17 thg 12, 2012

Mọi Thứ Là Hư Cấu - Keith Ridgway



Mọi Thứ Là Hư Cấu

Tôi không biết cách viết. Điều này là bất hạnh, vì tôi phải viết để kiếm sống. Xin bạn chú ý, tôi cũng không biết cách sống nữa kìa. Người viết được yêu cầu, một cách đặc thù khi chúng tôi có một cuốn sách xuất bản, viết về cách viết. Cho những bài phỏng vấn và giải thích chúng tôi đã làm cái điều dường như vừa làm ra sao. Như tôi mới làm đây, chúng tôi thậm chí còn dạy những sinh viên muốn biết cách tiếp cận cái nghề nghiệp lạ lùng là viết hư cấu nữa. Tôi bảo các sinh viên ngay từ đầu – tôi không có gì cho các bạn. Tôi không biết. Đừng nhìn tôi.

Đến bây giờ tôi đã viết sáu cuốn sách, nhưng thay vì khiến nó dễ hơn, nó lại làm mọi chuyện phức tạp đến mức phi lí. Tôi không có ý tưởng nào về cái mình đang làm. Tất cả những quyết định tôi dường như đã làm ra – về cốt truyện và nhân vật và bắt đầu ở đâu và kết thúc khi nào – không hề là những quyết định tí nào. Chúng là những thoả hiệp. Một cuốn sách được xén gọt từ hi vọng, và khi tôi đứt tay tôi đẩy nó xa khỏi mình để xem những người khác đã làm nó như thế nào. Và tôi đợi trong nỗi kinh hoàng về những phán đoán của những kẻ khác về nó – những phán đoán dường như, dù là tích cực hay tiêu cực, đều bất công, vì chúng bàn về điều gì đó mà tôi không thực sự làm. Chúng là về cái điều đã xảy đến với tôi. Hơi giống như việc bò ra từ một vụ đụng xe để được chào mừng bởi một nhóm người lạ đang giơ những bảng thành tích điểm.

Một cái gì đó, hiển nhiên, đang tiếp diễn. Tôi xoay xở, cứ mỗi năm, sản sinh một cuốn sách. Và dĩ nhiên, có những điều tôi biết. Tôi biết cách đợi chờ cho đến phút cuối trước khi đặt bất cứ gì lên giấy. Tôi muốn nói phút cuối trước khi cái tứ lìa bỏ tôi mãi mãi. Tôi biết cách loại bỏ bất cứ thứ nào tôi xem ra – sau một thời gian – miễn cưỡng, cố tình, hoặc giả tạo. Tôi biết mình cần đặt chính bản thân vào câu chuyện. Tôi không muốn nói theo nghĩa đen. Tôi muốn nói về mặt xúc cảm. Tôi cần chăm sóc điều mình đang viết – hoặc về nhân vật, hoặc về điều họ diễn biến đến, hoặc về cách họ cảm nhận hay trải nghiệm thế giới. Tôi biết rằng nghề của mình là sáng tạo ra một viễn kiến. Và áp đặt nó lên người đọc. Và tôi biết để làm điều đó với bất cứ chút thành công nào thì bằng một đường lối kì bí nào đó tôi phải liều mọi sự. Nếu tôi không thổn thức khi viết một cuốn sách thì tôi biết rằng mình đã làm nó sai. Tôi không hoàn toàn chắc chắn điều đó có nghĩa gì. Nhưng tôi biết nó cảm nhận ra sao.

Tôi không làm nghiên cứu. Biết rằng tôi vừa viết một cuốn sách xoay xung quanh hai thám tử trong ngành cảnh sát Thủ đô London, điều này có lẽ dường như hơi liều mạng. Tôi không có ý tưởng thực nào về những điều sinh hoạt hàng ngày của các thám tử. Vì vậy tôi đoán đại ra vài điều. Tôi cho rằng họ phải điều tra sự việc. Tôi cố tưởng tượng việc đó như thế nào. Tôi đã xem cùng những phim và chương trình truyền hình mà bạn từng xem. Tôi cũng đọc cùng loại trinh thám rẻ tiền. Và tôi biết mọi thứ là hư cấu. Tuyệt đối mọi thứ. Nghiên cứu cũng là hư cấu chậm chạp theo lối riêng của nó, một chương trình trấn an cho tác giả. Tôi không muốn sự trấn an. Tôi thích viết từ trong cái hoang mang, hoảng hồn, một cảm thức về mọi điều đang có nguy cơ gần sụp đổ. Vì vậy tôi cố gắng ôm lấy sự hư cấu về mọi sự.

Và tôi muốn nói điều đó – mọi thứ là hư cấu. Khi bạn tự nhủ câu chuyện của đời mình, câu chuyện về thời của bạn, bạn biên tập và viết lại và đan bện một tự sự từ trong một tập hợp những kinh nghiệm và những sự kiện ngẫu nhiên. Những cuộc đàm thoại của bạn cũng là hư cấu. Bạn bè và những người thân thương của bạn – họ là những nhân vật bạn đã tạo ra. Và những tranh luận của bạn với họ giống như những cuộc họp với một nhà biên tập – làm ơn, họ năn nỉ bạn, bạn năn nỉ họ, hãy viết lại tôi. Bạn có một tri giác về những cung cách của những sự vật là ra sao, và bạn áp đặt nó lên kí ức của mình, và bằng cách này bạn suy nghĩ, và tôi cũng nghĩ cùng cách đó thôi, rằng bạn đang sống điều gì đó có thể mô tả ra được. Dĩ nhiên khi, cái chúng ta thực sự sống, cái chúng ta thực sự trải nghiệm – với những giác quan và những dây thần kinh của mình – là một hỗn mang lố lịch, đẹp đẽ, phi lí, bao la.

Vì vậy tôi yêu việc nghe được từ những người không có thời gian cho hư cấu. Họ chỉ đọc tiểu sử và khoa học phổ thông. Tôi yêu việc nghe về cái chết của thể loại tiểu thuyết. Tôi yêu việc có được những bài giảng về sự tầm phào của hư cấu, sự tầm phào của việc tạo dựng sự vật. Như thể đó không phải là điều tất cả chúng ta làm, suốt ngày, suốt năm, suốt đời. Hư cấu cho chúng ta mọi thứ. Nó cho chúng ta kí ức, sự hiểu biết, trực quan, đời sống. Chúng ta sử dụng nó để phát minh chính mình và kẻ khác. Chúng ta sử dụng nó để cảm nhận sự thay đổi, nỗi buồn, hi vọng, tình yêu, và kể cho nhau nghe về chính mình. Và tất cả chúng ta, hoá ra, đề biết cách hư cấu.


Tạp chí Người New York (The New Yorker)
Số ra ngày 8/8/2012

Keith Ridgway
Hồ Liễu dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com