26 thg 12, 2012

Ymoan & Vài Nét Văn Hóa Êđê

Ymoan, 2009

Trong chuyến đi Dak Lak, tôi và anh bạn có dịp ghé thăm anh Ymoan Enuôl – ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Êđê. Và…

Lúc chúng tôi đến căn nhà Ymoan vừa cất xong cách đây không lâu. Với nét dáng kiến trúc nhà sàn tộc người Êđê – cầu thang hai bên ở cổng ra vào với bậc đi lên còn khắc lưu hai bầu vú phụ nữ - biểu tượng chế độ mẫu hệ. Nhà chính mang kiến trúc đương đại, nhưng kế cận là căn nhà phụ mang đậm chất nhà sàn Êđê xưa. Để thêm khác lạ anh gia công trang trí chi li từ cánh cổng cho đến tận nội thất. Tất cả đều là sáng kiến của riêng anh, nó tạo ấn tượng lần đầu khi tôi được anh mời vào nhà.  Nhưng, nhìn tổng thể những nét kiến trúc văn hóa cổ đã và đang mai một dần trong kiến trúc đương đại & căn nhà anh cũng không ngoại lệ. 

Chúng tôi ngồi tán chuyện một lúc thì có một nhóm anh chị làm ở Ðài Truyền Hình Dăk Lăk đến làm chương trình về anh - cuộc sống đời nghệ sĩ và văn hóa Êđê. Chắc đấy cũng là một dịp tốt để chúng tôi hiểu biết thêm về anh và văn hóa Êđê. Với café và trà, chúng tôi ngồi quanh bàn tròn xoay vèo với câu chuyện về đời sống của dân Êđê xưa & nay. Trong nhóm người hôm đó có một bạn nữ cũng là người Êđê (trưởng nhóm) xinh tươi như hoa nhưng lạ là, dù sống trong môi sinh văn hóa chính ngay quê hương mình lại không biết nói tiếng mẹ & cũng chẳng hiểu nhiều về văn hóa Êđê. Chàm tôi cũng lắm người như vậy! Lạ ấy mà quen.

Trống Cái

Trà nước, hỏi thăm nhau xong, Ymoan dẫn chúng tôi đi tham quan những vật cụ trưng bày trong căn nhà - những thứ gắn liền với văn hóa dân tộc anh. Nhạc cụ đập vào mắt tôi đầu tiên là một chiếc trống cái to đường kính khoảng 1.5m. Theo anh kể, gỗ được mang về làm trống có tuổi thọ khoảng 2-3 trăm năm; trống có hai mặt: một mặt làm bằng da trâu đực và mặt kia bằng da trâu cái (da voi thì càng tốt). Hiểu theo thuyết âm dương – nó tượng trưng cho hai mặt: mặt âm và mặt dương; mỗi mặt có ý nghĩa riêng khi dùng. Xưa kia (lúc còn gian nhà dài) trống được đặt ở vị trí trang trọng nơi phòng khách; gian nhà dài theo hướng Bắc-Nam. Khi trong Buôn có chiến tranh, nguy hiểm, cháy làng, nạn dịch, người chết,... mặt Cái của trống được đánh để báo hiệu. Còn trong dịp hội, lễ hội vui mặt Đực được dùng đến.

Nhìn những vật cụ xung quanh - theo sự hướng dẫn của anh chúng tôi còn biết thêm về cồng, chiêng, k'pal (ghế dài), j'hưng (giống như giường nằm), mác, khiêng cho đến bếp ba gian (loại bếp truyền thống người Êđê), sợi dây hình lượn sóng như kiểu bậc thang với sự tích dân gian Cóc nhảy leo lên trời cầu mưa. Theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn nên trong sinh hoạt cộng đồng ở các buôn của người Êđê, lễ nghi đóng vai trò hết sức quan trọng. Trước kia, chỉ một cái dùi để đánh trống, cồng, chiêng thôi đã diễn ra một lễ hội mạo hiểm và li kì.

