15 thg 4, 2013

YAMY: TÂM HỒN CHĂM





1. Phác thảo chân dung

Chăm là một dân tộc ít người, trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nhiều bản sắc. Trong xu thế toàn cầu hóa, cuộc sống hôm nay không thể đóng khung nơi làng quê chật hẹp, mà cần lan rộng đến tỉnh thành trong cả nước và lan tỏa đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, nếu muốn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, với nhiều lí do chủ quan và khách quan lệ thuộc vào môi trường, điều kiện, phương tiện sống… chúng ta vẫn chưa hiểu biết nhiều về các dân tộc anh em cũng như dân tộc mình, để có một cái nhìn tương đối những nét đặc thù, khái quát về những vùng miền không có dịp đặt chân đến. Ở đó có những tộc người với bản sắc văn hóa riêng được thể hiện trong sinh hoạt đời sống và tinh thần, cái mà chúng ta có thể thấy và không thể thấy, cái đang mất đi và đang tồn tại!


Để hiểu về một dân tộc, trước nhất chúng ta cần hiểu quá trình hình thành dân tộc ấy. Như muốn biết một người nào đó là ai thì phải nắm bất được sơ yếu lý lịch người ấy – cơ bản là tên tuổi, nghề nghiệp tôn giáo sinh quán trú quán, cha mẹ ông bà, anh chị em liên quan (hiện còn sống hay đã chết) quá trình hoạt động bản thân (kỷ luật, khen thưởng)… Trong phạm vi bài này người viết chỉ muốn sơ lược đôi nét để người đọc dễ nắm bắt và đồng cảm với những gì cần chia sẻ, tâm tình…
Tộc người Chăm thuộc hệ Mongolois-Indo-Polynesien: 50% là chủng Mông Cổ, người bản xứ 50%. Từ sự lai tạo ấy sau này được bổ sung thêm giòng máu Ấn Âu nên thể hình người Chăm tương đối to cao so với tộc người khác trong khu vực …


Địa bàn cư trú của người Chăm dọc theo dải miền Trung Việt Nam, từ xa xưa đã hình thành nền văn minh rực rỡ trong khu vực. Ngày nay dân số chỉ còn khoảng hơn 150.000 ngàn người, phân tán rải rác khắp tỉnh thành, chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vẫn giữ được văn hóa truyền thống; còn lại cư trú ở Bình Định, Phú Yên gọi là Chăm Hroi, Chăm Islam ở Châu Đốc, Tây Ninh… vì nhiều lý do đã mang một bản sắc khác. Cho nên, để có một cái nhìn bao quát về Chăm là vấn đề nan giải, ngay cả người Chăm với nhau trong từng vùng miền cư trú cũng chưa hẳn đã hiểu nhau. Ai cũng có góc nhìn cục bộ địa phương để từ đó khó có tiếng nói chung trong cách nhìn nhận chính mình và đồng tộc, dẫn đến xã hội Chăm ngày càng phân rã, thiếu sự gắn bó cần thiết…

