6 thg 2, 2013

Roi lamai





Lúc đó tôi lớp bốn. Ngày ông nội mất tôi chỉ mải đứng chồn chân ở gốc caramai. Không bật khóc. Có lẽ ở trong tôi không chút cảm giác nào về sự mất mát của người thân. Không biểu lộ một xúc cảm nào về bóng hình người đã trông nom tôi bấy lâu.

Dường như, giữa sự sống và cái chết là sự chia biệt không mối liên kết; là hai mặt đối lập bị ngăn bởi hố thẳm tâm linh. Nó biến con người thành con vật tâm linh - luôn hoang mang trước những gì mơ hồ, không rõ gốc nguồn. Để cứu vớt cho một niềm tin sống, những người còn sống hay đặt niềm tin vào những cách thức hành đạo để chống lại chính mình, để trấn an nỗi sợ trước thiên nhiên, vũ trụ muôn hình vạn trạng các hiện tượng mang tính siêu nhiên. Họ cũng dựng tạc những thần linh để thờ phụng, để cầu nguyện cho chính sự bất lực của mình. Mọi cách thức đều nhằm vào lợi ích riêng của vài nhóm người – nhóm người biết giữ thăng bằng trong tiến hóa.

Đứng đó, tôi cứ nhìn chầm chầm vào ngôi nhà lớn đang mở toang hai cánh cửa - nhìn thẳng vào những chiếc khắn trắng đang liệm một hình hài bất động. "Đó là ông nội mày đấy" - tôi nghe tiếng nhiều người đang xì xào sau lưng. Vì mải nhìn nên tôi cũng không màn ngó ngàng để xác định đó là ai, và người đó có mối quan hệ gì với tôi. Trong lúc đang chưa biết làm gì tôi lại nhìn vào hình ảnh những cô dì đang khóc rên bên hình hài đó, nhìn những anh em họ hàng đang chạy qua chạy lại, nhốn nháo; nghe những âm thanh ồn ào gọi nhau ơi ới. Bên gốc caramai, tôi miên man về hình ảnh một ông già, râu tóc bạc phơ, người mà lúc nào cũng mặc chiếc áo xah, đầu quấn khắn đỏ - đó là hình ảnh một tu sĩ Chăm: Pô Bac. Người hay ngồi ở bậc thềm lúc sáng sớm và xế chiều – luôn nhìn về phía caramai, nơi lũ nhóc chúng tôi đang leo trèo đùa nghịch. Tôi nhớ nét mặt cười tươi của người mỗi khi đi hành lễ về, những món quà nhỏ được chia đều cho lũ nhóc đang quấn quanh. Tôi nhớ người hay ngơ ngác lúc mà bà hàng xóm chửi bới kẻ cắp khi bị mất gà, mất vịt. Tôi nhớ người hay bỏ ngang bữa ăn buổi tối mỗi khi đèn dầu gió thổi tắt hay cúp điện. Trong liên miên tôi thoáng nhân ra điều gì đó, chợt: " Kh. vào nhà dỗ đứa em, nhanh!" - tiếng mẹ quát làm tôi bật gốc rễ khỏi miềm nhớ lan man, chạy vội vào nhà, leo lên võng với đứa em, chân quơ lên mặt sàn lắc võng, đung đưa, miệng ú ớ những lời dân ca. Đứa em trai mới gần hai tuổi dần dà thiu thiu ngủ. Ngã lưng trên võng, ru em ngủ ru cả hồn tôi tan - tôi quét ánh nhìn về phía tường nhà, nơi những bức ảnh kỉ niệm gia đình đang dần úa vàng, nơi trang trí hình những con hơng không đầu không đuôi đang uốn lượn. Ánh nhìn chỉ dừng lại nơi cây roi lamai treo lủng lẳng bên cửa sổ.


