24 thg 4, 2013

Dạ hội thần tiên - Trà Vigia




Đã gần Katê mà trời dường như chưa muốn mưa. Lưng chừng đồi nhấp nhô đá qua lùm cây chỏng chơ cành, vài con gà rừng nhớn nhác tìm mồi. Mười năm về trước nơi đây còn là khu rừng rậm, lác đác vài bác tiều phu già đốn củi… thú vật chim muôn thì vô số kể. Nhưng bây giờ rừng đã lùi xa vào ký ức những cụ già lẩm cẩm chờ qui tiên.

Điềm háo hức nhìn đồng hồ, đã gần bốn giờ chiều. Hồi trưa một cơn mưa lớn đổ ập xuống không ngờ. Mấy ngày nắng nóng oi nồng chợt dịu lại. Vạn vật hư hồi tỉnh sau cơn mưa, tâm hồn Điềm càng phấn chấn hẳn lên – phải tranh thủ lên rừng, nơi chàng đã đổ biết bao là mồ hôi công sức cho vườn cây lớn lên từng ngày. Từng giọt mưa của trời sẽ thay giọt mồ hôi người chảy dòng nhựa cho cây đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái và niềm vui sẽ chan hòa cuộc sống ngày mai. Rồi con cái sẽ thừa hưởng thành quả của cha nó, có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Thế hệ này tiếp nối thế hệ trước và xã hội ngày càng văn minh tiến bộ hơn.
 

Trời lại mưa, Katê nào cũng mưa… thời tiết vùng Phan Rang luôn bất thường, lúc thì nắng nóng cháy da, khi thì mưa đến thúi đất. Rừng ngày càng bị phá nên mưa nắng ngày càng đỏng đảnh hơn trước. Mấy mùa rẫy qua đều thất bại, điềm chỉ còn kỳ vọng vào mấy trăm cây xoài, nhãn, sapochier… làm chiến lược dài hạn. Trên lý thuyết lấy ngắn nuôi dài coi như không còn cơ sở. Vốn viếng đổ hết vào đây, phải tự thủ, Điềm nghĩ vậy. Thiên hạ khen chê, chàng bỏ ngoài tai, chẳng ai san sẻ gì được với mình cả! Điềm móc gói thuốc ra hút, sờ soạn túi quần tìm quẹt gas không thấy, có lẽ lúc xuống đồi dốc hàng mấy mẫu để thăm nom từng gốc cây, nâng niu từng nhánh lá, cái quẹt đã rơi mất đâu đó. Thôi kệ! Phải đánh một giấc cho lại sức. Chàng tự nhủ rồi leo lên võng nằm dài.


Nhớ lại mấy năm còn là sinh viên, bữa đói bữa no, lại phải vật lộn với chương trình Y bảy năm dài đăng đẳng, nhiều người bị rớt đài, theo nghành nghề khác hoặc bỏ về làng sống lại lốt nông dân. Thế mà chàng đã vượt qua, giờ đây nghĩ lại thấy tự hào về ý chí nổ lực của bản thân mình. Thương hơn tình cảm mẹ cha làm lụng vất vả, dành dụm từng đồng tiền xót xa nước mắt gởi cho con ăn học. Hôm nay đã là bác sĩ thành đạt, có tay nghề cao, uy tín lớn, mọi người trọng vọng… thì cha mẹ chàng nằm dưới đáy mồ sâu. Phải chăng vì muốn con mình nên người, đấng sinh thành phải hi sinh tất cả, từ tiện nghi cuộc sống cho đến mấy mươi năm yểu thọ làm người. Điểm cảm thấy mắt cay cay, dạ dày nhoi nhói đau, thời còn ăn cơm ký túc xá. Rồi nghỉ hè về quê, ngày nào mẹ cũng lặn lội dưới kênh mương, phá từng con cá lòng tong kho trong cái trách đất hoặc lên rừng hái râu nấu canh tập tàng. Mẹ nói là bồi dưỡng con có sức học để sau này thành tài, làm có tiền mua cá thịt ăn tùy thích! Lúc này Điềm mới cảm thấy đói, mặt trời đã đi ngủ từ lâu. Trời se lạnh, lại thèm thuốc, mò mẫm túi nhưng Điềm sực nhớ là đã rơi mất quẹt nên lại thôi. Chợt thoang thoáng có người đến gần. Một thằng bé là lạ, chàng chưa bao giờ gặp mặt từ khi lên đây làm rẫy. Những đứa nhỏ quanh đây chàng đều nhẵn mặt. Nhưng không sao, nhờ nó mượn giùm cái quẹt hoặc cục than hồng để hút thuốc, với lại còn nấu cơm ăn nữa chứ! Mà thằng bé trông kỳ cục, ngồ ngộ, tuổi chừng mười lăm, cao gầy ăn mặc di hợm, nước da tai tái như bị sốt rét kinh niên. Chợt Điềm tự cười mình, dưới con mắt bác sĩ ai cũng mang dáng dấp bệnh nhân, vả lại nông dân thiếu đói ai cũng hốc hác vàng vọt cũng là chuyện thường tình, không cần phải chẩn đoán làm gì. Thằng bé thế mà lễ phép, dường như nó biết Điềm đang đói thuốc, đói ăn nên nó ra vẻ trịnh trọng, ngầm bảo rằng Điềm phải biết điều nếu muốn có cái đang cần. Thấy thằng bé không giống những đứa nhà quê ngu ngơ thất học thường găp nên Điềm nghiêm túc hỏi nó cần gì nhưng nó lắc đầu chỉ trỏ lên sườn đồi bảo:


