27 thg 7, 2017

TRÀ VIGIA: TRIẾT LÍ ÂM DƯƠNG CHĂM



Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, quyết định cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình trong suốt quá trình thăng trầm của lịch sử. Chăm cũng vận hành trong quy luật đó nhưng theo một con đường riêng như một đặc thù không thể nhầm lẫn với bất cứ dân tộc nào cho dù có sự giao thoa cùng tiếp biến. Triết lí âm dương được biểu hiện ở mỗi nền văn hóa một khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện địa lí lịch sử của từng vùng miền cũng như tùy tộc người với những tính cách cá biệt. Nếu phương Tây có xu hướng nghiêng về khoa học tự nhiên tiếp cận thế giới quan bằng thực nghiệm được chứng minh bởi những con số cụ thể, ngược lại phương Đông nghiêng về khoa học xã hội để tiếp nhận nhân sinh quan qua triết lí thực tiễn đời thường mang tính ước lệ. Phương Tây có số âm số dương, điện âm điện dương hay cao hơn ngôn ngữ cũng được biểu thị bằng giống đực giống cái thì phương Đông dường như đi xa hơn trong cách cảm thụ của mình! Điều đó lí giải vì sao những tôn giáo lớn đều bắt nguồn từ phương Đông, chính xác hơn là miền Trung Đông được coi như cái nôi của văn minh nhân loại. Vùng đất thiêng ấy là trung tâm tiếp giáp với châu Á và châu Âu, phần nào với châu Phi để từ đó lan tỏa đến khắp nơi trên trái đất.
 
Chăm theo đạo Balamôn đồng nghĩa với Chăm ảnh hưởng trực tiếp văn hóa Ấn Độ để từ đó hình thành nên văn hóa Balamôn Chăm. Không nên nhầm lẫn Balamôn Chăm với Ấn Độ giáo bởi Balamôn cho người Ấn khác hẳn Chăm khi du nhập đã được Chăm hóa cho phù hợp với tập quán tín ngưỡng người bản địa. Văn hóa Ấn Độ không chỉ độc sáng trên đất nước mình mà còn phủ sóng đến những miền đất khác, không chỉ vùng Đông Nam Á mà ngay cả một nước Trung Hoa vĩ đại cùng thời. Thời nhà Đường thì nhà vua đã phái Đường Tam Tạng qua Tây Trúc thỉnh kinh Phật để nâng cao Phật pháp cũng như san định giáo lí để cho Phật tử có điều kiện tu tập chính quy hơn. Trước đó đã có Bồ Đề Đạt Ma sư tổ từ Ấn Độ sang mang theo cả võ học để có môn phái Thiếu Lâm tự danh tiếng ngày nay. Cùng song hành là Thiền học bắt đầu phát triển với nhiều hệ phái khác nhau để từ đó nhiều trào lưu triết học nở rộ. Trong phạm vi khái niệm có hệ thống về triết lí âm dương Chăm, vấn đề được triển khai theo một phương hướng khác. Phân tích và đối sánh sự tương đồng và dị biệt giữa hai phạm trù triết học giữa Ấn Độ và Trung Hoa để nhận diện thấu đáo hơn về triết lí âm dương Chăm, cũng là tự trang bị cho mình một cái nhìn mới tưởng như đã cũ nhưng đã chìm lấp trong đời thường cần nhìn nhận lại!

