15 thg 10, 2013

NỔI LOẠN CÓ PHẢI LÀ VÔ ÍCH?

(Michel Foucault)




“Để đuổi Sa hoàng đi, chúng ta sẵn sàng chết đến hàng ngàn nguời,” dân Iran đã nói thế vào mùa hè năm ngoái. Giờ đây, vị Ayatollah (giáo chủ) nói, “Cứ để Iran đổ máu cho cách mạng được mạnh mẽ lên”.

Có một sự cộng hưởng kỳ lạ giữa hai câu nói dường như nối kết với nhau này. Sự kinh hoàng của chúng ta với câu thứ hai có kết tội niềm say sưa ngây ngất trong câu thứ nhất?

Những cuộc nổi dậy đều thuộc về lịch sử, nhưng một cách riêng biệt, chúng thoát ra khỏi lịch sử. Sự chuyển biến mà qua đó, một người đơn độc, một nhóm, một thiểu số, hay một dân tộc tuyên bố, “Ta không còn tuân lệnh nữa”, và sẵn sàng liều tính mạng trước loại quyền thế mà họ cho là bất công, trong mắt tôi có vẻ như không phải là một hiện tượng có thể dùng cách nào giản lược đi được. Đó là vì không quyền lực nào tuyệt đối ngăn ngừa được không cho nó xảy ra. Những khu ổ chuột của Warsaw sẽ cứ mãi nổi loạn và trong cống rãnh của nó sẽ luôn có những nguời kháng chiến[1]. Nói đến tận cùng, về con người nổi loạn, chúng ta thật chịu không thể giải thích. Phải có một sự tróc rễ nào đó cắt ngang diễn biến tuần tự của lịch sử và chuỗi dài những nguyên cớ của nó, để cho một người “thật sự” ưa chuộng nguy cơ phải chết hơn sự tất yếu phải tuân lệnh.

Tất cả mọi hình thức tự do con người đạt đuợc hay yêu cầu, mọi quyền lợi họ đòi hỏi, kể cả liên quan đến những thứ có vẻ kém quan trọng nhất, có lẽ tìm thấy chỗ trụ cuối cùng ở đây, ở một cái gì rõ ràng và xác thực hơn “quyền tự nhiên”. Nếu các xã hội đứng vững và sống còn được, hay nói khác đi, nếu quyền lực trong những xã hội đó không phải “tuyệt đối một cách tuyệt đối”, đó là vì đằng sau mọi sự đồng thuận và ép buộc, vuợt trên mọi doạ dẫm, trên bạo lực, và sự thuyết phục, còn có khả năng dẫn đến khoảnh khắc này, khi mà cuộc sống không thể bị đánh đổi, khi quyền lực trở nên bất lực, và con người đứng thẳng dậy đối diện giá treo cổ và họng súng máy.

Bởi vì cuộc nổi dậy đứng cả “bên ngoài lịch sử” và bên trong lịch sử như trên đã nói, bởi vì sự sinh tử của mỗi người phải đem ra đánh cuộc, ta dễ hiểu vì sao những cuộc nổi dậy luôn tìm thấy sự diễn đạt và kịch tính của chúng ngay từ những hình thức tôn giáo. Qua nhiều thế kỷ, tất cả những hứa hẹn về cõi sau này hay sự tái sinh của thời gian, dù liên quan đến đấng cứu thế được mong ngóng, vuơng quốc của những ngày cuối cùng, hay sự trị vì của cái tận thiện cũng vậy, không tạo thành một lớp áo ý thức hệ. Thay vào đó, chúng chỉ định cách thức người ta sống và hành động ở trong cuộc nổi dậy, ít nhất là ở những nơi khi hình thức tôn giáo cho phép điều đó xảy ra.

