27 thg 12, 2015

TRÀ VIGIA: BUỔI SÁNG CALI


Chăm là ai? Một câu hỏi tưởng đơn giản mà phức tạp, và câu trả lời ngỡ dễ dàng nhưng rất khó khăn! Chăm có yêu nước thương nòi không? Dĩ nhiên là có và cần có nhiều hơn… Tuy nhiên, Chăm không còn nước để yêu cũng không biết đâu là nòi để thương để nhớ. Cho nên họ chỉ còn lại một ý chí tự do, nơi chốn nào có thể nương thân ẩn náu yên ổn thì đó là miền đất hứa! Qua bao dâu bể cuộc đời, Chăm không còn là một khối thống nhất nếu không muốn nói là phân rã thành từng mảnh đến nỗi không còn nhận diện được nhau. Đoạn trường lịch sử qua nhiều giai đoạn tang thương khiến anh không còn nhận ra em, chú không còn nhìn ra cháu… Nhóm chạy giặc lên núi thành Chăm Hroi, xuôi về nam thành Chăm Châu Đốc Tây Ninh. Vượt biên di tản về tây thành ra Chăm Kur, Siam…  vượt biển về đông thành ra Chăm Mã, Phi, Indo… Từ đó ít nhiều, họ không còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục tập quán truyền thống và quan trọng hơn, họ đang bị tác động từ nhiều yếu tố ngoại lai không được chọn lọc thiết yếu. Nhiều nguyên nhân đã khiến họ dần xa rời nguồn cội và như con thuyền không bến, họ lênh đênh trôi giạt không biết về phương nào?! Bởi vậy nói đến Chăm, người ta thường nhắc đến Chăm Panduranga như là Chăm Jat Chăm gốc. Chỉ vì họ còn Tháp để lên, còn Ghur Kut để vào và quan trọng hơn, họ vẫn còn ngôn ngữ chữ viết trong giao tiếp đời thường. Hòa nhập là điều tất yếu trong thế giới phẳng hôm nay, nhưng để không tan biến vào làng toàn cầu thì bản sắc là điều cần nên gìn giữ trân quý. Để trả lời câu hỏi Chăm là ai một cách dễ hiểu và dễ gần, Chăm là người Chăm chưa bị đồng hóa. Thiết nghĩ để không bị đồng hóa hay tự đồng hóa cần có những giải pháp sau:

1. Ngôn ngữ chữ viết

Một người Chăm đúng nghĩa tất yếu phải biết nói tiếng Chăm, biết viết chữ Chăm để nói đúng tiếng Chăm. Tiếng Chăm đa âm, nếu không nắm vững được âm đầu và âm cuối thì không thể nói và viết tiếng Chăm đúng được. Mỗi địa phương có phương âm và phương nghĩa khác nhau, nhưng nếu thống nhất về chữ viết thì mọi khác biệt không còn trở ngại. Với tiếng Việt chẳng hạn, giọng Bắc Trung Nam ngữ điệu khác nhau, nhưng chữ viết thì chỉ một. Tiếng Anh lại càng phức tạp hơn, chưa nói đến từng tiểu bang mỗi người một kiểu. Tiếng Anh nói giọng Mĩ, Canada, Úc, Ấn, Phi… nếu không học, không tiếp cận thì mãi mãi là người xa lạ. Huống chi Chăm không biết ngôn ngữ chữ viết Chăm là vô tình tự đồng hóa lấy mình và nguy cơ mất gốc là không thể tránh khỏi. Chỉ nói ở Mỹ, một buổi sáng Cali đẹp trời, một người con không thể nói tiếng Chăm với cha, một người cháu không nói được tiếng Chăm với ông thì đúng là một bi hài kịch nơi trần đời! Nhiều thế hệ trước đã và đang như thế, thế hệ mai sau cần có sự bảo trợ và dìu dắt của phụ huynh và cộng đồng để vết xe cũ không lặp lại. Ý thức phải đi đôi với hành động trong sự nỗ lực không ngừng từ nhiều người nhiều phía. Tất cả vì tương lai của con em chúng ta!

