Trà Vigia & Tuệ Nguyên |
Ðoàn người đi đến chân núi thì mặt trời đã lên
cao. Tiếng động cơ xe cộ đã mất hút trong đám cây rừng và bụi đường, nhường chỗ
cho tiếng của các loài chim, vượn. Ba chiếc xe bò ì ạch bò lên dốc gập ghềnh đá
sỏi. Soong chảo chen nhau kêu loảng xoảng khi chiếc xe chợt nẩy lên ập xuống
trên con đường mòn lồi ổ voi. Bộ xương của ông Yamu đã lão hóa, mất tính đàn
hồi nên qua những chấn động liên tục, ông hầu như không kham nổi phải xuống xe
đi bộ. Kaya mải mê nhìn cảnh quan hùng vĩ của núi rừng, chàng tưởng chừng như
đi trên một con thuyền vượt trùng khơi sóng gầm bão thét, bồng bềnh đến một đảo
hoang. Ðây là lần đầu tiên chàng có dịp đi vào rừng sâu, nơi mà cuộc sống bon
chen không buồn đặt chân đến. Bao năm học hành làm con mọt sách, thế giới của
chàng là bốn bức tường phòng học, nhà trọ, thi thoảng vài chậu cây cảnh chim
lồng nơi quán cà phê. Tâm hồn chàng đầy ấp những hoài bão cao đẹp, chực chờ
chấp cánh bay xa, xa tít. Thế mà một năm nay, chàng phải chán ngán trong cảnh
ăn không ngồi rồi. Ra trường mới làm việc được hơn tháng, chàng đã đánh lộn với
xếp rồi bị sa thải. Cha mẹ phải chạy vay lắm mới xin được làm ở cơ quan khác,
nhưng sau ba tháng chàng lại rút lui có trật tự. Không đến nổi bất lịch sự như
lần trước và ở nhà luôn. Cha mẹ chàng áy náy cho tương lai con nên đã nhiều lần
năng nỉ chàng đi làm, nhưng thấy nét mặt lầm lì khổ não của thằng con trái tính
nên cũng lờ đi. Kệ thân nó! Cho ăn học đến nơi đến chốn là lo tròn trách nhiệm
của mình rồi, lo mãi cho nó sao được, còn phải lo cho những đứa khác. Ông Yamư
nói với vợ như thế, nhưng mẹ chàng không thể yên tâm vẫn thường xuyên nhắc nhở
động viên con.
Ðám thợ rừng phân công nhau kẻ chặt cây, người
sẻ gỗ. Kaya phụ trách bếp núc, việc nấu nướng đối với chàng cũng không tệ lắm.
Thời còn sinh viên đó là chuyện thường ngày. Lối chế biến món ăn của chàng còn
xuất sắc nữa là đằng khác. Trước tiên chàng chọn một nơi khuất gió, kê ba hòn
đá cho cân đối, gom về một bó củi khô đủ kích cỡ. Vặt mấy nhánh nhỏ làm mồi cho
dễ cháy, sau đó chụm vào mấy cây lớn hơn. Bắc lên nồi nước pha trà, vo gạo, cơm
sôi khều than tro ra một mớ trải đều rồi áp nồi cơm lên cho chín từ từ. Nồi
canh lên thế chỗ, bỏ vào mấy con cá khô rồi rảo kiếm mấy đọt lá rừng, thêm
muối, bột ngọt… Thế là một bữa cơm tươm tất sẵn sàng cho đám thợ ăn lấy sức.
Loay hoay dọn chén bát ra. Kaya dáo dác tìm bóng dáng ông Yamu. Không biết sáng
giờ ông đi đâu?! Mấy hôm giờ này ông đã về phụ chàng dọn bữa, hôm nay chắc có
việc gi đột xuất. Hồi nhỏ, chàng rất được cha mẹ cưng chiều, đi đâu cũng dắt
theo. Một phần bởi chàng khôi ngô tuấn tú, mặt mày sáng sủa, phần nữa chàng rất
mực thông minh học một hiểu mười, lại rất ham đọc sách. Cha mẹ chàng rất tự hào
về con và tin tưởng rằng sau này chàng sẽ thành đạt làm nở mày nở mặt gia đình,
họ hàng… Từ khi chàng bỏ việc, thái độ của ông khác hẳn, hay cau có gắt gỏng,
vẻ mặt lúc nào cũng dàu dàu thất vọng. Kaya hiểu tâm trạng và nỗi lòng của cha
mẹ nhưng không thể nào làm khác hơn. Chàng tự nhủ, một ngày nào đó có dịp chàng
sẽ chuộc lại lỗi lầm để cha mẹ vui nhưng mơ hồ điều gì thì chàng lại không định
hướng được. Như hôm nay, cần có cây làm nhà mới, chàng hăng hái xin đi để gánh
vác phần nào công việc nhà. Nhưng từ nay và mãi mãi, chàng biết hố ngăn giữa
mình và người thân càng ngày càng cánh xa… không thể trì níu lại được!
Cây về đến nhà an toàn rồi anh em mình một bữa
ra trò. Ngoài tiền công, anh em còn được khoảng thưởng thêm chút ít cho vợ con
mừng. Tính ông vốn hào phóng nhưng cũng rất sòng phẳng, nghiêm túc. Người nào
làm việc hết mình, năng suất cao, chất lượng tốt thì ông không bao giờ cò kè
tiền bạc giá cả, nhưng kẻ nào lười biếng dối việc thì một xu ông cũng không thí
và cho nghỉ ngay. Ông thường nói: "Của một đồng công một lạng”. Phải tôn
trọng sức lao động của người khác, cực chẳng đã họ mới đi làm thuê làm mướn. Ai
lại không muốn làm cán bộ công chức cho nhàn hạ, tội gì phải quần quật đổ mồ
hôi nước mắt mà lương bổng chẳng là bao, rủi ro bị tai nạn, bệnh hoạn thì công
toi… Rồi ông lại nhìn Kaya bực bội. Mình cho nó đi học hao tài tốn của nhường
ấy, rốt cuộc chẳng là cái gì cả! Ông nuốt ực miếng cơm buông đũa ra rồi uống
nước và trở lại khuôn mặt khổ ải ngày nào.
