15 thg 12, 2012

Tản mạn về người Chàm Bàni ở làng Tuấn Tú (Palei Katuh)


Dịp Tết Nguyên Đán, người Chàm tha hương từ khắp xứ trở về; về với Palei, về với mái nhà – Tết không phải là lễ hội mà họ quan tâm, trong dịp này họ chỉ mang tư cách là khách đến viếng thăm và chúc tết những bạn bè người Kinh mà họ quen biết qua học hành, làm ăn, công tác. Vào dịp này tôi dành chút thời gian để tìm hiểu đời sống người Chàm Bàni. May là tôi gặp vài đứa bạn cũ ở Palei Katuh (làng Tuấn Tú), quê hương của những người Chàm còn nhiều lễ nghi cổ, hiếu khách. Đọng trong ký ức tôi về một Palei Katuh, một nơi có hình ảnh về dải cát đỏ, vàng uốn lượn của đọng cát Nam Cương (đọng cát Nam Cương rộng khoảng 800 ha, được vây bọc bởi bờ biển và cánh rừng thưa, cùng với bờ biển đã gắn với nhiều lễ nghi người Chàm ở Palei Katuh, tạo sức hút của khách du lịch và những nhiếp ảnh gia). Katuh cách thành phố Phan Rang khoảng 9 km hướng Đông-Nam, thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước. Tôi không hiểu sao mình lại ít hiểu biết về Palei chỉ cách quê hương Caklaing tôi khoảng 10 km – nếu không nói gần như là xa lạ. Thời còn cắp sách thời cấp III, tôi chỉ có dịp ghé tắm bãi biển ở nơi đây một lần, và lần hai là dịp nhà trường tổ chức cắm trại – Đó là nơi tôi bàng hoàng về vẻ đẹp của đọng cát Nam Cương mà mãi về sau tôi mới biết chút ít sự tích về nó. Những tích khiến cả kí ức của người dân quanh đó chỉ còn lại những cảm giác mờ nhạt.

Hồi giáo sau khi xuất hiện ở bán đảo Ảrập vào khoảng thế kỷ VII, trở nên lớn mạnh khi vào Ba Tư, bành chướng qua những đất nước Đông Nam Á. Thông qua thương mại những người truyền giáo đã xuất hiện ở vương quốc Champa vào thế kỷ IX – và kể từ sau năm 1471 Vijaya thất thủ và biến thành tro bụi, một phần giáo dân Champa mất niềm tin vào Bàlamôn giáo, và những điều kiện nội tại khiến họ tin và theo Hồi giáo. Tới thế kỷ XVII tình hình đất nước khủng hoảng, chính trị rối ren, bản đồ vương quốc Champa bị co teo về Panduranga bởi sự tàn phá của chiến tranh. Trong nội bộ, những kẻ được gọi là quốc Đạo vẫn xem những đám dân theo Hồi giáo là kẻ dị giáo, tà đạo. Họ gạt những kẻ ngoại đạo ra ngoài rìa xã hội vì tội bước qua rào cản lễ giáo, và ước lệ của xã hội đương thời. Sự mâu thuận, thù địch vẫn leo thang, nó không chỉ thể hiện qua chính trị, kinh tế, đời sống lễ nghi mà cả trong văn chương như Ariya Um Mưrup, Ariya Cam-Bani, Ariya Bani-Cam. Không chỉ riêng tình yêu đôi lứa mà ngay cả vấn đề ăn uống, sinh hoạt – có khi lại là mầm của sự xáo trộn và chống đối lẫn nhau trong âm thầm, dù sau này được Vua Pôramê hòa giải bằng triết luận “lưỡng thể hợp nhất”.

Năm 1832 Champa xóa khỏi bản đồ thế giới, cuộc khởi binh của Katip Sumat và Ja Thak Wa thất bại khiến những đám dân Chàm bị nhà Nguyễn truy sát, trừ khử làm cho cơ cấu tổ chức cổ truyền của người Chăm bị phá vỡ. 

