12 thg 1, 2018

Totem Hơng - Trà Vigia

Phù điêu chim thần Garuda áp rắn thần Naga, gốm Ciet

Nói đến văn hóa Cham, người ta thường đề cập đến lịch sử địa lý, ngôn ngữ chữ viết, phong tục tập quán cùng những thứ liên quan như một quán tính mà bấy lâu nay những người đi trước đã dọn đường vạch sẵn. Nghiên cứu văn hóa Cham như một thao tác pháp y mổ xẻ một xác chết để có kết luận về nguyên nhân của một cái chết còn bí ẩn, hơn là tìm kiếm những dấu vết vẫn còn phảng phất đâu đây trong một hiện trường vẫn còn nhiều điều còn đáng quan tâm hơn khi mọi thủ tục hồ sơ được khép lại. Con đường ngược và về nguồn dĩ nhiên lắm nhiêu khê và bất trắc bởi cần yếu tố chuyên môn và cơ sở khoa học, Cham không có điều kiện đó nên phải ăn theo đôi khi quên bẵng vai trò và trách nhiệm của mình rất ư là vô tư và vô tình! Cần thiết phải đề cập đến những vấn đề không ai ngó ngàng đến, bởi đó không thuộc vào chuyên môn của họ cũng là nhường chỗ cho quyền được hiểu của người bản xứ… Không thể đòi hỏi một ông Tây ông Tàu nào đó giải mã một Ariya Cham bởi họ không thể có được tâm cảm và tâm thức Cham, cũng không thể yêu cầu một ông Mỹ ông Nhật giải thích về những điều bất cập trong phong tục tập quán Cham bởi họ không thường xuyên sinh hoạt và đối mặt trong một tâm thế Cham mà mấy trăm nay chưa hề dịch chuyển! Có nhiều câu hỏi mà bản thân Cham phải đặt ra cho chính mình, và tự mình phải tìm một câu trả lời thỏa đáng hơn là trông chờ một ai đó cứu giúp. Mặt trận chỉ có nhiệm vụ cơ cấu nhân sự để người Cham tự mình giải quyết về phong tục, nhà nước chỉ có phận sự cơ cấu bằng cấp và chức quyền để người Cham có điều kiện tự thể hiện chính vai trò của mình… Những tổ chức nhân đạo quốc tế chỉ có thể cung cấp dự án kinh phí để Cham có điều kiện phát huy và phát triển, còn Cham có lên được hay không hoặc chỉ dồn sức tranh cãi nhau xem ai giỏi hơn thì đó là chuyện muôn thuở!

Bạn là một người Cham khi bạn sinh ra là một người Cham, chết đi bạn vẫn là một người Cham khi thi hài bạn được nằm trong Sang Swơr (nhà thiên đường) đến nơi hỏa thiêu để linh hồn bạn siêu thoát về với tổ tiên vĩnh cửu! Tại sao cuộc đời bạn chỉ có thể kết thúc tốt đẹp qua một đám tang? Đơn giản bạn là một người Cham Balamôn! Nếu trong sinh thời bạn không đủ thời gian tu tập để trở thành Brahman như tôn giáo đã được ghi trong căn cước, chết đi bạn sẽ được các tu sĩ Basaih ( những người được cho là đã đạt đạo trên hình thức) sẽ thổi hồn hóa kiếp cho bạn. Cho nên vai trò của Basaih sẽ quyết định sự hóa sinh của mỗi linh hồn Cham, bạn không biết chữ Cham hay chưa làm tròn nghĩa vụ của một công dân Cham? Chẳng cần phải bận tâm lo nghĩ gì nhiều… Tu sĩ Basaih sẽ dạy bạn ngay cả khi bạn đã chết và cuộc đời coi như đã hết, tôn giáo sẽ hóa giải bằng thao tác xử lí nội bộ và đặc cách cho bạn có đủ thủ tục hồ sơ để xuất cảnh theo diện đoàn tụ với ông bà một cách gọn nhẹ đầy tính nhân văn! Những xú uế dơ bẩn trên cuộc đời này đều được rửa bằng nước, nhưng những tạp chất tà niệm dục vọng phải được xử lí bằng lửa thì linh hồn bạn mới được thăng hoa siêu thoát. Nhưng ai sẽ dẫn đường cho bạn về một thế giới mới trong cõi hỗn mang nguyên thủy hư vô? 

