21 thg 12, 2016

TRÀ VIGIA: NHÀ VĂN NGHĨ GÌ, VIẾT GÌ?



Nhà văn hiểu theo nghĩa nôm na là người có đủ tư thế và tư cách để viết văn, đã xác định được một chỗ đứng trên văn đàn cũng như trong lòng độc giả. Viết hay hay dở, cao hay thấp còn tùy thuộc vào người đương thời hôm nay và xa hơn là hậu thế thẩm định. Người văn trở thành nhà văn một khi xác lập vị trí của mình một cách vững chắc và lâu dài, có tầm ảnh hưởng và tác động nhất định đến người đọc đơn lẻ và cộng đồng xã hội. Tác giả luôn luôn song hành với tác phẩm, tác giả làm ra tác phẩm và tác phẩm vinh danh tác giả. Có tác giả in ra nhiều đầu sách nhưng chẳng ai nhớ lấy một câu, có người chỉ viết vài trang thơ mà người đọc nhớ đến muôn đời! Có người tâm đắc vào trang viết của mình nhưng cũng có người hối tiếc về những gì mình đã viết ra. Viết có thể là một nghề để kiếm sống nhưng đôi khi viết chỉ là một cái nghiệp mà người viết phải cưu mang bởi không thể khác! Nói chung, nhà văn là người viết ra những gì cần viết bằng những rung cảm chân thành và đầy nhiệt huyết sáng tạo. Viết trong tinh thần trách nhiệm, biết viết và dám viết những gì cần thiết phải viết cho dù phải đương đầu với nhiều thách thức nguy cơ. Nhà văn nghĩ gì, viết gì là một câu hỏi đáng bàn và suy ngẫm!

Những gì nhà văn viết ra còn lệ thuộc rất nhiều vào sự cảm thụ và tiếp nhận của người đọc. Có một lần tôi vô tình tiếp cận một định nghĩa rất kì cục và buồn cười, nhà văn là người ở trong nhà để viết văn. Ý anh ta muốn nói nhà văn chỉ biết còng lưng mỏi tay ghi lại những điều xa rời thực tế trên bàn giấy, còn anh ta đi đây đó không biết viết gì nhưng vẫn giá trị hơn?! Tôi định nói hắn ngô nhưng sực tỉnh lại, hắn ngố quá nên mình có giảng giải thế nào thì chắc rằng hắn cũng không hiểu được nên đành cười buồn. Hắn chỉ biết xem truyện tranh và phim hoạt hình, đừng ép hắn đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết gì đó thêm tội nghiệp! Chuyện quái gở đó xem ra còn chấp nhận được, một nhạc sĩ có nghề được đào tạo hẳn hoi còn huênh hoang tuyên bố thật ngớ ngẩn. Nhạc sĩ thì ắt hẳn phải cao hơn nhà thơ một bậc, bởi nhạc sĩ vừa làm nhạc vừa làm ca từ còn nhà thơ thì kém hơn vì chỉ biết làm thơ suông?! Đại nhạc sĩ này quên rằng trong thơ có thứ nhạc riêng của nó và trong nhạc không lời đã hàm chứa bài thơ không cần thiết phải nói ra. Cho nên nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc cho thơ và nhiều nhà thơ đã phối lời cho nhạc để cùng nhau bay bổng và đến gần hơn với người nghe người cảm một cách đồng điệu nhất có thể! Một người sáng tạo cần có một nền tảng văn hóa căn cơ là thế, cho dù anh ta hoạt động trong bất kì lĩnh vực nghệ thuật nào. Chỉ mới lơ mơ lướt sóng trên bờ ao làng mà ngỡ đã bay lên đến đỉnh trời, chỉ biết bưng bê sai vặt mà lúc nào cũng tưởng mình đã hóa vĩ nhân!