Trên kia có lễ hội, nếu ngài cần gì hay muốn tham dự, tôi sẽ dẫn ngài lên đó. Ông chủ sai tôi đến mời ngài vì biết ngài là người tốt. Hơn nữa ngài là láng giềng duy nhất ở đây. Lẽ ra ngài không thể ở đây lâu dài vì nơi này là đất của thần linh, người trần tục không nên quấy nhiễu, làm ô uế, náo động chốn thiêng liêng. Mời ngài dành chút thời gian quá bước theo tôi dự lễ, sắp đến giờ rồi.


Điềm quá đỗi ngạc nhiên, phân vân không biết mộng hay thực. Đời chàng chưa từng gặp chuyện kỳ dị như thế này. từ hồi giờ, mười năm khai phá đất rừng này, chưa thấy ai tổ chức lễ lạc gì ở đây bao giờ. Chỉ đến mùa thu hoạch ngô đậu, chủ rẫy mới làm vài con gà cúng bái thổ thần, những người khuất mặt đã từng hiện diện nơi đây để cầu xin phù hộ trúng mùa, làm một được trăm, mưa nắng thuận hòa, người người no ấm. Còn trên sườn đồi kia, lãnh địa của chàng còn ông chủ nào khác cả gan mời chàng đến dự tiệc, mà lúc này đâu phải mùa thu hoạch, cúng kiếng… bán tín bán nghi. Điềm nhìn lên đồi lởm chởm những tảng đá to chồng chất lên nhau. Đúng! Khu này là vùng cấm địa. Đó là hang tổ của hai con rắn thần to bằng thùng phi, chiều dài bằng nửa chu vi ngọn đồi, đầu rắn có mồng như mồng gà, hai con mắt ban đêm phát sáng như đèn pha. Con trâu, con bò hay con người vô phúc mò vào đó đều bị rắn nuốt chửng. Chỉ nghe người ta đồn vậy chứ Điềm cũng không rõ thực hư thế nào? Thời Pháp thuộc có một đại đội lính đi ba – trui ngang qua đó, bắn chết con rắn đực, còn rắn cái chạy thoát vào hang rồi từ đó không thấy tông tích. Nghe nói sau đó đại đội lính Pháp bị Việt Minh phục kích giết chết không còn một mạng. Ấy là do rắn thần trả thù! Sau này người ta còn kháo nhau rằng có người nhìn thấy vết rắn trườn to bằng cối xay hay có kẻ giàu tưởng tượng hơn thấy rắn cuộn mình trên tảng đá tắm trăng, những cái vảy lấp lánh phát sáng muôn màu sắc huyền ảo. Có kẻ còn nghe tiếng rắn rên rỉ kêu than nhớ người bạn đời xấu số. Dù sao thì trong quá trình sống ở đây, Điềm cũng chưa một lần bén mảng gần hang rắn. Mỗi khi có việc phải đi ngang, Điềm luôn có cảm giác rờn rợn, sợ hãi vô cớ. Đêm nay mọi việc sẽ sáng tỏ chăng? Tính hiếu kỳ lẫn tò mò trong người chàng trỗi dậy nhưng nỗi ám ảnh về rắn thần vẫn khiến điềm e ngại. Chàng lại nhìn lên đồi lần nữa kỹ hơn. Dường như có những đốm sáng lập lờ như điện hoa đăng ngày hội, lúc thì sáng rỡ như ánh đèn thuyền đánh cá ngoài biển lúc lại mập mờ như ngàn con đom đóm múa may. Chốc chốc lại có vài vì sao rơi xẹt xuống rồi lại bay lên như pháo hoa. Dường như còn có cả tiếng trống, tiếng kèn lời ca tiếng hát thì thào qua kẽ lá. Tâm hồn Điềm bỗng lâng lâng nhẹ tênh như làng khói, bị cuốn hút bởi ma lực từ đồi rắn, con người chàng như lạc mất phương hướng cả không gian lẫn thời gian. Điềm ngoan