13 thg 4, 2013

Sự tích về ngọn núi Cabbang và nữ thần Po Nai

Núi Cabbang, nhìn từ palei Caklaing


Trong lễ hội dù lớn lớn hay nhỏ trong cộng đồng Chăm chứa đựng nhiều hình thức nghệ thuật, từ nhạc, múa, thơ ca cho đến cách thức sống, sinh hoạt cộng đồng tạo những nét đẹp văn hóa đặc trưng. Riêng lễ hội nữ thần Po Nai ở núi Cabbang, ta không chỉ cảm nhận cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang vu, u tịch mà còn cảm nhận một lễ hội đầy huyền bí mà cứ hàng năm vào tháng giêng (sau lễ hội Rija Nưgar) tính theo lịch Chăm, tức khoảng tháng 4 theo Dương lịch, tất cả các làng Chăm lên núi Cabbang để hành lễ.

Hồi nhỏ tôi thường hay nghe các chú, bác và những người dân Chăm trong làng Caklaing kể về sự huyền bí của ngọn núi Cabbang (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) – ngọn núi chỉ cách palei làng khoảng 10km. Khi ra ngoài đường làng ngước mắt nhìn về phía nam ta sẽ thấy ngọn Cabbang đứng sừng sững với vẻ uy nghiêm riêng của nó. Với người Chăm, người phụ nữ thường hay lo về khâu hành lễ và cầu nguyện từ trong gia đình đến những đền tháp vào những dịp lễ nghi trong phong tục tập quán Chăm, đàn ông chỉ phụ giúp ngoại trừ những người đang giữ chức tu sĩ hay thầy tế lễ - thường thì đàn ông hay lo về vấn đề ngoài xã hội nên hay gặp nhiều chuyện li kỳ để tán gẫu trong bàn nhậu, quán café cốc. Chú tôi khuyên, khi lên núi Cabbang thì không nên nói những ngôn lời tục tĩu, hay than thân trách phận vì nữ thần Pô Nai sẽ làm hoa mắt, lạc đường và sẽ bị hổ vồ, rắn mổ. Một chuyện nữa về đời thường mà chú tôi kể thêm, trong một đợt chú đi theo đoàn để đốn gỗ làm nhà, cả đoàn người đã thấy một con hổ ẩn hiển quanh đoàn xe bò, không chịu đi. Ai cũng sợ, nhưng khi họ ngồi lại tiến hành nghi lễ- lấy một chén nước sạch, một chai rượu nhỏ, ba quả trứng vịt luộc, khấn và cầu nguyện với nữ thần Pô Nai. Xong, thì bỗng con hổ không thấy xuất hiện quanh đó nữa. Những người thường hay đi rừng, đi núi hay kể về những người đi lạc, hay bị nhiều thú rừng đe dọa, hay gặp chuyện không hay với núi rừng thường hay khấn cầu Bà. Chú khuyên thêm, rừng núi có khi là nơi nguy hiểm với ai thiếu niềm tin vào cuộc sống, cũng có khi là nơi linh thiêng với những con người tin vào thần Yang. Nhiều chuyện huyền bí quanh núi Cabbang khiến tôi tò mò. Về sau tôi mới nghe gần như trọn tích về ngọn núi này.


