25 thg 11, 2014

TRÀ VIGIA: SĂM H'RI

Kut


Hôm nay anh Duy vô Kut – Theo phong tục Chăm, người con trai khi lập gia đình phải theo ở bên nhà vợ, xây dựng cuộc sống ở đó cho đến hết cuộc đời. Khi chết đi, thi hài được hoả thiêu cho linh hồn siêu thoát về với tổ tiên. Một đời người chỉ còn chín miếng xương trán được cho vào Klaong chờ ngày vô Kut, nhà mồ tập thể của dòng tộc theo họ mẹ.

Anh Duy ở gần nhà tôi, vợ anh là chị họ bà con xa. Chị có tính tình nhân hậu, hiền thục nên tôi rất quý mến và thường xuyên qua chơi. Ngày chị lấy chồng, tôi là người hăng hái nhất trong việc dọn nhà, trang hoàng phòng cưới… Và ước mong sao chị được hạnh phúc suốt đời. Ngày ấy, anh Duy thất nghiệp, nhà chỉ tròm trèm một sào ruộng khoán, việc đồng áng chỉ bận rộn trong vài ngày cày gieo gặt hái – Chị vợ thì chăm sóc một con heo nái với mấy con gà, thu nhập chẳng bao nhiêu. Trời lại nắng hạn liên miên, nhà có một mẫu đất rẫy cũng đành bỏ hoang. Nhiều người thử vận đã trắng tay nhiều vụ. Thời buổi khó khăn không thể làm liều, nợ nần chồng chất, gùi ai nấy mang, không ai chia sẻ gánh vác với mình được – Chị vợ thường nói với chồng mình như vậy. Bản thân anh cũng không phải là con nhà nông thuần tuý, tuy có dáng người cao to nhưng phong thái lại mảnh khảnh thư sinh. Trước giải phóng, anh đang học năm thứ ba sư phạm, trước đó nữa là sinh viên trường Y, sau khi học lỡ dở một năm luật. Có lẽ anh sẽ trở thành thầy giáo nếu không có bước ngoặc lịch sử 1975. Anh chỉ mới đi tìm một con đường thích hợp cho cuộc đời mình, dù phải thử nghiệm nhiều bước thăng trầm trắc trở.
 
Dường như số phận không chịu mỉm cười với anh – Mấy chuyến đi rừng vừa rồi đều bị kiểm lâm hốt, chiếc xe và đôi bò là phương tiện duy nhất làm ăn, vốn liếng từ thủa hồi môn cha mẹ đôi bên sắm sửa, phải bán đi nộp phạt trả nợ. Thế là anh phải giải nghệ thợ rừng, ở nhà đuổi gà cho vợ. Từ đó, tôi có dịp qua lại gần gũi anh luôn. Anh hướng dẫn tôi đi bẫy giông, đánh cạm chuột, lúc lại câu cá hái măng… những thú vui bình dị, nhưng nhờ anh tôi mới cảm thụ được nỗi niềm quê hương.

Anh thường kể cho tôi nghe quãng đời sinh viên đã qua với bao ước mơ thời trai trẻ, nỗi nhọc nhằn trong sinh kế chứa đầy toan tính đời thường cùng những dự phòng trong tương lai – Có lúc anh rất sôi nổi hoạt bát, nhiều khi lại trầm tư khác thường. Có lẽ điều gì đó đang đè nặng trong anh hay chỉ là nỗi buồn vu vơ của kẻ bất đắc chí – Anh có ngón đàn điêu luyện với giọng hát truyền cảm sâu lắng, nhưng hiếm khi thấy anh phô diễn tài nghệ của mình – Bạn bè anh nhiều người là bác sĩ, kĩ sư… có người làm giám đốc cơ quan này, công ty nọ nhưng quan hệ giữa anh và họ có vẻ ngày càng nhạt dần – Anh như tự cách li mình với mọi người chung quanh, với môi trường xã hội – Cuộc sống như chìm dần vào lãng quên và dẫn anh đi vào một thế giới khác, càng lúc càng xa thêm.

Cách anh một năm, rồi hai ba năm, thời gian tôi học ở thành phố – Mỗi lần gặp lại, trông anh ngày mỗi khác trước nhiều. Người anh vốn gầy càng gầy hơn, nước da vàng vọt, đôi mắt hốc hác mất ngủ – Vừa qua, anh bị một trận sốt rét suýt chết, nằm liệt giường hơn một tháng. Thỉnh thoảng lại lên cơn rét run cầm cập, ăn nói lảm nhảm không bình thường, có lúc lại lầm lì trông thật dữ tợn. Tuy thế, anh chưa bao giờ quát mắng hay đánh đập ai. Vợ anh kể lại với giọng buồn trong khoé mắt rưng rưng ái ngại.

