1.
Nhiều bước chân đi thành lối mòn, lối mòn dẫn nhiều người đi về một điểm đến -
Nhu cầu ngày càng cao, lối đi nẻo về ấy cần được vun đắp kiên cố dần hình thành
con đường. Mỗi chúng ta ai cũng có một mái ấm gia đình để trở về, chỉ duy nhất
một con đường để trở về! Nhưng để kiếm sống chúng ta phải lê la lắm lúc bằng
nhiều con đường khác nhau và đôi khi lạc đường, không còn trở về mái nhà xưa
nơi quê hương yêu dấu.
Tôi có nhiều bạn, không phải tôi thích bù khú tán gẫu - Có lẽ tôi cần tình
người vì khi ở một mình tôi có cảm giác mình như bị bốc hơi không còn tồn tại,
nếu không muốn nói là sự hiện hữu của một cá thể chỉ trở nên cần thiết khi có
sự liên kết, gắn bó hữu cơ với những cá thể khác. Dĩ nhiên mọi người sẽ có một
con đường riêng cho chính mình cho dẫu chúng mình đang đi chung trên một con
đường đất hay tráng nhựa. Đó là con đường trong tâm hồn mà con người gọi là đạo
- để tốt đời đẹp đạo dường như còn lắm nhiều khê!
Tôi có nhiều bạn! Mỗi người có một tính cách, hoàn cảnh, tư duy khác nhau nên
kịch bản cuộc đời có nhiều tình tiết ly kì hấp dẫn. Để kể về những người bạn,
có lẽ tôi dành cả cuộc đời cũng không kể hết. Chỉ kẹt một nỗi, ai cũng tự cảm
rằng mình quan trọng, xứng đáng có mặt trên trái đất này hơn bất cứ ai khác. Vì
quá hoàn hảo nên không thích lời chê mà chỉ thích lời khen, tâng bốc… mà lời
thật lại mất lòng. May thay! có một thằng bạn chịu chơi và hình như nó hơi bị
chập mạch nên tôi kể chuyện nó chắc cũng không sao!
Hắn tên Hắn, tên hắn chắc tìm trong sổ danh bạ trên khắp thế giới không thấy.
Cái tên đã khác lạ nên châu thân hắn cũng khác lạ. Cũng hên, con người thời nay
thích sự khác lạ, thậm chí giật gân nên chuyện về hắn chắc không đến nỗi lỗi
thời. Báo chí thường khai thác chuyện tình, tù tội, tự tử… soi mói đời tư, bạo
lực để câu mời độc giả. Âu cũng bị kinh tế thị trường, mà ra! Thời thượng và
chung cuộc cũng là một hình thức kiếm sống, có thực mới vực được đạo.
Hắn làm đủ thứ nghề, từ làm ruộng đến làm rẫy, trồng cây nông nghiệp, đến cây
công nghiệp. Lấy ngắn nuôi dài rồi lấy dài nuôi ngắn cũng chẳng đủ ăn. Chỉ tại
ông trời nắng mưa thất thường quá! Hắn xoay qua chăn nuôi heo nọc, heo nái, gà
tây gà ta, vịt thịt vịt đẻ… cũng không khá nổi. Chắc tại ô nhiễm môi trường nên
dịch bệnh lộng hành cho dù hắn tiêm phòng nghiêm chỉnh - Hắn nói với vợ:
"phi thương bất phú" nên chuyển qua buôn bán. Phồng lên xẹp xuống mấy
lần rồi dẹp tiệm, nợ nần chồng chất. Thất thế lại tủi nhục nợ đời, hắn quẩy gói
đi buôn thượng gặp lúc người dân tộc đang thiếu đói. Quẫn trí hắn theo đoàn đi
bốc thuốc nam, không có giấy phép hành nghề bị bắt giam mấy tháng. Hết đường!
2.
Hắn trở về mái nhà xưa bên người vợ hiền con thảo. Chẳng lẽ ăn không ngồi rồi?
Mà lấy gì ăn, nhịn mà được à? Lại tính toán, làm gì cũng lỗ nhưng vẫn phải làm.
Muốn làm phải có vốn. Hắn ngầm nghĩ: phải tìm một công việc làm không cần vốn
hoặc ít vốn. Không cần vốn thì chỉ có nước ăn cắp, ăn trộm, tham ô hối lộ mà
hắn có làm quan đâu mà được có diễm phúc ấy! Mà có làm quan đi chăng nữa thì
lương tâm hắn cũng không thể lẫn lộn với lương tiền. Hay là làm thợ hớt tóc?
Nghề này bỏ vốn ít nhưng thu nhập đảm bảo, không mất lòng ai lại mang tính nghệ
thuật nữa. Hắn thầm nghĩ: cái làng này nhỏ mà đã có bốn, năm tiệm hớt tóc, phải
lôi kéo khách hàng mà hắn thì không muốn cạnh tranh nghề nghiệp. Hơn nữa tuổi
trẻ bây giờ có xu hướng để tóc dài, chắc cũng ế ẩm. Hắn thở dài chán ngán!
