22 thg 6, 2018

NỬA VÒNG TRÁI ĐẤT - TRÀ VIGIA




Đời sống của người Chăm thường quần cư trong những ngôi làng chật hẹp, thường là trên vùng đất đai cằn cỗi hẻo lánh và tách biệt hẳn với chốn đô hội phố phường đông đúc. Mỗi làng lại có bản sắc riêng và không ai có thể xác định được rằng họ là dân ngụ cư hay người bản xứ, tuy nhiên địa phương tính của họ thể hiện rõ ràng qua giọng nói và nghề nghiệp đặc thù vẫn in rõ nét trong sinh hoạt hôm nay. Ngay trên miền đất nắng Panrang này được chia làm hai vùng rõ rệt là Biuh và Papraong, Biuh có nghĩa là thành lũy gồm cư dân của người kháng chiến hồi cư và Papraong là dân ngoại tỉnh ở nơi khác di cư đến qua từng thời kỳ biến động của lịch sử. Tên làng cũng phần nào phản ảnh được lịch sử của làng cho dù những làng Chăm chỉ mới quy tập và thành lập vào cuối đời vua Thiệu Trị, khi những cuộc kháng chiến của người Chăm cuối cùng bị dập tắt hoàn toàn!
 
Ví dụ làng Cakling là tên gọi của bà Cakling là bà nội nuôi của Poklaong Girai, xưa vẫn giữ tên là Nha Trinh nhưng nay đổi tên thành Mỹ Nghiệp; có lẽ họ có nghề dệt thổ cẩm là một nghề đẹp nên có tên này! Nhưng chưa hẳn họ đã là dân bản xứ chính gốc bởi thời ly loạn ai cũng di tản bỏ xứ mà đi, đoàn lưu dân khác lại đến và có chăng dân gốc vẫn muốn tìm lại nguyên quán của mình vẫn là một câu hỏi? Làng Bal Caong vì cư dân sống trên cố đô Bal Caong mà ngày nay là thị trấn Phước Dân, vì gần đường quốc lộ nên người Việt di dân đến chiếm cứ khiến họ phải bỏ xứ lên một ngọn đồi gần đó để lập làng. Tên mới là Chung Mỹ có lẽ họ chung một nghề dệt thổ cẩm, dù quy mô nhỏ hơn và ít truyền thống hơn. Làng Hamu Tanran nguyên quán ở Hamu Aram, cũng muốn tránh sự đổ bộ của người Việt với nhiều va chạm xung đột nên tự động rút lui về làng Bblang Kathaih định cư. Sau này mới phát triển thành làng Hữu Đức rồi Tân Đức, dân cư ngày càng đông nên lại chia tách ra làm Thành Đức rồi Thất Đức! Làng Takhaok cũng cùng chung số phận, họ bỏ làng cũ tìm tựa nương vào làng Padra sau khi đi nước kiệu qua bao chặng đường gian khổ. Hamu Aram là ruộng gò trụ không nổi nên phải xuống Hamu Tanran tìm ruộng trũng, tự nguyện hiến làng mình cho người chủ mới là dân Mông Đức và Nhuận Đức cũng là để lại phước đức cho con!
