23 thg 10, 2013

KATÊ PO DAM

(Trà Vigia)



Cuộc đời là những chuyến đi xa và gần, trên con đường làng quê ra thị thành hay lên rừng xuống biến rồi cũng trở về nhà nơi mình sinh ra. Nếu ai vì một lý do nào đó không thể đi để nhìn để cảm thì coi như chưa sống. Ai đó ra đi mà không trở về nơi chôn nhau cắt rốn thì kiếp đời này cũng chỉ phù du! Cuộc sống này dài hay ngắn không thể đềm bằng tuổi tác thời gian, bầu trời này lớn hay nhỏ cũng không thể đo bằng bước chân lang bạt không gian. Càng không thể định đoạt giá trị sống của mỗi một người bằng thành công hay thất bại với bất cứ tiêu chí nào. Quan trọng, chúng ta phải làm hết sức mình trong khả năng có thể với cả tấm lòng. Sống cho mình và sống cho người, bởi không có người thì ta sống với ai nơi trần gian hỗn mang bể khổ này!

Tôi đến palei Pajai vào một đêm trăng rằm tháng 7 Chăm lịch, nhằm ngày 18 tháng 10 năm 2013 dương lịch. Đích đến là lễ hội Katê Po Dam diễn ra hàng năm với bao giai thoại huyền hoặc và lòng sùng tín của những đứa con Chăm tha hương xa xứ níu bước chân về. Đất nắng Panduranga gồm 4 tiểu vùng Panrang Kraung Parik Pajai, tuy không xa lắm về khoảng cách địa lý so với phương tiện di chuyển hiện đại nhưng không thật gần khi lòng người cách trở. Thế mà, đây mới chỉ là lần thứ ba tôi đặt chân đến miền đất này. Có lẽ tôi phải tự hỏi lòng mình tại sao lại thế? Và những ai chưa một lần ghé thăm xứ sở của những bước chân xa ngày nào, sẽ dặn lòng rằng một ngày nào đó có mặt trong dịp lễ hội hoặc chỉ trong một ngày thường ta có dịp đi ngang. Lần đầu tiên tôi đến Pajai cách đây khoảng 7 năm, cũng vào dịp Katê. Chúng tôi đi 4 người trên hai chiếc Honda, có anh bạn giáo viên trường Dân tộc nội trú Phú Long làm hướng đạo nên đi cũng nhiều nơi. Đi như cưỡi ngựa xem hoa nên chưa cảm nhận được gì, ngoài cuộc sống của bà con mình còn nghèo quá. Dĩ nhiên Chàm ai cũng nghèo vì điều kiện mưu sinh chỉ quẩn quanh nơi ruộng rẫy. không có cơ hội thoát nghèo để phát triển đi lên có bài bản. Mức sống thấp dẫn đến dân trí thấp làm hạn chế tính cạnh tranh và hội nhập giữa các vùng miền nếu so với Panrang Kraung Parik. Phải có ai đó đi tiên phong, làm đầu tàu dẫn đường xứ Pajai đi lên bền vững căn cơ. Có lẽ đã thấp thoáng vài tia hy vọng?!

