(Trà Vigia)
Đó là nơi xưa kia có một cái bàu
nước, giờ không còn nữa! Cũng như bản thân Tầm xưa kia là một đứa trẻ thơ, giờ
cũng không còn nữa! Ba mươi năm qua với bao đổi thay dâu bể, đổi thay trong cả
lòng người!
Ngày ấy cha Tầm là một thầy giáo
làng nghỉ hưu sớm vì sức khỏe yếu, vì thời cuộc biến thiên… Mẹ chàng tần tảo
một mình nuôi năm miệng ăn bữa cơm bữa cháo. Cuộc đời Tầm đã gắn bó bao nhiêu
năm với mảnh đất này để giờ đây chơi vơi trong ánh nhìn xa lạ. Chàng khẽ thở
dài luyến nhớ xa xôi, buột miệng nhớ rằng chàng đang sống!
Bức tranh chân dung Nhan, Tầm đã vẽ
xong. Có đôi nét chưa vừa ý, Tầm định sửa lại, nhạt hơn, sậm hơn nhưng chàng
biết nếu sửa lại chút ít thôi, chàng sẽ xóa nó đi mất! Hãy xem như nó phải được
vẽ như thế, như mẹ Tầm đã đẻ chàng ra như thế, không nên tự huyễn tự ty. Chàng
luôn lấy đó làm châm ngôn sống. Có điều, Tầm đã vẽ Nhan bằng xương bằng thịt
hôm nay bằng ký ức được phác thảo hôm xưa, hồi Nhan còn là thiếu nữ ngây thơ e
ấp. Nghệ thuật là gì nếu không minh họa thực tế, nhưng là một thực tế thẳm sâu
không mang hình hài màu sắc, không mang tục lụy đời thường, một thực tế phi vật
thể trong thế giới luôn đổi dời từ đời này qua đời khác. Cuộc đời Tầm cũng vậy,
nó cứ đưa đẩy đẩy đưa cho dù chàng cố sức trì níu. Quan trọng là chàng đã sống
như thế nào, thể hiện được gì, tâm hồn có thanh thản! Không, cuộc đời phải sóng
cuộn triều dâng, sự sống mới vận động cho cây cỏ nở hoa, hồn người phiêu diêu
mộng thường vô ngã.
Hôm từ Sài Gòn về Tầm có mua quà
cho các cháu, cho cả hai đứa con của Nhan. Riêng nàng, chàng tặng hai xấp vải
cùng một ít mỹ phẩm. Nhan nghèo quá, tiều tụy quá, khép nép quá… Tầm muốn nàng
hồn nhiên tươi tắn như ngày nào thiếu nữ. Muộn rồi! Những cái muộn màng quái ác
ấm ức thiệt thòi không bù đắp được. Tầm đã nói ý định vẽ nàng một tuần lễ
trước, sợ rằng nàng sẽ mặc cảm từ chối, không ngờ nàng lại vui vẻ nhận lời như
một đứa trẻ mong được quan tâm chăm sóc nuông chiều. Điều đó làm Tầm rất vui,
hứng khởi hơn trong công việc lơ đãng bấy lâu nay. Ngày đầu tiên làm mẫu, Nhan
diện bộ đồ mới may từ xấp vải Tầm tặng, gương mặt có trang điểm chút son phấn
nhưng đó không phải là chân dung thật của nàng. Tầm lấy cớ chưa chuẩn bị đủ đồ
nghề nên tạm hoãn lại và dẫn nàng đi chơi. Nàng tỏ ra thích thú, khuôn mặt như
trẻ lại, vết hằn gian truân như giãn ra, lộ ra nét mờ thơ ngây năm cũ khiến
lòng Tầm bồi hồi bâng khuâng.
Cách đây mười năm, Tầm đã vẽ Duyên
trong một tâm trạng khác. Đam mê, háo hức, bay bổng…trong sự khát khao khám phá
vô tận vô cùng. Duyên là một người con gái đẹp, đẹp hơn tất cả các cô Tầm đã
từng gặp gỡ, quen biết. Đẹp người lại tốt nết, nàng luôn ăn nói dịu dàng lịch
sự, đôi chút nhí nhảnh dễ thương. Duyên lại xuất hiện đúng lúc Tầm đang bế tắc
khủng hoảng, đi không nỡ ở chẳng đành. Nàng là vị cứu tinh, là thiên sứ mà
thượng đế phái đến để nâng đỡ Tầm gượng dậy, đứng lên dấn bước. Duyên cũng là
sinh viên trường mỹ thuật, Tầm đã ra trường mấy năm nên không hề quen. Không
biết ai đó giới thiệu, nàng đã tìm đến Tầm nhờ hướng dẫn học hỏi thêm. Lúc đầu
chàng không hào hứng lắm, nhìn Duyên qua một hình mẫu lý tưởng nếu có thể định
hình. Ra trường không có chỗ làm ổn định, về tỉnh thì sợ lụt nghề không phát
huy được. Loanh quanh luẩn quẩn vẽ mấy tranh thị trường kiếm sống qua ngày, mấy
bức tâm huyết ký gởi ngày này tháng nọ biệt vô âm tín. Duyên là một cô gái kiên
trì, cách vài ngày lại đến với giỏ trái cây, vài bao thuốc lá và một mớ đề tài
hội họa. Căn gác trọ tồi tàn bừa bộn, đã chật lại càng chật thêm. Nhiều lúc Tầm
thấy khó xử với điều kiện sống khắc kỷ của mình mà ái ngại cho Duyên, khuyên
nàng nên tìm một người hướng dẫn khác sẽ tốt hơn nhưng Duyên tảng lờ lần lữa,
ỡm ờ rằng đã tìm đúng người. Giọng nàng nhỏ nhẹ êm êm quá, Tầm là người đa cảm
nên giọng ấy qua năm tháng đã thấm vào người lúc nào không hay, chỉ biết
vắng nàng lâu lại thấy nhớ!