Thôi, không nghĩ mông lung nữa, bắt đầu cày ruộng gieo kịp mùa vụ. Nhà hắn được
chia hai sào ruộng khoán vì lúc mới chia chỉ có hai khẩu vợ chồng, nay có thêm
bốn đứa con cũng vẫn hai sào. Vợ hắn đẻ nhưng đất nào có đẻ đái thêm được. Ngặt
nỗi ruộng hắn đất xấu lại ở xa. Tổ cha cái thằng cai đội! Hắn lẩm bẩm chửi thề,
đứa nào biết lo lót, nịnh hót thì phân cho ruộng tốt mà lại gần làng, diện tích
lại co dãn theo mức độ quà cáp. Vợ con cằn nhằn: sao hắn không phấn đấu làm chủ
nhiệm có phải đỡ khổ không? Hắn nạt chỉ có mỗi một chức chủ nhiệm mà có biết
bao người tranh chấp chạy chọt, sinh ra anh em bạn bè mất đoàn kết không nhìn
mặt nhau. Chuyện tốt đâu chưa thấy đã mất tình làng nghĩa xóm… Nói vậy thôi chứ
hắn thấy ngày càng bất lực trong mưu sinh, thoái hoá trong nhân cách - từ nhỏ
đến giờ hắn đâu biết chửi thề, ăn nói thô tục, nay hắn hay bực dọc cau có vô
cớ, nạt vợ nộ con cũng tội nghiệp! Cũng tại miếng cơm manh áo, mà suy cho cùng
tại hắn tự cảm thấy mình quan trọng, phải giữ đạo lí thánh hiền xưa. Ai làm gì
cứ làm, hắn đâu có quyền chỉ đạo?!
3.
Một buổi sáng đẹp trời, hắn làm ra vẻ quan trọng như mới phát kiến một điều gì
vĩ đại.
- Này má nó, pha cho ba nó một bình trà, một tách cà phê với lại một gói Cotab
cho thơm râu.
Vợ hắn ngạc nhiên đến sửng người, trợn tròn con mắt hỏi:
- Mọi ngày ba nó vẫn hút thuốt rê, goi bữa nay lại đòi thuốc gói.
Mà tiền đâu mua? Gạo cũng hết rồi…
- Mẹ nó chịu khó mua chịu, anh đã có con đường làm ăn rồi, nay mai
xoá đói giảm nghèo cái rẹt.
Vợ hắn bán tin bán nghi lo lắng. Mấy bữa nay cứ thấy hắn ôm đầu
suy nghĩ, hút thuốc liên hồi khét lẹt. Không khéo lại đứt dây ấm đầu như ông
hàng xóm.
- Ba nó vay được vốn à. Mà có gì vợ chồng bàn tính kỹ, chứ ba nó
làm liều như mọi khi nguy quá!
- Mẹ nó yên tâm, cứ cho trà đặc, cafe đậm cho được việc. Có thuốc
thơm đầu óc mới thăng hoa, lời hay lẽ phải mới lộ nguyên hình, công việc trôi
chảy…
Nghe hắn nói bùi tai, vợ hắn lăng xăng chiều chồng. Kể từ hôm ấy hắn phân công
phân nhiệm hẳn hoi, ăn đều chia đủ. Bốn đứa con hắn được ăn cơm với cá thịt.
"Tất cả vì tương lai con em của chúng ta". Hắn đĩnh đạc tuyên bố, còn
vợ hắn thì ăn chay, chỉ ăn cơm với rau đậu để giảm cân và giữ gìn sức khoẻ, bảo
quản sắc đẹp, lưu trữ tuổi xuân. Hắn thường phát biểu: đàn bà con gái phải có
thân hình thon thả mảnh mai mới gợi cảm dễ thương… còn hắn không ăn gì cả,
không phải hắn tuyệt thực mà là ăn chữ.
Kể ra mọi chuyện đều suôn sẻ. Hắn lý luận, bất kỳ công việc lớn nhỏ nào cũng
cần nguyên liệu cơ bản rồi mới qua khâu xử lý chế biến. Đã tiêu thụ sản phẩm
phải quy hoạch định mức đầu vào đầu ra, hạch toán giá cả lời lỗ. Trình độ của
hắn là tú tài loại ưu hắn cất kỹ quá tìm không ra. Khai sinh, căn cước nằm trong
đống giấy lộn sách vở không biết đâu mà lần nên khi cần thì chịu thua. Với lại
hắn nghĩ không còn dịp xài chúng nữa, mấy lần bí quá đi xin việc người ta hỏi
bằng cấp hắn bảo là mất nên cũng mất việc luôn!
4.
- Hôm nay bố nó ăn món gì, tây hay tàu? - Vợ hắn trịnh trọng chia thực đơn.
- Không tây cũng chẳng tàu, khai trương xài món Ấn cho linh. Mẹ nó
cho điểm tâm sữa dê Gandi càri Tagore cho bữa trưa, Upanishad nướng cho bữa
tối.
