Con
người sinh ra là mặc nhiên có quyền làm người mà thế giới thường gọi là nhân
quyền, luật pháp và hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng phải công nhận quyền
thiêng liêng đó để con người có đủ điều kiện phát huy tư thế và năng lực để mưu
cầu hạnh phúc! Không nên nhầm lẫn nhân quyền với cẩu quyền hoặc vương quyền,
bởi con người sinh ra vốn bình đẳng để vươn đến tự do và bác ái hay nôm na hơn
là hướng đến dân chủ công bằng và văn minh. Ngày xưa vương quyền là trên hết và
ngày nay đảng quyền cũng là trên hết, nếu ở Mỹ có hai đảng Dân chủ và Cộng hòa
để dân lựa chọn thì nước ta văn minh hơn nên chỉ có một đảng độc quyền duy nhất
để tiết kiệm tư duy lẫn chi phí cho ý đảng lòng dân. Cho dẫu được thừa nhận hay
vô thừa nhận thì cuộc đời cứ thế mà trôi và cuộc người cứ thế mà sống, chính
quyền phong kiến bị giải thể thì phải qua nhiều thời kỳ quá độ chính quyền
phong ba bão táp cũng là bình thường. Lịch sử mảnh đất này luôn là ngoại xâm và
chống ngoại xâm hoặc hô hào giải phóng, không còn địch thì ta chia phe đánh nhau
để cướp chính quyền bởi ai cũng được trang bị tinh thần vệ quốc vĩ đại và tính
nhân văn cao cả! Chẳng có ai thắng cả mà chỉ có nhân dân thua với hệ quả nghèo
đói và chết chóc, tham nhũng tràn lan và trộm cướp hoành hành chưa nói đến đạo
đức ngày càng suy đồi nghiêm trọng. Có gì còn hạn chế chưa khắc phục hoặc không
thể sửa sai thì cứ đổ lên đầu các thế lực thù địch, người dân chỉ còn biết ôm
đầu chổng khu than trời trách đất là tại sao đất nước này lại có quá nhiều các
thế lực thù địch đến thế?! Thế lực thù địch đó là ai và đang ở đâu thì dường
như ai cũng biết nhưng chẳng ai dám nói, tất cả chúng ta ai cũng là nạn nhân
của buổi giao thời nên cam chịu quá hóa đớn hèn tự lúc nào! Nhân quyền phải tự
xuất phát từ hành vi suy nghĩ của mỗi con người chứ không phải do sự ban ân bố
thí từ đâu đó, quyền làm người mà không có thì biết làm gì người ơi?!
Phong
trào giải phóng nô lệ khởi đầu từ Mỹ thời tổng thống Abraham Lincoln và sau đó
lan tỏa ra khắp thế giới, tiếp nối phong trào chống phân biệt chủng tộc được Mandela
sau này là tổng thống Nam Phi đấu tranh thành công sau một thời gian nỗ lực bền
bỉ. Nhân quyền ngày càng được nâng tầm lên đúng ý nghĩa của nó từ Âu Mỹ sang
Phi, duy chỉ châu Á vẫn còn lẹt đẹt theo sau như một truyền thống văn hóa không
dễ gì cởi bỏ. Trong nhân quyền luôn có đặc quyền dành riêng cho một số đối
tượng tùy thuộc vào chế độ của mỗi nước, đặc quyền luôn dẫn đến đặc lợi và
thường được đặc cách đôi khi dẫn đến đặc khu. Đối với nước ta thì chuyện đó quá
bình thường theo một lộ trình mang tính logic cao, từ chiến khu đến an toàn khu
rồi đến đặc khu là một sự nhảy vọt mang tính phát triển bền vững và tất thắng!
