Ảnh minh họa, nguồn internet |
Có lẽ, chỉ một khoảnh khắc
trong đầu ta sẽ tái hiện một quá khứ xa xăm. Hình ảnh về nó – dù được ta kết
nối bởi lối sống hời hợt hay đã suy ngẫm kỹ lưỡng; dù ta đã quên bẵng bởi sự co
dãn của thời gian hay chiều kích trương nở của không gian, với nó – chỉ một
lời, một câu hay một ký hình cũng đưa đến một ý niệm về. Khi ấy, ta như trẻ con đi
lạc, chỉ muốn tìm đường về với người thân, về với mái ấm, về với mảnh đất bấy
lâu đã cưu mang ta. Về với nó, về để ôm ấp từng kỉ niệm, về để nhận dạng lại
những món quà đời sống đã ban tặng – dù là, những món quà đã quá hạn. Quá hạn,
bởi đã đến lúc ta không cần đến nó nữa, bởi ta muốn chối đi lợi ích hiện thời
của nó, bởi ta cần trả lại những chứng tích cho mặt đất san lấp; cho người đời
lãng quên khung nền của thời đại nó. Nhưng có lẽ, bởi ở nơi ta – ta đã được bù
đấp cho những tiện ích mới – xa xỉ hơn.
Nước. Dù ở dạng hình thức
nào, dù chứa đựng ở đâu quanh ta cũng là cội môi sinh của nhân loại và vạn vật
trên quả đất. Ở đây tôi không muốn kể về biển, về sông, suối hay đầm hồ, câu
chuyện tôi muốn kể là Giếng – sản phẩm của bàn tay và khối óc con người. Co lại
phạm vi – tôi chỉ muốn lượt qua giếng cổ Chăm theo thông tin nghiên cứu gần đây
và giếng palei tôi – Caklaing. Khi người dân chọn
nơi để đào, bạn có thể gọi nó là cái lỗ, cái hố hay huyệt đạo của mảnh đất nơi
đó – gọi sao cũng được nhưng với mực nước tuôn ta từ mạch ngầm, người dân luôn
lúc nhúc ở nơi đó – nó được gọi là Bingun Giếng.
Chứng tích của nền văn hóa
Chăm, ngoài sự hiện diện của các đền tháp dọc mảnh đất miền Trung, với những
cảm giác thần bí, thiêng liêng còn có hệ thống các giếng cổ được dùng trong
những sinh hoạt, tập quán bình dị của người dân.
Miền trung, vùng miền lắm hạn
ít mưa. Từ thời người Chăm còn trị vì, họ đã tạo ra những hệ thống thủy lợi đặt
biệt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Có thể nói rằng mỗi giếng Chăm cổ là một bí
ẩn, bí ẩn từ hình dáng đến cách chọn mạch nguồn nước. Có thể nói mỗi giếng Chăm
cổ là một bí ẩn, bí ẩn từ hình dáng đến cách chọn mạch nguồn nước.
Theo các chuyên gia khảo cổ,
về hình dáng, hầu hết các giếng đều được xây dựng theo 2 nhóm vật liệu chính là
gạch và đá; trong đó các giếng được xây dựng bằng gạch thường có kiểu dáng
“Miệng tròn đáy vuông”. Về kiểu dáng “Miệng tròn đáy vuông” đã phản ánh rõ nét tâm
thức của người Chăm xưa về tín ngưỡng phồn thực mà ta vẫn thường bắt gặp thông
qua việc thờ cúng ngẫu tượng Linga - Yoni.
