24 thg 5, 2013

Một Thoáng Lak

Một góc Lak
  
Đã từ lâu được nghe kể về thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Nơi có những nhà sàn, nhà rông, rượu cần và coong chiêng; có chú voi ở Bản Đôn, có nhiều câu chuyện huyền thoại, sử thi về những người anh hùng mang tên Dam San. Và...

Dừng chân ở Dak Lak vài ngày thăm những người bạn. Tôi và một người bạn cùng tộc đến thăm nhà vợ chồng anh Sáng chị Nhung, hai vợ chồng Cham-Êđê mà tôi quen biết qua giới thiệu.

Sáng 12.08.2009 chị Nhung, giảng viên ngữ văn Trường Đại Học Tây Nguyên gởi ý với chúng tôi cùng tham gia với nhóm sinh viên đi thực tế để tìm hiểu về văn học dân gian người M’nông ở Lak. Xem như là duyên tự khởi để tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên nên chúng tôi thay đổi lịch trình và tham gia.

Khoảng 10h45 – tuyến xe buýt đưa chúng tôi vào buôn Dăng Băk, thuộc xã Yang Tao, huyện Lăk. Trong khi chị Nhung và thầy Đức phân nhóm các sinh viên – để tìm nhà dân ở lại trong suốt quá trình ở lại tìm hiểu về đề tài, tôi liếc nhìn xung quanh và thấy những phụ nữ mặc trang phục Cham đang nghỉ mát dưới bóng râm cây me ven đường, khi chào hỏi tôi mới biết là người đồng hương đi buôn. Tán chuyện một lúc họ mời tôi về nhà nghỉ ngơi. Cùng đi với tôi là hai nữ sinh xinh xắn, hiếu kì. Căn nhà họ đang tạm trú là nhà một gia đình người M’nông R’lâm – ông tên Yotin (tên lấy từ tên của đứa cháu đầu lòng) – nhà sàn họ lợp bằng mái tôn, sàn và vách tường lợp bằng những miếng gỗ. Ngôi nhà có một gian rộng dài theo hướng Bắc – Nam. Gia đình chủ nhà rất hiếu khách và vì sự ân cần của họ nên chúng tôi khó lòng từ chối lời mời dùng cơm. Khi chúng tôi quay lại để cùng với các nhóm sinh viên khác sắp xếp chỗ ở qua đêm – tôi gọi điện xin phép chị Nhung ở lại cùng với nhóm sinh viên ở buôn Dang Bak – vì là gần đồng hương Cham để dễ dàng cho việc họ giới thiệu về người M'nông R'lâm và hướng dẫn nơi chốn để tiện cho tôi đi và tìm hiểu về nơi này thêm. Nhóm tôi có sáu người nữ sinh chiếm năm – dù là dân Dak Lak nhưng rất ít hiểu biết về con người, văn hóa tộc người ở đây. Tôi không biết gì hơn ngoài chút kiến thức qua sách báo và nghe kể được. Ở đây, đối với tôi, hoặc cùng nhóm sinh viên hoặc tự lang thang ngó ngàn. Chủ nhà là người M'nông R'lâm, anh là giáo viên cấp một, hiếu khách và cư xử quá tốt - ngoài việc hướng dẫn, giúp đỡ, khi rảnh tay anh hay lấy xe máy chở tôi đến nhũng nhà quen và vài di tích ven khu du lịch Lak.

Cùng với ông Yotin

Một điều bất ngờ là khi tìm hiểu vài gia đình về dân tộc M’nông R’lâm, vì tất cả những gì chúng tôi thu thập được không có chút gì để hệ thống – may ra cũng có những mảnh vụn về văn hóa dân gian qua truyền miệng, lời kể, câu hát của các cụ có tuổi. Không biết, có khi biết chỉ là một mớ thông tin mù mịt với nhiều dị bản – còn về phần những gì tôi đã nghe nói và đang chứng kiến – mọi thứ đều biến căn – từ đời sống tín ngưỡng cho đến những lễ nghi về văn hóa nương rẫy núi rừng, văn hóa lúa nước, sông hồ. Họ chỉ biết là từ sau "ngày giải phóng" – vấn nạn hợp tác xã hóa kèm theo đạo tin lành, công giáo, cơ đốc thâm nhập vào – đã làm cho mọi thứ thuộc về văn hóa Tây Nguyên dần dần tiêu biến đi.