Dân giàu thì đảng mạnh mà đảng mạnh thì đất nước mới phú cường không phải làm
thân trâu ngựa cho người khác, các thế lực thù địch không muốn cho đảng mạnh
nên vô tình làm dân nghèo và đất nước này chỉ là sân khấu cho các nước lớn thao
túng để diễu võ dương oai. Với dân tộc Chăm thì càng thảm thương hơn bởi cứ
trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết, với ai đã từng đọc Glơng Anak – Paoh Catwai
thì càng thấu hiểu điều đó để tự cảnh tỉnh mình. Chỉ với biến cố Giải phóng
miền Nam thống nhất đất nước vào năm 1975 thôi thì Chăm đã có biết bao nhiêu
người bị tù tội cùng bị thủ tiêu thanh toán, cả một lứa thế hệ học sinh-sinh
viên phải bỏ dở sự học để trở về kiếp sống bần nông cố hữu. Lịch sử thời nào
cũng thế thôi vì chỉ khác nhau về kịch bản và thời điểm, Chăm không thể tự đứng
trên đôi chân của mình để trụ vững nếu không muốn làm tay sai cho một thế lực
khác để có thể duy trì sự sống của mình mang tính tình thế. Theo Tây Sơn hay
Nguyễn Ánh cũng chết, theo Lê Văn Khôi hay Minh Mạng cũng chết chỉ khác nhau là
chết trước hay chết sau và sớm muộn gì cũng chết! Chỉ có đám tay sai nô lệ mới
là thà sống nhục còn hơn chết vinh là vẫn thoi thóp qua ngày, thời nay cũng
chẳng khác gì cho dù có người vẫn hiểu rằng tuy thân xác to béo nhưng linh hồn
đã chết héo từ lâu…
Chăm
là một dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc anh em nhưng hầu như không ai
biết Chăm là gì, họa chăng được thông qua một vài quan chức và tri thức tiêu
biểu để tiếp cận và tiếp nhận một cách phiến diện mơ hồ và đôi khi lệch lạc!
Ngay cả vùng đất Ninh Thuận là nơi người Chăm cư trú lâu đời nhất và có dân số
đông nhất vẫn ít người biết nó ở đâu, về lịch sử thì lại càng mù mờ hơn nên sự
giao lưu và cảm thông còn nhiều hạn chế. Cũng nên thông cảm với dân mình là
không thích học sử nên hiểu về Chăm không nhiều, và nhìn chung thì Chăm cũng
không muốn nói nhiều về dân tộc mình mà chỉ muốn phô trương cá nhân hơn là lòng
tự hào dân tộc. Phác họa qua loa về lịch sử để dễ nhận diện từ thời kỳ trung
đại đến cận đại: Vương quốc Champa có biên giới từ Quảng Bình cực bắc đến Biên
Hòa cực nam, thành lập nước năm 192 với vua đầu tiên là Khu Liên, mất độc lập
vào năm 1651 dưới thời vua Po Rome, mất chủ quyền vào năm 1832 khi vua Cơng Can
đào thoát sang Kampuchea, mất ruộng đất vào năm 1975 do người Chăm tự nguyện
hiến cho nhà nước để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Còn Chăm mất hay còn hay vì sao
lại mất thì chưa ai biết rõ nên còn phải nghiên cứu thêm, có lẽ Chăm phải cần
thêm 100 tiến sĩ và 10 đại biểu quốc hội nữa mới có thể giải quyết rốt ráo vấn
đề hóc búa này. Ở đây chỉ lạm bàn đến quyền Đặc khu của người Chăm trong tình
hình mới khi nhà nước mở cửa chào đón các nhà đầu tư mở rộng làng toàn cầu,
chẳng lẽ người ngoài vào được mà người trong như Chăm lại chẳng được quan tâm
chiếu cố? Quyền đặc khu ở đây được hiểu là quyền bản địa theo cách hiểu chung
của các nước văn minh trong đó có Việt Nam luôn đi đầu trong các phong trào
giải phóng loài người, luôn có sáng kiến thiên tài để mở đường và làm gương cho
các nước khác.