2. Tìm về cội nguồn

Từ khi hình thành vương quốc Champa vào cuối thế kỷ thứ II sau công nguyên và trước nó đã tồn tại nhiều hình thái xã hội có tổ chức kỷ cương chặt chẽ, có nhà nước pháp quyền hẳn hoi trong quy mô bộ tộc. Đây là cơ sở đầu tiên hình thành các tiểu vương quốc và sau này du nhập cơ chế xã hội Ấn Độ để củng cổ và hoàn thiện chế độ xã hội ngày một phát triển. Tộc người Chăm sống ở đồng bằng và duyên hải nên có điều kiện giao lưu với nền văn hóa khác qua đường biển. Việc thường xuyên tiếp cận và tiếp biến nhiều cái mới lạ từ nền văn minh khác đã nâng vai trò Chăm thành tộc người chủ lực trong vương quốc Champa bao gồm các tộc người anh em khác sống ở vùng núi và cao nguyên. Khi vương quốc Champa tan rã thì Chăm trở thành dân tộc ít người trong 54 dân tộc anh em trong cộng đồng đất nước Việt Nam hòa bình thống nhất. Tất cả đã là quá khứ. Việc xác định một cái gì đó có căn nguyên cơ sở là một việc làm rất khó khăn, tốn nhiều công sức và đòi hỏi nhiều thời gian cùng tinh thần thiện chí cao. Ví dụ hiện nay tôi đang sống ở Panduranga nhưng chưa chắc ông tằng ông tổ có gốc gác là người bản địa mà có thể đã di tản từ Amaravati từ nhiều thế kỷ trước. Bạn đang cư trú tại Parik hay Pajai nhưng có thể ngày trước tổ tiên bạn đã định cư tại Indrapura hay Vijaya chẳng hạn. Hiện nay trong nhiều tộc họ Chăm vẫn nhớ họ thuộc dòng họ Birak nghĩa là có gốc tích ở phương Bắc. Ngay cả 22 làng người Chăm ở Ninh Thuận cũng mang sắc thái riêng, có giọng nói khác nhau và từ đó tinh thần cục bộ địa phương họ rất cao chứng tỏ họ không cùng một miền văn hóa gốc. Nhiều người Chăm ở Campuchia vẫn nhớ rằng tổ tiên họ đã di cư từ miền đất Panduranga hay trước đó đến từ Kauthara – ngày nay và mai sau, hiện những người Chăm đang định cư ở nước ngoài như Pháp, Mỹ, Mã lai… có nhớ về cố hương để xác định con người mình? Không là chuyện đơn giản!


Cho nên việc xác định nhân thân mình là ai, Chăm là gì, đang ở đâu?… đòi hỏi sự ý thức tự thân, không trường lớp nào dạy chúng ta cả. Và có thể nói đó là trách nhiệm của những người có học thức và tri thức, có tâm huyết và đạo đức. Cơ duyên nào đã hình thành Chăm và vì sao lại mất đi? Tại sao lại có Chăm Bini, Chăm Islam và nay mai lại có nhiều dạng thứ Chăm tiến hoá hay thụt lùi? Xưa đã thế, nay thì sao? Có quá nhiều câu hỏi và mọi người nên tìm câu trả lời cho riêng mình trước khi chất vấn người khác, chỉ thêm tội nghiệp, tủi thân! Tại sao xã hội Chăm lại mất đoàn kết, nghèo nàn lạc hậu…? Ai cũng có lòng tự hào dân tộc, nhưng lòng tự hào ấy đang dần xói mòn theo thời gian và không gian dẫn đến nhiều hiểu lầm ngộ nhận đáng tiếc! Lý lịch anh không rõ ràng, anh không có cơ hội xin việc, gia nhập đoàn thể để góp sức mình cho một ngày mai tươi sáng?!

3. Dân tộc tính – Tính dân tộc

Lão Tử có nói rằng: “Làm thầy thuốc mà lầm thì chết một người, làm thầy địa lý mà lầm thì chết một họ, làm chính trị mà lầm thì chết một nước, làm văn hóa mà lầm thì chết muôn đời muôn kiếp”. Xem ra câu này không được con người ngày nay coi trọng! Một nước cần có quốc pháp cũng như mỗi nhà cần có gia phong, ngẫm ra không được người Chăm lưu ý! Mỗi một con người có cá tính riêng, mỗi địa phương có địa phương tính, mỗi dân tộc có dân tộc tính và nói chung con người cần có nhân tính để từ đó xác định được tư thế và vai trò của mình. Thế thì dân tộc tính của Chăm là gì và được biểu hiện như thế nào?

