13 thg 11, 2014

TRÀ VIGIA: VÔ DANH CHĂM



Trong cuộc sống hiện tại, rất ít người hiểu Chăm là ai, về lịch sử cũng như văn hóa và ngay cả trong cuộc sống đời thường. Bởi nếu chỉ nhìn qua dáng vẻ bề ngoài, Chăm cũng chẳng có điểm gì khác biệt so với các dân tộc anh em khác cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Dĩ nhiên, càng vào sâu hơn, điều khác biệt ấy mới dần hiển hiện. Tinh thần vô danh Chăm là điểm nhấn cho sự dị biệt ấy. Để hiểu nó một cách căn cơ, chúng ta cần trở về cội nguồn nơi nó xuất phát. Văn hóa Chăm ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Ấn Độ, được du nhập vào Chăm từ bao giờ chưa có một nghiên cứu chính xác. Chỉ biết nó đã vào Chăm, hòa nhập và hòa tan khi bị Chăm hóa để trở thành một bản sắc riêng. Chưa nói đến một quá trình dài giao lưu, giao thoa với nhiều nền văn hóa khác như các nước ảnh hưởng Hồi giáo và Trung Hoa. Nếu văn hóa Trung quốc có xu hướng nhập thế trên nền tảng Nho học, thì văn hóa Chăm luôn tìm đường xuất thế vào thế giới tâm linh. Balamôn Chăm là khởi điểm và đích đến cuối cùng!

Một nền văn hóa được hình thành luôn dựa vào thành quả của giáo dục với những nỗ lực không ngừng qua từng thời đại. Hệ thống giáo dục của người Chăm xưa kia thế nào không ai đoan chắc. Chăm có hai khái niệm từ để định nghĩa sự tìm học và cấp học cùng sự thành đạt. Bac da a tức là tìm học hay cầu học, trước hết tâm ý phải hiếu học thì người học mới có sự quyết tâm và ý chí để vươn lên tiến bộ. Tùy theo điều kiện và thiên tư, có thể học theo cha truyền con nối hoặc mời hay theo một người thầy nào đó thích hợp. Tùy năng khiếu và sở thích, nếu ai không đủ khả năng học lên cao thì dừng lại. Rẽ ngang, tìm một công việc mưu sinh, làm nông dân, thợ thủ công, buôn bán… Nói chung những công việc chân tay đòi hỏi cơ bắp hơn là trí tuệ. Rồi lập gia đình và ổn định cuộc sống, lao động sản xuất mang lại của cải cho xã hội. Ai muốn phấn đấu lên cao hơn thì cứ vững tin tiếp tục. Không nổi nữa thì lại rẽ ngang, đã có đủ vốn liếng kiến thức để tham gia chính sự, làm cán bộ nhà nước phục vụ nhân dân. Cao hơn nữa là giai đoạn Bac Mưgru, vẫn có thầy hướng dẫn nhưng tự học và tự nghiên cứu là chính. Cấp học để làm thầy, tinh thông mọi giáo lý giáo trình tu tập, thấu hiểu nỗi người cùng lẽ đời và lẽ đạo. Học với người Chăm đồng nghĩa với tu, tu tâm tu trí và tu làm trên nhiều con đường đều hướng đến Chân Thiện Mỹ. Đến đây vẫn có sự rẽ ngang, ai muốn làm tu sĩ đi vào chùa gọi là Basaih, ai muốn tu tại nhà thì gọi là Gahaih, tức cư sĩ Balamôn. Chân tu đắc đạo được gọi là Adhia nghĩa là Thiền sư, có vai trò và tư cách trụ trì một cụm tháp cùng là thầy chủ tế của nhiều nghi lễ quan trọng khác. Cho nên tập cấp của xã hội Chăm không mang tính giai cấp theo ngành nghề mà dựa vào thành tựu của sự tu tập. Đó là đẳng cấp của trí tuệ và linh hồn, không thể có bằng cấp thật tri thức giả, càng không thể có tri thức giả với bằng cấp ma!

