Z là một
nông dân. Đó là phần nghề nghiệp ghi trong bản lý lịch mỗi khi Z muốn xin một
việc làm mới. Biết làm sao được! Z không phải là một nông dân thực thụ, chẳng
qua Z sinh ra và lớn lên ở một làng quê có ruộng nương rẫy bái. Mùa cày cấy, Z
theo mấy chú ra đồng cắt cỏ chăn trâu mò cua bắt cá. Mùa gặt hái, Z lại theo
mấy chú ra đồng gom bó mót lúa bẫy chuột bắt chim. Làng quê thơ mộng thân thiết
biết bao, nhưng thời thế đã thay đổi nên Z cũng cần đổi thay nếu không muốn bị
nghiền nát. Với lại Z không thế nhỏ mãi như ngày nào, hiện giờ Z không còn trẻ
nữa và bóng xế tuổi già đã lởn vởn bên mái hiên chiều phản chiếu vài tia hiu
hắt lên mái đầu lớm chớm màu sương. Z phục lăn loài người! Con người đã tiến
hoá vượt bậc so với những loài khác cho dù đó là khủng long to đùng hay cánh
chuồn chuồn nhỏ bé. Con người đã dũng cảm chia tay tổ tiên còn mang lốt khỉ để
khẳng định mình và làm chủ thế giới. Đối thủ còn lại duy nhất là đồng loại!
Câu
chuyện bắt đầu từ đám cưới con một người bạn tên C chức danh giám đốc. Bạn Z
nhiều đứa siêu giỏi! Quái lạ, nhiều đứa hồi nhỏ học hành chẳng ra gì, tưởng
chẳng nên nỗi gì nhưng khi ra đời lại công thành danh toại mới hay. Có lẽ
trường học với trường đời chẳng ăn nhập gì, có chăng một sợi dây vô hình nào đó
gắn kết chưa thể giải mã được. C chẳng đến nỗi nào! Hắn học giỏi, chỉ tội làm
phó gần 20 năm mới được lên trưởng. Từ khi lên chức, không biết bổng lộc từ đâu
ào ào đổ xuống ngập đầu ngập cổ làm hắn chới với. Hèn chi nhiều đứa không tiếc tiền
của chạy chức chạy quyền để làm thủ trưởng kiêm chủ tài khoản. Đầu tư kinh
doanh còn nguy cơ phá sản chứ chức quyền thì an toàn hơn nhiều lại thêm uy danh
với thiên hạ. Nhà C lúc nào cũng khách khứa người hầu kẻ hạ, tiếng cười tràn
ngập từ phòng khách theo tận vào nhà bếp, lan ra cả nhà vệ sinh. Hôm nay là đám
cưới, rể hắn là Việt kiều Úc. Nghe đâu là kỹ sư có thu nhập cao, của hồi môn
mấy chục cây vàng và một vali dollars. Chỉ nghe nói thế chứ cụ thể bao nhiêu
chẳng có ma nào sờ thấy tận mắt. Dĩ nhiên có vay có trả ở hiền gặp lành, mọi
thứ đều có giá của nó. Cuộc tình nào cũng tàn cuộc vui nào cũng tan, tiền vào
có chỗ tiền ra có nơi. So với đám cưới con gái đầu hồi C còn làm phó thì đám
cưới này xôm tụ hơn, không những phong bì nhiều hơn mà còn nặng hơn. Một vụ mùa
bội thu luôn là niềm vui sau bao ngày gian lao vất vả. Nhớ lại thời niên thiếu,
vụ mùa bội thu nhất của cha mẹ ngày nào không đủ mua một chiếc xe đạp cho con
đi học, gắng gượng vay mượn thêm C mới có niềm vui được ngồi trên chiếc xe đạp
cũ sơn mới như được cưỡi mây đạp gió. Hôm nay, vụ mùa này chí ít cũng tậu được
chiếc xe con đời mới mặc sức ngao du. Trong khi chờ đợi kết toán, Z ngồi tán
dóc với anh bếp trưởng vốn đang chờ nhận thù lao.
- Còn
phải nói, không phải tôi thì bể dĩa là cái chắc, phải huy động đàn em tiếp viện
kịp thời mới ứng cứu nổi. May mà tôi là dân biệt động vào sinh ra tử nhiều
phen, không thì giương cờ trắng từ lâu!
- Phải
nói anh 4 giỏi, ai cũng giỏi từ hầu bàn cho đến thực khách. Dân mình giỏi
thiệt. Thay mặt bạn cám ơn bổ sung đội quân anh, nào ta nâng ly chúc mừng đám
cưới thành công thắng lợi rực rỡ!
- Ồ
không, tôi không uống rượu bia, chỉ uống nước suối. Rất xin lỗi anh! Rượu vào
lời ra mà tôi thường hay nổi tà. Cũng tại tôi trực tính, đứa nào khoác lác tôi
chịu hết nổi là phang ngay. Chỉ xin anh nói giúp với chủ nhà tính thêm thù lao
vì tăng ca. Còn phải chia sớt với mấy đàn em, tụi nó cũng cố hết sức mới kịp
thời vụ.
- Cụ thể
thế nào? Anh không hợp đồng trước à?
- Có chứ!
Ban đầu chủ nhà báo cơm 1.000 thực khách. Sau đó đột biến tăng lên 2 ngàn rồi 3
ngàn. 1 ngàn khách là 1 triệu, 3 ngàn là 3 triệu nhưng tôi chỉ xin 2 triệu để
còn bồi dưỡng cho mấy phụ bếp. Đằng này bà chủ chỉ đưa có triệu rưỡi tôi biết
làm sao, chưa kể là tôi đã tuỳ cơ ứng biến gồng mình từ sáng sớm đến nửa đêm
trong làn mưa ca lửa nhạc đinh tai nhức óc. Anh cũng thấy đấy…
- Không
sao, anh đừng hiệp thương với bà chủ làm gì chẳng tác dụng chi đâu. Để tôi nói
nhỏ với ông chủ chi thẳng cho anh 1 chỉ 3 con 9. Được chưa?