Văn hóa Chăm được hình thành, biến thái từ xa xưa, có lẽ từ Sa Huỳnh – Tiền Champa, sau đó giao thoa với Ấn Độ, một cái nôi văn minh nhân loại. Cứu cánh của nền văn hóa này là xuất thế, coi nhẹ vật chất và xem trọng tinh thần có nghĩa là vật chất chỉ là phương tiện để hướng đến chân thiện mỹ. Con người làm ra vật chất để làm đòn bẩy, điểm tựa là sự tu dưỡng, tôi luyện, và một khi đã đủ lực thì đòn bẩy ấy sẽ đẩy tinh thần thăng hoa sáng tạo mang lại hạnh phúc cho loài người. Triết lý ấy được thể hiện qua biểu tượng tam vị nhất thể hóa thân và hợp nhất qua từng giai đoạn tương ứng nhất định theo chiều vectơ tiệm tiến bắt đầu từ Shiva hủy diệt, Vishnu bảo tồn và Brahma sáng tạo. Khi đạt đến gần giới hạn Brahma thì lúc đó là con người Bàlamôn thật sự. Thuộc tính của Bàlamôn là chân thực, mỗi con người cần phải trang bị đức tính trên để khởi đầu cuộc sống. Đó là điều kiện ắt có và đủ để trí thức Chăm tập đại thành và vô hình trung cô đọng và chắt lọc thành tính cách Chăm trong sinh hoạt và tư duy. Tính cách ấy dần phát triển và định hình ăn sâu vào tiềm thức di căn đời này sang đời khác và được phản ảnh qua tâm hồn Chăm. Đó là sự lắng đọng tinh lọc tính cách truyền thống mang tính bản chất ở trạng thái tĩnh và phong cách ở trạng thái động. Sự chân thực với chính mình, với tha nhân, với thiên nhiên vạn vật khi vận động sẽ tạo nên phong cách nghệ sĩ. Theo đó sự cao thượng tạo nên phóng khoáng và tính nhân bản sinh ra nhân văn hòa đồng với con người vũ trụ. Bởi vậy, trong sâu thẳm con người Chăm luôn hiện diện bản năng gốc của sự thật thà, tính chịu chơi và lòng vị tha. Trong bản năng gốc ấy không thể chấp nhận sự dối trá, bon chen và vị kỷ và khi phải đương đầu với những lực cản, ngược lại trong tình thế bất đắc dĩ hoặc bất khả kháng thì bản năng ấy có xu hướng co cụm, nhường đường lui bước. Quy luật ấy luôn được kiểm chứng qua những biến cố thăng trầm lịch sử trong quá khứ và ngay cả trong cuộc sống đời thường hôm nay. Tinh thần xuất thế của văn minh Ấn Độ lại là đối trọng của tinh thần nhập thế Trung Hoa. Nhưng khi tinh thần ấy đi vào Trung Hoa nó được dung hợp và cải biến để tạo thêm sức mạnh mới, trong khi người Chăm vẫn giữ nguyên bản nên khi có sự đối kháng thì sự thất bại lụi tàn là điều hiển nhiên và tất yếu.

Tâm hồn Chăm luôn phảng phất tiềm ẩn tính nghệ sĩ, phóng khoáng nhân văn. Dẫu cho thời gian đã bào mòn năm tháng nhưng di sản tinh thần vẫn còn đó trong tâm hồn mỗi con người Chăm. Tính nghệ sĩ đã cho họ năng khiếu bẩm sinh trong văn nghệ thể thao. Tỷ lệ trong 10 người Chăm thì có hơn 9 người có năng khiếu văn nghệ và chơi được các môn thể thao. Tính phóng khoáng đã khiến họ chịu chơi, không so đo, toan tính hơn thiệt, mưu mô thủ đoạn trong bất cứ cuộc chơi nào. Tính nhân văn truyền lại cho họ điều cơ bản nhất là quý trọng tính mạng đồng loại. Họ không bao giờ có ý định hãm hại một ai để mang lại lợi ích cho riêng mình. Có một triết lý được thể hiện tưởng chừng giản đơn nhưng bao hàm mọi phương cách xử thế. Đó là thái độ “Ginaung” có nghĩa trung dung tương đổi trong tiếng Việt giữa hai từ hờn giận và thù hận. Nếu xảy ra xích mích dẫn đến mâu thuẫn nghiêm trọng chưa thể giải quyết êm thắm được thì cứ “Ginaung” phần ai nấy ở. Nêu sự bất đồng lên cao điểm dẫn đến xung đột nguy hại cho đôi bên thì tuyên bố tuyệt giao “Pwơc tapah xari”. Trên cơ sở tình cảm không thể bỏ nhau được và vì lợi ích lâu dài của đôi bên có thể thú tội tạ lỗi lẫn nhau bằng lễ “Naih xari”. Thế là đôi bên lại sống chung hòa bình, không phải ẩu đả chém giết.

