30 thg 11, 2014

JALAU ANƯK: CHÚNG TA CÓ GÌ ĐỂ DẠY THIÊN HẠ?

Nguồn ảnh minh họa: Internet


Tôi đã bỏ nghề giáo. Hoặc ít nhất tôi đã từ bỏ chính danh “thầy giáo”, không xem nó như cái nghiệp của mình. Theo tôi đó là một trong những nghề có thể dễ tìm việc làm ổn định nhất ở địa phương. Đó là cái nghề gần như không có sự cạnh tranh gì đáng kể. Ít thấy ai mất việc làm thầy trừ khi họ chán, tự nguyện từ bỏ nó hoặc bị kỉ luật vì “vi phạm nghiêm trọng” kỉ luật nhà giáo XHCN. Ông tôi là thầy giáo (thời VNCH. Ông nói thời VNCH, thầy giáo sống khá sung túc), cha và mẹ tôi đều làm nghề giáo (giao thời giữa 2 chế độ), tôi đã từng là thầy giáo, 2 đứa em gái tôi cũng làm nghề giáo. Chỉ còn 2 thằng em kế, ít may mắn hơn tôi, một phần cũng do ba mẹ tôi là nhà giáo nghèo, nuôi tôi ăn học đã kiệt quệ nên không đủ sức chu toàn cho 2 đứa chúng nó được học hành đến nơi đến chốn. Nếu không, chắc 2 đứa nó cũng là thầy giáo nốt.
 
Làng tôi, Hamutanran, buổi sáng ngồi nhâm nhi một tách cafe ở cái quán nhỏ đầu làng, rảo nhìn một vòng bạn sẽ thấy trong số khách đến uống café có đến 80% là thầy giáo hoặc cựu thầy giáo chứ không đùa. Ra chợ buổi sáng, bạn chịu khó ngồi ăn 1 tô bánh canh chả cá mà để ý xem, chắc cũng nhiều phần trăm (%) cô gái, phụ nữ đi chợ là cô giáo và cựu cô giáo. Hay ngẫu nhiên bạn thử đến 10 gia đình Chăm đã có con cháu lớn, ở tuổi từ 22 trở lên, tôi dám chắc có đến 7-8 nhà có ít nhất một người làm thầy giáo hoặc cô giáo; không ông thì bà, không cha thì mẹ, không vợ thì chồng; không dì thì cô, chú; không con thì cháu… làm hoặc đã từng làm nghề giáo.(*) Chúng ta có gì để dạy thiên hạ mà sao Chăm lắm thầy giáo, cô giáo thế nhỉ?

Tôi đã bỏ nghề giáo bởi câu hỏi “Mình có gì để dạy thiên hạ?” luôn luôn xuất hiện, lởn vởn trong đầu.

Mình có gì để dạy thiên hạ trong khi ngay những đứa em, đứa cháu mình trong nhà còn không xem mình là thầy giáo của chúng, mình cũng chẳng dạy dỗ nổi chúng nó cho ra trò, đúng nghĩa với chính danh thầy giáo?

Mình có gì để dạy thiên hạ khi ngay cha mẹ, anh em mình cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, đời sống bấp bênh đủ mặt, bệnh tật hoành hành, ốm đau, nghèo khó? Mình sẽ chia sẽ kinh nghiệm thành công gì cho các cô, các cậu học trò của mình?

Mình có gì để dạy thiên hạ ngay khi những giá trị văn hóa, lịch sử của chính dân tộc mình mình còn mù mờ (thậm chí khối thầy giáo, cô giáo mù tịt, không biết mà cũng chẳng bao giờ tìm đọc); không hiểu và còn tranh cãi; cục bộ phe nhóm, thậm chí là cãi vả, miệt thị lẫn nhau liên quan đến chính ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc mình? Mình sẽ dạy gì, rao giảng điều gì cho thế hệ trẻ?

Mình có gì để dạy thiên hạ nếu cứ phải nhai đi nhai lại những cuốn sách giáo khoa được viết sẵn ở đâu đó, phát về; giáo án soạn sẵn để ê a suốt mùa? Làm thầy chẳng lẽ chỉ để dạy chữ thôi ư! Thế thì, liệu mình có thực sự là thầy giáo hay chỉ là cái máy phát thanh?

Chăm hiếu học, cần mẫn là điều không ai có thể chối cãi. Không tin, bạn hãy đến các làng Chăm; nghèo đến đâu cũng phải nuôi con ăn học đàng hoàng. Đó là một nghị lực phi thường của bậc cha mẹ Chăm.

