14 thg 5, 2013

Kabbon Muk Thruh Palei - Guga




BÀI HỌC ĐẦU TIÊN TRONG

KABBON MUK THRUH PALEI



I. Tác giả và tác phẩm


Kabbon Muk Thruh Palei là một trong ba tập thơ giáo huấn còn lưu truyền trong dân gian Chăm gồm có :


Ariya Patauw Adat Likei

Ariya Patauw Adat Kamei
Ariya Muk Thruh Palei*

Khi đối chiếu nội dung giữa hai tác phẩm Ariya Patauw Adat Kamei và Kabbon Muk Thruh Palei, chúng ta dễ nhận ra sự tương đồng trong quan điểm giáo dục, những tình huống cần giải quyết trong sinh hoạt đời sống, thậm chí có sự trùng lắp câu chữ giữa hai tác phẩm. Vấn đề đặt ra là tại sao lại có sự quan hệ, gắn bó hữu cơ giữa hai nội dung tác phẩm đến vậy. Do đó chúng ta cần phân tích rạch ròi vị trí giữa hai tác giả của hai tác phẩm mà trong một chừng mực nào đó nội dung tuy có hai tên gọi khác nhau nhưng gần như tuy hai mà một.



1. Nhân thân tác giả


Thử nghe cách nhập đề của Ariya Patauw Adat Kamei.


Dak dauk tamuh di tian
Bbut mưk bi-ar vak ariya

Tathit ka dơm dara
Pơng ariya patauw adat



Đó là giọng điệu của một người cha, một người đàn ông lời lẽ dứt khoát nghiêm khắc mang tính mệnh lệnh. Còn cách mở lời của Muk Thruh Palei :


Ni kabbon Muk Thruh Palei
Kakei đom blauh kakei piơh ka anưk

Anưk pơng amaik akhan
Ka dom phwơl jalan ngap bbơng angwei


Đó là lời lẽ của một người mẹ, một người đàn bà. Giọng điệu dịu dàng tha thiết mang tính khuyên răn nhắn nhủ. Chúng ta không vội xác định tác giả là đàn bà khi gặp từ Muk (bà) hay Amaik (mẹ) vì biết đâu đó chỉ là một nhân xưng ảo, mà cần bám sát vào diễn biến tâm lý và phong cách giáo huấn để xác định giới tính. Đó là nét đặc thù để người viết chọn giới thiệu Kabbon Muk Thruh Palei thay vì Ariya Patauw Adat Kamei.


2. Thời điểm ra đời


Không thể xác định chắc chắn, nhưng qua bối cảnh sinh hoạt và cách dùng từ có pha lẫn tiếng Việt như:


Bbơng hang: ăn hàng, tieng: tiếng (tăm), lauw: lo lắng, lang xaum: làng xóm


Thì có lẽ Kabbon Muk Thruh Palei ra đời. khoảng nửa thế kỷ 19 sau biến cố Lê Văn Khôi (1833-1835) sau khi dân Chăm được tờ chiếu của Thiệu Trị thôi truy nã đã từ khắp vùng rừng núi lánh nạn trở lại cuộc sống an bình trong thôn xóm. Vương quốc Champa hoàn toàn tan rã để lại một khoảng trống to lớn trong thiết chế xã hội, nền nếp sinh hoạt đời thường, giáo dục luân lý đạo đức cùng với sự cộng cư đan xen với người Việt trong một môi trường sống mới. Kabbon Muk Thruh Palei ra đời là cần thiết và tất yếu để củng cố chắn chỉnh lại một cộng đồng rời rã, một nền móng văn hóa phôi pha, một tâm lý hoang mang…và để làm lại từ đầu.


Qua cách dẫn truyện giữa hai Ariya chúng ta có thể xác định định rằng Ariya Patauw Adat Kamei được viết trước, do chính tác giả xác định và Kabbon Muk Thruh Palei là thành quả của sự sưu tầm chắt lọc lại cho phù hợp với địa phương, điều kiện giáo dục.


