Người ta thường nói: Lá rụng về cội! Chăm dạy kĩ hơn: Adat kayuw phun hapak druh tanan, có ý nghĩa sâu xa là: mình sinh
ra nơi nào thì cuối cùng cũng phải về nơi ấy mới đúng lẽ đời luật trời. Điểm
xuất phát khởi đầu cũng là đích đến cuối cùng, nhưng không phải ai cũng về đến
đích! Triết lí là thế, văn chương là thế nhưng phong tục tập quán Chăm mới phản
ảnh rõ nét điều ta muốn hiểu để làm kim chỉ nam định hướng cho một kiếp người.
Mẫu hệ Chăm minh chứng điều đó, con gái giữ nhà nên khi chết đi nằm bên mẹ đã
đành, con trai đi lấy vợ phương xa khi cuối đời cũng phải trở về với mẹ. Một
vòng đời tuy ngắn mà dài, tuy dài mà ngắn nếu không thuận theo lẽ tự nhiên. Một
quy trình gian nan đầy thử thách nhưng rất công bằng, mình xây dựng cho gia đình
bên vợ tốt, đóng góp cho cộng đồng được nhiều thì em gái mình cũng được tưởng
thưởng bởi một người chồng tương ứng! Đàn ông là phái mạnh nên phải dấn thân
ngoài xã hội để chiến đấu, phụ nữ là phái đẹp chân yếu tay mềm nên sinh đẻ nuôi
dạy con cái. Tạo hóa đề ra thiên chức ấy, thiết nghĩ không có gì hợp lí và hoàn
chỉnh hơn. Như dòng sông chảy từ nguồn về biển phải trải qua bao thác ghềnh
quanh co khúc khuỷu, lúc hiền hòa bình lặng, lúc cuồn cuộn thét gào mới tìm về
mẹ đại dương. Ai bảo bến sông không tìm về nguồn?! Nước sẽ lại bốc hơi bay lên
trời, lại mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy bát cơm đầy, lấy
cây nhớ cội. Ai bảo nước mắt chảy xuôi?! Vâng, có lúc nó chảy xuôi khi bất chợt
òa vui khi người tưởng đã chết đi nay sống lại, người thân mất tích lâu năm nay
bỗng trở về, cảm động về một nghĩa cử cao đẹp không thể ngờ đến... hay òa khóc
khi có người xúc phạm làm tổn thương đến mình, một tai nạn thương tâm không
lường trước, một nỗi niềm oan ức không thể giải bày... Nói chung, khóc hay cười
mà nước mắt chảy dài trên má là một tín hiệu cho biết rằng những cảm xúc vui
buồn ấy đã được giải tỏa đả thông như con sông đã về đến bến. Còn không nó sẽ
chảy ngược, lúc đó nó tìm về nguồn như dòng xoáy của một khúc sông có thể nhấn
chìm bất kỳ một sinh thể nào lạc lối. Có những giọt lệ rưng rưng nơi khóe mắt
nhưng không chịu rơi xuống, có giọt lại rơi vào cổ họng được nuốt ực vào trong
không biết về nơi chốn nào. Có những giọt nước mắt chai lì lại cương quyết
không chịu chui ra khỏi tuyến lệ. Dòng chảy của tình người là như thế, bất khả
kháng và bất khả tri một khi ta không muốn hiểu để san sẻ yêu thương khi còn có
thể!
Tôi có một thời gian ở Cam Bốt và Thái Lan khi đi du lịch chui để tìm hiểu
đất nước và con người ngoài Việt Nam. Quê hương nào cũng có chùm khế ngọt, dĩ
nhiên hương vị mỗi nơi mỗi khác. Chàm mình ít quá, nghèo quá, dốt quá... nên
tôi muốn đi tìm Chàm nào khá quá may ra! Không biết tôi nên buồn hay nên vui,
nên cười hay nên khóc mà cứ nghe nghèn nghẹn mằn mặn trong họng. Nói làm sao
nhỉ? Nhiều bà mẹ già Chăm nói giọng điệu rặc người ở Pajai, vài nơi người già
nói giọng hệt Parik, thế hệ sau thì đã lai đi nhiều giống như cha mẹ người Bắc
nhưng lại sinh con ở trong Nam nên mạnh ai nấy nói theo giọng địa phương. Hỏi có
biết các cụ từ đâu tới không? Biết, nghe ông bà kể lại rằng quê ở ... vài nơi
vẫn còn địa danh ở Parik, vài chốn ở Pajai. Có vài gia đình ở Thái Lan còn cho
biết họ ở Cwah Patih, vài người thì nói tổ tiên họ ở đâu tuốt Ia Ru, Ia Trang
hay Harơk Kah Harơk Dhei gì đó. Hóa ra họ vẫn nhớ nguồn nhưng không tìm về
được, mà nếu có về thì nguồn xưa biết có tắm gội thanh tẩy một kiếp xứ xa người?!
