Nhà văn Hoàng Long |
Tia chớp
Trời đầy mây đen rồi mưa
rào rạt. Nhân gian đã đi ngủ hết vì buồn. Tôi nhìn thấy ánh chớp rồi nghe tiếng
sấm rền vang. Tia chớp đó đi vào trong đầu tôi thành một biểu tượng của tia
chớp. Tôi phải diễn tả tia chớp ấy với nhân gian bằng lời nói dù không diễn tả
nổi. Nó chớp sáng quyền uy và chói lọi. Còn ngôn từ miêu tả nó chỉ là một xác
ướp, một tia chớp đã bị biến hình.
Dù vậy, nhân gian cứ tưởng
tia chớp của ngôn từ là tia chớp loé của bầu trời. Và vì thế mà tia chớp của
ngôn từ là vĩnh cửu.
Người Xó Xỉnh
Chúng ta đều là những người
thương yêu xó xỉnh. Chúng ta nấp vào một góc phòng cô đơn, một khung trời biệt
lập. Để rồi lâu lâu chúng ta chạy ra giữa đám đông và gào lên “có tôi đây, có
tôi đây”, rồi vụt chạy trốn vào chốn ẩn nấp an toàn của mình.
Thực ra, cái cách con người
thể hiện mình trong thế giới này là như thế đó.
Cánh chim bay vỡ nát
Tôi là một con chim thạch
cao trên bàn tay của một bức tượng danh nhân trước quảng trường Lịch sử. Ở tầm
cao này, tôi say sưa ngắm nghía người xe qua lại. Nhưng một hôm lũ chim trời
đến bảo tôi cần phải cất cánh bay cao để ngắm nhìn thiên địa. Tôi bảo tôi chỉ
là một chú chim bằng thạch cao. “Không hề gì,” lũ chim trời nói. “Chỉ cần chú
mày tập vỗ cánh cho thuần thục, rồi lấy đà bay vút lên là được thôi.” Từ đó
ngày nào tôi cũng tập vỗ cánh dăm bảy bận cho đến ngày tôi hài lòng với kỹ
thuật của mình. Rồi tôi lấy đà, vỗ cánh bay vút lên. Thật là một cú lấy đà hoàn
hảo. Nhưng tôi không kịp tính đến bàn tay của danh nhân. Khi dợm mình bay, đột
nhiên bàn tay danh nhân chợt nắm chặt lại, làm tôi mất đà lao thẳng xuống đất
vỡ tan tành. Sáng hôm sau khi nhận thấy bàn tay trống hoác của bức tượng, người
ta bèn hét toáng lên và cho làm một con chim thạch cao khác thế vào chỗ cũ.
Cùng với nụ cười khinh khỉnh của bức tượng danh nhân, cánh chim thạch cao trên
bàn tay ông rất xứng hợp với biểu tượng của lòng yêu quý tự do và tôn trọng hòa
bình.
Source: Tiền Vệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com