết cho kỳ hết mới khỏi vương tội lỗi
Ai biết nơi ở của đấng Alla
Hay xứ Mecca ở tận nơi nào.

Nhận biết thần thánh chung quanh mình vẫn chưa đủ mà phải hiểu thêm thần thánh ở những phương trời xa. Có như thế thì mình không phạm vào tội lỗi trong cuộc sống vốn đầy rẫy những cạm bẫy thử thách. Cuộc sống tâm linh Chăm luôn hòa quyện với sinh hoạt đời thường. Thần thánh ở đây là những vị vua đã hóa thần, những bậc tiền nhân đã có công khai phá dựng xây mảnh đất này cho con cháu được thừa hưởng ngày hôm nay. Đó là những tấm gương sáng để soi và sửa mình, nếu không ta dễ phạm sai lầm và đi vào con đường tội lỗi. Chúng ta phải hiểu được đấng Alla là ai và ở đâu, tại sao lại hiện diện ở miền đất này? Dù gì đi nữa thì đó cũng là phước lành cho chúng ta có đủ niềm tin, sự vị tha bao dung để dắt dìu nhau sống tốt.

Yah thuw ka danauk dauk saung drei
Xa-ai kacwa pak halei mưtưh tabha adei taluc
Khik adat mưng ra taha nan pwơc
Adat cabbat caik panwơc mưng liwik kal mưrai.

Nếu hiểu được thì nơi ấy ở cùng ta
Anh cả nơi đâu ai là thứ ai út
Giữ đạo tiền nhân lưu truyền lại
Phong tục để đời từ xưa đến nay.

Nếu chúng ta hiểu hết sự việc thì chúng ta mới có một nơi chốn dung thân yên bình cả về đời sống lẫn tinh thần. Trên mảnh đất nhiêu khê này, ai đến trước là anh cả còn đến sau và sau nữa là thứ và út. Sự tranh giành của cải trong cổ tích hay đời thường thì cũng chung một kịch bản mạnh được yếu thua. Điều không thể đánh mất cũng như không ai có thể tước đoạt đó là đạo lý làm người, phong tục tập quán từ ngàn xưa để lại. Đó là bản sắc văn hóa dân tộc hiển lộ trong nếp sống, tiềm ẩn trong tư duy và phát tán nơi phong cách mà nếu một ai đó lãng quên hoặc phủ nhận thì vô phương cứu chữa. Đây cũng là một bài học sơ đẳng về triết lý lịch sử không dễ cảm nhận và cảm thụ.

Khik biyuw mưng dalam xakkarai
Inư amư ngan urang Ppo bita o pak halei
Gru patauw biak panwơc Ppo ppabrei
Urang ppajiơng akhar ka drei raung ba mưng rinaih

Giữ đúng mực như trong cổ thư
Mẹ cha hay người ngoài đấng tối cao cũng thế
Thầy dạy đúng những lời tiền nhân
Người truyền chữ cho ta giáo huấn từ khi bé

Cổ thư Chăm để lại không còn nhiều và phần lớn không được hiểu thấu đáo nên việc làm đúng càng trở nên khó khăn. Việc giữ đạo lý với mẹ cha hay người ngoài và ngay với cả thánh thần cũng vì thế mà sao nhãng hay không thể hiện đúng mức. Có thể vì thời thế đổi thay, môi trường sống biến dạng nhưng không vì thế mà đánh mất chính mình. Thầy đã cố gắng truyền đạt những điều người xưa để lại với mong mỏi con cháu nên người và đó là những bài học căn bản từ lúc ấu thơ, là la bàn định hướng cho con đường tương lai nhiều ngã rẽ đầy bất trắc.

Panwơc pwơc saung inư jwai ppaklaih
Yah pwơc o ligaih habơng di rup drei halơng
Dwix xak halei ke bboh xaglơng
Ra-i ra-o ragi ragan bauk brah thah glar.

Chớ nói lời dứt tình với mẹ
Nếu mẹ nặng lời thì cứ tự mình rút ưu khuyết
Tội lỗi ở đâu thì không ai thấy
Lương tâm cắn rứt hệ lụy về sau.

Cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi dưỡng từ bé đến lớn khôn và luôn mong mỏi cho ta thành người hữu dụng. Cho nên không bao giờ phải nói lời ngỗ ngược xúc phạm đến người. Làm mẹ nói oan, làm quan nói hiếp là lẽ thường tình khi cha mẹ luôn đối phó với gian khó mưu sinh, những quan hệ đời thường không được như ý. Một khi cha mẹ nặng lời, không nên tranh cãi một cách quyết liệt cố giành lẽ phải về mình. Có thể thời đại đã thay đổi với những trào lưu mới mà thế hệ cha mẹ không có điều kiện tiếp cận hội nhập, nhưng không vì thế mà ta cho rằng cha mẹ lạc hậu. Mỗi thế hệ có những ưu tư riêng mà đó cũng là hành trang cần thiết để chúng ta mang theo trong suốt đường đời. Không có gì bất hạnh hơn khi có người con bất hiếu không biết vâng lời. Đó là một tội lớn mà chỉ có cha mẹ là quan tòa, không ai tham dự để làm nhân chứng. Nhưng con cãi cha mẹ thì trăm đường con hư, một qui luật bất biến trong bất cứ thời đại nào và nó sẽ ảnh hưởng lâu dài với bao hệ lụy không mấy tốt lành về sau.

Glơng khik dalam akhar blauh bican
Jwai mưgru wak wal drei hu ka ra limuk
Dauk di lok xanưng anak linhaiy likuk
Đa ka gơp gan limuk drei biak kan khing dauk.

Nhìn thấu vào chữ rồi nhận định
Đừng học thói ngược ngạo cho người ghét bỏ
Sống trên đời nghĩ trước tính sau
Để họ hàng chê trách e mình khó hòa nhập.

Giá trị của một cuốn sách tùy vào người đọc với một trình độ cảm thụ nhất định chưa nói đến sự đam mê phiêu lưu trong thế giới sách. Một cuốn sách hay mở ra gợi niềm hy vọng, khép lại mang điều hữu ích nếu người đọc ngộ được một điều gì đó cần tìm. Đọc sách không sâu không kỹ, không suy nghĩ thì chỉ tiếp thu những điều vụn vặt hời hợt và có xu hướng học đòi, học lỏm những tiểu tiết trong sinh hoạt đời thường để khẳng định mình. Nếu học những điều ngược ngạo để tranh cãi hơn thua thì dễ gây ngộ nhận mất lòng và dần dà bị thiên hạ ghét bỏ xa lánh. Sống trên đời phải rào trước đón sau, chỉ nói những điều tích cực để cảm hóa và cải hóa đối tượng chứ không nên áp đặt những lời miệt thị phỉ báng chỉ gây thêm hận thù chia rẽ. Chúng ta sống vì lợi ích chung của cộng đồng, còn nếu như vì quyền lợi riêng mà xúc phạm đến người khác thì dù ta có tài giỏi đến đâu cũng chỉ là người dưng trong con mắt người thân.

Xanưng ppablauh drei dauk saung urang
Panwơc sibơr dauk bisiam urang anit drei bithrwai
Jak karak khik bidi khik biniai
Jwai mưxak praung hatai nan drah atah di urang.

Sống với người phải suy nghĩ trước
Lời nói sao cho hay đẹp người thương ta dài lâu
Khôn ngoan giữ thái độ ôn hòa
Đừng trịch thượng to gan người đời xa lánh.

Phải hòa đồng với tất cả mọi người tùy theo đối tượng tầng lớp. Lúc nào cũng khoe mẽ phô trương chứng tỏ ta đây hơn người thì khó thuyết phục người khác nghe theo mình. Những lời lẽ chân thành luôn được đồng cảm hơn là giọng điệu đao to búa lớn gậy múa vườn hoang. Người khôn ngoan biểu hiện qua lời ăn tiếng nói ôn hòa nhã nhặn nhưng không vì thế mà giả vờ khiêm tốn mị dân. Một người được cho là tài cao đức trọng là do người khác nhận định chú không phải tự mình xác định. Mọi hình thức quảng cáo tiếp thị chỉ mang tính nhất thời rồi sẽ đắm chìm trong lãng quên mãi mãi.

Blauh mưta idung cabbwai nau sa gah
Panwơc kadha drei krah jien padai drei tabiak
Khik adat twei jalan thattiak
Nan o thei ra ikak mưbai janưk caik di drei.

Rồi mắt mũi môi đi mỗi nẻo
Lời nói mình giỏi tiền bạc mình hao
Giữ đạo theo đường thủy chung
Như thế không ai để tâm oán hận.

