11 thg 12, 2016

TRÀ VIGIA: HÔN TRẦM HAY THỨC NGỘ



Làm người đã khó, làm Chàm lại càng khó hơn có lẽ! Trước tiên phải cần định nghĩa Chàm là gì? Chàm có nhiều nhà nghiên cứu khoa học tự xưng, tự phong hoặc được tấn phong với nhiều danh vị khác nhau nhưng nói chung it người quan tâm chiếu cố đến tâm tư tình cảm và nguyện vọng của họ để có những giải pháp tích cực và phù hợp trong từng tình huống cụ thể. Thông điệp của sống là yêu thương chứ không là thù hận, cho nên sự san sẻ là cần thiết để biết lắng nghe và thấu hiểu những gì họ đang trải qua hơn là những biện pháp chế tài mang tính răn đe dọa nạt trong nhất thời tạm bợ! Chàm phiên âm từ Cham có nghĩa là miền đất có chủ quyền, dơh di danaok daok di cam hàm í là: dừng tại nhà mình còn ở phải tại nơi mình làm chủ. Chỉ tiếc rằng có nhiều người không đủ điều kiện để xây cho mình một cái nhà nên phải lang bạt giang hồ rày đây mai đó, ở trọ căn nhà của người khác cho dù kiếp người đã là ở trọ trên cõi đời này chờ ngày trở về nơi chốn vĩnh hằng vô định! Dĩ nhiên không gian sống của họ chỉ là của người và họ không có quyền định đoạt những gì mà lẽ ra họ có quyền được thở. Trong sinh hoạt đời thường, không cha mẹ nào dạy con cái rằng Chàm là ai?! Mỗi thực thể sẽ tự khám phá ra mình qua cách ứng xử với người xung quanh, tự hỏi con tim qua từng nhịp đập để từ đó tự xác định mình. Đó là một quá trình khó khăn đầy thử thách để hình thành nhân cách của mỗi con người, tự diễn biến thoái hóa biến chất hoặc cố công tu dưỡng tôi luyện một bản lĩnh vững vàng sẵn sàng đương đầu đối phó với cuộc sống đầy rẫy cạm bẫy và cám dỗ. Vạch xuất phát làm Chàm là như thế!

Tập quán của người Chàm là sống quần cư theo từng palei, những thôn ấp hiện thời chỉ là hệ lụy của sự quy tập ngẫu nhiên theo những bước chân chạy loạn qua từng chặng đường lịch sử đẫm máu và nước mắt! Có lẽ vì thế mà không ai muốn rời bỏ làng quê để đi nơi khác mưu sinh, họ cần nương tựa vào nhau để tìm sự an ủi đùm bọc những lúc buồn vui no đói. Bởi họ biết rằng không ai thương họ bằng đồng tộc cùng chung máu mủ ruột rà, người sống ở đâu thì người chết ở đấy, lỡ có chết nơi khác cũng phải trở về nguyên quán quê hương! Thời thế đổi thay nên nếp sống ngày nào dần bị phá vỡ mà không ai có thể lường trước để hòa nhập và thích nghi một cách hiệu quả. Thôn làng không còn là một nền móng an toàn, ngôi nhà không còn là một mái ấm hạnh phúc và con người không còn là chủ thể để xác lập một tư thế đúng nghĩa! Môi trường sinh thái hoàn toàn biến dạng kéo theo sản vật của núi rừng sông biển ngày càng rời xa tầm với của người dân, cánh đồng cỏ tự nhiên nhường chỗ cho bê tông sắt thép khiến lũ trâu bò dê cừu ngơ ngác nhìn nhau ngậm ngùi. Kết cuộc không thể khác hơn, người dân phải bỏ làng ra đi kiếm sống cho dù biết rằng phải trả nhiều giá quá đắt. Cha mẹ bỏ lại lại con cái không ai chăm nom dạy dỗ nên chúng dễ bị hư hỏng với nhiều tệ nạn xã hội luôn ngày đêm rình rập. Con cái đi làm thuê phương xa bỏ bê cha mẹ già không ai phụng dưỡng, thuốc thang những khi ốm đau bệnh tật. Tình nghĩa gia đình họ hàng thân tộc ngày dần phai nhạt theo tiếng gọi của cơm áo gạo tiền, tình yêu quê hương cũng theo đó mờ dần theo từng bước chân xa xứ. Phong tục tập quán không còn là kim chỉ nam dẫn về cội nguồn, thay vào đó là đạo gạo đạo tiền đạo quyền đạo chức… Thua!