Trước tiên chúng ta cần có định nghĩa một cách nhất quán từ Âm-Dương trong Chăm là từ nào và phát xuất từ đâu? Tại sao chúng ta lại mơ hồ về một từ tưởng như luôn gắn liền trong sinh hoạt đời thường cũng như đời sống tâm linh mà đó chính là nền tảng căn cơ để từ đó khởi đầu và xuất phát?! Người Chăm thường dùng cặp từ Tano-Binai để chỉ giống đực và giống cái, không chỉ dùng cho động vật, thực vật, khoáng vật… mà ngay cả dùng để mô phỏng những hiện tượng thiên nhiên. Nói về giới tính con người thì Likei-Kamei để phân định Nam-Nữ, Hadiip-Pasang để xác định vai trò Vợ-Chồng, Ong-Muk để phân biệt vai vế ông bà hay Cei-Nai để chỉ những người nhỏ tuổi hơn cha mẹ mình… Về thực vật thì cây nào có thân gỗ lớn ra hoa kết trái thì gọi là cây cái, cây nào thân gỗ nhỏ ra hoa nhưng không đậu quả thì gọi là cây đực. Nói chung, giống cái thì phải ra hoa kết trái, đẻ trứng hay sinh con; giống đực thì có nhiệm vụ gieo giống hay thụ phấn trong vai trò trực tiếp gây ra nguyên nhân nhưng lại gián tiếp tạo ra hệ quả! Những trường hợp lưỡng tính thì không biết Chăm dùng từ gì ngoài từ nôm na Tưh Tano-Tưh Binai, đàn ông không có khả năng sinh con thì gọi là Kadơ còn đàn bà không đẻ cái được thì gọi là Tatwơr. Trong thiên nhiên mặt trời là dương tự phát ra ánh sáng, mặt trăng là âm bởi nhận ánh sáng để phản chiếu lại. Cũng từ đó ngày là dương đêm là âm, màu sắc nóng nổi bật là dương còn những màu lạnh dịu nhẹ là âm. Trong ẩm thực cũng thế, có những thức ăn thuần dương và ngược lại thuần âm cho nên cân bằng âm dương luôn là vấn để cốt lõi trong vấn đề bảo vệ sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Ngay cả trong lục phủ ngũ tạng trong cơ thể con người cũng mang tính âm dương quyết định tính cách từng người, người to gan lớn mật thường dũng cảm giàu nghị lực còn người có da vàng gân xanh thường hay yếu đuối nhút nhát. Đó là nguyên lí âm dương có thể cảm nhận bằng giác quan mà con người có thể tiếp nhận một cách dễ dàng, nhưng nhiều cảm quan khác lại mang tính quy ước cảm tính hơn là lí tính.

Xương khung chính yếu để trụ vững thân thể của con người thì được gọi là Talang Yor có nghĩa là dương cốt, vật lễ dùng để cúng thần trên thượng giới gọi là Kaya Yor được biểu hiện bằng cách ngửa lên trời, còn Kaya Klơm thì úp xuống đất. Yor Yang là thỉnh mời những vị thần mang tính thần thoại truyền thuyết không xác định rõ nhân thân hoặc những vị vua đã hóa thần từ lâu đời mà ngày nay không ai còn rõ thân thế sự nghiệp. Từ Yor-Klơm này cũng dùng để chỉ món ăn mặn là dương và món ăn chay là âm cho phù hợp với nghi thức cúng tế những vị thần tương ứng. Trong chế tác các vật dụng hàng ngày mang tính kết nối chặt chẽ giữa hai vật thể với nhau thì cái mọng lồi ra là dương, phần lõm vào là âm. Đó là những thuộc tính âm dương trong thường tục, tính chất âm dương chỉ phát huy đúng ý nghĩa của nó qua triết học và nghệ thuật. Ngữ nghĩa âm dương chỉ được xác định khi truy nguyên về nguồn cội, về những gì vẫn còn hiện tồn mà tưởng như đã mất từ lâu một khi chúng ta không còn thiết tha bảo tồn gìn giữ!