- Mới rôđa, ba nó nên ăn món nhẹ cho dễ tiêu, mà Upanishad dai nhách
e không ngủ!
- Phải chịu cực cho quen má nó à! Chữ nghĩa hồi lâu anh không xài
nên tụi nó đã chia tay hoàng hôn. Anh cần bổ túc cấp tốc để phục hồi trí lực,
trui rèn thần nhãn mới tiên tri thấu thị được sự đời. Từ đó mới kiếm được miếng
cơm manh áo cho má nó và các con giống người. Anh đã quyết rồi không chờ thời
cơ mà phải tự mình tạo thời cơ và phải biết chớp thời cơ đúng lúc! Vợ hắn lễ mễ
bưng một khay đầy sách dày mỏng lớn nhỏ đủ màu sắc trịnh trọng đặt lên bàn. Hắn
ngửa người ra vắt chân chữ ngủ nâng chén nước trà theo nghi thức trà đạo của
người Nhật, quẹt lửa châm điếu thuốc hút vào một hơi dài, thả khói ra từ từ,
đôi mắt lim dim mơ màng rồi hắn bắt đầu ăn chữ.
Sáng hôm sau vợ hắn lại ôm cuốn thực đơn ra. Cuốn này dày hơn ngàn trang nên
chọn món trong ngày thôi phải mất hơn 15 phút. Phải suy đi tính lại, dấn trước,
giật lui mới được món như ý. Còn mệt hơn tra từ điển, hắn vừa lật từng trang
vừa lẩm bẩm trong miệng.
- Mẹ nó cho điểm tâm mì ống Goethe, ăn trưa tiết canh Hitler, ăn
tối Hamburger Karl Marx.
- Ủa từ hồi giờ ba nó kỵ tiết canh sao hôm nay lại giở chứng, ba
nó xem lại có lộn chuồng không đấy?
- Bảo lưu ý kiến, đâu phải món nào thích mới ăn làm sao mà thông
thái bác học được. Phải gồng mình mẹ nó ạ! Muốn ăn nên làm ra phải vật lộn với
cả những điều mình không thích. Lúc này anh chơi sạch sành sanh.
- Ăn tiết canh thì phải uống rượu, giải quyết ra sao?
- À má nó rót cho ly rượu tượng trưng để anh nhìn, thèm quá anh
bưng lên ngửi cũng được để khử bớt mùi tanh của tiết canh. Món Hitler này cũng
phiền toái thật!
- Món Hamburger này nhiều đạm anh khéo mà liệu cơm gắp mắm đừng
làm quá nhiều đấy nhé! Ba nó cao huyết áp, hở van tim lại đái tháo đường.
- Ồ! Em khỏi lo, cỡ anh không tiêu được thì có mà tiêu đời. Mẹ nó
đi chỗ khác chơi cho anh ăn ngon miệng nào. Nói năng lảm nhảm dịch vị tiết
không đều dễ bị xơ màng não teo chất xám…
Mọi việc diễn biến thuận lợi, có điều ăn chữ thì không ị ra phân. Ban đêm phải
ngủ êm đềm tiêu hoá chữ nên vợ chồng phải ngủ riêng. Hắn nôn nóng thành đạt nên
phải tuân thủ nguyên tắt nghiêm ngặt. Thành ra bốn nhu cầu cơ bản ăn ngủ ụ ị
hắn chỉ hoàn thành được hai chức năng ăn ngủ, còn hai chức năng siêu đẳng ụ ị
hắn đành gác lại chờ ngày công thành danh toại. Nhiều khi hắn mơ thấy ngựa anh
đi trước võng nàng theo sau mà thấy tội nghiệp người vợ hiền ngoan đang nằm
chèo queo thao thức chờ ngày ngựa ô anh khớp!
5.
Hôm nay hoàng đế của lòng em ăn món gì? Bà vợ hoàng hậu của vương quốc chữ âu
yếm thỏ thẻ.
- Món tây ngán quá, mẹ nó cho đổi món tàu. Khổng Tử, Khổng Minh và
Tư Mã Thiên, cho thêm món trán miệng, Kim Bình Mai thay đổi không khí một chút.
- Ấy chết! Ba nó tự kỉ ám thị rồi, Tư Mã Thiên bị hoạn, món này ăn
không lợi cho sức khoẻ ba nó đâu, em đổi món khác tươi mát hơn nhé!
- Đúng là đàn bà! Hắn than thầm trong bụng nhưng cũng cố trấn an:
trong đời này anh chưa thấy ai đáng mặt đàn ông như sử gia Tư Mã Thiên. Nhiều
người phải tự hoạn mình để tìm công danh như quan Thái giám. Ba nó chỉ tạm hoạn
một thời gian thôi chứ có hoạn vĩnh viễn đâu mà má nó lo lắng khiếu nại đến
thế?