ngoãn theo bước chân thằng bé lên đồi. Đến gốc cây bồ đề cổ thụ, thằng bé mời chàng vào. Điềm chỉ thấy dưới chân đá lớn là một cái hốc đá nhỏ có khe nứt nên ngơ ngác thắc mắc. Thằng bé không nói gì khẽ đẩy chàng lách vào khe nứt, và lạ thay, hai người đã lọt thỏm vào trong. Bên trong bỗng vờ òa ánh sáng, mùi nước hoa, mùi rượu bia xen lẫn mùi thức ăn ào đến tưởng như tê liệt cả khứu giác của Điềm. Ban nhạc đủ nghệ nhân trống Ginang, Baranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi, Champi, mã la… cùng những nhạc cụ khác chàng chưa từng thấy đang dập dìu tấu khúc. Đoàn vũ nữ cũng say sưa tập múa những điệu vũ mà Điềm ngờ ngợ thấy quen quen. Lúc này Điềm mới tin rằng tất cả đều là thực, không phải là ảo giác nếu chàng chưa bước chân vào đây. Thằng bé dẫn chàng đến một ông già áng chừng là chủ nhân rồi hòa lẫn mất hút vào đám đông. Nhìn qua chẳng thấy ai là người quen Điềm cũng hơi chột dạ, nhìn tướng mạo ông già quắc thước oai phong nhưng phảng phất nét phúc hậu bao dung nên chàng cũng hơi an tâm. Dường như cũng biết ý nghĩ của Điềm nên ông già đưa mắt trìu mến mời chàng ngồi bên cạnh và lấy tù trước mặt lên thổi một hồi dài. Mọi âm thanh tưởng chừng ngưng bặt, ánh sáng như dịu lại, mùi hương cũng nhạt dần. Ông già trịnh trọng tuyên bố khai mạc buổi lễ rồi chỉ Điềm giới thiệu với tất cả mọi người như một vị khách danh dự độc nhất mà họ đón tiếp trong ngày lễ trọng đại này. Điềm cũng biết được hôm nay là ngày lễ kỷ niệm mà tất cả mọi người ở đây đã được khai sinh và lấy nơi này làm quê hương vĩnh viễn. Chàng không hiểu rõ lắm, tại sao có một tộc họ sống nơi đây mà từ lâu không ai hay và buổi lễ hôm nay náo động đông vui thế này lẽ nào mấy người làm rẫy hoặc thợ rừng vùng này không ai biết?! Điềm đặc biệt để ý: Nhóm người hướng Bắc thì trang nghiêm, đàn bà con gái xiêm y lộng lẫy nhưng cách ăn mặc kín đáo thùy mị, thức ăn thì thuần hoa quả, ngũ cốc, ăn nói nhẹ nhàng chừng mực… trái lại nhòm hướng Nam thì quá ồn ào náo nhiệt, đàn ông mặc áo chim cò lòe loẹt, phụ nữ lại ăn mặc hở hang khêu gợi, nhậu nhẹt búa xua, nốc rượu ừng ực… cái bàn ghế đá của ông già và Điềm lại ở hướng Đông chia đôi hai nhóm Bắc Nam, hướng Tây là cửa ra vào và ở giữa là sân khấu. Ông già rót hủ rượu trên bàn vào cái chung bằng vàng mời Điềm khai cuộc. Ngày hội bắt đầu và chương trình văn nghệ được xen kẽ giữa hai nhóm Bắc Nam dưới sự chủ tọa đồng thời cũng là giám khảo là ông già và Điềm. Thật vinh dự không ngờ lại vừa khơi dậy máu nghệ sĩ trong người chàng. Tuy là bác sĩ nhưng chàng lại rất tâm huyết trong việc nghiên cứu tìm hiểu âm nhạc Chăm và có thể đây là một dịp tốt để chàng kiểm nghiệm lại vốn liếng hiểu biết về âm nhạc truyền thống Chăm cũng như được điều gì mới mẻ. Ông già giảng giải thêm:


