Đản sinh Brahma |
Vào
một ngày mùa thu, vài cơn gió heo may đuổi nhau cợt đùa trên thảm cỏ non xanh
mơn mởn. Mùa thu, ừ có lẽ mùa thu thật! Miền đất này chỉ có hai mùa mưa nắng.
Mưa dầm dề lũ quét và nắng như thiêu, như đốt vạn vật. Mùa thu có thật lẽ nào
tôi lại không nhận ra.
Lẽ
nào tôi lại không nhận ra tôi ?! À, tôi thế nào ấy nhỉ ! Tôi có cha mẹ, anh em,
họ hàng, làng xóm, quê hương… Và để nhận diện mọi người tôi phải hiểu mình
trước đã. Làm sao có thể hiểu mình khi đang vui buồn thương ghét, đang hăm hở
đam mê hay đang hững hờ buồn chán và những người khác cũng đang tâm trạng bất
định khôn lường! Tôi chỉ muốn ghi lại những cảm nhận của mình về cuộc đời, về
những tháng ngày tôi đã sống qua, về mùa thu dịu êm có con bướm vàng nhởn nhơ bay
lượn. Có lẽ tôi là người may mắn khi nghe được lời âu yếm của đôi chim dưới vòm
cây đang hót tán tỉnh nhau khúc yêu đương ngọt ngào. Lời thở dài của đất mẹ trở
mình đêm không ngủ và bầu trời cha cuồng nộ quát tháo trên cao. Và lời mùa thu
gọi mời sáng tạo, và nếu tôi không gặp Brahman. Tôi là người may mắn!
Một
buổi sáng tinh mơ, những giọt sương non tơ lấp lánh đón ánh bình minh. Tôi đang
lúi húi pha trà, cà phê cho một ngày mới suy tư, một bóng người hiện ra trước
cửa. Một người lạ, bước chân nhẹ như gió thoảng làm tôi thoáng ngạc nhiên. Tôi
khẽ gật đầu chào mời khách lạ vào nhà ngồi trên ghế duy nhất bên cái bàn cũng
duy nhất. Sớt cà phê làm hai li, rót tách trà nghi ngút khói, tôi ra dấu mời
không nói câu nào. Người khách cũng không nói gì chỉ lơ đãng nhìn quanh. Căn
chòi của tôi quá đơn sơ, diện tích chỉ đủ kê một giường tre, một cái bàn cái
ghế. Một cái kệ vài cuốn sách, một cái giá đựng li tách bát đĩa, vài cái móc
treo soong chảo, lơ lửng cây cuốc cán rìu… Tôi mời anh ta điếu thuốc rồi bâng
quơ đốt một điếu, anh ta xua tay lắc đầu nâng tách cà phê làm một hớp rồi gật
gật đầu an nhiên.
Nơi
đây thi thoảng mới có khách. Một phần tôi ít bạn, nữa là hơi xa chốn thị thành.
Một tuần nửa tháng mới có người nhà mang lương thực lên tiếp tế và xem tôi có
khỏe, sống tốt. Đôi khi vài bạn rẫy đâu đó ghé chơi rồi ai việc nấy. Đời thường
là con người tìm nhau có việc, có mục đích, hơi đâu mà thăm nhau để tâm tình.
Mà có gì để nói với nhau ấy nhỉ? Bạn bè đồng nghiệp thì nói chuyện cơ quan, nhà
nông thì nói chuyện mùa màng thời tiết, con buôn thì nói chuyện đầu tư lời lỗ…
Còn tôi kể chuyện mình ở nơi chốn tôi đang ngự trị. Có người bạn hỏi tôi tại
sao hay kể chuyện có bối cảnh rừng? Đơn giản vì tôi sống trong môi trường rừng,
mang tâm cảm tâm thế tâm thức rừng. Tôi rên hay ho cũng rừng là rừng, không nói
rừng thì biết đâu mà nói. Có một sự phân công nhất định theo quy luật: người
sống ở đâu, sống như thế nào, đang làm cái gì thì nói chuyện đó. Không thể nói
khác nếu không muốn nói gian nói bậy. Còn tại sao tôi lại sống ở rừng chứ không
sống ở phố, ở biển… thì đó lại là một chuyện khác. Tôi còn thích kể về những
giấc mơ và những cơn mê sảng. Sinh hoạt hằng ngày quá đơn điệu tầm thường, xô
đẩy bon chen vì miếng cơm manh áo với bao điều nhỏ nhen vụn vặt, bao tị hiềm đố
kị nghi ngờ.. Tôi chỉ sống trong giấc mơ với những con quái vật dị hình, bay
qua những hành tinh kì bí có những nàng tiên diễm lệ tuyệt trần và tôi nghe mùa
thu đang đến.
-
Xin lỗi ông cho biết quý danh và đến đây có việc gì? Ông thông cảm, ở đây hoang
vắng quá! Tôi tên Viya, Ja Viya.
-
Brahman, ta tên Brahman – Chẳng đến đây làm gì cả, thấy có người nên ghé qua
thôi – Brahman tư lự.
- Ồ,
cái tên nghe quen quen mà cũng lạ – Chẳng có ai tên Brahman cả – Tôi hơi phấn
khích vì sự lạ đó.
-
Cái tên Ja Viya cũng lạ tuy hơi quen – Chẳng có ai mang tên đó cả – Brahman
giọng thản nhiên
Tôi
ngầm quan sát người khách lạ, người dong dỏng cao hơi gầy, nước da ngâm bánh
mật, mái tóc dài hơi xoăn, râu ria tỉa tót có ngọn. Trên người vắt chéo một tấm
chăn vàng nhạt bạc màu phủ xuống dưới đầu gối, đôi chân trần không giày dép.
Mới nhìn đối tượng có vẻ lớn tuổi nhưng nhìn kĩ có vẻ trẻ hơn. Chỉ có đôi mắt
khi nhìn xuống hay nhìn nghiêng mơ màng trông rất hiền từ nhưng khi nhìn thẳng
thì lại sắc như dao, nhìn xuyên thấu qua con người mình vậy. Cái nhìn làm tôi
chột dạ phân vân, không biết người khách cần gì. Tôi gợi chuyện cho thân mật
hơn.
-
Ông ăn sáng với tôi nhé, có cháo trắng với cá khô hay ông uống thêm cà phê pha
sữa. Tôi thấy Brahman hơi gầy nên cần tẩm bổ nhưng Brahman lại xua tay lắc đầu.
-
Cám ơn, không cần. Ta muốn báo cho ngươi biết, đằng sau cái chòi của ngươi có
hai người chết.
Tôi
giật mình kinh ngạc bán tin bán nghi nhưng nhìn vẻ mặt nghiêm trang không chút
cợt đùa của Brahman tôi đâm ái ngại. Nơi khỉ ho cò gáy không người lai vãng làm
sao lại có người chết ngay sau cái chòi của mình. Với lại phía sau là cái
chuồng gà mình mới kiểm tra kĩ tối hôm qua là gì!
- Đi
theo ta – Brahman ra hiệu rồi đứng lên đi trước dẫn tôi về phía sau.
-
Thật lạ lùng, phía sau chuồng gà trên một mô đất cao có hai xác người nằm như
ngủ. Tôi nhìn hai cái xác rồi nhìn Brahman. Có một cái gì đó tương đồng vì họ
ăn mặc giống nhau, cũng một mảnh chăn màu vàng nhạt quấn quanh người. Nhưng tại
sao họ lại chết ở đây và chết lúc nào? Lại có phiền toái rắc rối, chắc phải nhờ
luật pháp can thiệp.
-
Phải báo công an – Tôi lẩm bẩm trong miệng.
-
Không cần thiết – Brahman nghiêm giọng bảo.
-
Đây là hai thân xác không còn sự sống. Người chết không còn cảm giác, tư tưởng
và hành động. Con người sinh ra từ cát bụi và sẽ trở về với cát bụi. Hai người
này là cư sĩ Bàlamôn chết cách đây đã hơn 300 năm nhưng chưa về với đất mẹ. Tại
sao ngươi có biết không? Hẳn ngươi không biết đuợc! Người cư sĩ có vóc cao là
một nhà hiền triết, sở hữu một tư tưởng lớn có khả năng tiên tri thấu thị. Còn
người thứ hai vóc dáng lùn là một nghệ sĩ tài năng sở hữu một kho tàng vô giá.
Tốt, rất tốt! Cuộc sống ngươi ổn chứ? Brahman quay sang tôi ôn tồn.
-
Vâng, cũng tàm tạm sống qua ngày.
-
Ngươi không có khát vọng vươn lên sao, làm giàu chẳng hạn, nuôi dạy con cái nên
người, có địa vị xã hội, được mọi người trọng vọng kính nể .
-
Cũng mong như thế nhưng không có điều kiện. Ông thấy đấy, tôi chỉ có đôi bàn
tay sần chai, một mảnh đất cỗi cằn và… một con tim đau thương.
- Ta
biết, nên cho ngươi một cơ hội tùy ngươi lựa chọn nếu ngươi muốn vươn lên. Tại
sao ngươi lại tự đày đọa nơi này hết ngày đoạn tháng để sống chẳng ra sống và
rồi chết đi chẳng ra chết. Này Ja Viya, hai người đã chết nhưng vẫn chưa chết
được nên vẫn còn nằm sau cái chòi của ngươi, chờ người định đoạt số phận.
-
Vâng, để tôi đào huyệt chôn cất họ tử tế – Tôi nhanh nhảu buột miệng.
-
Không, ngươi hiểu sai ý ta rồi. Rất tiếc! Cái sọ của ngươi não bộ phát triển
kém nên cần bổ sung thêm óc. Ngươi thấy cần thiết không?
