4 thg 5, 2013

Vương miện của vị vua cuối cùng - Trà Vigia

Kosa Champa

Mặt trời chưa lên mà biển đã lóa nắng, từng đợt sóng xô nhau vào bờ bất tận. Ông Thạch trầm ngâm nhìn xa xăm về phía biển tìm lại dấu chân xưa không biết sóng biển đã cuốn về đâu! Chỉ nghe biển cuộn sóng trong tâm hồn, phất phơ trên mái đầu ông lơ thơ bạc trắng. Nơi đây bốn mươi lăm năm về trước, bốn mươi lăm năm đời người đã qua đi và ông đã trở lại chốn này. Cảnh vật không hề đổi khác, cũng triền núi lởm chởm đá, bãi biển mấp mô đá… chỉ khác chàng thanh niên cường tráng ngày nào giờ đã trở thành một ông lão già nua lọm khọm. Trái tim mơn mởn thanh xuân giờ như cũng hóa đá, ông Thạch cố gắng nghe tiếng đập từ trái tim mình như nghe tiếng thầm thì từ miền xa thẳm vọng về. Trái tim đã từng đớn đau, chỉ biết đớn đau, giờ chỉ còn đau đớn và có lẽ cơn đau chỉ chấm dứt khi nó không còn rung động nhịp đập đời người. Trước mặt ông xa xa là một vũng sâu nằm khuất sau doi đất rậm rì cỏ cây – có lẽ nơi ấy biển vẫn còn ngủ, những tia nắng đầu ngày đang rướn lên từ từ. Bình minh sẽ mang ánh sáng, cho cả cái vũng sâu ông Thạch đang hướng tầm mắt đăm đăm.

Nơi đó có người bạn của ông an nghỉ đời đời. Ôi Thảo! mày tên Thảo, Thạch Thảo, mày là cỏ, lẽ ra mày phải được yên nghỉ trên bờ, trong lòng đất có cỏ cây, đá sỏi. Trớ trêu mày lại nằm dưới biển sâu, ở dưới biển chắc cũng có rong rêu, san hô, cua cá cho linh hồn mày đỡ cô quạnh – có lẽ cuối đời tao sẽ đến đây cùng nằm với mày, rồi chúng mình sẽ cùng nhau rong chơi cười đùa thỏa thích. Tao sẽ kể nhiều chuyện kì bí cho mày nghe, nhiều chuyện lạ lùng mày không tưởng tượng được đâu. Chờ tao nhé! Tao đây, Huỳnh Thạch đây mà, ông Thạch đắm chìm trong mê tưởng một thoáng sâu rồi lần về hồi ức.

Ở một làng chài ven biển heo hút của xứ Vijaya, có một gia đình làm nghề chài lưới – ông bà có bốn người con hai trai và hai gái, đám con trai ra biển đánh cá, câu tôm, câu mực…, đám con gái mang cá tôm ra chợ bán cùng trồng hoa màu trên mảnh đất rẫy sau nhà. Cuộc sống an cư lạc nghiệp dưới mái nhà tranh đầm ấm, tiếng cười rộn rã, tiếng ca vui cùng bao câu chuyện cổ tích li kì trong đêm đông, gió đàn biển hát. Rồi một ngày kia, đám con trai đi biển không trở về, họ đã nằm vĩnh viễn trong lòng đại dương bao la hay đã giạt trôi vào bến bờ xa lạ? Chỉ biết họ không bao giờ còn trở về nơi chốn họ đã ra đi, ra đi để mang về sản vật của biển cả nuôi sống gia đình và một tương lai tươi đẹp rộng mở. Đám đàn bà trông ngóng chờ đợi ngày qua ngày, vật vã khóc than tháng qua tháng, rên rỉ tiếc thương năm qua năm rồi cũng chấp nhận số phận.Thời gian luôn kiên trì xóa nhòa mọi khổ đau mất mát cũng như biển cả luôn bao dung đón nhận và dâng tặng những gì mình có cho tất cả muôn loài. Hai người con gái lớn lên trong lam lũ, tần tảo của người mẹ dù căn nhà nhỏ không còn đủ ấm áp tiếng cười, thiếu vắng bóng hình, vòng tay rắn chắc của cha anh, rồi họ lớn lên lấy chồng sinh con đẻ cái. Người mẹ già qua đời lặng lẽ mang theo hình ảnh những đứa cháu ngoan. Hai người đàn bà ấy chính là mẹ của Thạch và Thảo, như vậy Thạch và Thảo là anh em bạn dì. Thạch chỉ biết mặt ông và hai bác trai qua tấm ảnh thờ. Hai người bác có nét hao hao giống ông, cũng đôi mắt to dưới đôi mày rậm ngang tàng vầng trán dô loà xoà mái tóc quăn phóng khoáng, khuôn mặt chữ điền sáng làn da bánh mật như thoảng mỉm cười vừa mang vẻ khắc khổ nghiêm nghị. Thạch thường nhìn tấm ảnh thờ, có lẽ chàng cũng có những nét giống ông và hai bác trai, mọi người ai cũng bảo thế. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, cái khiến chàng gần gũi, gắn bó với ông hơn chính là những câu chuyện kể của bà về cuộc đời của ông khi ông không còn nữa. Những câu chuyện quá khứ xa xưa đối với chàng dường như là cổ tích gieo vào hồn cậu bé năm nào sẽ còn sống mãi hôm nay từng giây từng phút và có lẽ đến hết cuộc đời. Có lẽ lâu rồi từ đời ông cố, ông cụ kị. Có thể còn xa hơn từ thời ông tằng, ông tổ. Trên dải đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt này đã hình thành những xóm làng Kinh cựu khi người phương Bắc dần mở đất về phương Nam khai hoang mở cõi. Kẻ thất trận phải ra đi nhường chỗ cho người chủ mới, để lại những vợ góa con côi không nơi nương tựa. Người chiến thắng ở lại lập nghiệp, thừa hưởng ruộng vườn đất đai của cải… cùng các người vợ trẻ, đám con gái đang tuổi lấy chồng. Cuộc sống mới lại bắt đầu và con cái của họ được gọi là Kinh cựu, có nghĩa là người Kinh đầu tiên có mặt với cương vị người chủ mới trên nền đất cũ mà người bản xứ đã ra đi. Sự giao thoa giữa hai chế độ phụ hệ của đàn ông Kinh và mẫu hệ nơi người đàn bà Chăm tạo nên một chế độ mới mang bản sắc song hành cùng tồn tại – Một gia đình vừa có bàn thờ cúng tổ tiên vừa có ciet prauk tộc mẹ và người mẹ Chăm vẫn giữ truyền thống cúng giỗ dân gian như Rija Harei, Rija Praung, Iêv Prauk… và tục đốt trầm trong những dịp lễ. Bên cạnh đó, có một hệ phái cũng phát triển thầm lặng. Đó là những con cháu Chăm thuần chủng của những quả phụ thời ấy lớn lên họ lại tìm những người đồng cảnh ngộ để kết nghĩa vợ chồng và con cháu của họ được gọi là Chăm cựu – Lịch sử trôi qua đã mấy trăm năm xóa nhòa mọi dấu vết, chẳng còn ai biết Kinh cựu, Chăm cựu là gì, mà biết để làm gì?! Thường mang họ Phạm hay Phan có lẽ do họ Bhama mà ra. Còn ở Vijaya từ Huế, Quảng Nam trở vào thường mang họ Ông, Ma, Trà, Chế – nhiều người già có học giải thích rằng đó là những hình vị đặt trước tên người được tôn trọng kính nể. Ông là người lớn tuổi có vai vế cao – Ma là Ama hay Amư là cha, coi như cha. Trà là Jaya có nghĩa là quý phái có chức quyền cao. Chế là Cei có nghĩa là chú, người tuổi trẻ nhưng có tài cao. Không hiểu vì sao cha của Thạch và Thảo cũng thuộc nòi giống Chăm cựu nhưng lại mang họ Huỳnh và Thạch, lớn lên Thạch có đem thắc mắc hỏi mẹ thì mẹ cũng lắc đầu không biết!


Thạch và Thảo vừa là anh em đồng tộc vừa là bạn bè thân cốt – tuy là anh em bạn dì nhưng thâm tâm hai người luôn coi nhau như anh em ruột thịt – cùng ở gần nhà, cùng học chung lớp, cùng đi mò cua bắt ốc cào sò nơi bãi biển những khi thủy triều xuống hoặc theo nhau lên rẫy trồng dưa hái đậu, hai người luôn như hình với bóng – lớn lên đi học phổ thông ở thị xã, hai người lại trọ chung một nhà, học cùng một trường. Luôn ý thức yêu thương giúp đỡ lẫn nhau nên thành tích học tập cả hai rất khả quan. Chủ nhà trọ cũng là bạn thân của cha Thạch nên ông cũng tạo điều kiện tối đa để giúp đỡ con cháu trong sinh hoạt và động viên học hành cùng hướng nghiệp tương lai. Nghe đâu ông cũng là Chăm cựu nên cha Thạch mới yên tâm gởi chàng ở đây, chủ nhà có một người con gái tên Kim rất xinh, học dưới chàng một lớp nên thường nhờ chàng giảng giải những bài tập nhỏ, nhiều lần chủ nhà nói đùa:


- Tao với ba mày đã kết sui gia, ráng mà đỗ đạt cao rồi tao gả con gái cho.


Thạch chỉ biết cúi đầu đỏ mặt cười gượng gạo.


Sau khi thi đậu tú tài, Thạch vào học ngành Sư phạm còn Thảo học Địa chất. Từ nay hai người phải rời nhau, mỗi người một phương trời khác. Hai người đã cố thuyết phục lẫn nhau cùng đi chung một nghề nhưng thất bại. Ngành kỹ sư và giáo viên quá khác biệt, tính Thạch trầm ít nói không thích di chuyển nhiều, trái lại Thảo sôi nổi năng động thích phiêu lưu, với lại cha Thạch thích con đi nghề giáo hơn, lẽ ra ông cũng là giáo viên nhưng không biết run rủi thế nào lại làm nghề thợ mộc. Thôi mỗi người theo nghiệp của mình vậy! Ăn thua hai đứa luôn quan tâm hỗ trợ nhau như ngày nào và hai người ghì chặt nhau nguyện hứa trong buổi tiệc chia tay giã biệt.