Nếu việc lập làng vùng Biuh mang tính tự phát theo bản năng sinh tồn thì việc lập làng ở vùng Papraong mang tính chỉ đạo có sự quan tâm chiếu cố, đất đai mầu mỡ và điều kiện thủy lợi rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp nên đời sống dân chúng có vẻ khá giả hơn. Huyện lỵ và quan chức Chăm cũng được cắt cử từ đó và họ thường tự hào về ưu thế của mình so với vùng Biuh, bởi vì họ có tiền lại vừa có quyền so với dân vùng Biuh luôn phải bám rẫy rừng vất vả quanh năm! Họ ở đâu chạy loạn đến thì không ai rõ, ví như làng Chăm ở Chất Thường (Baoh Dana) thì đi kèm với làng Hoài Nhơn thì chắc chắn là họ từ Bình Định đến. Làng Hoài Trung (Baoh Bini) thì đi kèm với làng Việt Thái Giao nên có thể sưu tra xuất xứ làng Việt ở đâu thì làng Chăm cũng ở gần đó, bởi họ cùng chung một đoàn di tản theo chiến cuộc. Chỉ có tên Palei Caok (làng Hiếu Lễ) là hơi hóc hiểm trong ngữ nghĩa bởi trong tiếng Chăm không có nghĩa tương ứng, trong khi tên người hoặc tên đất luôn mang một ý nghĩa nhất định. Theo thiển ý của tôi thì Caok đúng ra phải là Craok có nghĩa là nới ra, thêm ra để có đủ chỗ cho mọi người và có lẽ từ này hơi khó phát âm nên nói trại ra riết rồi thành quen nên không ai còn nhớ nguyên chữ nghĩa! Làng Bblang Kacak (Phước Đồng) đến trước rồi làng Craok (Hiếu Lễ) phụ cận đến sau nên tìm nhau cố kết nương tựa, rồi lại làng Hamu Craok (Bàu Trúc) tiếp đến sau cùng nhưng vẫn tìm đồng hương nhờ cậy nên làng Craok phải chia đất cho họ khẩn hoang nên thành Hamu Craok có nghĩa là ruộng chỉ được cơi nới sau này. Đây chỉ là một gợi ý chứ không căn cứ vào một tư liệu nào, ai hiểu ra sao cứ tùy nghi tiện dụng!

Chăm đến tìm nhau là như thế và xa nhau cũng là như thế, tìm nhau để tìm sự sống và xa nhau cũng đi tìm sự sống khi mầm sống hôm nay đã tách mạch nguồn! Hồi trẻ tôi đi làng Bal Riya (Bỉnh Nghĩa) là đã xa lắm rồi, sau này đi palei Kraong (Lạc Trị) là quê ngoại sao mà xa lơ xa lắc… Lớn lên đi Sài Gòn Hà Nội là chuyện thường tình, đi Pnompenh Bangkok cũng là chuyện bình thường khi biên giới quốc gia không còn là rào cản lớn với nhiều thủ tục nhiêu khê! Xa nhất là đi một nửa vòng trái đất và lại một nửa vòng trái đất để trở về, và xa hơn khi ta đã quên đường về và không còn dịp để trở về quê cha đất tổ.
Xưa kia Chăm tìm nhau và cùng nhau lập nước, rồi mất nước rồi chạy loạn rồi lại tìm nhau để quần cư thành thôn xóm sinh con đẻ cái cho đến ngày nay. Thời cuộc đổi thay khiến sợi dây liên kết của Chăm bị đứt rời từng mảnh, người thành Chăm Haroi ở Bình Định Phú Yên người thành Chăm Biruw ở Tây Ninh Châu Đốc. Ngay cả Chăm ở Panduranga cũng chia tách thành bốn vùng Panrang-Kraong-Parik-Pajai như đầu mình tứ chi không còn liền lạc, sắc thái tâm hồn cũng được định danh bằng tên mới Bacham-Bani như hai thực thể khác nhau và Chăm Islam thời nào cũng dần hồi cư trở lại như để nhắc nhớ một dĩ vãng buồn! Chăm không nhất thiết phải bám đất bám làng như ngày nào để giữ gìn bản sắc và nương tựa lẫn nhau, vì sinh kế Chăm phải tha phương cầu thực để hội nhập và hòa nhập khi làng không còn là cái nôi để hát dân ca dưỡng nuôi thế hệ sau khôn lớn! Một bộ phận Chăm đã đi định cư