Ông Yamu không có ý định làm nhà mới. Cái nhà cũ
so ra tuy lỗi thời với những ngôi nhà đua nhau mọc lổm chổm trong làng, nhưng
chưa đến nổi xuống cấp nghiêm trọng, nghĩa là còn ở được, ở đủ. Con cái nhiều
nhưng phần đông chúng đi học xa, hè mới về, con gái chỉ có một đứa, làm thêm
nhà thì ai ở?! Với lại thời thế lúc này làm ăn còn lắm khó khăn, bắt chước
thiên hạ đua đòi rồi nợ nần ai gánh. Vô tình làm khổ con cháu thôi! Nhưng bà
thì nghĩ khác, con cái lớn hết rồi, nay mai sẽ lấy vợ cưới chồng. Nhà cửa chật
chội thế này thì còn thể thống gì, rồi sui gia, khách khứa, họ hàng làng xóm… Nghĩ
như ông thì hỏng hết, không biết lo xa, không thương con cái. Khi đàn bà muốn
thì ông trời cũng phải chịu, đủ thứ lý do chính đáng. Ông chỉ còn biết âm ừ cho
qua chuyện. Kinh nghiệm xương máu mách bảo ông đừng phản đối quyết liệt, chẳng
ăn thua gì lại giận hờn vô ích, cái gì đến tức phải đến, phải chịu đựng, nhẫn
nhục cho cuộc đời vẫn đẹp sao! Ừ! Thì ông làm. Nhưng mục tiêu ông lên đây lại
khác hẳn. Nhân dịp này ông muốn làm một công hai chuyện. Nghe cánh thợ rừng kể
rằng có di tích cổ trong một hốc núi mà vô tình trong khi đi lùng cây họ bắt
gặp. Nơi ấy có một cái bia đá khắc chữ ngoằn ngoèo li ti, mấy cụ già biết chữ
Champa không đọc được. Có lẽ là chữ Phạn hay chữ Champa cổ mà trong sách cha
ông để lại không có chữ nào như thế. Ông Yamu rất hiếu kì vì ông cũng đã từng
nghiên cứu về văn hóa Champa, thời còn làm việc ông đã bỏ công sức truy lùng
những pho sách cũ chép lại làm tư liệu. Ông đi nát vùng Phan Rang, Phan Rí,
thậm chí còn lặn lội đến vùng Châu Ðốc Tây Ninh để sưu tầm. Nay nghe có sự kiện
mới mà ở ngay vùng này thì sá gì công sức, và đây là dịp tốt nhất để ông làm
một chuyến khảo sát. Nhưng những gì ông thu lượm được lại vượt quá mong đợi làm
ông suy nghĩ mông lung.
Nơi ấy có một cái tượng Linga-Yoni bằng đá cũng
bình thường như những tượng khác mà ông đã từng xem ở viện bảo tàng. Nếu chỉ có
thế thì không có gì đáng nói. Có một ông già vẫn còn ở đây canh trông giữ khu
di tích này làm ông rất đỗi ngạc nhiên. Giữa chốn rừng núi thâm u cô quạnh
không dấu chân người, ông ta vẫn ở đây một mình không ai thân thích. Nhìn vẻ bề
ngoài râu tóc bạc phơ, người gầy gò, da nhăn nheo ôm sát bộ xương. Ông Yumu vốn
đã ốm nhe ốm nhách nhưng so với ông già thì còn khá hơn nhiều. Có lẽ ông già
cũng phải trên trăm tuổi so với tuổi sáu lăm của ông Yamu. Ai sẽ phục vụ ông ăn
uống, đi lại? Rồi còn sự đê dọa của thú dữ, lam sơn chướng khí?! Thế mà ông già
trông vẫn còn khỏe lại rất minh mẫn, thông thạo chuyện cổ kim, thậm chí còn
biết cả bói toán… Ông Yamu là người trí thức, tuy bề ngoài lộ vẻ khiêm cung
nhưng trong thâm tâm ông vẫn tự hào là số một trong những trí thức Champa hiện
nay, nhưng đứng trước mặt ông già chỉ đáng mặt học trò. Ông giải thích lý do
tồn tại của bức tượng cũng như ý nghĩa được ghi trên bia đá. Ông biết trước sự
có mặt của ông Yamu ở đây cũng như mục đích. Ông nói về tình hình gia cảnh hiện
nay cũng như quá trình đã qua mà đến nỗi nhiều chi tiếc ông Yamu đã quên hẳn
nay cũng phải nhớ lại rõ mồn một, ông Yamu chỉ biết nghẹn cổ mà nghe. Rồi ông
kết luận: Kaya con ông chưa thể hòa nhập được với cuộc sống hôm nay, nó cần tu
dưỡng, tôi luyện thêm một thời gian mới có thể thích nghi, tồn tại trong thế
giới loài người. Nếu muốn ông co thể gởi nó lại đây, tôi sẽ dạy dỗ nó thành
người. Còn không nó sẽ bế tắc, điên rồ rồi chết!!! Nói xong ông già bỏ đi không
một lời từ biệt, dáng thanh thoát, nhẹ nhàng… Ông Yamu rất thương con cái, cá
tính ông trầm lặng, nghiêm khắc. Ông luôn cầu toàn và muốn con cái phải tuân
theo tuyệt đối những điều ông dạy bảo. Tình thương yêu của ông ít thể hiện bằng
những cái nhìn trìu mến hay những cử chỉ vỗ về, vuốt ve, nâng niu, ôm ấp nhưng
ông sẵn sàng cho tràng roi vọt lên mông những đứa con nghỗ nghịch bất tuân hoặc
sơ suất. Trừng phạt con xong ông lại nghe nỗi đau đớn trong lòng, tràn dâng
niềm ân hận và tự nhủ sẽ không bao giờ đánh con nữa. Nhưng đâu lại vào đấy, con
cái lầm lỗi ông lại roi vọt không thương tiếc và trở thành biện pháp truyền
thống của gia đình. Vô hình chung, con cái luôn nhìn ông với con mắt sợ hãi,
cảnh giác. Gia đình không còn là mái che bóng mát cho những mái đầu xanh đang
cần bảo bọc che chở, khích lệ, động viên. Càng lớn lên chúng càng có xu hướng
thoát ra khỏi bóng đen ám ảnh một thời và hướng đi ngày mai dạt trôi bềnh bồng
vô định. Ông Yamu thổn thức nghe con tim mình đau nhói. Lời tiên tri của ông già
có đáng tin như những điều mà ông không thể không tin. Nếu thân phận thằng Kaya
đúng như ông ta nói thì muốn cho con sống và có một tương lai tốt lành thì ông
để nó ở lại. Nhưng phải ăn nói với vợ con thế nào, nhất định là mẹ nó với áp
lực đè nặng đã từng đay nghiến ông những điều bà không thích. Ông Yamu tự trấn
an mình: Ðây là việc cấp kịp, búc bách, người ngoài hoặc đàn bà con gái làm sao
mà hiểu được. Mình phải dứt khoát quyết định, không phải tự dằn vặt nữa.