Thế rồi chuyển sang thời đại của “cách mạng”. Hai thế kỷ qua, nó che lơ lửng[2] bên trên lịch sử, sắp xếp nhận thức của chúng ta về thời gian, và chia rẽ những hy vọng ra thành các thái cực. Thời đại cách mạng đã tạo nên một nỗ lực phi thuờng để thích nghi các cuộc nổi dậy vào trong một lịch sử hợp lý và kiểm soát đuợc. “Cách mạng” đem lại một sự hợp pháp cho cuộc nổi dậy, phân loại những hình thức tốt và xấu, và ấn định những quy luật phát triển cho nó. Cách mạng thiết lập cho cuộc nổi dậy những điều kiện tiên quyết, mục tiêu, và cách thức kết thúc. Kể cả ngành chuyên môn đi làm cách mạng cũng đuợc ấn định. Nguời ta cho rằng, bằng cách trả nổi loạn vào trong vị trí đúng của nó giữa lý luận cách mạng, những chân lý của cuộc nổi dậy sẽ hiện ra và nó sẽ tiếp diễn đến kết cục thật của mình. Đó quả là một hứa hẹn tuyệt vời. Một số người sẽ nói là cuộc nổi loạn như thế coi như đã bị thống trị dưới nền chính trị thực tiễn (realpolitik). Số người khác sẽ nói là một chiều kích của lịch sử hợp lý đã mở ra cho nó. Tôi thì ưa thích câu hỏi của Horkheimer ngày truớc, một câu hỏi rất ngây thơ và hơi nóng nảy: “Nhưng có thật nó đáng ao ước đến thế không, cái cuộc cách mạng này?”

Nói đến sự bí ẩn của cuộc nổi dậy, đối với những người nhìn vào Iran không phải để thấy những “lý do sâu sắc” của đợt chuyển biến, nhưng để thấy cung cách người ta đã sống với nó; đối với những người cố tìm hiểu điều gì đã đến trong tâm trí những người đàn ông và đàn bà này khi họ liều tính mạng của mình, một điều nổi bật lên đập vào mắt họ. Họ đã khắc lên, trên đuờng biên giữa trời và đất, trong một lịch sử-giấc mộng (ND: ở chỗ này Foucault dùng một từ nối để diễn tả bản chất song trùng) mang nhiều tính tôn giáo ngang với tính chính trị, tất cả sự đói khổ, tủi nhục, sự thù hận đối với chế độ và ý chí triệt hạ nó của họ. Họ đối mặt với gia tộc Pahlavi, trong một cuộc chơi mà mỗi người phải tự đem tính mạng và cái chết ra đánh cuộc, cuộc chơi đồng thời có ý nghĩa nhờ vào sự hy sinh và những hứa hẹn thay trời chuyển đất. Và cứ thế mà dẫn đến những cuộc biểu tình đang được tuởng niệm ngày nay, lúc ấy đã có ngay một vai trò vô cùng quan trọng. Những cuộc biểu tình này cùng một lúc vừa phản ứng đanh thép với sự đe doạ từ quân đội (tới mức độ tê liệt hoá nó), vừa diễn tiến theo đúng nhịp điệu của những nghi thức tôn giáo, và sau cùng, quy về một tấn kịch bất tử từ muôn đời trong đó quyền lực luôn luôn bị nguyền rủa. Tấn kịch này tạo ra một sự song trùng bất ngờ trong khung cảnh giữa thế kỷ 20: một phong trào đủ mạnh để lật đổ được một chế độ nhìn có vẻ được vũ trang rất tốt, lại cũng đồng thời nối kết với một giấc mơ xa xưa mà có thời đã rất quen thuộc với phương Tây, cái thời mà ở đây người ta cũng từng muốn khắc chạm những biểu trưng tâm linh lên nền tảng chính trị học.

Sau bao năm bị kiểm duyệt và đàn áp, tầng lớp chính trị thì bị xỏ mũi, các đảng phái chính trị bị cấm đoán, và các nhóm cách mạng bị tàn sát, nếu không phải là tôn giáo, thì sự hỗn loạn và cuộc nổi dậy của khối dân chúng bị tổn thương vì những thứ “phát triển”, “cải cách”, “đô thị hoá” và những thất bại khác của chế độ còn dựa vào cái gì? Điểm này thì đúng, nhưng ta có thể trông đợi yếu tố tôn giáo tự lu mờ đi để nhường chỗ cho các lực lượng thiết thực hơn và các ý thức hệ đỡ “cổ xưa” hơn chăng? Có lẽ là không, vì một số lý do.

