Marcel Proust |
LỜI THÚ TỘI CỦA MỘT THIẾU NỮ
“Những ham muốn của giác quan lôi kéo chúng
ta đến chỗ này chỗ nọ,
nhưng khi giờ khắc trôi qua, các người mang
về được gì? những hối hận
trong lương tâm và một ít phung phí tinh
thần. Người ta bước ra với niềm vui
và thường người ta lại trở về trong nỗi buồn.
Niềm vui của giác quan
ban đầu làm ta thích thú như vậy nhưng rốt
cuộc
chính nó làm ta bị thương và giết chết ta”.
(Phỏng theo Jésus-Christ, quyển I, chương
XVIII)
I
Giữa sự tìm quên của ta trong những niềm vui
giả tạo,
Mùi hương hiền dịu buồn bã của cánh hoa lài,
Qua những cơn say lại trở về trong sạch hơn.
(HENRI DE RÉGNIER)
Rồi tôi cũng sắp được giải thoát. Chắc chắn
là tôi đã vụng về, tôi đã bắn hụt, suýt đã không chết được khi tự tử. Dĩ nhiên
lẽ ra tốt hơn tôi nên chết ngay vì phát súng đầu tiên, nhưng rốt cuộc rồi người
ta cũng không lấy được viên đạn ra và những biến chứng ở tim đã bắt đầu. Chắc
cũng không thể còn lâu nữa. Thế mà đã tám ngày! thế mà còn kéo dài đến tám
ngày! trong những ngày đó tôi sẽ không thể làm gì khác hơn là cố nhớ lại sự
tiếp diễn khủng khiếp của câu chuyện. Nếu tôi không quá yếu, nếu tôi có đủ nghị
lực để ngồi dậy, để ra đi, tôi muốn đến chết ở khu vườn Quên Lãng, trong khu
vườn mà hè nào tôi cũng vẫn đến ở chơi cho đến năm mười lăm tuổi. Không có chỗ
nào đầy dẫy hình ảnh mẹ tôi hơn được khi mà sự hiện diện của mẹ, và nhất là sự
vắng mặt của mẹ, đã in sâu hình ảnh mẹ trong khu vườn. Đối với những người đang
thương yêu, thì vắng mặt chẳng phải là một trong những sự hiện diện chắc chắn
nhất, hiệu lực nhất, trường cửu nhất, khó hủy hoại nhất, trung thành nhất ư?
Cuối tháng Tư mẹ tôi dẫn tôi đến khu vườn
Quên Lãng, sau hai ngày mẹ lại đi, vào giữa tháng Năm mẹ đến ở lại thêm hai
ngày nữa, rồi lại trở về đón tôi vào tuần cuối cùng tháng Sáu. Những lần đến
quá ngắn ngủi của mẹ là một cái gì êm dịu nhất và cũng ác độc nhất. Trong hai
ngày đó mẹ đã ban cho tôi hết những âu yếm mà thường lệ, để tập cho tôi cứng
rắn và để làm dịu bớt tính đa cảm bệnh hoạn của tôi, mẹ vẫn rất hà tiện. Hai
buổi tối mà mẹ ở lại khu vườn Quên Lãng mẹ đến tận giường tôi để hôn tôi trước
khi ngủ, một thói quen mà mẹ đã quên mất, bởi vì tôi thấy trong việc đó quá
nhiều thích thú và cũng quá nhiều phiền muộn, nên càng nhắc mẹ trở lại hôn tôi
lần nữa, tôi càng không ngủ được, sau cùng không dám nghĩ đến nữa, nhưng lại
cảm thấy rõ hơn sự thèm khát say mê được mẹ đến hôn, tôi luôn luôn phải bịa ra
những duyên cớ mới, cái gối tôi nóng bỏng cần được lật lại, bàn chân tôi lạnh
giá mà chỉ hai bàn tay mẹ mới có thể sưởi ấm được... Nhiều lúc êm ái như vậy đã
đón nhận thêm một sự dịu dàng êm ái hơn nữa vì tôi cảm thấy rằng những lúc đó
là những lúc mà mẹ tôi chính thật là mẹ và sự lạnh nhạt hàng ngày của mẹ chắc
hẳn đã làm mẹ khổ tâm nhiều. Ngày mẹ tôi lại ra đi, ngày mà tôi thất vọng, bám
lấy chiếc áo dài của mẹ ra đến toa xe lửa, khẩn khoản xin mẹ đem tôi theo lên
Paris, tôi đã phân biệt được rõ ràng cái thành thật giữa cái giả vờ, phân biệt
nỗi buồn của mẹ lộ ra qua những lời trách mắng vui vẻ và hờn dỗi vì nỗi buồn
“ngu muội, lố bịch” của tôi, nỗi buồn mà mẹ muốn dạy tôi chế ngự được, nhưng
chính mẹ cũng chia sẻ. Tôi vẫn còn cảm lại sự xúc động của tôi về một trong
những ngày ra đi ấy (đúng sự xúc động nguyên vẹn kia, không hề phai nhạt vì lần
trở lại đau đớn hôm nay) về một trong những ngày ra đi mà tôi đã khám phá một
cách êm dịu sự âu yếm của mẹ, rất giống và lại rất cao quí hơn sự âu yếm của
tôi nhiều. Cũng như mọi khám phá khác, sự khám phá này tôi đã linh cảm trước,
đã đoán biết, nhưng những sự kiện thường lại dường như vẫn mâu thuẫn với nó!