Ariya Patauw Adat Kamei viết:


Adat kamei khik sang
Ralo bbơng hang gơp gan bilei

Kahria ngap mưnhim liwei
Jwai đom bilei panwơc urang



Ở địa phương này ngành chính là trồng bông dệt vải nhưng ở nơi Muk Thruh Palei thì không. Họ làm ruộng trồng lúa và thuê mướn nhiều nhân công giúp việc với nhiều nông cụ phục vụ sản xuất:


Li-i saung cangwa
Tapei blauh ba mưk mai ramik

Halơw jwai klak bauh
Cangwa jwai tatauh, ging jwai papơr



Khi Ariya Patauw Adat Kamei chỉ với hai câu kết:


Pơng abih bixamơr
Khik blauh kanơl bithrwai di tian



Thì Muk Thruh Palei căn dặn đúc kết kỹ hơn.


Pơng blauh angwei baik
Kabbon ni amaik twơk caik di sang

Hadiip saung pathang
Tajuh apakar pơng baik tani


Chúng ta cần lưu ý chữ “twơk” để biết Ariya này được phóng tác, viết theo, dựa vào những tác phẩm đã có trước nhưng sự ra đời muộn hơn của tác phẩm không hề làm giảm giá trị của nó nếu không nói là nêu bật sự độc sáng của Muk Thruh Palei, một bà mẹ Chăm đầu tiên viết sách và giảng sách.



II. Dàn ý và bố cục

Kabbon Muk Thruh Palei được diễn giải nôm na dễ hiểu. Đó là sự khuyên bảo của một người mẹ đối với con, một người bà đối với cháu nên lời lẽ thiên về tâm tình hơn áp đặt và, đôi khi cảm tính hơn là logic. Cho nên có nhiều câu được lập đi lập lại như muốn nhấn mạnh hơn chỉ là câu đệm để chuyển qua ý khác, cho chúng ta cảm giác lời văn luộm thuộm rời rạc, mang tính văn nói hơn văn viết. Đó là nét đặt trưng của Muk Thruh Palei mà đôi khi cách nói đó dễ thuyết phục hơn, gần gũi hơn với các thế hệ con cháu trong khi phần tiếp thu có phần hạn chế, non nớt…


1. Phân đoạn và tóm tắt ý nghĩa


- Từ câu 1 đến câu 4: Giới thiệu tác phẩm, mục đích là chỉ dẫn phương cách sống.


- Từ câu 5 đến câu 18: Nền tảng của cuộc sống là giáo dục, tư cách đạo đức. Học phải đi đôi với hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn sự nghiệp mới bền lâu.


- Từ câu 19 đến câu 46: Nhiệm vụ chính của đàn bà con gái là vun vén bảo quản của cải, quán xuyến mọi công việc nội trợ, nhất là bếp núc.


- Từ câu 47 đến câu 80: Lời ăn tiếng nói phải cẩn thận. Không to tiếng chửi bới, không nói chuyện người, nói xấu sau lưng…vạ lay đến chồng con, cha mẹ.


- Từ câu 81 đến câu 118: Làm việc gì cũng phải ngăn nắp nề nếp, liệu trước tính sau, thuận vợ thuận chồng. Ổn định vật chất mới thể hiện được tình cảm.


- Từ câu 119 đến câu 170: Không ỷ lại vào cha mẹ mà tự tin vào năng lực của mình, dựa vào chồng, biết nhường nhịn, an ủi, động viên chồng để cùng nhau xây dựng một tương lai ấm no hạnh phúc.


- Từ câu 171 đến câu 200: Đức hạnh bên trong quý hơn hình thức bên ngoài. Vẻ mặt luôn vui tươi hơn là chưng diện áo quần nữ trang, cư xử khoan hoà khôn khéo với chồng chính là lo cho hậu vận của mình.


- Từ câu 201 đến câu 220: Hiếu thảo vâng lời cha mẹ, dịu dàng chung thuỷ với chồng là thiên chức của con, của vợ, làm được như vậy thì hạnh phúc dài lâu.


