Hôm qua có một người cháu nhắn tin cho biết rằng Po
Dharma đã mất, với tôi không bất ngờ lắm bởi đó là quy luật của muôn đời! Tháng
trước tôi có biết tin anh đang bị ung thư giai đoạn cuối nhưng bác sĩ bảo có thể
kéo dài cuộc sống thêm hai năm, anh vội ra đi có lẽ vì anh đã quá mệt mỏi nên
chẳng muốn sống thêm nữa để làm gì... Tôi và anh không quen biết nhau và chưa hề
gặp nhau một lần nào, cho dù quê ngoại của anh là quê nội của tôi và sâu xa hơn
chúng ta cũng có quan hệ về dòng tộc huyết thống. Thân hay sơ cũng do duyên nợ
và tình người, ngày tôi vào học trường An Phước thì anh đi Fulro còn ngày anh về
Việt Nam thì tôi lại đi Thái Lan. Chúng ta như sao Hôm và sao Mai cứ người này
mọc và người kia lặn, như hai thực thể đối lập vừa là hai đường thẳng song song
rồi một ngày nào đó rồi cũng gặp nhau ở cực kinh tuyến! Tôi chưa đọc một cuốn
sách nào của anh nên không hiểu tư tưởng anh thế nào, chưa tranh luận với anh một
vấn đề gì nên không biết quan điểm của anh ra sao, cũng chưa từng uống với anh
một ly rượu nên không thể hình dung được tính cách anh có chăng phù hợp hay
xung khắc với tôi?! Dù gì thì tâm sự với một người đã chết thì cần kíp và thâm
tình hơn với người đang sống, bởi chúng ta không còn thời gian và bởi chúng ta
không còn cơ hội để đồng hành trên quả đất này. Một lời chia tay chỉ để chúc
anh ra đi thanh thản...
Mặc dù không biết gì về anh nhưng tôi có nghe nhiều câu
chuyện về anh, một con người nhiệt huyết và đầy trách nhiệm với anh em bạn bè
nhất là với thế hệ học sinh. Mọi người đều gọi anh là anh Năm đủ biết rằng anh
luôn thân thương gần gũi với mọi người cho dù không thiếu phần nghiêm túc, anh
luôn mẫu mực và là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo và là người dẫn đường đáng
tin cậy! Những khẩu hiệu trong Ký túc xá đủ để minh chứng điều ấy, sinh hoạt tự
túc - kỷ luật tự giác - tháo vát tự cường là phương châm để mỗi người tự khẳng
định mình dù trong bất cứ hoàn cảnh tình huống nào. Tôi chỉ có thể hình dung
anh qua người thầy đáng kính Jay Scarborough, một thanh niên chí nguyện người Mỹ
yêu Chăm và vì Chăm đến không ngờ! Anh là người Chăm dĩ nhiên phải yêu Chăm
hơn, tính cách đã làm nên số phận của một con người và dĩ nhiên anh đã làm tròn
sứ mệnh của mình mà không cần định nghĩa thành công hay thất bại. Anh ra đi để
lại một khoảng trống về tình cảm trong quá khứ, một sự hụt hẫng về niềm tin
trong hiện tại và là một sự mất mát về hoài bão trong tương lai. Anh đã đi tìm
Chăm nhưng không thấy cho dù anh đã gặp Chăm ly tán bốn phương, để rồi anh cô độc
chán chường trong hơi men khói thuốc trong sự vong thân đọa đày! Không ai hiểu
anh cũng như chính bản thân anh cũng không thể hiểu mình, chúng ta mãi mãi lạc
phương hướng trong việc đi tìm nhau cho đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta không
hiểu nhau và cảm thông nhau để có thể kết nối tương trợ nhau như mong muốn, mỗi
con người Chăm tự cô lập mình trong vỏ ốc mượn hồn như một hệ lụy không thể
thoát ra trong suốt chặng đường lịch sử. Anh không nên bận lòng mà làm gì, mỗi
cá thể Chăm phải giẫm đạp lên nhau để ngoi lên tự đáy cùng xã hội như là một
phương cách duy nhất mà không còn lối thoát nào khác! Có nhiều người chửi bới hạ
nhục anh cũng là chuyện đời thường, chửi để có thưởng và hạ nhục anh để thay thế
anh theo một chiều hướng khác. Cũng có vài người chửi và hạ nhục tôi cũng chỉ
vì miếng ăn hư danh lấm láp, cũng chẳng chết một thằng Tây nào bởi cây khô còn
sợ gì chết đứng và trâu già nào phải sợ dao phay! Xét cho cùng thì đó là một
công việc thiện nguyện, ai đó chửi mình để có lợi lộc gì đó thì cũng xin sẵn
sàng bởi kiếm ăn bây giờ nào có dễ dàng gì. Anh cứ yên tâm ra đi bởi sức mình
chỉ có thế...