Về chiều, hoàng hôn đang buông, bầu trời mây kéo làm âm u cả vùng buôn – tôi men theo một con hẻm nhỏ dẫn về phía cánh đồng, phía xa xa là đồi núi chênh vênh – vài buôn làng ở phía bên kia thu vào tầm mắt, tôi định nâng máy ảnh lên để thâu tóm lại toàn cảnh nhưng lại thôi chỉ chồn chân đứng ngắm, rồi lại ngắm. Đứng ngoài rìa của cánh đồng xanh – hóng gió rồi ngơ ngác nhìn tôi thấy hai đứa bé chăn bò nhìn mình bằng con mắt ngờ nghệch; sau một lúc mới chú tâm lại với công việc của chúng. Trời sắp mưa – tôi quay lại buôn và ghé qua một gia đình M'nông ở gần đó. Nhà tôi đang vào là căn nhà của già làng – tên ông Y Yum Sruk – trong khi uống trà và cùng trò chuyện với vợ chồng ông – hai đứa con trai của ông đang bận rộn vác những bao lúa vừa phơi xong một ngày nắng vào kho. Ông kể cho tôi nghe về sự tích Lak, rằng: “Xưa kia, mùa hạn hán kéo dài – đất đai khô nứt. Trong số dân chúng đi tìm nguồn nước có gia đình Lak Lieng, và hai anh em này cũng vào sâu trong rừng núi tìm, tìm mấy ngày trời, nước uống mang theo đã hết, khát khô cổ họng họ bền tìm cây nứa chặt lấy nước uống – nhưng khi chặt ra họ chỉ thấy toàn những con lươn nhỏ ở trong – trong tuyệt vọng họ thấy mấy con lươn trườn về phía vũng bùn và chui rúc vào, nghĩ là vũng bùn này sẽ có nước anh em Lak Lieng đào một cái giếng nhỏ và họ phát hiện nước rỉ ra – về sau những con lươn moi móc lớp bùn làm cho giếng nước càng ngày càng rộng cho đến khi trở thành một cái hồ. Kẻ từ đó gia đình Lak Lieng có nước để sinh hoạt và trồng trọt. Một hôm, trong nhà nấu cơm cháy, ba mẹ Lak Lieng mang đổ cho chó – con chó tha đi, dân trong buôn thấy và lần tìm đến thì phát hiện hồ nước và gia đình Lak Lieng – kẻ từ đó dân trong buôn mang trâu bò, coong chiêng, tài sản đổi lấy nước để sinh hoạt. Gia đình Lak Lieng trở nên giàu có. Về sau – tài sản của họ phân phát cho dân nghèo trong buôn – họ trở về nhà trời. Và, giếng nước đó được người dân gọi là hồ Lak để tưởng nhớ họ - trở thành tài sản chung của dân ven hồ.” Theo thông tin thêm từ già làng tôi mới biết rằng là trước "giải phóng" - ở hồ Lak cũng có lễ hội cầu mưa (như các dân tộc lúa nước khác ở Đông Nam Á vào khoảng thời gian chuyển mùa) – khi vào mùa hạn. Buôn và các gia đình gom góp trâu, bò, lợn, gà và các nông sản làm lễ nghi – mỗi lần như thế khi làm lễ xong họ cùng nhau ăn uống, tắm rửa vui đùa dưới hồ, khi trở về - nửa đường sẽ có một trận mưa rất to. Bây giờ lễ này không còn nữa – tất cả chỉ còn đọng trong tâm thức người già như mảnh vụn của văn hóa. Đó là một câu chuyện với hàng chục dị bản.