Những cảm giác êm dịu nhất của tôi là những cảm giác vào những năm mà mẹ tôi
trở lại khu vườn Quên Lãng, người ta gọi mẹ đến vì tôi lâm bệnh. Không những mẹ
chỉ đến thăm tôi nhiều hơn mọi bữa một lần mà thôi, là điều tôi không hề mong đợi,
mà lúc bấy giờ mẹ chỉ còn là cả sự dịu dàng và âu yếm bộc lộ không chút che đậy
mà cũng không chút dè dặt. Ngay hồi đó, hồi mà những dịu dàng âu yếm chưa được
dịu xuống, chưa được êm ái xúc động vì nghĩ đến một ngày kia chúng sẽ làm tôi
nhớ, sự dịu dàng đó, sự âu yếm đó đối với tôi lại lớn lao đến nỗi cái thú vị
của những ngày dưỡng bệnh vẫn luôn luôn buồn bã đến chết được: cái ngày mà tôi
sắp lành bệnh đủ để mẹ có thể ra đi đã đến, và cho đến ngày đó, bệnh tôi không
trầm trọng đủ để mẹ khỏi thẳng tay dùng lại thái độ nghiêm nghị và công bằng
của những ngày trước để đối với tôi.
Một ngày nọ những ông chú ở khu vườn Quên
Lãng nơi tôi ở lại giấu không cho tôi biết là mẹ tôi sẽ đến, vì có một thằng em
họ đến chơi mấy giờ với tôi, vì nếu biết mẹ đến tôi sẽ không hết tâm chơi với
nó trong niềm lo âu sung sướng của sự đợi chờ kia. Sự giấu giếm đó có lẽ là một
trong những trường hợp đầu tiên ngoài ý muốn của tôi, những trường hợp đồng loã
với mọi khuynh hướng làm điều quấy mà tôi mang trong người, cũng như tất cả
những đứa bé trạc tuổi tôi, và không hơn chúng. Thằng em họ này mới mười lăm
tuổi — và tôi mười bốn — mà đã có nhiều tính xấu và nó đã tập cho tôi nhiều
chuyện làm cho tôi rùng mình ngay sau đó vì hối hận và khoái lạc. Tôi thích
nghe nó nói, thích để nó mơn trớn tay tôi, một niềm vui ngay cội nguồn đã nhiễm
độc; liền sau đó tôi đã có đủ can đảm để xa nó và bỏ chạy trốn trong khu vườn
và khao khát được gặp mẹ mà, than ôi! tôi biết giờ này đang ở Paris, mặc nhiên
gọi mẹ qua khắp các lối đi trong vườn. Bất chợt, khi chạy qua một hàng cây, tôi
thoáng thấy mẹ ngồi trên một chiếc băng, đang mở rộng hai tay đón tôi. Mẹ vén
tấm voan phủ trước mặt để hôn tôi, tôi chạy bổ tới áp mặt vào má mẹ nước mắt
trào ra; tôi khóc một lúc lâu vừa kể hết lại cho mẹ những chuyện bẩn thỉu kia,
những chuyện mà phải ở cái tuổi ngu dốt của tôi mới có thể nói cho mẹ nghe được
và mẹ đã chịu ngồi nghe một cách chăm chú mà chẳng hiểu gì cả, mẹ lại giảm bớt
tầm quan trọng của câu chuyện với một lòng tốt đã làm lương tâm tôi được nhẹ
đi. Lương tâm nhẹ dần, nhẹ dần; cái tâm hồn tan nát, nhục nhã của tôi dâng lên
càng lúc càng nhẹ nhàng mà càng mãnh liệt, trào ra, tôi là cả tâm hồn. Một sự
êm dịu thiêng liêng toả ra từ mẹ tôi và từ sự thơ ngây đã trở lại trong tôi.