Còn có vài người nhớ và tiếc thương anh là đủ, cho dù
có thành thật chia buồn hay giả dối chia buồn cũng chỉ thế thôi! Anh đã cống hiến
hết đời mình cho Chăm đã là một tự hào cho anh, cho tôi và nhiều thế hệ tiếp nối.
Chỉ thương cho anh trong giây phút từ giã cõi đời không có bạn bè người thân đỡ
nâng như phong tục Chăm vẫn thế, anh sống đơn độc và ra đi cũng đơn độc như là
định phận của cuộc đời! Như thế vẫn còn hơn nhiều chiến hữu của anh vẫn còn mất
xác trong rừng già Kampuchea, ngay cả Ja Mrang chết trong nhà tù ở Việt Nam vẫn
không biết thân xác giờ này đang ở đâu?! Khi còn sống thì con người thường quý
xác hơn hồn nhưng khi chết đi thì hồn quý hơn xác, khoảng cách không gian nào
có ý nghĩa gì khi hồn anh bay với tốc độ ánh sáng và giờ đây anh đang có mặt ở
quê nhà trong khi xác anh không thể trở về ngay khi anh còn sống. Biết đâu giờ
này anh đang ở bên tôi khi tôi đang viết lời chia tay, tôi không thể tiễn đưa anh
chỉ vì tôi còn đọa đày trong thân xác và có lẽ anh hiểu điều đó hơn ai hết! Anh
hãy tự tiễn đưa mình về cõi khác, tự phóng thích mình khỏi ngục tù bao la của
cuộc đời, tự từ bỏ sứ mệnh mà anh đang cưu mang gánh vác, tự buông xả mình ra
khỏi lụy phiền của nhân gian thế tục. Một ngày nào đó gặp nhau chúng ta sẽ tâm
sự nhiều hơn anh nhé!
Tôi chỉ ái ngại một điều là con anh liệu có tiếp nối được
cha, có biết mình mang dòng máu Chăm để một ngày nào đó tìm về bóng dáng quê
hương? Cũng không sao cả khi bản thân đã sống hết mình, biết sống và dám sống
trong khi nhiều người chỉ biết xu thời nịnh thế để cầu công danh lợi lộc. Có
nhiều người cha không ra cha và có nhiều người con không ra con khi không có sự
kế thừa bền vững, không xác định được lối đi không phải chỉ trên đường đời mà
còn trên đường đạo trong tâm hồn. Thái độ sống của anh đã quyết định con đường
đi của anh trên trần thế, sự hy sinh của anh tạo nên giá trị sống của anh không
chỉ hôm nay mà còn mãi về sau! Có thể chất lượng sống của anh không được viên
mãn bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan, tôi chỉ muốn chia sẻ với anh những
điều tốt đẹp nhất mà tôi muốn ghi nhận và học hỏi. Sai lầm là thuộc tính của
con người nên anh và tôi cũng không ngoại lệ, những ưu điểm sẽ được tiếp thu
trân trọng và nhược điểm sẽ được gạn lọc khắc phục một cách công tâm nhất có thể!
Anh đã làm hết những gì cần làm không cần phải đòi hỏi thêm, cũng không cần ai
phải hiểu mình với những lời tuyên dương ca tụng hoa mỹ. Đời người rồi cũng qua
và anh đi trước tôi đi sau, làm một con người đàng hoàng tử tế không dễ huống
chi làm Chăm lại càng khó khăn hơn nhiều! Anh đã làm được thì tôi cũng phải cố
gắng làm được, và hy vọng rằng thế hệ mai sau cũng sẽ làm được. Có thể con anh
giờ này cũng chưa thể hiểu anh, hiểu được tình cảm tâm tư nguyện vọng của một
người cha cũng như trách nhiệm của một người Chăm. Anh cứ ngang nhiên ra đi an nhiên tự tại, tôi viết
những dòng này như một lời chia tay đọa đày và phiêu hốt!!!
Hamutanran, 22/2/2019