Thế nhưng, liệu Chăm mình có quá nhiều thầy, cô giáo không? Những người đang làm thầy, cô giáo có thực sự yêu thích công việc của mình? Cái nghề có nuôi sống được họ không hay vẫn cứ như thời cha mẹ tôi, vừa đi dạy, vừa nuôi heo, làm ruộng, trồng mía, trồng nho, buôn thuốc lá, nấu rượu lậu… Câu chuyện một ông thầy cũ của tôi, làm đến chức hiệu phó trường làng bị bỏng nặng vì ngoài làm thầy còn phải nấu rượu lậu mới mong nuôi được mấy đứa con ăn học vẫn còn đau đáu. Vậy thì, thực sự, chúng ta có gì để dạy thiên hạ? Xây được tháp như tổ tiên xưa thì thua rồi, có nằm mơ cũng không làm được. Ngoài nghề dệt thổ cẩm ở Caklaing và gốm thủ công ở Bàu Trúc do ông bà xưa truyền giữ lại, Chăm mình còn làm ra sản phẩm gì nữa không? Một đôi dép nhựa để mang, chục chiếc muỗng nhôm để ăn, mấy chiếc áo thông thường để mặc, dăm ba con dao để xẻ thịt, vài cây súng săn để phòng khi không may bị chó dại tấn công chẳng hạn… ?

Thầy giáo, cô giáo người Chăm ở ta có đủ trình độ: mẫu giáo, tiểu học, cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư… và nhiều thể loại: toán học, vật lý, hóa học, địa lý, văn học, sinh ngữ, lịch sử, sinh học, kinh tế, kế toán, âm nhạc… Nhưng gần như tuyệt nhiên (hoặc rất rất hiếm) chúng ta không có nhà sản xuất, nhà quản trị, nhà kinh tế, nhà sáng chế thực thụ… Tóm lại, chúng ta gần như không có những người có thể trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. Vậy chúng ta có gì để dạy thiên hạ khi chính chúng ta không làm ra được thứ gì thật cụ thể từ các kiến thức mà chúng ta đã lĩnh hội được và đang ngày ngày rao giảng?

Muộn. Nhưng tôi vỡ ra nhiều điều khi làm thầy giáo. Chưa hẳn là tôi đã làm được gì khá hơn khi từ bỏ nghề giáo. Thậm chí bấp bênh, rủi ro, thất nghiệp, mất thu nhập… Tuy nhiên, đó là một phần tất yếu của cuộc sống và tôi thấy mình hạnh phúc hơn vì tôi không phải miệt mài đi tìm câu trả lời “mình có gì để dạy thiên hạ?” nữa, tự thấy mình phải làm những công việc khác có tính cạnh tranh hơn, học hỏi nhiều điều thực tế hơn thay vì làm nghề rao giảng sáo rỗng để mỗi ngày chỉnh tề áo quần, cuối tháng nhận ít lương, đều đều và ổn định . Đối với Chăm, tôi vẫn sẽ rất nể phục tất cả những ai cảm thấy thật sự hạnh phúc với lựa chọn của mình, sống tốt bằng chính cái nghề của mình. Ngược lại, nếu ai đó chọn nghề giáo chỉ vì để có một công việc ổn định mỗi ngày, đang cố sống vất vưởng với nghề và chỉ để có cái chính danh “thầy giáo” hão huyền thì thật đáng tiếc. Hãy từ bỏ nó ngay lập tức nếu bạn thấy sự lựa chọn này là sai lầm. Tiềm năng thực thụ của mỗi con người cao hơn bạn tưởng rất nhiều. Bên ngoài còn rất nhiều thứ mà bạn có thể say mê, dấn thân, thử sức và trở lại là chính mình. Không có việc gì khó.

Hãy ươm trong mình nhiều khát vọng hơn, mạnh dạn chạm tay vào nó. Hãy thực tế hơn để có đủ tự tin khi lựa chọn nghề nghiệp sao cho Chăm có thật nhiều nhà sản xuất, nhà quản trị, nhà sáng chế, nhà kinh tế, nhà báo, luật sư, kĩ sư thực hành... Họ mới là những người, cùng với những thầy giáo thực thụ (thầy giáo có nhiều thứ thực tiễn để dạy thiên hạ. Những người thầy nói được và làm được) có thể góp phần đáng kể để làm ra những sản phẩm cụ thể, tạo ra của cải vật chất và làm thay đổi diện mạo xã hội Chăm tương lai.

Đôi khi các thầy giáo, cô giáo chúng ta cũng cần phải tự hỏi: CHÚNG TA CÓ GÌ ĐỂ DẠY THIÊN HẠ?
--------------------------


(*): Tôi không rành về nghiên cứu xã hội học, chỉ ước chừng, có tính chủ quan. Tỉ mỉ hơn thì chắc phải chờ anh/ chị nào chuyên ngành xã hội học nghiên cứu giúp.


Nguồn: Facebook Jalau Anưk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com