26 thg 9, 2013

TRÀ VIGIA: TRIẾT LÝ VĂN CHƯƠNG CHĂM

(Trà Vigia)

Trà Vigia

Văn chương Chăm là bộ phận quan trọng để nhìn nhận và đánh giá văn hóa Chăm một cách trung thực và thấu đáo nhất. Nếu những công trình kiến trúc và điêu khắc biểu hiện được tầm cao của văn hóa vật thể, dân ca dân vũ thể hiện được tâm tư tình cảm mang tính nhân văn trong sinh hoạt đời sống thì văn chương Chăm hun đúc được chiều sâu qua từng góc khuất tâm hồn tư tưởng của văn hóa phi vật thể không dễ dàng khái quát và nhận diện! Mọi thứ đã nhòa dần theo bước chân thời gian, mờ dần trong tro bụi không gian qua nhiều chặng đường biến thiên của lịch sử. Tuy nhiên, những gì còn sót lại vẫn có thể mở ra một hướng nhìn nếu con người vẫn còn thiện chí và nhiệt tâm. Không nên tự cho mình là đúng và cho rằng người khác sai bởi không ai có thể biết tất cả. Đó là phương châm đầu tiên để lần mò giở từng trang sách xưa, và đây cũng chính là cốt tủy để thâm nhập vào triết lý văn chương Chăm. Bởi sự khởi đầu chỉ là gợi mở không bao giờ kết thúc, và câu hỏi luôn là tiền đề của câu trả lời!

Tâm hồn của một dân tộc luôn được khắc họa cô đúc trong văn chương nghệ thuật bởi nó sống mãi qua thời gian và không gian phi vật thể. Với Chăm, văn chương đang hấp hối và có nguy cơ tắt thở nếu không có bàn tay nâng đỡ kế thừa và phát huy. Văn hóa gốc ngày càng mai một lãng quên và xa rời quần chúng bởi không ai hứng thú tìm đọc và hiểu triết lý sâu xa của nó, dẫn đến bản năng gốc ngày càng biến chất lai căng suy thoái đến độ không còn nhận diện được chính mình. Tệ hại hơn là hiểu sai hoặc lệch lạc văn bản gốc vô tình xuyên tạc bôi nhọ bản sắc văn hóa dân tộc mà lẽ ra cần được nâng cao mở rộng đúng tầm. Vài người nhầm lẫn hiện tượng với bản chất, hay chỉ vì lợi ích cá nhân đã mang văn hóa Chăm làm bàn đạp để tiến thân bất chấp lòng tự hào dân tộc vốn đã lung lay mục ruỗng! Muốn hay không muốn, chúng ta cũng phải thú nhận rằng, người Chăm không còn khiêm tốn thật thà dũng cảm như ngày nào. Một số người ranh ma láu cá để vụ lợi không hề kém cạnh ai, một số khác biết nịnh bợ luồn cúi để cầu vinh cũng chẳng thua kém người. Có thể do ảnh hưởng của xã hội đang thời chụp giật, nhưng xét cho cùng là chúng ta đang tự đánh mất mình. Chúng ta mất văn hóa gốc, bản năng gốc và cuối cùng mất gốc!

Đầu tiên, ngôi đền thiêng văn chương được xây dựng như thế nào và muốn biểu đạt điều gì khả dĩ nắm vững một cách căn cơ và xâu chuỗi liền mạch có hệ thống. Dĩ nhiên phải đi từ thấp đến cao, từ gần đến xa, từ cụ thể dễ nắm bắt đến trừu tượng suy tưởng. Chúng ta nhập môn căn bản từ thành ngữ , thuật ngữ mà thiếu nó thì không thể bắc cầu qua những văn bản phức hợp đòi hỏi nhiều kinh nghiệm liên tưởng và suy tư. Triết lý văn chương luôn dẫn đường cho triết lý sống và ngược lại, nếu chệch hướng thì con người lập tức biến đổi chưa nói đến tác động của thời thế cùng những yếu tố khách quan khác. Chăm xác định là: “Likei di bơng mưthuh, kumei di bơng mưnưk“ có nghĩa là phận đàn ông chiến đấu, phận đàn bà sinh nở. Câu nói này khẳng định thiên chức của giới tinh không thể lẫn lộn trong việc bảo tồn và phát triển từ phạm vi gia đình đến ngoài xã hội. Đó là quy luật, bởi đàn ông không thể sinh đẻ và cho con bú, trái lại đàn bà không thể bỏ con để gánh vác những công việc nặng nhọc đòi hỏi sức mạnh. Đó là bình đẳng giới theo quan điểm của người Chăm trong chế độ mẫu hệ. Đàn ông phải chiến đấu để chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc, lao động mưu sinh xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc và những thành quả đạt được sẽ tạo nên uy tín và tư thế của một người đàn ông Chăm trong xã hội. Đàn bà phải là người khôn khéo, hiểu và cảm thông để tạo động lực hỗ trợ người chồng phát huy đúng tiềm năng, nuôi dạy con cái tốt và quan hệ gắn bó với họ hàng, chu đáo trong lễ nghi phong tục để duy trì cuộc sống mãi trường tồn. Thế giới của đàn ông là trời cao, biển rộng, rừng sâu và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tư thế của đàn ông là học tập, tu dưỡng, tôi luyện trong gia đình mình để bước ra ngoài đời mà môi trường sống mới cần thử thách ấy là gia đình bên vợ. Họ phải cống hiến để thể hiện tài năng và xác định vai trò tư thế của mình, nếu không họ sẽ bị khước từ và đào thải theo lẽ chọn lọc tự nhiên. Mình đi xây dựng cho người tốt thì người ắt sẽ mang lại điều hay cho gia đình cha mẹ mình. Đó là lẽ công bằng, đàn ông luôn ra đi và đàn bà ở lại. Xong việc đời ai về nhà nấy, ta lại về với mẹ cha!