- Ồ được
như thế thì quý hoá quá! Rất cảm ơn ông anh hiệp khách nghĩa tình.
- Anh 4
cứ yên tâm, hỏi thật chớ anh làm nghề này từ bao giờ, kiếm sống đủ không? Trông
tướng anh có khi đi nghề võ mới đúng cách!
- Ấy
phải, tôi đã nói rồi mà. Trước giải phóng tôi là lính biệt động, hành quân về
thành là quậy tới bến. Kỷ luật nhiều lần không chừa nên bị đày vào đội biệt
kích nhảy dù biên giới. Nhiều lần tưởng chừng sắp chầu ông bà nhưng vẫn sống
nhăn, sống dai là đằng khác. Giải phóng về đi cải tạo mấy năm định cải tà qui
chính, nhưng hồi đó cuộc sống khó khăn quá. Lên kinh tế mới phá rừng phát rẫy
đổ mồ hôi sôi nước mắt cũng chẳng đủ ăn. Chán quá, tôi xuống núi đi giang hồ
làm bảo kê cho mấy sòng bạc. Lại đánh đấm chém giết không biết có chết thằng
nào không. Rồi vào tù ra tội không biết mấy lần trong vòng đời tăm tối chẳng
biết lối ra nói chi đường về. Ngày cha mất tôi mới nhớ mình còn có mẹ già và
mấy đứa em nhỏ không ai chăm sóc bảo ban. Bản thân tôi lớn lên chưa giúp được gì
cho gia đình mà tôi lại là người anh lớn… Nói đến đó anh biệt động sụt sùi xúc
động, vài giọt nước mắt từ lâu ngưng đọng ứa ra nơi khoé mắt. Tôi cũng hơi ái
ngại nhưng không nén được sự tò mò.
- Thế rồi
anh về học nấu ăn à?
- Chưa!
Đám tang cha xong tôi giúp mẹ lợp lại ngôi nhà cũ nát, phát lại mảnh vườn đã từ
lâu chằng chịt cỏ dại cùng mấy đám ruộng hoang hoá. Đời có số anh à! Anh đầu bếp vừa nói vừa thở dài.
- Ùa, thế
số anh là đầu bếp chắc?
- Cũng
không phải. Số tôi lang bạt từ nhỏ nên ở lâu một chỗ không yên.
Tôi tính
vào thành phố kiếm việc làm để có đồng lương phụ giúp gia đình chớ ở quê nào có
làm gì ra tiền. Ai cũng chân lấm tay bùn mà khổ vẫn cứ khổ. Mẹ tôi khóc lóc quá
nên tôi cứ lần lửa chưa kịp đi. Một buổi sáng định mệnh, không biết vì sao
trong người tôi cứ bứt rứt đi lại không yên. Theo thói quen, tôi đi về góc vườn
đại tiện như mọi hôm nhưng rặn mãi chẳng ra được gì. Lại ngồi dậy nhấp nhổm
nhìn nháo nhác xung quanh. Ừ cái chỗ tôi vừa đi ra trông nhớp nháp quá, chẳng
có vệ sinh chút nào. Chắc phải đào một cái hố tiêu tự huỷ để cả nhà dùng chung.
Nghĩ là làm, tôi hăng hái vác cuốc thuổng thực hiện ngay ý định. Đào sâu khoảng
một thước thì lưỡi cuốc va phải một tảng đá phát ra một âm thanh chát chúa như
tiếng sét nổ. Lúc đầu tôi tưởng đụng phải bom mìn gì đó nên nằm phục xuống theo
quán tính, tôi là dân biệt động mà! Nhưng không, âm vang như một tiếng kêu thất
thanh của người bị nạn kêu cứu nghe đến rợn người. Hoảng quá, tôi lùi vào góc
hố ngồi bệt xuống đất trấn tĩnh một hồi lâu xem có động tĩnh gì khác. Tuyệt
nhiên không, có lẽ đêm qua tôi bị cơn mộc đè với những cơn mơ quái gở vẫn còn
đang ám ảnh?!
- Thế rồi
sao, không đào nữa à? Tôi vồ vập hỏi.
- Khi đã
bình tĩnh lại, tôi cẩn thận lấy tay bới lớp đất cát trên tảng đá thì lộ ra một
tấm bia có khắc chi chít những hàng chữ lạ. Vừa sợ vừa tò mò, tôi khẽ nhấc tấm
bia lên xem phía dưới còn có gì thì một luồng khí phía dưới phụt lên như một
tiếng thở dài ngao ngán. Dù sao cũng phải đào như dự định, tôi tự động viên
mình bất chấp tình huống xảy ra thế nào. Tôi hì hục lấy hết sức nâng tảng đá
lên từng nấc từng nấc tì vào thành hố đến ngang tầm vai mới vác lên khỏi mặt
hố. Xong, tôi thở phào nhẹ nhõm một hơi dài. Phải biết là hồi đó tôi còn trai
tráng sức vóc khoẻ như voi, chứ bây giờ thì chào thua. Nói xong anh quệt dòng
mồ hôi trên trán đang lấm tấm rịn ra như vừa mới hoàn thành xong một nhiệm vụ
điên rồ.
- Thế là
xong à? Tôi nôn nóng cắt ngang như ngại rằng anh ta không tiếp tục.
