Tập
truyện "Hạt Buồn" của Trà Vigia gồm 10 truyện ngắn. Qua đó tác giả
nhìn thế giới hiện thực bằng dòng văn chương dung dị của sinh hoạt đời thường
trong cộng đồng Cham hòa lẫn với thế giới huyền ảo lớp lớp kiếp kiếp từ quá khứ
trải dài đến hiện tại, từ thần thoại cho đến hiện thực.
Trong
tác phẩm Haroun và Biển truyện của Salman Rushdie có nhắc đến thành phố u buồn ở vương
quốc Alifbay - nơi có nhà máy chuyên sản xuất, đóng gói nỗi buồn. Quyển khí
tinh thần từ nhà máy truyền lan gây sự bất ổn về mặt xã hội và cá nhân con
người. Nay dân tộc Cham, từ khi mất nước, và đặc biệt sống
dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam, mọi giá trị về văn hóa của dân tộc bị băng hoại
nhiều mặt từ giáo dục cho tới sinh hoạt cộng đồng. Từ sự mất mát các di sản tổ
tiên để lại kèm theo sự thay đổi của thế giới hiện tại đã khiến cho nhiều tri
thức Cham lặng ngơ trước bổn phận & trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc.
Cuộc sống đã khiến họ chật vật với cơm áo gạo tiền hơn là đời sống tinh thần,
tâm linh - họ mất tăm trong cõi đá không hình hài - để thể hiện họ mượn lớp áo
danh vọng, tiền tài và chút men để biết mình hiện tồn. Nếu trong tập truyện ngắn
"Chăm Hri" của Trà Vigia thương thay cho thân phận con người vác mang
lốt thú - thì "Hạt Buồn" đi đến bi kịch, giống người huyền thoại bước
ra từ cõi đá và giống người trần tục lại trở ngược. Chính vì lẽ đó Hạt Buồn đã
nảy mầm một cộng đồng như nấm cây trơ trụi, chỉ một cơn gió nhẹ sẽ lây đổ ngay
lập tức.
Di
sản mà người Cham kế thừa từ Champa cổ không chỉ là lớp văn hóa vật thể - phi vật thể mà cả con người, một linh vật
có sự kết nối tâm linh - dù cuộc đời là một cõi tạm nhưng ánh hào quang của vật
chất vẫn lung linh trước mắt - mãi mãi, con người không thể thoát và luôn rơi
vào ngục khổ, giá trị tinh thần sống trở nên nông cạn và hời hợt. Và, với sự vận
hành phi lí, tàn bạo của cơ chế chính trị không nằm ngoài yếu tố khiến nhiều người dân Cham trơ lì cảm xúc - ở nơi đây, và ngay bây giờ con người
không thể tự hào vào điều gì thêm nữa - một đám đông vùi đầu vào công nghệ số để
trông và chờ. Vài người tri thức cố níu lấy quá khứ, níu lấy những truyền thuyết, những
cổ tích, những câu chuyện thần tiên đã nằm sâu trong cõi đá. Và, những nhân vật
trong tập truyện ngắn Hạt Buồn của Trà Vigia đã bước ra từ thế giới đó:
Một
Jata trong cơn bệnh - mơ hồ về các kiếp sống của mình qua một đoạn trong truyện
Hạt Buồn: "… Jata có cảm tưởng rằng mình đã học đâu đó từ kiếp trước, kiếp
này chỉ để ôn lại, kiểm nghiệm lại những gì mình đã trải qua. Hình như ở một kiếp
nào đó chàng đã là một hoàng đế oai phong hiếu sát, luôn đem quân đi xâm lược
nước khác để cướp bóc hoặc chỉ để thị uy rằng ta đây kẻ mạnh. Chàng đã gây ra
biết bao nhiêu tội ác tày trời khi giết người không gớm tay với những sinh linh
vô tội. Chàng đã sống xa hoa trong cung vàng điện ngọc bao quanh là đám cung tần