Ông già M'nông R'lâm với dụng cụ đánh bắt cá hồ Lak

Dân bản xứ sống ven hồ đa phần là người M’nông R’lâm, nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer – nghề của họ chủ yếu là trồng lúa nước, và đánh bắt thủy sản – ngoài ra họ còn làm nương rẫy để trồng trọt bắp, khoai; còn vào các tháng tám đến tháng mười người già và trẻ em thường vào sâu trong rừng bẻ măng, còn thanh niên trai tráng thì lên rừng đốn gỗ, săn bắn. Do giao thoa văn hóa – nên văn hóa của người M’nông ở đây ảnh hưởng nhiều của người Êđê - từ kiến trúc, điêu khắc nhà cửa cho đến các lễ nghi và tên gọi các vật - theo văn hóa "vạn vật hữu linh". Hồi trước cũng như người Êđê – họ cũng có nhà dài, nhưng bây giờ chủ yếu là căn nhà sàn, nhà trệt kiểu hiện đại (theo như ý họ). Hồ Lak nếu nhìn về mặt du lịch thì đó là một khu mà chúng ta nên đi – xung quanh hồ bây giờ nhiều khu du lịch mọc lên – Vào năm 1949 vua Bảo Đại có dừng chân nghỉ mát nơi đây nên cho xây một Biệt Điện ở trên quả đồi gần đó. Từ quả đồi này chúng ta có thể nhìn bao quát vùng hồ, cả đỉnh núi Yang-Sin hùng vĩ.

Già làng Y Yum Sruk và cháu gái

13.08.2009 Tôi đi cùng với các bạn sinh viên dọc theo con đường cái của làng dẫn ra một góc của hồ Lak - trên đường đi từ buôn Dang Bak, buôn Yok Đuôn, buôn Cuôn Tak, buôn Bhôk - những ngôi nhà sàn hai bên đường vẫn hướng Bắc - Nam, trên con đường vào buổi sáng nhiều chiếc xe máy cày chở từng tốp người - trai tráng có, phụ nữ có, người già có, trẻ em có. Tất cả như vội vàng với việc làm của mình - các lái buôn cũng xuất phát qua các buôn khác. Đến hồ - cảnh trước mất đập vào mắt là bức ảnh hồ nước mênh mông xa xa, ven hồ những ngư dân đang dùng bè đánh bắt cá, có người hái thực vật ở xung quanh, vui nhộn hơn là một đàn vịt khoảng 30 con chăn thả ở đó - bơi kêu làm nhộn nhịp sinh thái khu hồ. Nhìn ngắm - chụp vài tấm ảnh - chúng tôi quay trở về buôn Bhôk để tìm một nhóm sinh viên khác ở đó.

Một thoáng hồ Lăk

Hỏi thăm và tìm đến - chúng tôi mới biết nơi họ ở là một gia đình già làng Y Trưng Bkrông. Nhìn ông tôi cứ tưởng là khoảng 50 tuổi, nhưng tuổi đời lại là 69 - vẫn khỏe mạnh, cơ thể vẫn đầy cơ bắp, tóc đen tuyền. Thời trẻ ông là lính đặc công Mỹ đã từng tham chiến ở Nha Trang, miền Tây Nam Bộ - về sau, khi "giải phóng" ông bị nhà nước cộng sản bắt "cải tạo" mười năm - sau trở về làm trưởng thôn một thời gian rồi trở thành già làng. Điều tôi biết thêm về ông là, hồ Lak, trước kia có nhiều cá sấu Xiêm - và bất ngờ là thời trẻ ông lại là người săn bắt cá sấu Xiêm nổi tiếng trong vùng. Để dẫn thêm bằng chứng xác đáng ông dẫn chúng tôi xem khí cụ săn bắn cá sấu Xiêm thời trẻ của ông. Nhìn khí cụ săn bắn của ông tôi chẳng biết ông buồn hay vui khi biết rằng, không còn thấy một bóng hình cá sấu Xiêm ở hồ Lăk nữa.

Già làng Y Trưng Bkrông và dụng cụ sắn bắt cá sấu Xiêm ở hồ Lak

Đến với ông tôi mới biết thêm về sự tích tảng đá Yang Tao (cũng là tên của xã) và tảng đá Tur Dung - có người kể đó là hai tảng đá anh em, nhưng có dị bản khác đó lại là vợ chồng.