Người
bản địa được hiểu nôm na là người đàng Thổ, có nghĩa họ là dân thổ địa ở đây
định cư đầu tiên trước khi người khác đến tạm dung. Người Chăm hôm nay là dân
tộc thiểu số nhưng trước kia họ là dân tộc đa số chủ đạo trong vương quốc
Champa gồm nhiều dân tộc thiểu số khác như Ê Đê, Jarai, Banar… và là dân tộc
thiểu số miền xuôi chứ không là miền núi! Chúng ta có công biến họ từ một dân
tộc đa số thành thiểu số thì chúng ta cũng nên dành cho họ một chút quyền sống
để duy trì nòi giống làm người. Theo thống kê chính thức đăng trong Tổng niên
báo Đông Dương vào năm 1907 thì Chàm Ninh Thuận 6000 người, Bình Thuận 9000
người trong khi người Thượng trội hơn với dân số 7500 và 22000 người. Điều đó
chứng tỏ rằng những người Chàm hồi cư xuống đồng bằng thì mới hoàn nguyên là
Chàm, ai không muốn xuống núi thì lâu dần cũng thành người Thượng. Nói một cách
khác thì Chàm chưa bị đồng hóa mới được gọi là Chăm, còn họ Chế họ Trà ở Bình
Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế hay lưu lạc đâu đó tuy vẫn biết mình gốc Chàm
nhưng vẫn không đủ tư cách đại biểu làm Chàm theo pháp lý! Điều đó chứng tỏ làm
Chàm không phải dễ và thể hiện được mình là một người Chàm chân chính còn khó
hơn nhiều lần, bởi Chàm cần biết mình cần gì và làm cho người khác cùng hiểu và
cảm thông để cùng dìu dắt nương tựa nhau để sống tốt đời đẹp đạo. Tôi không
biết mình có phải là Chàm hay không nhưng tôi sinh ra trong một làng Chăm, cha
mẹ tôi là Chăm cho nên tôi biết nói tiếng Chăm có học bổ túc văn hóa Chăm và
tôi tự hào về điều đó với những người kém may mắn hơn!
Ngày
nay dân số Chàm có tăng so với cách đây 110 năm, vào khoảng 100.000 người tính
riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Chỉ đáng tiếc kế hoạch hạn chế sinh đẻ
đã làm ảnh hưởng đến sự mất cân đối gia tăng dân số, cán bộ nhà nước chỉ được
sinh hai con trong khi nông dân cứ thoải mái đẻ sòn sòn. Hệ quả là Chàm có điều
kiện nuôi con thì không có ai để nuôi còn Chàm nghèo đói thì sinh con ra để cho
đi ở đợ, không được ăn học tử tế nên dễ tiêm nhiễm các thói xấu cùng nhiều tệ
nạn xã hội. Nghiêm trọng hơn là môi trường sống của họ ngày càng thu hẹp dần
nên họ không thể bám đất bám làng để tự cung tự cấp như xưa, sống hòa đồng với
thiên nhiên và con người để duy trì bản năng gốc và văn hóa gốc. Ruộng đất cha
ông họ bị quy hoạch và chia cắt manh mún nên các làng Chăm trở nên lọt thõm vào
các đô thị mới, không thể liên canh liên cư theo đà phát triển tự nhiên. Chăm
đành phải bỏ làng đi làm ăn xa, người lên núi đi buôn miền Thượng kẻ gánh thuốc
nam đi rao bán tận cùng trời cuối đất để độ nhật qua ngày! Môi trường sinh thái
ngày càng tan hoang khiến cho môi trường văn hóa ngày càng teo tóp, những lễ
hội truyền thống ngày càng thưa thớt dần khi những nghệ nhân không còn ai kế
thừa và tinh hoa văn hóa ngày càng biến dị một cách vô tâm và vô cảm. Tâm hồn
tính cách Chăm cũng từ đó mà thoái hóa biến chất, họ luôn trong tâm thế mặc cảm
bị bỏ rơi nên luôn muốn thể hiện mình để không bị người đời lãng quên khi không
còn đủ tự tin vào chính mình và đồng loại. Họ phải tập a dua xu nịnh để kiếm
chút ít quyền chức địa vị, họ bán hết những gì có thể bán ngay cả nhân phẩm
chính mình và văn hóa dân tộc trong tư thế nhân danh và mạo danh là trí thức
Chăm. Cho nên họ cần có quyền bản địa để lập lại trật tự và duy trì sự sống một
cách công bằng dân chủ và văn minh, dĩ nhiên họ phải biết thích nghi để sống
chung với rác với lũ với hạn với đảng cùng những thứ linh tinh khác để sống sót
và tồn tại nếu không muốn hóa đồng vào mẫu số chung mà tử số luôn bị triệt
tiêu!