-
Vâng, tôi rất mong được như vậy thưa ông.
-
Tốt, rất tốt. bây giờ ngươi có thể chọn một trong ba. Hãy nhớ kỹ để lựa chọn
thích hợp. Cách thứ nhất, nếu ngươi muốn có tri thức thì ngươi hãy lấy dao lột
da đầu người cao. Đây con dao đây của ta rất sắc. Vừa nói Brahman vừa lấy trong
thắt lưng ra một con dao nhỏ có nước thép sáng xanh dí vào tay tôi rồi nói
tiếp.
-
Khi lột da đầu sạch sẽ chỉ còn trơ hộp sọ, ngươi sẽ đọc được những dòng chữ
khắc trên đó. Đọc và hiểu ngươi sẽ biết cuộc đời là như thế nào, con người là
thế nào và quan trọng ngươi là thế nào. Ngươi làm được chứ?
Tôi
kinh hãi, tay chân luống cuống, miệng lưỡi líu nhíu không biết phải nói sao thì
Brahman trầm giọng giảng giải tiếp.
-
Cách thứ hai nếu ngươi muốn có kĩ thuật, công nghệ với những sản phẩm vật chất
cao cấp, phương tiện, công cụ siêu việt thì ngươi hãy phanh thây người lùn,
tháo rời những khớp xương ra. Bộ xương này có chỗ bằng ngà, có khúc là bạch
kim. Trong hộp sọ ống xương toàn mã não kim cương đá quí, từ ngươi chế tác mà tùy
nghi tiện dụng.
Tôi
đang ngơ ngác bàng hoàng thì Brahman tiếp:
-
Còn cách thứ ba, nếu ngươi muốn sở hửu cả hai thì ngươi cứ làm thịt cả hai
người – Brahman gằn giọng vẻ động viên vừa dọa nạt.
Tôi
như người mất hồn không còn hơi sức. Định thần nhìn lại vẫn thấy hai xác người
nằm đó, còn Brahman dáng người mệt mỏi, miệng mấp máy như người đang đọc kinh.
Chợt Brahman ngoái sang tôi nhướng mày hỏi làm tôi giật thót người.
-
Làm được không?
-
Không, không làm được – Tôi lắp bắp.
Brahman
lắc đầu nhìn xa xa.
-
Tiếc, rất tiếc – Rồi lại gật đầu nhìn vào hai xác chết lẩm bẩm.
-
Tốt, rất tốt – Rồi nhìn sang tôi như khẽ mỉm cười.
-
Thế là xong – Brahman kéo tay tôi đứng dậy.
Hai
xác người biến mất, chỉ còn mô đất ở sau chuồng gà. Mặt trời cũng vừa ló dạng soi
sáng cảnh vật núi rừng, đâu đó lảnh lót tiếng chim ca.
*
Đã
nhiều lần Brahman đến rồi đi tôi nào hay biết. Đó là một sự thật hiển nhiên và
có thể chỉ là ảo ảnh không kiểm chứng được. Tôi không thể xác định rõ ràng rằng
có Brahman nhưng không thể phủ nhận không có Brahman vì Brahman luôn có và
không trong tôi, gần và xa bên tôi bất chợt. Tôi biết Brahman từ ngày ấy, tự
bao giờ?!
Chiều
nay tôi phải đi viếng một đám tang người thân chết cách đây hơn năm. Anh ta có
học, có tư cách nhưng rất vất vả trong mưu sinh nên trong con mắt mọi người anh
ta chỉ là một con người tầm thường nhưng với tôi lại khác – Tôi rất quý anh
nhưng sự quý trọng của tôi cũng không giúp anh khá hơn chút nào. Hôm nay, ngày
cuối cùng tiễn anh về lòng đất mẹ, về nơi chốn nào không ai hay biết! Một người
bạn mời tôi về nhà ăn cơm kèm theo chai rượu tâm tình về cuộc người không ngưng
nghỉ. Ngà ngà say, tôi ngật ngưỡng trở lại đám tang chia tay người chết. Tôi
ngồi bên thi hài, yên lặng.
-
Quái lạ! Dàn nhạc lễ tang đâu cả rồi, không một bóng người. Tôi muốn hát tiễn
đưa người bạn lần cuối. Thầy chủ tế là Po Dhia thình lình xuất hiện cất giọng
đĩnh đạc.
- Ai
biết đánh trống Baranưng?
Im
lặng, chẳng một ai lên tiếng. Tôi ngóng cổ dáo dác nhìn quanh, không một bóng
người nào khác ngoài tôi trơ trọi. Tôi đành rụt rè thưa.
- Dạ
có tôi, tôi biết chút ít!
Po
Dhia đưa cho tôi một cái trống cũ kỹ bám đầy bụi, mạng nhện giăng đầy chứng tỏ
nó là vật bỏ hoang từ lâu không dùng đến – Tôi không buồn phủi bụi hay lau vén
làm gì, chỉ biết ôm chặt nó vào lồng ngực chờ lệnh diễn tấu.
-
Baranưng Nau Ikak – Po Dhia hô.
Tôi
vỗ mạnh vào mặt trống vang lên một âm thanh “bụp” khô khốc tắc nghẽn – Mặt
trống đã bị rách toang toác. Có lẽ da trống cũ quá nên đã mục rã theo thời
gian. Tôi đang tần ngần không biết làm sao thì tiếng Po Dhia thúc giục.
-
Baranưng Nau Ikak
Tôi
lại vỗ mạnh mặt trống rách như vỗ vào lồng ngực mình. Chỉ nghe âm thanh lụp bụp
không âm tiết giai điệu, chỉ là tiếng đập thình thịch của con tim liên hồi vô
tận.
- Ai
biết đánh trống Ginơng?
Cũng
chẳng còn ai có mặt nên vẫn là tôi! Cái trống nặng quá, dường như là một thân
gỗ đặc. Tôi cố gắng nâng lên trang trọng đặt mặt nhỏ lên đùi trái chờ lệnh xuất
phát. Po Dhia ra lệnh hùng hồn.
-
Ginơng Nau Ikak.
-
Xaranai Nau Ikak
Tôi
lại phùng mang trợn mắt ra sức thổi nhưng vô vọng. Quái! Xaranai không có một
lỗ nào để thoát hơi. Luồng không khí nén từ lồng ngực ùa ra trào qua hai lỗ tai
phì phò như tiếng rắn hổ mang dọa nạt, có lúc lại vo ve những tình khúc buồn
của con muỗi đêm đen lẻ bạn, khi lại râm ran như tiếng ve sầu vào hè và cuối
cùng rè rè như sóng radio lạc tần số rồi đột ngột tắt cái rụp – Tôi hết hơi.
Po
Dhia nhìn tôi ánh mắt xa xăm thất vọng hỏi:
-
Ngươi còn muốn làm gì khác?
-
Tôi mong được nhìn mặt người khuất lần cuối cùng! Tôi rụt rè ẩn nhẫn van nài.
Po
Dhia giở Takung, một khung tre như hòm trùm lên thi hài người chết – Trong
Takung trống trơn, chẳng có một ai hay một cái gì khác. Tôi chưa hết ngạc nhiên
thì giọng Po Dhia dõng dạc như lệnh truyền.
-
Ngươi không vỗ được Baranưng nên không tu dưỡng được cảm xúc, không đánh nổi
Ginơng nên chưa tôi luyện trong hành động, không thở ra hơi Xaranai nên không
hun đúc nên ý chí. Ngươi còn sống mà như đã chết nên ngươi hãy vào nằm trong
Takung này. Người chết chính là ngươi – Ngươi đang đi tìm chính mình thế là
tốt. Hãy đối diện với chính mình để hiểu cuộc sống này. Ta cho ngươi một quyển
kinh để ngươi sớm giác ngộ, đọc kỹ và hiểu thấu ngươi sẽ biết điều ngươi tìm và
đời sống thực – Chúc ngươi thành công!
Tôi
ngoan ngoãn nghe lời Po Dhia vào nằm ngay ngắn trong Takung tay nắm chặt quyển
kinh mắt trừng trừng theo dòng câu chữ. Bầu trời tối đen, không gian im lặng,
thời gian bất động, tôi cũng chỉ là một chấm đen vô hình vô tướng trên vectơ vô
thủy vô chung. Không ai biết cuộc đời là trăm năm hay vô thường. Tôi lẩm bẩm
đọc và suy.
-
“Ngươi không thể lớn hơn đại vũ trụ khi ngươi không biết đại vũ trụ lớn dường
bao, ngươi không thể nhỏ hơn tiểu vũ trụ khi ngươi không biết tiểu vũ trụ nhỏ
dường nào! Ngươi biết chăng nguồn sáng nào sáng nhất, nguồn tối nào tối nhất?
Không có màu nào đỏ hơn màu máu trong trái tim người đang hồng hộc sự sống và
không có màu nào đen hơn màu máu trong trái tim người đang lụi tàn sự chết. Gió
sẽ thổi khi ngươi xúc cảm, gió sẽ ngưng khi ngươi vô vọng. Hãy biết rằng chỉ có
mình đa mang, cưu mang thế giới này dù lớn hay nhỏ, đỏ hay đen, sáng hay tối…
không chờ một ai khác ban ân hay bố thí nâng đỡ. Hãy gánh nặng nhẹ, nhiều ít,
vui buồn và bước đi từng bước rồi ngươi sẽ chuyển động và thế giới này chuyển
động sinh động sinh sôi nảy nở… Ngươi hãy lớn hơn Takung này để ngươi có thể
đường hoàng bước ra. Ngươi hãy nhỏ hơn Takung này để ngươi có thể ẩn tàng vĩnh
viễn. Không một nhà tù nào có thể giam hãm được ngươi cũng không một thế lực
nào có thể nghiền nát được ngươi khi ngươi hóa thân đồng nhất vào đại thể vũ
trụ trong sự xác tín thiêng liêng thấm đẫm tính người.”
