12 thg 10, 2014

TUỆ NGUYÊN: VIỄN TƯỞNG CHO NGÔN NGỮ CHAM



1.
Trong diễn từ Nobel văn học 1993, Toni Morrison đã khẳng định, "khi một ngôn ngữ chết, vì sự thiếu cẩn trọng, bỏ phế, thờ ơ, vì sự vắng mặt của lòng qúi trọng, hay vì bị thảm sát bởi qui thuận tán đồng, thì người chịu trách nhiệm cho sự vong phế này, không phải chỉ bà, mà tất cả những người sử dụng ngôn ngữ và làm ngôn ngữ." Với dân tộc Cham, ngôn ngữ Cham chỉ được phổ cập hết cấp tiểu học trong những palei Cham; vị trí của nó bị đảo lộn trở thành ngôn ngữ hàng thứ, sau tiếng Việt. Vậy thì, ai có thể hoàn toàn kết án trẻ con là những người giết chết ngôn ngữ, nếu không nói đến sự chỉ dẫn, góp tay của những thế hệ đi trước; của qui-chế giáo dục định hành; của cơ chế vận hành của nhà nước Việt Nam! Những thế hệ này, có thể là những công nhân viên chức – những người được gọi là trí thức Cham – những cư dân Chàm thành thị trong cuộc giao thoa văn hóa hỗn mang giữa Cham-Việt-Tây-Tàu... mắc chứng bệnh gọi là sĩ diện và học đòi nên thường ví von việc cho con em mình theo học tiếng Phổ Thông sẽ làm cho nó thông minh hơn, lanh lợi hơn là việc gần gũi với tiếng mẹ. Với thái độ lạnh lùng để quay mặt, chối bỏ - họ đã không ngại ngùng ném những đứa con vào nhà trẻ, vào trường điểm ở phố thị để tách biệt với cái nôi của nó, xa lánh những người thân, palei - chốn luôn nâng niu con cháu mình bằng tiếng mẹ. Khi chứng kiến một gia đình Cham có thành viên làm đến đại biểu quốc hội, đại diện cho cộng đồng Cham ở Ninh Thuận nhưng các thành viên trong gia đình lại giao tiếp hàng ngày với nhau bằng tiếng Việt ngay giữa lòng palei Cham, tôi đã rất sửng sốt. Phải chăng buông tiếng Cham khi gặp nhau lại đáng xấu hổ đến vậy sao? Họ quên đi mình là ai chăng? Có một lần tôi gặp một bé gái khoảng năm tuổi ở Caklaing, tôi chỉ thấy em nói tiếng Việt – khi tôi hỏi bé: “Con không biết nói tiếng Cham với bạn sao!” Bé trả lời: “Không, vì ở nhà ba mẹ không nói chuyện với con bằng tiếng Cham.” Đấy! Số phận của tiếng Cham, một viễn tưởng về tương lai không xa chỉ để ta hoài niệm và nói đến.

Phải chăng tiếng Cham là thứ tiếng mà ta đang quay lưng khi trám được vẻ sáng sủa khuôn mặt trong giàu có hay sự tài giỏi; thứ tiếng khiến ta mặc cảm bởi vì nó thuộc sở quyền của đám thiểu số - đám mà lúc nào trong tâm thức của dân tộc lớn cũng dán cho là đám lạc hậu, mọi rợ; thứ tiếng khiến ta to tiếng với nhau để đạp phăng mọi rào cạn và tính ước lệ của luân lý đạo đức thường nhật?