Quyền
bản địa thực ra không phải đến từ một sự yêu cầu hay ban phát mà xuất phát từ
lương tâm và lương tri loài người, quyền đó chỉ có thể hiện hữu ở các nước phát
triển có đời sống tinh thần phong phú và có tính dân chủ không tập trung mà lan
tỏa ra khắp nhân loại. Ví dụ chính phủ Úc xin lỗi thổ dân Úc trước khi năn nỉ
họ nhận quyền bản địa, chính phủ Mỹ quy hoạch cho thổ dân da đỏ một đặc khu
riêng để họ toàn quyền định đoạt mọi sinh hoạt để bảo tồn văn hóa và bảo đảm về
kinh tế xã hội. Gần ta hơn là chính phủ Trung Quốc cho quyền tự trị cho các dân
tộc xưa kia đã là một tiểu quốc như Vân Nam, Tân Cương, Nội Mông… như một sự
tôn trọng quyền làm người. Ta thì không thể so với Tàu được bởi nước người đã
tiến lên chủ nghĩa xã hội đặc sắc còn ta thì vẫn đang đặc sệt, chưa có khái
niệm về quyền bản địa là gì thì làm sao biết cho và nhận trong quy luật vay
trả. Nói chỉ để cho vui khi chúng ta đang mở rộng đặc khu với sứ mệnh tiên tri
đặc biệt, Chăm cũng chẳng cần quyền bản địa làm gì cho mệt khi mọi thứ quyền
đều quy vào quyền lợi trong khi quyền làm người vẫn đang là một thứ hàng xa xỉ
ngoài tầm. Cứ hỏi quan chức Chăm xem có cần quyền bản địa không thì chắc chắn
họ sẽ giãy nãy phản đối một cách kịch liệt, quyền bản địa là cái quái gì trong
khi họ đã có trong tay mọi thứ. Chỉ có thứ dân ngu ngốc không được học hành đến
nơi đến chốn mới cần có loại quyền mạt rệp này, còn ta đeo trước ngực một nồi
cơm to thì cần gì cái quyền quái quỉ đó! Nói chung Chăm nói không với quyền bản
địa, bởi nhiều khi có đó cũng như không…
Đêm
qua tôi nằm mơ thấy Chăm có quyền bản địa nhưng rất tiếc không nhớ nổi ai đã
trao quyền ấy cho Chăm, mang máng như một người ngoài hành tinh nào đó chứ
không phải người trên trái đất này! Cũng có đọc diễn văn xin lỗi người dân
Chăm, có cả Michel Jackson cùng nhiều ca sĩ tên tuổi hát bài We are the world
trong màn múa phụ họa của vũ đoàn Apsara huyền ảo mê ly chỉ có trong giấc mơ
đầy ác mộng. Sau đó được kết thúc bằng màn hỗn loạn ẩu đả khi người dân Chăm
tranh giành quyền bản địa về cho riêng mình, bởi không ai ý thức được rằng
quyền bản địa là của chung chứ không dành cho riêng ai cho dù đó là quan chức
hay cùng đinh. Chẳng khác gì cảnh cướp ấn đền Trần, lũ chúng đè đầu cưỡi cổ
nhau cùng cấu xé lẫn nhau tơi tả đến nỗi anh không nhìn ra em chú không nhận ra
cháu. Tôi không dám đến gần bị sợ vạ lây, muốn quay camera để post lên face
book cho thiên hạ lác mắt chơi nhưng khỗ nỗi điện thoại cùi bắp của tôi không
có chức năng này. Rõ khổ, quyền bản địa chỉ mang đến tai họa cho Chăm chứ không
mang lại điềm lành như nhiều người tưởng! Cũng may lúc đó điện thoại tôi kêu
tít tít khiến tôi sực tỉnh dậy, lò mò xem thằng nào giờ này còn rủ rê mình đi
nhậu thì quá phiền phức bởi hồi chiều tôi đã quắc cần câu sắp đứt bóng rồi. Hóa
ra thằng nào đó tên Ninh Thuận thông báo rằng: Cơ quan chức năng đề nghị người
dân không tham gia tụ tập đông người gây mất trật tự an toàn xã hội, không nghe
kích động của kẻ xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật… Tránh vỏ dưa lại
gặp vỏ dừa, lúc này tôi mới ngộ Luật an ninh mạng là thế nào bởi nó khủng bố
mình trong tận giấc mơ chứ không chỉ đời thường! Chăm tụ tập hỗn chiến để tranh
giành quyền bản địa là vi phạm pháp luật rồi còn gì, đúng là chết mẹ thằng Chàm
bởi đàng nào cũng chết. Tôi lẳng lặng ra ngoài đái để xả stress, cứ ro ro mà
đau buốt trong tim!
Pandurang, 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com