Sau đó tôi ngửi thấy dưới mũi một mùi thật là trong trẻo tươi mát. Đó là một
cây hoa lài có một nhánh bị chiếc dù mẹ tôi che khuất đã nở hoa và tuy không ai
thấy được, nó vẫn toả hương thơm ngát. Ở tuốt trên cao các ngọn cây, chim hót
thật lớn. Cao hơn nữa, giữa những đỉnh cây xanh, bầu trời xanh thẳm đến nỗi
giống như một lối vào trời mà người ta có thể đi lên không bao giờ đến chỗ tận
cùng. Tôi hôn mẹ tôi. Chưa bao giờ tôi tìm lại được sự dịu dàng của chiếc hôn
đó. Mẹ lại đi ngày hôm sau và chuyến ra đi này còn ác độc hơn tất cả các chuyến
ra đi trước nữa. Bây giờ đã một lần phạm tội, tôi cảm thấy dường như đồng thời
với nguồn vui, chính sức mạnh và sự chống đỡ cần thiết đã bỏ tôi.
Tất cả những lần chia tay đó đã mặc nhiên dạy
cho tôi biết cái gì không hàn gắn lại được một ngày kia sẽ đến, dù hồi đó thật
tình tôi chưa hề nghĩ rằng tôi có thể sống lâu hơn mẹ tôi. Tôi quyết định tự
vẫn liền sau khi mẹ chết. Sau này, sự vắng mặt đã đem lại cho tôi những hiểu
biết cay đắng còn hơn khi người ta tập quen dần với sự vắng mặt, cảm thấy mình không
đau đớn nữa về sự vắng mặt lại là một sự thu mình lớn lao nhất, và là nỗi đau
đớn nhục nhã nhất. Vả lại những hiểu biết cay đắng trên hẳn phải được phủ nhận
sau đó. Bây giờ tôi nghĩ lại nhiều nhất đến khu vườn nhỏ nơi tôi thường dùng
điểm tâm với mẹ và là nơi có vô số hoa tử lan. Những hoa đó lúc nào tôi cũng
thấy như hơi buồn, trang trọng như những bức biểu hoạ, nhưng lại dịu dàng và êm
mịn, thường là màu tím hoa cà, đôi khi tím sẫm, gần như đen, với những hình
tượng vàng yêu kiều và huyền bí, có một vài hoa trắng tinh và ngây thơ mỏng
manh. Bây giờ trong kỷ niệm của tôi, tôi hái hết những hoa đó, những cánh hoa
tử lan, nỗi buồn của hoa tăng lên vì được tôi thông cảm, sự êm ái mịn màng của
nó mãi mãi biến mất.
II
Làm sao cả dòng nước kỷ niệm tươi mát kia lại
có thể tuôn ra một lần nữa và chảy trong tâm hồn vẩn đục ngày hôm nay của tôi
mà không hề bị vấy bẩn? Mùi thơm hoa lài ban mai kia huyền diệu đến thế nào mà
khi lướt qua những làn hơi hôi hám lại không hề bị lẫn vào và nhạt đi? Than ôi!
Tâm hồn mười bốn của tôi lại còn thức dậy vừa trong tôi, vừa thật xa tôi mà
đồng thời cũng vừa ở ngoài tôi. Tôi biết rằng nó không còn là tâm hồn của tôi
và việc nó trở lại thành tâm hồn tôi cũng không còn tuỳ thuộc ở tôi nữa. Tuy
nhiên tôi không tin rằng một ngày kia tôi sẽ còn hối tiếc nó. Trước kia nó hoàn
toàn trong sạch, tôi có bổn phận phải làm cho nó mạnh mẽ và trong tương lai đủ
sức đảm đang những việc cao trọng hơn. Thường ở khu vườn Quên Lãng, sau khi
ngồi với mẹ tôi trên bờ nước lóng lánh đầy ánh nắng và đầy cá, trong những giờ
khắc ấm áp của ban ngày — hoặc đi dạo buổi sáng và buổi chiều với mẹ trên những
cánh đồng — tôi vẫn mơ tràn đầy tin tưởng về cái tương lai không bao giờ được
đẹp lắm với tình thương của mẹ tôi, với sự khao khát được làm đẹp lòng mẹ, và
với những sức mạnh nếu không phải là của lòng cương nghị, ít ra cũng là của óc
tưởng tượng và của thứ tình cảm đang xao xuyến trong tôi, đang ồn ào réo gọi số
mệnh trong đó những sức mạnh kia sẽ kết tụ và đập liên hồi vào cửa tim tôi như
để mở nó ra và để thoát ra khỏi người tôi, đi vào cuộc sống. Lúc đó, nếu tôi
dùng hết sức mạnh để nhảy lên, nếu tôi hôn mẹ tôi ngàn lần, nếu tôi bỏ chạy xa
về phía trước như một con chó con, hay nếu tôi ở lại tuốt đàng sau để hái những
bông mồng gà và bông cúc xanh, tôi đem nó về và hét ầm lên, thì đó không phải
là chính do thú vui được đi dạo hay thú vui được hái hoa, mà trước hết là vì
được bộc lộ sự sung sướng cảm thấy trong tôi nguồn sống sẵn sàng tuôn ra, sẵn
sàng lan rộng đến tận cùng, trong những viễn ảnh rộng rãi hơn ở chỗ cuối rừng
liền chân trời mà tôi muốn đến tận nơi chỉ bằng một bước nhảy. Hỡi những bó hoa
cúc xanh, hoa cánh chuồn, hoa mồng gà, nếu ta đem hoa về nồng nàn say sưa, với
đôi mắt chan chứa, bồi hồi xúc động, nếu hoa làm ta khóc và cười được, chính vì
ta đã kết hoa lại với tất cả những niềm hi vọng của dạo trước, mà bây giờ, cũng
như hoa, đã khô cạn, đã chết đi, và chưa bao giờ nở ra như hoa, cũng đã trở về
với cát bụi.