Gà gáy canh ba, ông Yamu kêu Kaya dậy, bảo con
rửa mặt rồi tự mình chụm lửa nấu nước pha trà. Kaya ngơ ngác nhìn cha là lạ hôm
nay trông ông có vẻ hiền từ, phảng phất thoáng trầm tư. Có lẽ công việc xong
xuôi đâu đấy làm ông vừa ý, toại nguyện. Tảng sáng về sớm theo như kế hoạch nên
Kaya thu xếp dần đồ đạc treo hoặc cột vào xe. Mấy khúc cây gáo vàng thắng thơm
cùng những khúc gỗ cẩm lai đã được xẻ thành tấm cũng yên vị trên xe chờ khởi
hành. Toán thợ rừng sau ngày làm việc kiệt sức vẫn nằm ngủ quên trời đất. Ông
Yamu khẽ đằng hắng, ra hiệu bảo Kaya lại gần rồi từ tốn bảo: Cha có chuyện quan
trọng muốn nói với con, và ông kể sơ qua về việc gặp ông già nơi có tượng đá,
về tương lai của chàng và hỏi ý kiến con như thế nào? Ông Yamu hình dung con
mình sẽ tỏ thái độ phản kháng ngay vì ông biết Kaya luôn làm ngược lại ý muốn
của mình vì đó chỉ là ý của người khác mà chính ông cũng không hài lòng lắm.
Không ngờ thằng con bằng lòng gật đầu ngay làm ông cũng phải giật mình sửng
sốt. Ngày nào ông bảo nó thi vào trường kinh tế nó lại đi sư phạm, bảo nó học
ngành y nó lại vào tổng hợp, bảo nó làm cơ quan này nó lại xin chỗ khác và
cuối cùng bảo nó làm việc nghiêm chỉnh có nghề nuôi thân thì nó lại ở nhà.
Không thể chấp nhận cái quái thai này được, ông lẩm bẩm chửi. Một cái gì thổn
thức trong lòng người cha, ông muốn khuyên nhủ nó đôi điều nhưng cổ họng nghèn
ghẹn, mà ông cũng không biết phải nói gì nữa. Chắc lại phải dẫn nó về nhà thôi!
Ông đặt lại vấn đề. Cha con ngồi cách nhau cái bếp lửa mà như cách xa vô tận.
Như thế giới này với thế giới khác…Ông nhìn lên trời đăm đăm, nó nhìn xuống đất
chằm chằm. Sợ dây máu mủ như chùng căng quá muốn đứt rời tựa cuốn nhau đứt lìa
bụng mẹ. Hai người như hai vật thể riêng biệt trong im lặng, bất động một hồi
lâu, chết đi, sống lại, giao thoa dĩ vãng, thực tại thoắt hiện hình rồi biến
mất, thoáng tràn đầy lại trống không và không thể như thế mãi! Ông Yamu gượng
gạo vận hết sức lực đứng dậy run run dắt tay đứa con đứng lên, chập chững đi
vào màn đêm.
Thấm thoát đã ba năm trôi qua. Ngôi nhà mới cũng
cho ông Yamu chút ít niềm vui. Hai thằng con đã tốt nghiệp ra trường có việc
làm ổn định. Ðứa con gái duy nhất đã đi lấy chồng có chức phận, biết kiếm tiền
và rất biết điều. Thằng con rể luôn biết cách làm cho cha mẹ ưng ý vừa lòng,
biết tân bốc đúng chỗ, nịnh nọt đúng nơi nên không có điều gì phải than phiền.
Nhiều lúc nhớ đến Kaya ông lại bứt rứt trong người, cảm giác khó thở khiến ông
ho lên sù sụ. Ông có cảm giác như mình đã đem con bỏ rừng mà rơm rớm nước mắt.
Nhưng cảm giác đó lần hồi cũng phôi pha, trong tâm trí ông hình ảnh Kaya phai
dần và dường như nó đã chết trong trang cổ tích ngày nào. Bà mẹ lúc đầu khóc
lóc thảm thiết, một hai đòi chết nếu Kaya không về nhưng rồi cũng nguôi ngoai
theo năm tháng. Tình cảm ngày nào giờ đây đã gởi vào những đứa con còn lại.
Nhất là lúc này bà đã có cháu nội, tất cả công sức bà phải dồn hết đầu tư cho
cháu. Ðàn bà mau nhớ nhưng cũng dể quên. Ðôi khi vô tình nựng cháu, bà chỉ có
tai này giống hệt bác Kaya như đúc, cái tật khóc dai đúng là cái tật thằng Kaya
hồi nhỏ. Rồi bà sụt sùi khóc, lau khô nước mắt rồi lại nhe răng cười làm trò
với cháu. Mọi người bằng lòng với cuộc sống hiện tại và những gì đã qua chỉ là
cơn mưa. Cũng đôi lần ông Yamu hỏi thăm con với cánh thợ rừng nhưng họ đều bảo
rằng không gặp. Có người bắt gặp một bộ xương, có người nói thấy chàng ở Sài
Gòn… Ðối với mọi người Kaya đã chết!