Thời gian cũng thấm thoát qua, ra trường chưa kịp nhận nhiệm sở, Thạch có giấy gọi đi quân dịch – chàng có thể hình to cao, sức khỏe tốt nên được nhận vào hải quân. Công việc cũng nhàn hạ và cũng có phần thú vị, đi tàu tuần tra ven biển hoặc tháp tùng tàu hàng đi Đà Nẵng và Sài Gòn cũng như bến cảng khác khi có yêu cầu. Không ngờ tính khí Thạch chỉ thích ngồi một chỗ đứng trên bục giảng với tư thế một người thầy đạo mạo nghiêm trang nay phải đi đây đi đó như gã giang hồ lãng tử. Thảo cũng đi quân dịch nhưng lại là lính truyền tin đóng lì ở thị xã. Nó muốn đi đây đi đó nhưng phải chôn chân một chỗ nghĩ cũng tức cười, đời lại có nhiều cái tréo ngoe không lường trước được. Thời hai đứa còn học đại học vẫn thường xuyên thư từ cho nhau và cũng thường xuyên viết thư thăm hỏi em Kim con người chủ trọ năm xưa. Em Kim thi rớt tú tài nên đã ở nhà phụ giúp cha mẹ buôn bán, nhà cũng làm ăn khá giả hơn trước nhiều và thường nhắn hai người đến chơi. Thạch mãi dong ruổi trên biển khơi nên chỉ có Thảo ở gần là ngày nào cũng có mặt, thế là hai năm sau đó, Thạch nhận được thiệp cưới của Thảo và Kim. Thạch trầm tính ít nói hơn kể từ đó!


Sau đình chiến năm 1954 Thạch xin giải ngũ vì lúc đó cha chàng bị tai nạn đột ngột qua đời – nguồn thu nhập chính từ người cha không còn nên sinh hoạt gia đình ngày càng túng quẩn, Thảo và Kim cùng về lo tang ma chu đáo như người trong nhà. Hai người đã có một cháu gái bụ bẫm một tuổi rất kháu khỉnh. Kim ngày nào nhỏ bé ngây thơ giản dị nay đã ra dáng vẻ một bà mệnh phụ kiêu sa áo quần sang trọng vàng bạc đầy người. Nhìn Thảo âu yếm vợ, dìu vợ lên xuống xe Jeep nhà binh với những câu nịnh đúng điệu khiến Thạch cảm thấy mình như kẻ lạc loài, hồn ở tận đâu đâu! Hồi đó hai người cùng yêu thầm Kim nhưng Thạch với bản tính ít nói nên chỉ giấu kín trong đáy lòng. Ngược lại, Thảo luôn tỉ tê, than thở mối tình nó với Kim cho Thạch nghe làm chàng nhiều phen khó xử! Dường như, Thạch linh cảm, có lẽ Kim chú ý mình hơn Thảo, với lại cha Kim cũng thường nói vui với chàng là đã kết sui gia với cha chàng rồi còn gì? Nhưng lẽ nào lại tranh giành tình yêu với Thảo, hay mình thử trao đổi với nó xem sao! Cũng khó nói và hơi vô duyên, từ từ hẵng hay! Mà chuyện này phải do chính bản thân Kim quyết định mới phải. Và rồi có lẽ do duyên nợ, Kim không thể chờ chàng lang bạt kì hồ trong khi Thảo đang từng ngày từng giờ chăm sóc đón đưa. Con gái có lúc có thì đâu thể thả hình bắt bóng. Biết vậy nhưng Thạch vẫn thấy phiền muộn, hụt hẫng trống vắng – nhiều khi vô tình bắt gặp tia nhìn của Kim nửa như hờn trách, nửa ngạo mạn lại làm lòng Thạch xốn xang và lơ nhìn về hướng khác bâng khuâng.


Xong tuần tang chay, Thảo có giới thiệu cho Thạch đến dạy tại một trường tư thục lớn ở thị xã mà ông Hiệu trưởng là người quen của Thảo, mọi thủ tục đều suôn sẻ dễ dàng, chỉ chờ lên lớp. Nhưng thị xã này lại có Kim, cứ mỗi lần gặp Kim là Thạch lại cảm thấy con người mình không được bình thường, mất cả sự tự tin. Chàng là con người đa cảm nên mới chỉ nghĩ đến Kim thôi cũng đã chột dạ, khó chịu… lẽ nào tránh mặt nhau mãi, khi Thảo là bạn thân, lại là anh em máu thịt. Khi còn đi tàu ngoài biển, nhiều lúc gặp giông bão sóng to gió lớn nhưng chàng không hề nao núng, vẫn tỉnh táo động viên anh em vững tay chèo chống. Có lần tàu bị đắm, chàng đã nhường phao cứu hộ cho đồng đội để bơi liền một mạch hàng chục cây số vào bờ. Gan lì thế nhưng chỉ với một ánh mắt… lại khiến Thạch chân tay bủn rủn, mất cả dũng khí nam nhi!.


Thế rồi Thạch lại trở về với biển, làm thuyền trưởng cho một tàu buôn tư nhân. Đại dương bao la cũng khiến Thạch vơi đi những muộn phiền tục lụy, cảnh bon chen phố phường – tháng nào Thạch cũng gởi tiền về cho mẹ nuôi các em ăn học, thỉnh thoảng mới về thăm nhà dăm ngày rồi lại ra khơi biền biệt. Những lúc ngồi một mình trầm ngâm về xa xăm chân trời, Thạch cảm thấy con người bé nhỏ mong manh làm sao! Chàng dõi mắt vời theo những cánh buồm xa thẳm mà nghe lòng mình cạn cợt, vụn vặt những điều nhỏ nhặt. Người ông và bác trai đã mất hút nơi chân trời kia, Thảo và Kim cũng mất hút nơi bến bờ phố xá, mẹ đang mỏi mòn ngóng tuổi già, các em đang háo hức đón tuổi xuân và bản thân chàng cũng đang chờ đợi một điều gì đó mới lạ hơn ngày thường nhàm chán, chàng thường trầm lắng nghe dòng chảy trong thân thể mình, dòng máu Chăm có gì khác thường để giờ đây tâm hồn chàng bềnh bồng phiêu diêu giữa đất trời vô định. Nhiều lúc chàng muốn đi thật xa, đi để không còn biết mình là ai, đi để loài người này không nhận diện ra mình là mình, để người mẹ không kì vọng nơi con, các em không bám víu vào anh, và không còn gặp Thảo, không tìm ánh mắt Kim ngỡ ngàng bối rối.


Đã nhiều lần, Thạch tìm vào thánh địa Mỹ Sơn, lần theo dấu vết những nền gạch loang tháp đổ, những pho tượng đứt đầu cụt tay, những bia đá sứt mẻ cong queo hàng chữ để sống dậy mơ hồ sự tương quan liên đới bản thân mình cùng sự vật đang hiện tồn. Tuổi trẻ của chàng là những ngày lang thang nơi Tháp Vàng, Tháp Bạc, Tháp Đồng, Dương Long, Khương Mỹ… xuôi vào Nam đến Pô Inư Nưgar, Pô Klong, Pô Rômê, Sah Inư… đến những xóm làng Chăm ở vùng Phan Rang, Phan Rí ngược lên Châu Đốc, Tây Ninh và ước mong tìm về nguồn cội – nhưng rồi vẫn thấy lạc lõng, hụt hẫng trong chính mình. Nhưng rồi vẫn là người ngoài cuộc, không hòa nhập được những gì mình đang tìm kiếm mỏi mong! Những chuyến đi đến những làng Chăm Hroi luôn làm tâm trạng chàng bồn chồn ngắc ngoải. Người Chăm ở đây nghèo khổ cơ cực quá, không còn nhân dáng bản sắc dân tộc truyền thống. Chàng lờ mờ nhận ra rằng vào thời xa xưa, đây là nhóm người chạy loạn chiến cuộc ngược lên miền núi sống xen lẫn ẩn náu trong cộng đồng dân tộc Bana và bị Bana hóa – có lẽ cuộc chiến quá ác liệt đến nỗi nhóm người Chăm này đã phải từ bỏ bản sắc dân tộc mình để sống sót – thương thay một nền văn hóa lớn phải tự đào thải để tồn tại! Cùng với nhóm người Chăm di tản về phương Nam đã theo đạo Islam tìm che chở.


Một năm trôi qua, Thạch mới lại gặp Thảo. mấy tháng trước Thảo đã nhiều lần nhắn muốn gặp chắc có chuyện gì quan trọng thúc bách, gặp nhau tay bắt mặt mừng, Thảo có vẻ rất hồ hởi.


- Mày vô tình thế, sao lâu quá không ghé tao?


- Đâu có rảnh rỗi, đi suốt, lên bờ tranh thủ thăm bà già, hỏi han mấy đứa em chuyện học hành là hết phép – cũng nhớ vợ chồng mày nhưng chịu, lo gì, đời còn dài mà!


- Biết vậy chúng tụi mình lớn rồi, có nhiều việc cần lo toan. Gặp nhau thường để san sẻ vui buồn tốt hơn. Tao cũng có nhiều bạn bè đủ giới đủ nghề nhưng nói thật không ai thay thế được mày!


- Thì tao cũng thế! Nhưng mày trên bờ tao dưới biển làm sao gặp thường xuyên được. Tao cũng cố chắt bóp ít vốn nay mai rồi cũng định cư, chứ nay đây mai đó hoài cũng bấp bênh lắm.


- À! mày cũng nên tính chuyện vợ con đi, có vợ cột chân mày mới hết đi được.


- Hay là chưa có đối tượng. Nói chơi thôi, gặp cô nào tàm tạm cũng xong, lập thân cái đã!


- Tao có chuyện quan trọng muốn bàn với mày, chỉ có mày mới tin tưởng đựơc. Tuyệt đối bí mật! Thảo đăm chiêu ra vẻ nghiêm túc.


- Có chuyến hàng quan trọng cần mày áp tải bằng đường biển, mày có tàu nên tao nghĩ sẽ thuận lợi hơn.


- Sao không đi xe tải hay máy bay an toàn hơn?


- Hàng đặc biệt không thể đi công khai, mặc dù tao có phương tiện cơ quan nên mới nhờ mày.


- Hàng quốc cấm à?


- Không hẳn thế nhưng chuyện này cũng liên quan tới mày đấy!


- Sao lại có tao? Thạch ngơ ngác hỏi, Thảo trầm tư nhả khói thuốc từ tốn trái với tính sôi nổi thường ngày của nó.


- Đã từ lâu tao cũng muốn tạo điều kiện cho mày có cuộc sống ổn định để anh em mình luôn gần gũi đỡ đần nhau – Lần trước tao muốn mày đi dạy cũng thế, nhưng mày lại không chịu – Tưởng lúc đó ba mày qua đời nên mày buồn muốn đi xa cho khuây khỏa, nhưng mấy năm trôi qua mày vẫn trôi nổi làm tao không yên tâm!


- Tao hiểu tình cảm của mày đừng kể lể nữa làm tao xúc động. Thạch vội ngắt lời.


- Mày để tao nói tiếp đã, không đơn giản đâu! Tao muốn làm một chuyến đi xa, đổi đời, đổi cách sống đổi môi trường, vắn tắt, tao muốn vào Sài Gòn lập nghiệp và mày cùng vào đó với tao…


- Ô hay! Mày lại nổi máu phiêu lưu rồi, có ý định từ hồi nào thế? Tào lao đấy nhé!