mĩ nữ lả lơi cùng lũ nịnh thần tung hô tâng bốc, trong khi dân nghèo đang đói
rét lầm than kêu trời không thấu! Lại một kiếp nào đó chàng là một người hành
khất rách nát tả tơi bị người đời ruồng bỏ, mái nhà là gầm cầu xó chợ cùng lũ
chó hoang tranh nhau miếng ăn miếng nhục một kiếp đời. Có khi chàng lại hóa kiếp
một người tử tù bị dẫn ra pháp trường xử trảm, chàng bị chém ngang lưng nên nỗi
kiếp này vẫn thấy đau âm ỉ triền miên. Có lẽ chàng cũng từng là một tu sĩ khổ hạnh
nơi rừng sâu núi thẳm nên cứ mỗi lần ra phố chàng lại thấy khó thở và ngột ngạt
hơi người. Chàng thích ngồi một mình trầm tư hơn là đàn đúm đám đông, càng muốn
hòa nhập hòa đồng chừng nào lại càng cô đơn chừng ấy. Chỉ khi nào chàng hóa
thân là một nhà thơ thì tinh thần mới cảm thấy thanh thản thoải mái, nhưng nhà
thơ cứ vẫn là nhà thơ lơ mơ lang thang vô định. Nhà thơ của ngày xưa đã chết từ
lâu, kiếp này không thể và không nên đầu thai một thời lầm lỡ!… "
Một nàng Bang trong truyện Trở Về
Nơi Đã Mất "…với tổ tiên hành nghề vũ nữ trong ngôi đền thiêng. Thần chủ của ngôi đền là Yang Dari, tiếng
Chăm có nghĩa là thần vệ nữ hay đúng hơn là Nữ thần Nhục thể. Ngôi đền này có
chức năng thu nhận và huấn luyện những đứa bé gái có nhan sắc kèm theo năng khiếu
múa hát. Qua một thời gian học nghề thuần thục, đến tuổi trưởng thành họ là những
vũ công chuyên nghiệp phục vụ những nghi thức tế lễ thần linh trong ngôi đền
thiêng. Trong vai trò khác họ là đoàn văn công có nhiệm vụ tiếp đón và biễu diễn
văn nghệ cho sứ thần nước ngoài và khách tham quan thưởng lãm. Cuộc sống của họ
cách li hoàn toàn với sinh hoạt đời thường cũng như không còn mối liên lạc với
gia đình. Nàng Geisa đời nay đã thành đứa con của Yang Dari, sau này sẽ hoá
thân vào Apsara kiếp đá. Không hẳn nhân thân họ là những đứa con bị cha mẹ bỏ
rơi mà là vật lễ của Bàlamôn sùng đạo hiến tế cho thần linh, cho đức tin tôn giáo…"
Và
những nhân vật khác trong tập "Hạt Buồn" sống vẫn lẫn lộn giữa thế giới
hiện thực và thế giới huyễn hoặc. Họ trầm ngâm. Trầm ngâm trước xã hội cũ đã
thoát trần, giờ còn đọng lại trong họ những tiếng ồn của vấn nạn thời đại tạo một
bức tranh mê hoặc đám đông - tiếng nói mê sảng của các họ tạo một lằn ranh -
như vết sẹo của giống Chàm còn sót lại, phát lên tiếng nấc nghẹn về thời đại
mình. Đó như một cái ngáp, dù muộn thôi nhưng để cộng đồng Cham tự thức tỉnh để
bắt đầu lại với sự mất mát từ một câu chuyện khác.
Thông tin liên hệ:
http://www.amazon.com/Hat-Buon-Vietnamese-Edition-Vigia/dp/1502941937/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1414296135&sr=8-1&keywords=hat+buon
Baigaon, 10.2014
http://www.amazon.com/Hat-Buon-Vietnamese-Edition-Vigia/dp/1502941937/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1414296135&sr=8-1&keywords=hat+buon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com