Tôi
càng đọc càng rối mù, không biết đâu là khởi đầu là kết thúc. Đặt quyển kinh
lên ngực tôi thiếp đi mơ màng không thực. Tôi đã chết! Một vùng sáng hiện ra,
tôi thấy Brahman – Brahman đã giở Takung lên cứu tôi thoát ra thế giới thực.
Tôi ngờ ngợ Brahman chính là Po Dhia biến hình! Brahman vỗ vai tôi khích lệ rồi
dìu tôi ra ngoài ôn tồn bảo.
-
Ngươi cần phải học, còn phải học nhiều điều. Sự sống quý giá biết bao thế mà
ngươi hoài phí. Tôi ngượng ngùng cúi mặt băn khoăn, ngước lên Brahman đã đi mất
lúc nào không hay.
Tôi
không hiểu mình là ai làm sao có thể hiểu người khác nói chi đến hiểu Brahman!
Vào một đêm tối trời giông bão sấm sét thét gầm. Từng cơn mưa như trút nước gây
nên từng trận lũ quét kinh hồn mù trời mịt đất mấy ngày đêm không biết nữa –
Vạn vật chìm lấp hoặc nổi lềnh bềnh trong dòng xoáy sóng cuộn không biết đâu là
bờ bến – Chỉ thấy mênh mông một biển nước lấp loáng đại hồng thủy thuở hồng
hoang. Tôi cố bám chặt lấy thân cây khô nhấp nhô bấu víu sự sống. Ôi! Sự sống
quý giá biết bao – Chỉ trên thân cây này thôi cũng đã có biết bao nhiêu sinh
linh đang tìm mọi cách để tồn tại duy trì sự hiện hữu của mình. Một bầy kiến
leo lên người tôi cấu xé, mấy con bọ cạp, rắn rết cũng chạm nọc vào tôi tranh
giành chỗ đứng – Một con ba ba nổi lên hi hí mắt nhìn tôi diễu cợt – Một con cá
sấu quẫy mạnh cái đuôi làm thân cây chòng chành suýt vượt khỏi đôi tay tê dại
dường như không còn là của tôi nữa! Bỗng một bầy đười ươi ở đâu bơi lại bám vào
thân cây, cái phao cứu sinh như muốn chìm xuống bởi không kham nổi sức nặng của
bầy đàn. Chúng nhìn gườm gườm rồi bất ngờ xô đẩy, đấm đá túi bụi tôi tới tấp.
Con sâu con kiến cũng đáng sống, tôi hiểu điều đó nhưng chúng đang muốn loại
trừ tôi ra khỏi cuộc chơi, cuộc chiến sinh tồn. Tôi cũng muốn sống sót nên cũng
phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhưng tôi đang đuối sức – Mấy ngày đánh
vật với sóng nước làm thân thể tôi rã rời rồi lại mệt lả vì đói khát, mấy lần
muốn ngất đi nhưng tôi cố định thần tỉnh táo. Phải sống với bất cứ giá nào! –
Một con đười ươi gian manh lặn xuống dưới bất ngờ kéo chân, một con gỡ tay, một
con đạp mạnh vào người tôi – Thế là tôi chới với rời khỏi thân cây bồng bềnh
trôi vô định. Chết là hết, không còn gì phải lo lắng ưu phiền! Nhưng không. Tôi
cảm thấy thân xác băng lạnh đơ cứng của mình như đang ấm dần lên, mềm nhũn trở lại.
Tôi mở mắt lờ đờ nghe ngóng. Ai đó đang hơ lửa sưởi ấm tôi và chẳng ai khác
ngoài Brahman. Thấy tôi tỉnh lại, vẻ mặt Brahman thoáng giãn ra mừng rỡ, với
tay lấy chiếc khăn ướt lau mặt và khắp thân người tôi. Đâu đấy đỡ tôi ngồi dậy
uống li sữa nóng pha sẵn tự lúc nào. Tôi biết mình vừa thoát chết sau mấy ngày
giành giật sự sống với cơn sốt rét rừng. Lưỡi hái tử thần quanh đây luôn rình
rập, tôi đã nhiều lần ngã gục và đã nhiều lần tự vực dậy vươn vai bước đi. Tôi
muốn sống!
Tôi
có một cái nhìn khác hẳn về cuộc đời từ khi biết Brahman. Với tôi Brahman là
một người bạn, người anh khi luôn san sẻ cùng tôi những khó khăn hoạn nạn buồn
vui đời thường. Sẵn sàng định hướng chỉ dẫn tôi những sai lầm thiếu sót trong
vai trò người thầy khoan dung nhưng nghiêm khắc. Luôn bảo bọc che chở tôi trong
cơn cùng khốn nguy nan, sa cơ thất thế. Brahman là tất cả vừa không là gì cả,
gần mà xa, thân mà lạ. Hiện diện khi tôi cần và vắng mặt khi tôi không. Brahman
đôi khi rất đỗi bình thường thân thiện nhưng nhiều khi lại quá phi thường xa
cách. Tưởng rằng hiểu thấu và biết rõ Brahman hôm qua nhưng hôm nay đối mặt lại
khác hẳn và ngày mai sẽ khác hơn theo đà tăng tiến nhận thức của mình. Brahman
là như thế, luôn biến hóa và định hình tương ứng với không gian và thời gian
thích hợp, tồn tại trong từng đối tượng giác ngộ và nhạt nhòa trong màn đêm
bóng tối mê muội ngu si!
*
Vào
một ngày cuối thu, tôi nghe Brahman kể: Cách đây hơn năm trăm năm, một ngọn lửa
thiêng đã phá kinh thành Sribinưy. Lúc đó Brahman chỉ hơn một tuổi, đang khóc
thét lên trong cơn hỏa hoạn giữa sống và chết. Một vị đạo sư đi ngang qua đã
kịp thời cứu thoát và nuôi dưỡng giáo huấn Brahman để có mặt đến hôm nay. Vị
đạo sư đó Brahman gọi là Guru và tên Brahman là do Guru định danh từ đấy.
Tại
sao lại là Brahman, Brahman là gì? Brahman giảng giải: Từ buổi khai thiên lập
địa khi con người nguyên thủy có mặt sống bằng nghề săn bắt hái lượm và luôn lệ
thuộc vào môi trường thiên nhiên. Dần dà hình thành bộ lạc có tổ chức, cơ cấu
xã hội có chính quyền, hệ thống giáo dục để học tập tu dưỡng cao hơn để khám
phá và sáng tạo. Đỉnh cao nhất có thể đạt được là Brahman! Con người bắt đầu
thuần hóa gia súc, nuôi gia cầm, khai hoang ruộng rẫy trồng trọt, đắp đập ngăn
đê đào ao thả cá… chủ động tạo nguồn lương thực thực phẩm làm chủ cuộc sống của
mình. Bản chất của sự khai phá là hủy diệt, chinh phục tự nhiên và biểu tượng
của sự hủy diệt ấy là Shiva. Đối tượng của Shiva là đông đảo quần chúng nhân
dân có chức năng sản xuất của cải tiêu dùng phục vụ nhu cầu cuộc sống trường
tồn. Đến giai đoạn con người chinh phục đồng loại để phân chia giành giật đất
đai rừng núi mưu cầu lợi ích cho riêng mình, đấu tranh để dựng nước và giữ
nước. Con người phải chém giết lẫn nhau để phát triển và cơ may cuối cùng để
tồn tại là kế thừa. Bản chất của kế thừa là bảo tồn, duy trì nòi giống bản sắc
và biểu tượng của sự bảo tồn ấy là Vishnu. Đối tượng của Vishnu là giai cấp quý
tộc có đủ năng lực quản lí điều hành, bảo vệ an ninh tổ quốc. Khi đã có một nền
tảng vững chắc lâu dài, con người sẽ tự khám phá chính mình và những lực lượng
siêu nhiên, hoá giải sự tương giao giữa muôn vật, sự liên đới giữa đồng loại
với nhau. Bản chất của khám phá là sáng tạo, sáng tác và từ đó tác phẩm nghệ
thuật ra đời và biểu tượng của sự sáng tạo ấy là Brahman. Đối tượng của Brahman
là tu sĩ, nghệ sĩ, triết gia. Nền văn minh, văn hóa của một dân tộc chỉ có thể
tiếp cận, tái hiện qua lăng kính đó nên Brahman là đỉnh, Brahman là vực sâu,
Brahman là mặt bằng ẩn hiện trùng trùng lớp lớp. Brahman là nguồn sáng và bóng
tối ẩn mật! Từ bên ngoài nhìn vào ta chỉ thấy Shiva, đàng sau Shiva là Vishnu,
đằng sau Vishnu là Brahma và từ bên trong nhìn ra thì ngựơc lại. Brahma có trụ
vững thì Vishnu mới định vị, Vishnu có định vị thì Shiva mới sung mãn tương tác
với ba giai tầng xã hội đương thời. Tam vị nhất thể được định hình qua Shiva ba
đầu sáu tay nhưng trong Shiva có Vishnu và Brahma. Nơi hình tượng Vishnu có
Brahma và Shiva, cũng là đàng sau hình tượng Brahma có Shiva và Vishnu biến
hình luân chuyển. Bởi vậy Shiva hiện hữu khắp nơi, là bước đi đầu tiên để xác
định sự tồn tại phát triển vươn lên cấp độ Vishnu mà đỉnh điểm là Brahma và
người đạt điểm muón đến là Brahman vậy. Brahman là tập đại thành của văn hóa
Champa, là tâm hồn tính cách Chăm, là sự sung mãn trong việc kế thừa truyền thống
sáng tạo. Do đó Shiva – Vishnu – Brahma luôn tam hành trong vận động và hợp
nhất trong tĩnh tại, luôn gắn bó hữu cơ trong mọi hình thức xã hội trong từng
cá nhân, giữa người với người, và con người với thiên nhiên. Giao thoa hiện
thực với tâm linh, sống và chết.