Chính bản thân mình không nhất quán trong lời nói việc làm thì còn ai tin tưởng?! Mắt nhìn một bên, mũi ngửi một đường, môi cười một nẻo tùy lúc tùy thời, bản thân mình cũng không hiểu được mình thì còn ai hiểu được. Cho dù lời lẽ mình hay, tiền bạc mình bỏ ra chi phí mọi chuyện nhưng một khi mình đã mất niềm tin nơi mọi người thì có cố gắng đến đâu cũng như muối bỏ biển, không thể cứu vãn được. Cho nên phải một lòng theo đúng đường đạo lý ngay từ bước đầu cho đến điểm cuối của một đời người. Muốn như thế phải đè nén những dục vọng tầm thường, cảnh giác những miếng mồi cạm bẫy vinh hoa vụn vặt, không ức hiếp dồn ép người khác vào cảnh khốn cùng để mình hưởng lợi… Có vậy thì không ai để tâm oán hận hay nguyền rủa mình và lương tâm mình cũng không gì phải ray rứt vào giây phút cuối đời chia tay thanh thản bình yên.

Dauk ligaih saung gơp gan likei kamei
Praung rinaih abih drei bithuw mưng pwơc blauh tabơng
Ppo ppajiơng labang tangi piơh pơng
Ppajiơng mưta piơh glơng pajiơng tian piơh xanưng.

Sống thuận với họ hàng bên gái trai
Nhân nhượng mọi người lời nói cân nhắc
Trời sinh ra tai để nghe
Ra mắt để nhìn ra tâm để nghĩ suy.

Để khẳng định được mình, trước tiên phải sống hòa thuận với họ hàng cả đôi bên nội ngoại. Biết nhân nhượng mọi người trong từng lời nói cử chỉ trong sinh hoạt đời thường cũng như những khi họ hàng có lễ tang giỗ chạp cần sự đỡ đần hỗ trợ. Không ỷ thế cậy quyền để thoái thác trách nhiệm một thành viên trong gia đình với những vai trò chức năng cần thiết. Bởi vì ông trời sinh ra tai để nghe, con mắt để nhìn và tâm tư để suy nghĩ những điều phải trái thiện ác. Không thể coi thường dư luận hay nhìn người đời với con mắt khinh thị bởi vì ta sống vì họ và ta tồn tại cũng từ họ. Nếu ta tách rời như một chiếc que trong bó đũa hoặc rời bỏ một con thuyền đắm để thoát thân không sớm thì muộn, thân phận ta chỉ là ánh đèn loe loét trước dông bão cuộc đời.

Dauk di lok tơng tabơng sibơr bijiơng
Tian urang gơp gan tabơng hakauh ngan dalam
Dauk di lok xanưng ka blauh bican
Yah ra dom pwơc yuw nan xanưng wơk hai yuw ni.

Sống ở đời tính toán sao cho ổn
Bụng dạ người trong họ hàng nông sâu phải biết
Lời nói nghĩ kỹ trước khi nhận định
Nếu người nói thế kia mình cũng nghĩ lại thế nọ.

Một con người có học thì phải tỏ rõ lập trường quan điểm để sẵn sàng xử lý trong mọi tình huống. Nếu có người nói những điều không trùng hợp với ý tưởng của mình thì không nên vội vàng phản bác mà phải từ tốn phân trần giải thích, nếu người nghe không thể cảm thông thì nên im lặng là vàng chứ không nên tranh luận vô lối. Mỗi con người sinh ra lớn lên trong một môi trường văn hóa giáo dục riêng, không phải ai cũng giống ai nên bất đồng mâu thuẫn là tất yếu. Bụng dạ con người cũng nông sâu khác nhau nên không thể nhất thời cào bằng quy về một mối. Nhưng không vì thế mà ta tỏ ra yếu đuối trong những tình thế cần xác định bản lĩnh để giải quyết vấn đề.

Yah biak xanưng yuw nan mưng hu
Pwơc dalam ar bingu rim mưnưk abih tanan
Dom urang patauk gila pơng o jiơng
Hawing hawang lin mưklơm xup palup maung o bboh.

Nếu suy nghĩ thấu tình
Ẩn ý người xưa muôn vật đều như thế
Mấy kẻ dại khờ nghe không thấu
Choáng váng tối tăm đêm đen nhìn chẳng thấy.