Bởi đàn ông là người ra đi chiến đấu nên luôn cần kim chỉ nam để đi đúng đường, về đúng hướng. Cuộc đời này cần xác tín điều gì, trước tiên là danh dự! “Dak lahik kabaw yuw oh dak mưluw bbauk”. Giá trị cao nhất của con người là tinh thần và vật chất chỉ là phương tiện để con người hướng đến chân thiện mỹ. Bởi vật chất tuy quan trọng nhưng sẽ biến mất theo từng thời kỳ, còn tinh thần tồn tại mãi qua thời gian. Gia sản lớn và cần thiết trong một gia đình nông nghiệp Chăm là đôi trâu dùng để cày bừa kéo xe, nhưng nếu vì một lý do nào đấy để chọn lựa thì thà mất đôi trâu còn hơn mất danh dự. Mất đôi trâu thì còn mua lại được, chứ mất danh dự thì không thể cứu vãn. Vật chất luôn là cạm bẫy để cám dỗ con người dẫn đến tha hóa, một người không còn tôn trọng mình thì dễ bán đứng người khác kể cả dân tộc tổ tiên! Nếu giá trị một con người con thấp hơn một con vật thì không còn gì để nói, và để xác định giá trị thật của mỗi người thì Chăm khuyên rằng: “Jak truh ka urang taka, gila truh ka urang anit”. Thường thì ai cũng tự hào về mình một điều tốt đẹp gì đó hơn người hay chỉ để chống chế bảo vệ mình, nhưng điều ấy cần được sàng lọc kiểm chứng. Con người có ba gia sản lớn cần được tích lũy và sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả. Ai đó có may mắn thành công trong sản xuất kinh doanh và biết cưu mang giúp đỡ những người khó khăn hoạn nạn thì đúng là giàu về vật chất. Ai có học vấn rộng đỗ đạt cao và biết đem kiến thức của mình khai sáng cho người khác thì đúng là giàu về trí tuệ. Ai tu dưỡng được tính nhân ái, tôi luyện một bản lĩnh vững vàng để bảo vệ công lý, bênh vực kẻ thế cô thì đúng là giàu về đạo đức. Còn có nhiều tiền tài quyền chức để bóc lột áp bức người khác là kẻ ác, có nhiều bằng cấp bằng khen để huênh hoang thị uy, chê bai phỉ báng người khác chẳng ra gì thì đó đích thị là mầm họa cho muôn đời sau. Nói chung, phẩm chất của con người phải xuất phát từ trái tim chân thành và chung thủy. Đó mới là Urang Jak, sẵn sàng hy sinh cho lợi ích cộng đồng. Còn Urang Gila là những kẻ không may mắn được học, hoắc có học nhưng không hiểu gì như con vẹt chỉ biết nói theo không cần biết đúng hay sai, lợi hay hại. Nhóm này thì ngược lại, luôn tận dụng quyền lợi của số đông để phục vụ bản thân mình và được ngụy trang dưới nhiều hình thức. Đó thường là những kẻ học lóm học đòi thiếu đạo đức và thường núp bóng dưới những thế lực vô hình để thao túng xã hội. Từ đó mới phát sinh ra lời cảnh báo: “Sunuw đơ bauh habei, gru si brei đa ka abih”. Sunuw là bản lĩnh bao gồm đạo đức và trí tuệ, chỉ được nhận ra qua hành động cụ thể thiết thực để giải quyết những vấn đề khó khăn khúc mắc mà người bình thường không với tới. Đó là tinh hoa chỉ tiềm ẩn bên trong khó nhận diện và phân biệt như củ khoai dưới lòng đất. Chỉ đào lên mới biết được to hay nhỏ, luộc xong mới biết ngon hay dở. Ở đây là một trái khoai treo lủng lẳng nên ai cũng thấy rõ, không còn gì để che giấu hoài nghi. Nếu ông thầy cho trò trái khoai đó thì chẳng còn gì cho mình nên cứ phải treo để làm bằng. Một giai thoại kể rằng: một hôm thầy trò được mời đi cúng tế, rủi thay ông thầy có việc phải đi vắng mà chủ nhà cứ hối thúc rằng việc gấp. Túng quá người trò đến nhà ông thầy mượn tạm cuốn sách bùa chú để làm lễ cho đúng cách, xong việc trò mang về trả lại đàng hoàng. Sau này nghe chuyện ông thầy mắng như tát nước: tao chỉ có cuốn sách này để làm thầy, nếu mày cũng biết thì tao còn làm thầy với ai?! Nếu ông thầy có nhiều củ khoai, có kiến thức rộng tài đức cao thì không những chỉ cho một người trò mà còn nhiều người khác. Chỉ sợ người trò không tiếp thu và nối chí được, chứ sở học thì bao la biết cho bao nhiêu mới đủ. Đó là bi kịch của nhiều thầy đời Chăm, ai cũng tự cho mình là trí thức, là nhà khoa học, nhà nghiên cứu… và nhiều nhà không thể kể hết! Vấn đề là họ đóng góp được gì cho sự tồn tại và phát triển cộng đồng Chăm hôm nay!