Bài học đầu tiên ông già Kaya là tiếng Gru vì
chàng cứ gọi ông mãi bằng thầy. Ông già lộ vẻ không vui “Mỗi dân tộc phải nói
đúng tiếng mẹ đẻ của mình, ngôn ngữ là mầm đất nuôi dưỡng tình cảm và phản ánh
tư duy trí tuệ của một dân tộc. Nếu con kêu ta bằng thầy thì con sẽ lẫn lộn ta
với những ông thầy khác mà con đã từng học qua. Ðiều đó sẽ ảnh hưởng tới sự
tiếp thu, lĩnh hội của con mà ta sẽ truyền thụ sau này.”Từ đó trong lời ăn
tiếng nói Kaya dần dà dùng thuần tiếng Champa, suy nghĩ theo lối Champa, thái
độ cử chỉ biểu hiện bằng phong cách Champa, Gru rất bằng lòng về tư chất thông
minh cùng tinh thần phục thiện cầu tiến của chàng và Kaya cũng cảm thấy phấn
khích khi những trạng thái bế tắc, khủng hoảng lúc trước lần hồi được giải tỏa
và tâm hồn chàng ngày càng thư thả, thoải mái hơn.
Ngày đầy tiên Kaya vác rựa chặt cây làm một cái
chòi theo lời dạy của Gru. “Chim có tổ, có tông.” Gru nhắc nhở. Con như môt con
chim non còn cần tổ ấm. Cái chòi của con phải che chắn được nắng mưa, cho con
nơi trú ẩn an toàn. Con phải có cái ăn cái mặc để bảo dưỡng thân xác, và quan
trọng hơn là tình yêu thương của đồng loại để tu dưỡng tinh thần. Cái tổ của
con chỉ có thể ấm lên khi có tình yêu và ta sẽ mang đến những gì mà con cần.
Khi nào con mọc đủ lông đủ cánh, con sẽ bay cao, bay xa, bay vào những khung
trời xa lạ, hạ cánh về những chân trời mới. Lúc đó, không bão bùng sóng gió nào
có thể đe dọa, ngăn chặn ý chí của con được. Rồi sau khi được thử thách, kiểm
nghiệm, con sẽ là Gru. Lúc đó, con không cần sự hiện diện của ta nữa, cũng như
một ngày nào đó rồi con cũng phải ra đi, xuống làng quê nơi con bắt đầu làm
người và con phải sống như một con người. Cái chòi đã hoàn tất, Kaya dành một
nơi trang trọng, đẹp đẽ nhất cho Gru nhưng Gru nở một nụ cười hiền lành từ
chối: Ðây là nơi ở của con, còn ta thì ở trong kia. Gru vừa nói vừa chỉ về phía
hốc núi nơi có cây cổ thụ to lớn gồ ghề xõa tóc lòa xòa, từ gốc cây tỏa ra
những thân rễ sần sùi, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất như bầy mãng xà tụ về ngày
hội rắn. Gru đặt tay lên đầu Kaya vỗ về: Con cứ ở đây tự lập, đừng lo cho ta.
Chỉ ta mới có bổn phận phải lo cho con, rồi mai sau con lại phải lo cho người
khác. Nếu trong ý nghĩ con có gì vương mắc cần ta giúp đỡ, tự khắc ta sẽ đến
đây ngay.
Theo chỉ bảo của Gru, Kaya xuống núi tìm vào
những chòi rẫy lân cận xin một ít hạt giống rồi về xới đất gieo trồng, vun bón.
Lương thực còn lại của chuyến đi rừng chỉ đủ dùng trong một tuần lễ. Sau đó
Kaya phải tự mày mò hoặc hỏi Gru về cách đào củ, hái lá, lượm qủa rừng để ăn
thay cơm. Ðiều cấm tuyệt đối là không được sát hại thú vật để làm thức ăn. Gru
bảo: “Mọi sinh linh đều có đời sống tự do. Muôn vật dựa vào thiên nhiên và bản
năng tự tại để sinh tồn, phát triển. Nếu loài người dùng ưu thế mang sự tinh
khôn của mình để thao túng, chèn ép những sinh vật nhỏ bé, yếu ớt hơn hòng đem
về lợ ích riêng tư vị kỷ thì đó là tội ác. Con đến đây là để tìm về căn nguyên
nguồn cội của mình và sự vật. Từ từ con sẽ thấu hiểu lẽ huyền bí của tạo hóa.”
Thời gian đầu không quen nhưng về sau, mỗi đọt lá non hay một hột cây già đều
chứa đựng bao hương vị ngọt bùi thơm ngon mỗi khi dỗ dành cơn đói. Theo ngày
tháng, những trái bấp, hạt đậu tinh khôi được thu hoạch, khẩu phần ăn được cải
tiến và Kaya lớn dần trong êm ả bình yên. Có một điều cháng luôn thắc mắc là
chẳng thấy Gru ăn uống gì cả. Một hôm Gru nói: “Con người con còn nặng nề về
phần vật chất nên con cần ăn uống nhiều để duy trì sự tồn tại của mình. Còn ta
vật chất không tồn tại nữa, ta thở khí trời là đủ. Ta cũng không cần phải suy
tư vì ý nghĩ của ta lan tỏa khắp không gian. Ngày trước khi còn tu luyện, ta
giảm dần thức ăn đến một ngày chỉ cần một hạt gạo rang. Bây giờ thì không cần gì
hết . Con nên ghi nhớ rằng: Con người làm ra của cải vật chất là để phục vụ
cuộc sống mà cuộc sống thì đòi hỏi tiện nghi. Nếu con sống nơi đô thị phồn hoa
thì tiện nghi của con sẽ là chăn êm nệm ấm, cao lương mỹ vị, sách báo, tivi, xe
hơi…cùng những nhu cầu giải trí. Nhưng con ở đây thì không cần những thứ đó,
bóng dáng hạnh phúc là sự thỏa mãn của tâm hồn chứ không phải là thỏa mãn về
vật chất. Khi không có thì ta thấy thèm khát, ao ước, nhưng khi có đủ đầy thừa
mứa thì nó trở nên nhàm chán vô nghĩa. Ðó chỉ mới là vòng vây đầu tiên mà con
phải thoát ra. Giờ đây con đã có cuộc sống, thế con sống để làm gì? Gru nhẹ
nhàng hỏi Kaya, nhưng chàng ngớ người ra chưa thể xác định ngay được Chàng lan
man hồi tưởng lại quãng ngày xa. Học hành để tạo dựng cuộc sống. Ra trường đi làm,
lãnh lương rồi ăn uống, nhậu nhẹt, ca hát vui chơi…cứ như thế mà xoay vần. Nào
chàng có để ý rằng sống để làm gì, có chăng thì sống để ăn và lại ăn để sống,
khi không còn gì để ăn hoặc không muốn sống nữa thì chết. Lúc nhúc thân sâu bọ
chỉ thêm ô nhiễm môi sinh, chất đất! Kaya đang lúng túng thì Gru nói tiếp:
“Cuộc sống của con chỉ có ý nghĩa, hương vị khi con có tình yêu. Ðó là sợi dây
vô hình ràng buộc con với người khác và đối tượng những đối tượng vô hình khác.