- Ấy là em lưu ý thôi mà. Vợ nó lấp lửng, mà em thấy món Khổng Tử
khô khan quá, lại sợ ba nó suy dinh dưỡng.
- Ngày mai mẹ nó đổi món nội đi, ăn ngoại nhiều e mất bản sắc dân
tộc.
- Thế ba nó định xơi món nào trước?
- Mẹ nó cho Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi và Nguyễn Du. Ba nó có hẹn
với nàng Kiều từ kiếp trước. Nhớ cho rượu bổ Minh Mạng để khai vị nữa nghen.
- Bộ ba nó muốn uống rượu thật à?
- Chỉ để nhìn và ngửi như mọi khi.
6.
Hôm nay, hắn mới được dùng món dân tộc thuần tuý. Hắn dậy sớm hơn mọi khi, tắm
rửa tẩy uế sạch sẽ trang trọng mặc lễ phục cổ truyền ngắm nghía bộ dạng mình
trong gương mà từ lâu rồi hắn không để ý tới. Không còn ra hình người nữa; đầu
tóc rối bù, râu ria tua tủa thế mà hắn cứ tưởng mình đẹp trai, hoà hoa phong
nhã… nhìn vào hốc mắt sâu thấy chữ, ngạc nhiên hắn cởi áo ra, soi mói từng lõm
xương sườn, mấu xương bả vai cũng chữ là chữ. Hắn như một cái bia đá phủ da
người khắc sâu những dòng chữ bò lồm cồm theo nhịp đập của tim và hơi thở nhấp
của phổi. Hắn như một rubic chữ, nhe răng cười rồi hiện ra chữ khác, liếc mắt,
nhíu mày, trề môi đều biến thành chữ mới theo từng cử động của thân thể. Hắn
nghĩ thầm có lẽ ăn nhiều chữ quá nên chữ hiện lộ ra cả bên ngoài. Có lẽ hành
nghề được rồi phải thi thố cho thiên hạ biết tay. Có lẽ hôm nay là ngày ăn chữ
cuối cùng?! Hắn nhớ lại ngày còn ăn cơm, hắn rất khoái món ăn dân tộc, đơn giản
mà lại ngon tuyệt. Món canh bột tập tàng có râu đắng rừng, món ia tanut dê ăn
với thân chuối non cuốn lá lốt và xắt nhỏ mắm lòng tong dầm hột vịt luộc cuốn
bánh tráng. Hắn nuốt nước bọt một cái ực như mới vừa thưởng thức xong!
Vợ hắn trong bộ áo dài truyền thống trắng tinh, cái áo được may từ ngày cưới
được cất kỹ trong rương như một gia bảo. Cái thuở con người chỉ biết yêu nhau
hồn nhiên trong sáng, chưa biết thế nào là tình nghĩa vợ chồng, sinh con dưỡng
dục, cơ cực trong mưu sinh, cãi vã tủi thân trong sinh hoạt đời thường, đổi
thay trong sắc màu thời đại… Hắn chăm bẳm nhìn cái áo trắng và mọi sự vật như
dần trắng tinh. Hắn gật gùi đón cái chiết sách vợ hắn trịnh trọng mang ra như
nhận lễ vật hiến dâng từ một sứ giả của loài người kiếp trước. Hắn mở nắp chiết
chắt ra ba tập sách mỏng, tập đồng dao để điểm tâm, Glang Anak cho bữa trưa và
Pauh Catwai cho buổi tối. Hắn ăn ngấu nghiến từng chữ, từng câu, từng dòng,
từng trang… Hắn như đi ngược lại thời gian, từng giây, từng phút, từng giờ,
từng ngày tháng năm… trở lại trời thơ ấu, ngày mới chập chửng bước đi, bập bẹ
tiếng nói đầu tiên, khóc oe eo chào đời rồi ngọ ngoẹ bào thai trong bụng mẹ.
Trở về trăm năm, ngàn năm trước trong phim khoa học giả tưởng. Hắn thấy thành
quách lâu đài nguy nga tráng lệ, loài người múa hát hoan ca… rồi chiến tranh
chết chóc máu đổ thịt rơi, đoàn người chạy loạn mẹ gọi con, con lạc mẹ khóc
than thét gào thảm thiết… Hắn đang làm thơ ca tụng hòa bình mới được vài câu
chợt thấy một một bầy người lăm lăm giáo mác, hằm hằm sát khí đâm chém điên
cuồng. Hắn chợt giữ định tìm hiểu nguyên do nhưng thấy mọi người chạy trốn náo
loạn hắn cũng chạy theo, chạy thục mạng, chạy như chưa bao giờ được chạy, chạy
mà không hiểu can cớ vì sao mà cũng không biết chạy đi đâu?! Cứ chạy đã! Hắn
vượt đoàn người chạy băng rừng vượt núi lội suối qua sông. Sợ không thoát hắn
chạy xuyên thời gian đến một bãi hoang. Quái lạ! Những con vật khổng lồ đang
nằm thoi thóp, la liệt đó đây chờ chết. Hắn nhớ mang máng: có lẽ ngày tận thế
của khủng long! Rồi hắn lại lang thang nơi này nơi khác cho đến khi một tiếng
nổ BigBang long trời đổi đất. Hắn tỉnh lại.