Khiêng & Mác dùng để săn bò tót

Lễ Hội Săn Bò Tót

Xưa kia, vào khoảng tháng 3-4 hằng năm, thời tiết khô hạn, các con thú hay tìm đến sông suối uống nước. Trong khoảng thời gian này diễn ra lễ hội săn bò tót – thường thì mỗi buôn cử 2-3 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh có kinh nghiệm săn bắn về tham dự lễ; và mỗi người tự trang bị cho mình khiêng, mác, một con ngựa và vài thứ vật cụ cần thiết khác. Sau khi già làng uy tín nhất buôn làm xong nghi lễ, họ vào rừng săn. Những thanh niên nào mạnh khỏe, lanh lợi, thông minh kèm may mắn thần núi rừng ban sẽ săn được bò tót (họ chỉ cắt dái bò mang về); những người không may mắn khác có khi phải bỏ mạng ở rừng sâu hay mang tật nguyền suốt đời. Chiến lợi phẩm mang về được xem như là bằng chứng biểu dương tính dũng cảm của các chàng trai; chàng trai nào có nhiều dái bò về sau có khi lấy đến 2-3 người vợ. Dái bò tót sau khi được phơi khô, bọc vào vải và cột vào một thanh gỗ dùng để đánh trống Cái hay cồng, chiêng. Có gia đình giàu có phải đổi bằng vàng bạc, trâu bò có khi cả ngà voi, cồng chiêng mới có được. Những thợ săn giỏi thường hay giữ lại cho riêng nhà mình như lưu lại chiến công để con cháu đời sau biết đến. Nhưng, kể từ sau năm 1954 lễ hội này không còn nữa. Có lẽ là do chiến tranh, cuộc di dân xâm thực văn hóa,... mà người kể chưa tiện lí giải.


Về Cồng, Chiêng

Mang nét của trống đồng Đông Sơn, nhưng nhỏ hơn. Điều này cho tôi chỉ nghĩ tới mối liên quan đến tộc Chim di dân lùi về phương nam. Thôi, để dành cho các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử soi. 

Chiêng được gia công bằng hỗn hợp kim loại vàng, đồng, sắt. Chiêng phân ra thành nhiều loại theo thứ tự của một gia đình hay họ hàng. Chiêng bà, chiêng cha chiêng mẹ, chiêng con chiêng cháu. Đặt biệt ở trong lễ hội, chiêng bà chỉ đánh đệm theo sau chiêng con, cháu. Còn loại chiêng có núm - chủ yếu giữ nhịp, phách trong điệu nhạc. Loại chiêng này có kiểu hình như Linga-Yoni bên tộc Cham. Trước kia, những nhà giàu phải đổi ngà voi, sừng tê hay bằng công xây đền, tháp ở Lào, Campuchia mới có được.

Ngoài những nhạc cụ trống cái, cồng, chiêng, “văn minh nương rẫy” còn sản sinh ra đàn t'rưng nước, sáo, mõ... để đuổi chim thú phá hoại mùa màng khỏi nương rẫy. Qua đó hàng loạt hệ thống lễ hội gắn liền với sản xuất và vòng đời theo tín ngưỡng phụ thuộc vào qui trình canh tác.

K'pan

Về K'pal, J'hưng

K'pal, j'hưng, được đẽo, gọt từ hoa tay người thợ giỏi trong buôn; nó liền mặt, liền chân được làm từ gỗ cây cổ thụ không gẫy gập hay mục ruỗng và, đặt biệt là không lắp ghép, được xem như là một đứa con, một thành viên mới trong gia đình - nguyên vẹn, không lai. K’pan, jhưng là sự kết hợp thuyết vạn vật hữu linh và bàn tay khối óc của người nghệ sĩ tộc Êđê. Chất liệu làm nên K’pal, j’hưng là cây gỗ được đưa về làng từ rừng sâu phải do đoàn người đặt biệt đi đốn về, nếu đốn không khéo - cây bị hư hoặc gẫy gập họ sẽ đền bù gấp ba lần tiền công mà chủ nhà đã thuê họ. K'pal ngắn nhất 2m, dài có khi hàng chục mét.


