Ảnh minh họa: Internet |
Mỗi cá nhân có một cá
tính, mỗi địa phương có địa phương tính, mỗi dân tộc có dân tộc tính với nét
đặc thù riêng không dễ lẫn lộn với dân tộc khác. Thế dân tộc tính của Chăm có
đặc điểm gì? Nghệ sĩ, trung thực, bất khuất,…?
Tính nghệ sĩ của người
Chăm được biểu hiện rõ nét: người Chăm thích vui chơi, ca hát, nhảy múa… Nếu
phải xác suất thống kê thì cứ 10 người Chăm thì có 9 người thích hát và biết
hát từ trung bình hay trở lên. Với thể thao cũng thế, họ là những vận động viên
đa năng, kế thừa năng khiếu tiềm ẩn của tổ tiên. Không ngạc nhiên khi tỉ lệ nhà
thơ nhà văn khá cao so với điều kiện phát huy còn rất hạn chế. Tính nghệ sĩ đã
tác động đến sinh hoạt đời thường gắn liền với đời sống tâm linh tạo nên một bức
tranh đa màu sắc. Ngay cả trong lao động sản xuất, từ khâu làm đất cho đến thu
hoạch. Với ruộng đồng, đến mùa gặt hái, họ làm một cái chòi tạm để trú qua mùa.
Gặt xong cứ chất đống để đó rồi ăn chơi, đạp xong cứ để đó rồi ăn chơi, cho đến
khi lúa được chở về nhà lại ăn chơi theo nhiều hình thức chính quy khác đi kèm
với những lễ hội. Với nương rẫy, mùa thu hoạch bắp hay đậu, dưa hấu hay bí bầu.
Bà con cô bác ai muốn đến tham quan thưởng thức thì cứ tự tiện, khỏi mất công
phải hái về biếu tặng hoặc mời qua nhà để nhận quà của trời đất. Ai có gì thì
cứ mang ra chơi, người có nhiều thì mang ra nhiều, người có ít thì mang ra ít.
Không có cũng chẳng sao, dịp khác lại bù vào ung dung tự tại. Đó là tính phóng
khoáng vị tha, không so đo hơn thiệt. Mình cho người này cái này, người khác
biếu mình cái nọ. Đó không chỉ đơn thuần trao đổi về vật chất mà còn là giao
lưu về tinh thần theo lẽ tự nhiên. Sự kết nối tình cảm gia đình, tình nghĩa xóm
làng từ đó mà nẩy sinh gắn bó ngày càng bền chặt. Mình có việc tang ma cưới
hỏi, người khác đến giúp. Người có việc cần được tương trợ thì mình lại sẵn
sàng tham gia. Làm việc trong ăn chơi và ăn chơi cũng là làm việc. Không phải
mất công tính toán, định mức quy hoạch cho mất thời gian. Hãy cứ vui chơi khi
còn có thể!
Từ chỗ không tính toán
hơn thua đã hình thành nên tính trung thực. Mình thật lòng với người khác thì
người khác cũng phải thật lòng với mình. Không thể chấp nhận sự gian dối, tráo
trở, đãi bôi… Không nên lợi dụng, lạm dụng lòng tốt của người khác. Bởi vậy,
tính cách của họ luôn thuần phác, thật thà và chung thủy ẩn chứa trong một tâm
hồn nghệ sĩ. Mình không tham lam cướp bóc của người khác thì người khác cũng
không nên âm mưu chiếm đoạt của mình. Đó chính là lòng hiếu khách, người ở
phương xa đến, lạc đường cơ nhỡ, cần được cứu giúp thì họ sẵn lòng mời vào nhà.
Mời cơm ăn nước uống nơi nghỉ như người trong gia đình. Họ quan niệm rằng không
có gì mất đi cũng như không có gì còn mãi nơi cuộc đời dâu bể này. Cơm đãi
khách là cơm gửi, cơm tạm ứng trước để cho con cháu mình nếu có sa chân lỡ bước
nơi đất khách quê người thì đã có mẹ cha gửi sẵn rồi. Như gửi tiền trong ngân
hàng, cứ việc rút ra mà xài, mà ăn chơi qua ngày chờ khi trở về với mẹ. Một
triết lí sâu sắc và tính nhân văn cao cả không thể cao sâu hơn! Tính trung thực
còn được biểu hiện qua lòng chân thành có trước có sau, không đứng núi này
trông núi nọ, được voi đòi tiên. Mọi thành quả trong lao động sản xuất, trong
quan hệ thân thuộc bạn bè chỉ là nền tảng cho một cuộc sống ấm no thanh bình
hướng đến mục đích tối thượng là sáng tạo. Đúng theo lộ trình, con người là hạt
nhân trong gia đình, gia đình là tế bào của xã hội, xã hội là bản thể của dân
tộc. Xã hội không có dân sinh, dân trí, dân quyền lành mạnh thì dân tộc tính
khó mà định hình. Càng không thể có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và là
tiền đề vươn đến văn minh. Tính trung thực chính là cột sống giữ thẳng con
người, mất đi thì mất luôn giá trị nhân phẩm. Nó tạo niềm tin trong mọi giấc
mơ!