– Sao ảnh không đi bệnh viện chữa trị cho dứt hẳn? Tôi dè dặt hỏi.

– Có đấy chứ! Mọi thứ đều được bạn bè anh lo liệu chu đáo, nào là thuốc men, thức ăn bồi bổ, sách báo đọc giải trí… Nói thật với em, lúc này gia đình túng bấn quá, chị lại mới sinh con nhỏ này, không làm gì ra tiền mà phải chi phí đủ thứ. Cứ ngửa tay xin xỏ, vay mượn hoài cũng ngượng. Đồ đạc trong nhà có gì bán được đã bán hết, lứa heo nái vừa rồi phải bán cả con lẫn mẹ vẫn thiếu đầu hụt đuôi.

Tính anh Duy lại không thích nhờ vả, có ai thương tình giúp đỡ chị lại phải giấu không cho ảnh biết, ảnh lại buồn – May sao dạo sau này sức khoẻ anh cũng hồi phục phần nào – Chị lo lắm, có ông bác sĩ bảo anh bị di chứng não có thể bị tâm thần, khổ quá! Vợ anh bật khóc nức nở. Tôi bần thần cả người và tìm mọi cách an ủi chị.

– Con người ta lúc ngặt nghèo hoạn nạn phải có sự san sẻ của anh em bè bạn, hàng xóm – Tôi khẽ khàng động viên – Anh chị phải cố mà khắc phục để còn lo cho tương lai của cháu – Tôi chỉ vào con bé chị đang bế.

Gần vào năm học mới, tôi định xin cha mẹ mua máy tính để thực tập. Thấy hoàn cảnh chị thương tâm bi đát quá, tôi đã năn nỉ chị cầm tạm khoản tiền mua máy để trang trải việc nhà, thuyết phục mãi chị mới nhận. Tôi trấn an thêm:

– Chị cứ yên tâm. Phần em xoay sở được mà, khi nào anh chị làm ăn khá thì trả lại em cả vốn lẫn lời – Tôi cười giả lả.

Rồi tôi cũng tốt nghiệp ra trường và đi làm kiếm sống, lấy vợ sinh con – Đời tôi trôi đi êm ả, không gì biến động ngoài việc cơm áo thường ngày. Thi thoảng mới có dịp ghé thăm cha mẹ, anh em làng xóm. Nhà anh Duy là địa điểm thứ hai tôi phải ghé thăm, lúc này anh đang phát hoang được mấy mẫu đất trên núi, cũng gọi là trồng rừng theo chương trình 327. Miếng rẫy nhà đã bán hồi con anh bị bệnh, vì suy dinh dưỡng nên con anh cũng vài lần nằm viện anh phải lên núi phát rẫy cao hơn. Người nhàn cư rỗi việc ngồi soi móc, bêu riếu – Người ta xầm xì bàn tán: Anh Duy bây giờ sống như một người rừng, có kẻ độc mồm độc miệng lại nói anh đã hoá thành Săm hri. Ngay cả người thân quen cũng không dám gặp mặt, trò chuyện. Tôi cũng muốn biết rõ thật hư nên có hỏi chị Duy căn cơ thế nào mà thiên hạ đồn đại như thế. Nhưng chị lắc đầu.

– Có lẽ cũng tại ảnh sống lập dị, không giao tiếp đãi bôi với người nên họ đặt điều nói xấu. Có khi nghèo túng quá cũng là cái tội để mọi người khinh rẻ. Thời gian qua, anh mãi ở trên núi làm rẫy, không tham gia vào việc họ hàng giỗ tang, cưới xin, ảnh cũng không có mặt, mấy ông bà già chửi quá trời. Hồi trước anh là trụ cột chính mà nay lại bặt tăm thì ai mà chịu được. Ảnh chỉ về khi thu hoạch xong lúa rẫy, bắp đậu… chở về cho vợ con, ở lại mua mấy thứ cần thiết rồi lại lên núi. Nói chứ, một mình cày cuốc mấy mẫu đất, canh chừng chim muông heo rừng phá phách, còn thời gian nào mà rảnh rỗi – Em xem! Chị cũng muốn lên trên phụ giúp nhưng ảnh một mực không cho, sợ mẹ con chị bị nhiễm lam sơn chướng khí sốt rét… Không khéo lại chết chùm!

Một mình ảnh đủ rồi! Ảnh nói: Phấn đấu 10 năm sau có vốn mới trở về phục hồi lại nhà cửa, cơ ngơi.