2.
Tiếng mẹ - đó là thứ tiếng để ta bập bẹ, ta thốt lên từ thuở nằm nôi; đó là thứ tiếng mà tổ tiên, ông cha, anh chị em ta đã dùng để bày tỏ tự tình với dân tộc, với quê hương, đôi lứa, con cái... bằng cách khắc nỗi niềm thành chữ viết lên bia đá, gỗ, vải, mành tre, lá buông, trang giấy hay bất cứ vật dụng nào để lưu truyền cho thế hệ sau; đó là thứ tiếng tạo nên phông nền văn hóa, vẻ huyền diệu để dệt lên một vương quốc cổ Champa một thời huy hoàng ở Đông Nam Á, giờ chỉ còn là phế tích ngủ trong tâm thức dân Chàm, và hơi thở của nó đang dần dà thóp lịm trên chính những mảnh đất cộng đồng Cham đang sinh sống; mà có khi biết đâu rằng tự nó đã biến hình và mất trước chúng ta rồi. Và đặt biệt – đó là thứ tiếng diễn tiến một đời sống khác – đời sống tâm linh. Thứ tiếng mà ta luôn giao tiếp bởi câu chuyện trong giấc mơ, trong nghi lễ để làm giáo dân Bà-la-môn, Bà-ni, Islam hay bất cứ tôn giáo, tín ngưỡng nào mà người Cham nhận lễ làm con chiên - trước khi trở về với linh hồn thiêng cổ. Nhưng oái oăm thay, chúng ta có quá nhiều nhân chứng sống nhưng không làm sao nhận diện được cái điều cần nói? Tại sao! Phải chăng chúng ta chưa đủ thẩm quyền để nói về số phận của hơi thở mình đang hấp hối; phải chăng chúng ta còn đợi chờ đến giờ cáo chung về cái chết của ngôn ngữ – sau khi tất cả chìm hẳn trong câm lặng, trở thành một kí ức xa xăm? Có thể lắm! Thậm chí đôi lời của tôi ngay lúc này không cố gây hấn hay cố làm xôn xao - cũng chỉ là thứ tiếng buộc phải lên tiếng, hay chỉ là tiếng thì thầm đủ cho riêng mình – đang cố phát ra hằng mong phá bỏ đi những ước lệ rào cản, những bức tường còn đang thinh lặng.

3.
J.Dournes đã từng nói: “Những yếu tố trung tâm của bất cứ nền văn hóa hoặc văn minh nào cũng là ngôn ngữ và tôn giáo.” Thế mà  giờ đây, tầng lớp tri thức Cham lại đau đáu với số phận ngôn ngữ Cham đang đứng trước vực tử ngữ. Xét riêng về tuyển tập Tagalau: Tagalau sinh trưởng nhọc nhằn suốt 15 kì. Từ kì 1 đến kì 6 - Tagalau phải thay tên đổi họ liên tục để tiếp tục sống sót với độc giả Cham. Từ kì 7 tời kì 15 thì vấn đề trở nên bình thường - Tagalau vẫn khoát chiếc áo và mang thông điệp của mình - bằng cả song ngữ Việt-Cham trên bìa và nội dung. Tới kì thứ 16 - kiểm duyệt xuất bản ngẫu hứng cắt bỏ đi hai từ vô hại: "Tuyển Tập" trên tiêu đề. Vô lí hơn là cắt bỏ dòng chữ Cham, "Ruah Pataom Mânâh Mâlang Roh Duah Lambaong Cam" - giờ Tagalau chỉ còn trơ trơ dòng chữ tiếng Việt: Sáng Tác - Sưu Tầm - Nghiên Cứu Văn Hóa Chăm. Chỉ là một dòng chữ 8 từ nhưng tự nó không có quyền được sống trên một trang bìa tuyển tập thì nói gì đến việc cái cao xa hơn thường được nhắc đến - bảo tồn, phát huy ngôn ngữ Cham? Chỉ là một dòng chữ 8 từ nhưng chúng ta – những người dân Cham – đã và đang sở hữu nó lại không có quyền  định đoạt số phận của nó trên chính tuyển tập của riêng mình, huống gì nói đến việc gìn giữ, phát triển tiếng mẹ đẻ của ông cha ông? Chỉ là một dòng chữ 8 từ với trạng thái đã chết ở Tagalau 16 nhưng đôi lần khi nhìn vào nó, dưới sự sừng sững uy nghiêm của tháp Po Rame – cái quá khứ hiện hữu, kí ức ông cha - cái nói cho chúng ta nhận biết mình, cái cho ta niềm tự hào, nỗi buồn quá khứ, ý thức về sự kế tục – cái được xâu chuỗi, truyền kể thông qua ngôn ngữ - là một sự khoảng trống đau buồn dự báo sự mai một, ngả màu của một ngôn ngữ.