- Không, tao đã định hướng từ lâu nhưng chưa có dịp – có chuyến hàng này mới quyết định dứt khoát – có vốn lớn mới làm ăn lớn được. Với lại không khí tỉnh lẻ làm tao ngấy lắm rồi, vào thành phố lớn mới thi thố đúng khả năng mình. Nhưng có mày tao mới yên tâm.


- Ý tưởng mày cũng hay, tao cũng đang muốn đi xa, nhưng để từ từ tao còn suy nghĩ đã, mấy đứa em cũng sắp ra trường có nghề nghiệp tự lo được rồi, chỉ còn ngại mẹ tao già yếu…


- Ổn định đâu đấy rước mấy bả vào luôn, lo gì?


- Ờ ờ từ từ sắp xếp, có gì bàn bạc sau nhé!


Chuyến đi được chuẩn bị chu đáo. ngày xuất bến đích thân Thảo lái chiếc Dodge nhà binh chở xuống bến tàu hai thùng hàng đóng kiện được niêm phong kín mít cùng mấy vali hành lí. Có cả Kim và bé gái làm Thạch ngạc nhiên – Thảo phân trần:


- Kim nhất quyết đòi đi cùng, cản không nổi nàng bảo chưa có dịp đi biển lần nào nên nhân dịp này đi cho biết, cũng như đi du ngoạn vậy thôi


- Em đi xe với tài xế Thảo hoài cũng ngán, muốn thay đổi không khí với hoa tiêu Thạch một phen cho biết tài cán hai người ra làm sao. Chìu em với nhé! Kim cũng nháy mắt với hai người nói vui.


- Ồ, được phục vụ đàn bà trẻ con là nhất rồi, chuyến đi đỡ buồn tẻ. Chỉ ngại mẹ con em say sóng thôi, không quen đi biển cũng mệt lắm đấy.


- Anh Thạch khỏi lo, em cũng là gốc con nhà biển, có mấy viên thuốc ngừa say sóng rồi. Trước khi đi chàng có về hỏi ý kiến mẹ, bà bảo:


- Con lớn rồi lại có học, nên lập thân theo thời thế, con trai phải có chí tiến thủ mới mong công thành danh toại làm rạng rỡ gia phong giống nòi. Cha con ở dưới suối vàng sẽ vui khi con làm người hữu dụng. Phần mẹ thì con khỏi lo, tiền con gởi cho mẹ hàng tháng mẹ có chi tiêu gì nhiều, vẫn để dành phòng khi đau yếu, các em con nay mai cũng có nghề nghiệp nên cũng đỡ đần mẹ phần nào, mẹ chỉ ao ước có cháu nội bồng bé, con nên liệu sớm mà lấy vợ cho mẹ vui.


- Sau này ổn định rồi mẹ và các em cùng vào Sài Gòn sống được không hở mẹ!


- Mẹ đã nói rồi, các con đi đâu cũng được nhưng mẹ phải ở lại gìn giữ mồ cha đất tổ - Mỗi thế hệ sẽ sống theo thời đại của mình. Con cứ đi, lâu lâu dẫn vợ con về thăm mẹ hay có dịp mẹ lại đến ở với các con vài ngày. À! Mẹ có cái này gởi lại con.


Bà chỉ lên xà nhà bảo Thạch bắt thang trèo lên tháo dây treo hai cái ciet xuống lấy khăn phủi bụi và lau sạch rồi giảng giải:


- Cái ciet hình vuông này đựng quần áo tư trang của dòng họ mình được truyền từ đời này sang đời khác do Muk Rija của giòng họ lưu giữ. Mẹ thuộc chị họ Rija nên vẫn giữ cái ciet này như vật gia bảo. Còn cái hình chữ nhật dùng để đựng kinh sách do Ông Mưdôn giữ, chi họ mình cũng có Ông Mưdôn Gru nên thừa hưởng ciet sách này. Không biết các lễ hội dân gian đã thất truyền từ đời nào nên không còn ai làm ông Mưdôn Muk Rija nào nữa – mẹ chỉ nghe bà kể, bà cũng nghe bà cố kể lại và mẹ cũng kể lại cho các con biết. Ciet sách này để dành cho con trai nên mẹ gởi lại con, còn sự thể thế nào thì mẹ cũng không biết.


Thế là hành trang của Thạch có thêm một cái ciet sách vật gia bảo của giòng họ chàng cùng niềm tin gởi gắm của mẹ – Thạch ôm hôn mẹ và các em rồi chia tay, tương lai còn đang ở phía trước.


Chuyến đi bình lặng êm mát, từng ngọn gió đông nhè nhẹ gợn sóng vào mạn thuyền tung bọt trắng xóa dưới ánh trăng trong, lúc này là mùa hè, mùa biển thanh bình rất phù hợp cho những chuyến đi dã ngoại, dạo chơi ngắm cảnh. Tình trạng tàu rất tốt, máy mới có bốn lốc rất mạnh, mọi khi tàu chở nặng vẫn phăng phăng lướt sóng, chuyến này tàu trống trơn chỉ có hai thùng hàng. Thạch cho tàu đi tốc độ khoảng 20 hải lí một giờ nên tàu chạy êm ru. Kim nằm trên ghế dựa lim dim nghe sóng biển, bé Ngân nằm ngủ thiu thiu trong lòng mẹ. Thạch đã câu được mấy con cá đang làm mồi nhậu, Thảo lo xa mang theo cả thùng đồ hộp, bơ sữa, trái cây rau đậu… toàn những thứ xa xỉ đắt tiền. Có lẽ nó đã quen sống công tử, chả bù với Thạch độc thân vui tính bạ gì ăn uống ra sao cũng xong!


Qua một ngày một đêm xuôi chèo mát mái, trời êm, biển lặng. Mặt trời đang ngả dần về phía Tây khuất sau mõm núi mờ xa. Những tia sáng yếu ớt buổi hoàng hôn như đang nán lại chờ ánh trăng lên xõa bóng đêm xoa dịu một ngày oi bức – Kim đang sửa soạn bữa ăn tối, Thảo đang kể chuyện gì đó với bé Ngân chốc chốc cha con lại cười rúc rích. Thạch cũng kiểm tra lại phương hướng tọa độ, nhìn trời mây dự đoán thời tiết – quái lạ! Dường như phía trước là một mảng mây đen lớn mù mịt càng lúc càng lan tỏa dày đặc, chàng không tin ở mắt mình! Mùa này làm gì có giông bão, cùng lắm là cơn mưa đầu mùa lất phất lâm râm – hình như có một con trốt đang chuyển động, một vòi rồng thật sự. Hiện tượng này chưa từng có ở vùng biển Nam Hải – có sấm gầm sét nổ với những tia chớp như xé rách cả bầu trời làm chàng hoa mắt, tai lùng bùng đầu óc rối loạn. Thạch cố định thần để xử lí tình huống, ngoái nhìn thấy Thảo và Kim vẫn an nhiên tự tại làm chàng hơi ngạc nhiên và phần nào yên tâm. Con tàu có phần lắc lư chồng chành qua từng con sóng mạnh, gió thổi ào ào xoáy mạnh tung những con sóng từ xa đang tiến gần như sẵn sàng vồ chụp nuốt chững lấy con tàu. Theo quán tính của người từng trải, Thạch bẻ lái con tàu hướng vào bờ, từng tia chớp như muốn rượt đuổi theo con tàu và thỉnh thoảng vài tiếng sét nổ kinh hồn đinh tai nhức óc làm thân hình Thạch rung lên bần bật như từng cơn điện giật. Phía trước là một vì sao sáng dẫn đường và con tàu xả hết tốc độ bay về hướng đó – gần đến bờ thì lạ thay trời quang mây tạnh tức thì, biển êm sóng lặng như chưa từng có gì xảy ra. Thạch neo thuyền tắt máy nằm soài xuống ngã ngửa ra miệng lẩm bẩm: thoát nạn!


Một hồi sau tỉnh dậy, thấy Thảo đang lăng xăng xoa dầu cạo gió cho mình, Kim vẻ mặt lo lắng ngồi kề bên, Thạch ngồi lên ngơ ngác nhìn hai người không hiểu chuyện gì đang xảy ra.


- Mày thấy trong người thế nào? Thảo hỏi nhỏ.


- Tao có làm sao đâu! Rồi Thạch vươn vai đứng dậy làm mấy động tác thể dục rồi nói:


- Cũng may, mình chạy vào đây kịp thời, cơn bão khủng khiếp quá, tao chưa từng gặp bao giờ!


- Anh Thạch làm sao ấy, hồi nãy chắc bị trúng gió, làm em sợ quá!


- Có bão biếc gì đâu, mày làm như bị quỉ ám. Khi không mày bẻ tay lái tăng tốc vào bờ như bị ma đuổi – tao có đến hỏi nguyên do nhưng mày như bị điếc đặc, tay nắm chặt lái, mắt trừng trừng về phía trước, mồ hôi ra ướt hết cả áo, con người cứ giật giật như bị động kinh, Kim hoảng quá trời – May hồn mày ngừng lại đúng lúc rồi nằm ngã ra, không thì tàu đâm vào đá chắc tụi mình bay lên trời hết rồi!


- Bán tín bán nghi, Thạch kể lại hiện tượng vừa xảy ra nên chàng đã hành động như thế. Mọi người ai cũng ngạc nhiên tự hỏi sao lại có sự việc lạ lùng đến vậy – Thạch lấy bản đồ, la bàn ra kiểm tra tính toán thì ra đây là Mũi Dinh ở Phan Rang. Vì sao dẫn chàng đến đây chính là ngọn hải đăng đang lóe sáng. Thôi mình nghỉ lại ở đây một đêm rồi sáng mai đi tiếp mấy bữa này nghe máy nổ cũng mệt lỗ tai, cảnh vật nơi này cũng đẹp thơ mộng – ý kiến mấy vị thế nào?


Vợ chồng Thảo cùng hoan nghênh đề xuất này. Có khi trong cái họa còn có cái phúc! Thạch ngồi thừ người đăm chiêu suy nghĩ mông lung về hiện tượng vừa xảy ra, mây mù đen kịt, cơn lốc kinh dị, từng đợt sóng hãi hùng sấm gầm sét nổ chớp xẹt chẳng lẽ chỉ là ảo giác?! Chàng là người yêu khoa học nên cố vắt óc tự giải thích biện luận các sự kiện có thể chấp nhận được nhưng hoàn toàn không thể lí giải xác đáng. Trong người vẫn mang cảm giác mỏi mệt bần thần bất an, như còn bồn chồn lo lắng một điều gì đó vô hình bất trắc. Vợ chồng Thảo vô tư cười nói rổn rảng và tiếng bé gái hát nghêu ngao ngọng nghịu. Một hồi sau Kim nét mặt hớn hở bưng ra một hộp bánh gatô hai tầng có cắm hai ngọn nến nhỏ màu hồng. Theo sau mẹ là bé Ngân mặc áo đầm trắng lấp lánh những viên ngọc trai giả dưới ánh điện ắc quy tàu. Thạch bưng một mâm lớn đựng hai con gà luộc vàng óng, hai con tôm hùm hấp đỏ và hai con mực nang trắng bóc. Xếp đặt đâu đấy Thảo hồ hởi tuyên bố, mẹ con Kim cũng phấn chấn ra mặt.