- Nghĩ
miên man một lúc tôi lại xuống hố bới tiếp. Lần này cũng gặp đá, nhưng là một
pho tượng phụ nữ trong tư thế ngồi với kích thước như một con người thật. Tôi
nhẹ nhàng lấy tay vuốt bụi đất trên khuôn mặt tượng dần hiện ra một khuôn mặt
đẹp quý phái trông rất phúc hậu và thanh tú của một người đàn bà ngoài tuổi ba mươi
nghĩa là cũng xấp xỉ tuổi tôi lúc ấy. Có vẻ như đôi mắt pho tượng đang nhìn vào
tôi trân trối pha chút ngạc nhiên và dường như đôi môi khẽ mỉm cười bí hiểm
không tả được. Tôi rối lùi xa thì đôi tay pho tượng như dang ra vỗ về che chở
như có ý bảo tôi đừng sợ. Thần hồn nát thần tính làm tôi không tự chủ được, bản
năng sinh tồn mách bảo tôi phóng ngay ra khỏi hố mà sau này nghĩ lại tôi cũng
không biết mình đã ra khỏi hố bằng cách nào. Anh ta lại quệt mồ hôi trán ra
càng lúc càng nhiều như vừa mới thoát hiểm trong đường tơ kẻ tóc.
- Còn pho
tượng thì sao, vẫn còn ở đó hay cũng lên hố đuổi theo anh?
- Tôi
không biết nữa! Đó là giây phút cuối tôi cùng ngồi với pho tượng. Đời có số,
tôi anh cũng thế. Thuận theo ý trời lòng người mà sống, nghịch lại thì phải trả
giá không chỉ đời mình mà cả con cháu mai sau. Anh thở dài rầu rĩ vẻ ngao ngán.
- Cái số
anh nói mầu nhiệm thế nào, anh nói rõ hơn coi?
- Từ từ
mà nói! Đời người không phải là một cuốn phim một tập hay nhiều tập. Mọi sự tái
hiện hay mô phỏng chỉ là một cái xác vô tri, còn phần hồn ở tận mãi đâu đâu
không ai hay biết. Nhiều khi lại là sự lừa bịp giả tạo che mắt thế gian để muôn
đời nghiệp chướng luân hồi ác lai ác báo. Nói xong anh thở phào một ngụm khói
thuốc như đã ngưng đọng từ lâu trong buồng phổi yếm khí từ đời nào. Anh ngồi
bất động trầm tưởng hồi lâu như một thiền sư, triết lý như một triết gia và
phong thái như một triết nhân thực thụ. Anh không còn là một anh lính biệt động
gan lì hay một anh đầu bếp tháo vát mà là một con người đúng nghĩa không cần
khoác một vỏ bọc nào. Dĩ nhiên, tôi nhìn anh với ánh mắt trọng thị hơn!
- Anh kể
tiếp đi để còn nhận thù lao mà về nữa chứ! Tôi đánh động anh bằng lời ca phàm
tục đậm gia vị bếp núc. Biết làm sao được!
- Ờ ờ
chút nữa quên khuấy! Đời không là số nếu sáng hôm sau, lúc tôi đang lúi húi pha
trà uống cho tỉnh người thì có thằng bạn đến chơi…
- Ủa!
Thằng bạn thì liên quan gì đến anh? Tôi tọc mạch hỏi.
- Ừ tưởng
không liên quan, nhưng mọi thứ trên đời đều có liên quan ít nhiều và luôn gắn
bó hữu cơ như dây chuyền trong cỗ máy công nghiệp. Công đoạn này dẫn đến công
đoạn khác theo quy luật nhân nào quả nấy. Thường khi ở đời, kẻ mạnh luôn giành
lấy quả tốt, còn quả xấu luôn đùn đẩy cho kẻ yếu thế cô bất chấp đúng sai thiện
ác. Đó là luật người, còn luật trời thì khác, nghiêm minh và sáng suốt. Người
ta thường bảo: lưới trời lồng lộng nhưng khó thoát, hay là tránh trời không
khỏi nắng là gì. Thượng đế luôn công bằng, hãy tin như thế!
- Vâng!
Tôi tin. Và tôi cũng tin anh sẽ nhận được thù lao đúng với công sức anh đã bỏ
ra. Sau đó sự việc thế nào anh nhỉ?
- Thấy
tôi có vẻ bần thần đứng ngồi không yên thằng bạn hỏi:
- Có
chuyện gì mà trông mày phờ phạc hốc hác thế? Chắc tối qua mất ngủ phải không?
Đã bảo phải lấy vợ để có điểm dừng nơi cuộc đời trôi nổi này. Phải có người hầu
hạ đêm hôm, mát xa mát gần mình mới ngủ yên giấc được. Nghe lời tao đi mày,
không thì muộn mất!
- Ừ để
tính đã, sớm muộn gì cũng lấy! Chẳng lẽ ở không mãi được à? Phải kiếm vốn liếng
chút đỉnh để nuôi vợ con, không thì làm khổ người ta. Thằng này tôi quen hồi
còn làm bảo kê sòng bạc, cũng từng vào tù ra tội như nhau nên tình nghĩa cũng
sâu nặng. Hắn đã hoàn lương, biết tu tâm dưỡng tính chí thú làm ăn nhưng số
nghèo không thoát nổi. Hắn vay mượn họ hàng tậu được chiếc xe ôm nên dạo này tình
hình có vẻ khấm khá hơn. Được đồng nào hắn đưa hết cho vợ, thi thoảng hắn mới
dằn túi vài chục mời tôi lai rai tâm tình thời hàn vi đấm đá. Dù gì hắn cũng là
người tốt! Thấy tôi cứ mãi đăm chiêu, hắn sốt sắng mời chào:
- Tối qua
tao được mối hờ trúng mánh nên hôm nay nghỉ một ngày cho khoẻ. Tụi mình lâu lâu
chơi sang một chầu bia liên hoan. Nhà mày có mồi mẻ gì không, phải khí thế lên
chứ? Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu sẽ đẹp sau!
