21 thg 11, 2014

TRÀ VIGIA: NẾU CHỮ CHĂM BIẾT NÓI

Ảnh minh họa, nguồn: internet


Mấy hôm trước, tôi có đi dự Lễ ra mắt sách của Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm. Buổi lễ được tổ chức tại hội trường Resort Hoàn Cầu ở phố biển Phan Rang, trang trọng và hoành tráng về hình thức, phong phú và đa dạng về nội dung. Có đủ thành phần tham dự, quan chức chính quyền, chức sắc tôn giáo và thân hào nhân sĩ… Ngoài 4 cuốn sách thuộc lĩnh vực nghiên cứu còn có thêm tập thơ Tụng ca của loài dã tràng của tác giả Trầm Ngọc Lan. Điểm mới đó chứng tỏ UNESCO Chăm không chỉ tập trung vào nghiên cứu, mà còn quan tâm, bao quát cả văn học nghệ thuật nếu có khả năng và thấy cần thiết. Đó là một nỗ lực rất đáng khen và đáng trân trọng! Một thiện ý cũng đáng được ghi nhận, 4 thành viên của TAGALAU được mời tham dự và kèm thêm lời giới thiệu với quan khách, ai có sáng tác phẩm nên gửi về đặc san này vì VĂN HÓA CHĂM chỉ chuyên về nghiên cứu. Chăm rất cần nhiều tập san, tạp chí để phản ảnh và giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em. Vai trò của Trung tâm UNESCO Chăm ngày càng khẳng định và nâng cao, đó là lợi thế cũng là trách nhiệm. Xin được chúc mừng!

Điểm nhấn của buổi ra mắt sách là Giao lưu văn hóa Việt-Chăm, trong đó chủ đề biển đảo được bao quát có hệ thống, được nhiều diễn giả phản ảnh hùng hồn với quyết tâm cao. Khác với nhiều ý kiến cho rằng, quần đảo Hoàng Sa Trường Sa là vô chủ thì ở đây nó đã có chủ và được thay chủ. Rằng, Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc là của Champa. Ngày nay, Champa hội nhập vào Việt Nam thống nhất nên đương nhiên Côn Lôn dương hay Biển đông bao gồm các hòn đảo đó phải thuộc chủ quyền Việt Nam. Nói có sách mách có chứng, ví như Châu Ô Rí là của Champa, Chế Mân đổi đất lấy người là Huyền Trân đời Trần thì Ô Rí đổi chủ Đại Việt là tất yếu ! Người đổi đất hay đất đổi người là lẽ thường tình bởi khi ta ở là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa linh hồn (thơ Chế Lan Viên). Chuyện xưa là thế mà nay cũng thế, trước kia mẹ tôi có 10 mẫu ruộng, sau giải phóng hiến hết cho nhà nước để xây dựng xã hội chủ nghĩa cho chúng ta có cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Tôi lấy vợ cũng được bố mẹ vợ chia cho mảnh đất xây nhà. Hơn 30 năm xây dựng gia đình chủ nghĩa thất bại nên vỡ nợ, nhà làm từ thời bao cấp nên xuống cấp trầm trọng khó mà trùng tu. Đành thôi, nay mai phải chia tay hoàng hôn để đất hóa linh hồn ! Đó là lỗi tại tôi, không thể trách một ai khác. Xã hội luôn công bằng dân chủ văn minh !

Nếu chữ Chăm biết hát thì ta sẽ nghe tiếng hát quen thuộc của làn điệu dân ca, lời ngân nga vần ariya hoặc lời hát ru. Kate ngày càng rộng mở vòng tay, làng Chăm ngày càng rộn ràng tiếng cười giọng hát. Đi đâu cũng cũng nghe bài hát Làng Chăm ơn Bác cùng nhớ ơn Đảng ơn Bác suốt đời ta. Cũng tốt thôi, chỉ tiếc ngày nay Chàm không còn thích hát làn điệu Chăm nữa. Nhiều người ngơ ngác hỏi tôi, làng Chăm mình ơn Bác thế không biết làng Bác có ơn Chăm mình không ?! Tôi bảo chắc là có nhưng còn để trong bụng chưa tiện nói ra, có thời gian và thiên tài mới thể hiện được. Chăm đã để lại một gia sản lớn về văn hóa vật thể và phi vật thể, một rừng vàng biển bạc trời kim cương thì chắc trời không phụ lòng người và người cũng không nỡ phụ lòng trời. Thời thế đã đổi thay nên cần nghe lòng người ý trời cho phải đạo. Chữ Chăm không biết hát !