Theo sự tích mà người già ở palei Katuh kể lại – tuh có nghĩa là đổ về. Về mặt lễ Suk Yơng, theo hệ thống của bảy thánh đường Bàni ở Ninh Thuận, lễ được tổ chức đầu tiên ở Palei Cauh Patih (làng Thành Tín), và kết thúc ở Patuh. Xét về mặt lịch sử, trước kia Katuh là một cảng đánh bắt cá nhỏ, vì sự truy sát của nhà Nguyễn từ giữa thế kỷ XIX, một phần lớn những người Chàm Bàni tị nạn đổ về để trông chờ đoàn thuyền từ Mã Lai, Java về cứu, đọng cát Nam Cương – người Chàm Katuh gọi là Dong, có nghĩa là cứu chuộc.

Họ thất vọng, di tản đi khắp Panduranga – cùng với Katuh tạo thành bảy cứ điểm của thánh đường Bàni ở bảy Palei. Người Chàm gọi thánh đường là “Sang mưgik”. Những người ở lại – tạo dựng bảy nóc nhà – biểu trưng của bảy dòng họ đầu tiên ở Katuh. Từ thời Pháp Katuh có mấy lần di dời về sau được người Pháp châm chước dùng sức người, sức trâu khai hoang khu đầm lầy. Và chính sự kiện này cũng đọng trong ký ức những người già về sự tích con trâu khai hoang.

Một dị bản của sự tích kể trong dân gian Chàm về Dong, trước kia do thần núi và thần biển gây chiến. Vì tính kéo dài của cuộc chiến tàn khốc, vì đời sống sinh linh Pô Yang phải đến giảng hoà. Một phần đọng cát Trắng-Vàng thuộc về thần Biển, phần cồn cát Nâu-Đỏ thuộc về thần Núi lửa. Và lằn ranh đó được giữ đến bây giờ. Dù gió Đông-Bắc hay gió Tây-Nam có thổi. Ở đây, trước kia đầu năm Chàm lịch người Chàm Katuh có hành lễ vào nhưng về sau không còn nữa.