Trong nghi lễ đám cưới, người Chăm thường ghi trên phông màn hoặc chúc tụng nhau: “Yak Yum jum pataom”  như một hàm ýmong đôi vợ chồng trẻ chung sống với nhau đời đời. Chỉ tiếc không ai hiểu từ Yak-Yum là gì cả nên sau này được thay bằng cụm từ dễ hiểu hơn:“Rituh thun haniim phwơl” có nghĩa là trăm năm hạnh phúc như bao đám cưới thông tục khác nếu viết bằng tiếng Việt. Yak là tước hiệu của người đàn bà sống đến trăm tuổi, Yum là tước hiệu của người đàn ông thọ được trăm năm như là biểu tượng để chỉ những con người sống trọn tuổi đời của mình mà không gặp một sự cố nào dẫn đến yểu mệnh! Yak-Yum jum pataom có nghĩa là sống đến trăm tuổi mà vẫn đoàn tụ bên nhau, vừa có đủ sức khỏe để sống lâu lại vừa có đầy tình nghĩa để sống bên nhau suốt một cuộc đời. Nguyên nghĩa của từ này xuất phát từ tiếng Phạn, Yab-Yum có nghĩa là một phạm trù âm dương tối thượng phát huy và bảo tồn năng lượng đến mức cao nhất có thể. Cặp phạm trù đối lập nhưng luôn song hành này vừa là điểm xuất phát lại vừa là đích đến để giao hòa, tồn tại và phát triển. Nếu âm thịnh dương suy hay dương thịnh âm suy hoặc cả hai cùng suy thì không thể phối hợp với nhau bền vững, không thể sinh sôi nẩy nở để có sự kế thừa mang tính bền vững trường tồn. Bởi vậy Yak-Yum không chỉ mang nghĩa âm dương đơn thuần mà cao hơn là hợp tính của thái dương và thái âm trong sự hòa hợp trọn vẹn viên mãn nhất.

Sự khác biệt giữa Ấn Độ và Trung Hoa là như thế nên sự định nghĩa về từ cũng phần nào gượng gạo khó khăn, với Chăm thì không có từ nào tương thích mà chỉ có thể tương đương hàm nghĩa. Thay vì dùng từ Tano-Binai hoặc Likei-Kamei thì cặp từ Yak-Yum vẫn đầy đủ ý nghĩa và phần nào chân xác hơn để khái niệm hoặc định nghĩa từ âm dương những khi cần thiết phải sử dụng! Gần đây lại xuất hiện một thuật ngữ mới để chỉ âm dương như là một sự áp đặt không có cơ sở thực tiễn và khoa học. Đó là hai từ Ahier và Awal để chỉ người Chăm theo Balamôn và người Chăm theo Islam đã bản địa hóa được gọi là Bani. Theo tiếng Ả Rập thì Awal chỉ người đến trước và Ahier là người theo sau, căn cứ vào lịch sử thì sai nhưng dựa vào sự tiếp nhận đạo mới là đúng bởi đó là những người cải đạo đầu tiên! Vào giai đoạn cuối của lịch sử khi Chăm suy vong cũng là lúc thế lực Hồi giáo thao túng quyền lực và chi phối hoàn toàn cơ cấu hành chính từ trung ương đến địa phương. Thành phần Awal là người theo đạo nên mặc nhiên đến trước và đứng cao hơn, có nhiều đặc quyền hơn so với người theo sau thấp hơn và dĩ nhiên chịu nhiều thiệt thòi hơn! Trong những dịp lễ thánh thì người Awal có quyền đến những làng Chăm Ahier để ném gà bắt về hiến tế, nhà nào bị mất gà được coi như có phúc vì đã góp phần vào phục vụ thánh Allah tối cao. Biên niên sử hoàng gia cũng phải ghi vị vua đầu tiên vào thế kỉ thứ X là Po Aulwah bởi thời nào thì sử gia ấy nên không có gì phải trách móc giận hờn! Chuyện ngày xưa đã qua và đã xa, thiết nghĩ không nên nhắc lại làm gì vì thời thế đã đổi thay trong khi người Chăm đang sống trong một tâm thế hòa bình vô phân biệt. Người nào đã khởi xướng hai từ này cũng nên cân nhắc suy nghĩ lại, chỉ tiếc người đi sau coi đó như là một tiền lệ để sai lầm tiếp nối sai lầm lẽ ra yên ngủ từ lâu!