Theo truyền thuyết xa xưa thì đó là bò thần Nandin sẽ chở linh hồn bạn vượt sông thiêng về bến bờ mới, Cham gọi là bò thần Kapil vì nó luôn phủ phục trước lối vào cửa tháp mà tiếng Phạn gọi là Kapili. Đó là phong tục theo văn hóa Ấn nhưng với Cham có biến tấu khác hơn, chim Hơng mới là linh vật để dẫn dắt linh hồn Chăm về với cội nguồn! Cho nên trong mỗi đám tang Cham tất yếu phải có một Danaok dành riêng cho ông Hơng, người có chức năng tạo dựng một Sang Swơr mà trang trí hoa văn chim Hơng luôn là chủ đạo. Ông Hơng phải là người có đạo đức tốt và nhất là phải khéo tay để cắt dán những hình họa đẹp và có hồn, có trách nhiệm và phải luôn chu toàn trách nhiệm của mình đối với vong linh người chết cũng như người sống. Hơng là một linh vật có đầu chim mình rắn được cách điệu đơn giản nhưng không kém phần tinh tế sinh động, Sang Swơr có hài hòa cân đối hay không còn tùy thuộc vào tay nghề và tâm huyết của ông Hơng vì đây là ngôi nhà cuối cùng dành riêng cho người chết. Chim là hình tượng của chim thần Garuda, là vật tổ của thị tộc Cau làm chủ khu vực rừng núi và cao nguyên. Rắn là hình tượng của rắn thần Naga, là vật tổ của thị tộc Dừa làm chủ khu vực đồng bằng và biển cả. Thị tộc Cau mang tính nội sinh vì là tộc người bản địa cư trú lâu đời mà địa bản chủ yếu là cao nguyên Nam trung bộ, ngược lại thị tộc Dừa lại mang tính ngoại sinh do sự tiếp biến và giao lưu văn hóa từ các nước Nam Á và có xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn ở khu vực Bắc trung bộ. Hai bộ tộc này luôn va chạm và xung đột nhau để tranh giành ảnh hưởng về nhiều mặt tạo nhiều bất ổn về kinh tế chính trị cùng sự hòa hợp thống nhất dân tộc nên cần phải có một giải pháp hữu hiệu lâu dài. Khi vào bảo tàng Cham ở Đà Nẵng, chúng ta bắt gặp nhiều tượng chim thần Garuda sắc mặt giận dữ quắp chặt con rắn thần Naga như muốn ăn tươi nuốt sống là vì thế! Nguy cơ đất nước mình bị kẻ lạ mặt xâm chiếm bởi một nền văn hóa ngoại lai, có nhiều tiềm năng sức mạnh hơn thì sự đe dọa thoái trào luôn hiện hữu và có thật! 

Vương quốc Phù Nam biến mất vào thế kỷ thứ 6-7 là một minh chứng không thể phủ nhận, cuối cùng ảnh hưởng của rắn thần Naga thắng thế bởi Nagara (xứ sở) có nghĩa là vương quốc của rắn. Văn hóa Cham đã thần kì liên kết giữa hai thị tộc này làm một để hình thành nên vương quốc Champa, tạo nên một nền văn minh lạ biệt mà hôm nay chính hậu sinh Cham cũng không thể hình dung được về sự tồn tại diệt vong của chính dân tộc mình. Totem Hơng là vật tổ của người Cham, đầu là Garuda kết nối với mình là Naga còn đuôi là gì thì mỗi người tự xác định! Ai có nguồn gốc từ thị tộc Cau thì thuộc dòng Atuw Cơk, ai có nguồn gốc từ thị tộc Dừa thì thuộc dòng Atuw Tasik nhưng khi về với ông bà thì chim Hơng sẽ dẫn dắt ta về với nguồn cội tổ tiên. Nói về vật tổ của mỗi dân tộc thì tùy thuộc vào điều kiện môi trường và địa lí lịch sử của từng vùng miền nơi cư trú, dĩ nhiên ai cũng tự hào về nguồn gốc của mình. 