Không nhớ sao được khi Duyên lại
biết đàn và hát rất hay. Nàng mua hẳn một cây đàn Yamaha gởi luôn nơi gác trọ.
Nàng còn biết làm thơ và đọc thơ rất gợi cảm. Quái nhỉ! Con gái gì mà nhiều tài
thế? Nhiều lúc Tầm nói đùa: hồng nhan bạc mệnh đó cô nương, phải giữ thần hồn
và bảo trọng. Duyên chỉ mỉm cười và có vẻ khoái chí về câu nói đó. Nàng lại còn
biết nhậu mới kinh khiếp. Ngày rảnh rỗi, uống café tán dóc đã đời, hứng chí
nàng rủ đi nhậu, Tầm đã ngà ngà say mà cô nàng vẫn tỉnh bơ. Từ đó Tầm không còn
coi Duyên là cô bé!
Càng ngày Duyên càng linh hoạt
chững chạc hơn, có óc tổ chức và tháo vát trong công việc từ học tập đến sinh
hoạt. Nàng mang những bức tranh của Tầm đi giới thiệu ở phòng tranh này,
gallerie nọ. Không biết nàng giới thiệu ra sao mà cứ giáp tháng lại đem về mớ
tiền kha khá, đều đặn. Có khi một khoản tiền ngoài sức tưởng tượng của
Tầm, chàng giao hết cho Duyên bảo giữ dùm, chỉ giữ lại số ít chiêu đãi bạn bè,
giúp đỡ anh em túng bấn. Đám bạn cùng khóa đều khen Tầm có diễm phúc! Mà diễm
phúc thật, Duyên vừa đẹp người, vừa tốt nết, vừa giỏi giang quán xuyến chu đáo.
Nàng chủ động thuê một căn nhà mới rộng rãi tiện nghi hơn cho Tầm chú tâm dồn
sức vào nghệ thuật. Ngày Duyên ra trường với luận án xuất sắc là ngày vui đặc
biệt, Tầm đã vẽ bức chân dung nàng!
Duyên là một cô gái có cá tính,
điều mà Tầm chú ý khi nhận xét về một con người. Tâm hồn nghệ sĩ tô phớt một
chút lãng mạn như mùi nước hoa thơm nhẹ trong người nàng nhưng luôn lan tỏa một
sức hút mãnh liệt. Nàng không hút thuốc nhưng trong xách tay luôn có gói
Dunhill xanh, khi hai người uống café hay ngồi đâu đó hóng mát, Duyên lại rút
ra một điếu châm lửa đốt, đôi môi mọng nhỏ bụm từng lọn khói lam thơ mộng thanh
bình. Lúc đó nàng như một nữ thần hơn là người tục khiến hồn Tầm phiêu diêu
trong mây trời vô định. Hai người đang nghĩ gì mà trầm lắng nơi thế giới ồn ả
này. Chỉ nghe vài câu nói bâng quơ:
- Chúng ta đã rất cố gắng và đã đạt
được những gì mình mong muốn. Rồi sao nữa nhỉ?
- Em đã tìm được người mình
muốn tìm, làm những việc mình muốn làm. Anh đã tìm ai đó chưa?
- Ừa ừa! Sao anh lại không để
ý nhỉ, sao lại vô tâm đến thế nhỉ. Ờ ờ! Mà sao phải đi tìm ai, em ở đây rồi mà.
- Ấy thế! Em đã ngồi bên anh
mấy năm nay, chưa thấy anh nhìn em bao giờ. Nhìn bằng con tim ấy… anh quen nhìn
tranh nên không thấy người…
- À à! Xin lỗi, rất xin lỗi
em. Anh có tư thế hôm nay là do em, nhờ em… không biết sao em làm thế nhỉ?
- Em muốn anh hạnh phúc. Thành công
là chìa khóa mở cửa hạnh phúc. Anh là người có tài có tâm xứng đáng được hưởng
hạnh phúc và cho người khác được hạnh phúc.
- Thế còn hạnh phúc của em,
của những con người khác?