Hắn cứ tưởng món ăn thuần túy chỉ sơi một ngày là xong ai ngờ đã ba tháng mà
vẫn chưa ăn thua. Cứ ngỡ bao tử mãn tính. ngữ này chắc phải mổ làm hắn đau thắt
ruột. Mấy tháng qua hắn như loài ăn cỏ nhai lại. Hắn đã quen thói ăn tạp của
loài người nên ăn chất tinh lại không tiêu. Đời người đâu có bao nhiêu! Hắn ôm
đầu buồn bã. Hắn cứ tưởng, cứ ngỡ những thứ hắn đã ăn là tinh hoa máu thịt của
mình, té ra không phải! đến nỗi giờ đây những kho chữ của cha ông đối với mình
giờ đây trở nên xa lạ khó tiêu, những món ăn truyền thống trở nên dung tục, lạc
hậu… hắn nằm vật ra, kết thúc một khóa học nâng cao như một người khốn nạn!
7.
Dạo này gia đình hắn làm ăn khấm khá, khách hàng ra vào nườm nượp, toàn dân trí
thức đạo mạo lịch sự sạch sẽ… Hắn mở cửa hàng mua bán chữ, ai bán thì mua, ai
mua thì bán, đặt hàng và nhập hàng hợp đồng theo hóa đơn hẳn hoi. Đủ loại mặt
hàng văn thơ nhạc họa… Thịnh thoảng có thêm dịch vụ tư vấn, tham luận đôi khi
có thêm xem tướng số tử vi, hôn nhân gia đình… nói chung sinh hoạt tạm ổn,
không còn chạy gạo hàng ngày, vợ chồng con cái chiến tranh nóng lạnh như xưa.
Nghề nghiệp cũng phần nào phù hợp sở trường, sở thích. Nghe tin lành tôi cũng
mừng cho hắn, biết đâu cũng kiếm được chút đỉnh.
Hắn cười chào tôi không được tươi.
- Mày là thằng sau cùng đến thăm tao, tệ thật!
- Thấy mày bận rộn quá tao không dám quấy rầy.
- Không sao, tao cũng muốn thư giãn. Công việc nào cũng có cái cực
riêng của nó. Tao chỉ muốn làm nông dân.
- Ủa! Mày như thế này là nhất rồi, còn đòi cái gì nữa?
Tôi ngạc nhiên lại sợ nó hâm. Hắn bình thản như cuộc đời này không có gì phải
vội vàng, bận tâm hoặc quan trọng.
- Tao không đòi hỏi cái gì cả, chỉ muốn tâm hồn được thanh thản.
Nhiều người mong muốn giàu sang, quyền cao chức trọng… nhưng đó chính là mầm
mống của tai họa. Hắn nháy mắt nói đùa.
- Làm anh khó lắm đấy, thế mà nhiều người cứ muốn làm đàn anh, vỗ
ngực xưng tên này nọ để hù dọa thiên hạ. Lại suy bụng ta ra bụng người, cũng
tưởng tao muốn làm đàn anh, cũng ham tiền hóa của như bao kẻ khác. Nhiều bạn bè
thân, anh em gần còn khó cảm thông nhau nói gì người dưng kẻ lạ. Rất buồn! hắn
gật gật cái đầu rồi tiếp.
- Có đứa còn bảo tao ăn mấy con chữ mà tự cao tự đại, lên mặt dạy
đời. Nó tú tài, tao cũng tú tài ngang nhau, đừng hòng làm đàn anh với nó. Đành
chịu! Một đám mây hiểu lầm ngộ nhận sẽ gây một trận lũ quét khôn lường. Tao
muốn giải thích nhưng biết nó không chịu nghe. Mày nghĩ xem, làm sao có thể
nhận định đơn giản đến mức thô thiển như vậy được. Cũng là bác sĩ, kỹ sư, tiến
sĩ… nhưng rõ ràng trình độ, nhận thức, năng lực của từng người khác xa nhau.
Đâu phải nhà văn, nhà thơ, họa sĩ nào trong có chất lượng ngang nhau mà tại sao
lại yêu cầu như nhau, giống nhau kia chứ?! Hắn lơ đãng nhìn khói thuốc lan tỏa
từ từ tan biến vào khoảng không mơ màng.
- Mày cũng nên thông cảm với thằng Tui, tính nó tốt nhưng nói năng
lỗ mãng dễ mất lòng, với lại nó đang bị stress nên dễ mặc cảm thất thường, mày
tao cũng thế thôi.
