10 thg 10, 2015

TRÀ VIGIA: THIÊN CHỨC




Đôi khi tôi nghĩ vẩn vơ rằng, tại sao mình lại phải viết những điều tưởng như không cần thiết thay vì phải làm những công việc thiết thực hơn trong nhu cầu cuộc sống thực tại. Chăm có quan niệm: Likei di bơng mưsuh, kumei di bơng mưnưk nghĩa là đàn ông sinh ra để chiến đấu và đàn bà để sinh đẻ. Đàn ông luôn hướng ngoại vào môi trường xã hội, nên cần có sức khỏe trí tuệ và lòng dũng cảm để đương đầu với mọi thử thách phải vượt qua. Đàn bà luôn hướng nội trong môi trường gia đình dòng tộc, nên rất cần sự khôn khéo đảm đang và tính nhẫn nại để chu toàn công việc nội trợ gia đình, nhất là nuôi dưỡng con cái để có sự kế thừa bền vững. Chức năng sinh đẻ của người đàn bà thì đàn ông không thể thay thế được nên đó là thiên chức. Chức năng chiến đấu của đàn ông thì phụ nữ Chăm chưa bao giờ gánh vác theo truyền thống và lịch sử. Bởi, đàn ông chiến đấu để bảo vệ phụ nữ và ngược lại, phụ nữ vun quén gia đình và nuôi dưỡng con cái để đàn ông có động lực chiến đấu tốt hơn. Ngày nay, thời thế dù có thay đổi với nhiều hình thái khác nhau nhưng mang tính bổ trợ lẫn nhau. Đàn ông có thể chia sẻ với phụ nữ công việc nội trợ gia đình cũng như phụ nữ có thể tham gia công tác xã hội trong nhiều vai trò quan trọng. Nhưng, dường như sự chuyển biến ấy không là nền tảng của phát triển bền vững, đôi khi gây xáo trộn trong sinh hoạt đời thường lẫn tâm lí tình cảm ngoài sự mong muốn. Trật tự cần được lập lại theo đúng quỹ đạo bởi đó là thiên chức!

Thế thì thiên chức của người đàn ông là gì nhất là với đàn ông Chăm? Đó là một câu hỏi thú vị nhưng rất khó định nghĩa và định hình! Về hình thức thì chức năng ấy vẫn còn nguyên trong chế độ mẫu hệ cho dù có nhiều biến thái nhất định. Đàn ông Chăm vẫn luôn trong tư thế chiến đấu khi phải rời bỏ anh em cha mẹ mình để về xây dựng gia đình vợ với những lạ biệt thủ thách khôn lường. Nếu không thể hiện được tư thế của mình trong việc tạo lập ra nền tảng vật chất lẫn tinh thần thì ắt hẳn anh ta phải lép vế đối với những ai khác có điều kiện hoàn cảnh thuận lợi hơn. Ngày xưa đã xa, môi trường sống dần bị thu hẹp đến nỗi một chỗ cắm dùi thôi đã quá nhiêu khê, nói chi khai thác tài nguyên từ rừng vàng biển bạc đất đồng. Đời sống tâm linh ngày càng thường tục hóa dẫn đến bản sắc văn hóa ngày càng mù mịt, quyền được sống được chết chỉ còn là những khái niệm mơ hồ ma mị. Làng mạc không còn là đơn vị quần tụ thiết yếu để bám trụ và phát triển, đàn ông đàn bà phải bỏ làng rời xóm tha phương cầu thực với những cám dỗ cạm bẫy dễ bị biến chất sa đọa. Mọi người chỉ nghĩ đến miếng ăn tiền bạc, thế là tình người điên đảo, đạo đức suy đồi và thiên chức của mỗi người không còn ranh giới. Sự kế thừa giữa các thế hệ không còn bền chặt, vai trò cha con anh em bạn bè trở nên rời rã vô tâm!

