28 thg 11, 2015

JALOK: THIỆN VÀ ÁC



Người xưa có nói: Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì không xài được! Điều đó chứng tỏ rằng, một người có ích cho xã hội nhân quần thì phải bao gồm cả tài lẫn đức. Chỉ có một trong hai thì sự tác động của nó không mang lại thành quả thiết thực, đôi khi còn để lại những hệ quả khôn lường mà thế hệ đời sau phải gánh chịu! Để định nghĩa thế nào là có đức, thế nào là có tài thì quả không đơn giản bởi lệ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Một nhà tu đúng nghĩa lấy sự khổ hạnh của mình làm cho nhân loại bớt khổ ải thì có thể nói là có đức lớn. Một người dân thường còn nghèo khó nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ miếng cơm manh áo cho người sa cơ thất thế thương tâm hơn mình thì có thể nói là có đức nhỏ. Một nhà bác học có những phát minh lớn đem lại văn minh tiến bộ cho loài người thì đúng là người có tài cao. Một người thầy giáo bình thường mang hết lương tâm nghề nghiệp của mình đào tạo cho nhiều lớp học trò thành đạt thì là người có tài đúng tầm. Ngược lại, nếu một ai lấy danh nghĩa tôn giáo hội đoàn làm từ thiện nhưng thực chất chỉ tư lợi cho riêng mình thì đúng là người thất đức. Miệng nam mô một bồ dao găm, buôn thần bán thánh lừa thầy phản bạn là mầm loạn của tội ác! Ai đó luôn lấy chức quyền bạo lực tiền tài đàn áp bức hiếp bóc lột người khác là kẻ thủ ác vừa thất đức vừa bất tài. Lấy bằng cấp học vị bằng khen giải thưởng tự cho mình là học cao hiểu rộng để diễu võ giương oai với người khác mà nào có đóng góp được gì thì vừa bất tài vừa bất nhân. Có ý đồ âm mưu thủ đoạn để chiếm đoạt lừa bịp xâm hại ngay cả người thân ân nhân thì đúng là bất nhân bất nghĩa! Đức Phật từ bỏ ngai vàng vợ đẹp con ngoan để ngộ đạo dưới gốc bồ đề, Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá để cứu chuộc loài người. Afred Nobel giàu có nhờ phát minh chất nổ đã phải hối hận ăn năn cuối đời mới ngày nay có giải Nobel, và biết bao nhiêu tấm gương khác đáng được suy ngẫm tôn vinh! Ở đấy đều có sự hi sinh nếu muốn đạt đến tài và đức và không thể khác hơn. Những người được cho là có đức thì họ phải có tài để nâng cao cái đức, còn những người được cho là có tài thì cái tài đó phải có đứng hướng mới thể hiện được cái tài. Thiện và ác dùng để định nghĩa và phân biệt điều ấy!
 