Nhà văn nhà thơ nói chung cũng chẳng có gì cao siêu lắm cho dù được đào tạo bài bản hoặc chỉ tự phát bẩm sinh. Có người nghĩ được nhưng không nói ra trôi chảy, có người nói rất hùng hồn trơn tru nhưng không viết ra lưu loát như những gì mong muốn. Có văn dùng để viết báo và có văn chỉ để viết văn với nhiều thể loại cùng mục đích khác nhau. Thường thì làm láo thì báo cáo hay, làm càn hay viết lách giỏi, thầy bói thì hiện tại quá khứ vị lai gì cũng tinh tường! Có người viết để kiếm tiền kiếm danh cũng có người viết chỉ để giải buồn giải tỏa, viết để thấy mình đang sống và tồn tại. Thời đại toàn cầu này cũng lắm thứ nhiêu khê từ khi có facebook cùng bodybook. Ai cũng muốn lên mạng để tâm sự, khoe hình khoe hàng hoặc nói lên quan điểm của mình trước thời cuộc với bao bức xúc suy tư. Đó là một nhu cầu thiết yếu không thể phủ nhận hoặc bài bác trong bất kì hình thức nào dù công khai hay mờ ám. Công luận giúp mọi người khái quát rõ hơn về những gì đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, từ quá khứ đến tương lai mai hậu. Cái gì tốt đẹp sẽ được ghi nhận, những gì phản cảm sẽ bị vạch trần lên án! Sự phản biện là phương tiện vừa là động lực để thúc đẩy xã hội tiến bộ, mỗi cá nhân sẽ tự hoàn thiện mình hoặc tự đào thải một khi thấy sự hiện diện của mình không còn giá trị nữa! Sự đa dạng là gia vị của cuộc sống, bởi chính nó đã tạo ra cho cuộc sống tất cả mùi vị như Cowper đã nói. Đó là hành trình của từ ngữ từ viết ngắn đến viết dài để từ đó viết văn…

Cham viết văn là điều cá biệt bởi hầu hết họ không được đào tạo qua trường lớp mà chỉ bộc phát qua năng khiếu cùng sự rèn luyện tự thân. Cho nên cuộc sống tinh thần con người nói chung đang đứng trước những thách thức về sự pha trộn bản sắc, sự mai một đi vốn văn hóa truyền thống và đôi khi đi ngược lại triết lí sống của người xưa! Bản sắc là những cách kết cấu diễn ngôn, là một phương thức tư duy về bản thân chúng ta trong quan hệ hữu cơ với cộng đồng xã hội. Người viết Cham thường trang bị bản sắc sơ cấp khi vừa mới sinh ra, các giá trị cơ bản về bản sắc xã hội chỉ bó hẹp nơi làng quê được nạp vào nhận thức con người. Về sau bản sắc thứ cấp được hình thành khi họ rời bỏ lũy tre làng vào thành phố với một hành trang mới thì cũng là lúc họ dần rời xa vốn văn hóa truyền thống vốn đã mong manh dễ vỡ! Đó là một bi kịch thực sự đối với những ai đang cầm bút, đang hãnh tiến với những ảo tưởng mơ hồ. Hành trình của nhà văn gian nan hơn nhà thơ đôi chút, ngoài năng khiếu và cảm xúc, họ cần trang bị dày dặn kiến thức và vốn sống. Chưa đủ, người viết Cham cần nắm vững và thấu hiểu văn hóa Cham để không lệch lạc về nhận định và suy diễn khi phải đối mặt với những tình huống hóc búa mang tầm vóc Cham. Bản sắc Cham chỉ được định hình khi người viết mang tâm cảm, tâm thế cùng tâm thức Cham trong từng câu chữ. Mỗi Ariya đều khắc họa rõ nét tính triết lí và tầm tư tưởng trong tinh thần nhân văn sâu sắc không thể lẫn với bất kì dân tộc nào khác. Đó là điều tự hào cần được trân trọng gìn giữ và phát huy, kế thừa và hun đúc! Nhiều người nói vui, phụ nữ làm thơ chỉ quẩn quanh cơ thể mình, còn đàn ông vòng vo quanh chiếc ghế của mình. Có tiền có chức mà chưa có thơ thì chưa sang, in vài tập tặng bạn bè chơi để khỏi phí công làm người! Thời nay thế mà sướng, chứ thời xưa mấy lão tiền bối bị vùi dập không nương tay vì tội làm thơ. Đến nỗi Nguyễn Vỹ phải than thở: nhà văn An Nam khổ như chó! Thế thì nhà văn Champa khổ hơn chó là cái chắc, bởi muốn làm thơ thì họ không nên làm quan, ăn cơm chúa phải múa theo chúa còn không thì chạy đàng trời?

Tôi không phải là nhà văn nhà viết gì bởi không đủ tư cách và tư thế, không cả một cái ghế để ngồi viết cho ra trò! Có viết cũng chẳng có tiền để in, có in cũng chẳng có ai rỗi hơi đọc để mất thời giờ. Uống rượu là có lí nhất bởi ngồi uống rượu thì không đau lưng, còn ngồi viết thì chỗ nào cũng nhức. Chỉ thương cho bọn trẻ có đôi điều thắc mắc không thể giải riêng cho từng người nên đành phải viết ra lời đọc chung cho vui vậy! Cham hình như có năng khiếu về thơ văn nhưng không có môi trường thuận lợi để thi thố. Cái nghèo luôn đeo đuổi và cái khó bó cái khôn, viết để động viên các bạn trẻ lên đường. Thế thôi!


Panduranga, 15-12-2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com