- Biết vậy nhưng tao vẫn buồn, đời không có cái gì vui! Mày tưởng tao làm nghề
buôn bán chữ là an cư lạc nghiệp phỏng ra vẻ trí thức chắc! Thời nay người
người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ngành ngành làm thơ đến chóng mặt. Mày đâu đã
nếm mùi khổ đau của chữ nghĩa văn chương. Không có cái gì trơ trẽn bằng phải
đọc thơ cho những người không biết gì về thơ nghe. Mà cũng không có cực hình
nào bằng phải nghe thơ những người không có hồn thơ làm. Rồi phải nghe khen chê
phê bình lí luận… tiếp thị khuyến mãi thơ cho không biếu không, không thơ mà
có, có thơ mà không. Hắn nói mà như không nói.
- Mày làm tao ngại quá! Bữa nay muốn nhờ mày xem dùm bài thơ tao
mới làm xem thế nào, đầu tư một tuần lễ đấy! Hắn cầm bài thơ lên đọc, chốc chốc
lại ngó bâng quơ, thảng hoặc gần gật cái đầu. Tôi hồi hợp nhìn từng cử chỉ nét
mặt hắn để đánh giá bài thơ mình. Hồi lâu chẳng thấy hắn nói gì, sốt ruột quá
tôi đánh tiếng hỏi?
- Mày thấy sao, cũng tạm chứ!
- Ừ! Cũng tạm tạm, nói chung thì được.
- Mày phải góp ý cụ thể để tao còn rút kinh nghiệm.
- Cái này thì còn tùy. Tâm hồn mày ra sao thì thơ mày ra thế.
Nghĩa là thơ phải thật không được gỉa tạo, không phải đánh vần ráp chữ như cắm
hoa.
- Hẳn là thế nhưng tao muốn biết thế này đã ra thơ chưa?
- Có cảm xúc, có ý tưởng, đúng ngữ pháp từ vựng thơ, thế là tốt.
Hình thức hơi cũ cần tân trang lại để thơ có hồn thơ hơn.
- Nhưng tao không thích thơ tự do, không vần, không điệu, đọc cứ
như văn xuôi ấy. Thà viết văn quách cho xong!
- À! Cái này lại là chuyện khác. Giao thời mà. Hồi trước thì mình
làm thơ theo Tàu, bây giờ thì chuyển sang Tây, mai lại làm thơ kiểu Úc. Mày nên
làm theo mày là chắc ăn nhất. Tao thấy thơ mày có hơi hướm sử thi Tây nguyên.
- Thế mày đang làm thơ cỡ nào?
- Thì kiểu tao. Tao đang mày mò thể ariya mang phong cách thời đại
nhưng chưa tìm được đường vào, không thể nói đến đường ra. Khởi đầu như mày là
đủ, có cảm hứng mới viết. Có ý tưởng nhưng chưa có cảm hứng thì cứ để đó, hình
thức cũng rất quan trọng, nó là chiếc hộp đựng quà mà, nhưng cái giỏi bên trong
mới quyết định. Phải hài hòa! Biết người biết ta.
- Chữ nghĩa hấp dẫn thế sao mày lại buồn?
- Tao buồn chuyện khác. Dạo này chữ giả nhiều quá làm tao phát rồ.
Mầy chỉ mới nghe thuốc trừ sâu giả, thuốc tây giả; tiền giả, vàng giả, bằng cấp
giả, người cũng giả nốt. Tao mua nhầm một mớ chữ giả còn để đó, làm ăn kiểu này
có nguy cơ phá sản mất, cửa hàng tao nay mai phải đóng cửa thôi!
8.
Hắn bị bệnh một thời gian, chẳng phải đau gan hay đau thận mà bị bệnh chữ. Lúc
đầu chỉ mới bôi thực sau biến chứng qua ngộ độc chữ. Cũng may vợ hắn là người
đàn bà đảm đang chung thủy, luôn ở bên hắn săn sóc an ủi động viên. Ngộ độc thì
phải giải độc. Bản thực đơn nghìn trang lại được mang ra và hắn lại được truyền
dịch bằng những truyện cười, truyển cổ tích và cả truyện tranh Doremon. Hắn ý
thức chỉ có mình mới cứu được mình, bệnh hắn không có tên trong từ điển y học
cũng như tên hắn không có trong sổ danh bạ loài người. Cuộc đời này tuy dài
trăm năm nhưng ngắn như giấc mơ. Cuộc sống còn lại tuy ngắn ngủi nhưng lại dài
lê thê nếu chỉ nằm chờ chết. Hắn muốn sống để nhìn sắc màu đổi thay biến dạng
ẩn hiện trong thiên nhiên, tình người để biết mình đang sống hay chỉ tồn tại
như cỏ cây đá sỏi. Hết bệnh hắn lại làm lại cuộc đời.
Hôm nay cả nhà hắn hội thảo chuyên đề cuộc sống mới. Hắn báo cáo tình hình chi
thu, ưu khuyết điểm trong thời gian qua rồi trịnh trọng công bố thành quả thu
hoạch với gói tiền nhỏ. Ku con hắn kiến nghị:
- Ba nên mua một chiếc xe nổ để làm phương tiện đi lại, nhà mình
chậm chạp quá nên cứ đi sau thiên hạ. Phải xịt khói mới nhảy vọt đó ba!
