23 thg 7, 2013

Gởi N (1)



Gửi N. (1)


Phải chăng chúng ta đang tìm kiếm những thứ đã mất bóng dáng mà những phế tích chỉ gởi lên sự mơ hồ về đường nét, hình dạng trong sắc thái riêng biệt của nó, và sự thân quen của chúng ta? Phải chăng chúng ta vẫn là kẻ mộng du cố vớt lên những xác chết, những cái xác mà có khi âm vang về nó lảng vảng trong tâm thức chúng ta - mặc định cho sự đơn côi? Bạn đang nói về văn hóa, thứ văn hóa đã khiêu khích chúng ta va chạm trong cuộc tranh hùng để bảo vệ, để bành trướng! Thứ văn hóa đã làm đắm chìm một đất nước, đã bôi lên lịch sử bởi vết đen của những giọt máu đã khô, đã và đang làm nhục tuổi trẻ của chúng ta bởi trò sân khấu rẻ tiền và quái trạng hiện giờ của nó! Chúng ta, những mảnh vụn tái chế, phô trương hình hài, tiếng nói – làm vật hiến tế cho cuộc chơi cuối cùng. Tôi không tham dự và thuộc về.

Đối với quá khứ đã lặng thinh, loài người luôn cố moi để làm tổn thương nó. Cái mà ta gọi là lịch sử, như câu nói của B.Brecht: “Bao giờ cũng là người chiến thắng viết lịch sử của những dân tộc chiến bại.” – đã cho chúng ta một niềm tin ngây ngô, đã biến chúng ta thành kẻ dại khờ - dại khờ đến mức vớt được cái phao cứu sinh đang trôi dạt cũng tin. Và đến lượt nó, nó đang chế giễu cho sự đần độn của chúng ta – nó khiến chúng ta hoang mang về cội nguồn, nó khiến chúng ta lạnh nhạt trong đời sống thường nhật – nghĩ về nó, chúng ta cứ ví mình như bậc minh triết đứng trên bục đài cao nhất – nhìn thế giới như băng phiếm đang tan bởi hơi nóng của nắng và gió bụi trên mảnh đất quê hương chia năm xẻ bảy như miếng da báo với từng cụm người Chàm đang trú. Đôi lúc tôi cố tạo ảo giác trong cơn say để quên đi về hiện trạng mà sự chân thật chỉ góp phần đẩy tôi vào chốn côi cút, trở thành kẻ nhược tiểu ngạo mạn không tiếng nói, không quyền lực. Đôi lúc tôi bỏ bê tất cả để lang bạt như kẻ - điên để quên đi mình là ai, mình từ đâu đến và mình sẽ là gì trong tương lai – Ôi! Những câu trắc ẩn cũ rích.

Trong thói đời vô thường. Trước một xã hội đã sản sinh ra những xác chết. Trước lý tưởng sống đã vùi dập, đã làm nhục trong chính cái nôi của tuổi trẻ Champa - và cả tuổi trẻ của tôi và bạn – ta nâng đỡ những giá trị trong niềm kiêu hãnh ngốc nghếch để rồi nuối tiếc, than trách. Tôi giãy giụa như kẻ điên loạn trước cơn đau của ung nhọt, cái vây vẩy của sự tuyệt vọng – trong lầm lạc và dối trá của giáo dục về cội nguồn và nhân tính hiện hành. Theo cách mà chúng ta trông ngóng hiện nay một vết tỳ nhỏ cũng khiến chúng ta nản chí. Theo cách mà chúng ta đi đứng hiện nay một cơn gió nhẹ cũng khiến ta ngả nghiêng. Theo cách mà chúng ta nhìn-nhận hiện nay một niềm tin cũng khiến chúng ta tan loãng. Cũng bởi lẽ, chúng ta không còn phản ứng gì nữa, chúng ta mệt mỏi, chán nản, run sợ - chúng ta lao vào cuộc vớt lên niềm an ủi bằng vật chất và tiền tài – với nó, chúng ta vơi đi mọi thứ, kẻ cả việc làm phai nhạt sự hiện sinh và trách nhiệm của chúng ta, đánh mất chúng ta – nhưng dù sao cả bạn và tôi cũng nên chấp nhận một hiện trạng – rằng: vẫn còn sự ưu ái nhỏ từ phía con mắt chính quyền vẫn luôn giám hộ chúng ta; vẫn còn sự đụng bộ nhỏ khi ai đó muốn chạm vào cái xác chết, cái oan hồn còn đang lai vãng với chúng ta; vẫn còn hơi thóp nhỏ để chúng ta trợn mắt, to tiếng hay vung tay lên biểu quyết để gây sự chú ý về cái chết chung cuộc. Vẫn còn. Tôi kêu gào lên như kẻ đãng trí.

Bây giờ con đẻ của chúng ta đang cưu mang là một quái thai trong hiện trạng xáo trộn, ô hợp, dung tục. Chúng ta lao vào giấc mơ chung chả mù mịt gốc gác. Đôi lúc chúng ta như kẻ tâm thần – nhìn nó, độc thoại và kiêu hãnh. Đôi lúc chúng ta dựa lưng vào tàn dư của nó để bay bổng về phía chân trời. Nhưng - lẽ thường, thì chúng ta đang quay lưng với nó. Lạnh lùng, không thương tiếc. 

Thứ văn hóa đang la hét với gió bụi – trên những ngôn từ như nấm mồ chôn xác nó - ở trang báo lá cải, thư viện, viện bảo tàng, trung tâm văn hóa. Và chúng ta, kẻ nhai nghiến, xé xác, phanh thay không khoang nhượng. Thứ văn hóa đang la cà với đám dân đen đầu tất mặt tối – chúng ta đem bêu nó trên sân khấu, hô hấp nó bằng những bằng thưởng, giấy khen, tấm huy chương – để tạ ơn một bè phái đã góp tay siết cổ chúng ta. Thứ văn hóa đang giãy giụa trong nghĩa trang, nghi lễ – chúng ta mặc nó nhảy nhót trên bàn tay những kẻ thô bạo, óc não bệnh hoạn của lũ vô thần. 

Ôi! Đã qua rồi thời đại của những sát nhân, đã qua rồi thời đại của những thân phận bỏ xác và máu ở chiến trường – giờ chỉ có nước mắt, những tiếng rên không âm lời bởi đau thương, bi lụy. Trước cơ cấu của máy móc tôi nở nụ cười để cầu nguyện cho họ - không oán hận, không kỳ vọng.

Ôi! Bạn của tôi ơi. Đời sống luôn gởi cho chúng ta những khúc mắc và bài học. Luôn là mối hiểm nguy cho cả bạn và tôi, trong cái hiện sinh của đời sống, sự lạnh lùng của thời gian và sự vị kỷ của lòng người. Mong bạn bình an.


Baigaon - 3.2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com