Xã hội hôm nay, chưa nói đến giết người cướp của, làm rượu giả, thuốc Tây giả để hại người thu lợi…ngay cả anh em máu mủ, cha con ruột thịt vì quyền lợi cũng thẳng tay thanh toán nhau không thương tiếc. Thương trường là chiến trường, xã hội đen cùng cường hào ác bá lộng hành đã phần nào ảnh hưởng đến tâm hồn Chăm đang bị ô nhiễm từng ngày từng phần. Nhiều người học thói nịnh bợ luồn cúi, nhiều kẻ tập tánh cố chịu đấm ăn xôi… những đức tính chưa bao giờ tồn tại trong con người Chăm. Phải chăng tâm hồn Chăm đang thoái hóa? Tính cách Chăm đang biến chất? Và nếu một người nào khác gặp những đối tượng nào đó không tốt ắt sẽ có cách nhìn không thiện cảm hoặc có nhận định sai lạc về người Chăm. Uất ức đi hỏi một ông trí thức Chăm thì nghe bảo “Chăm mình nó vậy”. Hỏi một triết gia thì nghe giải “sức nó tới đó”. Hỏi một thầy tu thì ông lắc đầu “thế thời phải thế”. Hỏi một ông nông dân thì ông lắc đầu “đi chỗ khác chơi”. Chỉ còn nước bắc thang đi hỏi ông trời, thôi thì chịu trận!

Cuộc sống hôm nay luôn diễn ra những đấu tranh gay gắt trong mưu sinh miếng cơm manh áo đời thường, đau đớn hoài thai trong ý hướng sáng tạo. Việc hòa nhập thích nghi là cần thiết và tất yếu theo yêu cầu phát triển của thời đại. Điều quan trọng là chúng ta xuất phát từ đâu, điểm đến là nơi nào? Chúng ta thừa hưởng những gì ở cha ông, bảo lưu và phát huy ra sao? Tâm hồn Chăm, tính cách Chăm có còn tồn tại và hiện hữu trong chính mỗi con người?! Hiển nhiên tính thật thà sẽ luôn bị thua thiệt trước gian dối, lòng cao thượng sẽ bị hủy diệt bởi sự đê tiện, tính nhân văn sẽ bị vùi dập bởi bóng râm của chính nó như loài gỗ quý sẽ bị triệt hạ trước tiên trong khu rừng cấm để phục vụ vật chất nhất thời. Nhưng không vì thế mà con người Chăm lại đang tâm đánh mất đi phẩm chất của mình. Cội rễ của nó chính là văn hóa Chăm! Anh có là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… nếu không hiểu thấu đáo nền tảng văn hóa Chăm thì sự sáng tạo dễ bị lệch hướng, lạc đường! Anh là bác sĩ, kỹ sư, cán bộ công chức… lỡ không nắm tâm tư tình cảm, nhu cầu bức xúc quần chúng Chăm thì sự đóng góp của anh đôi khi ngược lại lòng mong mỏi của đồng bào ruột thịt! Văn hóa Chăm là cái nôi để nuôi dưỡng tâm hồn Chăm và những đức tính chân thực, cao thượng nhân văn. Rời khỏi cái nôi ấy con người Chăm sẽ tự đánh mất mình! Đó là nền tảng của sự tu dưỡng tôi luyện trong một đời người ngắn ngủi mà đôi khi vài sai lầm tuổi trẻ sẽ dẫn đến sự hối tiếc của tuổi già khi con đường đã đi qua. Tâm hồn ấy bàng bạc trong Ariya, sừng sững kiêu hãnh nơi tháp Chàm kỳ vĩ, biến hóa trong ngôn ngữ Chăm, lung linh huyền ảo trong vũ khúc Rija bập bềnh réo rắt tiếng Xaranai ôm ấp Baranưng thúc giục Ginang trầm hùng trỗi nhịp. Đấy là lòng tự hào về những gì mình đã có và đã mất, niềm hi vọng về một ngày mai tươi đẹp, nỗi khát khao vào tình người có thực trong sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Tính dân tộc chỉ mang lại thành quả thiết thực khi nó dựa vào dân tộc tính, những gì mình đã thừa hưởng và đang cưu mang. Đi ngược lại, bạn sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát! Bạn hãy tự hỏi đã hiểu gì về Chăm, về chính con người và đồng tộc?