Chữ Chăm không biết khóc, nếu biết khóc nó đã thét lên, ai đã xóa nó trên trang bìa TAGALAU ?! Triết lý Chăm quan niệm rằng vạn vật hữu linh, mọi vật thể đều có linh hồn cho dù tồn tại dưới hình thể khoáng vật hay thực vật. Một hòn đá vô tri nếu được đặt lên Kut hay Ghur thì sẽ có quyền năng riêng của nó. Tượng thần Shiva, Apsara cũng từ đá mà hoài thai. Cây cối cũng vậy, Kraik là cây lim thần biểu tượng cho quyền lực của vương triều Po Rome, Kraik ngã thì vương triều đổ ! Hoa sứ 5 cánh được cách điệu còn 4 cánh (bingu pak coh) thành quốc hoa Champa biểu trưng cho sự thuần khiết, thiêng liêng và huyền nhiệm của đất trời hòa quyện lòng người. Chữ Chăm cũng thế, Chăm gọi là Bauh Akhar nghĩa là trứng chữ chứ không là con chữ. Mọi sinh linh linh đều từ trứng mà nở ra con, một khi trứng không còn thì con coi như tuyệt chủng ! Như những viên gạch xây nên Tháp Chàm, bí ẩn của kết cấu chính từ từng viên gạch ấy bởi nó có linh hồn, những vật liệu thay thế đều vô nghĩa ! Lẽ ra, Tagalau nên có thêm phiên bản bằng chữ Chăm như một logo thay vì chỉ latinh đơn điệu. Tiếc thay chưa thêm đã mất, xin chia buồn và thành kính phân ưu ! Đêm qua, dường như tôi nghe chữ Chăm khóc thút thít trong cuốn Tagalau tôi để trên đầu giường. Cứ khóc lên đi ôi chữ Chăm côi cút nếu tủi thân tủi phận làm chữ Chàm. Hôm trước, đi ngang qua Ban Biên soạn cũ tôi cũng nghe chữ Chăm rên rỉ thở than trong thềm hoang phế tích. Biết làm sao được ?! Nhìn tập nghiên cứu văn hóa Chăm có đủ chữ Việt, chữ Chăm, chữ Anh, chữ Nhật thấy mà ham. Chữ Chàm thôi cũng phải có người bảo kê giám hộ nói chi nhà hàng khách sạn Karaoke. Có tài trợ hàng tỷ đồng, có giáo sư tiến sĩ cả đống còn than không đủ xài nói chi Tagalau hoang dại không ai tưới tắm. Nghĩ mà thương, em ở đâu Chàm ơi... em ở đâu chữ Chàm ơi... có thể ngày mai anh chết vì nhớ Chàm không chịu nổi ! (thơ Đồng Chuông Tử)

Nếu chữ Chàm biết nói thì nó sẽ nói gì?! Có lẽ nó sẽ im lặng hoặc làm thinh bởi không ai có thể nói thay chính nó. Nhiều người biết đọc biết viết chữ Chăm nhưng không hiểu hoặc hiểu nhầm, làm méo mó chữ Chăm và sử dụng chữ Chăm sai mục đích. Vài người còn mang vác chữ Chăm đi rao bán như bán dạo thuốc Nam để kiếm miếng cơm thừa canh cặn, lại cứ tưởng mình cao siêu sắp đắc đạo đến nơi. Đời luôn có nhiều màn kịch hay nhưng cũng nhiều vở diễn tồi chưa hạ màn đã biết hồi kết. Buồn cũng nhiều mà cười cũng lắm! Kate nay vui bởi đến hẹn lại lên, Tagalau đến mùa lại nở. Số 16 này, hoa nở đầy đặn hơn, tươi tắn hơn, không còn những mục linh tinh vớ vẩn nên có vẻ sạch sẽ quang đãng hơn. Xin chúc mừng các bạn trẻ! Kate tôi năm nay cũng trật tự hơn, ấm cúng hơn, thiếu vài khuôn mặt thân quen và thừa vài bóng dáng không mời mà đến không tiễn mà đi. Ước gì chữ Chăm biết hát... Ước gì chữ Chăm biết khóc, ước gì chữ Chăm biết nói để nói hộ lòng mình. Sống trong cuộc sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?! Để gió cuốn đi... cuốn đi... cuốn đi... (ca từ Trịnh Công Sơn). Và em, và tôi, và ai đó sẽ nhặt lên ôm vào lòng để vỗ về ve vuốt để thấy lòng mình chợt ấm, chợt êm, chợt ái nỗi yêu đời yêu người...


1 nhận xét:

  1. TRÀ VIGIA-Tôi luôn luôn ngưỡng mộ phong thái văn chương của Ông-Nếu có nhiều thời gian ...tôi nguyện sẽ không bỏ sót bất kỳ tác phẩm nào của Ông

    Trả lờiXóa

thach.michelia@gmail.com