- Rất cảm
ơn mày đã quan tâm đến tao những lúc tao cần nhất, cần một người bạn, cần một
con người có tình người. Không phải ai cũng san sẻ với tao những lúc cô đơn tủi
buồn khốn cùng thất thế, thậm chí tuyệt vọng! Đâu phải cha mẹ nào cũng hiểu
con, người anh nào cũng hiểu em, người em nào cũng hiểu anh, bà con hàng họ xa
gần hiểu nhau; cảm thông nhau để dắt dìu nhau đi trọn con đường đời đầy chông
gai thử thách. Ngay cả nay mai tao lấy vợ, chưa chắc người đầu gối tay ấp thân
xác tao đã nâng đỡ được tâm hồn mình. Tao chưa lấy vợ là để chuẩn bị tinh thần
đó mày. Hôm nay hồn vía tao hơi yếu, có mày cũng hay. Chờ tao làm con vịt què
ba món rồi tụi mình chiến đấu.
- Hoan hô
thằng bạn tri tửu! Phải thế chứ, sống ngày nào ra ngày ấy, người nào ra người
nấy. Nào ai biết ngày mai ra sao?!
- Thế
chuyện pho tượng không đá động đến à? Tôi nôn nóng xen vào.
- Đã bảo
từ từ, phải có đầu có đuôi mới ra câu chuyện đời người. Chỉ bốc hốt chụp giật
là của kẻ tiểu nhân, cơ hội thủ đoạn là của bọn lưu manh lừa đảo. Tôi đang kể
chuyện con người lương thiện hoặc chí ít cũng hướng thiện. Nhưng làm người thì
khó làm chó thì dễ! Tu trong chùa chưa chắc đã yên, huống hồ chúng ta đang sống
trong môi trường tranh tối tranh sáng, chân giả thực hư lẫn lộn thì chuyện tu
dưỡng cho ra người mới chỉ là chuyện đầu môi. Đôi khi chỉ sai một li đi một
dặm, đói ăn vụng túng làm càng khiến chúng ta sa ngã lúc nào không hay. Biết ra
thì đã muộn, có ăn năn hối cải cũng thế thôi! Anh ta chép miệng thở dài.
- Rồi sao
nữa anh 4? Tới hồi nhậu chưa mà anh cứ vòng vo Tam quốc thế làm tôi nóng cả
người. Thôi anh em mình lên 100% để có khí thế!
- Ấy!
Chúng tôi cũng đang nhậu mà. Rỉ rả đủ câu chuyện trên trời dưới đất, quá khứ
tương lai, con người ma quỷ gì cũng lôi ra nói hết.Đến trưa ai cũng ngà ngà
say, với lại cũng hết chuyện rồi. Không biết trời sai đất khiến thế nào tôi lại
mang câu chuyện pho tượng ra kể với thằng bạn rượu. Thật khó khăn khi muốn giấu
một việc gì đó, nhất là lúc đang cao hứng trong cơn say vốn coi trời đất không
ra gì! Cũng bởi tôi trực tính, có gì cứ huỵch tẹt ra cho nhẹ người.
- Thì có
gì phải giấu diếm đâu? Tôi nôn nóng tiếp lời
- Ừ chẳng
có gì ghê gớm nhưng lại ghê gớm. Quan trọng là cách hành xử của mình trong từng
trường hợp. Tôi kể ngọn ngành sự việc cùng tâm trạng hoang mang của mình cho
thằng bạn nghe và nhờ bạn lấp đất cùng chôn lại như cũ những gì tôi đã đào lên.
Thằng bạn hứa và làm ngay, bảo tôi cứ yên tâm việc nhỏ ấy mà. Nói thêm để anh
biết: tôi và thằng bạn đã từng nhiều lần lên rừng tìm trầm hương với nhiều giai
thoại li kì, đã từng đào vàng tìm đá quý với những trận quyết đấu sinh tử, từng
đào mả vôi giữa đêm hôm thậm thụt ma hờn quỷ khóc nhưng chưa bao giờ biết sợ là
gì. Tiền bạc kiếm được cũng nhiều nhưng cũng chi tiêu hoang phí đâu vào đấy
hết, cuối cùng cũng tay trắng tình bạc! Nhưng hôm nay tôi biết sợ nên mới nhờ
thằng bạn. Cũng lạ! Dường như tôi linh tính một điều gì đó chẳng lành mà sức
mình không kham nổi.
- Thế bạn
anh có làm đúng lời anh dặn không? Tôi hồi hộp hỏi nhỏ.
- Tôi ngủ
một giấc đến chiều tối mới uể oải lần mò ra góc vườn xem thử. Tôi chỉ dám đứng
xa xa ghé mắt vào coi có động tĩnh gì không. Đống đất tôi đào lên đã được san
bằng làm tôi phần nào yên tâm. Rón rén tiến lại gần thì ánh mắt tôi đụng ngay
pho tượng làm tôi bất chợt giật mình lùi lại lảo đảo. Tấm bia đá cũng đang yên
vị gần mặt hố. Quái! Thằng này làm cái trò gì nhỉ? Cảm thấy mình cũng phần nào
trách nhiệm, tôi lấy bình tĩnh tiến lại gần xem xét sự thể và tự hỏi: Lẽ nào
mình lại đào lần nữa để lấp lại những thứ này?! Sự thể đã rồi, một sai lầm
không thể sửa chữa nữa rồi. Tôi tự an ủi mình và ra sức vác tấm bia dựng vào
một thân cây rồi đến gần pho tượng. Một cảnh tượng khủng khiếp đánh xẹt vào tâm
tưởng giống như một người thân của tôi vừa bị một tai nạn thảm khốc tức thì.