Cũng
vào ngày cuối thu năm ấy Brahman đã nói với tôi về sự kế thừa.Vâng! Kế thừa từ
Brahman, kế thừa sáng tạo! Brahman kể tiếp:
-
Brahman là chủ thể tự do tự tại, đó là sự thăng hoa sáng tạo thuộc dương tính.
Người đạt đạo có thể truyền đạt tinh thần Brahman đến một đối tượng khác được
gọi là Guru. Âm tính của Brahman là Dari, biểu tượng của nữ thần nhục thể vợ
Brahman. Đó là sự trì níu thụ hưởng để kết tinh vật thể hữu hình, yếu tố không
thể thiếu trong tiền đề cấu thành sự sống và là mầm mống của nghệ thuật
–
Hậu duệ của Dari là Giri vợ của Guru, đối tượng của thử thách cám dỗ trong quá
trình tu dưỡng tôi luyện sáng tạo nghệ thuật và là chuẩn mực của nền tảng đạo
đức.
-
Thưa ngài! Tôi đã sức cùng lực kiệt nơi thân xác, đầu óc không còn sáng suốt
tỉnh táo để nhận thức điều phải trái, con tim không còn rung động để phân biệt
thiện ác. Tôi không có Guru dạy bảo, không biết đâu là Giri để học hỏi, không
còn đường để đi, đích để đến, bến để đậu… Tôi chỉ biết ở tại nơi đây, cuốc xới
mảnh đất này để kiếm miếng ăn áo mặc. E rằng những lời ngài nói cao xa quá thưa
ngài.
-
Ngươi nói đúng, ngươi không còn gì cả, ngươi không làm được gì nếu ngươi luôn
nghĩ như thế và mãi nghĩ như thế! Ngươi còn sống đấy chứ?
-
Vâng tôi còn sống, còn đang thở dù hơi thở yếu ớt mất sinh khí, không động
lực…!
- À
ra thế! Ngươi phải biết quý mạng sống của bản thân mình, mạng sống của người
khác. Ngươi còn có vợ con, anh em, người thân, bạn bè, láng giềng, quê hương và
rất nhiều thứ khác. Nếu ngươi biết quí trọng những thứ đó thì cuộc sống này
đáng quý, đáng sống biết bao! Ngươi có thuộc vài câu ariya? Ngươi có thích nghệ
thuật?
-
Vâng, tôi có đọc vài ariya như Glơng Anak, Pauh Catwai… nhưng không hiểu rõ
lắm!
-
Không sao, ngươi hãy tự khám phá trong kiên nhẫn và đam mê với chút tự tin. Đến
một lúc nào đó ngươi hiểu và giúp người khác cùng cùng hiểu thì khi đó ngươi là
Guru có đủ sức mạnh và sứ mạng thật sự. Đó là sự kế thừa! Đó là căn bản của
những căn bản ngươi cần trang bị – Còn vị Giri để học hỏi ngươi không phải lo,
đệ tử của Giri có mặt trên khắp thế gian này để ngươi nhận diện và phản diện.
Ngươi còn khối thời gian và không gian để tôi luyện. Hãy bắt đầu từ bây giờ,
một nụ hoa đẹp không mãi tươi, ngươi nhớ lấy!
-
Nhưng bắt đầu từ đâu ạ, thưa ngài?
-
Bắt đầu sự tồn tại của bản thân mình. Ngươi đã mất tất cả, sức sống, niềm tin,
hạnh phúc và quan trọng hơn cả là sự kế thừa. Ngươi phải tìm thấy mình để thấy
tất cả. Hãy khởi động!
Vâng!
Tôi đã khởi động trong tư thế người bệnh mới ốm dậy với những bước chân run
rẩy, mò mẫm trong bóng đêm nhợt nhạt để xác định hướng đi. Những dấu chân của
Brahman không in lại một chút vết tích. Brahman nói: khoa học thúc đẩy con
người vươn tới vận tốc ánh sáng nhưng Brahman tìm sự đa dạng trong một thực thể
định hình. Mỗi người tự thân tìm đến Brahman tự do tự tại, không giáo điều,
không áp đặt, không khủng bố… Không có gì mất đi và cũng không có gì tồn tại
mãi, trăng khuyết lại trăng tròn, tròn lại khuyết. Khoa học cho con người tiện
nghi nhưng cũng cho con người ô nhiễm. Khoa học giúp con người thực nghiệm
nhưng cũng khiến con người dần mất đi linh nghiệm. Thuốc men mãi truy đuổi vi
trùng như lòng tham truy tìm dục vọng. Mặt trời không thể bị che khuất bởi mây
đen như tội ác không thể ẩn giấu bởi ngôn từ hoa mỹ. Không nên che giấu một tội
ác bằng một tội ác khác. Nhân nào quả nấy, cái gì cũng có giá để trả. Kẻ giết
người không phải đền tội bởi luật pháp mà là sự thú tội chân thành, lòng ăn năn
hối cải với vong linh người chết! Hãy trả cho Brahman những gì của Brahman nếu
ngươi muốn làm người hiểu được ý nghĩa của sự tồn tại thanh thản và thăng hoa.
Từ đó, ngươi mới biết được cội rễ của mình để nẩy mầm đơm bông kết trái con
cháu ngươi có cơ may kế thừa vững chãi. Đừng hô hào chém giết nữa vì đó không
phải là thuộc tính của con người, đó là thuộc tính của thú săn mồi, của động
vật hoang dã. Ngươi không thể, không nên hiếu sát man rợ, mưu mô toan tính mãi
được. Hãy về với Brahman. Heleh!
*
Cũng
vào một ngày mùa thu – Mùa thu của những chiếc lá vàng rơi, ánh mặt trời cũng
dịu dần sức nóng. Brahman lại đến với vẻ thân mật khác thường.
- Ta
sắp đi xa, không còn dịp gặp ngươi nữa!
-
Người phải đi đâu, sao lại phải đi? Chúng ta còn nhiều điều chưa nói, nhiều
việc chưa làm…
-
Không cần thiết nữa không cần nói nhiều, không cần làm nhiều nữa nếu ngươi
không biết cần phải nói gì làm gì. Cái cần nói là để chúng ta hiểu nhau, giúp
nhau tìm đến chân thiện mỹ, xác định được điểm đến. Cái cần làm là để chúng ta
thương nhau, gần nhau, nương tựa nhau, san sẻ gánh vác buồn vui sướng khổ cuộc
đời. Hôm nay mọi sự đã đổi khác, xem ra không có điểm dừng nói gì đến điểm xuất
phát. Nguồn sống là mặt trời, sự sống trên thế gian này sinh sôi nảy nở từ năng
lượng của mặt trời. Những ý niệm, tư tưởng căn nguyên đều mọc từ hướng đông, đã
đang kết cô đặc dạng vật chất lặn về hướng tây và sẽ ngày càng xa rời nguyên
thủy. Con người cứ tưởng rằng đang đạt đến tột đỉnh văn minh trong hưởng thụ
vật chất mà thật ra đang rời xa bản thể tinh thần. Đó là sự trỗi dậy của dục
vọng, ngóc đầu của thú tính trên đà trượt của đạo đức suy đồi, sói mòn trí tuệ
đính kèm lệch lạc bản năng. Không cần thiết nữa, chúng ta đi chơi, đi dự tiệc
trần gian nồng nàn hưng phấn. Đi thôi!
Dưới
mái hiên tòa lâu đài pha lê rực rỡ, từng chùm đèn laser phản chiếu lấp lánh kim
cương vòng vàng nữ trang và xiêm y các bà mệnh phụ. Mùi thơm phưng phức của đủ
loại nước hoa sang trọng không đủ át mùi gia vị đang lèo xèo trên bếp lửa. Mùi
thịt đánh bại tất cả, luôn chiếm lĩnh khứu giác muôn loài. Một con voi sữa quay
vàng rợp bên một con cá sấu nướng trui đen thui thùi lùi đang há mõm về một nồi
súp phượng hoàng sôi sùng sục. Những chai rượu Tây, những vò rựơu Tàu lâu năm
đặt trên những ché rượu cần Tây nguyên san sát như muốn thách thức bản lĩnh của
loài người siêu việt. Những cô tiếp viên xinh như mộng trình diện thời trang
đẹp như mơ được làm bởi một thứ vải đặc biệt mới được cấp bằng sáng chế độc
quyền. Ưu điểm của loại vải này là vừa mỏng nhẹ mềm mại nhưng rất bền chắc,
không cần giặt và đạn bắn không thủng. Nó hữu hình mà như vô hình, có mặc đấy
mà như ở truồng, không chỗ nào chê được! Các cô nàng lăng xăng đon đả mời chào
rất duyên dáng lịch sự. Khách khứa nhiều thế mà không hề đụng chạm bất kì ai.
