Bạn tôi mới ra một tập thơ, hay dở gì chưa
biết! Một đời tập tễnh làm thơ thì cũng phải cho ra một tập để lại cho hậu thế
đọc chơi lúc nhàn rỗi, hoặc khi trà dư tửu hậu không còn gì để nói. May có
người làm từ thiện in dùm cho nên cũng đỡ ho, lẽ nào đi vay ngân hàng in thơ,
nếu không thuộc diện lơ mơ thì cũng lờ mờ! Lúc đầu ru đứa con tinh thần trên
tay thì sướng hết biết, về sau nhìn mấy đứa con lóc nhóc bơ vơ chẳng ai ngó
ngàng mới biết rõ khổ! Phải tìm ai đó để tặng, để đọc, để thưởng thức tinh hoa
của văn chương, lay động nhịp đập trái tim loài người đang ngày càng vô hồn vô
cảm. Mà ai biết đọc, còn thú hứng để đọc thơ nhỉ? Tìm một bạn nhậu thôi đã khó
nói chi tìm một độc giả thơ ưu tú chắc chắn còn khó hơn mò kim đáy bể. Cho nên
mới có tụng ca của loài còng! Người ta se chỉ để luồn kim, còn dã tràng se cát
biển đông không biết để làm gì? Thôi thì cứ làm thơ, ai đó dòm ngó biển đông
biển tây cứ mặc!
Tôi cũng thích làm thơ, ru mình và ru
người cho dễ ngủ bởi có quá nhiều người hô khẩu hiệu quấy rầy giấc ngủ. Có một
định nghĩa hơi kì quặc nhưng cũng hay hay, trí thức là những người đang thức,
đang canh giữ giấc ngủ của đồng loại xung quanh. Những ai biết suy nghĩ, biết
nói và dám nói những gì mình biết, những điều nguy hại đến cộng đồng dân tộc
mình. Nếu có ai cắc cớ hỏi rằng Chàm có trí thức không thì rất khó trả lời, ai
cũng tự phong cho mình là trí thức nhưng thật ra chỉ mới là trí ngủ. Họ nằm ngủ
li bì với những cơn mơ chức quyền danh lợi, chỉ ú ớ những lời mê sảng vô nghĩa
khi có ai đó vặn dây cót lên gân hoặc giật dây thọc gậy rối nước rối cạn diễn
trò. Nhiều người ngậm miệng ăn tiền đã đành, vài kẻ cứ mở miệng ra là đòi ăn
tiền, làm như động cơ của con người phải là tiền. Tìm đủ mánh khóe thủ đoạn để
moi tiền dưới bất kì hình thức nào không kể sạch hay bẩn, thơm hay thối miễn là
có tiền. Cứ lấy xã hội làm chiêu bài để tư túi cá nhân, đả phá hạ bệ nhau để tự
phong thần lên thánh một cách nhanh nhất có thể đi tắt đón đầu. Hệ lụy là phải bán
rẻ lương tâm mình, bán rẻ bạn bè người thân và lòng tự trọng dân tộc. Cứ lấy
chuyện điện hạt nhân làm ví dụ, ai cũng biết chuyện hạt nhân là không an toàn
và quá tầm năng lực đối với nước ta hiện nay. Nhưng lẽ nào người có mà ta lại
không có, làm sao sánh vai cùng cường quốc năm châu?! Iran hoặc Bắc Triều Tiên
nào có hơn gì ta, phải có hạt nhân để giựt le và răn đe mấy tên đầu sỏ thực dân
đế quốc ngoan cố trong diễn tiến hòa bình cùng mầm mống chiến tranh. Xây một
căn nhà đoàn kết hay tình nghĩa tình thương cũng dư dôi được mấy chục nói chi
mấy lò hạt nhân hạt tiêu hạt điều. Sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi là được!