Triết lí âm dương Chăm còn được khắc họa rõ nét hơn trong biểu tượng Linga-Yoni như một thực thể mà bất cứ ai cũng có thể ngưỡng vọng và suy nghiệm trong thế giới tâm linh thiêng liêng nhất! Linga là dương luôn hướng lên trời và Yoni là âm nên luôn tiếp giáp với đất. Linga là cái trục để thế giới vận động xoay vần theo thời gian để sản sinh năng lượng, Yoni là cái bệ đỡ để tiếp nhận và thụ hưởng những thành quả từ sự giao hòa mang lại. Đó là hình tượng một chiếc cối xay để chà xát những hạt lúa thành hạt gạo, từ hạt gạo thành tinh bột và dung dịch trắng như sữa ấy là nguồn sống để nuôi loài người. Hình tượng ấy được nâng cao hơn khi Linga là hiện thân của cột vũ trụ vươn lên trời cao để thu nhận tinh túy từ bầu trời vô biên, mang lại sự sống cho Yoni cũng là sự sống trên trái đất. Đó là con đường của đạo trong tâm hồn nhưng biểu hiện thực thể nơi trần gian để con người có thể tiếp nhận và tiếp thu một cách hữu hiệu nhất cho sự tu tập của con người. Trong không gian bó hẹp của một ngôi tháp thiêng liêng, người thiền sư chỉ cần trầm tư mặc tưởng hướng về Linga-Yoni như một đích đến là có thể hòa nhập và hóa thân vào vũ trụ khôn cùng! Khám phá chính bản thân mình, khám phá đất trời để tìm một con đường dẫn dắt tiểu ngã Atman về với đại ngã Brahman như nhất. Trong sự vận hành nhiệm mầu tưởng như bất khả ấy, triết lí âm dương Chăm vượt thoát khỏi mọi định đề mà khoa học có thể lí giải. Bởi đó không đơn thuần mang tính vật chất, đúng hơn đó chỉ là một hình thức phương tiện mà nội dung luôn hàm chứa trong nỗ lực ngộ đạo của từng sinh linh!

Triết lí âm dương Chăm bàng bạc rộng khắp trong văn học nghệ thuật Chăm như là một sự hợp nhất âm dương, một sự bổ dung lí tưởng để tự hoàn thiện chính mình. Nếu đã có Ariya pataow adat likei để giáo huấn một người con trai trưởng thành thì ắt phải có Ariya pataow adat kamei để dạy bảo người con gáitrước khi có gia đình cần được trang bị học tập. Thiếu một trong hai thì đôi vợ chồng không thể thấu hiểu cảm thông lẫn nhau, cùng đỡ đần tương trợ lẫn nhau để đôi uyên ương Yak-Yum jum pataom trọn đời muôn kiếp! Ông cha ta đã để lại cho con cháu nhiều thứ bảo vật gia truyền như một kim chỉ nam để hậu sinh không lạc lối, rất tiếc sự chu đáo ấy không được đón nhận đúng mức! Nếu ông Glơng Anak đã thu hết tàn lực căn dặn chúng ta phải tồn tại bằng bất cứ giá nào có thể, nuôi trâu đóng xe đắp đập khai mương để tự túc tự cường trong bất cứ tình thế nào. Đó là hình ảnh của một người mẹ hiền từ tự nuôi con bằng bầu sữa mình, cho dù nguồn sữa ấy không được phong phú dồi dào dưỡng chất như nhiều bà mẹ khác. Nhưng dòng sữa ấy là sự kế thừa chính thống, được ươm ủ trong tình cảm thiêng liêng mẫu tử thể hiện qua lời vỗ về trìu mến yêu thương truyền đời bao thế hệ. Một khi đứa trẻ ngày nào đã lớn khôn cứng cáp thì dòng sữa ngày nào được thay thế bằng giọt mồ hôi mặn đắng để vươn vai đứng thẳng trong tư thế làm người. Chỉ có con đường văn hóa dân tộc mới có thể cứu vớt bao linh hồn bơ vơ lạc lối về với cội nguồn, về sống trong lòng dân tộc quê hương. Ông Paoh Catwai mang nhân dáng một người cha nghiêm nghị với lời giáo huấn đanh thép, vạch trần dối trá để nhận diện sự thật và phải biết chấp nhận định phận của mình như một lẽ sống! Hai tác phẩm siêu việt ấy đã bổ trợ cho nhau để một người con Chăm không bao giờ mồ côi cho dù trong thực tế đã mất cả cha lẫn mẹ, đã mất mát nhiều thứ nhưng vẫn còn niềm tin là còn tất cả. Triết lí văn chương là như thế, nhạc cụ Chăm cũng biến tấu âm dương trong nhiều phiên bản dị thường! Tiêu biểu là đàn Kanhi của Ong Kadhar hát thánh ca mời thần linh khi hành lễ trên đền tháp Chăm, của Ong Daoh hát táng ca trong đám tang để ru một kiếp người về nơi xuất phát. Không nên nhầm lẫn Kanhi với Rabơp cho dù cấu trúc hai loại đàn tương tự nhau, chỉ khác biệt bầu cộng hưởng của Kanhi làm bằng mu rùa còn của Rabơp bằng trái bầu hoặc gỗ. Chức năng thì hoàn toàn khác nhau, Rabơp cho vui chơi giải trí trần tục còn Kanhi chỉ tấu lên trong thánh lễ mang tính thiêng liêng! Hai sợi dây âm dương chỉ phát ra âm thanh khi con ngựa thời gian tung vó lên đường trên lưng con rùa cụt đầu đang bơi trên biển sữa hồng hoang khởi thủy. Chuyến hành trình chỉ thượng lộ bình an về đích khi cặp ngà của con voi điều chỉnh hai sợi dây âm dương trên cần đàn Linga hòa nhập cùng bệ đỡ Yoni hoan hỉ giao mùa. Sự kết hợp hài hòa ấy không chỉ là sự tương tác giữa những vật thể trong thiên nhiên mang tính quy luật, cao hơn đó là cuộc chơi mà con người luôn là chủ thể mang tính quyết định!