"Yang Tao lớn khoảng 50x250 m² - huyền thoại kỳ bí là trước kia nó là một tảng đá "biết" di chuyển. Nó di chuyển quanh cánh đồng từ buôn này qua buôn kia nhưng sau khi nuốt một người con gái trinh tên Yang (về sau tên này đặt cho tảng đá - còn Tao theo tiếng Êđê là đá) nó mới tạm ngưng sự vận hành của mình - hiện nó nằm trong một cánh đồng ở buôn Dang Bak. Trên tảng đá có những dấu chân người, chân voi, chân các con thú lún sâu từ 10 đến 20cm còn rõ nét. Nghe nói trước giải phóng người Mỹ có phá tảng đá để làm đường - tảng đá chảy máu - nhưng không biết vì sao người Mỹ bỏ việc làm này.

Còn Tur Dung - một tảng đá to lớn xuất hiện trên núi - gần đường đi của dân buôn lên nương rẫy - sau một đêm mưa to gió lớn. Người dân đầu tiên phát hiện đêm đó nằm mơ được cho điềm rằng đó là chồng của Yang Tao (về sau tên người này được đặt tên cho tảng đá). Đó cũng là tảng đá di chuyển từ đâu đến. Hiện nay Tur Dung nằm trên một quả núi cách buôn Dang Bak khoảng 4km - về hướng Tây - Bắc.

Đá Yang Tao

Về chiều trời kéo mây, và từng cơn gió nhẹ - chúng tôi cùng nhau đi ra cánh đồng để chứng kiến tận mắt tảng đá Yang Tao - cánh đồng gieo trồng chênh lệch về tháng ngày - nên có mảnh ruộng vừa gặt xong, có mảnh đang còn xanh, có mảnh còn đang gặt - chúng tôi lên đến tảng đá thì mây đen kéo nghịt trời - ở trên tảng đá chúng tôi đi bằng đôi chân trần để giữ sự tôn nghiêm, sờ bằng đôi tay đã từng nắm chạm biết bao kỉ vật - tôi lặng người trước kiệt tác của tạo hóa. Xem lại chứng tích ông già làng kể - mọi thứ đều khớp. Ngồi trên đó nhìn ngắm quan cảnh quanh vùng một lúc thì trời đổ mưa - mọi người giục nhau về, tôi như muốn nắn thêm chút nữa - nhưng đành thôi. Chúng tôi đi qua lớp người nông dân đang khổ sợ với những bó lúa đang gặt để mang lên đường cái. Lòng tôi nao nao như nhớ về thuở nhà mình ở quê gặt lúa lúc trời đổ mưa.

Cùng già làng Y Trưng Bkrông và các bạn sinh viên

14.08.2009 Về đời sống, dân ở đây đa phần nghèo khổ - trước kia họ không bao giờ làm thuê làm mướn - mà chỉ làm những việc tự cung tự cấp - như trồng lúa, trồng bắp khoai ở nương rẫy, đánh bắt thủy sản, sinh vật phù du, động thực vật ven hồ Lak, nhưng bây giờ thì khác - mảnh đất sau quá trình "hợp tác xã" hóa sau ngày "giải phóng" được chia phần theo hộ và teo đi dần đất canh tác. Từng hộ có khi làm lúa không đủ ăn - những lý do thì muôn vàn - như những dân di cư từ các tỉnh miền Bắc về cho vay nặng lãi - có gia đình vừa gặt lúa xong phải trả đến hạt thóc cuối cùng cũng chưa trả xong nợ nần - có hộ gia đình đành bán đi nương rẫy hay mang cầm cả đất nhà ở của mình. Mặc khác, chủ nợ luôn ép giá cả lúa, bắp hay khoai cả măng bẻ được nữa - có khi lúa trên thị trường từ 3000 - 4000 đồng/kg họ hạ xuống 1000 - 1.500 đồng/kg - thiếu nợ rồi - đành chấp nhận thôi. Chính vì điều ấy họ, hoặc quay về khai thác lâm sản hay đánh bắt thủy sản đổi chác để sống qua ngày chờ mùa thu hoạch sau - có người làm thuê cho chủ khá giả - có người đành lưu lạc đất khách kiếm việc làm. Có những trai tráng dù bị nhà nước cấm khai thác lâm sản vẫn sờ chạm bàn tay mình lên miếng gỗ của rừng xanh - may thì thoát được địa hạt của kiểm lâm - còn như một trường hợp - một anh chàng trong buôn đốn gỗ mang về bị kiểm lâm bắt được và phạt. Anh chống trả và bị đánh gẫy chân - cả buôn làm một cuộc biểu tình đổi lại vài người từ người khai thác lâm sản trái phép trở thành người canh giữ khu rừng. Nhưng nhà nước đâu có giải quyết hết cho cuộc sống khốn khó của các buôn - nên việc khai thác lâm sản vẫn diễn ra lén lút. Nói chúng, mọi cách thức đều biến họ thành công cụ - từ việc gián tiếp bóc lột sức lao động cho đến thu mất đất đai nương rẫy của họ. Tước mất cả quyền ddowcj thừa kế & quyền sống của họ.