Phân cách giữa đáy giếng hình vuông và phần trên hình tròn là 4 phiến đá đặt
chéo 4 góc làm bệ đỡ để tạo vòng tròn bên trên. Dọc thành giếng gạch xếp chồng
lên nhau, không có vữa kết dính, xen kẽ nhau tạo ra những khe hở cho nước trong
lòng đất chảy vào, duy trì mực nước trong giếng – (gạch chọn để xây giếng cũng
bí ẩn không kém gạch dựng tháp – ít có rong rêu bám vào). Hầu như gạch ở các
giếng đều có kích thước tương đối mỏng (dày 3cm - 4cm), đáy giếng thường là sự
gá ghép của 4 tấm gỗ (thường là gỗ lim) dưới thành gạch, giữ vai trò bảo đảm sự
ổn định lâu dài, không bị sạt lở, sụt lún. Ở một số giếng các khung gỗ dày này
còn có tác dụng như là điểm tựa để xếp gạch xây thành giếng lên trên. Đá xếp
lòng giếng là loại đá núi, thường thì đá cuội và đá phiến. Gạch xếp thành giếng
thường mỏng. Đặt biệt có một thắc mắc chưa lý giải được là những tấm gỗ lát
phía dưới, dù đã trải qua hàng trăm năm ngâm dưới nước nhưng gỗ vẫn còn nguyên
vẹn [?].
Song song với các giếng gạch
có kiểu dáng “Miệng tròn đáy vuông”
cũng thấy xuất hiện những kiểu hình giếng được xây bằng đá; đây là một kiểu
dáng khá độc đáo đòi hỏi sự tinh xảo trong chế tác và xây dựng. Hầu hết các
giếng này được xây dựng bằng các phiến đá ghép lại từng lớp với nhau, trong đó
mỗi lớp đá gồm 5 phiến được đẽo tỉ mỉ cụm lại thành vòng tròn ghép chồng khít
theo từng lớp cao dần đến mặt đất để cuối cùng được hàn lại bằng một vòng đá
tròn bên trên.
Về cách chọn mạch nước, chẳng biết thuật phong
thủy của người Chăm thời đó đạt đến trình độ nào nhưng qua sự hiện diện của các
giếng Chăm cổ, nhiều người ví như là giếng thần, bởi giếng không bao giờ cạn
nước dù độ sâu của giếng chỉ khoảng từ 2,5 - 5m. Nguồn nước luôn trong và ngọt
dù giếng có nằm gần nguồn nước mặn. Điều đáng nói là nếu một người dân nào đào
một giếng mới gần đó, giếng có khi lại bị nhiễm phèn, nhiễm mặn và hay cạn vào
những mùa hạn. Đó vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu về văn hóa
Chăm[?].
Hiện nay, ở Ninh Thuận nơi
nhiều người Chăm sinh sống, vẫn còn xuất hiện vài giếng cổ, đáng nói nhất là
giếng cổ ở làng Thành Tín (palei Coah Patih). Bởi, giếng ở đây không chỉ
phục vụ cho sinh hoạt mà còn phục vụ trong nghi lễ tâm linh của người Chăm nơi
đây.
Ở đây chỉ còn 3 giếng cổ còn
nguyên, giếng được kết cặp như con người, giếng đực (bingun likei) và
giếng cái (bingun kamei). Giếng cái thường đặt đào ở phía mặt trời lặn,
còn giếng đực ở phía ngược lại. Không biết khi xưa người Chăm sử dụng nước
trong giếng như thế nào nhưng hiện nay, chỉ giếng cái được dân trong làng sử
dụng trong sinh hoạt đời thường, phần nước đầu nguồn của miệng giếng thì dùng
để uống; phần kế tiếp là nước thứ hai dùng để tắm giặt; phần nước thứ ba dùng
cho trâu bò uống, và phần nước cuối cùng thì dùng để canh tác. Còn nguồn nước
giếng đực, đặt biệt chỉ được sử dụng để cúng thần trong những dịp cúng tế. Dân
làng không được dùng trong sinh hoạt hàng ngày, vì sợ làm ô uế nguồn nước, phạm
tới thần linh xứ sở; bởi chỉ có giếng đực thì mới là nguồn nước tinh khiết để
cúng thần.