Hôm nay đúng ngày sinh nhật bé Ngân tròn hai tuổi, vợ chồng mình có chuẩn bị trước để có một ngày sinh nhật trên biển cho đứa con đầu lòng có ý nghĩa hơn. Không ngờ ông bà xui khiến cho chúng ta ghé vào eo vịnh bình yên này, đó là điềm lành báo hiệu cho chúng ta sẽ có một ngày mai tươi đẹp.Chúng con thành kính mời ông bà chú bác linh thiêng chứng giám, kính mời tất cả các vị thần biển, thần núi, thần đất… cùng tất cả oan hồn người khuất mặt hưởng lễ vật này và phù hộ cho bé Ngân nhiều điều may mắn tốt đẹp cùng cho các con đi đến nơi về đến chốn, đi buôn có lời, làm ruộng có lúa, xuống xuôi người giúp, lên ngược người thương. Tụi con trẻ người non dạ, có gì thất lễ mong chư vị bỏ qua không cố chấp!


Khấn vái xong mọi người chấp tay lạy bốn phương tám hướng như bà và mẹ vẫn thường làm khi có dịp cúng giỗ ở nhà. Bé Ngân vừa lạy vừa lâm râm ước nguyện trông rất ngây ngô ngộ nghĩnh. Xong xuôi Thảo bảo con thổi tắt nến sinh nhật để khai mạc, bé Ngân thổi vài lần vẫn không tắt Thảo vừa định thổi giúp con thì một luồng gió mạnh thổi qua làm hai ngọn nến tắt phụt – Thảo hoan hỉ nói:
- Ông bà phù trợ giúp bé Ngân đó! Riêng Thạch nghe cơn gió lạnh thoáng rung mình. Mẹ con Kim ăn xong, nàng có uống hai li nhỏ rượu vang để cụng li với Thảo và Thạch nên mặt ửng lên trông càng đẹp lộng lẫy, quý phái, Kim hướng dẫn con cắt bánh chia phần cho mọi người rồi hai mẹ con xin phép nghỉ trước cho hai ông tướng tiếp tục chiến đấu như mọi khi có Thạch ghé chơi nhà và kết cuộc là hai người ôm nhau mà ngủ. Trong đêm trăng thanh gió mát, cảnh vật thanh bình, hai người lai rai ôn chuyện quá khứ rồi hoạch định tương lai – chủ đề hấp dẫn vẫn là chuyện Thạch nên lấy vợ, có an cư mới lạc nghiệp,Trong thâm tâm Thạch cũng nghĩ thế, với lại đó cũng là ước nguyện của mẹ, nhưng dù sao cũng phải ổn định nghề nghiệp nơi ăn chốn ở trước đã. Thảo nói vui:


- Tao cũng hiểu uẩn khúc tình cảm cùng chí hướng lập thân của mày – Dễ ợt, chuyến này suôn sẻ mày sẽ thấy cuộc đời nhẹ tênh, khoẻ re như bò kéo xe không! Rồi mày sẽ ra vùng Phan Rang, Phan Rí chọn nơi có người Chàm làm vợ, tao sẽ làm ông mai cho nghe đâu ở trong Sài Gòn cũng có nhiều cô gái Chăm đẹp như trong một nghìn lẻ một đêm ấy!


Mày có thể cho tao biết hàng hóa trong thùng là thứ gì không. Không phải vì tò mò, tao chỉ muốn nắm chắc hơn tình thế. Còn chuyện giao hàng mày cũng phải tính trước để tao bố trí…


Nói để mày yên tâm, tàu mình chỉ cần cập bến Sài Gòn, tao lên điện cho sếp tới đón rồi chuyển giao cho người khác, coi như mình hết nhiệm vụ. Số hàng này đã được thương lượng định giá từ trước, chủ mua là người nước ngoài nên tàu của họ cũng chờ sẵn ở cảng. Mày nên biết mọi chuyện đều do sếp tao bảo kê lo liệu, tao được thuyên chuyển vào Sài Gòn cũng nhờ ơn sếp đấy. Sau này tao sẽ giới thiệu mày làm quen!


Nói rồi Thảo vô buồng lấy ra một túi xách du lịch trịnh trọng lôi ra một cái hộp giấy được bao bọc cẩn thận đưa cho Thạch:


- Tao có món quà đặc biệt tặng mày gọi là đánh dấu một cuộc sống mới, một trang đời mới.


- Vật gì thế? Thạch cầm trên tay thấy nằng nặng.


- Mày cứ mở ra xem, của mày rồi mà. Thạch mở chiếc hộp ra nhấc lên thì ra một pho tượng bằng bạch ngọc – một ông già có râu dài mang dáng một nhà tu đang ngồi thiền, tay trái chắp ngang ngực, tay phải cầm cây gậy có ngón trỏ giương thẳng phía trước như đang chĩa vào người đối diện.


Thạch đang mãi ngắm nghía pho tượng như bị thôi miên thì Thảo nói thêm:


- Còn một pho tượng Apsara bằng hồng ngọc tao tặng cho Kim, một pho tượng bò thần Nandin bằng hắc ngọc tặng cho bé Ngân. Tao thấy tượng nhà tu này có lẽ phù hợp với mày nên ưu tiên dành tặng mày đó, mày thấy vừa ý không?


- Những thứ này mày lấy ở đâu? Thạch lạnh lùng hỏi, một đám mây đen lại như đang kéo đến!


- Trong những khu mộ cổ của người Hời, đây là những thứ có giá nhất đang nằm trong hai thùng hàng. Mày biết không, chỉ mỗi tượng bạch ngọc mày đang cầm cũng có giá trên dưới 20.000 đôla


Thảo hào hứng tán chuyện.


- Thế giá trị hai thùng hàng là bao nhiêu?


- Tao không biết rõ lắm, riêng phần tao chắc chắn là 100.000 đôla, có thể sẽ được thưởng thêm! Vợ chồng tao bàn tính sẽ chia khoản tiền này làm bốn phần, tao mày Kim và bé Ngân. Tao đã hỏi trả giá một căn nhà bốn tầng mặt tiền ở quận 1 với giá 30.000 đôla, còn lại làm ăn buôn bán – cũng đã liên hệ nơi dạy học cho mày ở một trường lớn, có một căn nhà gần đó hai tầng chỉ có 10.000 đôla, lại gần chợ – hai vợ chồng ở đó thì khỏi muốn đi chỗ khác – Thảo khoái chỉ cười hề hề mãn nguyện.


- Thế mày có biết mày là người Hời không? Thạch nghiêm sắc mặt hỏi.


- Biết chớ! Ông bà cha mẹ mình vẫn bảo thế mà.


- Mày biết mày là người Hời sao mày lại nhẫn tâm đi đào mả tổ tiên là nghĩa làm sao?!


- Ồ! Mày nên hiểu là tao không có ý đó. Đây chỉ là lệnh của sếp, của cấp trên, tao là cấp dưới phải chấp hành tuân theo nếu không muốn đi lao công chiến trường, đi tù hoặc bắn bỏ oan mạng!


- Tao cũng cảm thông hoàn cảnh mày, nhưng tao không thể tuân lệnh sếp mày được. Thạch gằn giọng. Nghe hai người to tiếng Kim ra khỏi buồng nói giọng ngái ngủ:


- Hai người nên bình tĩnh, có bao giờ em thấy hai anh em lớn tiếng với nhau như thế này đâu, chắc say rượu rồi nên đi ngủ cho khỏe mai còn đi.


- Em đừng lo, đây là chuyện đàn ông, em đi ngủ trước đi, tụi anh nán lại dàn xếp ổn thỏa rồi đi ngủ sau – nói rồi Thảo bưng rượu chát rót vào hai li rồi ngoảnh qua Kim nói tiếp.


- Em thấy không, uống chưa được nửa vò thắm thía gì, có chuyện hơi vướng tí xíu đâu sẽ vào đấy thôi, em nên vào ngủ với con.


- Nãy giờ em đâu có ngủ được, cứ trằn trọc hoài thôi để em ngồi đây chơi với mấy anh cũng được, anh Thạch có gì không ổn cứ nói tiếp đi.


- Không, mình không thể làm chuyện ngược đời trái với đạo lí được, lương tâm đang nhắc mình phải biết sống như thế nào!


- Mày nghĩ cho kỹ xem, chuyến đi này quyết định tương lai cuộc đời của tao, của Kim nhất là bé Ngân và có thể cho mày nữa – không nên nghĩ đơn thuần tao cần vật chất quyền lợi để bán rẻ lương tâm, tao đang ở thế buộc và không thể làm khác. Nói thêm cho mày biết có nhiều tập đoàn đang moi khoét tháp cổ, mộ cổ hợp pháp hoặc bất hợp pháp để tìm kho tàng bảo vật với cả phương tiện hiện đại trực thăng, máy dò kim loại và những tấm bản đồ bí mật. Nhiều ngôi tháp sụp không phải do sự mài mòn của thời gian mà do chính bàn tay và lòng tham của con người phá hoại. Tao và mày sẽ làm được gì để giữ lại, níu kéo lại… tao chỉ là con tốt như đã có nhiều con tốt đang chờ thế quân. Vô vọng? Thảo rên rỉ tự thú như đang lên đồng.


- Thôi như thế này, tao sẽ nghiêm chỉnh áp tải chuyến hàng này đến nơi, xong đâu đấy tao trở về. Số tiền mày định giúp tao cũng như kế hoạch định cư ở Sài Gòn coi như hủy bỏ – không nói gì nữa, thôi tao đi ngủ đây – Thạch nói xong đứng dậy định đi nhưng Thảo nói lại miệng lắp bắp van nài:


- Nếu không có mày cùng đi cùng ở thì tao đâu đến nỗi tốn công nhọc sức liều lĩnh như thế này, mày nên nghĩ lại! Kim cũng dịu giọng khuyên năn nỉ nhưng chỉ làm Thạch thêm bực dọc không muốn nghe gì thêm nữa, chàng giằng tay Kim ra đẩy vai Thảo ấn xuống tiện đà cầm pho tượng nhà tu dằn mạnh xuống sàn tàu giọng giận giữ:


- Trả lại pho tượng cho mày luôn cho khỏi vướng víu ơn nghĩa, tình cảm anh em bạn bè, sự nghiệp… Thảo ngã ngửa ra sau nằm im. Kim đỡ chồng dậy thấy sùi bọt mép, hơi thở ò ò trong họng như bị tắc nghẽn, đôi mắt mở trừng không chớp, vội gọi Thạch giật lại. Chàng nâng bạn lên thấy hơi thở yếu dần vội làm hô hấp nhân tạo, Kim luống cuống xoa bóp liên hồi – một hồi lâu hai người nhìn nhau cầu cứu vì thầm biết rằng Thảo đã chết – mọi việc xảy ra đột ngột, không thể ngờ được nhưng là sự thật nhãn tiền. Kim rấm rứt khóc bi thảm, Thạch như người mất hồn, không còn tin ở mắt mình về sự thật hay đây chỉ là giấc mơ!