2. Tạp chí Tập san

Một cộng đồng nào cũng cần có tiếng nói của riêng mình để ta biết ta là ai, thế giới biết mình là ai?! Công nghệ thông tin ngày càng phát triển mang đến nhiều thuận lợi trong giao tiếp, nhưng chỉ mang tính cấp thời cập nhật. Một tạp chí hay tập san mới là một tặng vật đúng nghĩa, bởi nó hàm chứa vật thể và phi vật thể. Nó nói lên tâm tư tình cảm và nguyện vọng của một người đến mọi người và ngược lại. Cầm một cuốn sách trên tay chứa đựng bao tin yêu vào ngày Kate hay Rija Nagar, bạn sẽ cảm thấy háo hức một chút thiêng liêng tràn về. Đó là những gì được suy ngẫm chắt lọc hun đúc hôm qua được thể hiện hôm nay và gửi gắm vào muôn đời sau. Nó được nâng niu trên tay, ngái ngủ trên đầu giường, đường hoàng trong kệ sách, sẽ luôn nhắc nhớ chúng ta hiện hữu để hoàn hảo. Chăm có một bề dày văn hóa khác thường biểu hiện qua nhiều công trình nghệ thuật đa dạng và phong phú. Chỉ với vài trang ariya cổ còn sót lại cũng đủ dạy chúng ta nhiều điều để sống tốt và chết đẹp! Chúng ta may mắn được kế thừa nên cần phát huy đúng tầm vóc thời đại để tự khẳng định mình. Sáng tác mang tính sáng tạo luôn là nguồn cảm hứng vô tận trên một hành trình dài, kết nối quá khứ hiện tại vào tương lai như cha ông đã làm. Đó là một công việc khó khăn không phải ai cũng làm được, nhưng không làm không được!

3. Phong tục tập quán

Bản sắc dân tộc được thể hiện qua phong tục tập quán, nếu mất đi hoặc lai căng thì vô hình chung chúng ta nhòa đi chính mình để tan hòa vào người khác. Chăm đã tự đánh mất mình qua nhiều thời kì li loạn và hôm nay nếu không tự cảnh báo thì hồi chuông nguyện hồn ai sẽ còn vang mãi! Vòng đời của một con người bắt đầu từ lúc sinh ra cho đến chết đi qua nhiều nghi lễ. Ở đây chỉ nói đến Chăm Balamon được coi là Chăm gốc, còn Chăm Bani hay Chăm Islam đã có nhiều biến thái khác nên không đề cập ở đây dù có nhiều tác động tương hỗ lẫn nhau. Chào đời được một tháng, đứa trẻ phải được làm lễ Ew Praok để ra mắt tổ tiên công nhận một thành viên mới trong gia đình, tộc họ. Vai trò đó do Muk Rija đảm nhiệm cùng nhiều chức năng khác như múa lễ trong Rija Harei, Dayơp. Có việc đi đâu xa, học hành hay làm ăn buôn bán cũng phải trình báo ông bà để phù hộ độ trì may mắn, thượng lộ bình an… Quan trọng hơn cả vẫn là chức sắc trong  Balamôn Chăm, một tôn giáo khởi nguồn từ Ấn Độ được hòa quyện vào tín ngưỡng dân gian một cách nhuần nhuyễn trở thành một tập tục bất biến. Bốn giáo phẩm chính trực tiếp chi phối và điều hành mọi nghi lễ quan trọng trong đời sống thường ngày cũng là sinh hoạt tâm linh là:

-     Po Dhia: Chủ lễ đám tang Chăm, siêu thoát linh hồn người chết về chốn vĩnh hằng. Chủ lễ những đám tuần Patrip theo từng chu kì. Chủ lễ mở cửa tháp, hành lễ trên tháp dịp Kate, dựng Kut nhập Kut…

-     Ong Kadhar: Thầy chủ tế sử dụng cây đàn Kanhi hát thánh ca, phối hợp với Po Dhia trong những nghi lễ tương ứng trừ đám tang và đám tuần. Ngoài ra còn là Chủ tế trong lễ cúng ruộng Ew Po Bhum nay mất dần.

-    Ong Mưdwơn: Thầy sử dụng trống Baranưng hát tụng ca, là chủ tế trong lễ Rija Nagar, Rija Praong, Dayơp… Chủ lễ đám cưới đám giỗ nhà mới.

-    Gru Kalơng: Thầy chuyên về bùa chú trừ khử tà ma và rửa tội cho người mới chết. Giải hạn những điều xui xẻo xúi quẩy. Tra vòng và tháo vòng tay chân cho những đứa trẻ hay bệnh tật. Tẩy uế nhà cửa đất đai…