Thánh thật! Brahman dẫn tôi đến chỗ quý ông tai to mặt lớn bụng bự ra dáng quí
tộc và chào hỏi như đã thân quen từ lâu. Rượu vào, thịt vào, lời ra, bia chữa
lửa. Mọi người vui vẻ đoàn kết, ôm hôn nhau thắm thiết mới biết thiên đường
trần gian là có thực! Không ngờ tửu lượng của Brahman lại cao đến thế. Ai mời
cũng cụng, cũng húc nhiệt tình như mới nâng lần đầu và cũng là lần cuối. Tiếng
cụng li húc bát như tiếng pháo nổ sấm rền đầu năm báo hiệu một cuộc sống an
bình, thịnh vượng. Brahman vẫy tôi đến gần một ông oai vệ nhất ra dáng một thủ
lĩnh bảo tôi cụng li chúc tụng. Tôi thật có diễm phúc, từ thuở cha sinh mẹ đẻ
đến giờ chỉ quen cày cuốc chân lấm tay bùn nào đâu được ân huệ lớn thế này.
Khóe mắt tôi cay cay, không hiểu vì quá xúc động hay vì say, Có lẽ tôi say thật
rồi! Brahman bá vai quàng cổ ông lớn ngả nghiêng và cả hai cùng cười sằng sặc,
vung tay đá chân coi như thế giới này không còn ai khác, nếu có chăng chỉ là
một lũ côn trùng vô dụng, không đáng đếm xỉa. Bất ngờ Brahman lột mái tóc ông
lớn ra trơ một con cái đầu trọc lóc. Brahman xoa xoa vuốt vuốt cái đầu như sọ
dừa, ông lớn cũng xoa lên cái đầu của mình rồi hai người bắt tay cười ha hả,
tiếng cười quá tải chỉ nghe dư âm òng ọc trong cổ họng như heo bị chọc tiết
nhưng vẫn là tiếng cười mồn một. Tiện tay Brahman giật phắt cái tai to thì rơi
ngay cái mặt nạ bằng da người và ông lớn liền có ngay một bộ mặt khác, lột tiếp
lại hiện ra một khuôn mặt mới như một trò ảo thuật kinh dị làm tôi quá đổi
hoang mang không biết mặt nào là thật của ông. Dường như trò đó đã nhàm,
Brahman lột găng tay của ông ra lòi một bàn tay trắng muốt mủm mỉm, lột tiếp
thì thò ra một bàn tay lông lá đầy móng vuốt, lột nữa là một bàn tay có móng đề
như móng ngựa. Lột giày ra là một bàn chân với những ngón cong cong dị dạng,
lột nữa có dáng như chân chim, lột tiếp lại giống như chân thằn lằn. Thật không
biết đâu mà lần! Chỗ này chỗ kia rổn rảng tiếng cười, nhiều giọng cười quái
đản, tốp nào cũng có trò chơi riêng mình, phong phú đa dạng, đa văn hóa nhiều màu
sắc. Xôm tụ nhất là nơi bà mệnh phụ đẹp nhất từng được phong là hoa hậu hoàn vũ
vĩnh cửu, huy chương nữ thần vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Brahman dẫn
tôi vạch đám đông chen vào. Đúng là một người đàn bà đẹp hơn những người đàn bà
mà tôi được chiêm ngưỡng. Nàng có vẻ đẹp tự nhiên không trang điểm son phấn
nước hoa mà mùi hương hoa nhài cứ phảng phất dịu êm. Ồ! Vẻ đẹp nàng mới thánh
thiện làm sao. Nàng chìa bàn tay ra hiệu mời tôi hôn tay nàng. Thấy tôi chần
chừ nàng chìa bàn chân ra mời gợi quyến rũ làm sao! Sức hút của nàng còn mạnh
hơn từ trường trái đất khiến tôi điên đảo cứ muốn lao về phía trước theo quán
tính nhưng Brahman đã kịp ghìm tôi lại. Giọng Brahman ôn tồn.
- Bà
ta là Giri, người mà ngươi muốn gặp để học tập, tu dưỡng và tôi luyện nhưng lúc
này ngươi chưa đủ công lực để tiếp cận nếu ngươi muốn trở thành Guru. Nghệ
thuật trang điểm của bà ta đã đạt đến đỉnh cao đến nỗi ngươi không phân biệt
được đâu là thực giả. Trang điểm mà như tự nhiên, toan tính mà như vô tư, tục
lụy mà như thánh thiện. Hì hì! Người xem đây… Brahman giơ tay búng một cái. Mái
tóc dài mượt mà óng ả Sunsilk rơi xuống còn lại một ổ rơm nhếch nhác, đôi mắt
long lanh nai tơ bừng bừng sát khí, đôi môi hồng tươi băm lại dưới hàng ria mép
hung hãn như muốn nuốt chửng người đối diện. Tôi kinh hồn lạc phách chực bỏ
chạy thì Brahman níu lại, vỗ tai tôi trấn tĩnh thì thầm:
- Để
xem, xem đã! Không có gì phải vội, phải sợ. Một mùi tanh ghê ghê, là lạ mà quen
quen.Tôi ghé tai nói nhỏ với Brahman.
-
Dường như bà ta đang trong thời kì kinh nguyệt không đều. Mùi hoa nhài đâu rồi
nhỉ?
-
Không phải! Đó là mùi tinh dịch, bà ta dùng quá nhiều tinh dịch để làm đẹp và
để đạt mục đích của mình nên trở thành mùi đặc trưng của riêng mình. Ngươi hãy
nhớ lấy, nhớ cho kỹ! Chuyến đi đã hoàn thành, chúng ta về thôi.
Trên
đường về, tôi lầm lũi đi theo Brahman như đi trên con đường vô tận. Chúng tôi
gần nhau, kẻ trước người sau mà như xa xăm hai thế giới. Brahman tầm thường,
phi thường hay tầm thường như bất cứ một ai khác hiện hữu trong thế gian này?
Brahman có thực hay không thực với tôi còn chưa xác định nói chi ai khác!
Brahman sắp đi xa, xa mãi và điều chắc chắn là tôi không còn Brahman nữa để
nghe, để nói, để hiểu, để đi và trở lại. Cái gì đến rồi sẽ đến, giờ chia tay đã
đến! Brahman bùi ngùi trao tôi một chiếc gậy và dặn dò:
-
Đây là chiếc gậy quyền năng của Bàlamôn. Đã mấy trăm năm nay kiếm tìm người
trao lại nhưng không còn ai khác ngoài ngươi. Ngươi phải nhận lấy!
Tôi hốt hoảng phân trần:
-
Thưa ngài, tôi không xứng đáng là Bàlamôn., tôi không đủ tư cách để nhận chiếc
gậy thiêng liêng này. Xin ngài rủ lòng thương một linh hồn bệnh hoạn.
- Ta
thấy ngươi có cơ duyên với Bàlamôn nhưng rất tiếc ngươi lại hoài phí bỏ lỡ,
không dám nhận lãnh sứ mạng cao quý này. Từ buổi đầu ta đã thấy điều đó. Ngươi
có lòng thương người dù đó chỉ là một cái xác chết. Tốt, rất tốt! Vì người khác
để sống. Đó là thuộc tính của người và là tiền đề hướng tới Bàlamôn. Thời đại
hôm nay là thời của kẻ giết người, tàn sát kẻ khác để mình phây phây sống với
thủ đoạn âm mưu tàn độc gian trá. Miệng nói nhân nghĩa mà lòng dạ cầm thú, dám
đùa với luật trời bằng luật người, dùng vải thưa che mất thánh. Hà hà! Ngươi
hãy xem… Thoạt đầu, hai vị tu sĩ Bàlamôn từ sau chòi đi ra gật đầu mỉm cười
chào chúng tôi. Xa xa một đoàn người í ới gọi nhau lên rừng đào măng hái quả.
Một toán đi buôn quẩy gói lên miền ngược đổi chác nói cười vui vẻ. Một tốp
người hớt hãi như chạy giặc, trẻ con la khóc inh ỏi, chỉ chỏ phía sau có lũ
quét. Một anh thanh niên mang cung kiếm đến ra hiệu bảo chúng tôi mau trốn
thoát. Brahman gật gù đăm chiêu.
-
Ngươi thấy đấy! Nơi đây đâu phải là chốn hoang vu, cũng náo nhiệt đấy chứ. Ta
thấy nhưng ngươi không thấy nên ngươi cần chiếc gậy quyền năng này.
-
Thế rồi tôi phải làm gì?
-
Ngươi hãy đi khắp đất nước này để thấy những gì đã và đang xảy ra – Thường thì
ngươi chỉ mới nghe người ta nói rồi nói theo như thầy bói mù sờ con voi thì coi
như ngươi đã chết. Rủi ro người sờ trúng trứng voi rồi hô to con voi giống trái
măng cụt thì ngươi toi!
-
Tôi còn cha mẹ già yếu không ai chăm sóc, còn vợ dại con hư không ai nuôi dưỡng
làm sao yên lòng đi khắp thế gian này thưa Ngài cao cả!
- Đó
chính là nhược điểm của ngươi – Làm một việc dù lớn hay nhỏ nếu không yên lòng
và mất niềm tin thì đừng có làm gì cả ngay cả một tiếng thở than. Thôi ngươi cứ
an tâm chăm sóc cha mẹ vợ con. Coi như ta chưa gặp ngươi, chưa nói với ngươi
một lời nào, chưa đi với ngươi một đoạn đời. Ta có một lời khẩn cầu ngươi lần
cuối không biết ngươi nghĩ sao?
Tôi
hồi hộp nhìn Brahman khó xử!
-
Tôi sẽ giúp ngài hết sức ngoại trừ chiếc gậy Bàlamôn thật quá sức đối với tôi.