- Em đã thành công trong việc
giúp anh thành công, đó là hạnh phúc của mình. Với lại anh cũng giúp em đi đến
thành công hôm nay, anh không nhớ sao?
- Làm sao anh quên được, ôi hạnh
phúc quá!
- Nhưng còn một việc anh chưa
làm…
- Ồ! Còn có gì quan trọng hơn
sao?
- Đó là mở cửa con tim người để dẫn
đến hạnh phúc vĩnh cửu. Em trao anh chìa khóa này, một chìa duy nhất để mở cửa trái
tim em!
Đám cưới Tầm Duyên được tổ chức
linh đình nơi một nhà hàng sang trọng khách khứa đa phần là nghệ sĩ. Bố mẹ
Duyên là người có chức quyền và là gia đình thế phiệt. Họ tặng đôi vợ chồng trẻ
một căn biệt thự lớn yên tĩnh nơi trung tâm thành phố. Ai cũng khen hai người
đẹp đôi trai tài gái sắc và chúc hạnh phúc lâu bền và thành công trong sáng tạo
nghệ thuật. Bức chân dung của Duyên được treo trang trọng giữa phòng khách gây
một ấn tượng đặc biệt, truyền một sức sống đến những bức tranh khác xung quanh
và tạo một khung cảnh huyền ảo kỳ lạ. Nơi đây là phòng trưng bày tranh của Tầm,
Duyên và bạn bè bằng hữu. Nhiều bạn bè thời hàn vi giờ đã khá lên nhờ gởi tranh
ở đây, ăn theo sự nổi tiếng của Tầm Duyên. Kể cũng lạ! Cũng bức tranh đó nhưng
để chỗ khác thì chẳng ai ngó ngàng, nhưng để nơi đây giá trị của nó vọt tăng
lên vượt bậc. Cũng như con người, phải đứng đúng chỗ, ngồi đúng nơi, đi đâu, về
đâu ai biết được?!
Một ngày nọ, có một ông khách nước
ngoài cứ đứng tần ngần ngắm bức chân dung. Phần đông khách mua tranh là người
nước ngoài, họ cũng bị thu hút bởi bức chân dung nhưng biết rằng đây không phải
là tranh bán nên cứ ngẩn ngơ tiếc nuối. Riêng ông khách này nằng nặc xin được
gặp người chủ bức tranh để trao đổi vài chuyện. Ông ta kiên trì lì lợm quá nên
Tầm phải tiếp.
- Tôi muốn mua bức tranh này.
- Xin lỗi, ông không thấy hàng
chữ tranh không bán?
- Tôi biết, nhưng ông thông
cảm. Tôi không phải là người chơi tranh nhưng tôi thích bức vẽ này. Tôi là một
họa sĩ đang trên hành trình đi tìm cái đẹp và đã tìm thấy. Tôi có cảm tưởng
cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu không có bức tranh này. Thành thật xin lỗi
ông về sự khiếm nhã không cố ý. Lẽ nào cuộc đời tôi phải đứng mãi nơi này để
chiêm ngưỡng mãi bức chân dung.
- Ồ! Ông lãng mạn quá đấy, thế
những người khác cũng thích như ông thì sao? Họ cũng ngắm nhìn và thu vào tâm
hồn những gì có thể, sao ông lại muốn sở hữu riêng tư?
- Mỗi người có một ý thích khác
nhau tùy điều kiện hoàn cảnh phù hợp, tôi sẽ mua bức tranh này với giá cao tùy
ông định liệu. Xin lỗi, tôi không cố ý nhấn mạnh tiền bạc!
- Với ông, giá trị tác phẩm
này đáng bao nhiêu?
- Một triệu đô la hoặc hơn,
tôi nói trên tinh thần nghệ thuật bởi vì ông cũng là một nghệ sĩ. Tiền bạc chỉ
là phụ!
Tầm trầm ngâm đôi chút ngạc nhiên.
Những bức tranh của chàng thường giá trên dưới 1000 đô, cao nhất là 5000. Sao
lại có hiện tượng đột biến thế nhỉ? Cũng tốt, một khoản tiền lớn làm được khối
việc! Nhưng lẽ nào bán bức tranh, có khác nào bán hình ảnh vợ mình. Nhưng mình
đâu có thiếu tiền, thừa là đằng khác! Nhưng anh chàng này sao mà gàn dở thế,
Mỹ, Tây có khác…
- Rất tiếc thưa ông, không thể
bán được. Bức tranh này là linh hồn của những bức tranh khác. Thiếu nó, những
bức tranh khác không còn lý do tồn tại. Tôi tin là một nghệ sĩ, ông hiểu điều
đó!
- Tôi hiểu, ông có thể cho tôi
gặp người mẫu bức vẽ?
Ông khách tiếp tục van nài khẩn
khoản. Cực chẳng đã Duyên cũng ra chào hỏi. Tầm giới thiệu:
- Người mẫu chính là vợ tôi .