Có một thiên chức cao cả thiêng liêng ngày đang mờ nhạt dần vai trò vị trí của mình trong cộng đồng Chăm, đó là đẳng cấp tăng lữ Chăm (Bramahna). Sự đổi thay của thời cuộc kéo theo nhiều hệ lụy làm đảo lộn sinh hoạt tinh thần và đời sống Chăm không chỉ trong hiện tại, mà kéo dài một tương lai vô định! Nếu giai cấp chiến sĩ (Katrya) bị thoái hóa, giai cấp thứ dân (Vaisya) bị tha hóa thì giai cấp nô lệ (Sudra) ngày càng phát triển mạnh mẽ không thể cản ngăn được. Ai cũng phấn đấu làm đày tớ trung thành để hưởng ơn mưa móc một cách máy móc vô liêm sĩ, sẵn sàng mãi quốc cầu vinh dưới bất kì hình thức nào khả dụng chỉ mong được sống thực vật và động vật. Đôi khi lại hãnh diện và tự mãn vô ý thức trong suy nghĩ và hành vi quán tính được lập trình sẵn, huênh hoang cổ vũ cho những trào lưu đi ngược lại bản sắc dân tộc mình. Đó là một hệ quả tất yếu khi Chăm không còn là một thực thể thống nhất tự chủ, chỉ biết nghiêng đi ngả lại theo chiều gió và ngã rạp trong giông bão. Vấn đề thiết yếu được đặt ra mỗi khi có biến cố, mỗi cá thể trong cộng đồng Chăm có làm chủ được mình để thể hiện đúng thiên chức chứ không phải do xã hội phân công nhất thời.

Chức sắc Chăm (Haluw janưng) là đẳng cấp cao nhất, lãnh đạo tinh thần và chi phối mọi sinh hoạt tâm linh Chăm. Tiêu biểu là Dhya, Kadhar, Mưdwơn và Kalơng với những nghĩa vụ và chức năng khác nhau. Để đạt lên đẳng cấp ấy phải có thiên tư và quá trình tu tập lâu dài về đức độ, trí tuệ và năng lực trong nhiều lãnh vực. Phẩm chất cũng là cơ sở để đánh giá sự đạt đạo và hành đạo của mỗi người căn cứ vào năng lực thiền, để từ đó thăng tiến theo trình tự vai trò của từng người. Lễ Noroja chính là khoa cử để kiểm tra năng lực ấy nhưng lạ thay Thiền đã thất truyền trong giới tu sĩ Chăm từ lúc nào không ai hay. Chỉ thấy ngọa thiền (đih thrwa) như là một nghi lễ tôn giáo mang tính ước lệ chứ không phải để xác định thành quả tu tập của từng người. Từ đó nẩy sinh tranh chấp thương lượng trong nội bộ hoặc cơ cấu bởi chính quyền mang tính áp đặt phe phái. Khi không phải là một thiền sư chân chính có khả năng tiên tri thấu thị thì dĩ nhiên vị chức sắc ấy cũng không gì khác người trong ứng xử cũng như sinh hoạt đời thường mà đơn thuần chỉ mang tính xã hội nghề nghiệp. Hình ảnh cao quý cũng dần mất đi để nhường chỗ cho sự toan tính áp đặt, thiên chức thiêng liêng cũng dần biến thành nhân chức mang tính thị trường dẫn đến bị chi phối và thao túng cho mục đích có âm mưu. Một khi tu sĩ Chăm không còn ý thức được nghĩa vụ cao cả của mình trong đời sống dẫn đạo tinh thần thì quần chúng nhân dân Chăm cũng dần mất lòng tin vào những gì họ bấu vào như là một cứu cánh chứ không là phương tiện. Ngày ấy sẽ là một tương lai đen tối mù mờ đầy khủng hoảng, Chàm sẽ không còn tự hỏi mình ta là ai?!

Ta có thể là ai được nhỉ nếu không phải là Chăm? Mái nhà chúng ta đang ở dột nát đến nỗi có thể thấy cả bầu trời và chết đuối trong mưa. Thiên chức của đàn bà là sinh đẻ, thiên chức của đàn ông là chiến đấu và những người đàn ông Chăm đã chiến đấu với ai? Hay là đang chiến đấu một mất một còn với chính anh em mình, với chính bản thân mình? Chúng ta đang tiến nhanh tiến mạnh về hình thức và lùi nhanh lùi mạnh trong tâm thức. Chúng ta thực dụng nhưng không thực tâm, chỉ nói và làm những gì có lợi cho cá nhân mình và làm hại cho ai đó rất dửng dưng vô cảm. Chúng ta sẵn sàng tung hô và chà đạp một ai đó nếu được thưởng vài đồng bạc lẻ, vài cái xoa đầu vỗ vai ân huệ. Còn ung nhọt mưng mủ ngay trên cơ thể mình thì cứ cho thối rửa bốc mùi, ai ngửi thì ấy chịu không việc gì phải bận tâm. Thiên chức đi liền với thiên tai cũng như nhân chức song hành với nhân tai. Cứ tưởng rằng thiên tai là do ông trời, nghĩ lại xem, con người cũng góp một phần không nhỏ cho thiên tai về đích.


TAGALAU18 trích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com