Tôi quỵ xuống vuốt ve pho tượng như đang vỗ về một người mẹ đang hấp hối và
lắng nghe có lời trăng trối nào đang thì thào từ hư vô huyễn hoặc. Pho tượng bị
gãy cổ, đầu rời ra khỏi mình, hai cánh tay bị gãy cụt đến khuỷu, hai bàn chân
đứt rời khỏi cổ chân và thân mình gục xuống như đang quằn quại rên rỉ. Không
biết phải làm thế nào?! Tôi quán tính vác pho tượng lại gần tấm bia rồi đặt dựa
vào đó. Tôi tỉ mẫn nhặt cái đầu đặt khớp vào cổ, bàn chân vào cổ chân, còn đôi
tay không biết treo chỗ nào cho dính nên đành đặt xuôi theo nếp đùi. Xong xuôi
đâu đấy tôi vào nhà lấy ba nén nhang đốt lên khấn vái rồi quỳ xuống lạy ba lạy
và thầm nghĩ: bóng cây rậm rạp nơi góc vườn sẽ che chở cho pho tượng bình yên!
- Thế pho
tượng giờ này có còn ở góc vườn nhà anh không?
- Có lẽ
vẫn còn đó! Tôi đã rào cẩn thận một khuôn viên riêng cho pho tượng và coi đó
như một chốn thiêng liêng bất khả xâm phạm. Vợ con tôi cũng không ai dám bén
mảng đến. Tôi cũng thế, lâu lâu mới ghé mắt vào xem có gì khác lạ nhưng tuyệt
nhiên không. Chim vẫn hót và cây vẫn đến mùa ra hoa kết trái như chẳng có gì
nghiêm trọng xảy ra. Mọi việc cũng dần lãng quên trong nhọc nhằn cuộc sống.
- Còn
người bạn anh thế nào?
- Câu
chuyện là ở đó. Lâu quá không thấy hắn đến chơi, một tháng sau tôi mới lân la
sang nhà nó hỏi thăm vì nghe xóm giềng nói hắn không còn chạy xe ôm nữa. Cũng
vừa lúc hắn ở thành phố về với phong thái khác hẳn ngày xưa, áo quần bảnh bao,
lời ăn tiếng nói không còn mùi xe ôm nữa. Hắn vồn vã mời chào tôi vào nhà, mở
tủ lạnh lấy ra vài lon bia giải khát rồi xởi lởi tâm tình:
- Tháng
này bận bịu quá không sang mày được, thông cảm tao nghe. Chưa kịp qua vừa kịp
mày đến, đúng là hai đứa mình luôn có duyên với nhau. Kỳ này anh em mình đổi
đời rồi, tao vừa sắm một chiếc xe xịn để chiều nay tao đèo mày lên phố xem cơ
sở làm ăn rồi mày sẽ ở đó giúp tao nghe. Vừa nói hắn vừa chỉ chiếc xe tay ga
láng coóng ngoài sân ra vẻ tự hào.
- Cảm ơn
mày, chuyện đó tính sau. Bữa hổm nhờ mày lấp giùm tao cái hố, lẽ ra mày phải
chôn cái bia xuống, đằng này mày lại vứt pho tượng lên là nghĩa làm sao? Tao
tin mày mới nhờ mày, mày làm tao thất vọng quá!
- Ồ
chuyện đó qua rồi, mày suy nghĩ vẩn vơ làm gì cho mệt, nên nghĩ đến hiện tại và
tương lai mới thực tế. Đúng ra tao cũng làm theo lời mày dặn, nhưng hiếu kỳ quá
tao mới đào thêm coi ở dưới còn gì rồi lấp lại cũng chưa muộn. Lạ quá mày ơi,
khi tao vứt pho tương lên khỏi mặt hố hình như có một tiếng rít kèm theo một
luồng điện giựt tao ngã ngửa. Tao ngồi bật dậy thấy mình không bị sây sát gì
nên lại đào tiếp, kinh nghiệm đào mả vôi ấy mà! Dưới cùng là một thanh kiếm đã
hoen rỉ và một toà tháp nhỏ bằng kim loại gì không biết. Thấy hay hay nên tao
mang về tính chưng ở tủ xem chơi.
- Còn ở
đây không để tao coi thử xem? Tôi cũng hiếu kỳ không kém!
- Không,
tao bán rồi. Chạy xe ôm nên tao có quen một người săn lùng cổ vật. Một lần chở
anh ta đi, tao buột miệng kể cho anh ta nghe rồi dẫn về nhà. Đầu tiên anh ta
săm soi toà tháp nhỏ với những hoa văn được chạm khắc tinh vi. Mân mê suy nghĩ
một hồi lâu, anh mở bật lên cái chóp tháp. Bên trong là một chất màu trắng sền
sệt như vôi, anh ta lấy cái muỗng nhỏ thọc sâu vào trong thì phía dưới chứa tro
màu xam xám. Anh ta đậy nắp tháp lại rồi gục gặc cái đầu ra chiều sở đắc một
điều gì đó. Sau đó anh ta rút thanh kiếm ra khỏi bao, lưỡi kiếm đã phần nào rỉ
sét như bao kiếm xem ra chẳng còn giá trị gì. Chỉ còn chuôi kiếm bằng sừng là
còn nguyên, có lẽ giá trị nhất là mấy viên ngọc chạm vào chuôi và bao kiếm vẫn
còn lấp lánh theo từng động tác ngắm nghía. Thế là hợp đồng nhanh chóng kết
thúc! Tao được ngôi nhà lầu sắp xây ở quê, một quán ăn mặt tiền ở phố do mày
làm chủ và nhiều thứ linh tinh khác. Đúng là của trời cho! Ông trời còn thương
anh em mình, ở hiền gặp lành, ở có đức lấy sức mà ăn. Hắn hồ hỡi vẽ vời một
hơi.