Ngài hiểu cho!
- Ta
muốn đứa con trai của ngươi làm người kế thừa Bàlamôn. Ngươi đồng ý chứ?
- Nó
đang học lớp 12, sắp thi vào đại học? Thế ngài định dạy nó ở đâu? Nó cũng dạng
thông minh học khá.
- Ta
mang nó lên núi cao, xa hẳn với trần tục!
-
Ối! Xin lạy ngài. Tôi có mình nó là con trai ngài mang nó đi thì tôi chết mất –
Với lại mẹ nó sẽ khai trừ tôi – Cực kì nguy hiểm, ngài thương tôi thì thương
cho trót – Cắn cỏ lạy ngài!
-
Không nài ép ngươi nữa thôi ta đi đây.
-
Xin ngài thư đã! Tôi rất áy náy không giúp gì cho ngài được, tôi thực có lỗi,
tôi chỉ là thầy bói mù huyênh hoang. Ngài có pho sách nào hay câu kinh nào ngắn
để cho tôi học tập và dạy con cháu…
-
Xem ra ngươi cũng là người hiếu học. Rất tốt! Sách ta có nhiều nhưng e rằng
ngươi đọc không hiểu cũng bằng không! Đừng giáo điều – Hãy suy tư – Luôn khởi
động.
*
Bước thứ nhất: ngươi là Shiva hãy khai phá.
*
Bước thứ hai: ngươi là Vishnu luôn bảo trì.
*
Bước thứ ba: ngươi là Brahma đừng giáo điều để sáng tạo.
Khi
ngươi có năng lực sáng tạo thì lúc đó ngươi có đủ tư cách Bàlamôn – Bàlamôn để
làm gì? Để sáng tạo những cái mới theo từng thời kì. Những thành quả sáng tạo
ấy phải được phải được kế thừa để khai phá cho những sáng tạo mới trong một chu
kì khép kín nhân quả luôn được khởi động. Khi ngươi đã là một Bàlamôn thì lúc
nào ngươi cũng phải biết thể hiện tư thế của mình đúng lúc hợp thời. Khi thì là
Brahma, khi thì Vishnu, khi thì Shiva phân lập riêng rẽ, khi thì tam vị biến hóa
khôn lường trăm tay nghìn mắt – Ngươi hãy bắt đầu bằng chính đôi chân, đôi tay
và cái đầu có óc để suy tư, dịch chuyển… Ta đi, chúc ngươi may mắn!
*
Vào
một ngày cuối thu, có ai đó gặp Brahman lang thang trên quốc lộ trong manh áo
rách tả tơi. Tôi đã quen nghe người ta nói nên chỉ biết vậy. Đang có một hội
thi dành cho người khuyết tật có qui mô lớn, tôi nghĩ Brahman chắc cũng đến xem
nên tôi dáo dác tìm may ra gặp lại. Đầu tiên là hội thi hát dành cho người câm
điếc. Nghe đâu giải thưởng rất lớn do quốc tế tài trợ mang tính nhân đạo nên
thí sinh tham dự rất đông và thu hút tính hiếu kì của nhiều người nhiều ngành.
Hầu hêt các cơ quan xí nghiệp tạm đóng cửa để mọi người đi cổ vũ khích lệ đồng
loại tàn nhưng không phế . Điểm đặc biêt là mỗi thí sinh đều tự biên tự diễn
bài hát của mình với nhiều phong cách khác nhau. Ai cũng rất cố gắng để giật
giải thưởng và huy chương, tệ lắm cũng giải khuyến khích và bằng khen để chứng
tỏ ta đây cũng có mặt trên cõi đời này. Những âm tiết lơ lớ không rõ lời đứt
quãng thể hiện một xung động nội tâm sâu sắc khiến khán giả nhiều người mủi
lòng lau nước mắt – Những đôi mắt trợn ngược khi lên giọng hết cỡ, phình gân cổ
như muốn nổ tung dường như vẫn chưa biểu đạt hết nội dung bài hát. Chắc họ hát
ca ngợi tình người, khát thèm cuộc sống an lành no cơm ấm áo, lảng tránh những
cặp mắt nhìn khinh khi. Tôi thèm được hát như họ nhưng không đủ tiêu chuẩn câm
điếc nên cũng tủi thân. Tôi không câm nhưng không nói được điều mình muốn nói,
không điếc nên phải nghe những điều không muốn nghe. Câm điếc thế mà lại hóa
hay, may ra còn giành được giải thưởng!
Hội
thi thứ hai là kịch câm dành cho người khuyết tật đôi tay, cũng tự biên tự diễn
với kịch bản ngẫu hứng qua cầu – họ biểu đạt chính bằng đôi chân cần cổ, lắc
mông, cử động mắt mũi miệng răng lưỡi… đôi khi cao hứng quá lại lăn cù mấy vòng
làm khán giả vỗ tay hoan hô quá xá! Ôi đôi tay quý giá biết bao nếu không dùng
để bóp cổ người khác!
Tiếp
theo là văn hóa ứng xử dành cho người loạn trí. Từng người, từng người ngơ ngác
bước ra đôi mắt lờ đờ mất ngủ. Có lẽ họ không ngủ được vì quá lo lắng về cuộc
thi. Ban giám khảo đặt câu hỏi trả lời. Có người la hét chửi rủa rất hùng biện,
có người ậm ừ im lặng không nói, có người khóc rưng rức rất thảm thương, có
người cười ha hả như đang rất phấn khích, có người lại cuời khì khì trong cổ
họng… và giải nhất thuộc về thí sinh có văn hóa nhất và lại có đạo đức chỉ biết
trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa: vâng – dạ với xin lỗi – cảm ơn và đoạt
luôn giải phong cách.
Hội
thi cuối cùng dành cho người khuyết tật linh hồn – Trông họ không khác gì người
thường, có người ủ rũ nét buồn bã nhưng phần đông ưỡn ngực ra vẻ ta đây rất
quan trọng, sẵn sàng làm bất cứ việc gì người khác sai bảo. Chỉ không biết họ
là ai, sống để làm gì? Đó là cuộc thi trắc nghiệm với chủ đề con người là gì?
Qua được phần một sẽ thi tiếp phần thực hành và giải thưởng quan trọng là được
cấp chứng chỉ chứng nhận là có linh hồn cùng những quyền lợi vật chất để vinh
thân phì gia đến hết một đời người. Cuộc thi đến hồi gây cấn nhưng thoáng thấy
ai giống Brahman nên tôi liền duổi theo nhưng càng theo Brahman càng mất hút!
Brahman
đi đâu? Chốn xưa giờ đây đã là một trang trại nuôi bò sữa! Xung quanh là nông
trường, lâm trường nhà máy đường, chế biến hạt điều… không còn chỗ cho Brahman
suy tư tĩnh tại! Không còn ai cho Brahman gởi trao hy vọng! Một buổi chiều
Brahman men theo đường đồi lên tháp. Cảnh cũ người xưa làm chân Brahman run
rẩy, tựa hồ không thể đứng vững trên đôi chân mình. Tần ngần muốn ở lại chẳng
đành, tốt hơn không nên nấn ná lâu nhưng đi đâu? Chẳng lẽ lại đi xuống! Mà đi
xuống để làm gì, còn ai ở dưới đó chăng? Một cô gái đến gần có lẽ vì tò mò hơn
là hiếu động.
-
Ông là người nước nào, không giống những du khách từng đến tham quan?
Brahman
biết ngay là một đệ tử của Giri.
- Ta
là người tiền sử đến thăm người hiện đại. Ta là bạn của sư mẫu cô, sư mẫu cô
khỏe chứ!
Cô
gái cười khúc khích vô tư pha trò:
-
Ông không còn trẻ nhưng chưa đủ già để chống gậy, tặng em chiếc gậy này đi.
Vừa
nói cô gái vừa cầm cây gậy ngắm nghía.
- Tôi
có cho thì cô cũng mang về không nổi. Không tin cô cứ thử xem.
Cô gái cầm cây gậy như muốn vung lên nhưng lạ thay gậy như dính chặt vào đất,
suýt nữa bị trật cổ tay. Cô gái quá đỗi ngạc nhiên ra sức xô nghiêng gậy về một
bên nhưng vẫn không nhúc nhích.
-
Đừng phí sức cô gái nhỏ. Cô chỉ quen sử dụng những cây gậy thường tục, những
đồng đôla, Euro, Rúp… nhưng đây là cây gậy thần được làm bằng những đồng tiền
vàng cổ mà bí quyết đã bị thất truyền. Ôi cô gái nhỏ đáng thương!
Brahman
búng ngón tay út kêu cái tách, tức thì cây gậy tròn bung ra thành 1000 đồng
tiền vàng rơi xuống đất lịch kịch. Búng ngón tay cái, 1000 đồng tiền như có một
lực vô hình bay lên dính chặt vào nhau, xếp chồng lên nhau ngay ngắn thành
chiếc gậy tròn nhẵn bóng không chút dấu vết. Như thích thú với trò chơi của
mình trước một cô gái nhỏ với ánh nhìn ngẩn ngơ thán phục. Brahman cao hứng dẫn
giải:
-
Đây là thứ vàng ròng nguyên chất được tinh luyện từ lò lửa tâm trái đất dưới áp
suất của trọng lực điạ cầu cùng từ trường của mặt trăng. Công nghệ luyện kim
của loài người chỉ đạt đến mức 3 số 9, còn thứ vàng này đạt đến độ 4 số 0 nên
giá trị và trọng lượng gấp 100 lần vàng thường. Cô biết đấy, một đồng tiền vàng
nhỏ này nặng đến 1 kg, 1000 đồng tiền nặng 1 tấn. Chiếc gậy này cô mang vác không
nổi là thế! Còn giá trị của nó là 100 tấn vàng thị trường hoặc hơn. Cô còn muốn
thử nữa không?