Giếng hình vuông, có độ sâu
khoảng 1,5 m. Giếng được đóng giàn gỗ hình vuông ở 3 mặt (Đông, Tây, Nam), cao
hơn mặt đất khoảng 0,5 m, còn một mặt phía Bắc để trống, gọi là miệng giếng (pabah
bingun). Miệng giếng này được dẫn thông vào một con mương nhỏ chảy vào cái
bầu nước cho người dân canh tác nông nghiệp. Mạch nước ngầm tuôn từ cồn cát
xuống. Quanh năm suốt tháng, giếng không bao giờ khô hạn. Xung quanh câu chuyện
về giếng lại liên quan đến những lễ nghi cầu mưa, cầu thần nước.
Với palei
tôi, lúc tôi còn nhỏ dân trong làng có khoảng sáu cái giếng cho cộng đồng sử
dụng. Có lẽ do yếu tố địa lý nên mỗi loại giếng sản sinh ra nguồn nước khác
nhau, chính điều đó nó cũng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Có giếng
chỉ dành cho nấu ăn; có giếng chỉ dùng để uống; có giếng dành cho giặt giũ, tắm
rửa, …
Ở gần nhà tôi có một cái
giếng với tên gọi Bingun Tabơng Giếng Xây(*).
Tích về nó được bà nội tôi kể lại: “Trước kia, dân ở xung quanh đào nó, từ bao
giờ chẳng hay. Thấy vị uống được nên họ dùng những tấm ván làm bằng gỗ đóng –
chắn theo hình tứ trụ - để bảo vệ khỏi sạt lở, sụt lún. Bởi giếng dùng để uống
nên họ dùng một tấm ván bịt kín miệng giếng lại để khỏi côn trùng, bụi bậm rơi
vào. Về sau, người dân xung quanh góp tiền mua ô bi giếng về thay cho những tấm
ván đã mục ruỗng, xây luôn mặt nền bằng một chu vi đủ để người dân tắm rửa,
giặt giũ (còn việc giếng nước ấy không được dùng để uống nữa tôi sẽ đề cập
sau).” Bingun Tabơng được
đào trên một mảnh đất nhô ở đầm nhỏ có cái tên rất lạ - Danaw
Eh Đầm Ỉa. Cũng theo tích xưa truyền lại, Ppo
Klaung Garay – vị vua
anh minh của đất nước Champa xưa được người đời dựng đền tháp thờ
phụng ở đồi Trầu – phường Đô Vinh, Phan Rang – Tháp Chàm, sinh ra ở palei
Caklaing. Thuở còn nằm nôi – mỗi khi vệ sinh ông được bà mẹ Caklaing rửa rấy – chính điều đó đã tạo nên tên
gọi gắn liền cho đầm nơi ấy. Dù thời đại đã chuyển mình, nhưng tích xưa như dấu
son lưu trên đôi môi người dân. Dù palei Caklaing đã bao phen chuyển dời bởi chiến tranh,
dịch bệnh nhưng họ vẫn trở về với đất tổ, và những cái tên địa danh luôn gắn
liền với câu chuyện huyền bí. Lúc nhỏ chúng tôi thường hay gánh nước ở Bingun
Pabơng, mỗi lần như thế chúng tôi phải đi qua đầm bằng một quãng đê
nhỏ. Vào mùa hạn thì không nói gì, nhưng vào mùa mưa hay ngày mực nước dâng lên
thì quãng bờ đê nhỏ cũng bị chìm, bùn và nước dính ướt cả quần đùi. Tới thời
của chúng tôi thì Bingun Tabơng chỉ được dùng để nấu ăn, tắm rửa và
giặt giũ. Người dân thay nguồn nước uống bằng mạch nước ở Bingun
Lauw Giếng Tàu, Bingun Xay Giếng Xây(**), ở cuối palei.