Ông khách nhìn Duyên rồi nhìn bức
tranh đăm chiêu nghĩ ngợi, đôi mắt đờ đẫn ngước nhìn Tầm ngầm thán phục. Một
hồi lâu ông ta như thu hết sức mạnh thốt lên.
- Tôi muốn có một tác phẩm như bức
tranh này, ông có thể giúp tôi hoàn thành ý nguyện?
- Tôi sẵn sàng nếu có thể, ông
muốn gì?
- Tôi muốn có một người mẫu để
thể hiện mình. Tôi đã tìm người mấy năm nay mới gặp, đó chính là người mẫu của
bức tranh này, là vợ ông.
Giọng ông khách tha thiết pha chút
tự hào. Tầm thoáng chưng hửng nhưng điềm nhiên từ tốn nói với Duyên.
- Em nghĩ sao về lời đề nghị
khiếm nhã này?
- Một lời đề nghị hay, rất
sáng tạo nếu anh đồng ý!
Duyên nói với vẻ thích chí hứng
khởi trong nụ cười.
- Thế thì em nên trao đổi với
ông ta nếu em cần.
Buổi diễn hôm ấy kết thúc, điều
kiện làm mẫu có vẻ thỏa đáng. Duyên được ông khách mời đi du lịch châu Âu một
tháng, chi phí đi lại ăn ở đều do người khách đài thọ. Khoản tiền làm mẫu bằng
giá bức tranh được ấn định một triệu đô la kèm theo một số nữ trang đáng giá.
Vừa có tiền lại được đi du lịch, nhất cử lưỡng tiện. Duyên là một người đẹp
toàn năng, biết chăm sóc người khác lại vừa biết tự chăm sóc mình. Biết tạo
hạnh phúc cho người cũng như tự tạo hạnh phúc cho riêng mình. Có điều, nàng
không bao giờ trở về nữa!
Tầm về quê, em gái chàng lấy chồng.
Cha mẹ đã già yếu, Tầm là anh cả nên phải thay mặt lo liệu. Ai cũng hỏi Duyên
sao không về, chàng chỉ ỡm ờ nàng kẹt hợp đồng ở tít trời Tây không liên lạc
được. Em rể là một thầy giáo làng đúng ý nguyện của cha. Thời ấy cha mẹ một mực
bảo chàng nên chọn nghề dạy học. Quê Tầm nghèo, lạc hậu nên giặc dốt, giặc đói
càn quấy từ đời này sang đời khác. Phải trang bị tri thức cho lớp trẻ, cha
chàng luôn miệng nhắc nhở. Nhưng chàng đã chọn mỹ thuật không biết vì đâu? Có
lẽ từ trong dòng máu, từ bùn đất quê hương! Đám cưới tưng bừng náo nhiệt, hai
họ vui vẻ thân tình. Trước đó Tầm đã gởi tiền về làm một căn nhà mới khang
trang thoáng mát đẹp nhất làng, có tường rào xây song sắt, sân lát gạch tinh
tươm. Công trình chính phụ hơn một năm mới xong, có vườn cây ao cá ghế đá xích
đu… chẳng kém gì nhà thành phố. Trong tiệc cưới, Tầm thấy Nhan cứ lăng xăng chỗ
này chỗ khác, cáng đáng mọi việc. Nàng vẫn như thế từ hồi còn nhỏ, hai nhà sát
vách, có gì đỡ đần lẫn nhau. Cha Nhan làm nghề thợ hồ bị tai nạn mất mấy năm
nay, nhà đã cùng lại càng cực hơn. Ông mãi đi xây nhà cho người khác mà không
xây nổi một ngôi nhà cho vợ con mình. Anh thầu khoán hào phóng trong khi xây
ngôi nhà cha mẹ Tầm đã xây luôn cho Nhan một căn nhà nhỏ và gởi lại nàng một
đứa con. Có lẽ vì ơn nghĩa lớn quá, cũng có thể vì Nhan cô đơn quá, không còn
biết nơi nào để tựa nương, hy vọng! Mẹ Nhan cũng bị mù mấy năm nay vì khóc tang
chồng. Em gái Tầm ghé tai chàng nói nhỏ: cũng vì nghe tin anh lấy vợ thành phố
nên mới ra nông nổi này. Bà còn sáng mắt chưa trông nổi con gái nói chi bị mù.
Nhan là một hoa khôi trong làng được nhiều chàng trai ngấp nghé. Thế mà… hồng
nhan bạc mệnh!