4.
Chúng ta sẽ là ai nếu ngôn ngữ chết? - Không gốc gác, không cội nguồn, tất cả thuộc về Champa sẽ trả lại Champa - cái còn lại chỉ là kí ức mờ ảo. Cái ta tìm thấy lúc ấy chỉ là vài trang báo lá cải về phát hiện, khám phá; vài trang tạp chí lẻ tẻ về nghiên cứu so sánh, đánh đồng; vài pho tượng, phù điêu, cổ vật trong viện bảo tàng, trung tâm nghiên cứu hay chợ đen; những cuốn sách viết bằng đủ thứ tiếng nằm hấp hối trong thư viện, và một dòng máu chạy ngang tim như dòng điện xẹt qua khi ta không đủ sức để phát một từ tiếng Cham cho chuẩn.

5.
Văn hóa Cham sẽ như thế nào khi ngôn ngữ chết? Lúc trước, thuở còn thiếu thời, với những ai được sống ở các plei Cham, vào những đêm trăng thường hay trải chiếu trước sân nhà bủa quanh bà nội để nghe kể về tích xưa: tích kể Po Ina Nâgar sinh ra, lập quốc và dạy dỗ con cháu Cham như thế nào; tích về Po Klaong Garai và tại sao lại có tháp đền thờ ông ở Pandarang; tích về Po Rame;... mà đôi khi trong miên man tìm về kí ức, những bản đồng dao như Ciim Caoh Rataong; Ciim Cak Cak; Kaok; Jalaw Jalai;... được ngâm lên từ cõi vọng. Kí ức thông qua lời kể và những thông điệp của nó giúp chúng ta cảm biết về văn hóa, tộc người và nguồn gốc của mình.

6.
Pamela Serota Cote, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học của đại học San Francisco, cho rằng, “ngôn ngữ phơi bày ý nghĩa về văn hóa và lịch sử, mất ngôn ngữ là mất đi sự kết nối  với quá khứ. Thiếu sự kết nối này, người dân trong một nền văn hóa sẽ mất ý thức về nơi chốn, mục đích và phương hướng. Do đó, mất đi ngôn ngữ sẽ làm suy yếu ý thức của người dân về bản sắc và gốc gác, cuối cùng sẽ nhổ bật rễ toàn thể cộng đồng.” Ngôn ngữ chết thì những kinh nghiệm, triết lí sống, nền tảng văn hóa được cha ông ta ghi chép vào đá, gỗ, lá buông, vải, giấy, ...cũng chết. Bản sắc văn hóa không ở đâu xa, nó được thể hiện qua lối sống, phong tục tập quán, lễ hội trong cộng đồng chúng ta. Nếu không có một phông nền cơ bản về văn hóa, sẽ không thể tạo lực cảm-truyền cho một cảm giác, thái độ và triết lý sống của người Cham. Nếu không có một phông nền văn hóa vững chắc, chúng ta dễ cuốn tan trong dòng hội nhập, giao thoa văn hóa, và dẫn đến cách nhìn lầm lạc về bản thân và tộc mình. Tình trạng độn ngữ, những từ-ngữ Cham từ từ rơi rụng mất thay vào đó là tiếng Việt - chúng ta không còn nhớ, biết nhiều từ để diễn đạt trong văn nói cho lưu loát; và tình trạng cộng đồng Cham nói, viết không thông thảo ngôn ngữ mẹ đẻ của mình cũng xuất phát từ nguyên nhân chính yếu - không ý thức được bản sắc văn hóa của mình.