Theo truyền thuyết, người con gái đầu trong ba con gái của nhà trời được cử xuống trần gian để cứu nhân độ thế. Theo tích kể, khi giáng trần nàng hóa kiếp là con gái út vua Poramê (1627 – 1651) với tên là Nai Tang Ya Bia Atapah. Lúc đó tình hình đất nước Chiêm thành trở nên rối ren về chính trị và suy yếu, để giữ mối bang giao với tộc người lân cận Poramê buộc gả nàng cho tộc trưởng người Raglai có tên là Cei Kamao. Cei Kamao là một tộc trưởng trẻ, khỏe mạnh, tài giỏi. Để giúp vua cha phò nước và để giữ mối hòa hiếu với các dân tộc anh em nên công chúa đành chịu. Trước khi chấp nhận cưới xin- nàng và đoàn tùy tùng theo Cei Kamao du ngoạn rừng núi, nơi chốn chàng sống. Mọi sự thể trong tìm hiểu và chung sống đã biến đổi khiến nàng rời bỏ Cei Kamao, rời bỏ chốn hoàng cung xa hoa của vua cha vào rừng lên núi, xuất giá (Atapah) tu hành. Người đời sau kể nhiều dị bản về nguyên nhân khiến nàng lên núi tu hành, tôi chỉ liệt ra hai tích kể, nguyên nhân đầu là nàng không chấp nhận với vua cha về cuộc hôn nhân bị ép buộc này. Dị bản khác lại cho hay, trong một thời gian tìm hiểu, nàng thấy giữa lối sống của người Raglai quá khác xa so với hoàng cung và cách để chung sống với Cei Kamao là không thể. Nàng chê và sợ chàng bởi chàng luôn đóng khố và luôn đeo một cây dao bên mình. Chàng cứ theo đuổi nàng mãi nên nàng sợ và bỏ đi. Khi nàng bỏ đi lên núi tu, Cei Kamao chờ mãi không thấy nàng trở về nên đi tìm. Qua nhiều ngày tháng tìm kiếm nơi núi nàng đang tu hành để mời nàng về nhưng đều không thể. Trong cơn giận dữ bởi sự khinh khi, Cei Kamao gương nỏ thần bắn lên ngọn núi, mũi tên thần trúng làm nứt ngọn núi ra làm đôi (người Chăm gọi “cơk talah Cabbang” – núi chẻ đôi). Từ sự tích này mà người đời về sau gọi ngọn núi này là Cabbang.

Do khả năng tu hành tinh thông Bà đã chứng đạo, Bà hay hiện thân cứu giúp và che chở người Chăm trong vùng mỗi khi gặp hoạn nạn. Về sau tưởng nhớ đến công ơn của Bà, người Chăm đã lên núi nơi Bà ẩn thân tu hành tạc một bệ thờ Linga bằng đá sa thạch, cao khoảng 0,6 mét. Linga được chia làm 3 phần, liền thành một khối. Phần đầu ở phía trên cùng hình tròn (Rudrabhaga)- tượng trưng cho thần Shiva, phần giữa hình bát giác (Visnubhaga) - tượng trưng cho thần Visnu, và phần dưới cùng hình vuông (Brahmabhaga) - tượng trưng cho thần Brahma. Ba vị thần này trong tâm linh Chăm xem như là “tam vị nhất thể” (Trimurti). Về sau chẳng biết như thế nào Linga ở chỗ thờ Bà bị mất, dù là vậy, theo phong tục hàng năm cứ vào tháng giêng (lịch Chăm) người Chăm, cả Chăm Bàni (Awal) và Chăm Bàlamôn (Ahier) sắm đủ các lễ vật chay tịnh lên núi cúng cho Bà. Trong hệ thống thần linh Chăm tại Ninh Thuận tên Bà được dân Chăm tôn xưng với danh hiệu là Po Nai. Bà được thờ như thần hộ mệnh của dân tộc Chăm ở quanh.