ở nước ngoài theo nhiều diện khác nhau, đông người nhất vẫn là ở Mỹ không tính đến những người vì biến cố lịch sử đã di tản sang Kampuchea Mã lai và các nước khác từ trước đó rất lâu. Rồi Chăm lại tìm nhau theo một từ trường bất biến mà đơn vị chính là gia đình làng mạc mang theo từ cố quốc, Bacham tập trung ở Sacramento và Bani ở San Jose và rải rác ở những tiểu bang khác. Dĩ nhiên Chăm không quên mang theo cái ao làng của mình từ khi tắm truồng hồi nhỏ, vẫn tìm sự cố kết trong sự kèn cựa như khi vẫn sống trong cảnh cá chậu chim lồng nước rọ mà định mệnh đã ban cho họ! Vẫn cần một chút hư danh để đồng tộc không lãng quên mình, cần một chút giàu để thị uy với thiên hạ và không thể không có tiếng nói trong cộng đồng mình. Tệ hại nhất vẫn là cái tật nói xấu người khác để mình tốt hơn và nói tốt về mình cho người khác xấu hơn, cho dẫu biết điều đó không giải quyết được gì mà chỉ nói lên nhân cách của từng người. Tất cả vẫn còn ở phía trước khi con cháu họ được giáo dục và tôi luyện trong môi trường mới, được hấp thu tinh hoa từ một nền văn hóa văn minh. Tuy nhiên đó lại tiềm ẩn một sự thách thức lớn giữa Lexus và Oliu đại diện cho hiện đại và truyền thống, bởi cây không có cội nước không có nguồn thì cành lá xum xuê chỉ trĩu nặng trái đắng như lịch sử đã chứng minh. Con người quá chú tâm về vật chất thì ắt phải bỏ rơi tinh thần cho dẫu vẫn trong tư thế đề cao cảnh giác, chưa nói đến còn nhiều tác động bất chính từ bên ngoài. W. Shakespeare nói một câu rất thâm thúy: Người biết nhìn về tương lai thì không hối hận vì quá khứ, có lẽ Chăm bị ám ảnh vì quá khứ quá nhiều nên không nhìn rõ nơi thực tại để có thể định hướng về tương lai mang tính lâu dài hơn là nhất thời tạm bợ! Nửa vòng trái đất là nơi xa nhất nếu tính bằng không gian nhưng lại là nơi gần nhất nếu tính về thời gian khi con người ý thức rõ về mình, không nhìn gần quá cũng không nên nhìn xa quá bởi cuộc đời phải được tính bằng nhiều thế hệ chứ không phải chỉ một chuyến đi. Một con người phải được hun đúc trong một tập thể mạnh và một tập thể cần phải có một con người mạnh để dẫn đường, Chăm chưa đủ yếu tố để xác định mình và có chăng chỉ là những tiếng nói lạc lõng vu vơ… đợi chờ và chờ đợi!

Mảnh ao làng Chăm vẫn còn tù đọng chưa được khơi thông khi quy hoạch đô thị ngày càng nhếch nhác, không có nước sạch để uống thực phẩm sạch để ăn không khí sạch để thở nên cũng không thể đòi hỏi Chăm phải có những tâm hồn sạch! Muốn có chút ít quyền lợi thì Chăm phải biết a dua nịnh bợ cấp trên để nạt nộ cấp dưới, muốn có chút ít hư danh thì phải biết bán rẻ nhân phẩm của mình và tệ hại hơn bán tháo cả văn hóa dân tộc mình. Biết làm sao được khi Chăm đã mất nội lực và không còn tiềm lực nên phải dựa vào ngoại lực để thoi thóp, cáo mượn oai hùm để rung cây nhát khỉ là chuyện ngụ ngôn đời thường vẫn thường ngày ở Hợp tác xã. Tuổi trẻ hôm nay dường như có khá hơn so với lớp cha anh, bản lĩnh hơn và lành mạnh hơn trong guồng quay khắc nghiệt của thời cuộc. Mấy hôm trước có vài bản trẻ đến than phiền dạo này có mấy chú can ông thường xuyên đến quấy quá xem ra chẳng có văn hóa chút nào, hỏi tôi nên xử lý trường hợp