Nhóm bên tay phải thì chủ trương giữ gìn, phục hồi nhạc truyền thống. Nghệ thuật chân chính muốn phát huy phải dựa vào cội nguồn như cây trái tươi tốt phải ra từ gỗ rễ vững vàng, hút dưỡng chất từ đất đai màu mỡ. Còn nhóm tay trái thì chủ trương cải cách nâng cao. Nghệ thuật phải mang tính thời đại, phải có sự giao lưu giao thoa để sáng tạo cái mới. Từ đó nghệ thuật mới hoàn chỉnh, đáp ứng được nhu cầu của con người. Mấy năm trước cuộc thi nào nhóm tay phải cũng thắng thế, nhóm tay trái bất bình có ý nói là tôi thiên vị nên năm nay có thêm cậu trong ban giám khảo tôi chắc rằng điểm thi sẽ công bằng hơn. Tôi có biết rằng cậu cũng có rành về âm nhạc nên sự có mặt của cậu sẽ khiến hội thi đạt kết quả mỹ mãn.


Lúc này Điềm mới cảm thấy khó xử, khả năng âm nhạc của chàng nào có là bao, chỉ học mót chút ít từ những người đi trước. Nghe thôi chắc gì đã hiểu hết nói gì đến chấm điểm. Càng nghĩ càng hổ thẹn cho mình, nhưng lẽ nào chối từ hay cáo lui?! Còn đang băn khoăn tự hỏi, ông già vỗ vai chàng động viên và tuyên bố:


Theo sự bốc thăm, nhóm truyền thống sẽ trình diễn mở màn điệu vũ:”Thu-on harei mưnưk.” (1)


Tiếng Baranưng bập bềnh rung lên như nhịp tim đầu đời của con người khi mới chớm yêu. Rồi réo rắt Xaranai dõng dạc như lệnh truyền con người hãy theo lý trí về nơi chân thiện mỹ, về với cội nguồn, về với tấm lòng mẹ cha, với vòng tay anh em bè bạn. Và khi đã định thần, nhịp trống Ginơng vang lên như sóng trào bão cuốn thôi thúc con người lên đường, dấn thân, vươn vai dựng xây quê hương, ai ai cũng no cơm ấm áo, cuộc sống chứa chan hạnh phúc, yên bình vui tươi. Đoàn vũ công như bay bỗng lên khỏi mặt đất, cổ tay ẻo lả mềm mại như muốn ôm cả bầu trời vào lòng người, bàn chân nhón gót nhịp nhàng như đã thoát ra khỏi sức hút của trái đất, cái cổ thon thiêng nghiêng duyên dáng đối trọng với thân mình cong cong như cây cung có sức bật vạn năng vào vũ trụ. Khúc biến tấu từ Biyen qua Tiaung rồi Mamơng cùng những điệu thần kỳ mà Điềm mới chiêm ngưỡng lần đầu tiên khiến người chàng như ngây dại. Hồn chàng tê tiếng như có dòng điện cao thế chạy qua rồi như bốc hơi lên không gian vô định loãng tang và biến mất. Điềm không biết mình là ai cho đến khi ông già đập mạnh vào vai chàng mới sực tỉnh. Chàng giơ bảng điểm lên theo quán tính, điểm 10. Rất tiếc không có thang điểm dương vô cực. Nhưng ông già chỉ cho điểm 8,5. Mọi người nhóm truyền thống nào hứng vây quanh Điềm mời nâng ly, chúc tụng, ánh mắt ngầm bảo chàng là vị giám khảo anh minh nhất trần gian. Rằng chỉ có chàng mới hiểu được tinh hoa cốt lõi của điệu múa Chăm, âm nhạc Chăm cũng như nghệ thuật biểu diễn. Tự dưng Điềm cũng cảm thấy rằng cái tôi của mình dường như lớn hơn, tri thức cũng tăng tiến vượt bực…