- Từ câu 221 đến câu 225: Cuộc sống vợ chồng cần trang bị kiến thức để hiều biết và vận dụng vào đời thường được đúc kết trong 7 điều đã được phân đoạn và tóm tắt theo bố cục trên.


2. Nhận định từ một góc nhìn



Trong xã hội Á Đông, nền tảng gia đình được xây dựng chặt chẽ lâu đời nhất phải kể đến quốc pháp gia phong ở Trung Hoa phong kiến ngày xưa. Theo quan niệm “tam tòng tứ đức” dưới chế độ phụ hệ cho chúng ta một hệ qui chiếu trên nền mẫu hệ để từ đó rút ra những sự tương đồng và dị biệt. Đâu là ưu khuyết điểm, đâu là hạn chế cần khắc phục hoặc để phát huy?


Tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Vai trò của người đàn ông luôn là trọng tâm để hướng đến, được đề cao và tôn vinh tuyệt đối trong phát triển và kế thừa. Trong mẫu hệ Chăm cũng vậy tuy sự kế thừa có khác đi, có nghĩa là ngược lại, kế thừa theo dòng tộc mẹ. Mặc dù phải xuất gia tòng thê nhưng vài trò người chồng luôn được đề cao. Người vợ có nghĩa vụ và ý chí phải phục tùng chồng, hỗ trợ và phát huy tối đa khả năng của chồng để phục vụ gia đình, che chở bảo vệ gia đình từ phạm vi đời sống vật chất đến tinh thần. Khi là người cha thì phải là hình tượng để con cháu noi theo, nương tựa…và là người có vai trò, uy tín trong xã hội để người vợ nở mày nở mặt. Khi người chồng chết đi hoặc ly hôn, con cái luôn ở với mẹ và được mẹ chăm sóc nuôi nấng chu đáo cho đến tuổi trưởng thành. Như vậy trong bất kỳ chế độ nào, người đàn ông vẫn là trụ cột để chèo chống và quyết định sự hưng vong trong phạm vi gia đình và xã hội.


Tứ đức: công dung ngôn hạnh. Ở đây Muk Thruh Palei có một sắp xếp khác và phạm trù được mở rộng hơn được đúc kết trong mẫu apakar có thể kiến giải như sau:


Hạnh (apakar 1) có giáo dục, tư cách đạo đức
Công (apakar 2): đảm đang tháo vát việc nội trợ
Ngôn (apakar 3): ăn nói nhỏ nhẹ, không chửi tục, nói chuyện thừa
Apakar 4 : ổn định vật chất, có thực mới vực được đạo
Apakar 5: không ỷ lại, biết phục thiện cầu tiến, tin vào sức mình
Dung (apakar 6) : nét mặt tươi tĩnh, ứng xử khoan dung độ lượng
Apakar 7: hiếu thảo với cha mẹ, chung thuỷ với chồng.


Vì mang tính đặc thù trong chế độ mẫu hệ, người đàn bà Chăm được giới hạn vào khuôn định trong sinh hoat gia đình, đồng ruộng, nương rẫy nên yếu tố công được quy trong nội trợ, công việc buôn bán, tham gia xã hội không được đề cập, ngôn cũng được hạn chế trong phạm vi gia đình, xóm làng, không có quan hệ ngoại giao rộng, dung không ở chưng diện son phấn trang sức, trong việc làm đẹp của phái nữ mà ở tấm lòng chân thiện, vẻ mặt luôn tươi vui và hạnh là đức tính bao trùm cả 7 apakar nêu trên.



III. Mẫu hệ Chăm xưa và nay

Để đọc và cảm nhận Ariya Muk Thruh Palei theo đúng tinh thần của nó, đầu tiên chúng ta phải biết quan điểm đó được hình thành trên nền tảng mẫu hệ Chăm. Đôi khi chúng ta vô tình hay thờ ơ tiếp cận nó như những cuốn sách dạy làm người khác thì chẳng thích thú… và không tìm hiểu được gì, nhất là các bạn trẻ nên chịu khó hơn một chút, các bạn đã được sinh ra từ các bà mẹ Chăm, lớn lên trong xóm làng Chăm, làm người Chăm với bao thử thách nghĩ suy trong tương lai và hiện tại.