này ra sao?! Cụ thể là có vài chiêu trò mới nhưng không cũ nhưng với bọn trẻ thì đáng ngạc nhiên và bực tức, thay vì làm việc cụ thể với một đối tượng nào đó thì họ lại mời phụ mẫu họ làm việc như thầy cô giáo mời phụ huynh khi có học sinh hư. Một kiểu khủng bố theo kiểu lấy gậy ông đập lưng ông, ai cũng đủ tư cách để làm người nên cần cư xử với nhau rạch ròi và sòng phẳng chứ không đi tắt đón đầu hoặc đâm lén sau lưng là chơi bẩn! Đó là màn dạo đầu mang tính trịch thượng và là sự khiêu khích nguy hiểm không đáng có trong tình hình rối rắm hiện nay, một hành động thiếu thiện chí gây phản cảm và dị ứng hơn là hóa giải và hòa giải. Nên biết bọn trẻ hôm nay phần đông theo Cái bang chỉ biết lang thang cày thuê cuốc mướn không cần phải quy lụy trước thế lực nào, bức bối quá thì nó liều mạng chơi thế Đả cẩu bổng thì chén sành chén kiểu cùng tiêu hơn là chịu nhục! Có lẽ đó chỉ là trường hợp cá biệt cần phải chấn chỉnh, thậm chí xin lỗi nếu thấy cần thiết không muốn thành khối u di căn. Phiền nỗi có một ông Kẹ tuyên bố: Quốc hội là do dân bầu, nếu dân sai thì dân chịu thì dân còn biết kêu cứu ai và chẳng còn biết ai để bầu bán và bán bầu chưa nói đến cử xong mới bầu bầu xong mới cử. Công an là bạn của dân, dân có tin thì dân mới yêu mà không tin thì địch trong ta và ta trong địch với những luận điệu mơ hồ không chứng cứ! Điều thứ tư bác dạy là đối với nhân dân thì phải tôn trọng lễ phép dường như đã bị gạch bỏ hoặc không ai học tập và làm theo bởi còn tùy vào phép vua và lệ làng. Với tôi thì mấy chú công an cũng như con cháu cần được an ủi động viên, chẳng có nghề nào hèn mà chỉ có con người hèn làm cho nghề mình hèn. Suy cho cùng ai cũng là nạn nhân, công an và dân chơi nhau cũng bởi do trời xui khiến nên chúng mình xa nhau! Phải tôn trọng người khác nếu muốn người khác còn tôn trọng mình, xưa công an bảo vệ dân thì nay phải bảo vệ cán bộ và quân đội để bảo vệ tổ quốc thì nay phải bảo vệ chế độ là việc cần kíp trước mắt. Nửa vòng trái đất bên kia mặt trời đang mọc trong khi bên này vẫn đang chìm đắm trong đêm, bên kia là dân chủ còn bên này là chủ dân thì cũng thế chẳng có gì trầm trọng! Yêu nước thì phải thi đua và thi đua là yêu nước nghe có vẻ ngớ ngẩn và vớ vẩn làm sao ấy, ngẫm kỹ mới thấy tê tái cuộc đời bởi trí thức yêu nước khác với giang hồ yêu nước. Động viên công nhân nông dân ngày xưa còn ít học là được nhưng đối với Việt kiều yêu nước là không ổn, chỉ nên hô hào đã lái xe thì không nên uống rượu và đã uống rượu thì không nên lái xe để giảm thiểu tai nạn giao thông thì có vẻ thực tế hơn! Nhân dân Chàm hôm nay cũng đã tiến bộ hơn nhiều, những kẻ khúm núm chạy đầu ngựa hôm nào thì nay đã hết thời về hưu hoặc chỉ còn chạy mánh lẻ tẻ vớt vát. Tôi cứ tự hỏi một dân tộc ngày xưa kiên cường bất khuất đến thế mà sao hôm nay lại đớn hèn khiếp nhược đến vậy, sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ để được mang hình người cho dù dưới hình thức nào! Trái đất vẫn cứ quay đều, nửa vòng bên kia không thể gặp nửa vòng bên này nhưng ánh mặt trời thì không ai có thể xẻ làm đôi…


Hamuatanran, 6.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com