Có người ví von văn hóa Chăm là một con voi, chúng ta như những thầy bói mù sờ voi. Người ôm được chân thì bảo con voi giống cột đình, người nắm được tai thì nói giống quạt, người may mắn nhất sờ ngay chốc dái voi thì la toáng lên rằng voi giống quả bưởi. Thôi thì cứ cho voi giống quả bưởi vậy nếu quả bưởi ấy thực sự mang lại được chút ít bổng lộc trước mắt. Cũng tốt, cứ xẻ ra bao nhiêu múi rồi chia nhau chấm muối ớt qua ngày.

4. Hiện tượng và bản chất

Mỗi một dân tộc đều có tâm hồn tính cách riêng biệt đặc thù tạo nên bản chất của mỗi cá tính và những gì đi lệch và lạc khỏi xu thế đó được coi là sự cá biệt, đột biến gen hoặc ảnh hưởng môi trường xã hội. Một lý do gây nhiều bức xúc trăn trở là tại sao lại có hiện tượng không lành mạnh trong cách biểu hiện tính cách con người trong thời đại hôm nay như tính phét lác phô trương, ganh tị nói xấu sau lưng, tôn sùng của cải vật chất, chức quyền danh vọng quá đáng đến nỗi quên cả tình người, tình bạn… Có nhiều nguyên nhân gần và xa mà chúng ta cần tỉnh táo và sáng suốt nhận định và giải bài toán hóc búa này. Quá trình này đã diễn biến và trên đà suy thoái trong một thời gian dài kể từ khi vương quốc Champa suy vong vào thế kỷ 17. Trước kia, thiết chế xã hội Chăm đặt trên nền tảng vương quyền thuộc đẳng cấp cao nhất lại là giới tu sĩ có quyền uy tối thượng, trong sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giáo dục… là đầu não cố vấn cho giới quý tộc điều hành đất nước và an sinh xã hội. Muốn đạt đến đẳng cấp quý tộc và tu sĩ phải qua một quá trình tu luyện học tập cả về tri thức lẫn đạo đức. Ai không đủ điều kiện sẽ thuộc tầng lớp thứ dân luôn sản xuất của cải vật chất. Một khi hai đẳng cấp này sụp đổ, người Chăm mất hẳn tinh thần và tư tưởng chủ đạo, sống tự phát theo bản năng sinh tồn và dần tiếp nhận, tiêm nhiễm những cái mới trong môi trường mới. Từ đó tâm hồn và tính cách Chăm cũng dần biến đổi và thích nghi theo từng giai đoạn lịch sử mà hôm nay nó là một thứ gì đó khó định nghĩa được. Yếu tố tiếp theo là môi trường sống và điều kiện kinh tế để duy trì củng cố truyền thống và bản sắc. Chỉ mới cách đây nửa thế kỷ, mức sống người Chăm không cao, nhưng chỉ với một vụ lúa, một mùa rẫy, họ có thể sống no đủ cả năm. Đời sống tâm linh được duy trì qua những lễ hội Rija, đám cưới, đám tang rất đơn giản nhưng ấm áp đủ đầy tình làng nghĩa xóm. Hầu hết mọi người đều biết đọc biết viết chữ Chăm và họ dư thừa thời gian nông nhàn để ngâm Ariya, học sử dụng và chế tác các nhạc cụ, điệu múa cổ truyền … Do dó, tính cách của họ vẫn giữ nguyên sự thật thà, chất phác, tinh thần tương trợ vô vị lợi. Thu nhập kinh tế chủ yếu từ lúa gạo và từ đó đổi chác mắm muối, vải vóc, tạp hóa… phục vụ sinh hoạt đời thường. Ngày nay ruộng đất được quy hoạch, đất hẹp người đông nên sự nghèo đói là tất yếu. Môi trường sống bị giới hạn, đời sống tâm linh dần suy thoái thành mê tín