1. Mẫu hệ Chăm xưa


Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu thì có bốn nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời và tồn tại của chế độ xã hội mẫu hệ Chăm. mặc dù qua nhiều biến động lịch sử, giao lưu văn hoá… nhưng mẫu hệ Chăm luôn đứng vững qua các thời kỳ và là nền tảng của một nền văn minh Champa rực rỡ trong mấy ngàn năm mà hiện nay vẫn còn đậm dấu ấn, yếu tố nào đã quyết định cho sự tồn vong của chế độ xã hội này ?


a. Nguồn gốc nhân chủng



Người Chăm vốn giống Mãlai – Đa đảo. Trước đó hàng ngàn năm có những bộ tộc sống quần cư trong từng khu vực và họ đều có tập quán thờ mẫu, nêu bật vai trò người mẹ là chủ gia đình. Sau đó qua giao lưu kinh tế văn hoá, những cuộc di cư và định cư của những người mang văn minh Ấn-Hồi đến truyền bá, chế độ mẫu hệ dần được củng cố và định hình có hệ thống hơn. lịch trình tiến hoá của mẫu hệ Chăm có lẽ bắt nguồn từ đó.


b. Nguồn gốc lịch sử



Theo truyền thuyết, vị vua thành lập vương quốc Champa cổ là Po Inư Nưgar, một nữ vương mà chồng bà là người Trung Hoa. Bà đã rời bỏ chồng, bỏ chế độ phụ hệ để về nước tái lập chế độ mẫu hệ. đó là huyền thoại Chăm khi ngôi tháp thờ ngài vẫn ngàn đời hiện hữu ở thánh địa Kauthara và trên mọi miền đất nước thuộc lãnh thổ Chăm xưa đều có đền tháp thờ ngài.


c. Nguồn gốc địa lý



Người Chăm sống dọc theo duyên hải miền trung nơi mà dãy Trường Sơn lấn sâu vào biển nên đất cho phát triển nông nghiệp không nhiều, đa phần lại cằn cỗi và thường xuyên chịu tác động của hạn hán. Họ phải lên rừng khai thác lâm sản, xuống biển khai thác hải sản dài ngày nên việc cai quản gia đình, nuôi dạy con cái đành phải nhờ vào người vợ và mặc nhiên người vợ tiếp quản quyền làm chủ lâm thời nhưng dường như là cả cuộc đời.


Đất nước lại luôn bị ngoại xâm chiến tranh chết chóc, bão tố phong ba và người đàn ông Chăm luôn phải đứng mũi chịu sào. Rừng vàng biển bạc ấy đã cho Champa cường thịnh, cũng khiến Champa suy vong. Chỉ còn chế độ mẫu hệ Chăm…ở lại.


d. Nguồn gốc nhân văn Chăm


Văn minh Chăm phát triển rực rỡ trên nền tảng Bàlamôn Chăm. Không thể tách rời yếu tố đó để định nghĩa và nhận diện dân tộc Chăm. Đó là nhân sinh quan, triết lý sống để xây dựng một thiết chế xã hội bền vững với những thành tựu văn hoá, văn học nghệ thuật làm nên một tâm hồn, tính cách Chăm. Cho dù ảnh hưởng Ấn Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo nhưng Bàlamôn Chăm vẫn độc tôn trên nền tảng mẫu hệ Chăm một cách kỳ lạ. Một khi Bàlamôn Chăm thoái hoá không còn đứng vững, tất yếu mẫu hệ Chăm cũng bị lung lay, bị đặt vấn đề, thậm chí bị lên án quy chụp không còn phù hợp với trào lưu thời đại và yếu tố này đã duy trì và sẽ quyết định mẫu hệ Chăm có phải thay đổi, giữ nguyên hay cải cách.