Tới thời tuổi trẻ chúng tôi thì ở đó chỉ còn lại hai giếng, trước kia nghe
người lớn kể lại, ở đó có ba cái giếng. Giếng được đào ở cuối palei,
ở rìa rừng - ranh giới của xã hội loài người và thế giới hoang dã. Nơi những
người dân thường hay phát rẫy trồng trọt. Bingun Lauw được đào bởi một người Tàu sinh sống
bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt ở đó. Giếng có đường kính khoảng một mét,
được xây kiên cố bởi những ô bi và vành ở miệng giếng. Giếng sâu khoảng sáu
mét, nước trong giếng màu đục (như màu nước gạo thứ ba). Vị của nước có mùi của
rừng rú, vị của suối rừng. Những người già kể lại, giếng nước xây lúc nào họ
cũng không biết, họ chỉ biết về sau gia đình người Tàu đó bỏ đi và để lại - để
lại cho người dân palei Cakleing sử
dụng. Còn Bingun Xay, cách Bingun
Lauw khoảng ba chục
mét, được người dân quyên góp tiền đào và xây sau năm 1975, cũng nghe những người
già ở trong Palei kể lại, trước kia nơi đó cũng có một giếng có nguồn mạch cho
vị nước như Bingun Xay, nhưng mạch ở
giếng đó quá yếu nên khi Bingun Xay được sinh ra, giếng kia (gần bên) bị
lấp đi. Ở khoảng giữa hai giếng người dân đặt một đền thờ Ppo Riyak Thần Sóng Biển. Theo một chuỗi tích xưa,
đền Ppo Riyak được
đặt ở Sơn Hải, một địa danh của tỉnh Thuận Hải cũ (giờ thuộc huyện Ninh Phước -
tỉnh Ninh Thuận) nằm gần biển. Tới đầu năm Chăm lịch (khoảng tháng
tư dương lịch) người Chăm ở palei Rơm (làng Văn Lâm), palei Katuh (làng Tuấn
Tú), và palei Caklaing (làng Mỹ Nghiệp) thường kéo nhau đến làm lễ, trước khi
lên núi Cabbang tiếp tục lễ cầu mưa ở đền Ppo
Nai. Về sau, do chiến tranh tàn phá ngôi đền, vả lại, người Caklaing đến đó làm lễ phải qua một chẳng đường
rất xa nên những chức sắc trong làng nhom họp để đặt một đền thờ (tượng trưng) ở palei. Họ kéo nhau đến ngôi đền thờ
Người ở Sơn Hải ngak yang hành
lễ, xin phép Ppo Riyak đêm một tảng đá, như linga về đặt ở cuối palei chờ ngày tốt xây lên một ngôi đền
mới. Còn ngôi đền Ppo Riyak cũ, sau năm 1975 được người dân quyên
tiền tu bổ, và những con chiên từ palei Katuh, palei Rơm hằng năm vẫn kéo về hành lễ. Ở hai
giếng này không chỉ dùng để cung cấp nước uống cho cả palei mà, đến ngày lễ
Rija Nưgar lễ đầu năm ở
ngôi đền Ppo Riyak, nó còn được dùng
để hành lễ, dùng để tẩy rửa ô uế, xua đuổi những gì được gọi là xấu xa của năm
cũ. Nước - tẩy sạch hết.