Vợ hắn nhẹ nhàng góp ý:
- Nhà mình xuống cấp quá rồi, mùa mưa chỗ nào cũng dột, nên ưu
tiên sửa chữa nhà cửa, xe cộ tính sau…
Và cuối cùng hắn quyết sau khi tìm sự nhất trí cao của tập thể
cùng lời hứa hẹn như đinh đóng cột là nhà ta rồi sẽ đi lên không qua thời kì
quá độ.
Hắn mua chục con dê thả chăn trên núi mà đầu óc lơ mơ.Bắt mấy ông Shakespeare,
Tolstoi, Freud… cùng chăn dê với mình cũng tội, để mấy ông đi làm chuyện khác
có ích hơn. Mỗi đêm hắn ngồi thiền, thay vì đánh thức tất cả giác quan hắn lại
cho ngủ. Như thùng nước lắng qua đêm. Một sáng tinh mơ ngồi dậy sau bao đêm
thiền dinh, hắn thấy dưới chỗ hắn đứng lên có cục gì đó màu vàng nhạt, nhờn
nhợt như pho mát. Cầm lâu thấy nhẹ như bông gòn, không dính tay, không mùi vị.
Hắn bóp nhè nhẹ, mềm mềm, trơn trụi một vật thể hữu hình mà như vô hình. Hắn
trầm ngâm. À! Có lẽ cái này là chất xám. Hắn ngẩn ngơ rồi chợt reo lên ơreka,
thoát hiểm rồi! Không còn nợ nần gì với đức Phật, đức Chúa, đức Allah… nữa! Mấy
ngài dạy con người phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau nhưng ngày nay con
cháu các ngài hận thù đâm chém nhau quá xá, thật giả khó phân minh không biết
đâu mà lường, trước mặt nói ngon ngọt sau lưng nhổ nước bọt, chuyện nọ xọ
chuyện kia chia phe tụ đảng. Con học theo các người nên chỉ thấy đời là bể khổ
nghiệp chướng luân hồi, đưa má cho người ta tát đến không còn một cái răng nhai
cơm… nay con chỉ muốn đi chăn dê cũng không đươc yên thân, rừng rú con người
đốt củi hầm than khai hoang ráo trọi, đến cả rễ con người cũng moi khoét về làm
cây cảnh. Số phận con lúc này lệ thuộc vào số phận dê, hãy cho con ân huệ cuối
cùng. Heleh!
9.
Hắn lượm cục chất xám lên mân mê ngắm nghía. Ta đã tích lũy trí thức một đời
người là mầy đấy ư! Mày đã làm cho tao điêu đứng tủi nhục xiết bao, mầy có hiểu
không bớ tri thức? Mày đã gây cho tao bao nhiêu là hội chứng, là hoài nghi hiểu
lầm ngộ nhận. Bạn bè xa lánh tao, anh em hắt hủi tao, người tình đá đít tao,
thế lực thù địch muốn triệt tiêu tao cũng chỉ vì mầy đã khoác lên tao một cái
vỏ không thật. Nghĩa là mầy không cùng môn phái với tiền tài, địa vị, danh lợi…
mày không là hạt nhân như định nghĩa mà chỉ còn là cái vỏ để con người khoác
vào để xài vào mục đích khác rất thật. Thôi đành phải từ giã mày dù tao yêu quý
mày khôn kể. Vĩnh biệt tình em!
Hắn lấy con dao rừng xắt cục chất xám ra từng mảnh mỏng, hết thảy là 50 lát như
50 năm cuộc đời hắn đã sống. Hắn soi từng lát chất xám qua ánh sáng mặt trời,
như một bác sĩ lành nghề đang soi rọi từng mảnh phim chụp cắt lớp. Dày đặc
những con chữ, chữ Tây, chữ Tàu, chữ Chăm… cùng vô số kí hiệu mật mã, nốt nhạc
lời ca tiếng khóc như một địa CD lưu trữ vô vàn dữ kiện. Hắn tỉ mẩn xếp ngay
ngắn từng lát lên mặt tảng đá bằng sạch sẽ nơi hắn ngồi thiền để phơi khô. Hắn
ngồi canh từ xa xa, trông chừng xem có gì khác lạ để kịp thời can thiệp. Chẳng
có chim muôn nào tới phá, cũng chẳng có ruồi bu kiến đậu. Hắn ngộ thêm rằng tri
thức chỉ cần thiết cho con người, loài vật không thèm chơi, thế mà con người
lại cóc cần cái tri thức thật mà chỉ muốn trang bị tri thức giả. Đơn giản chỉ
vì cái giả giá thành hạ, tiêu thụ dễ lại đốt cháy cả khối thời gian! Hắn nhặt từng
lát khô xếp vào lòng bàn tay mà lòng vời vợi. Một cơn gió rừng thoảng qua, từng
lát khô rung rinh như đang vỗ cánh. Chúng bay lên lơ lửng trong không trung;
lấp loáng trong lùm cây kẽ lá, vương vãi trong đất bụi vô thường. Biết có ai vô
tình nhặt được!