Nếu một con người đạt tới một trình độ nhất định thì sứ mệnh của anh là phải kéo người khác lên khỏi vũng lầy dốt nát chứ không thể tự mình hạ xuống hòa đồng với số đông chưa được khai hóa và cam tâm chấp nhận lạc hậu. Ẩn ngữ của người xưa khải ngộ rằng: Phàm là con người thì ai cũng bình đẳng về mọi mặt, tạo hóa sinh ra muôn vật đều có quyền sống như nhau. Nhưng với loài người một linh vật, có tu dưỡng tôi luyện vươn đến con người mới thoát khỏi kiếp thú. Những kẻ u mê vì không đủ điều kiện hoặc ý chí học tập thì một vấn đề tưởng như đơn giản cũng không hiểu được. Một người không được trang bị văn hóa giáo dục căn cơ thì không thể nào cảm nhận được sự cần thiết của văn hóa giáo dục. Muốn cải hóa họ phải kiên trì độ lượng theo từng thời điểm. Phải cho họ bó đuốc soi đường vì họ đang chới với sờ soạng trong màn đêm đen.

Halei ra jak nhu pwơc chai ra ginrơh
Xakarai nhu thuw abih harei mưlơm akhin pakal
Urang gila pơng o jiơng ywa patauk
Dom xanưng blauh nhu dauk urang đom pơng o hu.

Người khôn thì ăn nói như thần
Triết lý tinh thông thiên văn cữ kiêng đều biết
Kẻ ngu không hiểu vì vụng
Nghĩ rồi nó ngồi ngây dại người nói không biết nghe.

Mỗi người có một thiên tư bẩm sinh thiên phú, người thông việc này kẻ thạo việc khác. Nếu người thông minh học một biết mười thì kẻ đần độn học mười biết một nhưng ta không vì thế mà xem khinh những kẻ không may mắn. Trái lại người được trời phú phải bổ trợ giúp đỡ những kẻ vụng về bất hạnh. Người khôn ngoan vì được trang bị kiến thức thuận lợi nên điều gì cũng biết, việc gì cũng làm được, còn người khờ dại thì chẳng được cơm cháo gì lại còn mặc cảm nên thường tự ái cãi chày cãi cối nên dễ sinh va chạm không đáng có gây mất lòng. Suy cho cùng, người có học phải nhận lãnh điều sai về mình có lẽ vì đã không giải quyết vấn đề một cách thấu đáo thuận tình.

Dom yuw nan ra dwah akhar blauh mưgru
Adat cabbat khing ka hu janưk hanim thuw abih
Dauk di lok bac mưgru ppa-abih
Pathuw mưng dom bihacih dom panwơc ra tah.

Bởi thế người tìm chữ để học hỏi
Lễ nghi phải biết dữ lành phải hay
Sống trên đời học hành thấu đáo
Học gì biết nấy căn cơ những lời người xưa.

Để xã hội tiến bộ theo kịp thời đại phải tìm đúng thầy, đúng sách để học tập nên người. Phải hiểu phong tục tập quán, những lễ nghi cần thiết cho một vòng đời cùng sự kế thừa mà ai cũng phải trải qua. Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng được tích tụ và vun bồi qua nhiều thời kỳ dâu bể khác nhau với những số phận khác nhau. Cho nên, không thể áp đặt một nền văn hóa này rập khuôn theo nền văn hóa khác một cách khiên cưỡng đại trà. Những lành dữ trong cuộc sống không chỉ bị tác động bởi khách quan mà yếu tố chủ quan vẫn mang tính quyết định. Người biết sẵn lòng chỉ người không biết một cách vô vị lợi. Người không biết sẵn lòng phục thiện, cầu tiến học hỏi những gì mình chưa biết. Học điều gì cũng phải căn cơ thấu đáo mới không va vấp những hiểu lầm ngộ nhận đáng tiếc. Mọi mặc cảm tự ái vặt, sĩ diện hão cũng cần được triệt tiêu!

Jwai pwơc pagak pagan nan gila
Tơl hadei dwix ni sa bboh drơh blauh khing thuw
Dwix xak mưng di ray ra dahluw
Kaywa panwơc drei o thuw dwah akhar caik di rup.

Đừng nói ngược ngạo là ngu
Đến ngày sau tội lỗi bấu vào mới biết
Tội lỗi tồn đọng từ đời trước
Bởi mình không hiểu hết nên cần tìm học để trang bị.