Tiếp theo là vũ điệu Jalan tamư Dunya(2). Ông già trịnh trọng giới thiệu chương trình.


Mọi nhạc cụ như cùng dấy lên một lúc, tiếng động đất, núi lửa phun vọt dung nham và cả bầu trời có thể sập bất cứ lúc nào. Tiếng Ginơng lúc đầu dồn dập theo kiểu Foxtrot, dần chuyển qua điệu Soul, cả giựt Disco bỗng chuyển qua Lambada dậm dật rồi nhảy qua Rock nặng, đinh tai nhức óc. Tiếng kèn Xaranai thảng thốt như tiếng Trompet, lúc thì ré lên như tiếng chó tru gọi tình, lúc thì đứt quãng như tiếng kêu cứu thất thanh… Còn đàn Kanhi thì đặt lên lỗ rún, người chơi bạnh chân ra hình chữ bát như võ sĩ đang xuống tấn, còn Baranưng được ném lên cao, chuyền qua chuyền lại như nghệ sĩ xiếc đang tung hứng. Đoàn vũ nữ như bước ra từ tượng Apsara, chỉ vận độc nhất chiếc khố mỏng, vận dụng tất cả bộ phận trên thân người lắc lư, ly tâm như muốn thoát ra khỏi bộ xương theo từng điệu nhạc. Con người Điềm như trôi về mấy triệu năm trước từ thưở hồng hoang, hồi mới khai thiên lập địa, ăn lông ở lỗ rồi chuyển qua thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ vàng để cuối cùng cảm thấy thân phận mình hôm nay và cùng lúc đó điệu vũ kết thúc. Điềm chưa hết bàng hoàng kinh dị thì ông già lại nhắc nhở nhiệm vụ. Chàng lại giơ lên điểm 10, còn ông già chỉ là điểm 8. nhóm cách tân lại bu đến chàng cụng ly, ôm hôn vồn vã và chỉ có Điềm mới hiểu được quy luật tiến hóa của cuộc sống mà họ vừa thể hiện, chỉ có chàng mới thưởng thức được nghệ thuật bậc cao.

Đêm văn nghệ tiếp diễn cho đến sáng và dường như tiết mục nào chàng cũng cho điểm 10. Tất cả những gì xảy ra trong đêm nay đều hoàn hảo tuyệt đỉnh đối với mọi điều mà chàng mục đích trên cõi đời này. Kết cuộc là nhóm truyền thống vẫn thắng từ điểm của ông già nhưng mọi người đều hoan hỉ và có ấn tượng tốt về chàng. Theo lời đề nghị của ông già, Điềm sẽ kể cho mọi người nghe về cuộc sống bên ngoài mà chàng đã trải qua. Chàng say sưa kể chuyện về gia đình quê hương, về bệnh viện là nơi chữa bệnh cho những người đau ốm. Điều làm chàng rất ngạc nhiên là tất cả mọi người ở đây không ai có triệu chứng gì về bệnh tật. Về trường học là nơi dạy dỗ con em học làm người, về tiến triển của khoa học tạo điều kiện thuận lợi cho con người gần nhau hơn. Nhiều người tỏ vẻ không hiểu, có người thắc mắc rằng con người gần nhau làm gì nếu họ không thật sự thương yêu nhau, hỗ tương nhau để mưu cầu hạnh phúc. Khi Điềm kể về thời sự quốc tế, những xung đột chủng tộc, tôn giáo, họ tỏ ra không thể hiểu nỗi tại sao lại có chiến tranh, con người cùng một loài lại nhẫn tâm tàn sát lẫn nhau. Tại sao con người lại không phát huy tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, phát huy sự sáng tạo trong nghệ thuật để giao hòa với trời đất, vũ trụ. Đến với nhau bằng tâm hồn thay vì tiện nghi vật chất, v.v. và v.v… Điềm không thể nào giải thích vì khả năng hiểu biết của chàng còn quá hạn chế. Để giải tỏa những câu hỏi khác cũng như biểu hiện tình cảm của mình với mọi người, chàng xin hát tặng tất cả một bài mà chàng học lóm từ một người bạn. Hát rằng:


O bih takuh di tanưh.
Ginaung o bih kaung di paga
O bih ia di bingun. O bih halun di nưgar
Ginaung o bih haung di glai. O bih tapai di ginwơr
O bih tapwơn di darak. O bih ak di thruh
O bih akhar di tapuk. O bih patuk di glaung
O bih ginaung di hatai. O bih adei di xa-ai. (3)


Bạn nhạc hai nhóm đều ôm Baranưng vào lồng ngực đệm theo tiếng hát của Điềm một cách khoan thai, thánh thiện. Có lẽ đây là lần đầu hai nhóm đã hòa điệu cùng một phong cách. Cũng có thể lời hát đã cho họ một nhịp cầu chung hoặc hai nhóm đều muốn làm vui lòng chàng, Điềm thấy tâm hồn mình thanh thản không gợn chút bụi trần. Mọi người như gần nhau hơn, hiểu nhau thông cảm nhau hơn trong hang động chật chội này. Vòm trời hẹp dường hư muốn mở ra, mở ra dần đến chân trời và tan biến trong vô cùng vô tận. Đã đến giờ chia tay, ông già ra hiệu cho thằng bé lúc đầu dẫn Điềm ra cửa. Bầu trời vẫn tối đen như mực, tiếng côn trùng giao hưởng xa xa… thỉnh thoảng vài tia chớp lóe sáng.


Điềm chợt nhận ra mình vẫn nằm trên võng từ chiều qua. Một vài giọt mưa rơi lộp bộp trên mái lợp bằng tấm vải hạt. Hàng cây đu đủ trước chòi ngả nghiên. Dường như đêm qua có mưa to gió lớn thì phải. Từ bếp lửa tỏa ra hơi ấm. Điềm ngồi dậy vươn vai cho giãn gân rồi mò xuống bếp kiểm tra thử. Còn vài cục than hồng vùi trong tro. Quái lạ! Ai đã đến đây nhóm lửa cho mình? Chàng mò mẫm tìm củi chụm lại thổi, ngọn lửa bén lên soi tờ mờ chai rượu trên bàn, Điềm biết ngay là chai của Lành bạn rẫy bên cạnh. Lại có cả dĩa thịt ếch òn nướng, nó đã sang đây rủ chàng nhậu nhưng có lẽ Điềm ngáy quá mê man nên nó đã bỏ về. Chàng đặt ấm nước lên đun pha trà, móc túi lấy thuốc trong túi ra đốt rồi phà khói lên trời, nghĩ ngợi. Có lẽ mình vừa trải qua một cơn mộng diệu kỳ hay tất cả đều là sự thật. Điềm cố nhớ lại từng đường đi nước bước, những sự kiện đều ăn khớp với nhau từ đầu đến cuối. Chỉ có vài chi tiết vô lý như làm sao mình có thể lách qua khe đá nứt để vào bên trong hay chẳng có đóng cửa lại khi ra về, có lẽ phải hỏi lại thằng Lành, lúc nó sang đây có thấy mình nằm trên võng không? Điềm cũng nhiều lần nằm mơ nhưng chưa có giấc mơ nào lạ lùng như vậy nhưng rõ ràng lúc này tâm trạng chàng rất thư thả, môi miệng chàng như vẫn còn đọng hương vị ngọt ngào đêm qua.