10.
Đã mấy năm mới lại có dịp đến nhà hắn. Nhà hắn tuy không rộng nhưng sạch sẽ gọn
gàng, nội thất tinh tươm lịch sự. Vợ hắn trông trẻ ra, tiếp tôi niềm nở như
người thân. Tôi muốn biết tâm trạng của người đàn bà được diễm phúc hay bất
hạnh khi làm vợ hắn. Nàng nở một nụ cười của một người đã từng ăn chữ:
- Em muốn lên núi chăn dê với ảnh để cho vui nhưng dứt khoát ảnh
không cho. Bảo em nên ở nhà trông coi con cái…
- Thế ảnh có xuống núi thăm cô không?
- Không, ảnh sợ lại dây dưa với chữ. Ảnh nói ăn chữ như hút xì ke,
rất dễ bị tái nghiện, ám ảnh… Ảnh muốn sống như một người đàn ông chân chính mà
không có người đàn ông nào đàn ông hơn Tư Mã Thiên. Vợ hắn cười gượng gạo.
- Thế mấy cháu nghĩ sao về ba nó?
- Mấy nhỏ rất thương ba, nhưng vắng ba thì rất buồn. Chúng thích
ba làm giám đốc, chủ tịch hơn là chăn dê!
Tôi an ủi vợ hắn mấy câu rồi thẳng đường lên núi. Hắn cứ ám ảnh tôi. Triết gia
có sứ mệnh đi tìm cái chân, nhà tu đi tìm cái thiện, nghệ sĩ đi tìm cái đẹp.
Tôi đi tìm hắn là đi tìm con người. Ngày khủng long tuyệt chủng đã đến với hắn
từ lâu. Hắn là ngôi thứ ba số ít, vừa là ngôi thứ một, vừa là ngôi thứ hai,
nhưng hắn tự nhận ở ngôi thứ tư, ngôi bên rì xã hội, ngôi đã nằm sâu trong
huyệt mộ. Hắn bảo, cái thiện chỉ có nơi nhà ẩn tu, cái chân đang tồn nơi ẩn sĩ
cũng như cái tinh đang tiềm nơi ẩn ngữ. Cái mà chúng ta vươn đến chỉ là cái
đến, hướng thiện, hướng chân hướng mỹ cho cuộc sống tốt đẹp lên. Kẹt rồi! ai
cũng ngỡ mình quan trọng, có quá nhiều sự áp đặt! Vũ khí của kẻ mạnh là đàn áp,
vũ khí của kẻ yếu là khủng bố và trái đất nơi chúng ta sống mãi còn lung lay
chờ ngày tận thế. Tôi nhớ mãi ngày hắn chơi trò chơi con chữ. Hắn lấy lăng kính
nhìn con chữ từ mọi phía, hắn ủ men con chữ rồi đem nấu bay hơi, hắn đem con
chữ vào cối giã rồi cuốn lại như giò chả. Tôi hỏi hắn nói làm thơ. Hắn đan từng
câu chữ làm tấm thảm có nhiều hoa văn lạ, nhiều tầng nhiều lớp, có cái lót nền,
cái làm rèm, cái trải gường, cái đắp chăn. Tôi hỏi hắn nói viết văn. Chắc chắn
mọi người bảo hắn là thằng điên. Tôi cũng cảm thấy mình quan trọng khi biết ít
nhiều về hắn. Hôm nay hắn đang chăn dê, tôi ngồi bên hắn mà hắn coi như không
có, hắn đang sống mà chẳng ai biết hắn đang tồn tại. Hắn hát đồng dao. Cò tại
sao mầy ốm? Tại tôm không nổi. ếch sao mầy gãy mông? Gien tao là thế! Rồi hắn
đuổi dê đi chỗ khác miệng lẩm bẩm không biết hắn đang tự thoại, nói với tôi nay
nói với dê. Mày được ăn cỏ tươi, chồi non, tao được rau rừng bông lúa lại còn
thêm củ khoai to. Sướng chán! Lúc này là mùa Xuân. Nhưng với hắn ý nghĩa nhất vẫn
là mùa dê đẻ!
là lạ,hay hay. Chúc mừng bạn!
Trả lờiXóaNgười Chăm, với tư duy kiểu Chăm viết bằng tiếng Việt nên... là lạ là đúng rồi.
Trả lờiXóađọc thấy buồn.
Trả lờiXóađoạn cuối: "Cò tại sao mầy ốm? Tại tôm không nổi. ếch sao mầy gãy mông? Gien tao là thế!" chỉ hai câu đã để lại cho người đọc sự nhớ mãi về cuộc đời của nhân vật chính.
Nhận xét: cách kể chuyện thật đẹp.
Long67