Một nhà sàn lợp thời nay của người M’nông R’lâm

Tư liệu điền dã ở Buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lak, tỉnh Daklak. (14.08.2009)

- Tổng số hộ: 194 hộ (trong đo có 4 hộ người Kinh), số nhân khẩu 775, nữ 380, nam 395. Đây là số liệu thống kê năm 2009 do phó trưởng thôn cung cấp.
- Dân tộc: Mnông, Êđê, Kinh.
Diện tích tự nhiên: 103 ha.
Tôn giáo: Tin lành (144 khẩu), Công giáo (2 khẩu), Liên hữu (8 khẩu)
Kinh tế: trồng lúa (loại 3 tháng, 4,5 tháng, 5 tháng), bắp, sắn, đậu phộng. Thủ công nghiệp thưa, ít, chủ yếu là đan lát các vật dụng phục vụ cho sinh hoạt như gùi, thúng, rổ. Chỉ có 4 hộ người Kinh mở quán tạp hoá. Hệ thống thuỷ lợi chưa đáp ứng được cho việc tưới tiêu, khó mở rộng diện tích canh tác. Hiện nay, có 30% số hộ dùng máy cày (40 chiếc/194 hộ) thay sức kéo gia súc. Chăn nuôi có voi (2 con), trâu (24 con), bò (200 con), heo (2000 con).
Sinh hoạt văn hoá: vào các tối chủ nhật hàng tuần có tổ chức tập hát, múa, hát karaoke tại nhà cộng đồng. Phương tiện nghe nhìn có TV (150 cái), Radio (75 cái), Cassettle (5 cái) do đài tiếng nói Việt Nam tặng cho người dân năm 2009.
Nhà ở: nhà kiên cố (12 căn), nhà sàn (146 căn), nhà tạm (26 căn).

Về mặc khác, ở trong đời sống thường nhật của người M'nông R'lâm. Mỗi khi vợ chồng xích mích - bên bị bắt bên kia bồi thường để làm lành. Nghèo rồi - nhưng bên gây sự trước phải bồi một con heo 2 -3 gang tay (tình theo chu vi vùng bụng) làm cho cả làng ăn nên lại đi vay tiền mua heo. Còn vấn đề vợ hay chồng ngoại tình - vấn đề bồi thường có khi là vàng, bạc, trâu, bò - may ra mới có sự thông cảm để chung sống tiếp với nhau. Còn vấn đề li dị - ai chủ đông thì người ấy bồi thường.

Trước kia họ không bao giờ ăn cắp, ăn trộm tài sản của nhau - vì nhỡ chuyện đó xảy ra mà bị bắt được họ người ấy sẽ mang tai tiếng cả đời. Nhưng bây giờ thì khác - dân di cư và các lái buôn ở khắp nơi đến và sinh sống. Các tệ nạn lan tràn trong xã hội cộng đồng người M'nông R'lâm.

Khi xưa dân ven hồ có đời sống tín ngưỡng của họ - đó là những nét văn hóa của họ. Nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ vòng đời, lễ thờ cúng tổ tiên, lễ năm mới, lễ cầu mưa (như các dân tộc lúa nước Đông Nam Á khác) nhưng bây giờ - tất cả rất hiếm còn (chỉ vài buôn ở sâu trong rừng). Bởi lẽ, sau giải phóng - và đạo giáo đã thâm nhập vào cuộc sống của họ nên sinh hoạt văn hóa cũng thay đổi, mỗi nhà thường có TV, đầu máy, radio. Thứ rượu cần cũng ít chế biến từ các gia đình nên việc uống rượu cần, đánh coong chiêng, hát sử thi càng hiếm hơn.