Sáng sớm hôm sau, qua một vòng thăm rẫy. Điềm quyết định tìm đến gốc cây bồ đề xem xét. Chẳng có lối nào vào được ngoài những kẽ đá nằm khít rịt. Leo lên cao năm thước, có một miệng hang rộng một thước, ánh sáng lờ mờ ban mai đủ nhìn rõ một đường hầm bằng đá nhẵn thín hun hút dẫn vào trong. Điềm thận trọng lần mò từng bước đi vào khoảng năm thước, nhưng tối quá không nhìn thấy gì. Một luồng khí lạnh bốc ra khiến Điềm nổi da gà. Một cái gì đó mơ hồ đe dọa, hình ảnh con rắn thần lại lởn vởn trong đầu óc Điềm làm chàng chùn bước nhưng lại kích thích chàng dấn bước tiến tới bởi giấc mơ kỳ lạ đêm qua. Đắn đo một lúc, Điềm trở lại chòi lấy cái đèn pin, cầm theo cây rựa quày quả trở lại chỗ cũ. Lần này Điềm mạnh dạn hơn, soi đèn pin tiến lên năm thước nữa đến một cái hang động. Mùi tử khí lành lạnh, ánh đèn pin dội lại tường đá phía trước, Điềm quét vài lược đèn xung quanh và hận ra đay là hang động hình vuông mỗi cạnh khoảng mười lăm thước. Chàng tiến thẳng về phía trước mặt tường đối diện và thấy quen quen một bộ bàn ghế đá, trên bàn có một hũ rượu và mấy cái chung cái dĩa… Nhìn xuống mặt ghế có vật gì trắng thâm, thì ra là một cái đầu lâu nằm trên đống xương hỗn độn. Cảnh tượng giống hệt trong giấc mơ đêm qua. Linh tính trong người chàng theo hướng đèn pin về phía Bắc. Không sai, một hàng xương người nằm rải rác, phía Nam cũng vậy. Điềm ước lượng khoảng hơn hai trăm cái đầu lâu lớn nhỏ. Không hiểu họ đã chết cách đây bao nhiêu năm rồi. Cái hang động này là thiên nhiên hay nhân tạo và tại sao họ lại chết tập thể như vậy?! Từ cảm giác hoảng loạn ban đầu chuyển dần sang thương cảm xót xa. Đời chàng chưa từng thấy xương người nhiều đến thế. Điềm soi rọi kỹ xem có dấu vết gì của rắn thần nhưng chẳng thấy gì ngoài lỉnh kỉnh những cái nồi đồng, vài cái chảo lớn cùng nhiều cái lu to. Nhiều lưỡi dao, lưỡi rìu rỉ sét vung vãi, chắc chuôi cán bằng gỗ bị mối mọt hủy hoại hết nên chỉ còn phần kim loại. Điềm định bụng lấy một thứ gì đó làm kỷ niệm nhưng lại thôi. Phải tôn trọng anh linh người chết, dù sao chàng cũng là khách mời duy nhất trong một dạ hội độc nhất trên thế giới này. với cương vị bác sĩ, Điềm đã nhiều lần đi dự hội nghị, hội thảo, vào khách sạn ra nhà hàng với những trò đời không sao mà kể hết nhưng nhưng dạ tiệc đêm qua thì chắc không thể có lần thứ hai. Điềm tần ngần nhìn lại cái ghế mà chàng đã ngồi đêm qua bên cạnh ông già, tức là bên bộ xương này. chàng đã uống rượu bằng cái chung được rót ra từ hũ rượu này, ăn trái cây trong cái đĩa màu xanh, mứt chà là trong cái đĩa đỏ… Điềm bước tới trung tâm cái hang đứng ngay nơi mà chàng đã hát tiếng hát người trần tục cho người hần tiên nghe mà cảm như lồng ngực ứ máu, cổ họng nghẹt hơi, đôi chân như muốn quỵ xuống, lún vào tầng sâu đất đá để tan biến vào cõi vô hình không buồn phiền ghét giận. Đầu óc Điềm quay cuồn như muốn vật mình quỵu xuống và người chàng lảo đảo như có một cơn lốc từ thành hang thổi bật ra.