Điều làm cho mẹ tôi buồn phiền, chính là ở chỗ
tôi thiếu ý chí. Việc gì tôi làm cũng tuỳ hứng tức thời. Nếu mỗi sự thúc đẩy đó
vẫn còn do lý trí hay tình cảm thì đời sống tôi, không hoàn toàn tốt đẹp, nhưng
thật tình cũng không phải là xấu lắm. Việc thực hiện tất cả những dự tính đẹp
đẽ của tôi về việc làm, về sự yên tĩnh tâm hồn, và cư xử theo lý trí, làm bận
tâm mẹ con chúng tôi trên hết, bởi vì chúng tôi cùng cảm thấy, ở mẹ tôi rất rõ
rệt, và ở tôi hãy còn mơ hồ nhưng lại mạnh mẽ hơn, chúng tôi cảm thấy rằng mẹ
tôi chỉ là hình ảnh phản chiếu vào cuộc đời tôi, hình ảnh phản chiếu sự sáng
tạo do tôi và ở trong tôi, sáng tạo ra cái ý chí mà mẹ đã mang trong người và
ấp ủ. Nhưng việc thực hiện đó tôi luôn luôn hoãn lại vào ngày hôm sau. Tôi cứ
lần lữa mãi với thời gian, đôi khi tôi buồn thấy nó trôi qua, nhưng trước mặt
tôi thời gian còn nhiều lắm! Tuy vậy tôi hơi thấy sợ, và tôi mơ hồ cảm thấy
rằng thói quen không cần đến ý chí mỗi năm trôi qua lại bắt đầu đè nặng trên
tôi một cách mạnh mẽ hơn, tôi lại buồn bã ngờ rằng sự vật không hề thay đổi đột
ngột, và muốn biến đổi cuộc sống và tạo cho mình một ý chí tôi không nên trông
đợi vào một phép lạ mà tôi khỏi tốn công để có được. Khao khát được có ý chí
chưa đủ. Đúng ra tôi phải có cái mà nếu không có ý chí tôi không thể có được:
đó là ý muốn.
III
Và cơn gió giận dữ của dục vọng
Làm thịt da kêu nghe như một lá cờ cũ.
(BAUDELAIRE)
Năm lên mười sáu tuổi, tôi đã trải qua một
cơn khủng hoảng làm tôi đến phát bệnh. Để giúp tôi giải buồn, người ta tập cho
tôi làm quen với đời. Những chàng thanh niên bắt đầu có thói quen đến thăm tôi.
Một người trong đám họ thật xấu xa và dữ tợn. Hắn ta có những cung cách vừa dịu
dàng vừa táo bạo. Chính hắn là người mà tôi say mê. Cha mẹ tôi biết được chuyện
đó nhưng không làm gì đột ngột để tôi khỏi quá đau khổ. Bất cứ lúc nào không
gặp hắn tôi cũng nghĩ đến hắn, rốt cuộc tôi phải đành hạ mình giống hắn đến tột
độ. Hắn xúi giục tôi làm những chuyện bậy gần như không ngờ tới được rồi tập
tôi quen thói nuôi mãi trong tôi những ý nghĩ xấu xa mà tôi không có đủ nghị
lực để chống chỏi, nghị lực đó là cái quyền năng độc nhất có đủ sức đem những ý
nghĩ kia trở về trong bóng tối ma quái từ đó chúng ta đã thoát ra. Khi tình yêu
đã hết thì thói quen lại giành chỗ của nó và không thiếu gì bọn thanh niên vô
luân nhảy vào khai thác nó. Là đồng loã của những tội lỗi của tôi, họ cũng tự
làm những kẻ biện hộ cho những tội lỗi kia trước lương tâm tôi. Lúc ban đầu tôi
ăn năn hối hận vô cùng, tôi thú tội mà không ai hiểu cả. Bạn bè tôi xúi tôi
đừng đem nói nhiều với cha tôi. Dần dần họ đã thuyết phục tôi nghĩ rằng tất cả
những thiếu nữ đều hành động như vậy và cha mẹ chỉ giả vờ như không hay biết.