Trong lễ hội dù lớn lớn hay nhỏ trong cộng đồng Chăm chứa đựng nhiều hình thức nghệ thuật, từ nhạc, múa, thơ ca cho đến cách thức sống, sinh hoạt cộng đồng tạo những nét đẹp văn hóa đặc trưng. Riêng lễ hội nữ thần Po Nai ở núi Cabbang, ta không chỉ cảm nhận cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang vu, u tịch mà còn cảm nhận một lễ hội đầy huyền bí mà cứ hàng năm vào tháng giêng (sau lễ hội Rija Nưgar) tính theo lịch Chăm, tức khoảng tháng 4 theo Dương lịch, tất cả các làng Chăm lên núi Cabbang để hành lễ. Những đồ dâng cúng Po Nai chủ yếu là hoa quả và các loại bánh, hình thức cúng chay. Lễ hội Po Nai có hai hình thái: Lễ nghi tôn giáo và lễ hội tín ngưỡng dân gian. Làng Chăm Bàlamôn chỉ tổ chức lễ hội tín ngưỡng dân gian, còn làng Chăm Bàni tổ chức cả hai lễ. Cả hai lễ đều mang tính chất cầu đảo, gắn liền với lễ nghi nông nghiệp, cầu mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng bội thu, cầu sự sinh sôi nẩy nở cho người, vật nuôi, cây trồng. Qui mô lễ tùy theo cộng đồng làng nhưng tính chất lễ hội diễn ra trong một không gian rộng lớn, khắp 22 làng Chăm trong tỉnh Ninh Thuận đều tham gia.

Lễ còn nói lên tính chất hợp nhất hai ý thức hệ, mà vua Poramê đã có công dựng lên. Lưỡng thể hợp nhất giữa hai tôn giáo Bàlamôn và Bàni.

Lễ nghi tôn giáo

Các chức sắc Bàni làm lễ gồm: Imưm, Katip, Mưdin. Địa điểm trong hang đá. Theo truyền thuyết đây và nơi tu hành của Bà được phủ bằng một lớp cát. Lối đi lên phải qua kẽ nứt của tảng đá vừa đủ một người đi, cao khoảng 20m. Cuộc lễ bắt đầu từ 12 giờ – 13 giờ (tuk wah Rik) giờ hành lễ thứ 3 trong khoảng 6 giờ hành lễ quan trọng của người Bàni. Mỗi tín đồ chỉ được dâng 3 miếng trầu têm (ppathuw kluw kapu hala) để các chức sắc làm lễ đọc kinh cầu thánh Allah ban phước lành, cầu nguyện mọi điều tốt đẹp trong mùa mới.Một tín đồ Kết thúc lễ cầu kinh họ trở lại nơi thờ Bà để tổ chức lễ hội dân gian.

Lễ hội tín ngưỡng dân gian

Chủ yếu bên nghi lễ người dân Bàlamôn. Chủ lễ là ông Mưdwơn (thầy vỗ trống baranưng), ông Ka-ing (thầy bóng múa) và các nghệ nhân sử dụng nhạc cụ truyền thống: trống ginang, kèn, xaranai, ceng. Lễ vật gồm những vật chay: hoa quả đủ loại, mía, xôi, đường, ngoài ra còn có nước, trứng, trầu, cau để khấn các vị thần khác.

Vào lễ ông Mưdwơn, ông Ka-ing làm phép tẩy uế thân thể, mặc lễ phục, làm phép thỉnh nước thánh, làm lễ tắm tượng (ppamưnei patuw), và mặc lễ phục vào tượng. Sau đó lễ vật được dọn ra sàn.

Ông Mưdwơn, ông Ka-ing đốt trầm, rót rượu khấn các vị thần siêu nhiên: Yang Pô Yang Mư. Sau đó khấn mời các vị thần:

Pô Tang Pô Xah Inư

Pô Riyak Cei Tathun
Pô Gihluw Cei Xah Ban Bangu
Pô Than Cei Dalim
Pô Thai Cei Xit, Cei Praung
Pô Atang Ahok Bia Apakal
Pô Rame Dara Nai Naih
Pô Klaung Chan Patra Dalai
Pô Dam Patra Nưgar
Pô Klaung Kasait

Sau lần khấn mỗi vị thần ông Mưdwơn, ông Ka-ing rót rượu dâng mời tín đồ chấp tay cầu nguyện, cầu an, cầu phúc và cầu sự bình yên cho xứ sở. Ông Mưdwơn vỗ trống baranưng hát mời thần trong lúc ông Ka-ing múa hầu. Tùy mỗi vị thần và lời hát mời mà nhạc công tấu điệu trống, điệu múa tương ứng.  