Nghệ sĩ cộng với trung
thực dẫn đến bất khuất, chơi được thì chơi không được thì thôi cóc cần! Nịnh bợ
a dua thì không được, đểu giả láo khoét thi đi chỗ khác chơi chứ không thể sống
chung với lũ! Hòa thuận thì tốt, cưu mang đỡ đần san sẻ với nhau thì không gì
quý hơn, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của gia đình xã hội ngày càng văn
minh tiến bộ. Không thì phần ai nấy ở, hồn ai nấy giữ, mạng ai nấy lo! Lầm lỗi
với nhau nặng quá đến nỗi phát thệ từ nhau, nhỏ từ cặp gà lớn đến đôi trâu làm
vật chứng. Muốn hàn gắn lại thì phải làm cặp gà hoặc đôi trâu để thú lỗi. Sòng
phẳng và công bằng! Vợ chồng ăn ở với nhau sinh con đẻ cái, mua ruộng tậu trâu…
Gia sản có đến mức nào, nếu cơm không lành canh không ngọt thì chỉ cần bẻ gãy
đôi đũa, mạng trành ra đi không cần mang theo bất cứ thứ gì. Cao thượng và anh
hùng! Lịch sử cũng đã chứng minh một miền đất Panduranga bất khuất. Nhiều áp
lực từ những tiểu quốc lân bang không thể khuất phục và thống trị người dân bản
xứ trong một thời gian dài. Hệ quả: họ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, nhiều
cuộc quật khởi bị đàn áp đến hơi thở cuối cùng. Một dân tộc đa số bị biến thành
thiểu số cuốn theo tính nghệ sĩ, lòng trung thực và tinh thần bất khuất lụi
tàn. Thương thay!
Hôm nay, có lẽ những đức
tính ưu việt của người Chăm đã phần nào lu mờ theo thời thế. Khó có thể tự hào
một người Chăm nào còn giữ nguyên những tính cách trên mà không bị tha hóa hay
biến chất. Có nhiều lý do để giải minh cho sự xuống cấp về bản sắc, nhưng quan
trọng hơn, mỗi một người Chăm nên trung thực nhìn lại tính nghệ sĩ và tinh thần
bất khuất của mình! Không ai phủ nhận những thử thách oan khiên họ phải cam
chịu, nhưng dù thế nào đi nữa họ phải chịu trách nhiệm trong việc tự bảo vệ
những tài sản quý của dân tộc mình! Văn hóa gốc dần bị thui chột rời rã một cách
nghiệt ngã. Phong tục tập quán chỉ còn mang tính ước lệ tượng trưng, trở nên
quá lạc hậu lỗi thời khi không được cải biến chỉnh trang cho phù hợp. Những vần
ariya cổ bỗng thành lạc điệu khi đám hậu sinh không ai hiểu hay muốn tìm hiểu
cho ra hồn. Kiến trúc điêu khắc Chăm uy nghi tráng lệ là thế nhưng có ai kế
thừa ngoài những mớ tạp nham lệch lạc. Không ai còn giữ được vai trò tư thế của
mình cho dù có đứng hay đi, ngồi ghế cao hay xếp bằng dưới đất. Họ đã đánh mất
bản năng gốc, cái có thể trụ lại khi mọi thứ mất đi mà không cần ý thức. Họ
không còn môi trường sống đúng nghĩa để tự bảo vệ mình. Muốn hay không muốn, họ
cũng phải định cư, cộng cư, xen cư với kẻ chợ. Họ phải tập a dua nịnh bợ để
tiến thân, quy lụy luồn cúi để tồn tại. Hãnh tiến khoác lác để tự dối mình và
dối người trong kiếp lưu đày vong thân không còn phương hướng. Không thể trách
họ ham quyền, háo danh hám lợi bởi họ đã mất tất cả, không còn gì để làm lại từ
đầu! Xa hơn, những phần tử ưu tú Chăm là người phải chết đầu tiên khi có chính
biến, phần còn lại vượt thoát ra nước ngoài rồi tan hòa nơi đất khách. Chỉ còn
lại dân ngu khu đen đã mấy kiếp đời nô lệ. Hãy yêu nhau đi bởi không con ai
khác…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com