Nó kết nối thực tế với cha mẹ là người đã sinh ra con và anh chị em cùng được
sinh ra, cùng chung máu mủ. Con người đã được sinh ra như thế hàng ngàn năm nay
và mãi tiếp tục đến hàng ngàn năm sau…Con sẽ lớn lên từ tư thế treo, nằm lẫy,
ngồi, bò, đứng, đi rồi chạy nhảy trên mắt đất. Nơi chôn nhau cắt rốn ấy sẽ chập
chững bước đi đầu tiên và cũng là bước chân hồi cố cuối cùng trong lòng đất.
Con sẽ quen thân bạn bè, lân la xóm giềng để nhận diện quê hương. Khâu mốc
quyết định là ngày con tìm được một nửa của mình, người bạn đời chung lối rồi sinh
con đẻ cái, kế thừa những gì mà con để lại. Chính tình yêu lại là mấu chốt của
sự tranh giành, chiếm đoạt, Nếu con người không có tình yêu chân chính hay đắt
tình yêu không đúng nơi, đúng người thì tai họa sẽ đổ ập xuống, chiến tranh xảy
ra và con người đi đến sự hủy diệt.
Giong Gru đều đều êm ấm nhưng mang một nỗi đau
thầm lặng. Kaya chăm chỉ khắc ghi. Một thoáng liên tưởng đến cha mẹ, anh em
làng xóm khơi dậy trong lòng chàng nỗi nhớ nhung. Chàng băn khoăn ngẫm lại
những ngày còn sống với gia đình bè bạn. Làm sao có thể giữ được một tình yêu
trong sáng, lâu dài để bóng dáng hạnh phúc luôn ấp ủ những tín hiệu của niềm
vui. Gru từ tốn: Chỉ có tự do mới bảo đảm tình yêu thương tồn tại. Khi sợi dây
vô hình của tình yêu không còn ràng buộc. Con không yêu người này hơn kẻ khác,
vật này qúy hơn vật khác, không có sự hơn thua. Con có thể đi bất cứ nơi đâu,
làm những gì mà không đụng chạm đến sự tự do tồn tại của người khác, vật khác.
Sự biến hình còn hay mất sẽ làm thương tổn tình yêu mà một kiếp người không thể
hình dung nổi. Thời thế bây giờ con người đang mãi mê lẩn quẩn trong vòng vây
vật chất nên tâm hồn bị nhuốm bẩn, thân xác bị đọa đầy trong đau khổ triền
miên.
Mấy cây xoài ngày nào giờ đã ra hoa đầu vụ thơm
nồng, tàng cây um tùm râm mát, mấy gốc bằng lăng chàng bứng về trồng làm cảnh
cũng đua nhau đơm đầy hoa tím. Mấy cây mai đã dậy thì hé nụ vào xuân giờ đây
cũng đung đưa cánh tay gầy khẳng khiu xòe sắc lá xanh múa may theo làn gió.
Kaya buồn rầu nhìn lại cái chòi lá đơn sơ đã ấp ủ, dỗ ru chàng ngon giấc mấy
năm qua. Ngày mai chàng phải rời xa trở lại thôn xóm . Kỷ niệm của chàng nằm
lại ở đây và hình ảnh làng quê chỉ còn lại vài sơi khói lam chiều tản mác. Kaya
thừ người lo lắng nhìn con đường đã đưa chàng xuống đấy. Gru xuất hiện cắt
ngang dòng suy tưởng của chàng. Ta chẳng có gì qúy giá để cho con ngày về, để
kỷ niệm những ngày thầy trò ta sống bên nhau, con hãy nhớ đến ta như một người
Gru, một người thân, một người bạn hay một người lạ bàng quang cũng thế thôi!
Mỗi người có mỗi một đời sống khác, con là người trần tục thì con phải sống như
một người phàm tục. Những gì con học được ở đây sẽ giúp con xác định vai trò,
vị trí của mình. Dĩ nhiên! Cuộc sống mới sẽ rất nhiều thử thách nhưng ta tin
con sẽ vững chí vượt qua. Rồi Gru dắt tay Kaya đến tượng đá giảng giải. Ðây là
Linga-Yoni, biểu tượng tối cao của dân tộc Chăm. Phần trên tượng trưng cho
Shiva, biểu hiện sự khai phá, dấn thân. Phần giữa tượng trưng cho Vishnu, biểu
hiện sự bảo dưỡng, trường tồn. Phần dưới là Brahma biểu hiện sự trụ vững trong
chủ thể. Khi con đã chủ được mình thì từ đó ý hướng sáng tạo mới phát huy tốt
lành. Thấy Kaya vẫn còn mơ hồ, Gru nói tiếp: Thế như con phát quang làm rẫy,
con phải tưới nước, bón phân, làm cỏ…quả chín con thu hoạch, nhập kho sử lý.