Nói thêm về lễ nghi và rượu - các dân tộc Á đông trong mọi lễ nghi đều không thể thiếu rượu. Nên yếu tố không được uống rượu của các đạo đã và đang thâm nhập đã góp phần làm mất đi lễ nghi của các dân tộc ven hồ Lăk. Rượu cần - loại rượu độc đáo của các dân tộc ở Tây Nguyên - phân ra chủ yếu thành 3 lễ:

- Rượu thuộc loại âm - dành cho tang lễ.- Rượu thuộc loại dương chia ra thành 2 loại:
+ được mang ra trong lễ hội đâm trâu, lễ hội cầu mưa, lễ hội được mùa hay năm mới, ...
+ được mang ra để tiếp đãi khách, hay sinh hoạt thường ngày.

Nếu một người nào ngồi cùng chung rượu cần - thì phải giữ vị trí đó uống cho hết 3 chén. Nếu chưa có ai thay thế vào vị trí thì người đó vẫn giữ nguyên vị trí cũ của mình.

Nói đến người M'nông - chúng ta sẽ biết về văn hóa coong chiêng của họ. Thứ nhạc cụ được Unesco công nhận là văn hóa nhân loài... giờ chắc chỉ đi vào sách vở, báo chí để công chúng thế giới biết đến - riêng người M'nông - ít người hiểu biết gì về nhạc cụ đó và cũng chẳng còn không gian lễ hội cho mọi thứ hoạt tồn. Không còn ngôn ngữ - mọi thứ văn hóa, văn minh trở nên suy tàn - hiện không biết mừng hay buồn khi nghe tin nhà nước cộng sản Việt Nam đang cố giắng la-tinh hóa ngôn ngữ của họ. Còn về việc mang văn hóa của họ trưng lên sân khấu diễn trò hay làm một mô hình buôn nhỏ ở giữa phố rồi rót tiền vào - và nói rằng cố giữ nét văn hóa truyền thống - theo tôi vô ích - đó chỉ là kiểu trục lợi trò con buôn vì văn hóa thực sự của họ là văn hóa núi rừng - đời sống của họ gắn liền với núi rừng chứ không là thứ bất định để du khách làm trò nhìn ngắm và tìm hiểu.

Về mặc khác, những lớp người già ở đây đa phần không biết tiếng Việt kẻ cả không biết tiền bạc là gì nên dễ dàng cho các con buôn lừa gạt - nhà nước Việt Nam có tổ chức xóa mù chữ nhưng họ ngại, rụt rè - ép thì học vài ngày cho có lẽ, rồi lại thôi. Cũng phải, vì họ già rồi - cuộc sống của họ chỉ gắn liền với ngôn ngữ mẹ đẻ và tiếng Êđê.


Khi chia tay với Tây Nguyên, những nét đẹp đơn sơ, mộc mạc, không hoa mĩ, cầu kì, chất phác dễ gần gũi là nét đặc trưng của văn hoá và con người Tây Nguyên vẫn luôn đọng trong ký ức tôi. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ lên Tây Nguyên thêm một lần nữa để được nghe tiếng coong chiêng, hát sử thi, xem hội đua voi hay thả hồn theo dòng thác đổ theo tiếng gọi của núi rừng Tây Nguyên./.


Lak, tháng 8/2009


2 nhận xét:

  1. Nặc danh23:03 1/6/13

    Cám ơn bạn có bài viết hay về Tây Nguyên. Tôi đi Tây Nguyên nhiều nhưng chủ yếu ở vùng Gia lai - Kon Tum. Cảnh sắc Tây Nguyên đẹp, khí hậu tốt, con người chân chất hiền lành... Nhưng đời sống củ họ còn nghèo khó lắm. Một điều tôi nhận thấy người Kinh ở đây giầu có và chưa thật bụng với người dân bản xứ.
    Cám ơn bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng rất yêu quý Tây Nguyên. Huyền ảo và...

      Xóa

thach.michelia@gmail.com