Tầm trở lại thành phố và gặp Duyên
trong bức tranh, nàng vẫn lộng lẫy kiêu sa muôn thuở! Nhưng không phải Duyên,
chỉ là bức vẽ! Nàng đã ra đi không trở lại, nàng đã không dừng một chỗ nếu muốn
thành công. Đây chỉ là sân ga, trạm trung chuyển. Nàng tài hoa quá, tốt người
lại đẹp nết. Lẽ ra nàng phải là chính khách, một nhà ngoại giao, một thương gia
tầm cỡ… sao nàng lại là họa sĩ và là người mẫu. Sao thế nhỉ?! Tầm chỉ muốn nàng
là một người nội trợ bình thường, một người vợ hiền, một người mẹ tốt… nhưng
không được nữa rồi, chỉ còn lại bức tranh. Có thể bức tranh cũng muốn bỏ đi nếu
nó có chân, biết đâu! Căn nhà đã rộng càng rộng hơn, hoang vắng âm u quá! Tầm
cho mấy người bạn ở, nhờ quản lý trông coi chờ đến khi Duyên về giao lại. Đó
không phải ngôi nhà của chàng dù giấy tờ đứng tên hai vợ chồng. Căn nhà của bức
tranh! Tầm thuê một phòng trọ vừa đủ sinh hoạt, chàng không hứng vẽ nữa! Nhưng
học vẽ để làm gì nếu không vẽ, thôi nắn tượng vậy. Lại phải kiếm mối mang nhờ
vả. Thời trang tượng đài dạo này đã bão hòa, chờ đến phiên chắc già tới nơi còn
gì. Lúc này có Duyên thì may ra…
Nằm lì trong nhà trọ một tháng liền
cũng chán, Tầm lang thang nơi này chốn nọ để giải khuây nhưng hình ảnh Nhan với
đứa con cứ hiện về – nhấn nó nằm im trong tâm khảm thì bóng Duyên lại bước ra
nhức nhối. Tắc tị, Tầm nốc rượu như điên chỉ thêm hoa mắt váng đầu nhưng khi
tỉnh ra đâu lại ra đấy! Một bữa chàng vô tình lạc vào nhàngười bạn họa sĩ nhưng
đã chuyển nghề buôn bán đồ cổ. Thấy đôi mắt lạc thần của Tầm chăm chú mấy bức
tượng, người bạn kéo Tầm vào trong lúi húi lục lọi rồi đưa cho chàng một pho
tượng bằng ngọc. Tầm mân mê ngắm nghía, lật qua lật lại. Lạ quá! Trông quen.
Biết Tầm thích người bạn xởi lởi:
- Mình mua nó đã lâu, cất kỹ.
Của quý nhưng giá hời, người bán không biết giá trị thật của nó. Trúng mánh!
- Thật lạ, bức tượng này hình
như của mình.
- Ôi ông tướng, đồ cổ niên đại 14
đấy!
- Biết rồi nhưng quen quá,
mình gặp nó ở đâu ấy nhỉ?
- Của này gốc gác ở miền
Trung, Quảng Nam Bình Định gì đó sao cậu gặp được. Của gia bảo kẹt quá nên
thổi…
- Để lại mình đi, giá bao nhiêu?
Sòng phẳng!
- Bán thì không bán nhưng cậu thích
thì mình tặng. Bạn đã giúp mình nhiều, không phải trả ơn nhưng không thể mua
bán. Nó ở nơi bạn mình cũng thấy vui.
- Ừ thế nhé! Cám ơn, hẹn nói chuyện
sau.
- Mình biết cậu có chuyện buồn
nhưng không an ủi được. Tiên nữ đấy, cứ ôm pho tượng cho đỡ buồn.
Từ ngày ấy Tầm nặn tượng. Chàng mua
nửa tạ gạo Nàng hương đem ngâm nước khoáng trong một đêm, mang xay nhuyễn
lắng nước gạn bột. Một người bạn bác sĩ làm ở bệnh viện huyết học xoay sở mua
dùm chàng bảy lít máu tươi. Nhờ cô bạn là chủ tiệm hớt tóc thanh nữ thu gom một
mớ tóc, nhúm lông. Sau cùng ghé lò thiêu xác xin một mớ tro và Tầm bắt đầu làm
việc. Người mẫu là pho tượng mang hình hài một cô gái quyền quý vương giả vào
tuổi mười bảy. Tầm hơi thắc mắc, nét mặt, hình dáng người thiếu nữ này trông
quen quá, không biết chàng đã gặp trong trường hợp nào. Cố lục tìm trong
ký ức nhưng vô phương. Bức tượng trông quen đến nỗi nhắm mắt lại chàng vẫn hình
dung rõ mồn một từng đường nét dù nhỏ nhất từ khóe mắt môi cười. Không nghĩ
ngợi mông lung nữa, phải làm việc. Chỉ có công việc mới cứu vãn được chàng
trong hiện tại, giải phóng được nghiệp vẽ đã thành nghiệp chướng ám ảnh chàng.