Sáng ngày 19, tôi ngồi uống café ở ngã ba đầu làng bâng khuâng nhìn người người đi lễ hội. Đàn ông Chăm bây giờ không còn mặc trang phục truyền thống nữa cho dù trong một ngày lễ hội thiêng liêng trang trọng này. Đó là một điều đáng tiếc, cần lưu tâm khôi phục lại bản sắc dân tộc tối thiểu về hình thức mới mong bảo tồn cải tiến nội dung. Dù gì các phụ nữ Chăm vẫn duyên dáng yểu điệu bộ áo dài truyền thống muôn thuở ngày nào, khăn quàng cổ đầu đội lễ vật, vẻ mặt tươi cười hớn hở trên đôi chân háo hức tiến về đền Po Dam với bao tin yêu thầm kín vào tương lai. Lòng tôi chợt ấm lên và những trang ariya bỗng hiện về như ám ảnh cả một đời người nay bùng vỡ. Đâu là dấu chân của Cei Xah Bin Bingu rong ruỗi khi xưa?! Cei nau mưin Jamơu / Karah di canơw pakrư kamei / Dara Jamơw siam đei / Karah di tacei pakrư mư in. Như vẫn còn vang tiếng vó ngựa lúc Cei đi săn: Cei nau patiap biak hai / Tanưh Pajai ba bwơl patiap. Lối nào là con đường phiêu bạt giang hồ mà Po Hanim Pơr đã đi qua khi bất đắc chí: Dara Jagram Gram ribak /  Dara lo biak dara Pajai / Dara Jagram Gram rak / Dara lo biak dara Jamơw. Bóng dáng hào hoa hiên ngang của người xưa đã tan biến, giọng nói tiếng cười giòn tan của các cô gái trẻ cũng tan biến nhường chỗ cho xô bồ bon chen hiện tại. Một lần đi là một lần vĩnh biệt, tôi nhướng mắt nhìn về xa xa, có lẽ Bal La a ngoài kia đã trở thành bình địa để bắt đầu một khúc bi ca. Xah Pakei tabiak di bal La a / Jauh jiơng ya dwa jiơng bbwơn sa bauh / Hơc po kanai jiơng crauh / Jiơng bbwơn sa bauh rai gơm gabbak. Hình ảnh người con gái xinh đẹp kiên trung khốn khổ ngày nào như vẫn còn lởn vởn đâu đây trong cuộc tình oái ăm vĩnh cửu, tình nước và tình người không đường ranh nào phân định. Người cương quyết ra đi, kẻ níu kéo ở lại, chân người lẽo đẽo theo sau bước chân voi qua bao chặng đường đọa đày trong nước mắt. Limưn tơl palei Yang Mơw / Pacei ngap di kuw vơr sang inư / Khik sang baik inư saung amư / Kuw twei Xah Pakei nau bhum Canar. Phải chăng cuộc tình xưa đã kết thúc hay vẫn còn kéo dài mãi đến hôm nay. Tôi đã nhiều lần đứng trước biển nhìn ra khơi xa lần tìm chân trời cũ. Mới hôm nào ở Hòn Rơm Mũi né, tôi cứ phân vân nhìn ngoái trước sau đoán định bến cảng nơi nàng công chúa kiêu sa vẫy tay từ biệt cố quốc. Nai mai mưng Mưka /Blauh takai nai dơh Harơk Kah Harơk Dhei Nai nau tơl Pajai/Mưng lamngư Pajai nai jauh akauk sơng. Tất cả đã tan biến theo cánh buồm định mệnh và tôi sực tỉnh để đối diện với thực tại. Tôi theo đoàn rước y trang từ ngôi đền nhỏ trong làng ra ngoài đền lớn nơi thờ tự chính. Những cô thôn nữ, thiếu nữ học sinh địa phương trong điệu múa quạt cổ truyền quen thuộc bay bổng cùng âm vang tiếng trống Ginơng trầm hùng hòa lẫn kèn Xaranai lảnh lót tấu khúc về nguồn. Thánh thần cùng về hòa với người trần làm một, Katê đã, đang và mãi như thế trên quê hương Pajai vào đêm rằm tháng 7. Mặt trăng còn, Katê Po Dam còn…