Đời thường là như thế, còn tư tưởng trong văn chương như thế nào, triết lý ra sao? Thử bước vào Ariya Nau Ikak tạm dịch là Thơ đi làm người. Chăm cho rằng cuộc đời chỉ là một chuyến đi, chúng ta từ đâu tới không cần biết nhưng chắc chắn khi chết đi chúng ta lại về nơi xuất phát cho dù muốn hay không. “Kuw mai sang kuw min juk phik, klauh thun ikak sang thei thei vơk” Cho dù quyến luyến vợ con quê hương nhưng kiếp người đã xong, không còn lý do gì để nấn ná luyến tiếc. Làm người là một nghĩa vụ phải thi hành để tu tập và thăng tiến. Ta đã làm được gì cho hành tinh này tươi đẹp, cho loài người này hạnh phúc? Ta đã gieo mầm thiện hay ác, sống chân thực hay gian dối và để lại gì cho con cháu mai sau? Cũng như sống ở thế gian này, ta có nghĩa vụ thi hành quân sự bảo vệ tổ quốc, đóng thuế xây dựng đất nước, làm việc nghĩa để cứu nhân độ thế. Sống bình an và chết thanh thản, bởi sinh ra ta chẳng mang theo gì và chết đi cũng thế. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ được như vậy, cứ hơn thua chiếm đoạt chém giết lẫn nhau vì ngỡ cuộc đời này là chấm hết!

Sống là không bao giờ nói hối tiếc cho dẫu hoàn cảnh, môi trường có nghiệt ngã thế nào. Ta không có quyền chọn lựa nơi sinh ra nhưng có quyền lựa chọn một nơi để chết vui sống đẹp! Đời luôn là thử thách và sống là để chiến đấu cho dẫu cùng đường nếu bước chân ta là con đường. Không có gì là vô vọng nếu ta còn thắp lên tia hy vọng, cứ than van oán trách mãi cũng chẳng giải quyết được gì ngoài sự hèn đớn đọa đày. Thế sự đổi thay nhưng thời nào cũng thế, chỉ khác về hình thức nhưng bản chất vẫn y nguyên. Thử suy gẫm tâm trạng của ông Glơng Anak cách đây đã mấy trăm năm:

“Glơng anak linhaiy likuk jang o hu
Bhian drơp ngak ralo piơh hapak khing ka thraung
Panrang Kraung Parik Pajai halei gilaung
Kiem pasei khing ka raung kacwơc tabiak jiơng darah”