Thạch trải chiếu hoa ở giữa khoang chứa hàng nơi có hai kiện hàng oan nghiệt đang nằm lù lù trong bóng tối rồi ẵm xác Thảo đặt lên nằm ngay ngắn. Chàng vuốt mắt bạn thì thầm cầu khấn.


- Mày ra đi yên tâm nhắm mắt, tao xin lỗi đã gây ra cái chết cho mày dù mày biết tao không cố ý – đời tao có bao giờ làm mày buồn phiền, tao luôn mong muốn mày được vui vẻ hạnh phúc, mọi sự như ý – tao bằng lòng chở hàng cho mày đến nơi hẹn, mày biết đấy tao đã nói là làm nhưng giờ đây không có mày nữa nên mày ở đâu hàng ở đó để mày và tao không có gì phải ân hận hối tiếc. Tao sẽ chăm sóc mẹ con bé Ngân chu đáo với hết khả năng. Tao đang rất buồn, không có mày đã là sự mất mát lớn nhất đối với tao nhưng cuộc sống còn nhiều việc phải làm, mày ra đi yên lòng để chúng ta còn chia tay, chào vĩnh biệt!

Chàng lấy tấm drap mới trắng tinh phủ lên người bạn. Quần áo đồ dùng của Thảo hàng ngày được xếp gọn đặt bên cạnh. Xong đâu đấy Thạch thả xuống chiếc canô cứu hộ bảo mẹ con Kim xuống trước rồi chuyển vào mấy vali hành lí cần thiết và thức ăn đi đường. Cân nhắc kỹ càng, Thạch đục một lỗ đằng trước một lỗ phía sau thuyền và nước ào ào chảy vào – chàng kéo hai kiện hàng kèm sát hai bên đè lên tấm drap cho xác Thảo khỏi nổi lên mặt nước. Nhìn bạn qua lớp vải lần cuối cùng rồi loạng quạng xuống canô vung mái chèo lần mò bơi vào bờ trong đêm tăm tối.


Thế mà đã bốn mươi lăm năm với bao đổi thay dâu bể, Kim đã thành người thiên cổ. Ông Thạch cũng cảm thấy mình sống không còn bao lâu nữa, ba mươi tám năm trước lẽ ra Thạch đã có mặt nơi này nhân ngày Nương mừng sinh nhật hai tuổi, Kim đã sẩy thai hai lần trước khi sinh Nương nên hai vợ chồng rất mừng, cứ mãi ám ảnh mình có tội lỗi nên bị ông bà trừng phạt. Khi Nương mới hơn một tuổi, Kim bị đau ốm liên miên dẫn đến suy nhược rồi qua đời. Bé Ngân lúc đó mới lên sáu không còn mẹ chăm sóc chu đáo nên chàng đã gởi vào Sài Gòn tại một nhà dòng Thiên chúa giáo. Lớn lên nàng nguyện sống một đời nữ tu kín với cái tên Soeur Marie. Ngân giờ đây đã định cư ở Pháp. Trong đêm sinh nhật bé Nương lên hai, Thạch mơ thấy Thảo có đến thăm và mang nhiều quà đến chúc mừng, Cùng đi có một ông già và hai người đàn ông còn trẻ, có cả Kim mang một khay bánh gatô hai tầng và hai ngọn nến đỏ. Thảo kể rằng, trong đêm sinh nhật bé Ngân 45 năm trước chính ông và hai bác đã làm sóng gió ngăn thuyền lại để ông cháu gặp nhau. Mấy mươi năm trước ông và hai bác cũng bị bão cuốn lênh đênh ngoài biển mấy ngày rồi bị trôi giạt rồi đắm ngay chỗ vũng biển nơi tàu mình neo đậu đêm hôm đó. Chính ông và hai bác bắt Thảo ở lại cũng như không muốn chuyến hàng cổ vật sa vào tay người khác. Thạch không có lỗi gì cả! Mấy năm qua ông và hai bác vẫn luôn theo phù hộ vợ chồng Thạch, nếu không hai người còn gặp nhiều chuyện bất trắc khôn lường. Mọi người trong gia đình đang sống trong kiếp cá nóc, bơi lội tung tăng vui vẻ trong hai con thuyền đắm và nói rằng sau này Thạch cũng nên về đây sum họp. Kể từ ngày đó, Thạch không bao giờ ăn cá nóc mà thường ngày chàng rất thích. Không phải sợ ngộ độc, vì biết đâu trong số đó có ông, hai bác hay chính Thảo cũng nên!


Sáng hôm nay Thạch mang lễ vật gồm một con gà luộc, ba trứng gà, một chai rượu, một nải chuối, xôi nếp, gạo nổ, trầu cau cùng đèn cầy trầm hương. Chàng trải chiếu bày lễ vật hướng về biển nơi con tàu đắm rồi đốt trầm hương tỏa khói nghi ngút, mắt lim dim miệng lâm râm khấn vái – Thạch cầu cứu ông, hai bác, Thảo và Kim cùng ông mặt trời đang nhô dần lên mặt biển với tia nhìn sáng quắc. Kịch bản cuộc đời muôn thuở vẫn là một, chỉ được lập lại với phiên bản khác mang tính thời đại, vai diễn mới qua từng thế hệ. Nương là đứa trẻ thông minh hiếu động được cha cưng chiều nhưng lớn lên chỉ muốn chưng diện đua đòi với đám bạn cùng lứa. Thạch muốn con gái duy nhất ăn học đến nơi đến chốn nhưng khuyên bảo thế nào cũng không xong, Thạch cũng không muốn quá nghiêm khắc với con, dù gì nó cũng đã mất tình mẫu tử nên nhiều khi la mắng con mà trong lòng chàng lại đẫm nước mắt. Học hết lớp 9, Nương ở nhà không chịu học tiếp, viện cớ không có ai lo cơm nước cho cha, quét dọn nhà cửa. Thôi cũng kệ! Cha con bên nhau vẫn hơn, nhà neo đơn với lại con gái đi xa cũng không yên tâm mấy, tính khí Nương lại ngang bướng! Mấy năm sau Nương lấy chồng cũng là bạn cũ học cùng lớp – lẽ ra thằng rể phải là Sửu, thằng này hiền lành lại siêng năng tuy có phần chậm chạp và quá thật thà. Không biết thằng Mã tán tỉnh thế nào mà Nương lại một mực đòi lấy Mã – Thạch cũng đành chìu con – thôi được thằng này có vẻ lanh lợi tháo vát, duy cái miệng chèo lẻo của nó thật chả dám tin. Âu cũng là duyên số! Bước đầu cơ nghiệp cũng lắm gian truân nhưng hiện nay cơ sở làm ăn của Thạch cũng khá vững chãi. Mười hecta đất rẫy khai hoang ven theo suối nước lớn với hơn 50 con bò cái chăn thả. Đó là mồ hôi nước mắt của chàng sau 45 năm tích góp vun bồi và giờ đây chàng có quyền an nhàn dưỡng lão bên con cháu vui vầy sung túc. Nhưng số phận vẫn là số phận! Vợ chồng Nương chẳng lo làm ăn, chỉ biết ăn chơi sắm sửa. Hết đi Sài Gòn Vũng Tàu lại lên Đà Lạt, Đà Nẵng… ông Thạch lại quán xuyến công việc nhà. Chỉ có điều đáng buồn năm năm rồi ông vẫn chưa có cháu bế, vợ chồng Nương đi thăm khám bộn lần vẫn không có kết quả gì! Nỗi ám ảnh tội lỗi lại vây kín ông như đã xiết chặt ông mấy mươi năm nay và dường như ông càng muốn thoát ra lại càng bị riết chặt hơn!


Thường thì y trang của các vị vua Chăm đều do người Raglai trông giữ, chỉ được mang thay y trang vào dịp lễ Katê trong năm rồi lại được mang về bảo quản cẩn mật. Chỉ có y trang của Pô Rômê là do người Chăm coi sóc. Đó là chú dượng của Sửu. Biết rõ trong số ấy có một vương miện bằng vàng cùng những đồ gia dụng khác, Mã đã rắp tâm dụ dỗ Sửu đánh cắp vương miện. Sửu đã có vợ hai con, bản chất cần cù chất phác, không giúp cuộc sống gia đình nhỏ đủ ăn nên đôi lần con cái bệnh hoạn phải nhờ Mã giúp đỡ. Nương cũng nhớ tình cũ nghĩa xưa nên cũng cho Sửu vay một số tiền làm ăn nhưng cũng không khá lên được. Mã là con nhà giàu quen thói ăn chơi cứ tính nào tật nấy ỷ vào bên vợ có của ăn nên lại ngựa quen đường cũ, có dịp nhậu nhẹt đú đởn đều rủ Sửu cùng đi nên quan hệ hai người càng gắn bó. Tuy nhiên, không khi nào Mã dám đụng đến đàn bò của ông Thạch vì biết tính ông nghiêm túc, nền nếp rạch ròi. Tiền ăn xài mấy năm qua đều do bán tư trang của vợ – không biết ton hót dụ dỗ thế nào mà Nương cũng đành lòng chìa ra hai bảo vật của mẹ để lại – đó là một chiếc kẹp tóc hổ phách có hình con bướm và một vòng cườm tay bằng mã não – không biết hắn bán được bao nhiêu tiền mà khi về hắn chễm chệ trên một chiếc Win mới toanh phóng nhanh như gió làm xóm giềng ai cũng trầm trồ thèm muốn. Hắn mua cho Sửu một bộ đô Jean và một cái đồng hồ Seiko chặt góc làm Sửu sướng run lên tôn hắn làm đàn anh. Mã mua tặng Nương một bộ kẹp tóc mới 12 chiếc đủ loại, đủ màu sắc đều là hàng ngoại và nhiều vòng vàng đủ kiểu làm Nương rất xúc động. Không ai biết Mã đã đổi cây đèn thần của Aladin để lấy cây đèn mới của gã phù thủy vì chiếc kẹp tóc và vòng cườm tay là những bảo vật vô giá. Cũng từ ơn nghĩa thâm sâu đó nên khi nghe Mã bàn kế hoạch lấy cắp vương miện thì Sửu đồng ý ngay, Mã bảo rằng đó là vật vô chủ, nếu mình không tranh thủ thì người khác lấy mất và hứa rằng sau khi sứ mệnh hoàn thành Mã sẽ mua cho Sửu một chiếc Win mới y như của nó và sắm một bầy bò 20 con để Sửu có một cuộc sống khá giả như ai! Chỉ tội nghiệp anh chàng Sửu thật thà khờ khạo không biết mình đang đưa cổ vào dây thòng lọng và ngay Sửu cũng không biết hành động dại dột nông nổi của mình đã sang trang lịch sử.