*
Dịp hè năm hai đại học, bà
nội tôi mất. Tôi đưa tang bà đến nghĩa trang ở cuối palei,
cách ngôi đền Ppo Riyak khoảng hai trăm mét. Khi mang bình đá qua
bển lấy nước giếng để những người đi đưa tang uống, tôi chỉ thấy hai cái giếng
bị bỏ hoang. Người dân không dùng đến nó nữa. Tại sao? Nhìn cảnh tưởng lúc đó
và nhớ về thời mà thế hệ chúng tôi phải xếp hàng trước hàng sau để đợi hàng
giờ, trong khi đợi từng dòng nước rỉ ra từ mạch ngầm, đợi đến lượt mình, đợi
múc đầy hai thùng để gánh về - chúng tôi đã kể nhau nghe về tích xưa Champa;
chúng tôi cùng bày trò dân gian để chơi - trong khi chờ đợi thùng đầy nước. Giếng
nước như là chốn hẹn hò của tình yêu đôi lứa; trong khi chờ đợi giếng nước như
thể là chốn để bạn bè trang lứa tâm tình chuyện nhỏ to; trong khi chờ đợi giếng
nước như là tình cảm cộng đồng người dân palei - nhưng hôm nay tôi đứng chồn chân,
ngơ ngác vẫn chưa thể trả lời câu hỏi, tại sao? Câu hỏi vẫn đọng trong đầu tôi
cho đến khi khi chôn cất bà nội xong. Về đến nhà. Ăn trưa. Uống… À, hoá ra là
người dân đã có nước vòi, nguồn nước được nhà nước phụ-trở cấp để nông thôn
hoá, hiện đại hoá đất nước gì đó. Mỗi gia đình đã có nguồn nước tự phục vụ. Mỗi
gia đình đều co rút vào cõi riêng-biệt; mỗi con người càng cô đơn hơn. Sinh
hoạt hàng ngày đã có nước vòi, nước sen, nước uống tự cấp. Hệ thống giếng nước ở palei bị người dân quay lưng, bỏ hoang. Cộng
đồng palei giờ đây chuyển mình với
hình hài mới: phân và chia khu nhỏ hơn.
Khi đi qua con đường cái đầu palei tôi thấy Bingun
Takai Rađaih Giếng Chân Đá Sỏi bị
ai đó đập vỡ miệng, bụi bậm và những gì nhơ nhớp nhất được ném hay rơi vào làm
nước đục ngầu. Chuyện là trước kia, giếng này cho một nguồn nước trong vắt, có
vị như nước lợ - dân thường hay múc nó về để nấu cháo; cháo được nấu ở nguồn
nước này rã hạt gạo ra cho vị rất ngon bùi. Mỗi cái giếng đều gắn với tích - về
địa danh, hay về con người có công đào nên. Giếng Chân Đá Sỏi cũng vậy. Mảnh
đất Caklaing như
là mô của mai rùa nhô lên, vùng được gọi là Takai Rađaih giống như là dưới chân một triền dốc
của mai rùa, ở đó có nhiều đất sỏi nên người dân gọi là Takai
Rađeh, những đồng ruộng ở khu đó cũng gọi là đồng Takai
Rađaih. Và, giếng được đào ở đó cũng không ngoại lệ. Bingun
Takai Rađaih cũng như
số phận của những giếng nước khác trong palei, bị bỏ hoang và sắp
phải phá bỏ. Không phải uy quyền của người dân muốn phá là được. Bởi tính nhân
văn của người đời, chẳng ai muốn mình là kẻ vô ơn; chẳng ai muốn mình được gọi
là kẻ ăn cháo đá bát; chẳng ai muốn mình là kẻ phản bội cả. Họ đang chờ, chờ
nhà nước; chờ uy quyền của nhà nước quy hoạch và san lấp nó.
Giếng - một chứng tích không
uy lực đã bị bỏ quên. Nó đã bị bỏ hoang - bởi không được đồ sộ như đền tháp
Champa xưa đang gãy cụt ở dãy đất miền trung hay rừng núi Tây Nguyên nên nó
không được ngó ngàng bởi sử gia, những kẻ buôn bán cổ vật hay khách du lịch
giậm đạp lên; nó không được trông nom, bảo tồn, trùng tu để biến thành địa điểm
du lịch, chốn ăn chơi giải trí. Nó chỉ là giếng nước ở palei nhỏ, cũng không như các giếng cổ Champa xưa, nên không huyền
bí về thuật phong thuỷ giải cơn khát, tạo hệ thống thuỷ lợi cho mảnh đất lắm
hạn hán miền trung; nó không giá trị về khoa học; nó không ý nghĩa về tâm linh.