Điều đặc biệt là Katê Po Dam luôn diễn ra vào giữa tháng đúng vào ngày rằm, trong khi ở những nơi khác lại diễn ra đúng ngày đầu tháng vào đêm không trăng. Có nhiều lý giải khác nhau nhưng chưa xác định được, nếu không có cứ liệu chắc chắn. Dù sao đây vẫn là nét đặc trưng có nhiều ưu thế, đầu tháng dự Katê ở Panrang đến giữa tháng rủ nhau qua Pajai. Cuộc dâng lễ diễn ra cả ngày và đêm dưới ánh điện sáng choang và ánh trăng lung linh mờ ảo! Chỉ tiếc có lễ mà không có hội nên cuộc vui có phần nào đơn điệu nên không thu hút được nhiều khách vãng lai, tạo sự kết nối cộng đồng rộng mở. Chuyện kể về Po Dam cũng thật linh diệu! Vào năm 1909, khi người Pháp mở đường ray tàu hỏa ngang qua Pajai thì vướng một hòn đá có hình dạng như Linga. Hòn đá tuy nhỏ nhưng không ai nâng vác dời đi chỗ khác được nên phải báo cho quan Pháp đến xử lý. Ông quan đến với thái độ khinh thị, lấy chân đạp vào hòn đá cho nó ngã lăn để thể hiện sức mạnh và quyền uy. Không ngờ đá không suy suyễn gì mà người lại ngã ngửa ra hộc máu mồm không gượng dậy nổi. Phần nào hiểu ít nhiều về huyền bí vùng đất lạ, ông cho mời các trí thức địa phương đến hỏi ý kiến và tìm cách giải quyết. Ông Tapah đứng đầu các vị tu sĩ thời ấy sắm sửa lễ vật đến cầu khấn tạ tội với thần thì được bà bóng lên đồng phán là:  Ta là Po Dam ngự trị ở đây đã mấy trăm năm, không ai được quyền xâm phạm. Nay thời thế đổi thay, muốn dời ta đi chỗ khác thì làm một quang gánh bằng dây thép thay vì bằng mây hay tre. Đến nơi nào quang gánh đứt thì để ta xuống vì đó là chốn mà ta muốn ở lại đời đời với dân làng. Khiêng đi đúng 108 bước thì quang gánh đứt thật và đấy đúng là nơi ngôi đền Po Dam tọa lạc từ đó đến bây giờ. Sự kiện lạ lùng ấy được quan Pháp báo cáo lên quan Công sứ và triều đình Huế, nên được vua Khải Định năm thứ 4 có sắc phong Po Dam là Trung đẳng thần. Còn theo tài liệu lịch sử thì Po Dam có tên là Trà Duyệt làm vua ở Sri Binưy được một năm thì nhường ngôi cho em là Trà Toàn. Không hiểu vì lý do gì hay biến cố lịch sử nào, Po Dam mang theo đoàn tùy tùng dời cư về phương nam xây dựng miền đất mới bao gồm ba vùng Kraung Parik Pajai với nhiều công trình thủy nông vẫn còn giá trị đến hôm nay. Nơi thờ tự chính vẫn là tháp Po Dam ở palei Paplôm thuộc huyện Tuy Phong. Có lẽ vì chiến tranh nên Linga Po đã lưu lạc đến xứ Pajai này để dân làng cúng tế, có được thần thành hoàng bảo hộ phù trợ. Nhưng Po cũng chẳng được yên, vì dân làng quá nghèo không đủ điều kiện coi sóc thường xuyên nên bị kẻ xấu phóng uế nhơ nhớp. Từ đó batuw Kut Po dần mất thiêng, không còn đủ sức răn đe trừng phạt kẻ dám xúc phạm mình. Cuối cùng tượng Linga Po cũng biến mất không tung tích và được phục chế một hòn đá mới. Đó là tệ nạn buôn thần bán thánh, đánh cắp tượng cổ ở hầu hết các đền tháp Chăm mà người Chăm dù có đau xót đến đâu cũng không thể tự mình bảo vệ được. Khốn thay!

Lịch sử đã đi qua nhưng con người vẫn luôn ở lại. Phải có một dấu tích gì để gợi nhớ, một con người nào đó để luyến thương. Tôi đã có hai người bạn trẻ ở đấy, tuy đời sống khó khăn nhưng lòng người thì rộng mở. Có lẽ chúng tôi giao cảm nhau bởi tính chất nghệ sĩ tiềm ẩn trong dòng máu Chăm tuôn chảy âm ỉ mạch ngầm từ người xưa. Đó là nhà thơ Đồng chuông tử và Thông Minh Diễm. Thơ trước hết để mộng mơ và sau đó đi vào đời thường với những việc làm thiết thực cho xóm làng ngày càng tươi đẹp. Nếu không có giấc mơ thì hiện thực nghiệt ngã luôn là những thử thách bất khả! Lần này lại có dịp uống rượu mừng Katê với Thông Thanh Khánh, cũng là nhà thơ vừa là nhà nghiên cứu tiềm năng. Có thể còn nhiều người ưu tú khác nơi miền đất này mà tôi chưa có dịp gặp gỡ tâm tình như những người bạn, người em, người cháu… Rồi một ngày tôi lại đến Pajai. Xin gửi lòng thành kính lên Po Dam, lời chào đến các bạn trẻ thân thương, lời vui đến quê hương Pajai. Chăm mình đâu còn bao nhiêu người, sao mình không tìm đến nhau bạn nhỉ?!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com