dị đoan, phong tục tập quán không được sửa đổi cho phù hợp bị coi là hủ tục nên dẹp bỏ. Nhiều cái mới được du nhập học đòi không được chọn lọc thành lai căng tạp nham. Ngôn ngữ mẹ đẻ không bỏ vào nồi được nên bị bỏ rơi. Người học theo Tây thì cho là Tây hay, học Mỹ cho là Mỹ giỏi, học Tàu thì bảo rằng Tàu khôn! Nhưng chúng ta quên rằng mỗi dân tộc có dân tộc tính, một môi trường sống với những điều kiện khác nhau. Bảo Chăm làm ăn chịu khó như Tàu chắc không nổi vì Chăm có tính nghệ sĩ đậm đặc, có xu hướng ăn chơi sáng tạo hơn là cần cù chịu khó. Vả lại người Hoa sống ở đâu cũng nắm đầu mối kinh tế nên chuyện phân phối lưu thông giá cả họ đều chủ động và việc giúp nhau làm ăn cũng thuộc trong guồng máy vận hành đó. Dĩ nhiên cũng cần phải học, rút ưu khuyết điểm để tiến bộ, nhưng bắt chước nguyên xi như Tây Tàu thì lại đánh mất Chăm! Ai lại không muốn “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, xài tiền Mỹ”. Nhưng rõ ràng ưu thế ấy là phẩm chất của riêng dân tộc họ qua nhiều quá trình phát triển được tích tụ trong văn hóa, không dễ gì một sớm một chiều mà đạt được. Chúng ta đang đi con đường một chiều, không muốn cũng không được, đi ngược lại thì vi phạm luật, không thích thì phải đứng ngoài lề nhìn thiên hạ ngược xuôi. Xỉ vả oán trách chê bai nhau chỉ thêm đau! Khi gặp hoạn nạn cùng khốn thì ta kêu cứu trời ơi, mẹ ơi… thế là cúng kính thần Yang, chớ con biết nhờ cậy Chăm nào khác vì ai cũng thân phận như nhau! Trách nhiệm thuộc về giới tu sĩ chăng? Những thượng tọa, linh mục, mục sư… đều có học vấn tinh thâm, có nhiều bằng cấp chuyên môn cao khả dĩ đảm đương được vai trò của mình đối với giáo dân. Còn với Chăm, động viên mấy ông tiến sĩ, thạc sĩ làm chức sắc tôn giáo thì e không ai chịu. Khuyến học khuyến tài mấy vị chức sắc nâng cao trình độ bằng cách bổ túc, chuyên tu, cử tuyển đặc cách để có bằng cấp như ai thì e rằng cũng không ổn. Cho đi du học nước ngoài thì không có trường đại học nào có giáo trình đào tạo tiến sĩ Chăm đúng nghĩa! Mà chắc cũng không có kinh phí nào tài trợ cho trương trình có một không hai này. Thôi thì huề cả làng vậy! Trong cơ chế thị trường hôm nay, trong thời đại mà vật chất quyết định ý thức thì vật chất luôn là nỗi ám ảnh bức xúc của tất cả mọi người trong mưu sinh để tồn tại. Thật khó viết một bài thơ hay, một bài văn súc tích khi bụng không có hạt cơm, muốn học hành đến nơi đến chốn mà điều kiện kinh tế không cho phép. Thế thì phải bươn chải, vật lộn để ngoi lên và thế là phải manh mún chụp giật, vá víu lại sự sống cho ra người. Thế thì phải đánh mất một thứ gì đó, phải trả giá cho sự thành công bất khả ấy! Nguy hại hơn, một hiện tượng nếu cứ lặp đi lặp lại mãi thì sẽ trở thành bản chất. Sự dối trá nếu cứ thổi phồng bao nhiêu thành sự thật thì một ngày nào đó nó sẽ trở thành sự thật hoang tưởng, không còn biết đường nào mà lần, ảnh hưởng đến muôn đời muôn kiếp!