- Thế rồi
anh làm chủ quán ăn à? Tôi bị cuốn theo câu chuyện.
- Cũng
đành chứ sao, khổ quá hoá liều! Thế là tôi học nấu ăn, vừa làm chủ vừa làm thợ.
Quán mướn một cô phụ bếp bây giờ là vợ tôi. Đúng là số trời!
- Dù sao
anh cũng thoát nghèo, phần nào cũng nhờ ơn người bạn sẵn lòng chia sẻ hoạn nạn.
Cũng xin mừng cho anh và người bạn tốt số!
- Ừ nếu
được thế thì còn gì phải nói. Đằng này lại khác…
- Lại còn
khác cơ à? Chưa hết chuyện sao? Tôi ngạc nhiên dò hỏi.
- Kể ra
cũng 20 mươi năm rồi, một thời gian gần nửa đời người lăn lộn. Bạn tôi phất lên
như diều gặp gió, quan hệ làm ăn toàn giới quan chức thứ thiệt, cuộc sống dường
như không còn thiếu thứ gì. Tôi ăn theo cũng phần nào tạm ổn, con cái cũng được
ăn học đàng hoàng như người ta, không cần đòi hỏi gì hơn. Chỉ mới cách đây vài
năm, bạn tôi suy sụp hoàn toàn không thể gượng dậy nổi.
- Anh ta
làm ăn thua lỗ à, hay lại vướng vào tham ô móc ngoặc?
- Còn tệ
hơn thế nhiều! Lúc đầu vợ hắn bị bệnh gì đó cứ lảm nhảm la hét như người bị quỷ
ám, đi bệnh viện nào bác sĩ cũng chịu thua. Cũng nhiều lần đi chữa trị ở nước
ngoài nhưng cũng chẳng ăn thua gì, một năm sau thì mất. Chưa kịp đoạn tang, con
gái đầu cũng bệnh như mẹ rồi chết. Tiếp đến con trai út cũng thế. Không ai hiểu
chuyện gì đã xảy ra với một người được coi là hào phóng và lương thiện như hắn.
Rồi đến phiên hắn cũng thế, không biết giờ này hắn đang lang thang ở đâu và
đang lảm nhảm điều gì?! Ngôi nhà lầu sang trọng bị bỏ hoang không ai dám ở,
những người thân cũng không ai đến gần hay lấy bất cứ một thứ gì. Quán ăn tôi
đang ở cũng thế, ban đêm dường như có âm thanh vô hình nào đó mơ hồ như tiếng
than khóc ai oán cùng tiếng quát tháo giận dữ không nghe rõ lời. Vợ chồng tôi
linh tính có việc chẳng lành nên bàn nhau giải nghệ về quê buôn bán nhỏ. Lâu
lâu nhớ nghề tôi lại đi nấu bếp đám cưới để có thêm thu nhập chút đỉnh. Căn cớ
đó mới được gặp anh hôm nay. Có gì không phải mong anh bỏ qua, cũng chỉ là một
câu chuyện đời.
- Khủng
khiếp quá! Thế còn cuộc sống anh có ổn không?
- Tôi
luôn bị ám ảnh những điều đã xảy ra, nhưng phải ráng quên mà sống anh ạ! Tôi bỏ
rượu cũng vì trót dại những lời tưởng như vô hại với bạn Thế mà… anh ta ngập
ngừng ra vẻ hối hận. Có những điều không nên nói dù chỉ lảm nhảm một mình. Thời
nay, có nhiều kẻ đao to búa lớn quá tôi nghĩ mà rùng mình.
- Bữa nào
tôi đến nhà anh chơi xem tấm bia thế nào nhé, được không anh?
- Rất sẵn
lòng. Nếu cần tôi biếu luôn những gì anh thích!
Z đến nhà
anh đầu bếp vào buổi sáng, anh ta mở tủ lạnh lấy ra vài lon bia mời Z như lời
cám ơn về chuyện tiền thù lao hôm đám cưới. Anh ta hỏi Z tửu lượng dạo này còn
khá không và cứ tự nhiên bởi anh ta không thể cùng nâng ly. Z bảo anh ta yên
tâm bởi mục đích chính là pho tượng nhưng để lấy lòng chủ nhà Z cũng cởi mở
rằng xưa kia chàng cũng là một tửu đồ có hạng nhưng giờ đã xuống cấp. Hồi trai
trẻ, 2 lít rượu hoặc 1 két bia mới say, dần thì còn một nửa đã xỉn, giờ thì 1
xị hoặc 6 lon là ngủ ngon! Chủ nhà ra điều rất hiểu rượu và người: ờ ờ không
phải mình uống nhiều quá nên yếu mà phải hiểu là mình yếu quá nên không uống
được nhiều rượu. Luật trời mà! Như tôi không uống được là vì không đủ tư cách
để uống, còn anh cứ vô tư rồi vào chuyện công. Uống lịch sự 2 lon, Z theo anh
ta ra vườn. Hàng rào theo tháng năm đã mục nát vẹo xiêu trong hoang tàn cỏ dại
cùng lá cây khô. Chẳng thấy tấm bia đá đâu cả, chủ nhà sục sạo hồi lâu mới tìm
thấy pho tượng ở góc rào bên kia nơi gần con đường mòn đi rẫy. Tìm mãi cũng
chẳng thấy đầu, cánh tay và đôi bàn chân tượng. Z nhã ý xin pho tượng về làm kỷ
niệm thì chủ nhà đồng ý ngay như muốn xoá đi mọi dấu vết quá khứ. Z hoan hỉ