Giấc mơ của anh thật giản đơn, anh muốn vươn lên bằng chính bàn tay lao động và ý chí quyết tâm của mình và tôi nghĩ: với đầu óc khoa học, với tài tháo vát anh chắn chắn sẽ thành công.

Trong một kì nghỉ phép, tôi nhất quyết lên rẫy anh chơi. Lâu quá không gặp anh cũng thấy nhớ. Với tôi, anh là một người anh mẫu mực tài hoa trong lối sống cũng như tác phong làm người. Mặc dù bị ám ảnh ít nhiều bởi dư luận săm soi nhưng tôi luôn tin anh là một người tốt ngay cả anh có là gì đi nữa. Đường lên rẫy khá xa lại gập ghềnh khó đi, nhưng hỏi thăm lần hồi cũng đến chốn. Cảnh núi rừng mênh mang hoang dã như đẩy tâm hồn tôi lên cao, không như không khí thị thành ô nhiễm bụi bặm. Tiếng chim kêu hoà lẫn tiếng suối róc rách tạo thành khúc giao hưởng thiên nhiên thánh thiện. Anh Duy vẫn cao gầy như ngày nào, chỉ nét mặt thêm già nua khắc khổ, râu ria xốm xoàm, làn da đen khô đét nhưng nổi gân guốc trông thật rắn rỏi. Vẫn điềm đạm như thường khi, anh hỏi thăm tôi gia đình, tình hình công tác, diễn biến xã hội có gì mới lạ – Anh dẫn tôi đi tham quan rừng bạch đàn đã hơn 3 năm tuổi, trên 100 cây xoài sắp ra hoa vụ đầu và những thành quả khác sẽ cho hoa lợi. Anh hạch toán, quy hoạch từng phần và dự định nuôi thêm đàn dê vào năm sau. Trang trại này sẽ được cơ khí hoá, hiện đại hoá dần lên rồi sẽ trở thành thị trấn vùng cao. Anh vừa nói vừa cười thật tươi vui đầm ấm. Tối hôm đó chúng tôi ngồi bên bếp lửa vừa uống rượu vừa ôn lại chuyện cũ – Tất cả chuyện khổ đau đã lùi vào quá khứ và trước mắt là cả một tương lai huy hoàng hứa hẹn. Trong cơn men cao hứng tôi có hỏi anh về chuyện Săm hri, anh như chợt giật mình và trở nên xa vắng – Anh ngồi im lặng một lúc lâu, đôi mắt dường như có lửa, không phải ngọn lửa phản chiếu từ bếp hồng – Tôi chắc thế! Bỗng anh gật gù từ tốn. Có lẽ đó là một câu chuyện hoang đường, nhưng cũng có thể đó là một sự thật hiển nhiên. Anh nhăn trán như để hồi tưởng lại và kể tiếp: Thời kỳ anh còn đi rừng đốn cây, trong nhóm có nhiều người già đã sống về nghề rừng lâu năm. Họ nói về Săm hri như một nhân vật nửa người nửa thú, khi tỉnh khi mê, khi ẩn khi hiện như hồn ma phách quỷ – Lúc thì mang hình người bình thường, khi thì hoá thành hổ dễ ăn thịt cả đồng loại. Họ giả định rằng đó một giống tộc người Raglai bị nguyền rủa, bị xua đuổi ra khỏi cộng đồng xã hội và bị đoạ đày trong một thời gian mang kiếp Săm hri. Hết thời hạn, họ lại trở lại sinh hoạt như những người con bình thường. Rồi họ kể lại những hiện tượng  lạ như đang đốn cây ngồi nghỉ thì bị lấy mất cái rìu, cái rựa… khi thì nồi niêu thức ăn, chén đĩa bị đập nát hết. Có lẽ những vùng có Săm hri, họ không muốn ai bén mảng đến, hay có ý định đột nhập khu cấm địa của họ, các người già lại dặn dò: đừng thấy chuối mít chín thơm ngon mà hái ăn. Đó là của chúng nó trồng, ăn vào thì biến thành Săm hri, ai nghe cũng e sợ! Anh Duy là người có học nào tin những chuyện nhảm nhí, coi đó chỉ là chuyện thêu dệt, trò giải trí những lúc nhàn rỗi, nghỉ ngơi.