Đọng cát Nam Cương - một góc nhìn


Lễ Karơh và lễ Katat

Lễ Karơh (cấm phòng) và Katat (cắt qui đầu) diễn ra hai ngày, thứ năm, thứ sáu trăng thượng tuần vào các tháng ba, tháng tám, tháng mười, tháng mười một theo Chàm lịch. Nó được tổ chức cho nhiều cậu trai, cô gái một lúc. Lễ không diễn ra ở thánh đường mà là ở nhà Pôlathi, một thành viên được chọn từ một gia đình chuẩn mực trong Palei có xét gia phả từ thời ông bà, cha mẹ. Có hai Pôlathì – một đại diễn cho bên Karơh và một đại diễn cho bên Katat. Trước kia Karơh và Katat tổ chức cho những cô gái, chàng trai trên 14 tuổi, nhưng bây giờ do sự xáo trộn trong xã hội đương đại về phim ảnh và thông tin mạng toàn cầu nên nó được tổ chức cho cả những cô bé, chàng trai trẻ hơn có khi khoảng 7 – 8 tuổi, dù không là gì cả nhưng nó đã làm mai một đi ý nghĩa và giá trị ban đầu lễ nghi của nó – những con người trưởng thành chuẩn bị bước vào Đam Khah (hôn nhân). Những người mà sau này được palei chính thức công nhận là thành viên, người hiểu biết và canh giữ phong tục, tập quán của palei, dân tộc. Palei dựng hai Jang (nhà tạm) đối mặt nhau: Jang lớn ở phía thần thánh để hành lễ có Pô Gru, thầy Imưm; Jang nhỏ ở phía tây cho các cô gái vào cầm mình có muk Buh (bà dâng lễ), muk Khek (bà chúc) canh chừng trước đêm hành lễ. Trong đêm đầu, Pô Gru, thầy Khatip, thầy Imưm đọc kinh cầu nguyện trong Jang lớn. Sáng hôm sau, các cô gái mặc lễ phục nhiều lộng lẫy được hai bà hướng dẫn sang Jang lớn làm lễ. Các cô gái vào lần lượt từng người. Pô Gru đặt vào miệng cô gái một hạt muối, cắt một lọn tóc nhỏ trên đầu rồi cho uống nước. Chịu lễ xong, cô gái lại trở về Jang nhỏ tiếp tục cầm mình. Khoảng mười giờ sáng, các cô lại trở ra, lần này mặc áo dải trắng, lần lượt sang nhà lễ, lạy tạ ông Pô Gru và các thầy Imưm. Pô Gru hoặc thầy Imưm sẽ đặt tên thánh cho các cô gái, chàng trai, còn ông Khatip và Char chưa có quyền đặt tên. Trong dịp này, các cô gái sẽ được cha mẹ, bạn bè, người thân tới tặng các loại của cải vật chất như đồ trang sức, quần áo, tiền bạc, thậm chí cả trâu bò, ruộng đất. Những tặng vật ấy được coi như là của cải hồi môn khi các cô cưới chồng về. Về phần Katat, tất cả chỉ là tượng trưng, sau khi hành lễ xong – họ đi ra ngoài đường, vào những ngôi nhà kiếm gà để đập, kiếm trứng để lấy về, việc đó như chiến tích của những người trưởng thành. Sau khi tắm xong mới thôi. Ngoài ra, những người ngoại đạo nếu muốn lấy vợ ở trong Palei này cũng có thể tiến hành lễ vào dịp này.

Pô Gru


Anưk Katat

Anưk Karơh


Lễ Palikhah (Hôn Nhân)

Chỉ những người qua nghi lễ Karơh, Katat mới tiến đến hôn nhân được. Qua sinh hoạt trong xã hội, những thanh niên thanh nữ quen biết, để ý nhau. Họ ngỏ với gia đình, sau khi suy xét về dòng họ để thầm ưng thuận, theo thông lễ các bước như lúc trước “Paluak Panôik” (dạm hỏi) của ông Binhujk (ông mai, mối) chỉ âm thầm; sau đó mới là bước “Nao Pôik” (lễ hỏi) mới tiến hành công khai, để chuẩn bị cho lễ cưới. Hai bước trên cần sự khôn khéo, tế nhỉ của Ông Binhujk, bởi lẽ người đối với người Chàm, một người lập gia đình không chỉ là giữ tính ích kỷ của riêng mình mà là tìm người ba (hay mẹ) cho con mình sau này; tìm dâu (rể) cho ba mẹ; tìm cả thông gia với bên dòng họ. Nhưng khâu cuối cùng vẫn có tính quyết định là “Takloh Panôik” (lễ đính hôn) – thường diễn ra vào ban đêm thứ hai, thứ ba trước ngày cưới, đây cũng là lễ để nhà gái tạ ơn ông Binhujk, và hai gia đình đưa ra ngày cưới.