2. Mẫu hệ Chăm ngày nay


Dường như ngưòi Chăm chỉ ý thức rõ ràng mình là thành viên của chế độ mẫu hệ khi đến tuổi trưởng thành và phải lập gia đình. Lúc đó họ phải đối phó với mâu thuẫn vợ chồng, xung đột họ hàng, bức xúc trăn trở trong phương thức mưu sinh, tạo dựng cho con cái. Dù sao chế độ mẫu hệ Chăm ngày nay vẫn giữ được truyền thống và bản sắc nhưng con người với môi trường sống mới đã khác đi nhiều cho phù hợp với tiến hoá thời đại. Không còn mô hình đại gia đình bốn thế hệ, anh em hàng họ phải liên canh liên cư thậm chí không nhất thiết phải định cư nơi quê vợ. Cho dù qua bao đổi thay dâu bể phong tục tập quán Chăm vẫn thế. Người con gái Chăm vẫn cưới chồng và người con trai Chăm vẫn sang ở rể bên vợ. Đến khi chết đi thì thân xác mới trở về nhập Kut dòng tộc mẹ. Vợ (hadiip) luôn là sự sống để người chồng dựa vào, phát huy và cống hiến. Chồng (pathang) luôn là sự che chở, phát triển tích tụ mọi tinh hoa cho đời sau trường tồn. Chỉ có điều sợi dây liên kết mẫu hệ Chăm ngày xưa và ngày nay càng lơi lỏng bởi nhiều nguyên nhân chưa thể phân tích ở đây. Do đó có nhiều sự ngộ nhận hiểu lầm hay chưa đánh giá đúng mức về giá trị tầm vóc của chế độ này trong vòng quay cơ chế mới.



IV. Đôi điều suy nghĩ


Đến đây chúng ta băn khoăn tự hỏi, phải chăng Kabbon Muk Thruh Palei không còn phù hợp với thời đại, không còn giá trị thích hợp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, chắc chắn ai cũng nhiều bức xúc về thực trạng sinh hoạt Chăm hôm nay với những tiêu cực lạc hậu không đáng có nhưng chẳng ai quan tâm đến những gì mình đang có, đang thừa hưởng với những ưu thế nhất định nếu được vận dụng thích đáng.


a. Bất cập và phổ cập



Một điều đáng ngạc nhiên đến kỳ lạ rằng mỗi ai trong chúng ta đã đọc kỹ Kabbon Muk Thruh Palei? Dạy bảo, diễn giải và động viên con cháu đọc hiểu tác phẩm này như một bài học đầu tiên, bài học vỡ lòng để người con gái Chăm bước vào ngưỡng cửa mẫu hệ Chăm. Trong khi tác giả đã căn dặn rất kỹ “đom blauh kakei piơh ka anưk”. Bà đã dạy con cháu phải học chữ Chăm để đọc, hiểu và nằm lòng “hadơr đaum kabbon baik mơy”. Chúng ta cứ tưởng lầm việc học hành chỉ dành ưu tiên cho con trai, sự học của mỗi giới mỗi khác, con gái học để tu thân tề gia, con trai học để trị quốc bình thiên hạ. Điều tâm huyết nhất được gởi gắm:


Jwai klak kabbon jwai nai
Ngap twei hatai drơp oh kađaung.



Người con gái Chăm cần có giáo dục tư cách đạo đức để quán xuyến gia đình nuôi dạy con cái, hỗ trợ chồng thành đạt trong xã hội, tức là tạo điều kiện để mang lại kết quả tốt đẹp đến gia đình tộc họ mình. Ngày nay, ít người con gái Chăm thể hiện được phẩm chất mà Muk Thruh Palei dạy bảo để từ đó có sự hoà thuận trong gia đình, sự kết hợp trong sinh kế, sự quan hệ với láng giềng. Không được vẹn toàn như ý, hãy nhìn nhận đúng vấn đề, tự trách mình hơn là trách người khác.