Rồi anh kết luận: Săm hri là có thật anh đã gặp và đã từng sống với họ và quan trọng hơn là anh đã nhận diện được họ. Tôi cũng hơi bất ngờ về câu kết của anh. Nhưng anh làm dấu hiệu bảo tôi im rồi kể tiếp: Hồi anh bệnh, có vay mượn bạn bè nhiều quá, khoẻ rồi anh không biết làm cách nào để mưu sinh, nghề gì cũng làm rồi nhưng đều thất bại chua cay. Anh đành phải lên núi chặt cây bán độ nhật – Lần hồi anh có ý định phát rẫy mới trồng rừng có sự giúp vốn của Nhà nước. Vùng này coi như chỗ nào cũng có dấu chân anh. Nơi đâu cũng có người cắm dùi nên anh phải lên cao hơn, xa hơn. Núi này có tên là Bok vì có một bãi sình, nước đọng quanh năm, đất đai lại tươi tốt, địa thế hiểm trở bởi bao quanh là dốc núi đá thẳng đứng – Xưa kia không ai dám đặt chân đến – Một hôm tình cờ anh lạc vào một xóm nhỏ, lúc đầu cứ tưởng là nhà của người Raglai. Nhưng không, anh thảng thốt trước một đám nửa người nửa thú như bầy người nguyên thuỷ. Họ ở trần truồng, chỉ vài người đóng khố bằng da thú, tóc xoã dài gần chấm đất. Thấy anh xuất hiện đột ngột, đàn bà trẻ em khóc thét lên tìm lối chạy trốn, rồi một người đàn ông đột ngột đứng ngáng đường anh, sắc mặt dữ tợn, con dao lăm lăm trên tay như gầm gừ đe dọa. Chắc ông ta là tù trưởng hay già làng gì đó. Thoạt đầu anh Duy cũng sợ hãi vì quá bất ngờ vì chưa gặp cảnh tượng này bao giờ – Theo quán tính, anh giơ hay tay lên cao tỏ ý thân thiện và lắp bắp hỏi thăm bằng tiếng Chăm – Lúc này ông ta vẫn còn nghi ngại nhưng ánh mắt đã bớt đi vẻ man rợ và sau đó thì làm cử chỉ mời vào nhà. Hai người nói chuyện một lúc nhưng hình như ông ta nói một thứ tiếng Chăm rất khó nghe, cũng như tiếp thu lời anh Duy nói một cách khó khăn. Sau khi cam kết không thổ lộ với ai nơi anh vô tình khám phá cũng như sự việc vừa xảy ra, anh Duy đã đến nơi đây vài lần nữa – Lần cuối cùng ông già đã kể cho anh câu chuyện như sau:

– Ông ta là cháu 5 đời của Thak Chay, phó tướng của Thak Va trong cuộc khởi nghĩa năm xưa thất bại, đoàn quân bị tiêu diệt gần hết – Phó tướng Thak Chay trốn thoát, thu thập đoàn quân đóng trại tại đây với lời nguyền: “Thà chết chứ không đầu hàng”. Đoàn người lúc đó khoảng hơn 500, nhưng càng về sau, vì bệnh tật, đói rét được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nên sĩ số ngày càng giảm, nhu cầu sinh hoạt dần cạn kiệt. Đoàn người không còn lối thoát, phải chấp nhận tình cảnh dở sống dở chết tại nơi này. Hiện thời còn lại 5 người đàn ông, 5 người đàn bà và 3 trẻ em, và có lẽ một ngày nào đó thì không còn ai nữa. Không còn gì để nói với nhau nữa, ngay cả lời trăng trối! Anh Duy có ý đưa họ trở về hoà nhập với cộng đồng loài người. Anh giải thích những chuyển biến lịch sử, những đổi thay qua thời kì, những tiến bộ của khoa học, cùng những thời sự trên thế giới – ông già có vẻ không hiểu và lắc đầu: Đó là lời thề của tổ tiên, không thể làm khác được – ông ta rầu rĩ bảo: “Chăm Hari chứ không phải Săm hri”. Người ta đã gọi trại ra thế vì một lí do nào đó – Chăm là người Chăm, hri là khóc kể – Vào những đêm hoang vắng, theo tiếng gọi của rừng thẳm dàn nhạc rừng xanh tấu khúc bi hùng: tiếng tru của sói, tiếng gầm của hổ, tiếng rống của voi, tiếng rít của rắn hoà trong tiếng rả rích của côn trùng – Trong tiếng lá cây xào xạc, vọng lên tiếng hú từ cõi hư vô, khàn khàn giọng trầm rồi bổng lên cao vút. Đó là tiếng than khóc của Chăm Hari – Họ hri vì nỗi cô đơn lạc loài đồng loại. Tiếng hri kêu cứu vì sợ hãi đói khát, hri vì nỗi khát vọng và tuyệt vọng… hri vì kiếp hoá thân từ người sang thú và hri vì con thú bi thương muốn biến thành người. Tiếng hri đau đớn đoạ đày như tín hiệu cuối cùng vĩnh biệt.