Vâng, tâm hồn Chăm đang trên đà tuột dốc như thế, mỗi con người Chăm phải có ý thức trách nhiệm để tự điều chỉnh chính mình cũng như góp sức mình củng cố lại một cộng đồng đang phân rã trầm trọng trước nhiều thử thách cám dỗ. Một vài kẻ sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi không là cái gì ghê gớm lắm trước tinh thần thiện chí của nhiều người. Phàm là con người, ai cũng có thất tình lục dục, thói hư tật xấu… Và với Chăm cũng thế thôi! Nếu hiểu người khác như hiểu chính bản thân mình thì mọi tội lỗi đều đáng được tha thứ! Tâm hồn phóng khoáng Chăm là vậy, bất bình thì nói thẳng, nói xong thì thôi, ai nghe được thì nghe, không để bụng vặt, không mưu mô xảo trá. Ai làm gì thì làm, giàu được, làm lớn được người nào hay người ấy, càng nhiều tiến sĩ Chăm càng oai. Miễn là, làm có lợi cho cá nhân mình thì cũng nên có lợi chút ít cho Chăm để dành phúc đức cho con cháu. Còn biết bao nhiêu người vô vụ lợi dám nói lên sự thật dù đôi điều chưa thỏa đáng phù hợp. Nhưng tinh thần ấy đáng quý trọng khâm phục và giá có nhiều người tâm huyết như thế, xã hội Chăm mới mong chuyển mình.


5. Nối vòng tay lớn


Để hiểu biết về dân tộc và nhất là dân tộc Chăm là vấn đề phức tạp, vì tất cả dường như bị chôn vùi trong quá khứ! Ngay cả với một người Chăm nếu bạn không được trang bị ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật… không nắm được tâm tư tình cảm sâu kín và thực trạng đời sống kinh tế xã hội cơ bản thì rất khó xác định được tư thế của mình. Mỗi con người Chăm luôn có một hội chứng mơ hồ về thân phận mình, bị giằng xé bởi hai mặc cảm: tự tôn về một quá khứ huy hoàng và tự ti về một hiện tại rời rã, không thể định hướng và định hình tương lai trước mắt dẫn đến tiêu cực lệch lạc không đáng có và khó tránh khỏi! Sẽ là một điều gì đó không bình thường được cho là khoác lác, tự mãn khi anh ta tuyên bố muốn làm trưởng phòng, giám đốc… chẳng hạn. Lý do anh tự xét thấy năng lực, tư cách đạo đức của anh ta có đủ tiêu chí đảm đương chức vụ đó hơn người khác. Nhưng thực tế thì không bao giờ, người khác kém hơn nhưng lại phù hợp hơn. Anh ta nghĩ sao nói vậy, nói thẳng nói thật trước mặt mọi người còn hơn nói xấu sau lưng, mập mờ thủ đoạn, nhưng đối trọng anh ta ranh ma hơn, biết lòn cửa hậu, biết điều với những điều không thật! Với lại làm bé hoài cùng chán, muốn làm lớn thì không có gì lớn lắm, khoác lác cho đỡ buồn có chết ai đâu? Còn tùy cơ cấu tổ chức. Một vài cá nhân nào đó tự mãn, hãnh tiến vỗ ngực ta đây chó ngáp phải ruồi, thì cũng nên tội nghiệp hơn là nguyền rủa. Thời nào mà chả vậy, hễ có anh hùng là có tiểu nhân. Pauh Catwai, Glơng Anak đã chỉ rõ. Chúng ta đều học từ quần chúng nhân dân, trường lớp gì gì cũng chỉ là cơ bản.