Những điều dối trá mà tôi không ngớt bị bắt buộc phải nói, óc tưởng tượng của
tôi liền đem tô điểm bằng những vẻ bên ngoài của một sự im lặng đáng phải được
giữ kín vì một sự cần thiết tất nhiên. Vào lúc đó, tôi không còn được sống sung
sướng nữa; tôi vẫn mơ mộng, vẫn suy nghĩ, vẫn còn cảm xúc.
Để giải buồn và để xua đuổi tất cả những thèm
muốn xấu xa kia, tôi bắt đầu tiếp xúc nhiều với xã hội. Những thú vui chóng
phai đã tập cho tôi quen sống thường trực giữa đám bạn bè, và cùng với thú cô
đơn, tôi mất luôn cả sự bí ẩn của những niềm vui cho đến bây giờ thiên nhiên và
nghệ thuật vẫn đem lại cho tôi. Chưa bao giờ tôi hay đi nghe hoà nhạc nhiều như
những năm đó. Mải lo lắng với ước muốn được người ta ngợi khen trong một phòng
nghe nhạc trang nhã, chưa bao giờ tôi lại thưởng thức nhạc một cách ít sâu đậm
như vậy. Tôi lắng nghe mà tôi chẳng nghe được gì cả. Nếu tình cờ tôi có nghe
chăng, tôi lại không còn thấy được tất cả những gì mà âm nhạc bộc lộ ra. Những
cuộc dạo chơi của tôi cũng dường như vô bổ. Những gì ngày xưa có thể đem lại
cho tôi sung sướng suốt cả một ngày, như một ít mặt trời nhuộm vàng cây cỏ,
hương thơm những lá cây toả ra cùng với những giọt mưa cuối cùng, bây giờ, cũng
như tôi, đã mất đi cái vẻ dịu dàng và vui tươi của chúng. Những cánh rừng, bầu
trời, sông nước dường như ngoảnh mặt với tôi, và nếu khi đối diện một mình với
chúng, tôi lo lắng hỏi han chúng, chúng cũng không còn thì thầm những câu trả
lời mơ hồ ngày xưa đã từng làm tôi sung sướng. Những vị thần khách lúc viếng
thăm được báo trước bởi âm thanh của sông nước, của lá cây, của bầu trời, chỉ
bỏ công tìm đến những con tim vốn khép kín đã trở thành trong suốt.
Chính khi đi tìm một phương thuốc trái ngược
và cũng bởi vì tôi không có can đảm muốn được chuyện thật vốn ở rất gần, và
than ôi! lại rất xa tôi, ngay trong tôi, chính khi đó tôi đã buông trôi trở lại
theo những thú vui tội lỗi, tưởng rằng nhờ đó sẽ khơi lại ngọn lửa mà xã hội đã
dập tắt. Nhưng vô ích. Sự thích thú được làm đẹp lòng người khác mãi bám theo
tôi, ngày này qua ngày khác tôi cứ dời lại quyết định cuối cùng, sự chọn lựa,
hành động thật sự tự chủ, chọn lựa sự cô đơn. Trong hai thói xấu đó tôi không
khước từ thói xấu này để theo thói xấu kia. Tôi hoà lẫn chúng với nhau. Tôi bảo
sao? Thói xấu này trong lúc lo phá vỡ những chướng ngại về tư tưởng, về tình
cảm, những chướng ngại có thể làm ngưng thói xấu kia, lại cũng dường như kêu
gọi thói xấu kia. Tôi bước vào xã hội để trấn tĩnh mình sau một lầm lỗi, và tôi
lại phạm một lỗi lầm khác liền khi đã được trấn tĩnh. Chính vào cái lúc khủng
khiếp đó, sau khi đã mất đi sự thơ ngây, và trước mối ăn năn của ngày hôm nay,
chính vào cái lúc mà tôi ít xứng đáng nhất trong suốt cả đời tôi, thì tôi lại
được mọi người thán phục nhất. Trước người ta cho rằng tôi là một cô gái tự phụ
và điên cuồng; bây giờ, trái lại, óc tưởng tượng tàn lụi của tôi lại hợp thời
và mọi người đều thấy thích. Trong lúc đối với mẹ tôi đã phạm một tội lớn nhất,
thì do những lối đối xử dịu dàng cung kính của tôi đối với mẹ, người ta lại cho
rằng tôi là cô con gái gương mẫu. Sau khi tôi tự giết chết tư tưởng của mình,
người ta thán phục óc thông minh của tôi, người ta say mê tâm hồn tôi. Óc tưởng
tượng khô cằn của tôi, lòng đa cảm cạn nguồn của tôi cũng đủ đáp lại sự thèm
muốn của những kẻ khát khao nhất một đời sống tinh thần, khi mà sự thèm muốn đó
chỉ là giả tạo và giả dối cũng giống như nguồn suối nơi mà họ tưởng sẽ giải
khát được! Vả lại không ai nghi ngờ cái tội lỗi bí ẩn của đời tôi, và đối với
mọi người dường như tôi là cô gái lý tưởng. Biết bao nhiêu bậc cha mẹ từng nói
với mẹ tôi rằng nếu địa vị tôi thấp kém hơn và nếu họ dám nghĩ tới tôi, họ sẽ
không muốn một người nào khác làm vợ con trai họ! Tuy vậy ở tận đáy lương tâm
đang chết dần trong tôi, tôi cảm thấy trong những lời tán tụng không đáng đó
một sự hỗ thẹn tuyệt vọng; sự hỗ thẹn đó không ngoi lên được, và tôi rơi xuống
thấp đến nỗi tôi đã hèn hạ đem thuật lại những lời tán tụng kia với những kẻ
đồng loã của những tội lỗi tôi.