Sau một hồi tâm tình cùng với những người thân đã khuất mặt trời đã lên cao chiếu những tia nắng gay gắt mùa hè, miếng trầm nghi ngút hương cũng đã lụi tàn từ bao giờ và nỗi niềm của ông Thạch dường như cũng vơi dần tan hòa trong tiếng sóng vỗ. Thạch bẻ lấy đầu con gà, cặp chân cùng bộ lòng gan mề đổ xuống biển rượu cúng trong chén chàng đổ xuống đất một nửa, còn lại chàng nốc ọc một cái như đang cụng li với Thảo vậy. Xong xuôi Thạch thu dọn vật dụng rồi tìm một bóng cây râm mát ngồi độc ẩm, mắt đăm đăm nhìn xa xa – kể từ ngày Thảo không còn, chàng không có ai là bạn, có mấy ông láng giềng đồng trang lứa nhưng để hiểu nhau, có thể cảm thông và san sẻ cùng nhau thật không dễ dàng. Mỗi người có một bản chất, hoàn cảnh sống, nền giáo dục, văn hóa… tạo nên một quan niệm nhận thức rất riêng. Chưa hẳn sự từng trải, kinh nghiệm cũng như sự nhẫn nhục chịu đựng có thể giúp một con người tự thích nghi với môi trường mới để hòa nhập cùng đồng loại trong bất kì điều kiện nào chưa kể con người đó đã xác lập một con đường để đi, một lí tưởng phải đạt… và đôi khi một quyết định hay sự lựa chọn dẫn đến thành công hay thất bại lại tùy thuộc vào sự ngẫu nhiên, may rủi. Khoảng thời gian qua, Thạch đã bỏ nhiều công sức học chữ Chăm, nói tiếng Chăm và tự coi mình như một người Chăm nhưng có lẽ cộng đồng Chăm ở đây vẫn không dung nạp chàng. Điều mà chàng mơ tưởng, cứ ấp ủ mơ ước vòng tay Chăm luôn sẵn sàng mở rộng đón nhận người con xứ xa lạc loài tìm về nguồn cội khiến chàng ngã lòng hụt hẫng. Điều làm cho chàng buồn phiền và thất vọng nhất là mặc dù thông thạo tiếng Chăm nhưng Thạch vẫn không đọc được chữ trong ciet, Thạch có đến nhà thầy cả sư bàn bạc xin làm đám tang cho Kim theo đúng phong tục truyền thống của người Chăm nhưng ông bảo trường hợp này đặc biệt chờ ông họp bổn đạo chức sắc mới quyết định được. Sau mấy năm lần lữa nghiên cứu rồi ông thầy cả qua đời, ông khác lên thay cũng lại bảo họp bàn với ban phong tục, rồi nào là uy tín tôn giáo, dư luận này nọ không hay không tốt để rốt cuộc giờ này Kim vẫn nằm trong đất lạnh âm u?! Thạch dự định, lo đám tang cho Kim xong chàng sẽ dựng một cái Kut cho dòng họ mình sau này có nơi thờ cúng vĩnh viễn, để con cháu biết đâu là tổ tiên cội nguồn và sau đó Thạch sẽ mời thầy đến đây cầu siêu rước hồn ông, hai bác và Thảo về an cư mãi mãi – hồi nãy Thảo cũng nhắc lại lời hứa đó và đến bao giờ trở thành hiện thực khi chàng cũng đã quá mỏi mệt và trước mặt còn lắm gian nan?


Sự kiện vương miện Pô Rômê bị mất cắp làm chấn động dư luận và quần chúng Chăm rất phẫn nộ – Sửu bị bắt giam thẩm vấn và thủ phạm chính đang bị truy nã gắt gao nhưng vẫn chưa tìm ra manh mối dấu vết. Ông Thạch rất bất ngờ và không thể hiểu nổi động cơ nào khiến con rể mình hành động mù quáng như vậy – tiền bạc thì ông không thiếu, tại sao nó không hỏi xin ông? Tình cảm ông cũng không thiếu, tại sao nó lại không tìm đến ông giãi bày tâm sự hoặc tìm sự chở che bảo bọc? Ông tự lẩm bẩm. Nhu cầu cho thân xác đâu có bao nhiêu, nhu cầu cho tâm hồn mới là vô hạn. Khi biết chuyện bán kẹp tóc và vòng tay của Kim, Thạch có kêu vợ chồng Nương đến tra hỏi. Ông tìm lời khuyên bảo nhẹ nhàng và giảng giải cho chúng biết ý nghĩa của cuộc sống – con người phải biết đứng trên đôi chân và nắm bắt cuộc sống trong đôi tay của chính mình, cha chỉ tạo điều kiện cho tụi con có đà có trớn để chúng con làm tốt hơn, dễ hơn cha ngày xưa đã làm. Hơn nữa các con sống có ích mới làm cha vui, đó là bóng dáng hạnh phúc cuộc đời – Nương và Mã vâng vâng dạ dạ có vẻ ăn năn hối lỗi và hứa không bao giờ tái phạm. Ông Thạch cũng nói rằng gia sản này là của các con, nếu cần gì cứ nói với ông bố trí sắp xếp, không nên tự tiện bán buôn đổi chác dễ bị lừa gạt thua thiệt. Mấy ngày sau đó, Mã sốt sắng chăm sóc đàn bò hơn, chở phân đi rải mấy đám ruộng cằn cỗi làm ông Thạch thấy nhẹ nhõm, hy vọng về đời con cháu. Ai ngờ!


Hôm nay ông Thạch quyết định đi tìm Mã, người con rể duy nhất mà trong thâm tâm ông vẫn muốn coi như con ruột – không còn chịu đựng nổi nỗi đau đớn cứ giày vò cấu xé trong tâm hồn ông những đêm trắng trăn trở trằn trọc làm ông muốn quỵ ngã. Mã mất tích mấy tháng nay, có người bảo gặp nó ở Sài Gòn, người lại bảo ở Buôn Mê Thuột, kẻ lại bảo ở Campuchia. Hôm qua có thằng bé chăn bò lén nói với ông rằng Mã đã xin cơm nó ăn – ông căn vặn nó đủ điều nhưng nó một mực chắc chắn người nó gặp là Mã. Ông Thạch cho nó ít tiền và bảo đừng nói với ai khác có khi nó bị liên lụy không hay. Ông dậy từ lúc canh gà gáy đầu tiên cặm cụi nấu nồi cơm to, hâm lại nồi tôm kho mặn với thịt trứng, một nải chuối chín và một bình nước. Ông lấy cây rựa cán dài làm đòn gánh, một đầu buộc giỏ thức ăn, một đầu buộc cái ciet sách. Ông đã khấn vái tổ tiên có linh thiêng dẫn ông đi tìm con rể quý để còn có con cháu nối dõi tông đường. Đâu vào đấy ông vác các thứ lên vai, lặng lẽ mở cửa rồi lầm lũi bước đi trong đêm. Cuộc đời ông đã nhiều lần gánh gồng như thế và có lẽ đêm nay gánh nặng sẽ không còn đè lên đôi vai gầy ông nữa. Ông đi đến chỗ thằng bé mách bảo, và đúng hơn linh tính ông mách bảo. Rừng núi ruộng nương nơi đây ông thông thuộc đến nỗi nhắm mắt ông cũng đi đến nơi cần đi, nơi nào có nước chỗ nào có chim muông thú. Đến nơi trời vừa hửng sáng, chưa có một bóng người, ông ngồi nghỉ chân và suy nghĩ lan man về cuộc đời đã qua. Cuộc đời ông vắng bóng nụ cười cũng như không có tiếng khóc, những uất ức buồn tủi ông đã nuốt hết vào lòng và môi miệng khô khốc của ông luôn chực chờ nụ cười vui lại biến dạng méo xệch rồi trở lại mím chặt, chợt co giãn tiếng thở dài tắt nghẹn – đối với mọi người ông là một lão nông tri điền, chỉ có điều không ai biết những thửa ruộng mảnh đất đang nằm ngay trong đầu ông san sát chồng chồng lớp lớp phong nhiêu cằn cỗi, vừa úng thủy vừa khô khốc. Những cánh đồng trơ trốc hôm nào nay đã thành nông trường thơm tàu, đào, Quán Thể… và giờ đây trở thành khu dân cư thị tứ – người đâu mà lắm thế! Ông cầu nhàu, những xóm làng người Chăm ở ven biển dần bị sóng đánh trôi giạt sâu vào đất liền chỉ còn lại nghĩa địa người chết. Ông lân la đến làng thổ cẩm, làng gốm để may ra tìm lại nhân dáng mình, làm quen với nhiều tri thức chức sắc tôn giáo để hiểu Chăm là thế nào và muốn làm người Chăm phải sống sao cho hợp lẽ. Ông lần trong bọc lấy ra pho tượng nhà tu ngắm nghía. Cũng có lúc ông có ý định đi tu khi Nương lấy chồng, ông đã tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc ngũ thập tri thiên mệnh nhưng lục thập ông lại bất nhất và giờ đây đã thất thập cổ lại hy, đáng lẽ ông phải được con cháu phụng dưỡng, cuộc đời trớ trêu ông lại đang hành trình đi tìm con cháu!


Ông Thạch đang tìm về kỷ niệm trong quá khứ. Cái gì đã qua cũng đẹp, càng tủi nhục khổ đau càng rực rỡ, có lẽ những điều sẽ xảy ra trong tương lai cũng thế, ông mơ thế. Pho tượng Apsara ông đã chôn theo Kim để nàng bầu bạn, pho tượng bò Nandin ông cũng đã gởi cho nhà dòng nhờ trao lại cho Ngân khi cô bé trưởng thành chắc cũng sẽ chở linh hồn Soeur về nơi muốn đến! Với ông, ông cũng đang ngồi thiền cùng pho tượng nhà tu nơi núi rừng hoang vắng này. Ý nghĩ đó làm ông Thạch nở nụ cười trinh nguyên mãn nguyện! Bên cánh rừng hiện ra một bóng người ông nhận ra ngay đó là Mã. Ông vẫy tay và Mã đến chỗ ông ngoan như một con chim lành. Ông tháo giỏ lấy thức ăn ra bày biện như lễ vật cúng giỗ rồi bảo giọng nhỏ nhẹ dịu dàng.