b. Cần thiết và cấp bách


Chúng ta thường than phiền rằng không được thừa hưởng gì nhiều từ cha ông, chỉ với Kabbon Muk Thruh Palei, Ariya Patauw Adat Kamei… chúng ta không chịu tìm đọc thì cứ ngồi đó mà trách trời đất hoặc lên án phê phán đồng tộc. Chúng ta có một trung tâm văn hoá Chăm để sưu tầm, nghiên cứu xử lý và quảng bá những tinh hoa vào thực tiễn cuộc sống, một ban biên soạn sách chữ Chăm với những chương trình lồng ghép, gợi ý những bài học vỡ lòng thiết thực để rồi nâng cao đúng tầm vóc, còn bao cơ quan ban ngành khác như viện khoa học xã hội, các trường đại học…các đề tài luận án chỉ mang tính báo cáo thống kê đại trà. Chúng ta ngao ngán bởi con em hỗn xược bất hiếu, nơm nớp lo âu viễn cảnh mại dâm tiêm chích, cướp bóc trấn lột…để rồi thở dài phó thác. Người lớn làm việc lớn người nhỏ làm việc nhỏ. Nhà nước đang dồn sức sưu tầm sử thi Tây nguyên, sử thi Raglai…trong tầm vĩ mô thì các trí thức Chăm có thẩm quyền chức năng cũng nên bỏ chút ít thời giờ trong tầm vi mô. Dạy con cháu mình những gì tổ tiên mình mong đợi. Hãy bắt đầu từ Muk Thruh Palei như Muk Thruh Palei đã bắt đầu từ mấy trăm năm trước, có lẽ… phải vậy thôi!



V. Trở về mái nhà chung


Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan đã nói “giáo dục một đứa trẻ gái là giáo dục cả một gia đình”. Đó là châm ngôn có hiệu ứng với toàn nhân loại, với bất kỳ công dân của bất kỳ đất nước nào trên thế giới. Đối với người Chăm trên nền tảng mẫu hệ lại càng thấm thía hơn, không phải bó hẹp trong một gia đình mà còn lan rộng ra phạm vi cộng đồng, văn hoá Chăm đã định nghĩa như thế và Muk Thruh Palei đã nói lại như thế.

Trong chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, người Chăm có ưu thế hơn các dân tộc anh em khác sống trên đất nước Việt Nam là kế thừa một nền văn minh Champa nguyên bản với những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đồ sộ khác thường. Phụ nữ Chăm cũng có ưu thế nhất định để phát huy vai trò của mình không chỉ trong khuôn khổ gia đình như trước mà đang và sẽ phát huy tư thế của mình trong xã hội theo trào lưu hoà nhập toàn cầu hoá. Trong khi phụ nữ phụ hệ đang vất vả đấu tranh đòi hỏi quyền bình đẳng nam nữ thì phụ nữ mẫu hệ Chăm nhàn nhã xỏ mũi chồng về nhà mình để giáo huấn chỉ đạo. Đàn ông Chăm có hư đốn quậy phá chút ít các bà các cô cũng nên thông cảm, nhường nhịn, an ủi và động viên, giác ngộ hơn là cằn nhằn chỉ trích đanh đá và nhất là “khiêng về nhà nó” trước thời hạn. Dĩ nhiên và tất yếu cũng nên khuyên đàn ông Chăm hãy đọc kỹ Ariya Patauw Adat Likei, Glơng Anak, Pauh Catwai… để tôi luyện bản lĩnh, tri thức và thể hiện mình. Đàn ông luôn là trụ cột của gia đình nhưng môi trường sống thời thế không còn như xưa, miếng cơm manh áo không còn dễ dàng hơn trước, của cải dồi dào từ rừng vàng biển bạc không còn mang về đấy ắp, để người vợ tiếp quản vun vén như thuở nào – hôm nay nhiều cha mẹ phải rời bỏ gia đình đi làm ăn xa, bỏ lại con cái không người quản giáo – những đứa con Chăm cũng phải rời làng vào phố kiếm sống với bao thử thách cám dỗ, nhiều gia đình lục đục bất hoà không hạnh phúc vì bất lực mưu sinh, bất kham trong học phí để con cái thành tài. Hãy nhớ lời “Muk Thruh Palei” như là bài học đầu tiên cũng là bài học cuối cùng, có thể.


* Phân tích dựa theo văn bản Chăm được công bố bởi Inrasara trong: Văn học Chăm II – Trường ca, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1996.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com