Trong cuộc sống Chăm hôm nay, thiện và ác càng khó phân định rạch ròi nếu không muốn nói là thực hư chân giả vàng thau lẫn lộn. Môi trường sống bây giờ thay đổi quá nhiều, cả không gian và thời gian với tốc độ chóng mặt hoa mắt đến khó thở! Về không gian, ruộng đồng rẫy bái rừng rú ngày dần biến mất theo thời gian, cả những con sông tuổi thơ cũng vùi lấp dưới lòng đường hay nhà xưởng. Lối sống tự cung tự cấp mùa nào thức ấy đã lùi vào dĩ vãng và lịm dần vào kí ức người già. Hệ quả, người trẻ phải bỏ làng bỏ xóm vào thành phố làm công nhân, lên cao nguyên hài cà phê hái tiêu hái điều độ nhật qua ngày. Người không may mắn được đến trường thì không nói, ngay cả tốt nghiệp có nghề cũng thất thểu lang thang. Bất đắc chí nên buồn chán uống rượu quậy phá xóm làng, trộm gà cắp vịt trấn lột giải sầu gây bao tệ nạn xã hội. Ngày xưa, một gia đình nông dân cày thuê một mùa, gặt thuê một tháng là đủ gạo ăn cả năm. Vợ con giũ rơm mót lúa cũng đủ chi tiêu mắm muối áo quần vừa đủ cho một cuộc sống đạm bạc yên bình. Mùa cá ăn cá, mùa chuột ăn chuột, mùa dông ăn dông… rau măng rừng tha hồ mà hái không cần phải trồng làm gì. Kẹt lắm thì một tô mắm nêm, một nắm ớt, một rổ cà , một rá cơm là thành bữa ăn đủ chất. Mùa rẫy trồng bắp đậu dưa bầu bí… anh em họ hàng muốn ăn cứ lên rẫy hái thoải mái, ăn xong còn được biếu một mớ đem về. Hàng họ xóm giềng tương trợ đỡ đần nhau là chuyện bình thường tất yếu, không cạnh tranh đố kị tị hiềm nhau dẫn đến mâu thuẫn xung đột. Mọi người đều là người tốt, ai cũng sống vô tư bình thản không có gì phải lo lắng buồn phiền. Không có gì phải thất đức bất nhân bất nghĩa! Còn những ai có điều kiện học hành dù không cao lắm thì thầy ra thầy trò ra trò, quan ra quan dân ra dân luôn thực hiện được chức năng nhiệm vụ của mình cho sự phát triển của một xã hội công bằng. Họ là những con người tài năng nhiệt huyết, đi tiên phong khai trí cho một dân tộc còn nghèo nàn lạc hậu đi vào ánh sáng văn minh! Còn thời này thì sao?! Người giàu có phất lên cũng nhiều so với số đông thiếu ăn nợ nần bết bát. Người có chức có quyền cũng nhiều so với đa số cùng đinh áo ôm khố rách. Người có bằng cấp bằng khen cao siêu cũng không thiếu so với hầu hết mọi người không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng trong số ấy ai là người có tài có đức?! Thật khó nhận định và xác định, ai cũng tự cho mình là cao cấp và mặc nhiên các đối tượng khác là thấp cấp. Ai cũng cố đạt cho mình một nhãn hiệu, thương hiệu, danh hiệu nào đó để bảo hành và bảo kê. Đôi khi còn tự phong hoặc nâng cấp đánh bóng tên tuổi mình cho những mục đích không lương thiện. Thiện và ác không còn ranh giới phân minh khiến cho người có học và không học không biết đâu là nền tảng căn cơ, dẫn đến lạc mất phương hướng tiêu cực bi quan!

Lần về quá khứ, lịch sử luôn là một bài học đắt giá và thiết yếu cho những ai muốn hoàn thiện đời mình. Tuy nhiên không phải ai cũng muốn đối diện với sự thật, một sự thật bất lợi cho mình! Cho nên họ thường bóp méo sự thật bằng thủ thuật tô hồng bôi đen hoặc tuyên truyền nhồi sọ. Cùng một con người nhưng được nhìn nhận bằng nhiều con mắt khác nhau qua lăng kính tôn giáo, dân tộc, quốc gia, chế độ… Một con người đức độ đối với dân tộc này lại là kẻ thất đức với dân tộc khác. Một người được tán dương với chế độ này nhưng bị hạ bệ dưới một chế độ khác. Nếu ta hiểu người khác như chính bản thân mình thì mọi tội lỗi đều đáng được tha thứ. Đáng tiếc, không ai muốn hiểu ngay cả chính bản thân mình để phục thiện và hoàn thiện! Làm người không ai không phải phạm sai lầm, quan trọng là phải tự nhận biết để sửa chữa để không lặp lại. Nếu điều đó không xảy ra thì cho dù tôi biết, anh biết, mọi người biết, trời đất biết mà anh cứ trơ trơ mặt chai mày đá thì tội ác ngày càng chồng chất. Không thể trách con người hôm nay vô tình vô cảm vô hồn bởi con người đi trước đã vô tâm vô tính vô nghĩa. Đừng than phiền tuổi trẻ hôm nay dốt môn lịch sử bởi lịch sử bị sáng tạo quá bí hiểm, trong khi sáng tác văn chương thì khô khan vô bổ giáo điều. Đạo đức suy đồi đi đôi với biến đổi khí hậu, con người ngày càng mất đi nhân tình nhân tính. Chỉ có những người còn chút ít lương tâm lương tri mới đủ dũng cảm tỉnh thức khơi gợi đồng loại tỉnh cơn mê nơi địa ngục trần gian này. Có chân mới có thiện, từ đó sinh ra mĩ, một vẻ đẹp vĩnh cửu nơi tâm hồn. Ta cứ quen với hình tượng người mẫu diễn viên ca sĩ và anh hề với vẻ đẹp rẻ tiền giả tạo, thì chân thiện mĩ chỉ là một khái niệm mơ hồ. Thiện và ác chỉ là hư vô!


Trích từ Tạp San Vijaya10

1 nhận xét:

  1. Để đọc toàn bộ Tập san Vijaya 10, xin tải về từ đường dẫn dưới đây:
    https://www.dropbox.com/s/msv4aoey4t8g4xh/Vijaya%2010%20.pdf?dl=0

    Trả lờiXóa

thach.michelia@gmail.com