Đi vào xóm làng Chăm, nhìn vào nhà cửa khang trang ai cũng tưởng Chăm giàu, nhưng thực tế thì nhà rộng rương rỗng. Có phải Chăm phô trương hình thức? Không hẳn như vậy! Họ sống quần cư thành palei và hiếm khi bỏ làng đi nơi khác. Kut của người chết ở đâu thì người sống phải ở đó. Họ định cư một nơi suốt đời theo quan điểm “sống cái nhà già cái mồ” khác với quan điểm du cư đất bồi thì ở đất lở thì đi trong lối nghĩ “ khôn cất trại dại cất nhà”, ở nơi nào cũng xong miễn là làm.

Phạm vi liên đới tộc họ gắn bó chặt chẽ, nên khi có đám giỗ, đám tang, đám cưới… nhà phải đủ rộng để tiếp khách, nếu không thì thất lễ với họ hàng làng xóm. Tính hiếu khách buộc họ phải làm nhà to cho dù túi tiền nhỏ và đó cũng là gia tài để lại cho con cháu! Một vấn đề lớn đối với Chăm đó là chế độ mẫu hệ, nhiều người cho rằng chế độ này đã lạc hậu lỗi thời không hợp với thời đại, làm trì trệ sự phát triển xã hội. Chưa chắc! Ở đây không bàn những ưu thế cần phát huy để thích ứng với hiện tại. Chỉ xin nêu một vài điểm mấu chốt: chế độ mẫu hệ Chăm đã lưu giữ và bảo tồn được phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Nhờ nó mà Chăm không có hiện tượng đĩ điếm, ma cô, ăn xin… Mẫu hệ đã giúp Chăm quần cư, không phải tha phương cầu thực nơi đất khách quê người rất dễ bị lai căng đồng hóa, mất gốc! Do đó, đàn ông Chăm nào thiếu bản lĩnh, không đương đầu với thách thức, không làm chủ được gia đình, bị bà vợ tác oai tác quái, mà than phiền bởi mẫu hệ Chăm, mới đáng trách. Hi vọng đó là số ít! Còn rất nhiều vấn đề xã hội cần được phân tích mổ xẻ. Những tiêu cực lệch lạc cũng chỉ là những hiện tượng đáng báo động giải nguy. Tuy nhiên, mọi thứ đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Xã hội Chăm như một con bệnh nan y mãn tính với những biểu hiện hen suyển động kinh tạm thời chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể cắt cơn cho khỏi biến chứng. Bị virus màng não hoặc ung thư ruột mà chỉ vài viên Para hạ sốt, vài liều Morphin giảm đau thì không ăn thua, đôi khi lại gây tác dụng phụ. Có thể bạn không thích đi trên một con đường được vạch sẵn thì bạn cứ ở ngoài lề ngắm trời mây, nhường đường cho kẻ khác đua tốc độ, đứng lớ ngớ giữa đường dễ gây tai nạn đáng tiếc. Bạn không thích đeo nồi cơm bằng đất nung tòng teng ở trước ngực thì phải chấp nhận đói khát, cũng không nên than phiền trách móc ai làm gì cho hao hơi tốn sức. Bạn cần nối vòng tay lớn với tất cả mọi người không phân biệt Bàlamôn, Bini, Islam… vì tất cả đều là Chăm. Với những dân tộc anh em khác không kể dân tộc Kinh, Tày, Nùng… hay Nhật, Mỹ, Pháp… vì tất cả đều là con người. Có lẽ được bắt đầu bằng tâm hồn nghệ sĩ, tinh thần cao thượng và tính nhân văn. Nơi ấy con người sẽ tồn tại, thăng hoa và siêu thoát. Nên hy vọng nhiều hơn là thất vọng. Cứ thắp lên một que diêm thì còn hơn mà than van bóng tối!


Trích từ Tagalau 8.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com