Từ đó về sau anh Duy không còn gặp lại họ. Lẽ nào Chăm Hari đã bỏ miền đất này ra đi vĩnh viễn và không biết đã về đâu? Anh Duy đã nhiều lần cố công tìm dấu vết nhưng hoàn toàn vô vọng. Họ như đã biến mất khỏi hành tinh này. Nói khoa học: Thêm một loài động vật quý hiếm đã tuyệt chủng!

Anh Duy chỉ tay xuống đất nói:

– Nơi anh em mình đang ngồi đây, chính là nơi anh đầu tiên nói chuyện với ông già Chăm Hari – Anh đã và đang chờ họ ở đây, chọn trạm dừng chân nơi này và xây dựng cơ ngơi như em thấy! Anh mệt mỏi kết thúc câu chuyện. Tôi có cảm giác rờn rợn như khi được nghe những chuyện ma quái nhưng không sao ly kỳ bí hiểm như anh Duy mới kể. Khó tin nhưng không thể không tin nếu chúng ta là người trong cuộc. Hèn chi người ta bảo anh Duy là Săm hri mà có lẽ anh là Chăm Hari thật!

Bẵng đi một thời gian, tôi nghe tin anh Duy chết – lúc đó tôi đi công tác xa nên không về kịp – Chỉ nghe người ta nói rằng anh bị tâm thần, người già cả thì bảo anh bị ma nhập quỷ ám, suốt ngày cứ đi lang thang, đầu tóc rối bù, áo quần tả tơi… lẽ nào anh lại không chết vì bệnh tật mà lại chết vì ma quỷ vô hình – Tôi băn khoăn tự hỏi. Một người thợ rừng đã tìm thấy xác anh ở chót vót núi cao, cách rẫy anh hơn một ngày đường – Thi hài anh vẫn còn nguyên vẹn nhưng đã thối. Một số người làm rẫy đã quả quyết rằng: Đúng vào ngày anh chết có nhiều tiếng hú vọng về, một đàn chim đông nghịt bay lượn lòng vòng, đồng cất tiếng kêu quang quác vang động cả núi rừng – Họ thấy hiện tượng lạ nên tìm đến mới thấy xác anh ở đó. Người ta lại nói nhỏ với nhau, lúc đó tay anh nắm chặt một cái bình nhỏ bằng vàng. Có người đoán anh đi tìm kho tàng nào đó của Vua Chăm, tìm thấy và bị trừng phạt – cái bình nhỏ đó là đồ thờ cúng nên rất linh thiêng! Có người thì bảo trong quá trình cày xới đất rẫy anh nhặt được và mang theo người đựng nước uống – Nhưng chẳng ai thấy chiếc bình cả vì ai đó đã lấy mất! Chỉ là lời đồn đại tưởng tượng nhưng tôi biết rằng anh đang trên đường tìm Chăm Hari – Có thể anh lại gặp họ và lại bị khước từ, và có khi là không bao giờ có mục đích, điểm hẹn nào. Anh đã cảm thông sự lạc loài của họ, mong họ sống sót trở về như tôi đã cảm thông sự lạc lõng của anh, mong anh vững sống. Tôi hiểu những giây phút anh lẩm bẩm tự thoại hoặc thờ thẫn đôi mắt vô hồn nhìn xa xa. Mọi người bảo anh điên, bạn bè nói anh mặc cảm, bác sĩ khám anh tâm thần, người trên phán anh ma nhập. Tất cả đều đúng và sai. Trong cơn nóng lạnh của anh nơi thể xác dường như có cả cơn sốt trong tâm hồn, không toa thuốc nào nơi trần tục này chữa dứt – Anh đang mơ giấc mộng thực hay đuổi theo ảo ảnh hư? Điều đó không cần thiết, điều tôi viết ở đây chỉ để chứng thực viễn cảnh đời người. Bây giờ thì không còn gì để nói – Mấy chục năm đã trôi qua và Chăm Hari trở thành huyền thoại.

Ngày mai anh vô kút – Anh sẽ về với cõi vĩnh hằng bỏ lại sau lưng lời đàm tiếu khen chê, không còn bon chen thù hận – Nơi ấy, mọi linh hồn sẽ gặp lại nhau dù kiếp này có là con người, con thú… Và có lẽ cả loài Chăm Hari nữa!!!


Trích từ tập truyện ngắn: Chăm H'ri - Trà Vigia (NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com