Nguyên liệu gồm bột gạo nhào trộn với tro lò thiêu cùng 9 lòng đỏ trứng gà có
phôi, còn máu đỏ thì tùy bộ phận mà gia giảm. Đầu tiên đúc bộ xương, nhồi ống
tủy, kế tiếp lục phủ ngũ tạng, thịt gân. Kế tiếp là não bộ, thần kinh, mạch
máu; bộ phận này cơ yếu nên Tầm thao tác chậm rãi kỹ càng thận trọng. Sau đó
chàng bọc da, cấy tóc, cấy lông và làm móng tay móng chân. Phần này đòi hỏi
chính xác và tính thẩm mĩ cao. Không việc gì phải vội vàng. Tầm đã miệt mài
quên ăn quên ngủ trong chín tháng mười ngày để hoàn thành tác phẩm độc nhất vô
nhị này và cảm thấy mãn nguyện. Công đoạn cuối cùng là thổi hồn mình vào bức
tượng để đầu thai một sự sống. Bí thuật này chàng đã học được từ một pháp sư
Bàlamôn cao đạo, không biết có linh nghiệm nhưng chàng tin là được. Muốn là
được nếu chàng có niềm tin và chàng phải thành công trong bất cứ giá nào; không
chàng sẽ gục ngã mãi mãi không gượng dậy được! Thời gian qua, bạn bè và người
thân cuống cuồng nhắn tin truyền hình truyền thanh nhưng vô vọng. Ai cũng nghĩ
rằng Tầm quẫn trí tâm thần đi hoang chết bờ chết bụi nơi nào chẳng về báo mộng.
Ai cũng thương tiếc một tài năng sớm lụi tàn, một người xứng đáng được sống
hạnh phúc, có ai lường được sự đời!
Mari bắt đầu thở nhẹ, lồng ngực
nhấp nhô, ngón tay ngón chân khẽ động đậy. Rồi nàng ngồi dậy, đứng lên nhìn Tầm
mỉm cười tươi tắn. Nàng vươn vai giơ tay làm mấy động tác thể dục như chừng mỏi
lắm, rồi co chân đá ngang đá dọc, uốn éo thân mình, lắc mông ưỡn ngực… nguy
quá! Tầm cuống quít lấy tấm áo ngủ đã chuẩn bị sẵn bảo nàng đứng yên để chàng
mặc vào. Nàng nhìn tấm áo lạ lẫm ngơ ngác rồi lại cởi ra, bảo rằng vướng váp
khó chịu, cứ để tự nhiên thích hơn! Tầm phải kiên trì năn nỉ giải thích:
- Làm người thì phải mặc quần
áo để che thân, chỉ cởi ra lúc tắm và thay quần áo. Con người có sự khác biệt
với động vật như heo, dê… Chỉ khoác bộ lông tự nhiên!
Nói rồi Tầm lấy một số hình vẽ minh
họa con người và động vật cho nàng xem. Cũng may! Mari thông minh tiếp thu
nhanh, nghe xong nàng e lệ mặc quần áo nghiêm chỉnh. Hú vía! Giờ nào việc nấy,
Tầm hướng dẫn Mari cặn kẽ cách sử dụng lò ga, nồi điện, tivi, cát xét, máy
giặt, chế biến thức ăn, vệ sinh cá nhân, giao tiếp ứng xử…
Lại một năm trôi qua, Mari đã là
một con người thuần thục. Tầm lấy làm hoan hỉ đắc ý về tác phẩm tuyệt diệu của
mình. Không cần bế môn nữa, Tầm dẫn nàng đi chơi đây đó cho mở tầm nhìn. Đi đâu
chốn nào ai cũng trân trối nhìn, trầm trồ bình phẩm tấm tắc khen vẻ đẹp thiên
thần của Mari. Có lẽ nàng toàn bích quá, nước da nàng trắng quá! Tầm hơi ân hận
vì sự lơ đễnh thiếu tính toán của mình. Lúc đó cho màu da của nàng sậm hơn thì
chắc ổn hơn, cho nàng vài khuyết tật nào đấy để dung hòa. Không kịp nữa, không
thể sửa lại được! Người ta chỉ sửa xấu thành đẹp, ai lại sửa đẹp thành xấu,
nghịch lý đến phi lý. Đến giờ nấu cơm nàng thắc mắc: sao không ăn nhà hàng cho
tiện? Tầm lại phải giảng giải: ăn cơm ở nhà thân mật, tiết kiệm hơn! Rồi phân
tích nguyên nhân hậu quả, vi mô vĩ mô, đầu ra đầu vào, quy luật tiến hóa rồi
kết luận:
- Phải lao động, làm ra tiền
mới xài tiền. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Ngồi mát ăn bát vàng là bất
lương!
- Tiền quan trọng đến thế sao,
em cũng muốn làm ra tiền.
- Không, việc đó để anh lo, em
nên chuyên nội trợ…
- Thế còn nam nữ bình đẳng, em phải
thể hiện mình chứ.
- Ối dào! Người ta nói vậy
thôi. Đó là thiên chức của phụ nữ, em không cần mạo hiểm thử lửa mà làm gì.
Nói thế nào cũng không thể xóa bỏ
quyền làm người. Nàng đi học lái xe, nhiều nơi mời làm người mẫu, nhiều người
tâng bốc ca tụng lăng xê lên chín tầng mây, xuống chín tầng địa ngục và rồi
nàng Mari ra đi biền biệt!