IV
“Cho người nào đã mất những gì không bao giờ
còn tìm lại được... không bao giờ!”
(BAUDELAIRE)
Mùa đông năm tôi hai mươi tuổi, sức khoẻ mẹ
tôi, người vốn chưa bao giờ được mạnh, trở nên suy yếu. Tôi biết được là mẹ đau
tim, tuy không nặng lắm, nhưng vẫn phải tránh cho mẹ mọi phiền muộn. Một người
chú tôi bảo tôi rằng mẹ muốn tôi lập gia đình. Như vậy là tôi đã đứng trước một
bổn phận rõ rệt, quan trọng. Tôi sẽ có thể chứng tỏ cho mẹ biết tôi yêu mẹ
nhiều đến thế nào. Tôi nhận ngay lời cầu hôn đầu tiên mà mẹ chuyển lại và mẹ
tán thành, và như vậy, vì không có đủ ý chí, tôi đã phó thác cho sự cần thiết
bắt buộc tôi thay đổi đời sống. Vị hôn phu của tôi đúng là chàng thanh niên có
thể có một ảnh hưởng tốt đẹp nhất đối với tôi nhờ óc thông minh tột độ, sự dịu
dàng và nghị lực của chàng. Hơn nữa chàng quyết định đến ở chung với chúng tôi.
Như vậy tôi sẽ không bị xa lìa mẹ, đối với tôi điều đó có thể là một mối khổ
tâm ác độc nhất.
Lúc đó tôi mới can đảm thú nhận hết những lỗi
lầm của tôi với người tôi xưng tội. Tôi hỏi ông có nên thú nhận như vậy với vị
hôn phu của tôi không. Ông đã thương hại bảo tôi không nên, nhưng bắt tôi hứa
là không bao giờ rơi vào lại những lỗi lầm cũ và rửa tội cho tôi. Những bông
hoa muộn màng mà niềm vui làm nở ra trong trái tim bấy lâu tưởng như mãi mãi
khô cằn của tôi đã kết tụ thành trái. Ân sủng của Chúa Trời, ân huệ của tuổi
trẻ — tuổi mà người ta thấy có biết bao vết thương tự khép lại nhờ sức sống dồi
dào — đã chữa tôi lành bệnh.
Nếu việc ta trở lại trong trắng khó khăn hơn
là đã từng trong trắng, như thánh Augustin đã nói, thì dạo đó quả tôi đã có một
đức hạnh hiếm có. Không ai ngờ rằng tôi đã khá lên hơn dạo trước vô cùng và mỗi
ngày mẹ tôi hôn lên vầng trán tôi, mà lúc nào mẹ cũng vẫn tưởng trong sạch và
không biết là nó vừa được hồi sinh. Hơn thế nữa dạo đó người ta còn trách tôi
một cách oan uổng về thái độ lơ đễnh, về sự im lặng và vẻ ưu sầu của tôi giữa
đám đông. Nhưng tôi không lấy làm giận về chuyện đó: niềm bí ẩn giữa tôi và
lương tâm mãn nguyện của tôi cũng đủ làm cho tôi sung sướng lắm rồi. Thời kỳ
tĩnh dưỡng của tâm hồn tôi — tâm hồn bây giờ không ngớt mỉm cười cùng tôi với
một khuôn mặt giống như khuôn mặt của mẹ tôi và nhìn tôi với một vẻ trách móc
dịu dàng qua làn nước mắt đang khô lại — thật vô cùng đẹp đẽ và vô cùng sầu
muộn. Vâng, tâm hồn tôi lại hồi sinh. Chính tôi cũng không hiểu được làm sao
tôi có thể bạc đãi nó, làm khổ nó, gần như giết chết nó. Và tôi biểu lộ lòng
cảm tạ đối với Chúa đã kịp thời cứu rỗi nó.