Đầu tiên, phải xét đến sự thành công nhanh chóng của phong trào, đã làm cho sự lựa chọn hình thức của nó được củng cố thêm. Có một sự đoàn kết xuất xứ từ cơ cấu của giới tăng lữ, những người có sức nắm quần chúng rất mạnh, và có những tham vọng to tát về chính trị. Phải xét đến bối cảnh toàn thể của phong trào Hồi giáo. Nhờ những vị trí chiến lược mà Hồi giáo nắm giữ, nhờ sự quan trọng về kinh tế của các quốc gia Hồi, và nhờ sức mạnh của phong trào khiến cho nó lan rộng ra hai lục địa, trong khu vực bao quanh Iran, nó tạo thành một thứ thực tại riêng quan trọng và phức tạp. Vì vậy, phần nội dung có tính biểu trưng của cuộc nổi dậy không tan biến vào ánh sáng ban ngày của cuộc cách mạng. Nó được du nhập ngay lập tức vào một khung cảnh chính trị có vẻ như dễ dàng tiếp nhận nó, nhưng trên thực tế lại có một bản chất hoàn toàn khác biệt. Tại khung cảnh này, những gì quan trọng nhất và những gì tồi tệ nhất trộn lẫn vào nhau – niềm hy vọng phi thường mong cải biến Hồi giáo thành một nền văn minh đương thời vĩ đại, với những lối bài ngoại độc địa, và cả những đe doạ quyền lợi toàn cầu, cũng như những tranh chấp khu vực. Rồi vấn đề chủ nghĩa đế quốc. Rồi vấn đề áp chế phụ nữ. Vân vân và vân vân.

Phong trào của người Iran đã không phải trải nghiệm “quy luật” của các cuộc cách mạng qua đó sự độc tài ngấm ngầm nằm ẩn sẵn trong mỗi cuộc cách mạng sẽ xuất đầu lộ diện từ đằng sau cơn cuồng nhiệt mù quáng của đám đông. [Tôn giáo,] cái tạo ra phần cốt lõi ở tận cùng bên trong, cũng như phần được tham gia hăng say và khích động nhất của cuộc khởi loạn, có tác động theo một cách tự phát, không hoạch định lên bàn cờ chính trị vốn đã đông nghẹt sẵn, nhưng tác động đó không làm thành lai lịch [của cuộc nổi dậy]. Ý hướng tâm linh của những người dấn bước đến với cái chết không có gì tương tự như một chế độ đẫm máu của các giáo sĩ cực đoan. Giới tăng lữ Iran muốn dùng những ý nghĩa mà cuộc nổi dậy đã viết nên để chứng thực cho chế độ của họ. Nếu bây giờ đi bác bỏ sự thật về cuộc nổi dậy ấy với cái cớ là ngày hôm nay đang tồn tại một chính quyền của các giáo sĩ thì cũng chẳng khác gì. Trong cả hai trường hợp, tồn tại một nỗi “sợ hãi”, nỗi sợ cái vừa mới xảy ra mùa thu năm ngoái tại Iran, cái mà đã từ rất lâu thế giới chưa từng nhìn thấy lại một trường hợp nào.

Chính tại điểm này, vì vậy, đặt ra sự cần thiết phải nhận chân những gì không thể giản lược đi được trong một phong trào như vậy, cũng như những gì là nguy cơ đe doạ nổi bật đối với mọi hình thức chuyên quyền, của ngày hôm nay lẫn ngày hôm qua.

Chắc chắn là không có gì đáng xấu hổ khi phải thay đổi quan điểm của mình, nhưng không có lý do gì coi đấy là một sự thay đổi quan điểm khi ta phản đối hình phạt chặt tay hôm nay sau khi đã chống lại những ngón nghề tra tấn của cơ quan SAVAK (mật vụ Iran cũ – ND) ngày hôm qua.