Quyền cơ bản tối thiểu nhất của con người là tự do ngôn luận và cư trú, bởi có giao tiếp mới hình thành nên cộng đồng xã hội và có an cư mới lạc nghiệp. Nếu quyền đó không được tôn trọng thì loài người mãi mãi không hiểu nhau, không thể sửa sai và điều chỉnh để sống chung hòa hợp thì sự tranh chấp dẫn đến chiến tranh là tất yếu. Tự do ngôn luận để con người phát huy cao nhất về giá trị tinh thần cho sự tiến bộ, tự do cư trú để con người có điều kiện tốt nhất để ổn định và nâng cao cuộc sống vật chất cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Hai quyền cơ bản đó xem ra đối với người Chàm còn rất mong manh, đôi khi không mà có và nhiều khi có cũng như không! Quyền đó không chỉ đơn thuần cho từng cá nhân mà quan trọng hơn cho cả một cộng đồng xã hội, không chỉ mang tính pháp lí thông thường mà còn hàm chứa giá trị nhân văn và lương tri nhân loại. Sự vụ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là một minh chứng vừa là nhân chứng để giải oan và giải mã cho sự cố rất may chưa xảy ra! Người Chàm phản đối điện hạt nhân đặt ngay quê hương mình không vì lí do kinh tế hay chính trị mà bản chất cốt lõi là vi phạm quyền tự do cư trú của họ. Nếu không may 1 trong 2 lò xì hơi hay phát nổ thì coi như tiêu tán đường tộc Chăm, kẻ sống sót cũng không biết chạy đi đâu để trú ẩn bởi nơi đây đã là chỗ dừng chân cuối cùng trên chặng đường chạy loạn năm xưa! Họ kêu cứu nhưng chẳng ai đoái hoài hay xót thương lời khẩn cầu thống thiết bi thảm của lũ vọt người đang cận kề bờ vực tuyệt chủng. Có kẻ còn trân tráo dạy đời: Chàm đừng có hoang mang nghe lời của các thế lực thù địch, nếu có sự cố thì Chàm chết có 1 trăm ngàn mạng, còn Kinh chết hơn 5 trăm ngàn lận, 1 chọi với 5 thì còn lời chán chết đi được! 1 ngày 5 là thế, bó chân chấm canh! Tất cả do dân và vì dân, dân nghĩ dân bàn dân làm dân kiểm ra hóa ra chỉ là khẩu hiệu để nghe cho vui, dân có buồn quá thì cũng chẳng được gì. Nói chẳng đặng mà nín cũng chẳng đành!

Nhiều bạn trẻ nói với tôi nghe mà thương, thế hệ tụi con chỉ ao ước được làm thổ dân châu Mĩ hoặc Úc. Ở đó họ được tôn trọng và được ưu tiên đặc quyền bản địa, họ có một môi trường sinh thái để phát triển, một môi trường văn hóa để không bị lai căn mất gốc, có một không gian xanh và sạch để hít thở nhẹ nhàng! Không khí quê nhà mình nặng nề ô uế quá, việc nhân nghĩa cốt ở yên dân mà muốn yên thân thôi sao còn khó hơn lên trời. Dù gì tổ tiên mình cũng đã khai phá gây dựng miền đất này để mọi người cùng hưởng, phải biết ơn và ghi công Chàm mình chớ. Cứ hăm he đưa lũ Chàm vào đài liệt sĩ hết thì còn gì tính người và tình người? Tôi ủi an bọn trẻ: tụi con cầu cứu mấy vị quan Chàm xem sao! Ối giời đất biển trời ơi cei sao mà lạc hậu quá xá ngoài xa tít, Chàm học càng cao chức càng to thì càng lẩm cẩm lầm bầm. Treo một nồi cơm niêu lủng lẳng dưới cổ lúc nào cũng sợ bể, đeo một xấp bằng cấp bằng khen huân huy chương trước ngực lúc nào cũng sợ gió bay để vỗ ngực xưng tên rằng ta đây Chàm xịn! Bọn hậu sinh khả ố chúng con chỉ là bàn đạp để cho mấy con robot múa rối giựt dây khoe mẽ, khổ và nhục lắm cei ơi… Ừ khốn nạn quá thành ra hết khốn nạn!

Ủa tụi bây tưởng tao sướng lắm sao?!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com