Tầm không đi tìm nàng, không tìm ai
cả ngay cả chính mình! Chàng đã quá mệt mỏi. Qua người quen, Tầm biết tin cha
mẹ mình vừa mất vì quá nhớ mong chàng. Thật tội lỗi! Mọi người đã hy sinh nuôi
chàng ăn học thành tài để làm gì ngoài tuyệt vọng? Tầm đã có nhiều tác phẩm để
đời, có nhiều tiền bạc của cải, có tiếng tăm… nhưng chàng đã mất nhiều thứ
thiêng liêng hơn nhiều. Cái giá phải trả quá đắt, điều chàng không thể lường!
Nhan có thêm một đứa con, con đầu nàng bệnh nặng nhờ một lương y cứu chữa. Thấy
nàng neo đơn cô quả nên đã gieo cho nàng một giống mới, cũng phải đành thôi!
Tầm và Nhan được cha mẹ hai bên đính ước từ hồi nhỏ. Nếu chàng không đi học xa
hay học xong trở về nhà phục vụ, dù có phải vẽ tranh cổ động hay bảng quãng cáo
thì Tầm với Nhan sẽ nên vợ nên chồng, gia đình yên ấm. Mà biết đâu được?! Chỉ
tội bậc cha mẹ nhắm mắt không yên, mấy đứa em nhìn chàng như ngầm oán trách.
Tầm ngồi một mình nhâm nhi ly café
đen, hút điếu thuốc này đến điếu khác nhìn vào tâm hồn mình. Quán café “Bàu
Trúc” ấm cúng thơ mộng, có hòn non bộ cây cảnh râm mát. Trong quán có treo bức
chân dung của Nhan, một vài ảnh diễn viên ca sĩ. Tầm đã mua cho nàng khu đất
này mở quán café, nghề gốm vất vả nhưng không đủ nuôi sống ba mẹ con tươm tất.
Nhiều lần gặp Nhan gánh giành gốm đi dưới nắng chói chang, giọng rao yếu ớt… mà
hồn chàng ứa lệ, con tim như ứa máu. Lẽ ra chàng phải bảo bọc nàng từ ngày đầu
thiếu nữ, từ xa hơn tuổi thơ… sao lại thế nhỉ?! Nhiều lúc chàng muốn đem hai
bức chân dung của Duyên và Nhan để kề bên so sánh xem hai vẻ đẹp khác nhau như
thế nào nhưng rồi liền bỏ ngay ý định ấy. Hai người ai cũng đẹp nhưng lại khác
nhau quá xa, mỗi người một vẻ. Một bên dung dị đến mộc mạc, một đằng sắc ảo quá
cầu kỳ, còn Mari quá vương giả tới độ liêu trai huyền hoặc. Có người mới nhìn
không đẹp, nhìn lâu mới cảm, càng nhìn càng đẹp. Có những vẻ đẹp thô tục càng
nhìn càng thấy vô duyên nhàm chán. Có những vẻ đẹp trí tuệ càng nhìn càng
ngưỡng mộ. Có những vẻ đẹp ngây ngô, càng nhìn càng thánh thiện. Con người đi
tìm cái đẹp và luôn mơ ước tạo ra cái đẹp nhưng dường như không có điểm đến
chốn dừng nơi trọ. Tầm là một trong những số đó, tưởng đã thấy rõ nhưng hóa ra
mù màu loạn sắc, ngỡ đã nắm bắt nhưng luôn tuột mất dở dang và đó chính là bản
chất của nghệ thuật. Tầm không thể dừng lại nếu không muốn phủ nhận mình vì như
thế chàng không còn lý do để sống, sống đẹp và sống vui.
Bàu Trúc là tên chàng đặt cho quán
café nàng. Nơi đây xưa kia là một bàu nước rộng hơn ba mẫu, xung quanh um tùm
những khóm trúc nên mang danh Bàu Trúc lúc nào không hay. Có người lại gọi là
Bàu ốc, có nước nhưng không có cá, chỉ có duy nhất loài ốc ngụ cư. Quanh năm
bốn mùa mưa nắng mực nước không bao giờ thay đổi, nước trong đến độ thấy
rõ bầy ốc đang dạo chơi dưới đáy bàu. Truyền thuyết kể rằng, người Chăm đã lấy
đất ở đây đúc gạch xây tháp. Khi vỉa sét cuối cùng vừa xong đủ để xây cum tháp
thì vùng trũng bắt đầu rỉ mạch nước ngầm tạo thành bàu. Mọi người thấy lạ cho
đó là điềm may nên mang trúc về trồng quanh bàu làm nơi hóng mát. Trong những
đêm trăng, từng nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ lênh đênh trên những con thuyền nhỏ
uống rượu ngâm thơ, bàn luận văn chương nghệ thuật. Họ trao đổi về kiến trúc,
điêu khắc, hội hoạ, những bức tượng, phù điêu… cho một ngôi tháp sẽ định hình.