-
Rất muốn, em sẽ mướn xe cần cẩu!
Cô
gái đôi mắt ươn ướt như rất ước ao thèm khát.
- Cô
lầm rồi, loại vàng này tối kị với hoạt động cơ giới. Máy móc không vận hành
được khi đến gần nó, có khi lại xảy ra rủi ro tai nạn. Không liều được!
-
Thế thì em phải làm thế nào?
Đôi
mắt cô gái lại van nài khẩn thiết.
-
Chẳng thế nào cả, cô nên nhìn và chiêm ngưỡng. Brahman cầm chiếc gậy lên xoay
vài vòng thư giãn đôi mắt nhìn bâng quơ. Một đoàn du khách nước ngoài lên tháp
chiêm quan, chẳng ai có ý xin tháp cho riêng mình. Họ chỉ trầm ngâm suy tư quan
sát.
-
Xin ông cho em một đồng tiền thôi, ông muốn gì em cũng chìu. Em nguyện làm nô
lệ ông suốt đời!
- Ôi
cô bé tội nghiệp! Tôi không muốn thấy bất cứ ai trên cõi đời này làm nô lệ cả.
Thế cô muốn có đồng tiền này để làm gì?
- Để
không phải lên đây đón khách. Em sẽ lấy chồng đẻ con và dạy con thành người hữu
dụng. Em có quyền được làm vợ làm mẹ làm người. Hãy cứu em!
- Cô
còn non trẻ, chưa hiểu nhiều về cuộc sống. Có nhiều tiền cô sẽ thay đổi rất
nhanh. Chồng cô sẽ đổ đốn cờ bạc trai gái rượu chè… con cô sẽ hư hỏng đua xe
tiêm chích… khi đó không phải là mồ hôi nước mắt của mình, con người dễ buông
thả sa đọa…
- Bố
mẹ em bị bệnh nan y cần tiền thang thuốc, cực lắm em mới lên đây…cô gái rấm rức
khóc.
-
Còn nhiều người khác cũng đang hấp hối vì bệnh tật đói khát, khùng điên, tai
nạn… đang cần cấp cứu. Hay là cô dùng cây gậy này mở một bệnh viện và suốt đời
với tâm nguyện sẽ chăm sóc cho những người già yếu bệnh tật cô quả không nơi
nương tựa, không chốn dung thân. Cô sẽ là một nữ tu thánh thiện.
-
Thế thì còn gì hạnh phúc của riêng em!
- Ờ
ờ có lí, rất có lí! Nếu cho cô thì cũng phải cho người khác. Có rất nhiều người
có hoàn cảnh như cô, thậm chí còn thương tâm hơn cô. Tôi sẽ gọi mọi người đến
phân phát, nhưng cô biết không? Loài người hễ nghe đến quyền lợi bạc tiền là đổ
xô tới giành giật chém giết lẫn nhau tranh phần hơn về mình. Vâng! Nó có một từ
trường khủng khiếp thế đấy. Lúc ấy cô sẽ bị nhiều người mạnh hơn, ranh mãnh
hơn, tàn bạo hơn, gian xảo tranh cướp. Thế là cô hết đời, còn mong gì mang vàng
về xây dựng cuộc đời mình.
- Em
chỉ xin một đồng thôi mà, đừng cho ai biết.
-
Cũng được, nếu cô trả lời được câu hỏi của tôi. Cô biết người Chăm xây tháp cổ
để làm gì không?
- Để
làm nơi du lịch tham quan. Cô gái quyết đoán.
-
Thế thì cô nên ở đây mà đón khách.
Brahman
quày quả bỏ đi nhưng cô gái cứ nắm chặt lấy vạt áo và cây gậy khóc than. Đám du
khách thấy lạ nên bu đến hỏi nguyên do. Brahman trình bày sơ qua sự việc và
không thể đáp ứng yêu cầu của cô gái được. Khi biết Brahman là người Chăm đám
du khách lại bám riết chàng để hỏi về văn hóa Chăm. Brahman từ tốn giải thích
cặn kẽ chi tiết, du khách ghi ghi chép chép luôn miệng cám ơn. Xong việc họ nhã
ý biếu chàng thù lao, Brahman ra dấu chỉ vào cô gái.
-
Người cần giúp đỡ là cô gái này. Khoản tiền thù lao được trao tận tay cô gái,
nào đồng đô la, đồng Euro, đồng Rúp và cả đồng nhân dân tệ. Cô gái líu ríu cảm
ơn nhưng đôi mắt vẫn dán chặt vào cây gậy thần như chỉ có gậy là tất cả.
Đoàn
du khách đã xuống tháp, ánh chiều nhòa dần. Cô gái với nắm tiền trong tay vẫn
đang thổn thức như đang khắc khoải một điều gì đó ghê gớm lắm. Cô gái như bị ám
thị bởi cây gậy thần, với cô Brahman không có ý nghĩa gì cả, có chăng chút ít
với đoàn du khách nước ngoài thảng hoặc. Nhìn cô gái nhỏ ngồi ủ rũ Brahman cũng
động lòng nên nhỏ nhẹ bảo:
-
Đừng tiếc nuối nữa cô gái nhỏ tội nghiệp, cô còn cả một cuộc đời tươi đẹp ở
trước mắt. Đây là cây gậy quyền năng, chỉ có Bàlamôn mới đủ năng lực sử dụng
đúng mục đích đem lại lợi ích cho con người. Với những người mang dục vọng tầm
thường, cây gậy chỉ mang đến tai họa, phiền toái cho chính người sở hữu nó. Ta
cũng muốn tìm người bàn giao nhưng thực tình, chẳng có ai đủ sức nhận lãnh.
Đừng rầu rĩ nữa cô nhỏ dễ thương!
Brahman
chống mạnh cây gậy xuống đất lún vào gần một nửa rồi lấy ngón tay trỏ gõ nhẹ
khoan thai vào đầu gậy. Chiếc gậy lún dần, lún dần ngập sâu vào lòng đất mất
hút. Brahman quắm chặt nắm tay đập mạnh vào đầu gậy vừa đóng xuống rồi dùng gót
chân nện mạnh một phát nữa. Mồ hôi chàng nhễ nhại thấm đẫm manh áo rách bạc
màu, tóc tai rũ rượi, hơi thở mệt nhọc như mới làm xong một công việc quá sức.
Định thần giây lát, Brahman hướng về cô gái đang trố mắt nhìn há hốc kinh
hoàng.
- Ta
đã trả cây gậy thần về tâm trái đất, nơi ta đã tốn biết bao công phu để lấy nó
lên. Ô hô! Một đời ta vô ích, một thân ta vô dụng! Cái gì của Brahman hãy trả
lại Brahman, ta không còn lí do gì để tồn tại nữa. Vĩnh biệt trần gian, vĩnh
biệt đất mẹ, vĩnh biệt muôn trùng!
Brahman
nhặt lên một miếng gạch vỡ viết nguệch ngoạc lên tường chân tháp dòng chữ liêu
xiêu rồi ngó xuống đất, nhìn xung quanh rồi ngước lên trời. Từ đôi tay Brahman
mọc ra đôi cánh vỗ vỗ bay lên. Chỉ có đôi cánh bay lên lao xao lờ mờ mất hút,
thân hình Brahman ngã xuống, gục xuống từ từ trong tư thế vẫn muốn vươn lên
gượng dậy. Thoáng chốc chỉ còn một hòn đá đứng thẳng đơn độc. Hòn đá vỡ vụn ra
thành ngàn hòn sỏi, lại rời ra tỷ hòn sạn, hạt cát tro bụi. Chỉ còn lại ngọn
tháp sừng sững trong màn đêm. Không ai biết người Chăm dựng tháp để làm gì?!
*
Cứ
vào đầu thu, Katê tưng bừng mở hội, người người lên tháp dâng lễ cầu mong yên
bình hạnh phúc. Ai cũng vui vẻ hớn hở tay bắt mặt mừng, chỉ riêng có một cô gái
điên thân hình tiều tụy, đầu tóc rối bời, mặt mày phờ phạc, đôi mắt đỏ hoe than
khóc kể lể. Nhiều người cảm thương tình cảnh cô gái trẻ nên cho nàng tiền hoặc
quà bánh nhưng hễ cầm đến tiền là nàng xé nát từng mảnh nhỏ rồi tung lên trời
có vẻ giận giữ căm hận. Miệng nàng gào lên:
-
Tôi chỉ cần những đồng tiền vàng của Brahman.
Rồi
giãy nãy khóc than thảm thiết. Có người hiếu kì hỏi chuyện mong an ủi cô, cũng
có người chế giễu cô gái bị tâm thần nên nói chuyện tầm phào không tưởng. Người
nói cô bị thất tình, kẻ bảo chắc cô bị mất một gia tài lớn nên cứ một mực đòi
những đồng tiền vàng. Cô nói huyên thuyên như bị quỷ ám về chiếc gậy thần biến
hóa, về anh chàng Brahman tài hoa phóng khoáng. Có người cợt đùa hỏi cô đôi
cánh bay lên giống như thế này phải không rồi anh ta làm bộ dang tay vẫy vẫy
nhưng cô ta quả quyết giống hệt cánh chim bồ câu. Có lúc cô lại bảo giống cánh
dơi, lúc lại là cánh bướm, chuồn chuồn, rồi thì cánh máy bay phản lực, chong
chóng trực thăng… làm ai nấy phì cười, không biết đâu là đâu, chỉ biết là đôi
cánh bay bay mất tiêu nơi miệng cô gái. Cô gái đoan chắc ngay tại chỗ này, nơi
cây gậy thần biến mất rồi xăng xái dẫn mọi người lại xem. Nơi đó có một cột
Linga bằng đá, trên đỉnh có chạm khắc một bông hoa bốn cánh. Đó là hình đồ cách
điệu của hoa Champa, biểu tượng của sự thăng hoa, thanh cao thoát tục. Thấy nói
mãi mọi người vẫn không tin, cô gái cụt hứng nín thinh lủi đi đâu không thấy.