Về Gian Nhà Sàn Dài

Anh Ymoan kể lại rằng gian nhà sàn dài là căn nhà thuộc về một cộng đồng trong buôn, nhiều ngăn, nhiều gia đình. Xưa kia, có những căn dài đến 1km và có thể đủ cho hơn 50 hộ gia đình. Nhà được làm bằng gỗ, tre, nứa. Mái được lợp bằng tranh. Hướng nhà Bắc-Nam, theo phong thủy, tránh được gió Ðông-Bắc vào mùa khô, và tránh được gió Tây-Nam vào mùa mưa.

Hậu 1975 căn nhà sàn dài này bị mất đi chỗ đứng. Nhiều nguyên nhân được lí giải như: vấn đề phân hộ khẩu, mỗi gia đình chỉ có đất địa cư và đất nông nghiệp. Vả lại, do bị áp dụng chính sách hợp tác xã hóa đất canh tác, nương rẫy của họ bị trưng thu và bị những người Kinh di dân đến mua lại có khi  mở mang chiếm đoạt làm nảy sinh các vấn đề nan giải về nơi ở, kinh tế, văn hóa. Yếu tố kinh tế - kinh tế mới cộng với yếu tố văn hóa, chính trị khiến các căn nhà sàn dài dần mất đi và ngày nay chỉ còn đọng lại trong các câu chuyện truyền miệng. Không chỉ riêng gian nhà sàn dài, ngay cả những lễ hội gắn liền với sinh hoạt và đời sống tâm linh, tín ngưỡng tộc người Êđê mà cả các dân tộc ở miền đất cao nguyên này cũng dần dần mất đi những gì thuộc về cổ xưa trong thời đại được gọi là Hội Nhập. Văn hóa cồng chiêng chỉ còn là trò diễn trên sân khấu làm vui mắt những người được gọi là chuyên gia văn hóa hay du khách tò mò về văn hóa núi rừng Tây Nguyên. Những gì đưa cho Unesco giữ xem như châp nhận bị mai một & mất đi tính nguyên thủy bấy lâu đã gắn kết cộng đồng, không gian văn hóa. Chúng ta có gì? Thành tích, điểm số được ghi.

Khi đoàn làm truyền hình hoàn tất chương trình và cáo về. Anh mời hai đứa tôi ở lại dùng cơm. Anh ăn rất ít, bởi căn bệnh. Anh chỉ dùng bữa qua loa rồi bốc xôi ăn – vừa ăn vừa trò chuyện về con cái, về cuộc đời nghệ sĩ mà anh theo đuổi và trên hết là về huyền tích chiếc K’pan với khối người bám vào trong thời đại hồng thủy trôi dạt vào bờ để kết thành vương quốc Champa xưa và các sắc dân ở cao nguyên này.

Lúc tạm biệt, điều vọng mãi trong tâm trí tôi trên đường về là bản Hoang Sơ mà Ymoan hát:

...
Ngọn lửa sáng lên sáng lên
ánh trăng ngọc ngà bên suối rừng già
mẹ kể chuyện hoang sơ...

Ngọn lửa sáng lên… sáng lên
mẹ kể chuyện huyền thoại như một giấc mơ!

Ừ thì, cái gì xa xưa luôn thuộc về thời xa xưa – hay thuộc về miền cổ tích. Nhưng, dù muốn dù không nó vẫn được cả cộng đồng biết đến, dù chỉ như một giấc mơ thoảng qua hay những huyền tích được người sau kể lại. Với những người nghệ sĩ như anh Ymoan, người mang tiếng hát rao cho đời để nhiều người biết thêm về văn hóa Êđê, biết thêm về một Ymoan - vẫn có lúc bị lãng quên. Ðau. Rất đau và rất buồn.


Dak Lak, 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com