Nhìn trước ngoái sau cũng không xong, bởi chẳng thấy ai đi trước dẫn đường cũng chẳng thấy ai theo sau nối gót. Hoàn toàn cô độc và cô đơn, chẳng có con đường nào để đi, chẳng có điểm hẹn nào để đến, một chốn để dung thân một nơi để ẩn náu… Di sản của tiền nhân để lại lớn lao tươi đẹp đến nhường nào biết cất giữ nơi nao cho ổn thỏa? Tài hèn sức mọn của ta tu tập một đời người biết gửi cho ai truyền thụ kế thừa! Ta đã đi và tìm khắp nẻo, từ Phan Rang Liên Hương Phan Rí Ma Lâm tận cùng đất nước cũng chẳng thấy một lỗ giun để chui vào, một vết xước để thoát ra. Ừ mệt thì ngồi thở, chẳng việc gì vì lửa thử vàng gian nan thử sức. Cứ nhẫn nại gặm nhấm sắt thép từng chút một cho tan thành bột mới nhào nặn ra tinh hoa cho cuộc đời. Một tâm hồn cao cả, một ý chí kiên cường, một tấm lòng vị tha độ lượng… Và đó là chìa khóa mở cửa không gian văn hóa Chăm, thước đo thời gian ba thì thân phận và sức sống Chăm, kim chỉ nam định hướng mà triết lý văn chương Chăm cô đúc biểu đạt.

Đây chỉ là vài lát cắt văn chương trong khu rừng nguyên sinh đang ngày dần sa mạc. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang là hiểm họa của nhân loại, suy thoái sự cảm thụ triết lý sống của người xưa đang là hiểm họa của Chăm. Một quan niệm sống có lẽ xưa kia là chuyện bình thường căn cơ nhưng ngày nay đã trở nên quá cao siêu lạc lõng! Đó là tinh thần vô danh Chăm, là cốt lõi của triết lý văn chương Chăm. Có quá nhiều người háo danh và ham nổi tiếng một cách mù quáng dưới nhiều hình thức lẫn nội dung. Điều đó cảnh báo một xã hội không lành mạnh và mất thăng bằng. Người ta chạy chức, tìm mọi cách để mua quan bán chức để có quyền. Có quyền thì ắt có lợi, có lợi rồi thì phải tiếp thị thế nào đó để có danh, mà có danh để làm gì thì có trời ơi đất hỡi mới biết! Trâu chết để da, người ta chết để tiếng. Nhưng ở đây người ta không cần biết tiếng tốt hay xấu, miễn có nổi tiếng ai cũng biết là được. Cũng không cần biết danh thơm hay thối, cứ nổi danh như cồn là được. Ông Glơng Anak vô danh nhưng người đời vẫn cứ nhớ sự vô danh của ông như một niềm tri ân thầm lặng thiêng liêng. Tập đại thành của một đời người là vứt bỏ cái danh. Không ham danh thì không cần lợi, không cầu lợi thì cần gì quyền mà không thiết đến quyền thì cái chức chỉ là một gánh nặng! Con người ngày nay đang sống ngược và Chăm cũng không ngoại lệ trong cơn lốc thị trường nhiễu nhương, đạo đức suy đồi, giá trị ảo hơn là thực chất. Nguyên do sâu xa vẫn là cách học để làm người, một con người bình thường hữu dụng và sống có thủy có chung. Đó là sự tiếp thu, tiếp nối mang tính truyền thống và bất biến trong bất kỳ môi trường nào. Một số người đổi đời mới phất lên cứ thích trưởng giả học làm sang khoe của, một vài người lận lưng vài bằng cấp cao lại tưởng mình có văn hóa nên to lời khoe chữ thị uy, một vài khoe quyền khoe chức khoe nhiều cái không đáng khoe bởi họ đã đi lạc tinh thần vô danh Chăm. Tai họa!

Triết lý văn chương Chăm là một chân trời nhìn gần mà xa vời vợi. Ngay cả con em Chăm cũng không nắm bắt được nói chi người khác tìm học để chung sống. Một câu nói dường như chỉ có ở Chăm và những chân tu đắc đạo xa đời: “Mưbai janưk lo di tian mưk klak/ Tian drei jwai jhak, biak lagaih bboh saglơng” Hận thù trong lòng dứt bỏ, tâm có sáng thì trí mới thông. Một con người đã mất tất cả nhưng vẫn phủi hết những gì còn vướng bận trong tâm trí, bao dung và nhân ái đến phi thường! Vẫn phải sống khi chưa chết, Pauh Catwai nhắc nhở thêm: “Jhauk ia di bai dơng kiah, rataung nau tapah di ngauk halơu”. Mặt nước thì luôn phẳng nhưng chưa hẳn đã lặng, hơn nữa nước đang đựng trong cái rọ nên phải tráng lại cho đều mới chắc ăn. Chỉ có cá lòng tong nhỏ nhắn vô danh mới tu chí hành đạo, cá lớn ngủ gật vì no mồi. Không trách!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com