Nói đến triết lí âm dương thì không thể không nói đến hình đồ âm dương mang tính biểu trưng mà con người có thể khái quát một cách cụ thể nhất. Nếu âm dương Trung Hoa là Thái cực đồ gồm hai Lưỡng nghi được phân chia rõ rệt làm hai phần trong một vòng tròn như trong lá cờ của Hàn Quốc thì âm dương của Chăm hoàn toàn khác biệt được gọi là Haomkar. Biểu tượng này khởi nguyên từ Ấn Độ nhưng dần biến thái từ hình thức lẫn ý nghĩa khi du nhập vào các nước khác. Với Chăm càng mang nhiều ẩn dụ sâu sắc hơn khi có thêm số 3 ở dưới và số 6 ở trên, xuyên suốt trên một trục từ dưới lên trên có hình trăng khuyết là âm và mặt trời tròn là dương. Trái đất quay xung quanh mặt trời trong chu kì 365 ngày vận hành qua 4 mùa, mặt trăng quay xung quanh trái đất 30 ngày chia làm hai thời kì thượng tuần và hạ tuần. Chu kì thời gian ngắn nhất vẫn là tuần lễ được chia làm 7 ngày tượng trưng cho 7 hành tinh xoay quanh mặt trời cũng như bảy sắc cầu vồng với những chức năng riêng biệt cùng sự tương tác của nódẫn đến sự sáng tạo và hủy diệt liên quan đến sự sống trên trái đất. Sự sống chỉ hài hòa tương hợp khi có sự cân bằng giữa âm dương, âm thịnh quá thì dương suy và ngược lại cũng như mưa nắng phải luôn thuận hòa để cuộc sống phát triển sinh sôi nẩy nở trong nhịp điều bình thường. Điều kiện tối ưu nhất vẫn là Yak-Yum jum pataom để có sự đột phá và thăng tiến cao và nhanh nhất có thể! Thái âm là lúc Purumi trăng tròn, thiếu âm là Ia bilan abih nghĩa là đêm 30; Thái dương là giữa trưa ngày cao điểm mùa hạ, Thiếu dương là nửa đêm ngày thấp điểm mùa đông. Bởi quy luật của thiên nhiên không phải lúc nào cũng thuận hòa theo ý muốn của con người bởi sự tác động của nhiều vì sao khác trong vũ trụ mà còn chịu tác động trực tiếp trên vùng miền cư trú trên trái đất. Miền Xích đạo thì khí hậu luôn nóng bức, miền Địa cực thì luôn giá rét và chỉ có miền Ôn đới là thời tiết luôn mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể chọn cho mình một vùng đất sống, cho nên phải tùy cơ ứng biến và tùy nghi tiện dụng để tồn tại và sống hạnh phúc!