Khi bụng no con sẽ có nhu cầu về tinh thần và từ đó ý hướng sáng tạo sẽ phát
sinh để tái tạo chu trình trước hoàn chỉnh hơn. Khi con mới lên đây, tâm hồn
con còn u mê, yếm khí, nhiều tật xấu tồn đọng. Phải khai hoang tâm hồn, vứt bỏ
những thói hư, cặn bã ấy là Shiva. Giữ cho tâm hồn con trong sáng để cảm nhận
cái tốt…ấy là Vishmu. Xác định được sự hiện hữu của mình trên cuộc đời ấy là
Brahma, từ đấy con sẽ làm những điều có ích cho xã hội tiến bộ, văn minh. Có
như thế con là Brahman mà người ta thường phát ngôn là Bàlamôn. Kaya nghe Gru
dạy nhưng mắt luôn hướng về phía bia đá. Gru ôn tồn bảo: Trên bia ghi ngày
tháng năm có mặt tượng Linga-Yoni này cùng những diễn biến khác xảy ra đã từ
lâu. Ta nghĩ con không cần thiết phải hiểu thêm. Con chỉ cần biết những gì cần
cho tâm hồn con thanh thản, cần cho cuộc sống tươi đẹp. Cuộc đời bình thường
vốn đã là thử thách, con không cần phải tìm những thử thách mới. Trầm ngâm hồi
lâu. Gru chỉ tay vào thần tượng Yoni và nói: Con là Linga và con phải tìm nhập
vào Yoni để rồi từ đó cuộc sống sinh sôi nảy nở muôn hình vạn trạng. Linga là
nguồn sống của trời có chức năng gieo giống, Yoni là mầm sống của đất để đón
nhận. Rồi giao hòa hấp dẫn lẫn nhau để thế hệ sau kế thừa thế hệ trước, thịnh
suy, sáng tối luân lưu. Ðây là bài học cuối cùng và ta cũng chẳng còn gì để dạy
con nữa. Cái gì vướng mắt chưa thông, con ngẫm lại Glang Anak và Pauh Catwai,
nó sẽ giúp con đứng vững hơn trong cuộc đời. Con xuống núi thì ta cũng lên trên
núi cao hơn, không còn ở lại đây, sau này đừng tìm ta vô ích! Ta có một điều
cần nhờ con trước khi về, con vào chỗ ta ở trong hốc núi kia. Ở đó có bộ xương
người, con mang ra đây chôn dưới chân tượng này. Tình nghĩa của con đối với ta
như thế là xong!.
Căn dặn xong Gru quay đi, bước chân dần xa, phút
chốc đã khuất sau vách núi. Kaya thẩn thờ một lúc rồi xăm xăm vào một nơi qúa
đổi thiêng liêng mà mấy năm ở đây chàng không dám lại gần theo lệnh của Gru. Dò
dẫm mãi cũng không thấy đường vào chàng dùng rựa phát một lối chính diện chằng
chịt dây leo đan xen với cây rừng tua tủa gai. Cuối cùng chàng cũng bò lọt vào
trong chẳng có dấu vết gì chứng tỏ có người sống ở đây. Những tia nắng soi qua
kẽ lá cũng đủ sáng nhưng tìm mãi chẳng có bộ xương nào. Hay là chẳng phải chỗ này. Kaya tự hỏi. Có tiếng lá khô xào xạc rồi một con rắn mối nhảy lên giữa tảng
đá lớn ngửa cổ nhìn chàng chằm chặp. Chàng tiến lại gần nhưng nó vẫn nằm yên.
Trên tảng đá có một thanh kiếm đen sì rỉ sét, chàng cầm lên ngấm cái chuôi bằng
sừng vẫn còn bóng láng. Có thể xương người đâu đây, chàng lấy thanh kiếm cào
sạch đám lá khô mục một lớp dày và hiện ra cái đầu lâu. Thận trọng bở từng lớp
đất, Kaya gom hết bộ xương. Chàng cởi áo ra lấy từng cái xương lớn nhỏ dài
ngắn, lau hết bụi đất bọc vào áo bó lại. Có một xương bả vai và xương sườn bị
gãy, còn xương sọ nứt một vết dài . Kaya bò ra không quên mang theo thanh kiếm
đi về phía tượng đá. Chàng đào một cái huyệt mộ khá sâu, chặt một ôm lá rừng về
lót dưới đáy. Xong xuôi chàng trải cái áo ra, ráp lại xương đầu, mình và tứ chi
vào đúng vị trí, đặt thanh kiếm về phía tay phải. Những vật dụng nấu ăn nồi
chảo chén bát và bắp đậu còn lại bao nhiêu chàng đem chất cả về phía chi dưới.
Tươm tất đâu đấy, Kaya rải lên trên đủ loại hoa rừng cho phủ hết bộ xương,
không quên hái chùm bằng lăng mà ngày thường Gru rất thích. Nhìn trước sau
chẳng còn xót gì Kaya mới nhẹ nhàng lấp đất, vun dần cho phần mộ lên cao ngang
đỉnh Linga mới dừng lại. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, Kaya lấy tay quệt mồ hôi
trán đang vả ra như mưa, lạy thầy chín lạy rồi lững thững đi xuống núi.
Về nhà được ba tháng thì Kaya lấy vợ. Lúc mới
về, cả nhà ai nấy đều vui mừng khôn xiết! Tâm lý cha mẹ thường nhớ thương những
đứa con hư xa nha hơn là con ngoan ngày thường gần gũi. Những thức ngon vật lạ
đều mang cho chàng thưởng thức, nhưng chàng đã quen hương vị núi rừng đơn sơ
đạm bạc nên mùi vị thịt cá có cái gì đó hôi tanh không thuần khiết lắm. Chàng
cũng ráng lấp lửng chiếu lệ và chủ yếu ăn cơm rau, trái cây…cho vui lòng mọi
người. Cung cách chàng thì như nhà hiền triết, trang nghiêm thư thái nên những
thái độ vồn vã se sua chợt trở thành lạc điệu, kịch cỡm. Ông Yamu nhận rõ sự
thay đổi của con, từ tính cách ngỗ ngược bất trị, ngạo mạng chuyển qua thái độ
ôn hòa ung dung trầm lặng . Ông nửa mừng nửa lo trong tình cảm của người cha
luôn mong muốn con cái luôn hòa nhập vào môi trường xã hội để khẳng định vững
vàng tư thế của mình. Cũng như ông ngày trước, được cha mẹ cho ăn học, ra đời
phải tìm cách thích nghi, nhẫn nhục, chịu đựng, bươn chải lắm mới có sự nghiệp
ngày hôm nay. Ông muốn con cái phải theo đường của mình, con đường mà ông nhận
thấy tốt nhất để thành công. Những đứa con dễ dạy, ngoan ngoãn vâng lời làm
theo, ý ông đã thành đạt không là một minh chứng hùng hồn đấy sao! Vợ chồng bàn
nhau tìm một chỗ quen biết để Kaya đi làm nhưng khi nói với chàng thì chẳng
được như ý. Thời gian trôi qua, khoảng cách giữa chàng và người thân dần dần xa
cách như ngày nào tuy trạng thái có khác hơn. Mọi người nhìn chàng thương hại,
ái ngại cho cuộc sống chàng chẳng chút sáng sủa. Bản thân Kaya cũng thấy vậy,
môi trường sống thuở nào lại tái hiện không chút đổi thay trong lúc tâm tư tình
cảnh chàng lại quá ư thay đổi.