Tôi đã thưởng thức sự hoà hợp giữa niềm vui
sâu đậm và trong sạch đó với sự thanh quang tươi mát của bầu trời và chính cái
đêm mà mọi việc đã hoàn tất. Sự vắng mặt của vị hôn phu tôi, qua ở hai ngày bên
nhà bà chị, sự hiện diện trong bữa ăn tối của anh chàng có trách nhiệm lớn nhất
về những tội lỗi đã qua của tôi, không hề gieo vào buổi tối tháng Năm trong
sáng đó một mảy may buồn bã. Không có một đám mây nào trên trời phản chiếu
thẳng vào lòng tôi. Vả lại, tựa như giữa mẹ và tâm hồn tôi vốn có một sự liên
hợp huyền bí, dù mẹ hoàn toàn không hay biết về những tội lỗi của tôi, mẹ cũng
gần như đã bình phục. “Cần phải giữ gìn trông nom bà trong mười lăm hôm nữa,
bác sĩ đã bảo như vậy, và sau đó bệnh chắc chắn sẽ không thế nào tái phát!” Chỉ
những lời đó thôi đối với tôi cũng là lời hứa hẹn một tương lai đầy hạnh phúc
mà sự êm ái đã làm tôi oà khóc. Tối hôm đó mẹ tôi mặc một chiếc áo dài trang
nhã hơn thường lệ, và, lần đầu tiên từ khi cha tôi mất, cũng đã lâu đến mười
năm nay rồi, mẹ thêm một tí màu hoa cà vào chiếc áo đen thường ngày. Mẹ vô cùng
thẹn thùng với lối ăn mặc giống như hồi còn trẻ, và vừa buồn vừa sung sướng vì
đã đè nén nỗi khổ và che đậy cái tang của mẹ để làm tôi vui lòng và để ăn mừng
ngày vui của tôi. Tôi cài lên ngực mẹ một cánh hoa cẩm chướng màu hồng mà thoạt
đầu mẹ từ chối, rồi mẹ lại gắn vào, vì hoa đó tự tay tôi đem đến, bàn tay hơi
do dự, thẹn thùng. Lúc người ta sắp vào bàn ăn, tôi ôm sát vào người khuôn mặt
của mẹ về phía cửa sổ, khuôn mặt kín đáo tạm quên những nỗi khổ đã qua, và tôi
hôn mẹ một cách say sưa. Tôi đã nhầm khi bảo rằng không bao giờ tôi còn tìm lại
được sự êm dịu của cái hôn ở khu vườn Quên Lãng. Cái hôn buổi tối hôm đó cũng
êm dịu như bất cứ một cái hôn nào. Hay đúng hơn đó cũng là cái hôn ở khu vườn
Quên Lãng, được gợi lại do sức quyến rũ của một giây phút giống như xưa, cái
hôn đã êm ái nhẹ lướt từ tận quá khứ xa mù để đến nằm giữa môi tôi và hai gò má
hãy còn hơi xanh xao của mẹ.
Người ta nâng ly mừng cho lễ cưới sắp đến của
tôi. Xưa nay tôi chỉ uống nước vì rượu thường gây kích thích quá mạnh cho thần
kinh tôi. Chú tôi tuyên bố là vào một dịp như thế này, tôi có thể làm trái với
lệ thường. Bây giờ tôi còn thấy lại rõ khuôn mặt vui vẻ của chú khi nói lên
những lời ngu xuẩn đó... Chúa ơi! Chúa ơi! tôi đã thú tội hết một cách thật
trầm tĩnh, liệu tôi có bị bắt buộc dừng lại ở đây không? Tôi không còn thấy gì
nữa! Có chứ... chú tôi bảo rằng trong một dịp như thế này tôi có thể làm trái
với lệ thường. Chú nhìn tôi vừa cười vừa nói như vậy, tôi uống nhanh trước khi
nhìn mẹ vì sợ mẹ cấm đoán tôi. Mẹ dịu dàng bảo: “Ta không nên dành một chỗ nào
cho điều xấu, dù nó có nhỏ đến mấy chăng nữa.” Nhưng rượu Champagne mát đến nỗi
tôi uống thêm hai cốc nữa. Đầu tôi trở nên nặng trĩu, tôi cảm thấy cần nghỉ
ngơi đồng thời tôi cũng thấy cần cho phung phí gân cốt. Quan khách rời khỏi bàn
ăn: Jacques đến gần tôi và nhìn chòng chọc vào tôi, hắn bảo:
— Mời cô đi theo tôi; tôi muốn cho cô xem
những câu thơ của tôi.
Đôi mắt đẹp của hắn dịu dàng chiếu sáng trên
đôi gò má tươi mát, hắn lấy tay chậm rãi vuốt râu mép lên. Tôi hiểu ngay là tôi
đã sa ngã và tôi không còn nghị lực để cưỡng lại nữa. Tôi run run nói:
— Vâng, tôi sẽ rất vui lòng.
