26 thg 11, 2014

INRAJAKA: TAGALAU 16, TRÁCH NHIỆM CON CHÁU, VÀ QUYỀN ĐƯỢC GIẬN



Nghe đến Tagalau 16 đương gặp nạn, nếu không bỏ chữ Chàm trang bìa và chữ “tuyển tập” thì sẽ không cho phép in. Giận rồi đã đành. Tới khuya, nghe rằng chuyện đó khuyên nhủ người kiểm duyệt, phải chịu thua, và chịu in để lễ hội bà con có niềm vui ăn uống, bè bạn, và cả thức ăn tinh thần. Giận đến nỗi bảo rằng mình sẽ ra khỏi Ban biên tập Tagalau vì thất bại trong thực thi trách nhiệm của mình và bảo vệ đứa con tinh thần, còn giận hơn đến đỗi muốn mua và để lửa rửa sạch cái bề mặt khó ư là hiểu nổi đó.

Giận quá mất khôn, nhưng trong giận, mình mới biết mình yêu và quý gì, và hiểu được ngọn lửa trong mình. Phải để mình quyền được nổi giận, quan trọng hơn cả trên năng lượng giận trời ban đó, ta làm gì? Ta sẽ ở lại. Các anh em tâm huyết còn bảo sẽ không mua Tagalau 16, chỉ vì điều đó, và họ, mình dù khuyên can, cũng được quyền nổi giận, và rồi cũng ủng hộ vài quyển Tagalau 16. Hậu dễ thương…

Nghe bao chính sách Đảng Nhà nước, các dự án trong nước ngoài nước, bao nỗ lực bảo vệ con chữ, đài tiếng nói tiếng dân tộc cũng đã nhiều, kể cả đài truyền hình, thì lạ làm sao một cá nhân nào đó có quyền phá bỏ tất cả nỗ lực đẹp đẽ đó. Công sức và tiền bạc đầu tư cá nhân tổ chức và cả chính phủ trước nay phải chịu sao?

Ấn Độ

Ngoài tiếng Hindi và tiếng Anh ai cũng biết, người Ấn còn có tiếng của các bang, và giỏi hơn nữa, biết thêm một ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Ở hội sách thế giới cũng ở Ấn, xui/may sao được mời ngồi cùng bàn với các diễn giả nổi tiếng. Kẹt cho kẻ tới để chơi và học hỏi, nhưng phải đẻ ra cái gì đó hay hay để nói, xứng đáng cho hơn 300 người ở dưới nghe. Ai dịch được chữ “Namaste” (I salute the divine in you – Tôi chào đấng thiêng liêng trong bạn), một lời chào mang đậm tính triết lí và nhân văn gửi cho thế hệ sau. Ai dịch được “Good morning”, chào buổi sáng chăng, khi cái họ mang nghĩa là chúc bạn một buổi sáng tốt lành. Mỗi ngôn ngữ tồn tại với vẻ đẹp riêng của mình, chất chứa ý nghĩa văn hóa tập tục và triết lí, đậm sâu đến mức khó mà chuyển dịch toàn vẹn từ một con chữ của ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, hay ngay cả một ngôn ngữ sử dụng ở một vùng miền khác nhau. Mỗi con chữ nảy nở hương sắc của riêng nó, những con chữ ấy tồn tại như môt cá thể riêng biệt, và cần được tôn trọng.

Thế giới

UNESCO và biết bao tổ chức đang tích cực bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ trên thế giới. Gần 7000 ngôn ngữ hiện đang được sử dụng trên thế giới, trước năm 2100, 60-90% sẽ chết vĩnh viễn. Mỗi 2 tuần sẽ có 1 ngôn ngữ chết đi, và nhiều ngôn ngữ khác vì nhiều lí do đã bắt đầu rơi vào quên lãng.

Dân Chàm

Mỗi ngày, những điều giản đơn như nói MC đám cưới, thông báo loa trong mỗi làng, đếm số khi nhậu nhẹt hay khi đọc số điện thoại, chúng ta làm được, nhưng lại không (dám) làm. Vì sao? Nếu đứng giữa con nước đang lên tận cổ, có người bơi đến giúp mà tay chân ta chẳng vùng vẫy, kết cục của công cuộc bảo tồn tiếng nói của chính ông bà tổ tiên chúng ta trở thành nhãn tiền.

Chúng ta sẽ nói với con cháu chúng ta thế nào? Khi có những con chữ tồn tại mà con cái chúng ta không thể nhìn thấy. Những loài hoa, những loài chim thú, cây cỏ. Ta đã hủy diệt chúng vì tham lam ích kỉ và (cái gọi là) vinh thân, nhưng ta sẽ trả lời con cái chúng ta như thế nào, khi chính bản thân chúng ta là kẻ hủy diệt. Ta không còn để cho con cháu điều gì, vậy sẽ dạy cho con cháu chúng ta được điều gì?

Chúng ta sẽ nói với con cháu thế nào? Khi ai cũng kêu rằng yêu tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ tổ tiên chắt chiu bao ý niệm, đi mắng kẻ khác, mà hỏi chính người đang vỗ ngực phát biểu ấy, “năm sau ta sẽ học tiếng Chàm, bây giờ bận quá”.

Chúng ta sẽ nói với nhau thế nào? Khi một ai đó ham bỏ chữ Tagalau bằng tiếng Chàm như thế, yêu sách hủy bỏ chữ “tuyển tập” như thế, vô lí, ngược với mọi nỗ lực bao người, ngược với xu thế thế giới tìm mọi cách để bảo vệ sự đa dạng đa sắc của trái đất, đau, giận, chúng ta im lặng.

Chúng ta có quyền được giận, và quyền được nói, để cái đẹp được bảo vệ và truyền thừa. Có thể vô trách nhiệm với cá nhân, nhưng không được vô trách nhiệm với con cháu và bao thế hệ sau.

Không ai bơi thay chúng ta!



Nguồn: Gilaipraung.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com