Vợ Kaya là một người con gái đẹp theo cái nhìn
của mọi người. Kaya nhìn thấy nàng cũng bình thường tàm tạm, cái đẹp của con
người chủ yếu ở bên trong mà thời gian mới có thể chứng nghiệm được. Có vẻ đẹp
lồ lộ bên ngoài nhưng trông lãng nhách vô duyên. Theo chàng cái đẹp phải toát
ra từ bên trong mà không có một thứ áo quần, son phấn nào có thể che đậy hay bổ
sung được. Nhưng vấn đề cốt lõi, theo quy luật chàng phải lấy vợ, có như thế
chàng mới giải tỏa được tình thế và xa hơn là lời mách bảo của Gru. Nàng là con
nhà danh giá sa cơ lỡ vận, bản thân lại qúa kén chồng nên giờ này mới chịu xuất
giá. Ðúng hơn người lớn có biết nhau nên chuyện thông gia diển ra mau chóng
thuận lợi. Ai cũng thấy đó là giải pháp phù hợp và lễ cưới được tổ chức đơn
giản theo điều kiện kinh tế của nhà gái cũng như yêu cầu của họ đàng trai.
Kaya rất hiểu câu: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy
vợ từ thuở bơ vơ mới về.” Thời gian đầu từ lời ăn tiếng nói, từng thái độ cử
chỉ trong giao tiếp, cư xử đến từng công việc nội trợ hàng ngày chàng đều góp ý
nhắc nhở. Chàng quen với nề nếp nghiêm ngặt của gia đình từ hồi nhỏ lại qua một
thời gian sống nghiêm trang cầu toàn như một kẻ ẩn tu nên môi trường hiện tại
trở nên bừa bãi hỗn loạn. Kaya kiên trì từng bước ổn định lại. Hồi trẻ chàng
rất mê chuyện cổ tích của Andecxen và Grim nên hình ảnh vợ chàng chính là nàng
công chúa kiêu căng và chàng dù muốn hay không cũng phải đóng vai vua Sáo. Nàng
vốn là con cưng gia đình chỉ quen kẻ hầu người hạ, việc gì cũng có người làm
sẵn nên cả việc bếp núc là việc của đàn bà con gái nàng cũng trong thao tác
luộm thuộm, chậm chạp. Thấy nàng liễu yếu đào tơ. Kaya lặng lẽ móc đôi thùng đi
gánh nước. Nàng quá vụng về, chàng hướng dẫn từng li từng tí, nàng trông ỏe oải
chàng bảo nghỉ ngơi để chàng làm thay! Vô tình công việc nội trợ chính của nàng
bàn giao sang lúc nào không hay. Một sáng chàng dạy trễ vì trong người khó ở,
đã oang oang giọng nàng truyền lệnh:
- Giờ này mà còn ngủ, nước không còn một giọt.
Ðúng là một người vô tư, vô trách nhiệm, chẳng biết giúp đỡ vợ con gì cả …sao
mà làm ăn bằng người ta được!
Những câu nói tương tự ngày càng được phát huy
và dường như xu thế không thể đảo ngược lại được! Nhiều lúc kiểm nghiệm lại
Kaya tự thấy rằng mình đã đi sai hướng. Phải lạp lại trật tự, chàng quyết đoán
nhưng sự việc lại đâu ra đấy. Và dần dần tâm tính chàng trở nên cau có, gắt
gỏng, văng tục, Kaya nhẩm lại truyền thống giáo dục của gia đình, những cuốn
sách dạy làm người, phương pháp sư phạm cùng những loại sách tâm lý khác để đối
chiếu, rút ưu khuyết điểm hầu có giải pháp hữu hiệu thiết thực hơn nhưng vô
vọng! Chàng nhớ lời Gru ngẫm lại Ariya Ratauw Adat Likei, Glang Anak, Pauh
Chatwai, cùng vận dụng những triết lý cao siêu Ðông Tây kim cổ mà chàng đã từng
nghiên cứu nhưng cũng không có tác dụng gì. Chàng mường tượng đến kinh nghiệm
của những ông chồng vũ phu, nhưng điều đó đối với chàng thì không thể và không
bao giờ! Hoãn binh, tạm thời chàng nhẫn nhục chịu đựng. Biết đâu một ngày nào
đó nàng sẽ thức tỉnh nhưng một ngày nào đó chỉ là ước nguyện xa xâm.
Từ ngày lấy vợ, thỉnh thoảng Kaya về thăm nhà.
Khi con người không bằng lòng với hiện tại thì người ta thường liên tưởng đến
những ngày qua êm ấm hơn. Những điều nhỏ mọn vụn vặt trong sinh hoạt đời
thường, những thủ đoạn dối gian để lợi dụng nhau trong mưu sinh, lừa lọc nhu vì
những mục đích thấp hèn càng khiến cho Kaya nhớ da diết bóng dáng người thầy
cao cả. Chàng đã cố gắng hết sức mình để tạo dựng một cuộc sống yên bình, một
thế giới nhỏ hẹp vừa đủ với khả năng của mình nhưng vẫn bằng không. Chàng nhớ
cha mẹ, anh em, xóm láng vì tình yêu chàng được nuôi dưỡng bằng những hình ảnh
thân thương ấy. Có một cái gì thiêng liêng thôi thúc bước chân chàng về để dõi
nhìn mái tóc cha ngày dần ngả bạc, làn da mẹ thêm vết nhăn, khuôn mặt mấy đứa em
có ẩn náu muộn phiền và cũng đang trĩu nặng nỗi cùng khốn như mình.