Sáng sớm hành lễ cưới, ngoài rạp dựng lên để chuẩn bị đón tiếp khách và hai họ, một Jang được dựng lên để hành lễ, những bà mẹ ở bên ngoài sắp xếp những vật lễ cúng Yang. Tới giờ hành lễ, Pô Gru, theo sau là Pô Car vào Jang để tiến hành lễ. Cái mâm cao và những vật lễ cần thiết được đưa vào ở phía trước Pô Gru, bên trái là hai ngọn nến (biểu tượng sức sống của cặp vợ chồng) – bên phải là một ngọn nến (biểu tượng cho sự sống còn trong mối quan hệ khi là một tế bào của Palei, cộng đồng). Bên trong Jang có hai đứa trẻ, biểu trưng cho đứa con của cặp vợ chồng. Hai vợ chồng vào vái lạy Pô Gru ba lần, sau đó vợ tháo chiếc khăn dùng để vái lạy lui về phía sau chồng, chỉnh sửa chiếc khăn trùm lên đầu che nửa mặt, trong khi người chồng tiến hành lễ khấn cầu, rửa tội trước mặt Pô Gru, người vợ ở phía sau níu áo chồng bằng cánh tay phải. Sau khi ngưới chồng rửa mặt bằng nước thánh, những bà già ở bên ngoài cầu nguyện theo tín hiệu của Pô Gru. Ba lần như thế, Pô Gru cuộn lại hai ngọn nến, tắt. Hai vợ chồng tiến vào nhà theo chỉ dẫn của Pô Gru, bắt đầu bước lên bậc thanh để vào nhà vợ, lễ vẫn tiến hành ở trong nhà với những khấn cầu, lời hứa thề của cặp vợ chồng. Xong phần lễ, cưới xin về hình thức, người Chàm Bàni hay Bàlamôn cũng gần giống người Kinh.

Tóm lại, chỉ có hôn nhân mới đánh dấu sự trưởng thành thực sự của một tín đồ Bàni. Chỉ qua hôn nhân họ mới hoàn thành tiếp nghi lễ vòng đời để về với Muk Kei (tổ tiên).

Lời Kết:

Địa hình Katuh bất lợi rất nhiều so với những Palei Chàm khác. Vì là tận cùng của hệ thống thủy lợi nên vào mùa hạn đấy là nơi đầu tiên thiếu hụt nước, còn vào mùa mưa nước dồn về làm lũ lụt, úng hoa màu, lúa nước trong thời gian dài. Đời sống người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, lúa nước và các hoa màu – ngoài ra họ còn thu nhập phụ từ chăn nuôi, đánh bắt hải sản, hay làm cán bộ nhà nước. Trước kia, bờ biển Katuh thường xuất hiện rùa biển lên bờ cát sinh đẻ, dân ở đây thường săn bắt đem bán những khu vực ở Caklaing và chợ Phan Rang nhưng về sau nhiều địa tôm và khu công nghiệp, khu giải trí mọc lên nên không xuất hiện những chú rùa biển khổng lồ này nữa. Dân ở đây chỉ những nhà nào khá giả mới nuôi tôm.

Trong những cuộc bộ hành, những lần café cốc ven đường, ngồi chung với những người bạn với ly rượu tâm tình tôi mới hiểu biết thêm về con người, sinh hoạt, lễ nghi của người dân ở đây. Tham dự mùa chay Ramưwan, chứng kiến lễ Karơh, Palikhah,… Còn những lễ nghi về nhà cửa, lúa nước - ở đây cũng như ở Palei Chàm hay các dân tộc khác. Trước thực trạng đô thị hóa, đất nông nghiệp bị cuỗm mất – lễ cúng thần lúa, lễ đắp đập khai mương, lễ cúng thần sông, thần biển để cho mùa màng tốt hơn nay mai một, thất lạc. Nghi lễ - cái bộc lộ hành động nảy sinh trên cơ sở niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo – cái bộc lộ về quan niệm sống con người của một dân tộc. Giới trẻ trong cuộc tiếp xúc với nền văn minh hỗn tạp đương đại – không được hướng dẫn, giáo dục một cách đầy đủ, đã vô tình đánh mất đi cái thiêng liêng của văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, do cơ chế hành chính của nhà nước, và trước sức mạnh của nền kinh tế thị trường đã khiến cấu trúc xã hội Palei Chàm truyền thống bị phá vỡ, đã biến mọi lễ nghi thành vở kịch sân khấu, đã đẩy đưa người dân Chàm khỏi Palei. Hỏi, những đứa con của Palei Chàm đang ở đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com