Có lẽ dòng nước mắt của họ đã khô trên bước đường lưu vong chạy loạn mấy kiếp
đời ?! Chuyện xa là thế, chuyện gần cũng nhiều hệ lụy khôn nguôi! Hồi tôi
còn làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam ở Sài Gòn, có gặp anh Isa Cosiem một lần qua
sự giới thiệu của Inrasara. Anh mời hai người đi ăn hải sản ở một quán cũng gần
đài. Anh tỏ ra thân thiện và tự nhiên, bảo tôi thích món gì cứ gọi thoải mái
không có gì phải ngại. Cũng tại anh không biết tôi tự nhiên còn hơn người Hà
Nội nên tôi cứ thoải mái order theo trường phái Chế Mân. Tôi bảo thích rượu ngon và mĩ nữ, anh bảo OK,
no problem ! Thích rươu bia loại gì cứ kêu, cô nào mát mẻ cứ gọi. Anh xua
tay cổ vũ tôi lại tưởng anh kêu trời, rồi anh rối rít xin lỗi tôi cứ tùy nghi
bởi hai thứ đó anh không dùng được! Thật ra tôi muốn tạo không khí tươi vui sôi
nổi để anh em dễ làm quen thân mật hơn là trang trọng giữ kẻ. Uống rượu mà
không có đối tượng cụng ly côm cốp để biết mình đang uống rượu thì hóa ra mình
là thằng khùng à? Mĩ nữ ư, thường thôi! Phòng có máy lạnh, quạt chạy vù vù, mát
mẻ thêm chỉ tốn tiền bo phụ nữ lại bảo mình ngu hoặc dại gái chỉ thêm phiền
phức. Nói chung, câu chuyện chỉ xoay quanh thăm hỏi nhau, khó khăn và thuận lợi
cần khắc phục phát huy. Anh để lại cho tôi hình ảnh một người lịch sự, nghiêm
túc và tốt bụng có lẽ không chỉ riêng tôi mà với tất cả mọi người. Sau này khi
đã về Mĩ, thỉnh thoảng anh có gửi biếu tôi vài chai Cognac mặc dù anh không
uống rượu. Đôi lần anh cũng kèm vài trăm đô để nhắc nhở tôi chớ có ham vui mà
quên viết. Tôi chưa có một lời nói cảm ơn anh, với tôi, những gì còn lắng đọng
trong trái tim thì không thể nói bằng lời. Nhưng có lẽ Isa Cosiem thấu hiểu bởi
anh muốn trở về một nơi đã mất! Một người nữa cũng gây ấn tượng không kém, đó
là Chế Mỹ Lan. Gặp nhau cũng qua đầu mối Inrasara vì cô nàng đâu biết tôi là
ai, mà cũng đâu cần biết tôi là ai?! Cũng lại mời tôi đi ăn uống, chắc thấy tôi
suy dinh dưỡng hoặc sắp chết đói đến nơi. Anh em ngồi với nhau rất vui, cười
đùa trêu chọc nhau rất hăng, đi hát Karaoke rất hay. Nói chung, không có gì để
than phiền hay hối tiếc. Mọi thứ đều hồn nhiên thân tình với nhiều ấn tượng
đẹp. Chỉ tiếc, lần về sau cô nàng phiêu lưu đâu đó không thấy ghé lại. Chắc cô
đi tìm một chân trời mộng mơ, mê mải mù mờ nên không nhìn thấy một con chim báo
bão! Mong rằng sau cơn mưa trời lại sáng như hồn người!
Một người gây cho tôi ít nhiều ngạc nhiên là Jaka. Cháu sinh ra ở làng
nhưng lớn lên và trưởng thành tại phố. Đơn giản Jaka muốn tìm lại chính mình,
tìm lại tuổi thơ trên quê hương đang dần đổi thay phai nhòa hình bóng cũ. Là
Chàm mà không hiểu Chàm để cùng san sẻ với Chàm thì không phải là Chàm. Có lẽ
cháu suy nghĩ thế! Mọi lí thuyết đều vô nghĩa nếu ta không thực sự nếm trải đủ
và đúng để không hoang tưởng và ảo tưởng một cách ngây ngô đến lệch lạc mất
phương hướng. Đó là thử thách lớn, chỉ mong Jaka có đủ niềm tin kiên trì vượt
qua vì chặng đường phía trước còn dài. Đi để trở về, đi là ở lại, đi khắp bốn
phương trời để thấy quê hương mình đẹp hơn cả! Isa Cosiem đã đi rất xa và rất
lâu, Chế Mỹ Lan gần hơn một chút, Jaka ở phố về làng. Mọi người đã tìm về
nguồn, một thánh địa không thánh đường. Mọi thứ đều ở trên cao!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com