Cả những cây dừa cũng cao lên chót vót hằn nổi
già nua. Cái ao sâu chàng ra sức đào năm nào để nuôi cá giờ cạn cợt, lơ thơ vài
cành rau muống, cỏ dại. Con chó đang gầm gừ với chàng cũng đã là cháu chắt đời
thứ mười của con Mực hồi chàng còn trẻ. Chuồng bồ câu vẹo xiêu đổ nát, bầy chim
đã tha hương phương nào? Ðối với chàng, mọi vật dường như đều có linh hồn, chỉ
có con người mới vô tâm. Chàng lẩn thẩn lần mò mọi xó xỉnh như tìm lại người
thân lâu ngày chưa gặp. Người thân ấy lại hiện hình những đứa con chàng đang
đói cơm thiếu áo. Chàng hỏi mẹ những chiếc áo ngày xưa hồi chàng còn bé mà bà
cụ kỹ tính còn giữ nguyên vẹn lấy về cho con. Mẹ chàng cho thêm bao gạo, giúi
vào vài đồng mua quà cho cháu, chàng nhớn nhác hái vài trái ổi, chùm
ruột…Chuyến hành hương về quê mẹ lầm lũi theo người hành khất, nhòa trong nước
mắt rưng rưng!
Và nàng hát! Hát về nỗi khao khát tiện nghi.
Những bài tụng ca về Honda, Suzuki, Yamaha…về cassette, tivi, video…về vàng
bạc, kim cương, đôla…và những câu thần chú bí hiểm mà Kaya không thể hiểu và
không bao giờ hiểu! Rồi nàng lại hát, hát ngợi ca ông giám đốc, ngài chủ tích,
người buông lậu, kẻ cho vay, chủ máy cày… cùng những người làm ra rừng vàng
biển bạc một cách dể dàng không đổ mồ hôi lồi con mắt. Về điệp khúc nàng nguyền
rủa Po Rome, Po Klaung Girai, Po Nưgar… và thần Kaya đã không mang lại cho nàng
diễm phúc được làm người. Mệt lừ nàng nghỉ và nàng ngủ, ngủ mê man và người đàn
bà lại hát trong cơn mê ú ớ. Rồi nàng hòa tấu nhạc không lời. Ò ò như tiếng
trâu kéo cày, ngựa kéo xe quá tải. Phì phì như con rắn chực mổ trái cấm, huýt
còi như trọng tài sắp móc thẻ đỏ đuổi cổ thẳng thừng cầu thủ phạm luật. Ọc ọc
như nạng nhân bị kẻ cướp bóp cổ trấn lột rồi rít một hồi dài như đoàn tàu hỏa
giảm phanh thắng gấp. Tâm thần Kaya bấn loạn, thần hồn nát thần tính. Thời gian
sống với Gru chàng thường ngồi thiền để gạt ra ngoài những tác động khách quan,
nhưng trong những tình huấn thế này, thiền định chẳng ăn thua, có nhiều lúc
hoảng hốt như đã bị tẩu hỏa nhập ma! Có thể trình độ thiền của chàng chưa đạt
và Kaya phải chọn cách an toàn hơn là ra ngoài đếm sao đêm trên bầu trời. Rồi
nàng dậy và nàng ăn, ăn những thứ gì có thể ăn thơm ngon hấp dẫn. Thân nàng
càng ngày càng phì, giọng hát của nàng ngày càng cao, giấc ngủ càng sâu. Quy
trình ăn, hát, ngủ ngày càng khép kín và cuộc đời Kaya ngày càng bị thất chặt
thêm.
Một đời người có môt trăm năm. Một năm có bốn
mùa xuân hạ thu đông cho muôn vật sinh sôi nẩy nở trường tồn. Riêng nàng chỉ có
ba mùa: Mùa ăn, mùa hát, mùa ngủ. Kaya nhớ lại lời Gru dạy: Ăn vào là để tạo
dưỡng chất cho tinh thần thăng hoa, nếu những gì ăn vào rồi sẽ thành chất thải
đi xuống thì chẵng cần ăn làm gì? Với thức ăn tinh thần cũng vậy. Ta phải nạp
vào những điều hay lẽ phải, có chiều rộng, chiều sâu, chiều cao…Suy gẫm chắt
lọc lại những tinh hoa thì những gì ta nghĩ, ta nói ta làm mới có ích cho cuộc
sống con người. Rồi chàng sực nhớ lại tại sao Gru không dạy mình đối phó với
những cảnh huống éo le như hiện nay, chỉ có Gru…và dù Gru đã cấm nhưng bản năng
chàng vẫn tìm đường lên núi.
Cái chòi của chàng đã sụp! Ðất rẫy đã xâm thực
lên đây từ lâu. Phần mộ của thầy được cư dân ở đây rào lại kiên cố, họ đồn rằng
khu này rất linh thiên! Suốt ngày nay Kaya chưa có một hạt cơm, một giọt nước
vào bụng, chàng ngồi đợi thầy xuất hiện và miệng lẩm bẩm van vái . Gru bảo:
Không có ta, con sẽ là Gru, con có bổn phận hướng dẩn, giúp đỡ người khác như
ta đã từng giúp đỡ con. Gru đã là Gru để dạy bảo, là người thân để chở che, là
bạn để san sẽ và cũng là người lạ khi nơi đây không có người. Con là Linga để
dấn thân, bảo tồn và trụ vững trong bất kỳ hoàn cảnh nào và phải có Yoni để hòa
hợp sản sinh một sự kế thừa vĩnh cữu. Ðời con sẽ gặp nhiều thử thách nhưng con
phải trụ vững trong chính mình khi con là Braman. Kaya chìm đắm trong lời Gru
tự xa xưa như vọng về đây trầm ấm nồng nàn. Chàng nhìn lên đỉnh núi và chợt ngộ
rằng: Bầu trời cao là thế giới của Gru, còn dưới kia là thế giới của con người,
của chính bản thân mình. Thế giới có người đàn bà hát và có cả tiếng khóc của
trẻ thơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
thach.michelia@gmail.com