Khuất Đẩu |
Xin dâng tặng Trà My
Như mọi con sông ở đất Chămpa cũ,
con sông ấy không dài, cũng không rộng.
Nó được sinh ra và lớn lên từ những ngọn núi tròn đầy mà những người theo đạo Hindu tưởng chừng như bầu vú của những con bò cái thánh thần.
Nghĩa là rất mát và ngọt.
Mùa nắng, sông thường nép mình dưới những tàn cây rậm rạp, một đôi lúc lượn lờ quanh những cồn cát trắng phau.
Sông nhỏ bé và hiền từ, nên bọn
con gái thường thả những mái tóc dài cho sông chải chuốt, còn bọn con trai thì
cùng với trâu bò, trần truồng đùa giỡn trong ánh nắng cuối ngày.
Mùa mưa, sông vươn mình cao lớn
đứng dậy, nét mặt đỏ ngầu ngầu.
Có lẽ bực mình vì bị coi thường
và chọc phá, sông ào ạt rượt đuổi bọn họ vào tận các xóm thôn, leo lên tận thềm
nhà…
Nhưng đó là lúc sông có hơi mất
bình tĩnh, chứ thực lòng, sông không hề muốn thế.
Bỡi vì, mùa xuân đến, sông lại
trở nên hiền hậu, thơm tho. Sông lúc này đúng là cái bầu vú căng đầy cho những
đứa con khát sữa, là cơ man những lúa những ngô.
Để nâng cái bầu vú ấy lên cho vừa
tầm với những ruộng đồng trên cao, những người nông dân nghèo ít học đã biết
dùng những ống tre, một đầu đục rỗng, kết nghiêng nghiêng trên những vành xe
khổng lồ gọi là guồng.
Cái guồng ấy quay được là nhờ
dòng chảy của sông. Nó cần mẫn ngày đêm múc từng ống nước nhỏ rót vào một cái
máng dài.
Từ đó, sông phơi phới như được
bay lên, rung rinh chảy vào từng chân ruộng.
Ở vùng đất thấp hơn, người ta bắt
sông đẻ thêm nhánh bằng cách đóng cừ rồi dùng lá dừa, lá chuối, cả những lá
cành con con, bó lại từng bó thả xuống, lèn chặt thành một con đập, gọi là đập
lá hay đập bổi.
Con sông lúc này bụng căng phồng
như một người mẹ đang mang thai. Nó đành phải sang bớt nước cho một con kênh
hay con mương đang há họng ra chờ.
Cứ mỗi đầu mùa, người ta rủ nhau
đi đắp đập, thong thả vác trên vai những bó lá như làm một cuộc dạo chơi. Con
đập vì thế, trở nên xanh và êm mát.
Nhiều ngày sau lá vẫn tươi và cho
dù có bị muôn ức triệu lá cành chặn lại thì sông vẫn cứ chui qua kiểu như con
kiến mày ở trong nhà/ tao đóng cửa lại mày ra đàng nào.
Sông chảy rù rì, như đang rủ rỉ
trò chuyện, hay đang rúc rích cười, chứ không giận dữ quát tháo như lúc băng
mình qua các ghềnh đá.
Cứ thế, sông và người nương tựa
vào nhau mà sống một cách yên ấm đề huề. Cuộc hôn phối không cưới xin ấy tưởng
chừng bền bỉ đến muôn đời.
Người ta làm đẹp cho sông bằng
cách bắc qua mình nó những cây cầu. Từ cầu tre lắc lẻo đến cầu gỗ có mái che,
rồi cầu xi măng và sau cùng là cầu sắt.
Sông có hơi giật mình vì những
bánh sắt nghiến trên đường ray kêu xình xịch và tiếng hú lảnh lói của những con
tàu dài như những con rít khổng lồ.
Nhưng bốn mùa, dù có lúc vơi lúc
đầy, sông vẫn yên bình thênh thang chảy xuôi ra biển.
Sông vẫn xanh, cho dù không xanh bằng sông Danube và đập thì vẫn tươi xanh với muôn ngàn lá.
Cho đến một ngày mùa thu, sông
bỗng đỏ rực hai bên bờ như một rừng phong lá đỏ. Người ta trông thấy giáo mác
lấp loáng và liền sau đó là những xác người bị đập bằng đai cuốc hay những kẻ
bị chết ngộp trong những bao tải.
Những xác chết tấp vào bờ đập,
nhiều đến nỗi chẳng ai đắp thêm lá mà đập vẫn cứ cao lên. Nhưng nước thì không
còn trong và xanh nữa. Sông không còn nghe mùi thơm mà chỉ nghe mùi máu!
Những guồng xe thôi quay.
Những con đập bỏ hoang.
Chỉ còn trơ lại những ống tre khô
và những xương của lá cành đen ngòm.
Sông ngẩn ngơ chảy qua những xóm
làng bị đốt cháy, những cánh đồng hoang hóa xác xơ.
Tuy vậy, cũng đến lúc người ta
thôi bắn giết nhau.
Những xóm làng được dựng lại,
những con đập lá mong manh được thay bằng đập xi măng.
Sông có hơi bực mình, ngày đêm cứ gầm gừ khi phải chui qua những cửa đập lạnh
lùng cứng ngắt. Nhưng dẫu sao, nước cũng đã lại trong xanh và con người cũng đã
lại nghe ra mùi thơm của núi rừng xưa cũ.
Thế nhưng, (lại thế nhưng), một
số người mà bằng cấp và tiền bạc cũng nhiều như lá, cho rằng không thể uổng phí
để sông đem bao nhiêu nước đổ hoài ra biển.
Phải chặn nó lại thôi và biến
nước thành ra của cải.
Từ đầu nguồn, nơi các bầu vú nằm
kề bên nhau, các xe xúc xe ủi được lệnh ngày đêm dời cả một ngọn núi đến ngăn
dòng, biến lũng thấp đồi cao thành mênh mông biển nước, để làm ra điện.
Từ đó, sông trở nên xanh xao ốm
yếu như một người bị bệnh thiếu máu.
Và đêm đêm, người ta nghe dưới
đáy sông rền vang những tiếng chuông.
Không phải tiếng chuông chùa ngân
nga trầm lắng.
Cũng không phải tiếng chuông nhà
thờ giục giã reo vui.
Mà là tiếng chuông rền rĩ lạnh
lẽo, xé lòng đất dội lên nghe rờn rợn.
Không chỉ trong một ngày!
Không chỉ trong một đêm!
Mà cả tháng cả năm!
Đó là tiếng chuông gọi hồn!
Gọi mãi cho đến một ngày, cái đập
tham lam ngu muội kia vỡ toang. Như thể có muôn triệu con bò điên nổi giận phá
chuồng.
Thì đã muộn! Sông và người cùng
chết như một đôi tình nhân nghèo bị bức tử!
Khuất Đẩu
01/10/12
© 2012
pro&contra
Chú thích
ảnh: Sự cố thủy điện Sông Tranh đang khiến dư luận rất lo ngại, đặc
biệt khi động đất liên tục xảy ra tại Trà My, Quảng Nam. Kịch bản vỡ đập đang được thảo luận tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com