Thiếu một trong bốn chức sắc trên thì sinh hoạt đời thường và tâm linh Chăm mất đi tính đậm đà bản sắc dân tộc. Một vấn đề đặt ra là những chức sắc tôn giáo Chăm hôm nay có thể hiện được vai trò của mình và có được sự tôn trọng đúng mức? Chưa nói là bị chi phối bởi chính quyền và nhiều thế lực khác dẫn đến tranh chấp cùng những hệ lụy khác dẫn đến tiêu cực! Không nên đòi hỏi quá nhiều về uy tín và khả năng nơi các vị ấy bởi hoàn cảnh và điều kiện không cho phép. Có một vị tuyên bố thẳng thừng, các người cứ chê chức sắc Chăm đều là những kẻ trốn lính nên không có trình độ. Thế sao các người trí thức chức quyền bằng cấp không mặc áo trắng nhà tu đi cho dân Chăm nhờ? Không có mấy thằng trốn lính này thì đâu có tu sĩ Chăm hôm nay! Toàn một lũ nói dóc học láo nói năng trịch thượng phạm thần. Thật chí lí và cũng thật phi lí cho một kết cuộc mà chẳng ai mong muốn, và cũng không ai đặt vấn đề cho một giải pháp tốt hơn. Có lẽ phải bắt đầu bằng gợi và mở với những tiêu chí và lộ trình rõ ràng với những động thái cụ thể. Chăm đã mất đi nhiều thứ nên muốn tìm lại không phải là dễ trong môi trường và  điều kiện sống hiện tại. So với những tôn giáo khác như Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo… thì những Thượng tọa Linh mục và những vị lãnh tụ tinh thần đều có bằng cấp cao, xuất thân từ tu viện chính quy với giáo trình khoa học. Còn với Chăm thì không, không tu viện không giáo lí không kinh phí… và không cả những người dám xả thân vì đạo! Câu chuyện này phải được đặt ra cho lớp trẻ, bởi tương lai của thế hệ sau tùy thuộc vào nhận thức đương thời. Làng xóm Chăm dù gì vẫn còn duy trì được những lễ nghi mang tính văn hóa, còn Chăm ở nước ngoài thì sao? Vẫn có thể được nếu có quyết tâm, có nhân lực và vật lực! Phải được chuẩn bị chu đáo và có đào tạo không chuyên và bán chuyên bởi Chăm chưa có hệ thống cho hệ chính quy này. Cộng đồng Chăm ở Mĩ chẳng hạn, nếu không có người tự giác tự nguyện vào tầng lớp cao quý này thì vẫn có thể tuyển dụng từ cố hương. Tối thiểu cần có bốn Basaih, một Ong Kadhar, một Ong Mưdwơn và một Gru Kalơng. Khởi đầu học đạo ở quê nhà, sau đó tạo điều kiện đi du học Ấn độ và các nước liên quan để san định lại kinh sách, thiền định. Khi đã đủ tư thế hành đạo, các hội đoàn bảo trợ văn hóa Chăm đứng ra bảo lãnh những tu sĩ đời mới này qua định cư ở Mỹ cho mục đích tôn giáo. Tất nhiên cần có thánh đường, một mô hình quần thể Tháp Chàm nhỏ cho việc hành lễ. Tuần tự sẽ có nhà tang lễ thay thế rạp tang, lò thiêu thay thế củi lửa, Kut mới được dựng lên và những người li hương sẽ an tâm ở lại. Lúc đó mới toàn tâm toàn ý xây dựng cuộc sống mới, phát triển kinh tế vật chất cùng đời sống tâm linh để tự nhiên như nhiên về nơi an nghỉ cuối cùng như một người Chăm đúng nghĩa…

Rất vui khi có vài bạn trẻ muốn xuất gia để củng cố lại niềm tin vào tôn giáo tổ tiên mình đang ngày càng xuống cấp và trên đà mai một. Để gia nhập vào đẳng cấp Balamôn, mỗi người cần có ý chí tu tập cao, có đạo đức, có trí tuệ và niềm tin tâm linh mãnh liệt để học đạo và hành đạo. Một buổi sáng Cali tươi đẹp khi  Chăm ai cũng biết nói tiếng Chăm và viết tiếng Chăm. Đầu năm hay giữa năm Chăm hoặc suốt năm đều có tạp chí tập san Chăm để đọc, ru hồn mình và hồn người. Đó là ước mơ bởi nó quá gian truân, nhưng cũng là hiện thực nếu mọi người cùng chung tay góp sức! Một đời người là trăm năm, nhưng sẽ nối tiếp ngàn vạn năm nếu có người kế tục. Rồi một ngày Cali hay bất kì nơi nào trên thế giới, chúng ta gặp nhau chào nhau quen thân không lạ, tưởng lạ mà quá đỗi quen thân. Mong rằng ước mơ một ngày hiện thực, hẹn gặp Panrang bạn nhé!


Trích từ tạp san Vijaya 10


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com