Một tuần lễ cũng được chia làm hai chu kì: phần đầu từ harei Som Chủ nhật đến But thứ Tư và phần tiếp theo khởi đầu từ But đến Sanưcar thứ Bảy. Thứ Ba harei Angar là ngày âm thịnh nhất và thứ Sáu harei Xuk là ngày dương thịnh nhất được dùng cho ngày lễ Phát mộc trong đám tang Chăm và cũng là ngày quan trọng nhất để tiếp đãi họ hàng quan khách. Tháng 3 Chăm là tháng âm thịnh nhất và tháng 6 là tháng dương thịnh nhất trong nửa năm đầu cộng với tháng 8 dương thịnh trong nửa năm sau được cho là phù hợp nhất trong đám cưới Chăm. Tháng 10 dương thịnh chỉ đặc quyền tổ chức đám cưới cho hoàng tộc và tháng cuối Bilan Puix chỉ được dùng tấn phong cho Quan chức và Tu sĩ, còn Bilan Mak tháng Chạp chỉ là tháng ngơi nghỉ để chuẩn bị cho lễ đón một năm mới Rija Nưgar. Đám cưới trong mẫu hệ Chăm lại tuân theo một quy luật nghiêm ngặt khác vì chỉ được tổ chức trong ngày hạ tuần trăng vì chú rể phải đến ở nhà vợ. Đổi lại phải được tổ chức trong ngày chẵn thứ Tư để Âm Dương luôn cân bằng hòa hợp, và cuối cùng là lễ Talơh akhan aw xả xiêm y vào ngày thứ bảy cuối tuần để bắt đầu một cuộc sống mới. Số 3 và số 6 trong Haomkar Chăm không chỉ mang tính ước lệ như những con số thiêng liêng nhất mà còn là một biểu đồ với những cơ số cụ thể rõ ràng nhất để người Chăm dựa vào đó để bảo tồn phong tục tập quán cũng như hướng đến những điều linh diệu nhất của một kiếp đời! Ngày nay thời thế đã đổi thay nên những quy luật ấy cũng dần mờ nhạt và hình như không còn ai quan tâm trong đời sống tâm linh cũng như đời thường, cứ phán đại số 3 cộng với số 6 thành con số 9 lớn nhất là xong. Vợ chồng cưới nhau không cần phải vào thượng tuần hạ tuần làm chi cho phức tạp, cũng chẳng vào ngày thứ Tư làm gì cho phiền toái bởi thứ Bảy Chủ Nhật cán bộ được nghỉ nên càng đông vui càng manh động hoành tráng hơn. Thôi thì cứ thế!

Nói đến triết lí âm dương Chăm là nói đến những gì đã thất truyền và có nguy cơ tuyệt tự dẫn đến tuyệt tình! Rất may vẫn còn Haomkar Chăm như nhắc nhớ một thời thái bình thịnh trị đã xa bởi Haomkar như một biểu tượng trong triết lí Chăm nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Haomkar được dùng như Baoh Xarak bùa chú linh thiêng mang ý nghĩa toàn vẹn vô thủy vô chung như nhất, mang đến sự an lành tốt đẹp trường tồn đến mọi người. Trong mỗi tập sách cổ Chăm đều được mở đầu và đóng lại bởi Haomkar, trên Linga Yoni hay vật thờ trong đền tháp Chăm cũng vậy bởi đó dấu ấn của bảo vật quốc gia cần được trân trọng và bảo vệ. Nói một cách khác Haomkar chính là quốc huy của Champa, quốc ca của một thời mà hậu sinh Chăm hôm nay không còn nhớ lời để hát…

Panduranga 5/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com