mang pho tượng về và cám ơn người đầu bếp có tấm lòng nhân hậu. Mọi việc trôi
chảy không ngờ, chỉ tiếc rằng pho tượng không còn nguyên vẹn! Z mang pho tượng
về nhà cũng để nơi góc vườn gần ao cá thoáng mát thơ mộng. Có những người chỉ
cần một góc đời là đủ nhưng quá nhiều người cứ muốn mình phải ở trung tâm. Z
thích văn chương nghệ thuật, một nghề phiêu lưu mạo hiểm trong tâm hồn và bần
cùng bạc bẽo nơi đời thường cuộc sống! Tốt nghiệp mỹ thuật nhưng lại làm nông,
thay vì lao động trí thức chàng lại hành hạ cơ bắp. Cũng có thời gian đi làm cơ
quan nhưng chẳng có việc gì đáng làm, cứ sáng cắp ô đi chiều cắp về tối lai rai
rồi ngủ. Cũng người ấy việc ấy, không gian ấy thời gian ấy đơn điệu tẻ nhạt! Lẽ
ra công việc chỉ cần một người thì mười mạng xúm lại làm chỉ thêm rách việc,
người làm không hết việc kẻ ăn không kịp tiêu. Miệng hô hào sáng tạo, tay mày
mò bắt chước. Sửa sai, sai sửa lại sửa sai trên cánh đồng bất tận có đàn vịt
trời bay về đâu không biết! Ngày này qua tháng khác, Z trầm ngâm bên pho tượng
hình dung khuôn mặt đẹp của người đàn bà quý phái có đường nét thanh tú nhân
hậu cho phác thảo một pho tượng để đời. Hình khối được đục đẽo xong, từng đường
nét đang hoài thai động cựa thì đôi tay Z cảm thấy đau nhức đến nỗi không cầm
nổi đục búa. Tưởng vài ngày sẽ bớt, không ngờ đôi tay ngày càng teo cơ như
người bị sốt bại liệt. Z tâm đắc câu chuyện: một nghệ sĩ tạc tượng đã dành cả
đời mình để hoàn thành một tác phẩm theo tâm nguyện nhưng đến cuối đời vẫn bất
thành. Cuối cùng anh ta hoá đá, và đó là kiệt tác độc nhất vô nhị mà người nghệ
sĩ để lại cho đời. Còn ta chưa đến nỗi, Z tự nhủ: không cầm nổi búa thì cầm
bút. Vài truyện ngắn tuỳ bút về kiếp đá ra đời khó nhọc nhưng chẳng ai quan
tâm, thiên hạ cần hơn những chuyện giật gân về kiếp người và những động thực
vật quý hiếm sắp tuyệt chủng. Bạn bè người thân cũng không ai san sẻ được với Z
nếu không là những lời chỉ trích chê bai hờ hững. Ngay vợ Z cũng chán nản cùng
cực, cho là chồng mình điên để rồi than thân trách phận. Cứ mỗi sáng, bà vợ tội
nghiệp lại mang một mâm cơm ra góc vườn cho chồng và buổi tối lại bưng vào một
mâm cơm còn nguyên như vừa cúng cơm cho một người đã chết. Không ai biết rằng Z
đã tồn tại bằng một nguồn sống khác. Một ngày tuyệt vọng, Z không muốn kéo dài
thêm sự sống bởi đôi tay đã trở nên vô dụng. Chàng chẳng cần ăn uống nữa, mục
tiêu cuối cùng chỉ còn là ý nghĩa của một đời đá. Thân xác mỏi nhừ, tay chân rã
rời, mắt nhoà dần và có lẽ linh hồn chàng sắp bay bay thì hình như đôi bầu vú
pho tượng rịn ra vài giọt sữa trắng đục thoảng hương thơm thảo. Bản năng sinh
tồn vực Z bò dậy từng chút từng giây phút đến gần để hứng từng giọt sữa đá ngọt
ngào cổ tích. Từ đó Z dược nuôi dưỡng bởi người mẹ đá để từng dòng chữ ra đời
cho đến một hôm dòng sữa ấy dường như cạn kiệt, cũng là ngày chàng không còn
viết ra được dòng chữ nào thuần khiết. Có lẽ mọi thứ đã chấm hết! Mọi nỗ lực
của Z đều vô nghĩa, mỗi con chữ chàng viết ra đều mang hơi hướng dung tục giả
dối. Thà không viết còn hơn, và Z lại thiếp đi trong cơn đói khát tình người.
Hình ảnh người thân bạn bè dần hiện ra như một phiên bản nhạt nhoà đứt quãng
như sắp biến thành tro bụi. Nhớ lại thời ấu thơ, ngày mẹ cai sữa đứa em kế. Nhà
quê không có dụng cụ bơm sữa nên mẹ đã nhờ Z bú lượng sữa thừa nhổ bỏ để bầu vú
căng không đau nhức. Ôi những giọt sữa ấy mới quý giá làm sao, rất cần cho Z
lúc này hơn bao giờ hết! Mẹ chàng đã mất từ lâu, giờ này không còn gì để bấu
víu nữa! Loài người chỉ cho nhau những lúc dư thừa, chỉ có người mẹ mới cho con
đến hơi thở cuối. Ai cũng miệng lưỡi đãi bôi, cho là để nhận, chờ khi chết đi
mới đến thắp nén nhang tiễn biệt mà chưa chắc đã thật lòng. Giã từ kiếp người!