Quan niệm xuất thế tạo nên tinh thần vô danh. Học để tu thân, thăng hoa và siêu thoát! Người nào làm việc nấy với những chức năng cụ thể, không ai có thể thay thế ai được. Mỗi người tự biết mình phải làm gì và làm thế nào cho tốt nhất để có cơ hội tiến cao tiến xa hơn nếu còn có thể phát huy. Học để cống hiến chứ không phải hãnh tiến tỏ ra mình hơn người khác, mà hơn để làm gì?! Vật chất chỉ là phương tiện để minh triết kiếp người và cõi đời qua sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy, tinh hoa của Chăm nằm trong nghệ thuật tiềm ẩn trong văn hóa vật thể và phi vật thể. Rất tiếc cội rễ đã héo khô nên ngày nay chúng ta khó tiếp cận và tiếp nhận những chồi non xanh biếc. Rất tiếc! Chăm quan niệm rằng một người được gọi là giàu có, khi người đó với ưu thế tài sản của mình có thể giúp đỡ những kẻ khốn khó sa cơ. Được coi là tài cao học rộng một khi kiến thức ấy mang lại cho người khác sự hiểu biết thông minh hơn. Được công nhận là quyền cao chức trọng khi quần chúng tìm thấy sự đùm bọc chở che trong sự chỉ đường dẫn lối. Hôm nay ngược lại, người giàu bóc lột kẻ nghèo để chứng tỏ uy thế của mình. Người có vài bằng cấp cao thường hay tự mãn về sự thành đạt hú họa của mình. Người được chọn lựa cơ cấu vào chức vụ lơ mơ đã vội tưởng mình siêu việt để lên mặt hù dọa người khác. Mọi người tìm mọi cách để PR, lăng xê tiếp thị, tự đánh bóng tên tuổi mình để tiến thân một cách tội nghiêp. Chẳng biết ra làm sao! Chẳng biết thế này là thế nào?

Tinh thần vô danh Chăm chỉ còn đọng lại trong giai thoại và văn chương. Ở Phan Rang vẫn còn hai cụm Tháp Chàm vẫn đang uy nghi sừng sững giữa bầu trời cao để minh chứng điều đó. Hai vị Vua Po Klaong và Po Rome đều xuất thân từ gia đình bình dân nghèo khổ, mẹ góa con côi. Họ lớn lên và trưởng thành nhờ sự đùm bọc của bà con lối xóm và sự nỗ lực tự thân. Không phải con vua thì lại làm vua, thời thơ ấu họ cũng phải đi bú nhờ, cũng khóc vì khát sữa như những đứa trẻ mồ côi khác. Lớn lên cũng phải mò cua bắt ốc sinh nhai hay chăn trâu chăn cừu cho những người giàu có. Người Chăm không thần tượng hóa bất kể ai, từ dân cày cho đến vua chúa. Mỗi người phải tự tìm cho riêng mình một con đường đi tới đích trong sự chào đón của mọi người. Cho nên họ không có tính bầy đàn hay phe phái, mỗi người là một tiểu vũ trụ và công phu tu tập giúp mỗi linh hồn hòa nhập vào đại vũ trụ nơi một kiếp người. Từ tiểu ngã Atman vào đại ngã Brahman mà người ta phát âm là Balamôn. Ai tu không đạt thì cũng không lo, khi chết đi sẽ có Po Adhia đắc đạo giúp cho hóa kiếp. Ai có năng lực, giúp ích được nhiều cho cuộc sống nhân quần thì được suy tôn thần. Ai có đạo đức cao, dẫn dắt con người cải tà quy chánh vào con đường ngay lẽ phải thì được phong thánh cho loài người mãi mãi nhớ ơn phụng thờ. Bởi thế không ai phải ăn thua toan tính thiệt hơn làm gì, kiếp này sống tốt thì kiếp sau ắt tốt nếu vẫn còn kiếp nào chăng nữa! Đặc biệt hơn, trong những ariya cổ của người Chăm không bao giờ có tên tác giả. Ai đó biết để viết, cần thiết cho những ai cần đọc để sống và tu, hay chỉ để ngâm nga giải sầu trong những đêm khuya thanh vắng. Bởi viết ra thì không còn là của mình nữa nếu có người khác tiếp nhận. Nếu không thì chìm vào quên lãng - vô danh.

Hữu xạ tự nhiên hương cho dù thơm hay thối! Người Chăm coi cuộc đời này chỉ là cõi tạm, chỉ là thử thách của tu tập nên chẳng có cái gì mất cũng không có cái gì còn. Trong bài thơ cổ: Đi làm người (Ariya Nau Ikak) tức là đi nghĩa vụ. Chúng ta xuất phát từ một nơi nào đó trong vũ trụ đến trái đất này để thi hành nghĩa vụ làm người. Sinh ra không mang theo gì, được cha mẹ xóm làng cho ăn bú mớm nên lớn lên phải trả công, phải sống cho ra người. Phải thi hành nghĩa vụ quân sự bảo vệ tổ quốc, đóng thuế xây dựng đất nước, tu tâm tích đức để phúc cho con cháu đời sau. Chết đi cũng không thể mang theo gì ngoài tiếng tốt và tiếng xấu mà ta đã thể hiện nơi cuộc đời này. Sống vô danh để hữu danh, hữu danh trong vô danh. Không phải ai cũng biết và hiểu nếu cứ háo danh mù!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com