- Cha biết con đói nên mang thức ăn ra cho con, con ăn cho no rồi kể chuyện cho cha nghe. Cha đến cứu con! Mã ngồi ăn ngon lành, lâu lâu lại ngước lên nhìn ông, mắt đỏ rưng rưng ngấn lệ, đầu tóc bù xù râu ria lởm chởm, quần áo rách tươm dơ dáy trông rất tội nghiệp!
Ông Thạch nhìn nó và tự nhủ trong lòng:


Nó là con người mà khác gì con vật, chỉ biết sống theo bản năng thú tính hoang dã! Ăn xong ông lấy nải chuối cho nó tráng miệng, nước cho nó uống, bao thuốc cho nó hút – ông tự hỏi không biết nó cần thêm thứ gì cho xác thân để ông còn lo liệu. À! Chắc nó cần cafê, ông lấy một gói Net và một Icetea pha vào hai chén với nước lạnh rồi để trước mặt nó. Ông quên mang chiếc cassette, nếu có âm nhạc thì tuyệt vời! Ngày đầu lập nghiệp ở Panduraga ông có mang theo cây đàn violon, bản nhạc ông thích nhất là dòng Danube xanh của Strauss nhưng từ khi ông học kéo đàn Kanhi thì ông chỉ thích kéo nhạc đám tang, âm thanh cứ nghe rờn rợn mà xóm giềng cứ gọi khúc nhạc ma, nhất là lúc thâu đêm canh vắng. Hôm nay ông đi tìm con trong tâm trạng rối bời nên không thể mang theo cây đàn được, với lại ông chơi đàn để ru hồn mình, một linh hồn bơ vơ không nơi nương tựa, không chốn dung thân, không anh em bạn bè dòng họ, cộng đồng. Đã nhiều lần ông muốn về nơi chôn nhau cắt rốn nhìn lại mặt người mẹ già, nhưng mọi lần đều chùn bước – Ông sẽ nói gì với mọi người về mình, về vợ chồng Thảo, Kim, bé Ngân và lúc này nói gì về Nương về Mã, về thân phận người Chăm mình muốn sống nhưng không được và lúc này mẹ ông chắc cũng đã qua đời – không biết mấy em còn sống vui?! Chắc mọi người đều nghĩ rằng ông đang sống ở Sài Gòn và mỏi mắt ngóng trông một ngày nào ông sẽ trở về cùng vợ con trong tiếng cười đoàn tụ, người thân giòng họ nở mày mát mặt, ông là một giáo sư đệ nhị cấp nhưng chưa một lần được lên lớp giảng một bài học, dạy một người học trò. Ông chỉ biết dạy một con thuyền lướt sóng, dạy đàn bò sinh con đẻ cái, dạy cây đâm chồi ra hoa kết hạt và không dạy được con cái như ý nguyện. Đã từ lâu ông cũng quên rằng mình là một người thầy giáo, người trí thức có chức năng truyền thụ kiến thức cho thế hệ mai sau. Với mọi người, ông có vẻ lập dị cách biệt nhưng là người tốt bụng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên ai cũng có thiện cảm tuy có phần kiêng dè kính nể vì tính ông nghiêm túc và có phần nguyên tắc. Lúc này ông không còn dạy được ai nữa, ngôi trường cuộc đời quá rộng, tuổi tác ông cũng đã cao, tìm một người thầy đã khó, tìm một người học trò lại càng khó hơn. Mãi ngậm ngùi số kiếp, tiếng Mã thảng thốt:


- Con muốn về nhà!


- Ừ! rất tốt, rồi cha con mình sẽ về, mấy tháng qua con sống ở đâu sao không về?


- Thưa cha, con trót dại lấy cắp cổ vật đem vào Sài Gòn định bán nhưng cứ thấy lòng bồn chồn day dứt không đành bán được. Nghe tin Sửu bị bắt con sợ quá trốn sang Campuchia – ở đó cũng có người Chăm nhưng con thấy sinh hoạt không ổn nên không ở lâu được – con rất nhớ vợ và cha, cả xóm làng ruộng rẫy…


- Con nhớ cha nữa cơ à! Ông Thạch ngắt lời.


- Cha đã dạy bảo khuyên nhủ con đủ điều nhưng con không biết nghe lời, con rất có tội! Tình thực là con rất thương cha. Con biết cha không còn ai thân thích ngoài vợ chồng con và cha ráng sống vì các con, cho tương lai các con. Nghĩ lại con quyết tâm trở về với cha với Nương với ngôi nhà thân thuộc không nơi chốn nào bằng được. Nhưng rồi con sợ cha, sợ bị bắt nên con đã trốn đi Ban Mê Thuột. Trên đó con cũng lạc lõng bất an nên con lại mò xuống đây một tuần rồi nhưng không dám về nhà. Ôi! Con khổ sở quá rồi xin cha cứu con.


- Con chưa thấm thía nỗi đau của cuộc đời này bao nhiêu. Cha đã trải qua nhiều khổ đau gấp nhiều lần con để cha có thể hiểu con được. Nhiều người cứ than van rên rỉ hoặc lên án phê phán người khác trong khi họ không hiểu một chút gì về căn nguyên của từng niềm đau nỗi buồn để có thể san sẻ hiệu quả thích hợp. Có người lại quên đi quá khứ khổ đau của mình để vùi dập đi nỗi đau của kẻ khác trong hiện tại và tương lai để tìm niềm vui đắc thắng tự mãn nhất thời. Nhưng thôi, sức chịu đựng của con chỉ bấy nhiêu, không thể trách con được, con dám làm lại không dám chịu nên cha phải chịu thay con vậy! Con dẫn cha đi lấy vương miện rồi về.


Mã dẫn cha đi vào sâu hốc núi, loanh quanh một hồi đến một lùm cây có một gộp đá lớn – Mã thọc tay vào kẻ đá lôi ra một cái bao nhỏ cáu bẩn đưa qua cho cha. Ông Thạch nghiêm trang trịnh trọng bóc từng lớp giấy và cuối cùng là một vương miện bằng vàng sáng rực, ông thận trọng đặt vương miện lên một tảng đá cao ngang đầu rồi kính cẩn cúi người xuống sụp lạy – Mã thấy cha lạy cũng lạy theo miệng lẩm nhẩm khấn vái, ông Thạch ngoái lại nói với Mã:


- Đây là cái vương miện làm bằng vàng chứ không phải là một cục vàng để làm vương miện, con hiểu chứ?


- Dạ con hiểu, Mã sợ sệt đáp khẽ.


- Vương miện là để đội trên đầu ông vua, là ông vua, là vương quuyền của một triều đại, một đất nước, một dân tộc – con có biết không?


- Dạ con sẽ ghi lòng tạc dạ lời cha dạy.


- Đây là một vật không dành cho riêng ai, dù đó là một ông vua, một người dân hay bất cứ một ai khác. Cũng không phải dành cho quá khứ cho hiện tại hay cho tương lai. Nó là chứng tích lịch sử dành cho muôn đời không ai có quyền sở hữu – con nghe không?


- Dạ con luôn luôn lắng nghe ạ!


- Thế sao con lại đánh cắp cả một chứng tích lịch sử dành cho muôn đời? Ông đanh sắc mặt hỏi.


- Dạ con chưa bao giờ nghe ai dạy ai nói cho con hiểu con biết, con sẽ ghi nhớ mãi lời cha dặn! Mã lắp bắp. Ông Thạch đã bỏ hết cả cuộc đời để lần theo dấu chân Chăm và sắp đến ngày xuống lỗ ông vẫn chưa tìm lại được chính mình. Những dấu tích ông kiếm tìm sẽ được con cháu đi theo, không ngờ chính con ông lại xóa đi dấu tích ấy. Đám mây đen lại hiện về nặng trĩu dày đặc! Ông quay lại nhấc cổ Mã giật lên gằn giọng:


- Con là con của cha, con của cha… Giọng ông rít qua kẻ răng rùng rợn đứt quãng


- Con không nên… không thể, không thể như thế! Ông rú lên xiết chặt đôi tay như thép nguội vào cổ Mã, đôi mắt man dại hằn gân máu đỏ long lên sòng sọc, mạch máu thái dương giần giật, cổ họng ông ồng ọc nghẹt thở như đang bị ai bóp cổ – một lúc lâu tỉnh lại qua cơn điên loạn tuyệt vọng, ông vội buông Mã ra thì chỉ còn lại là một cái xác không hồn mềm nhũn! Ông nhìn vào đôi tay sần chai ghê tởm không hiểu sao sự việc lại như thế. Ông Thạch được cha truyền dạy võ gia truyền từ hồi nhỏ, lớn lên lại có dịp học karate và Judo của một võ sư người Nhật và ông là một võ sĩ có hạng và chính võ sư dạy chàng cũng phải thán phục. Cuộc đời chàng chưa dùng võ nghệ học được để đối địch với ai nhưng đúng là nghiệp chướng, Thảo và Mã đã chết trong tay ông, chết trong tay người bạn, người anh em, người cha người thầy. Cắt cổ một con gà còn ngại huống chi!


Ông Thạch lấy cây rựa moi đất đào huyệt, nơi đây toàn đá sỏi nên ông phải kiên nhẫn cạy từng viên một. Ông không còn khái niệm về thời gian và công việc đang làm, ông như một cái xác không hồn, mồ hôi nhòe cả mắt mũi lẫn đất bụi lấm tấm cả trên mái tóc chòm râu bạc phếch. Lấp xong ngôi mộ đứa con thì ánh hoàng hôn nhạt dần trên sườn non thoai thoải. Người mệt phờ, ông đứng lên chới với, lúi húi xỏ cây rựa vào ciet sách, đầu kia treo cái túi có vương miện bằng vàng và pho tượng bạch ngọc tòn teng theo nhịp bước chân lững thững lê gót – đi đâu bây giờ? Ông, hai bác và Thảo đang nằm trong lòng biển, Mã lạc đường nên phải nằm đây, Sửu đi vào nhà tù… Không! ông không thể lạc và ông lầm lũi bước đi vạch lối như tháng ngày qua vẫn thế.


Ông Thạch đi vào một ngôi nhà lớn được xây bằng gạch có kiến trúc như ông đã từng thấy nơi thánh địa Mỹ Sơn, ở đây không khí thoáng mát thanh vắng nên tâm hồn ông thấy thư thái tỉnh táo hẳn lên. Một thứ ánh sáng lung linh huyền ảo được phát sáng từ những viên ngọc treo trên tường và trần nhà. Pho tượng bạch ngọc của ông cũng phát sáng tương ứng và ông Thạch lấy nó ra đặt trên một cái bệ dưới vòm cửa bên những viên ngọc khác – có lẽ chỗ của nó là ở đây! Đi vào gian trong thấy sách là sách, ông tháo Ciet ra và khẽ khàng đặt nó bên những Ciet khác. Chỗ của mày là ở đây! Vòng qua lối khác thấy nhiều ngai vàng đủ dáng kiểu bằng ngọc, ngà, vàng bạc chạm khắc tinh vi cầu kì, kế bên là một dãy kệ có một ngăn chứa đủ loại vương miện. Ông Thạch nâng niu cái vương miện Po Rômê bịn rịn đặt vào một chỗ còn trống. Rồi ông đi dạo một vòng xem những thanh bảo kiếm, thiền trượng, lư hương, cơi trầu, bình rượu, chén, chum… đa dạng nhất vẫn là gian nữ trang với đủ mẫu mã, màu sắc lấp lánh, có cả chiếc kẹp tóc hình con bướm và vòng cườm tay mã não. Ông trở lại gian chứa sách, tò mò giở ra từng cái Ciet hình chữ nhật chứa đầy sách. Có nhiều chữ giống chữ trong sách của dòng họ ông, có nhiều chữ khác đi chút ít hoặc khác hẳn. Tìm được trong một cái Ciet có chữ ông đã học được, ông ngồi đọc như ngày nào mới vào tiểu học, như ông đang trong tuổi nhỏ và như ông đã và đang là một người Chăm Jat và sẽ là Chăm mãi mãi!