Chính trong lúc thốt ra những lời đó, có thể
là trước lúc đó nữa, trong lúc uống ly rượu Champagne thứ nhì, tôi đã làm một
hành động thật sự có trách nhiệm, hành động đáng ghét. Sau đó tôi chỉ còn biết
buông trôi. Chúng tôi đã khoá trái hai cánh cửa lại, và, với hơi thở trên má
tôi, hắn siết chặt lấy tôi, hai bàn tay hắn lục lạo khắp người tôi. Rồi trong
lúc sự khoái lạc càng lúc càng xâm chiếm tôi, tôi cảm thấy thức dậy tận đáy
lòng tôi một nỗi buồn và chán vô tận; tôi thấy dường như tôi đã làm cho linh
hồn mẹ tôi khóc, linh hồn vị thần hộ mạng của tôi, linh hồn Chúa. Tôi chưa bao
giờ có thể đọc mà không rùng mình ghê tởm câu chuyện về những cực hình mà những
tên nham hiểm độc ác bắt thú vật, và chính vợ con của chúng phải chịu đựng; bây
giờ tôi mơ hồ thấy như là trong mọi hành động khoái lạc và tội lỗi, có bao
nhiêu sự tàn bạo về phía thể xác được thụ hưởng, và trong chúng ta có bao nhiêu
ý định tốt, thì sẽ có bấy nhiêu vị thiên thần trong sạch chịu khổ nhục và rơi
lệ.
Chẳng bao lâu các ông chú tôi sẽ đánh xong
ván bài và sắp trở lại. Chúng tôi sẽ đến trước họ, tôi sẽ không sa ngã nữa, đây
là lần cuối cùng... Thế rồi, trên lò sưởi, tôi nhìn thấy tôi trong tấm kính. Cả
niềm lo âu mơ hồ đó của tâm hồn tôi không được vẽ ra trên khuôn mặt của tôi,
nhưng từ đôi mắt sáng long lanh đến đôi gò má nóng bừng và làn môi sẵn sàng
dâng hiến, cả khuôn mặt đó phát hiện một niềm vui nhục dục, ngu xuẩn và tàn bạo.
Rồi tôi nghĩ đến sự kinh tởm của bất cứ người nào lúc nãy đã có thấy tôi ôm hôn
mẹ tôi một cách buồn bã âu yếm, bây giờ lại thấy tôi biến hình thành thú vật
như thế này. Nhưng liền lúc đó trong mặt kính đôi môi của Jacques hiện ra sát
khuôn mặt tôi, với vẻ thèm thuồng dưới bộ râu mép. Rối loạn đến cùng cực, tôi
áp đầu sát vào đầu hắn, ngay khi đó tôi thấy trước mặt tôi, vâng, bây giờ tôi
kể lại đúng như việc đã xảy ra, xin hãy nghe tôi vì tôi có thể nói chuyện này
ra được, tôi thấy trước mặt tôi, trên bao lơn, trước cửa sổ, mẹ tôi đang nhìn
tôi ngây dại. Tôi không biết mẹ có la lên không, tôi chẳng nghe gì cả, nhưng mẹ
đã té ngửa ra sau và đầu kẹt giữa hai thanh sắt của bao lơn...
Đây không phải là lần cuối cùng tôi kể chuyện
này: như tôi đã nói, tôi gần như đã không chết được khi tự sát, dù tôi đã nhắm
kỹ, nhưng tôi đã bắn trật. Tuy nhiên người ta đã không làm sao lấy được viên
đạn ra và những biến chứng ở tim đã bắt đầu. Có điều là tôi vẫn có thể ở trong
tình trạng đó trong tám ngày nữa và cho đến lúc đó tôi sẽ không thể ngưng lý
luận về những lúc bắt đầu và nhìn thấy hồi kết cuộc. Tôi thích mẹ thấy được tôi
phạm nhiều tội khác nữa và luôn cả tội trên, nhưng tôi lại thích mẹ đừng thấy
cái nét vui vẻ của khuôn mặt tôi trong gương lúc đó. Không, mẹ không thể thấy
nét mặt đó được... Chỉ là một sự ngẫu hợp... mẹ đã bị ngất xỉu luôn một phút
trước khi trông thấy tôi... Mẹ đã không thấy nét mặt đó... Không thể có chuyện
đó được! Chúa là đấng thấu hiểu hết mọi việc chắc hẳn sẽ không muốn như vậy
đâu.
-----------------
“Lời thú tội của một thiếu nữ” (đăng lần đầu
tiên trên tạp chí Văn số 85 ở Saigon, 1967, số đặc biệt về
Marcel Proust) được dịch từ nguyên tác “La confession d’une jeune fille” trong
Marcel Proust, Les Plaisirs et les Jours (Paris: La Nouvelle
Revue Française, 1924).
Bản dịch
Hoàng Ngọc Biên
Source: TienVe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com