Điềm trở về với cuộc sống đời thường, ngày làm việc ở cơ quan, về nhà khám thêm để tăng thêm thu nhập. Người Chăm nghèo lắm nên cũng lắm phiền hà, dân trí còn thấp nên sinh nhiều chuyện rắc rối không đâu. Một thời gian khám tư hoạch toán lại thấy lộ chàng tính bỏ luôn, nhưng nhiều ca cấp cứu, người nhà bệnh nhân khóc lóc năn nỉ quá chàng lại động lòng. Điềm tự an ủi cái nghiệp của mình đành vậy! Mình học nghành Y với ước mong cứu người, giờ đây nếu mình không cứu thì ai đây?! Bởi vậy cái rẫy là cứu cánh cuối cùng mà Điềm phải bám vào để ổn định kinh tế bảo đảm cho tương lai. Hơn nữa, tâm tính chàng thích cảm thí thiên nhiên. Xuất xứ nghề nông, tuổi thơ ấu chàng lớn lên cùng gốc rạ và chàng nguyện một ngày rằng cuối đời chàng sữ chết trên cánh đồng quê hương quên thuộc. Có một điều làm chàng luôn ưu tư. Tưởng chừng thời gian thử thách khắc nghiệt thời sinh viên đủ cho chàng vững tiến nhàn nhã giai đoạn lập nghiệp. Cái vốn học tập chỉ giúp chàng trong chuyên môn, nhưng chuyện làm ăn thì đòi hỏi những yêu cầu khác mà bằng cấp đại học không giúp chàng bao nhiêu! Cha mẹ nào cũng nghĩ vậy, lo cho con cái ăn học, có nghề nghiệp để sau này sướng thân nhưng cuộc đời lại khác. Thế còn bao người nông dân không được học hành đến nơi đến chốn thì thân phận sẽ ra sao? Gia đình thiếu đói, con cái ốm đau? Những quan hệ xã hội, xóm làng để con người ngày càng gần nhau hơn?


Mấy ngày rày mưa tầm tã, tối nay sẽ có đêm vaw nghệ dân gian nhất quyết Điềm sẽ tới xem, dẫn theo mấy đứa nhỏ cùng đi rồi mai sẽ lớn lên viếng pháp. Lòng chàng rộn rã vui nhưng len lén nỗi buồn. Đã qua rồi mấy ngày cách đây một năm trước, chàng được mời dự dạ hội thần tiên nhưng năm nay trống quá. Điềm đã nằm lì trên rẫy hơn một tuần nay để đón đợi. Ngóng một điều gì đó hoang tưởng nhưng Điềm lại tin rất thực. Một nỗi mất mát lớn lao xâm chiếm tâm hồn. Chàng nhớ lại chuyện Từ Thức lạc vào động tiên mà ái ngại. Nếu một năm tiên kéo dài bằng một trăm năm tục thì giấc mộng của chàng không thể trở lại nữa rồi.

Tiếng nhạc tập dượt văn nghệ Katê vọng lại xa xa, con út Điềm khẽ nhắc: “Thưa ba có khách”

———————————-

1. Mừng sinh nhật.
2. Đường vào trần gian.
3. Giận chẳng hết ong trong rừng – chẳng hết thỏ trong hang – chẳng hết đám đông ngoài chợ – chẳng hết quả trên ổ – chẳng hết chuột dưới hang – chẳng hết thần trên tháp – chẳng hết bọ dưới đất.
Giận chẳng hết thanh hàng rào – chẳng hết nước dưới giếng – chẳng hết nô lệ trên trần gian – chẳng hết chữ trong sách – chẳng hết sao trên trời.
Giận chẳng hết giận trong tim – chẳng hết em trong anh.



Source: Inrasara.com

2 nhận xét:

  1. Chuyện hay và hấp dẫn đó bạn!

    Trả lờiXóa
  2. Những gì diễn ra giữa mơ và thực. Rất huyền ảo, mình cũng thích truyện ngắn này.

    Trả lờiXóa

thach.michelia@gmail.com