Đừng nói lời ngược ngạo với những lý do chứng cứ không xác đáng khi phải đối mặt với một thực tế phũ phàng không như ý. Điều ấy chứng tỏ mình chưa đủ bản lĩnh đương đầu với những thử thách cuộc đời. Sau khi đã nếm trải những thương đau mất mát bất khả kháng, những bối cảnh tình huống tiến thoái lưỡng nan chẳng đặng đừng thì mới sáng mắt ra rằng cuộc đời xưa nay vẫn như thế và cứ như thế nếu không có một giải pháp khả dĩ hơn. Nghiệp chướng này đã tồn đọng từ đời trước và đến hôm nay vẫn cứ âm ỉ như ngày nào. Không nên phê phán oán trách một ai mà phải tự trách mình chưa trang bị một hành trang có và đủ vững bước trên con đường tương lai thênh thang niềm tin và hy vọng

Hơc aseh đaum kanal pơng bijip
Panwơc dalam gru caik ka drei blauk khing twơk
Halei gila saung patauk caik wơk
Nưh tabiak ka ra twơk panwơc dalam ariya
Pơng baik dom patauk ngan gila
Panwơc mưng ra taha piơh di tian khik ramik.

Hỡi học trò hãy ghi nhớ cho cặn kẽ
Lời sâu nặng thầy gởi gắm mình phải tuân theo
Những điều vụng dại để lại
Dẫn giải cho mọi người theo lời lẽ trong thơ
Nghe thôi dù dại hay khờ
Lời lẽ từ xưa ghi lòng giữ gìn truyền tụng.

Đến đây, tác giả lại một lần nữa chuyển nhân xưng từ ông qua trò. Đối tượng nghe vừa là một người con được giáo huấn từ khi còn bé cho đến khi trưởng thành làm quan để giờ đây vẫn hiện nguyên hình một người học trò vụng dại. Nhưng không lẽ cứ dạy hoài dỗ mãi, đã đến lúc phải kết thúc thôi và người con phải kế thừa vai trò người thầy một khi người cha sắp khuất bóng. Cho dù mình có thành đạt đến đâu thì sự học vẫn cứ tiếp diễn cho đến hết đời người. Những lời lẽ sâu xa của tiền nhân thì không thể một sớm một chiều hiểu thấu. Và khi đã sở đắc phải truyền giải cho người khác thì cộng đồng mới có cơ may tiến bộ. Những điều sai lầm thì phải quyết tâm dứt bỏ, những kẻ dại khờ thì phải tìm mọi cách nâng đỡ vì đó chính là những hòn đá tảng làm trì trệ xã hội. Tiếp thu điều hay lẽ phải luôn khó hơn học đòi những trào lưu mới lạ lai căng hời hợt. Vì vậy, những lời gửi gắm của người xưa trong cổ thư là kim chỉ nam dẫn đường và con đường ngày mai dẫn đến đâu là ở những người con, những ông quan, những người học trò đã chú tâm đọc từ đầu đến cuối tập Ariya Patauw Adat Likei này. Mong là như thế!

Nhiều bạn trẻ đã hỏi tôi: Vì sao một nền văn hóa văn minh Chăm xưa kia rực rỡ huy hoàng đến thế mà ngày nay chẳng còn lại gì cho người sau kế thừa?! Xin thưa: Đây chỉ là những mảnh vụn còn rơi rớt lại trong đống tro tàn quá khứ, nhưng không vì thế mà kém giá trị. Những ngôi tháp sừng sững kia đang thi gan cùng dông gió thời gian cũng chỉ là những phế tích hoang lạnh cũng sẽ mãi mãi ra đi nếu không được người đời sau quan tâm trùng tu tái thiết. Và những tập ariya mỏng manh này cũng không ngoài số phận đó nếu chúng ta không biết nâng niu trân quý và hiểu đúng thông điệp của nó. Người viết chỉ khái quát câu chữ ngữ nghĩa để gợi mở nhân dáng bên ngoài, còn bên trong mỗi người đọc phải tự khám phá uẩn khúc tùy theo cảm thụ của riêng mình. Một người cha có thể không truyền thụ được tri thức tâm huyết cho người con, nhưng vẫn có thể được lĩnh hội bởi những người con khác ở đâu đó tùy theo cơ duyên và thời đại. Văn hóa nói cho cùng là khi trút bỏ hết những vỏ bọc bên ngoài mà bên trong vẫn rực sáng những tinh túy vốn có của nó. Bản chất ấy không dễ tẩy rửa phủ nhận, cũng không cần phải tô son trét phấn. Nói một cách khác, văn hóa là sự ứng xử với chính bản thân mình, giữa mình với đồng loại và giữa mình với môi trường sống. Điểm nhấn của văn hóa Chăm là chân thành, đó là sự khởi đầu và cũng là đích đến của một người mang tính người, nhân bản và nhân văn.

________

* Phần trích dẫn Ariya Patauw Adat Likei từ tác phẩm: Inrasara, Văn học Chăm II, Trường ca, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995, tr. 247-261.



Trong Tagalau 12
Source: Inrasara.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com