Roi lamai - roi được làm bằng đuôi cá đuối phơi khô. Tôi nghe anh họ kể lại, trước kia - thời chinh chiến, roi lamai được dùng để thuần hoá ngựa trong cuộc chiến. Về sau tôi mới biết thêm trong tâm linh, roi lamai được nhúng vào một dung dịch màu đỏ được gọi là kinh nguyệt của bà mẹ biển. Nó được gọi là kinh nguyệt biển bởi, theo khoa học về đại dương biện giải, đó là một vùng biển sẽ chuyển từ màu xanh lam sang đỏ khi những đám rong rêu ngoài biển tích tụ lâu ngày bị phân rã tạo nên, ở vùng đó cá sẽ không còn không khí để thở nên những bầy cá ở khu vực đó sẽ bị chết nổi, nhà hải dương học phỏng đoán chu kỳ để diễn tái sự kiện như thế khoảng từ bốn mươi hay năm mươi năm. Khi được nhúng vào dung dịch đỏ ấy, roi lamai được dùng để trừ đuổi tà ma, răn đê quỷ thần, và cả việc ngăn chặn bàn tay muốn trở giúp hay muốn bắt đi người thân trong họ hàng bởi các vị tổ tiên đã khuất mặt. Dung dịch đỏ được ngư dân lấy về từ biển có tác dụng tẩy chay hết những gì thuộc về thế giới âm. Với nó, ma quỷ không quấy rầy; với nó thần tiên không thể trở giúp; với nó, roi lamai có uy quyền của kẻ canh giữ những gì thuộc về giá trị con người. Khi chăm chú nhìn roi lamai và miên man về hình ảnh ông nội, đôi mắt tôi ướt nhoà, không phải bởi những đòn roi từ tay ông nội khi nô đùa, đánh lộn với mấy lũ trẻ chung nhà, hay leo trèo caramai để hái phá trái non, bẻ cành mà là hình ảnh roi lamai gởi nhớ những gì đã vụt mất. Những hình ảnh đẹp, kín đáo mà tôi không thể thốt.

Bỗng, thoáng hiện bóng ông nội, tôi rùng mình. Tôi vội nhìn về phía có uy lực - roi lamai. Mẹ thường hay bảo, đối với người Chăm, những thứ gì quý báo, có uy lực thường được treo lên trên, từ trống baranưng, trống ginăng, đàn kanhi cho đến ciet sách. Roi lamai, nó cũng được treo. Mẹ còn nói, nếu nó được treo trong nhà, bên cửa sổ, nơi lưu thông khí trong nhà và ngoài trời, nó không những trừ đuổi tà ma mà còn thanh lọc không khí u ám trong nhà. Do tâm thế đã định, tôi nhìn về phía ấy để lấy lại sự bình tĩnh. Trước kia cũng vậy, mỗi khi ở nhà một mình, tôi luôn luôn cảm giác an toàn khi ngước nhìn roi lamai, ngước nhìn sự an toàn của mình bị treo trên cửa sổ. Giờ cây roi ấy đang đung đưa bên khung cửa sổ - có thể là do cơn gió thoáng qua, cũng có thể nó lay nhẹ bởi muốn nhắc tôi hay sẽ có điềm không lành đang kề bên.

Tôi nhớ về hình ảnh bất động đang liệm những chiếc khăn trắng. Tôi nhớ về câu nói của mọi người xì xào phía sau tôi, "Đó là ông nội mày" - Ông nội tôi đã mất! Trước mắt tôi, roi lamai cũng thôi lắc lư. Ôi! Roi lamai.

*
Roi. Nhân danh con người, cạnh sự an toàn nó còn mang uy lực của kẻ trừng phạt.

Roi. Nhân danh quyền lực, nó khiến con người ta khiếp đảm khi hình ảnh tội lỗi xâm chiếm trong từng cử chỉ, từng lời nói, từng hành động.

*
Trong võng, em trai tôi bắt đầu cựa quậy, khóc ré lên. Tôi im lặng đưa tay chỉ về phía roi lamai. Cả tôi và đứa em trùm bởi sự im lặng. Bên ngoài những tiếng ồn vẫn len lỏi vào.

________

* Lamai: cá đuối; Caramai: cây chùm ruột; Pô Bac: tu sĩ Chàm; Baranưng, Ginăng, Kanhi: nhạc cụ trong sinh hoạt, tâm linh Chàm; Ciet: cái để đựng sách của người Chàm; Xah: như áo choàng, màu trắng, mặc quấn cột quanh người, kéo dài đến gần tới gót chân; Hơng: một hình tượng về con vật tâm linh (nửa giống chim, nửa giống rắn), được trang trí trên đền tháp; trang trí trên tường nhà bằng hình vẽ. Ngoài ra, hình tượng này còn được khắc lên nhà HỎA táng của người Chàm Ahier, nó tượng trưng cho linh vật để đưa tiễn linh hồn người chết và những lễ vật mang theo khi thiêu trên giàn lửa về bên dòng sông Krong khau phar (như Sông Ty), ở đó có bò Kapil đón, sau khi xong nhiệm vụ chim Hơng bay đi. Một phần lễ vật dâng lên bò Kapil để người anh em này, đưa qua bên kia sông về với ông bà tổ tiên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com