Một tia nắng ngày mới lên qua khe đá chiếu thẳng vào mắt làm ông Thạch tỉnh dậy. Ông lần lại ký ức dáo dác nhìn quanh, mọi thứ ông đã gởi lại đúng chỗ, cái gì đã qua đi sẽ không bao giờ trở lại – ông vẫn còn người con gái, còn ngôi nhà để trở về. Ông đứng lên vác cây rựa nhìn về hướng mặt trời dấn bước không buồn ngoảnh lại. Về đến nhà ông nằm ngủ mê mệt, Nương thấy cha ngủ say nên cứ ở bên, lâu lâu lại rờ lên trán cha xem có nóng lạnh!


Sáng nay ông Thạch nôn nóng đi đến một ngôi nhà Chăm, ông có việc quan trọng thúc bách! Ở đó ông quen một gia đình trí thức hiểu biết sâu sắc về văn hóa Chăm, con cái có giáo dục nền nếp. Hồi trước ông mơ ước được kết thông gia với gia đình này nhưng sự việc bất thành làm ông cứ tiếc nuối – Nương là một người con gái mang nét đẹp phương Đông truyền thống vừa phảng phất dáng vẻ phương Tây phóng khoáng. Phải chi con gái ông lấy được một người chồng tốt! Ông linh cảm đời mình không còn sống bao lâu nên ông muốn làm di chúc nhờ gia đình này quản lí giùm tài sản của ông, chăm sóc đứa con gái duy nhất của ông. Đã đến lúc ông không còn chăm sóc lo liệu được bản thân mình, nói chi cho người khác! Ông đã không sống như một người Chăm thực thụ nên ông mong được chết như một người Chăm chính thống. Đến đài liệt sĩ ông bị một xe tải va quệt làm ông ngã té, người đi đường mang ông vào bệnh viện cấp cứu. Nương nghe cha bị tai nạn nên vội vã đến nơi khóc lóc vật vã, nàng rất thương cha vì không còn ai để yêu thương nữa! Ông Thạch bị hôn mê sâu, chợt tỉnh lại mở đôi mắt lờ đờ vô cảm hé mắt thấy có ông bạn gìa trí thức muốn tìm, ông gắng gượng ra hiệu lại gần như muốn trăng trối : – vương miện… vương… Mã… Mã… chết, rồi ông tắt thở, tựa một lời di chúc! Nương giao ngôi nhà cũ và đàn bò cho vợ con Sửu chăn rẽ – ngăn tủ riêng của cha cất giữ 20 lạng vàng, 10 lạng vàng từ thời Bảo Đại, có lẽ từ hồi cha mới đến đây lập nghiệp, 10 lạng còn lại là SJC chắc cha mới sắm và một số tiền lớn. Nàng mua một ngôi nhà mặt đường bán tạp hóa giải khát để sống qua ngày với một người cháu của Mã làm con nuôi. Cuộc đời trống vắng quá, ráng sống mà không biết sống để làm gì? Đời nàng không vất vả cực nhọc vì miếng ăn manh áo nhưng nàng thiếu quá nhiều tình người, nàng không có tình mẹ, không có quê hương đúng nghĩa – người Kinh ở đây bảo nàng là Chăm, người Chăm lại bảo nàng là Kinh và nàng cũng không biết mình là ai nữa! Nàng như là một đứa con hoang, một đứa con rơi, một đứa con vô thừa nhận! Nàng cũng không biết tình yêu là gì, lúc đầu cứ tưởng rằng mình yêu Sửu hóa ra không phải, rồi yêu Mã sống với Mã mới té ra cũng không phải! Có một người con trai cha nàng ưng ý có mời về nhà chơi vài lần nhưng anh ta không thèm để ý ngó ngàng gì đến nàng làm nàng cũng cóc cần! Qua ngưỡng cửa 40 nàng mới đủ sức phân biệt nhận diện một người đàn ông tốt xấu, giỏi dở, đớn hèn hay bản lĩnh thì quá muộn, không còn cơ hội để chọn lựa nữa. Biết làm thế nào?! Sau này có gặp lại anh con trai đó kể lại chuyện cũ thì anh ta cười hì hì bảo: hồi đó anh ta cũng để ý đến nàng đấy chớ nhưng phong cách anh ta là như thế, để ý mà như không để ý, không lộ liễu săn đón vồn vã như kẻ khác. Ôi! Hồi đó nàng khờ khạo vụng dại quá, không đủ trí khôn để nhận xét, nắm bắt… rõ khổ! Cũng là duyên số cuộc đời. Nàng thường đánh giá một người đàn ông qua hình tượng người cha mình từ phong cách ăn nói ứng xử, năng lực đến trình độ, trí tuệ, ý chí… và cha nàng thường bảo: Để đánh giá đúng một đối tượng thì bản thân mình cũng có sự từng trải, hiểu biết tương ứng và cần nhất là sự bao dung độ lượng – Rất tiếc, dường như những người đàn ông mà nàng đã từng gặp gỡ tiếp xúc lại không như thế – Thay vì học một biết mười họ lại biết một nói mười, không biết cũng nói những lời nói không mất tiền mua!


Những lúc buồn rầu quẫn trí nàng lại nghĩ đến cha, người cha đã lo lắng hết lòng cho con, hy vọng vào tương lai con tốt đẹp, gởi gắm niềm tin về một thế hệ xa tít. Tình yêu của cha lớn quá đến nỗi nàng cũng không hiểu tình yêu đó là gì, như thế nào, có hay không có! Những khi dạy nàng học chữ Chăm cha nàng luôn nhắc nhở: Học không phải để biết đọc biết viết, học để hiểu, hiểu chính mình, hiểu người khác và hiểu cuộc đời. Có hiểu con mới có thể đánh thức được mình, đánh thức người khác và đánh thức cuộc đời sinh sôi nẩy nở! Có lẽ cha còn nhiều điều để nói nhưng nàng không hiểu được nên nhiều khi đang nói cha lại bỏ lửng trầm ngâm chép miệng. Có một lần ông bạn trí thức đến chơi, câu chuyện có đề cập đến văn hóa dân tộc. Ông ta than phiền rằng hiện nay có nhiều kẻ lợi dụng danh nghĩa làm văn hóa Chăm để mưu cầu lợi ích riêng. Nhiều người bán rẻ lương tâm, bán đứng cả con người mình chỉ để hưởng những quyền lợi nhỏ nhặt, cơm thừa canh cặn… lại cứ tưởng mình quan trọng, có công to tát trong việc giữ gìn phát huy bản sắc. Họ mới rờ mó vành ngoài đã vội nâng cao cách điệu vành trong, hô hào truyền thống nhưng lại phát triển lai căng, râu ông nọ cắm vào cằm bà kia, không biết đâu là râu ria lông tóc nữa! Người ta khai thác kho tàng văn hóa như khai thác mỏ đá, cho nổ mìn tùm lum, xay nghiền lung tung rồi chế biến vội vàng thu tiền bỏ túi! Nghe chuyện đó cha nàng buồn bực mấy ngày, cuộc đời cha không có niềm vui!


Có nhiều người đàn ông thường xuyên lui tới quán. Họ tới đây để chiêm ngưỡng sắc đẹp của nàng, một kho tàng vô chủ. Nàng hào phóng ban phát cho tất cả! Ai cũng hí hửng tự hào đã chinh phục được một người đàn bà đẹp. Nàng muốn bị chinh phục cho dù người đó có xứng đáng được ban phát hay không mà không muốn cũng không được! Có một điều mơ ước mà nàng biết chắc là không bao giờ có thể, nàng muốn làm vợ người con trai đã để ý mà như không để ý nàng thuở trước, dù chỉ một lần trong đời để chỉ biết mình đã là người vợ và đã có một người chồng. Nàng giấu kín ý nghĩ đó trong lòng như một điều thiêng cấm kỵ và trong vòng tay ôm cưng những người đàn ông dung tục nàng đang mê đắm trong ý nghĩ đó – thực tế chỉ là điều tưởng tượng và đôi khi điều tưởng tượng lại là điều thực tế! Nàng quá cô đơn, nỗi cô đơn từ kiếp trước, nỗi cô đơn đóng cục! Khi con người không thể tìm niềm vui trong tâm hồn thì con người đắm chìm trong lạc thú thể xác. Chinh phục và bị chinh phục! Mấy tháng nay nàng biết mình có bệnh nan y không thể chữa khỏi dù có thừa tiền bạc. Nàng tranh thủ sống như nhiều kẻ khác đang tranh thủ làm giàu, chức quyền danh vọng. Nàng đã có đủ và sắp mất hết, có chút gì để lại được chăng?


Đêm nay, Nương thấy trong người khó chịu tinh thần bất an nên nàng uống một viên Para rồi đi ngủ sớm. Nàng thấy người mình lạnh ngắt nên la hoảng gọi cha như hồi nàng còn nhỏ có lần bị sốt rét – cha dắt tay đưa nàng đến một cái nhà rồng nhỏ như chuồng chim bồ câu trang hoàng lộng lẫy, ở dưới có chất củi chen dày. Cha nàng đốt lửa và con người nàng dần ấm áp như được sưởi từ ngọn lửa tình yêu của cha vậy. Lần đầu tiên trong đời Nương mới thấy cha mình vui đến thế, luôn miệng nói cười trêu chọc mọi người. Cha nói cho nàng biết người này là ông, là bà chú bác, cô dì, họ hàng giòng tộc… Mọi người đều tới nắm tay ôm hôn nàng thắm thiết. Chỉ có điều lạ, hôm nay cha nàng ăn mặc sang trọng quý phái, đầu đội một cái vương miện bằng vàng trông rất oai nghiêm đĩnh đạc, cha còn mang cây đàn violon ra tấu khúc nhạc ma rất ư nghệ sĩ!. Khi ngọn lửa tắt ngấm, nàng nhảy xuống và thấy con người nhẹ nhõm.

Đêm đó Nương qua đời, chẳng có người tình nào đưa tiễn nàng vào lòng đất lạnh – loài người luôn muốn tìm nơi có ánh sáng như con thiêu thân tìm ngọn lửa – cũng chẳng có họ hàng ở cố hương Vijaya biết tin để đến đưa tang, cũng chẳng ai biết rằng nàng cần một ngọn lửa để hóa thân, tìm về cội nguồn vĩnh cửu!



Source: Inrasara.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com