Nếu trong tứ linh của vùng Đông á chỉ tập trung vào bốn linh vật Long Lân Quy Phượng thì Xà lại là linh vật đến từ Ấn Độ, có khi lại xuất phát từ Ai Cập của châu Phi xa xôi. Rồng là chủ nhân của đồng bằng ven biển, chó ngao hay chó sói là chủ nhân của thảo nguyên, rùa là chủ nhân của vùng ao hồ và phượng là chủ nhân của miền rừng núi. Lạc Long Quân thuộc tộc rồng tuần du về phương nam gặp u Cơ thuộc tộc chim từ trên núi xuống, yêu nhau sinh con đẻ cái rồi cãi vả nhau cũng là câu chuyện thường tình. Chồng đuổi vợ lên núi, cơ cấu hiệp thương yêu đương Mị nương rồi anh em Sơn Tinh Thủy Tinh đánh nhau một mất một còn cũng là chuyện thường tình. An Dương vương có thần Kim Quy hỗ trợ xây Loa Thành cùng có cây nỏ thần để rồi Trọng Thủy lừa Mị Châu, Lê Lợi bắt rùa ở Thanh Hóa về thả trong hồ Hoàn Kiếm để trả lại gươm vì họ là hậu duệ của tộc Rùa. Còn chó Ngao ở Tây Tạng hay chó Sói ở tuốt Mông Cổ xa quá không có ai nối dõi nên thay bằng con Lân hay gần gũi hơn thành con Nghê để người đời thưởng lãm cũng là một cách hay. Chỉ có rắn thần Naga của Cham là hơi đặc biệt bởi nó hình thành nên Nagar Champa, một quá trình nhọc nhằn gian nan trong biến thiên thăng trầm lịch sử! Cuối cùng chỉ còn lại chim Hơng còn ở lại với người Cham và đi theo linh hồn Cham về miền đất hứa vĩnh hằng. Đầu chim nhắc nhớ mình xuất phát từ vùng cao trên đôi cánh của Garuda dũng mãnh, một thời uốn thân mình lặn lội vượt biển để tìm một sức sống mới dưới sự chở che của Naga mềm mại bao dung. Một thời Hạ Long và rồi một thời Thăng Long không chỉ là một truyền thuyết mơ hồ, một thời Chim rồi một thời Rắn để cuối cùng hòa nhập vào con chim Hơng không chỉ là huyền thoại của một kiếp người hư ảo. Totem Hơng là một chứng tích cuối cùng vẫn có thể nhận dạng trong đời thường, và để có thể trả lời rằng ta đến từ đâu và sẽ về đâu…

Hơng 5 đoạn, cho lễ thiêu quý tộc Cham

Chẳng có trang sử sách Cham nào còn ghi lại hay giải thích rằng chim Hơng là gì bởi đó là định phận của lịch sử, bởi khi chạy loạn mỗi người chỉ có thể mang theo tính mạng của mình khi còn có thể! Rất mong rằng những vị nghiên cứu về Cham cần đi sâu sát hơn về cội nguồn dân tộc mình vẫn còn thoi thóp trong tro bụi trước khi những dấu vết đó hoàn toàn biến mất. Đây chỉ là một gợi mở mang tính nghiệp dư chứ không phải là một bài nghiên cứu mang tính chính quy khoa học, người nhỏ làm chuyện nhỏ người lớn làm việc lớn theo đúng vai trò chức năng của mình. Nhiều khi các vị thiên tài Cham hay bàn về nhiều chuyện vĩ mô cao siêu quá mà quên rằng có chuyện vi mô thấp lè tè cũng cần thiết được động cập đến như một nền tảng căn cơ. Có lẽ đấy cũng là điều trăn trở của nhiều lớp thế hệ trước đã đặt câu hỏi và chờ câu trả lời, và dường như không một thanh âm nào vọng lại từ vách núi hoang vu. Ông Glơng Anak đã tự hỏi rằng:

Gram Xaravan duix di hagait blaoh o athah
Bbai tabuh di grơp nưrah tagrang kađaong pak halei?!,

Có nghĩa là tộc Xaravan tội tình chi mà không được yên ổn, cho dù đã cứu chuộc ở mọi nơi mà còn vướng mắc nơi nào? Gram Xaravan ở đây ám chỉ thị tộc Cau mà đất nước này là quê hương bản xứ của họ, một thời kỳ đã bị tộc Dừa lấn chiếm và thao túng nên nỗi suy thoái. Cau và Dừa đã kết hợp thành Vương quốc Champa để sống hòa hợp và xây dựng cuộc sống hòa bình hạnh phúc cùng nhau như là một thử thách nghiệt ngã nhưng công bằng của lịch sử. Nay lại có thêm một thế lực khác hung hăng bạo liệt hơn gấp nhiều lần thì sự kết hợp ngày nào chỉ là ảo tưởng, ai đã gây ra và chịu trách nhiệm trước sự thống khổ tang thương này? Không có ai cả cho dù ông đã kêu cứu ngày đêm trên đất liền cũng như một mình cô đơn nơi biển đảo, kêu cứu với người xong kêu cứu với trời và kêu cứu với cả chính mình. Hụt hơi và tàn hơi ông đành và tự an ủi bởi ông không biết mình đi đâu và sẽ về đâu, ông chỉ biết mình sắp chết… Nên trăng trối rằng:

Janưk hanim thei ngak piơh tabơng
Dađơp jhak ra glơng mưta bboh di mưta.

Có nghĩa là chuyện lành dữ ai đó tạo ra theo nhân quả, cái xấu xa dù có giấu kín thế nào thì mắt trần ai cũng thấy rõ. Rất tiếc thấy thì cứ thấy, nói thì cứ nói còn làm thì cứ làm. Cuộc đời này nào ai hiểu ra sao?!


Hamutanran, 1, 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com