Không ai có quyền nói “Hãy nổi dậy cho tôi, tự do tối hậu cho mỗi người kéo theo đó”. Nhưng tôi không đồng ý với những ai cho rằng “Nổi loạn không ích gì cả, cuối cùng cũng sẽ trở lại y như cũ”. Người ta không thể kìm hãm những người đem tính mạng mình ra đối diện với quyền lực. Nổi loạn có phải là một việc đúng đắn hay không? Chúng ta hẵng để ngỏ câu hỏi này. Sự thật là con người vẫn nổi loạn, và qua việc này mà một tính chất chủ quan (không phải của những vĩ nhân, mà là của bất cứ ai) tự lộ diện trong lịch sử. Một người tù liều mạng chống lại cách trừng phạt bạo ngược, một người điên không không thể chịu nổi cảnh bị nhốt kín và đè áp thêm nữa, hay một dân tộc phản kháng một chế độ áp bức họ. Nổi loạn không làm cho loại thứ nhất thành vô tội, điều trị cho loại thứ hai, hay bảo đảm cho loại thứ ba những thành quả như đã hứa hẹn được. Cũng phải nói, không ai bị bắt buộc phải đứng ra đoàn kết với họ. Không ai bị bắt buộc phải cho rằng những giọng hát đang rối trí này hát hay hơn người khác, và nói lên được chân lý ở chiều sâu tận cùng của nó. Chỉ cần biết rằng họ tồn tại và họ bị bấy nhiêu thứ chống lại họ, tìm cách bịt miệng họ, là đủ cho việc lắng nghe họ và phát hiện điều họ muốn nói trở thành có ý nghĩa rồi. Một vấn đề luân lý chăng? Có lẽ vậy. Một vấn đề thực tiễn, chắc chắn. Tất cả những thất vọng, chán nản với lịch sử không thay đổi được điều này. Chính vì những tiếng nói này mà thời gian của nhân loại không mang dạng thức sự tiến hóa, mà là “lịch sử”.

Điều này gắn liền không tách ra được khỏi một nguyên tắc khác. Quyền lực mà người này áp đặt trên người kia luôn luôn nguy hiểm. Tôi không cho rằng quyền lực về bản chất là ác. Tôi muốn nói rằng quyền lực, do cơ chế của nó, là vô giới hạn (nhưng không phải vì thế mà vạn năng). Những luật lệ hạn chế nó không bao giờ có đủ sự cương quyết. Những nguyên tắc phổ quát không bao giờ đủ khắt khe để tước đoạt của nó tất cả những cơ hội mà nó chiếm giữ. Những điều luật tuyệt đối không được vi phạm và những quyền tuyệt đối không được giới hạn phải luôn luôn đối kháng lại với quyền lực.

Thời nay, các trí thức đã mất đi “thế giá” khá nhiều. Tôi nghĩ mình có thể dùng chữ này một cách khá chính xác. Vì thế, bây giờ không phải là lúc tuyên bố mình không phải là trí thức. Hơn nữa, nói ra như vậy sẽ làm bạn đọc cười. Tôi là một trí thức. Nếu có ai hỏi tôi quan niệm công việc mình làm như thế nào, tôi sẽ trả lời thế này. Con người chiến lược là kẻ sẽ hỏi “Cái chết này, tiếng kêu gào này, hay vụ nổi loạn này có quan hệ gì đến nhu cầu của tất cả mọi người, và đến cái nguyên tắc tổng thể này kia, trong hoàn cảnh đặc thù của chúng ta bây giờ?” Đối với tôi, con người chiến lược ấy là chính khách, là sử gia, là nhà cách mạng, là người theo phe Sa hoàng hay phe giáo chủ cũng như nhau, vì lý thuyết luân lý của tôi hoàn toàn trái ngược lại. Luân lý của tôi là “phản chiến lược”. Ta phải có sự tôn trọng mỗi khi một sự việc độc dị nổi lên, và sự cương trực ngay lập tức khi nhà nước vi phạm những điều phổ quát. Đây là một lựa chọn giản dị, nhưng công việc thì nặng nề: người ta phải tìm, ở phía dưới lịch sử một chút, để thấy những gì gián đoạn và kích động nó, và canh giữ, vào phía sau chính trị một chút, những gì giới hạn nó vô điều kiện. Nói gì đi nữa, đây là công việc của tôi. Tôi không phải người duy nhất hay đầu tiên làm việc này, nhưng tôi đã chọn lấy nó.





[1] Câu này có ý nhắc đến cuộc nổi loạn của khu ổ chuột Warsaw năm 1943 chống lại quân Đức quốc xã.

[2] Chú thích của Bernauer: động từ mà Foucault dùng, surplombé, có nghĩa xa gần liên hệ với khái niệm “thuợng tầng cơ sở” trong lý thuyết Marxist. Nó đồng thời còn có thể dịch là “đè nặng xuống”.


Nguồn: Da Màu
Chuyển ngữ: Trần Thiện Huy
Theo bản dịch Anh ngữ của James Bernauer

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com