7.
Vương quốc Champa bị xóa sổ trên bản đồ thế giới vào năm 1832. Vào thời Pháp thuộc, người Cham, những bậc tiền bối vẫn có đủ kiến thức về ngôn ngữ để lĩnh hội văn chương, văn hóa Cham; họ giúp người Pháp làm từ điển, giáo trình dạy và cả việc nghiên cứu kiến trúc, văn hóa Cham. Chỉ cách đây chưa đầy 70 năm nhưng số phận ngôn ngữ Cham lại đang ở mức báo động? Chúng ta không còn nói tiếng Cham trôi chảy nữa. Chúng ta khổ sở với việc phát âm, viết từng chữ cái, từng từ, từng câu, từng dòng bằng tiếng Cham. Chúng ta vẫn to tiếng với nhau khi mà tiếng Cham chuyển thành ngôn ngữ hàng thứ, tình trạng độn ngữ trong ngôn ngữ nói tăng nhanh - và, số lượng người nói và viết thông thảo trong cộng đồng Cham giảm mạnh.

8.
Những người quan tâm đến ngôn ngữ Cham hiện nay chiếm tỉ lệ không nhiều, chỉ một số ít người làm trong lĩnh vực nghiên cứu về Cham; những người làm ở công tác biên soạn, giáo dục tiếng Cham; những người hoạt động bên văn hóa - nghệ thuật; những chức sắc hành lễ; những người lưu vong đau đáu với vận mệnh dân tộc và cả những người âm thầm trong góc khuất của cuộc người còn đọc và viết tiếng Cham. Vì lẽ gì họ còn giữ sứ mệnh của mình với nó? Vì  yêu, vì cần một công việc hay cần cái để vỗ về vết thương của một thời quá vãng. Dẫu có là gì, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi có đủ để cứu cánh cho mọi thứ một khi ngôn ngữ ngả màu, đang dần mất dần đi sự hiện diện của nó trong sinh hoạt đời thường, trong học thuật nghiên cứu, trong chính tâm thức người con dân Cham sử dụng trước sự hỗn dung, thống nhất, hội nhập về chính trị văn hóa. 

9.

Cộng đồng Cham hiện nay vẫn còn nói, viết và ý thức được dân tộc tính qua nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng và những di tích đền tháp dọc suốt từ Amaravati đến Panduranga. Bảo tồn, phát triển văn hóa, ngôn ngữ dân tộc không phải là mảnh đất cho một nhúm người nhân danh quyền độc tôn để chất đống trong thư viện, bảo tàng mà phải được truyền đến tay chính người dân vì hơn ai hết họ là những người lưu giữ kí ức, người truyền đi kí ức, là thực thể đối mặt với nguy cơ hòa trộn và cân bằng giữa quá khứ và hiện tại; giữa nguồn gốc dân tộc và sự đồng nhất quốc gia. Các chuyên gia dự đoán rằng 90% của khoảng 7.000 ngôn ngữ trên thế giới sẽ bị tuyệt chủng trong vòng 100 năm tới khi các nền văn hóa đan xen lẫn nhau và các tộc người sống biệt lập dần biến mất. Đôi khi một ngôn ngữ chết vì toàn thể cộng đồng dân cư của nó chết. Nhưng hãy thử tưởng tượng đến trường hợp ngôn ngữ chết đi không phải vì sự tuyệt chủng theo quy luật, mà bởi sự pha trộn, hỗn dung văn hóa, sự mất mát đó trở thành một bi kịch mang tính cá nhân hơn tất thảy… ít nhất với những ai đang sống trong nền văn hóa ấy. Hãy thử tưởng tượng khi chúng ta không còn kí ức, không điểm tựa để tự ngã về nguồn gốc, không phương hướng để xác định ta-sẽ-là-ai, không tâm thức để nhận biết cha ông mình, liệu thực thể ấy có đáng tồn tại?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com