Nó sắp chết. Những thứ gì mang điệu bộ linh thiêng xưa sắp tàn rụng. Rụng bởi
sự cầu kỳ nơi con người. Sự tàn phá, và con người ở nơi ấy không bị quy trách
nhiệm. Cầu kỳ.
Giếng - chứng tích nó vẫn còn
đó, dù không còn giữ vai trò bầu vú mẹ giải cơn khát cho những đứa con; không
còn uy quyền cho một lợi ích cho con người. Có lẽ, nó sẽ không còn tên tuổi
nữa. Nhưng, giếng - dù đã bị người dân nơi đó bỏ quên - trong lòng nó vẫn còn
tích trữ nguồn nước - những mạch nước được sản sinh từ chính mảnh đất palei đó, nó gần gũi với nhân sinh quan
người dân nơi đó hơn. Giờ nó co vào chốn cô tịch bởi thế giới con người không
còn trong sạch nữa, tất cả đã bị bôi bẩn, tất cả những gì thiêng liêng bị giậm
đạp lên. Nó đang chờ mùa hạn, người đời sẽ nhớ nó - nhớ bởi cơn khát của họ. Nó
sẽ được nhớ đến khi nguồn nước sạch bị thời đại công nghiệp đầu độc.
Giếng vẫn ở đó - có một loài
ma nước đang ngự trị. Vị ma vương không vương miện mà chỉ mang hình hài của
những khuôn mặt, những khuôn mặt đã đôi lần chiếu-in lên. Nó - muôn vạn trạng
hình hài. Nó không như loài ma nước ở sông, hồ - đó là một ma nước không chút
vết nhơ, luôn giữ cho mình sự trong vắt, không gợn sóng - ai đó có thể tự soi
mình, thấy dáng hình, thấy bóng mình bên trong. Với đôi mắt sâu, buồn bã khi
chiếu khuôn mặt mình vào, tôi như được trả lại những gì mình đã kí thác bấy lâu
nay. Hồi ức về thời, khi gánh hai thùng nước qua vùng đầm lầy, những tiếng gió
hú về từ đồng ruộng, những luồng gió lùa về làm ngã lăn những giọt mồ hôi,
những giọt gió rơi lác đác như ân huệ. Thời gian và nỗi ám ảnh - có những tội
ác được đóng đền thờ tự để răn con người về tính thiện… Có những giống loài man
rợ được ngồi trên ngôi quyền để thống trị những con người bình thường, nhỏ bé -
nhỏ bé đến mức họ phải mang kính lúp mới có thể soi tìm để phụng sự họ trong
lợi ích riêng. Giếng - thứ không quyền lực, nó được dựng lên bởi những bàn tay
không quyền lực - nó thuộc về những bàn tay, và khi bị bỏ quên - nó không thuộc
về ai nữa, nó thuộc về xứ sở - thuộc về mảnh đất - mảnh đất có thể san lấp mọi
thứ. Kẻ cả nó.
Caklaing, tháng 10/2012
--------
(*) Bingun Tabơng = giếng xây
(**) Bingun Xay = giếng xây. Nhưng từ
Xay ở đây do nhiều người Chăm (chắc do) nói độn tiếng Việt từ từ “Xây”.
Hay lắm bạn ạ .
Trả lờiXóaBài viết như đưa HN trở về tuổi thơ ấu cũa mình nơi quê ngoại Phan Rang ấy ! Cũng có những giai đoạn giếng đã tắm mát mình...
Bài viết cho HN hiểu thêm về vùng đất nắng và gió .
Chào bạn ngày mới .
*
Trả lờiXóaĐôi lúc vẩn vơ với vài ý ngĩ... thời xa vắng.
Rất vui được bạn HN ghé thăm blog.