Cuộc lễ vẫn tưng bừng, tiếng kèn tiếng trống hòa trong điệu múa trộn lẫn tiếng
cười, tiếng khóc, tiếng gọi, tiếng chào… Cuộc sống là như thế, chẳng ai hiểu vì
đâu?!
Chỉ
có tôi tin lời cô gái nói thực! Chỉ có cô gái đã gặp, đã thấy, đã mục thị chứng
kiến cái chết của Brahman! Người Bàlamôn cuối cùng đã chết! Ô hô! Heleh! Không
còn mất công kiếm tìm Brahman nữa, mà tìm để làm gì?! Tôi mệt mỏi chán chường
nhìn vào cột Linga trầm mặc chợt lờ mờ nhận ra hàng chữ trên tường chân tháp.
Dòng chữ được viết bằng gạch lên nền gạch nên để ý kỹ mới nhận ra.
* Ta
là Brahman, Brahman là người, con người sáng tạo.
Mọi
người mê mải rong chơi ca hát, cợt đùa nên không ai nhìn ra hàng chữ – Ai muốn
đọc thì đọc, không muốn thì thôi, không gì trầm trọng lắm!
Tôi
buồn bã ra về, không biết về đâu, không muốn về nhà nên ghé qua nhà người bạn.
Tôi lẩm nhẩm lại lời Brahman: Shiva khai phá, ngươi cứ mãi khai phá mà không
vượt lên chính mình, không thăng tiến Vishnu để hướng đến Brahma. Vâng! Tôi mãi
trồng bắp để hái bắp, trồng đậu để hái đậu khi được mùa và trắng tay khi thất
bát. Tôi đã chắt bóp, tằn tiện trong lãng phí và đến một lúc nào đó cũng chẳng
còn chỗ cho Shiva ngự trị. Tôi hỏi bí quyết để vượt qua chính mình thì Brahman
mỉm cười bí hiểm: thiên cơ bất khả lậu. Mỗi người phải tự tìm hướng đi riêng
theo bản năng ý thức, cách của ta nó không còn phù hợp với ngươi và ngược lại.
Thuộc tính của Shiva là quyết tâm, của Vishnu là kiên định, của Brahma là tự
chủ mang hình thái hủy diệt, bảo tồn và sáng tạo trong sự nghiệp tạo ra của cải
với sự kế thừa công cuộc trồng người một cây đời vĩnh cửu – Bản thể của Shiva
là biến đổi, của Vishnu là bảo thủ, của Brahma là kiêu ngạo – Ngươi không nên
ngạc nhiên khi thấy Brahman không bao giờ khiêm cung nhưng không tự mãn. Sự
khiêm nhường chỉ là biến tướng của sự tự cao cao độ, chứng tỏ mình hơn hoặc kém
người khác. Brahman thì trái lại, tự do tự tại, ngang nhiên hiện hữu trong bất
kì tình huống nào, không lụy khen chê, thiếu đủ, sống chết…
Tôi
không thích rượu nhưng vẫn uống rượu, uống bạo hơn người khác nên hôm nay say
lúy túy. Đường đến nhà bạn phải qua một chiếc cầu gãy, người ta bắc tạm một
miếng ván cho người đi bộ, đi xe phải dắt cẩn thận, nhiều tay chủ quan phóng ẩu
nên đã có vài tai nạn chết người. Nhà nước làm tạm một con đường đất phía dưới
cho xe cộ qua lại nhưng mùa này mưa, vài cơn lũ quét đã xô đi trống hoác một
khoảng cho dòng nước hung dữ chảy xiết. Hồi chiều, tôi đã rất thận trọng dắt xe
qua như bao người khác. Lúc về, người bạn khuyên tôi nên vòng con đường khác về
nhà, tuy có xa nhưng an toàn hơn. Không biết thế nào tôi lại men theo con đường
cũ. Đến cầu tôi hơi chần chừ, người tôi như say như tỉnh, dưới lòng sông nước
chảy ầm ào. Dưới ánh đèn xe, một đoàn vũ nữ trong lễ phục múa ban sáng, áo dài
trắng xanh đỏ vàng đủ sắc, đầu đội vành quàng trắng đỏ, vai đeo chéo dải kim
tuyến lấp lánh dưới cơn mưa lắc rắc, hai tay cầm quạt ve vẩy trên đầu, đôi chân
lướt nhẹ như bay dọc một hàng dài. Ai cũng mặt mũi xinh tươi diễm lệ, những
khuôn mặt lạ hoắc, không biết con cái nhà ai đẹp thế nhỉ! Mỗi cô đi ngang qua
tôi đều nghiêng chào líu ríu nói lời cám ơn, cám ơn đã soi đường. Đông quá! Có
lẽ đến hơn ngàn người. Tôi đã nổ máy xe đứng chờ hơn một tiếng đồng hồ. Đoàn vũ
nữ khuất bóng hồi lâu tôi mới định thần nhấn ga tiến bước. Tôi chậm rãi đi, ngó
nghiêng quan sát, chiếc ván vẫn y nguyên, hai bên được lắp ghép thêm hai miếng
ván khác trắng tinh như được đan bằng những chiếc quạt tinh khôi sạch sẽ. Tôi
cố gắng đi đúng vào miếng ván cũ, sợ bánh xe chệch ra sẽ làm vấy bẩn những cánh
quạt tinh khôi trinh trắng. Qua khỏi cầu tôi quành xe lại muốn xem hai miếng
ván được làm bằng gì và ai đã xài sang đến vậy. Chỉ còn một chiếc ván cũ duy
nhất đơn độc như lúc tôi đến buổi chiều, hai bên dường như là hàng ngàn cánh
bướm đang tản mạn bay đi xa mờ mất hút! Hú hồn! Tôi biết mình vừa thoát chết
trong gang tấc.
Tôi
phải trở về với cuộc sống đời thường. Brahman đã chết! Người Bàlamôn cuối cùng
đã đi vào huyền thoại. Người bạn thân nói tôi hay mơ mộng. Cũng đúng, nhưng
không! Tôi cần có những giấc mơ đầy để bù vào thực tế cuộc sống vơi. Với tôi
Brahman là thực nhưng tôi không biết, không dám nắm lấy nên đã biến thành giấc
mơ. Ai biết đâu là hư thực?! Người bạn tôi lại nói tôi giàu tưởng tượng. Cũng
đúng, nhưng không! Có lẽ tôi đã gặp những cái người khác không gặp, mắt nhìn
khác, tai nghe khác, miệng kể khác, chẳng tưởng tượng gì sất! Mọi người đã quen
sướng khổ được mất với những thứ nhỏ nhen vụn vặt. Có thể tôi đã đau những điều
người khác không đau, yêu những cái người khác không yêu. Rành rành mà như
tưởng tượng, không mà có, có mà không ai biết được! Mà biết được để làm gì? Tôi
sẽ mãi mãi khắc ghi lời nói cuối của Brahman để biết định mệnh mình. Đàn bà là
mẹ, người mẹ đã sinh ra ta, cho ta bú mớm lớn lên. Vợ ta là mẹ của con ta và
một ngày nào đó cũng trở thành mẹ ta, an ủi vỗ về những lúc ta đau buồn thất
thế. Con gái rồi cũng sẽ trở thành mẹ ta, chăm sóc xoa dịu ta vào lúc ta già
yếu cuối đời. Định mệnh ngươi lệ thuộc vào mẹ!
Chỉ
còn lại tâm nguyện của Brahman, sự kế thừa. Tôi biết mình tài hèn sức mọn nên
không dám nhận lãnh chiếc gậy quyền năng của Brahman, chiếc gậy Bàlamôn vĩ đại
và cao cả. Tôi đã yếu đuối khước từ Brahman về đứa con, về tiền đồ tương lai vô
định. Tôi đã quá hèn nhát và ích kỷ, một thằng người đần độn không chịu suy tư
để tìm con đường cho riêng mình. Ôi! Biết làm sao được. Tôi đã hút nhiều thuốc,
uống nhiều rượu dù thừa biết rất có hại, lũ thuốc rượu này đang rút ngắn tuổi
thọ tôi. Nhưng sống lâu để làm gì nếu không có ích! Brahman nói, ngươi cứ hút,
cứ nốc nếu ngươi thích, thấy cần thiết. Nếu ngươi có một thân hình vạm vỡ béo
tốt mà hộp sọ ngươi không có óc, lồng ngực ngươi không có tim thì a ha, coi như
bỏ đi! Tôi là một thằng tồi, không làm gì ra tiền nhưng xài tiền như nước nên
đồng loại luôn nhìn tôi chán ngán khinh khỉnh. Còn biết làm sao! Lẽ nào tôi
viện dẫn những lời của Brahman để chống chế. Hình ảnh cô gái điên mách tôi đừng
dại mà khùng, đừng có khùng mà dại! Tôi đã mất Brahman và linh cảm sẽ mất cả
đứa con nếu không tìm cho mình một hướng khác, lối về nguồn cội thân thương…
Source: Inrasara.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com