Z lẩm bẩm gục xuống… mà hình như thoáng lờ mờ, dòng sữa đá lại rỉ ra từng giọt
từng giọt phì nhiêu như chỉ vì tắc nghẽn tạm thời. Z cố rướn lên từng chút từng
phút như đã trăm năm đến gần người mẹ đá, ngước lên đón giọt sữa đầu tinh khôi
thì không kịp nữa. Chàng đã kiệt sức cứng đơ từ lúc nào! Từng giọt sữa tinh
tươi lả chả rơi xuống mái đầu lốm đốm bạc càng lúc càng trắng bạc. Z đã hoá
thân vào đời đá vĩnh viễn, hoàn thành sứ mệnh người nghệ sĩ vô song. Một buổi
chiều lâm râm mưa, người con gái Z đi làm thuê từ thành phố về nhớn nhác gọi
cha. Cô rất vui khi xách một gói quà lớn trong đó có trà cà phê thuốc lá, những
thứ mà cha cô thích. Đặc biệt hơn là một Laptop mới toanh mà cô phải dành dụm
mấy năm trời mới sắm nổi cho cha viết lách thuận lợi và khí thế hơn. Nghe lời
mẹ, cô đến góc vườn căng mắt tìm nhưng chẳng thấy tăm hơi cha đâu cả. Chỉ thấy
hai tượng đá nơi cha thường làm việc. Một pho tượng ngồi mất đầu và pho tượng
nằm giống cha mình như đúc. Có lẽ đây là tác phẩm duy nhất mà cha để lại, còn
cha mình đi đâu rồi nhỉ?! Cô vào nhà thẫn thờ hỏi mẹ cũng không biết ngọn ngành
ra sao bởi từ lâu không ai còn nhớ đến Z nữa, ngoại trừ mấy đứa con của chàng.
Nhưng mỗi đứa có cuộc sống riêng, không thể ở bên chàng mãi được. Mọi người
trong họ hàng bàn tán, không biết phải xử lý tình huống như thế nào? Nếu Z thật
sự chết thì phải đem đi chôn, nhưng đó phải là thi hài người chết, tệ lắm cũng
phải là nắm xương tàn! Đằng nay lại là tượng đá, lẽ nào lại đem một pho tượng
đi chôn theo đúng lễ nghi truyền thống? Theo phong tục người Chăm, sau khi chôn
cất một thời gian cho thịt rữa gân tan thì phải cải táng. Hài cốt được rước về
làm đám thiêu, hoả táng xong linh hồn mới về chốn vĩnh hằng. Còn 9 miếng xương
trán bỏ vào cái hộp gọi là klong chờ ngày vào Kut tức nhà mồ theo tộc họ mẹ.
Lúc đó cát bụi sẽ trở về cùng cát bụi để chấm dứt một vòng đời. Làm sao hoả
táng và lấy 9 miếng xương trán nơi một tượng đá?! Quá phức tạp nên cuối cùng họ
hàng quyết định cứ để nguyên hiện trường, không cần kết luận của bác sĩ pháp y
rằng: Z đã chết lâm sàng hay vẫn đang sống đời khoáng vật. Hàng ngày con cái Z
vẫn ra góc vườn thăm cha, vuốt ve mái tóc màu trắng sữa cho thẳng nếp. Chúng nó
vẫn còn hiện hữu một người cha cho dù chỉ là tượng đá. Một thời gian sau, gia
đình làm đám chay cho Z. Máu thịt xương tuỷ lông tóc được thay bằng bột gạo
nhuộm ba màu đỏ trắng đen, còn đầu lâu là cái sọ dừa. Có lẽ Z sẽ thanh thản ra
đi?!
50 năm
sau, trên tầng 101 của một cao ốc ở New
York . Một giáo sư đại học ngành khảo cổ đang trầm tư
trước một pho tượng trong tư thế lạ đời. Ông đã dốc hết tài khoản cả đời để mua
bằng được pho tượng này mà lẽ ra sẽ được đầu tư xây dựng một viện dưỡng lão và
cô nhi ở nước mẹ. Ông đã ở nước ngoài quá lâu nên có ý định trở về sống nốt
quãng đời còn lại tại quê hương. Có lẽ ông sẽ mang pho tượng về theo! Đã mấy
tháng nay, suy nghĩ mãi ông vẫn không thể hiểu người nghệ sĩ nào đã gửi vào pho
tượng này những thông điệp gì? Một hôm, con gái ông là hoạ sĩ đến chơi, thấy
ông đang vân vê từng đường nét pho tượng thì oà reo lên:
- Phiền
cha bò gần pho tượng với cùng tư thế để con chụp vài kiểu dự thi ảnh quốc tế.
Nay mai con sẽ có buổi triển lãm cá nhân, có vài bức như thế này thì tuyệt quá.
Cảm ơn cha quá xá! Vừa nói cô vừa bấm lia lịa.
Nhìn vào
tấm ảnh, nếu không để ý kỹ về trang phục thì rất khó phân biệt được ai là người
ai là tượng bởi cả hai giống nhau như đúc, hệt như anh em sinh đôi. Cô gái nhìn
cha bằng ánh mắt lạ lùng cũng như vẻ mặt người cha cũng đang há hốc kinh dị. Có
lẽ đó là lý do thôi thúc ông quyết tâm mua pho tượng này bằng cả gia sản của
mình cho dù đã có dự định khác
- Tốt
rồi! Con cũng nên bò gần cha để chụp vài tấm. Ông chỉ vào pho tượng ra hiệu cho
con gái. Cô gái ngoan ngoãn tuân theo.
- Tại sao
người và đá lại giống nhau đến thế cha nhỉ?
- Ừ có
thể cũng có nguyên nhân, nhưng cha chưa tìm ra manh mối. Sẽ có ngày sẽ vỡ lẽ ra
thôi, cha còn nhiều thời gian mà.
- Nhưng
ngày nào cha cũng ngồi yên suy tưởng như thế này sẽ có ngày hoá đá mất. Dạo này
cha không được khoẻ, phải năng vận động cha hén?
- Ừ phải
vận động mới tồn tại. Mà cõi người cõi đá cũng thế thôi con nhỉ!
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com