Múa hầu nữ thần Pô Nai vị thần trung tâm cuộc lễ, ông Ka-ing mặc y phục nữ, bưng hoa quả múa dâng Bà theo điệu nhạc nhẹ nhàng, khoan thai. Sau đó ông múa đãi rượu cho các nghệ nhân và có khả năng lên đồng thông báo điều tốt xấu trong năm. Ông Mưdwơn vỗ trống baranưng hát bái thánh ca 41 câu ariya Nai Tang Ya Bia Atapah, diễn tả quá trình tu hành khổ hạnh và sự cứu nhân độ thế của Bà.

Alwah ppacrauk kanai biak tơl
Bwơl grơp nưgar ppok khwai limah

Đa ka nưgar dwix xak
Yang aditiak tiap Nai mưrai
Nai klak nưgar Nai mai
Đwa gaun patrai rai daung nưgar…

Tạm dich:
(Trời ban cho Ngài hiển linh
Thần dân khắp xứ tôn vinh muôn vàn
E cho xứ sở gian nan
Trời đưa Ngài xuống cứu an dân lành
Cõi tiên Ngài đã có căn
Bởi lệnh thượng đế giáng trần đi tu…)

Lời diễn xướng quá trình tu hành khổ hạnh và sự hy sinh cao cả để cứu nhân độ thế của Bà đã khiến nhiều người rơi lệ. Nó cuốn hút mọi người vào cuộc. Lễ múa trở thành hội múa say sưa, mồ hôi đẫm áo mà họ không cảm thấy mệt. Phải có sự can thiệp của người ngoài cuộc, họ mới ngưng. Kết thúc cuộc lễ họ cảm thấy nhẹ nhàng, thỏa mãn về tâm linh và tự tin sẽ được thần linh chứng giám lời cầu xin của họ.

Dân làng truyền tụng, Bà rất hiển linh, khi người dân lâm nạn cầu cứu thì được Bà cứu và giúp. Ở vùng núi này còn có cả những nhóm cây thuốc Nam (agha harơk) thuộc địa phận Ngài tu hành, dùng chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Nhưng Bà cũng nghiêm khắc với các điều kị. Mọi người đi qua vùng núi Cabbang không được nói tục hay chửi thề, không được nói đùa bằng tiếng Raglai, không được dùng đồ dùng của người Raglai như: bị lát (kabik), dao đeo ở lưng (adhaung plah) và đặt biệt không có người Raglai nào sống hay đi qua vùng Bà tu hành. Nếu vi phạm sẽ bị Ngài trừng phạt: rắn mổ, hổ vồ, lạc đường hay đau ốm… Nếu biết ăn năn hối cải thì được Ngài cứu độ. Riêng phần lễ nghi, sau buổi cầu cúng thần, trời sẽ đổ mưa. Dòng sông đang khô hạn bống trở thành đầy, dòng nước chảy xiết. Giếng nước đang khô cạn thì mạch nước lại tuôn trào. Lúc nhỏ tôi cũng có dịp theo gia đình lên núi, nơi đặt đền thờ nữ thần Pô Nai để dâng vật làm lễ. Tôi đã chứng kiến sau hành lễ, tối đến trời sẽ nổi sấm chớp ở phía Tây–Nam và ập mưa.

Về sau, cũng vài lần tôi leo lên núi Cabbang, dù lễ hay không lễ, đọng lại trong tôi là âm điệu ông Mưdwơn trong bài tụng ca, kể về nữ thần Pô Nai. Nét sinh hoạt văn hóa luôn khắc lên trí nhớ những đứa con Chăm về những thần Yang của họ.


Sài Gòn, tháng 4/2011


Ghi chú:

Palei Cakleing (làng Mỹ Nghiệp), làng dệt thổ cẩm Chăm – thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan rang khoảng 7km.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com