Mấy nước đầu nguồn sông Mekong thi nhau xây đập thì ta thi nhau xây lò, hậu quả
ra sao thì tính sau. Cùng lắm thì chết chùm chết lũ, cứ mạnh dạn hi sinh đời
con củng cố đời bố cho chắc ăn. Chỉ tội đám dân Chàm mồ côi luôn sống trong tâm
trạng hoang mang kêu người không hay kêu trời không thấu là cứ nơm nớp lo âu,
sao không thấy tên mình trong sách đỏ?! Còn trí thức trí ngủ Chàm có hay không,
còn sống hay chết lâm sàng thực vật thì chưa thấy tư liệu nào báo cáo thống kê.
Có lẽ phải nhờ một tổ chức Unesco nào đó điều tra nghiên cứu may ra còn để lại
dấu tích trong viện bảo tàng nhân loại, chí ít cũng là hộp đen trong máy bay
lâm nạn để lịch sử cảm thông lưu trữ và phán xét!
Cũng may tôi được đọc một công trình
nghiên cứu về tâm trạng Chàm dưới hình thức thơ. Đây là một thể loại mới cần
được phổ biến nhân rộng trong phát triển văn chương toàn cầu hóa trong một thế
giới phẳng như đại dương. Ban đầu tôi hơi phân vân không biết đây là thơ hay
nghiên cứu, thôi thì cứ ghép đại là thơ nghiên cứu hay nghiên cứu thơ gì cũng
được. Miễn sao có người đọc và thể loại mới này được ghi vào văn học sử thế
giới để con cháu phát huy học tập sáng tạo trong cô đơn. Điều tôi quan tâm
trong đau đớn tươi vui đó là mẫu hệ Chăm hôm nay lác đác vài người đàn bà nhuộm
tóc, không phải để che giấu tuổi già vì lúc đó đang trong hoàng hôn tối mịt!
Cũng không phải trong buổi dạ hội hóa trang vì người đàn bà đang mê mải lượm
lặt từng kí ức nhốt vào đồi quả phụ sau một ngày dài mót nhặt từng hạt thóc đem
về nuôi con. Gã sở khanh năm xưa đang kiên trì làm từ thiện cũng là gom góp về
mình những gì không hề tồn tại và lí do người đàn bà nhuộm tóc cũng là hệ lụy
của những lần làm từ thiện của những sai lầm phiếm chỉ được che phủ bằng những
chất thải làm ô nhiễm môi trường cùng suy đồi đạo đức không thể hóa giải được
vội vàng đặt tên Ma Hời! Thế hệ trẻ hôm nay nhuộm tóc chỉ để làm duyên, đẩy lùi
quá khứ để hướng về tương lai vô định. Chỉ còn lại người đàn bà nhuộm tóc ôm
thực tại với những ý tưởng mơ hồ, loáng thoáng thời gian tủm tỉm cười và người
đàn bà bật khóc! Đâu đó những câu chuyện cổ tích hiện đại về huyền thoại người
rơm cũng lạ lùng không kém. Ngày xưa, bù nhìn rơm chỉ đặt ở ruộng rẫy để canh
chừng hù dọa chim muông khi gần đến mùa thu hoạch. Nay thời thế đổi khác nên
người rơm được trang bị remote điều khiển từ xa không phải dầm mưa dãi nắng, mà
được đặc cách ngồi trong phòng điều hòa máy lạnh êm re như bò kéo xe. Người rơm
gần gật đầu đắc chí ra vẻ hiểu biết thiên thời địa lợi nhân hòa cứ gió chiều
nào ngả chiều ấy thì mới ngộ và nhận câu nói của Pascal, con người là một cây
sậy biết suy nghĩ! Lâu lâu hắn lại lăng lắc đầu ra dáng thương tâm, Chàm vừa ít
vừa nghèo vừa dốt lại còn sĩ diện muốn làm người, làm người rơm như hắn có phải
vinh thân phì gia không? Rõ là một lũ ngu không học hành đến nơi đến chốn, rồi
hắn ré lên cười như vừa khám phá một chân lí vĩ đại có thể tiếp nối thuyết tiến
hóa của Darwin. Hắn thấy tội nghiệp gã sở khanh ngày nào không còn hơi sức để
hành đạo và hắn cười vào thời gian đang khóc mà không biết hai người đang chia
chung một cỗ quan tài oan nghiệt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com