Khung cảnh yên vui thanh bình êm ả, xa xa cụm tháp uy nghi lan toả khói trầm
hương thơm lựng một vùng. Rồi một ngày binh đao, mặt bàu loang máu đỏ. Đêm đó,
nước trong bàu rút đi đâu không biết chỉ còn trơ đáy cạn. Những con ốc cũng
biến đi đâu mất! Toàn thể mặt hồ còn lại một bức tranh kỳ vĩ trên bùn non còn
ẩm nước. Cảnh những con thuyền có người nghệ sĩ ngồi chơi cờ, đánh đàn hát ca,
ngâm thơ uống rượu. Bờ ven là những phù điêu tạc ánh trăng in bóng trúc. Thanh
bình trở lại những nghệ nhân xưa tìm về làm nhà lập xóm. Họ dạy con cái lấy đất
sét dưới lòng bàu làm đồ gốm gia dụng tìm kế mưu sinh theo nghiệp cha ông. Có
một người bị thương nặng sống sót nhờ núp trong bụi trúc đã quả quyết rằng
chính những con ốc là đồng tác giả bức tranh kỳ dị đó. Ông ta còn nghe rõ tiếng
gọi nhau hối thúc khẩn trương hoàn thành bức tranh cho kịp trời sáng. Cuộc đời
dâu bể bể dâu, đã bao lần bàu nước cạn khô rồi lại tràn trề. Con dân làng Bàu
Trúc vẫn thuỷ chung nhào nặn bùn đất quê hương làm miếng cơm manh áo đợi con
nước trở về cho khóm trúc tươi xanh, cho bầy ốc dạo chơi đáy nước, nhưng ngày
ấy bao giờ!?.
Nhan đứng dáng khép nép mời Tầm
dùng cơm chiều mà nàng đã dành trọn ngày chuẩn bị nhưng chàng khoát tay bảo có
hẹn, chờ khi khác. Tầm không hẹn ai, chỉ hẹn với riêng mình. Nhan thoáng buồn,
chịu đựng! Nàng trông đầy đặn hơn, tự tin hơn, đôi tay thon không còn thô ráp
sần chai đời gốm. Nếu phải chọn một người đàn bà có lẽ Tầm sẽ chọn Nhan. Duyên
đã bỏ chàng đi, Mari cũng đã ra đi, chỉ còn Nhan ở lại! Nhưng biết đâu đấy sự
đời chỉ là giả định và truyền thuyết. Nhan rồi sẽ ra đi khi có dịp? Chàng không
còn cơ hội để lựa chọn nữa, khi đã không chọn Nhan từ ngày đầu. Nhan đã có một
đứa con để có một căn nhà, thêm một đứa nữa để níu sinh mạng đứa con đầu, thêm
một đứa nữa chăng với một lý do chính đáng?! Không, không bao giờ! Tầm đã vẽ
cho Nhan một bức chân dung như đã vẽ bao người khác và bức tranh ở lại, con
người rồi sẽ đi qua bao đời muôn kiếp. Không nên vẽ lên thân thể nàng thêm một
vết nhơ dù chỉ là nét bút. Tầm mơ hồ rằng, cái đẹp là sự hôn phối giữa cái chân
và cái thiện một cách cân xứng hài hoà. Nhưng cái đẹp không thể kết hợp với cái
chân để ra cái thiện cũng như gắn bó với cái thiện để đẻ cái chân. Đôi khi cầu
toàn quá lại không hay, bất ổn như nàng Mari tuyệt bích. Một Venus cụt tay hay
một Apsara sứt mũi lại mang một cái gì đó tiềm tàng, gợi mở… Tầm không thể khép
cửa hồn mình, không còn nhiều thời gian dành cho đàn bà con gái, tiền tài danh
vọng… Hồi tưởng lại ngày Mari bỏ đi, Tầm hoàn toàn sụp đổ nhưng nàng đã trở về.
Chàng đã nhúm nhen hy vọng một ngày mới và Mari kể rằng:
Vào thế kỷ 14 xa xưa, Mari đã ngồi
mẫu cho chàng nặn tượng. Chàng là một nghệ sĩ tài năng, nàng là một tiểu thư
quyền quý. Chàng đã hứa hôn nhưng rồi bỏ đi biền biệt bỏ lại pho tượng này. Hôm
nay chàng tái tạo lại người về trong mộng nhưng hồn nàng đã hoá đá. Đừng cố
gắng nữa, vô ích! Nói rồi Mari đi vào pho tượng trong sự bàng hoàng kinh dị của
Tầm. Hồn Nhan, hồn Duyên, hồn Tầm rồi sẽ hoá đá! Dưới nơi chàng ngồi là một bàu
nước, ban sơ chàng như đang lênh đênh trên một con thuyền trôi giạt không bến
bờ tre trúc. Nơi đây, Tầm chỉ là một người khách lạ như bao người, đến rồi đi
nhường chỗ cho người khác. Chàng không thể ở lại, ngồi yên khi dòng đời xoay
chuyển. Mấy con ốc trong hòn non bộ để lại dấu chân. Ấy! Tầm đang mơ về một bức
tranh trên bùn đất quê hương Bàu Trúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com