29 thg 3, 2015

TAGALAU 17: HƠI THỞ CỦA CON CHỮ



LỜI MỞ

HƠI THỞ CỦA CON CHỮ

Một ngôn ngữ có sự sống chỉ khi ngôn ngữ ấy được định hình và chuyển tải qua chữ viết trong một cộng đồng người. Một nền văn minh có thể lụi tàn theo thời gian, một quốc gia có thể bị xóa tên trên bản đồ thế giới, một tộc người có nguy cơ bên bờ vực tuyệt chủng… Mọi thứ có thể bị lãng quên, nhưng chữ viết còn thì hồn vía vẫn còn cho dù nhân dáng có hư hao méo mó trong sự bào mòn khách quan hay chủ quan. Nói cho cùng, tiếng nói của một dân tộc được bảo kê bằng chữ viết. Mất chữ viết dẫn đến mất tiếng nói và là nguyên nhân dẫn đến hệ quả: mất dấu vết của một nền văn hóa đã bị tiêu vong, phai mờ bản sắc đang tồn tại của một nền văn hóa thoái trào xa dần nguồn cội. Nhiều thống kê cho thấy, nhiều ngôn ngữ đang biến mất từng ngày từng giờ không thể cứu vãn. Có lẽ ngôn ngữ chữ viết Chăm cũng là một trong số những nạn nhân ấy!

Mỗi ngôn ngữ có một sự sống riêng, được hình thành, biến đổi, hoàn chỉnh qua một quá trình dài trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Chữ Chăm không là ngoại lệ, nếu không muốn nói đó là quy luật chung của ngôn ngữ loài người. Ban đầu, có lẽ chỉ là những kí tự sơ khai để truyền đạt thông tin trong sinh hoạt đời thường, hoặc để biểu đạt tình cảm một cách vi tế hơn. Từ khi Văn hóa Ấn Độ du nhập vào Chăm, chữ viết mới thật sự lên ngôi trong vai trò dẫn đạo và chủ đạo một nền văn hóa mới đang từng bước chuyển biến mạnh mẽ. Bia kí Chăm đã minh chứng rằng, thời kì đầu khoảng thế kỉ thứ IV, những văn bản quan trọng thuộc Hoàng gia và Tôn giáo đều được ghi bằng chữ Sankrit hoặc Pali. Về sau, loại chữ này dần biến thể theo chiều hướng khác được gọi là chữ Chăm cổ, đó là dấu hiệu của sự cách tân tạm gọi là Chăm hóa. Sự kiện này chứng tỏ rằng nền giáo dục thời kì đó được đặc biệt quan tâm và phát triển căn cơ bền vững. Đó là giai đoạn mà văn hóa Champa dần thoát ra khỏi bóng dáng khổng lồ của văn hóa Ấn Độ để hình thành một nền văn hóa có bản sắc riêng. Quá trình ấy diễn biến trong một thời gian dài, từ thế kỉ thứ IV đến thế kỉ thứ XVII để Chăm có chữ viết riêng được gọi là Akhar Thrah ngày nay. Nếu tiếng Hán-Việt chiếm tỉ lệ 70% trong tự vựng Việt Nam thì với tiếng Chăm cũng thế chắc cũng xê xích 70% tương ứng. Sự biến mất của vương quốc Champa dẫn đến sự đứt mạch và truyền thừa văn hóa giáo dục Chăm và hệ lụy của nó là sự biến mất lượng từ Phạn-Chăm. Điều đó gây nhiều khó khăn cho việc tiếp nhận và tiếp thu những văn bản cổ, hoặc bổ sung và tái tạo những từ mới còn khiếm khuyết. Chưa kể những tranh cãi triền miên vô bổ về số phận Akhar Thrah, về chữ mẹ có râu hay không và Ban Biên Soạn có nên tồn tại?! Hailaih…

Hồi nhỏ, khi mới bắt đầu học chữ Chăm tôi có sự phấn khích đặc biệt. Bởi khi học chữ quốc ngữ, a b c d đ chỉ là những khái niệm vô hồn không gây ấn tượng hay thích thú trong việc tiếp thu thì chữ Chăm hoàn toàn khác. Mỗi con chữ là một nghĩa căn cơ mang tính chọn lọc và tiếp nối. Phát âm từ dễ đến khó, từ mở đến khép dần, từ ngoài miệng đưa dần vào trong và kết thúc nơi rốn. Âm Kak đi đường gần nhất từ vòm họng, tiếp đến âm Cak xa dần từ vòm lưỡi, âm Tak từ đầu lưỡi và xa nhất âm Pak từ đầu môi. Các âm khác là những biến âm khó hơn kết hợp từ nhiều bộ phận và những nguyên âm đều dồn vào âm rốn. Ví dụ, âm vòm họng đầu tiên là Kak có nghĩa là cột một vật với một vật nào đó. Ở đây chúng ta hiểu là cột một chữ với một chữ hay một người nào đó. Tiếp đến âm Cak có nghĩa là buộc hay trói nhiều vật lại với nhau mang tính trương nở nhiều thêm về khối lượng hay số lượng. Có đủ cái cần nhưng chưa hẳn đã xong nên lại Tak, có nghĩa là phải chẻ ra cái đã được bó chặt để kiểm chứng và chọn lọc lại. Lúc đó người học mới Pak có nghĩa là đan lại cho khéo, cho đẹp những gì đã được chẻ ra từng sợi nhỏ mới ra thành phẩm được gọi là nguyên liệu sẵn sàng cho chế biến. Ở đây, sự tiếp nhận con chữ giống như một quá trình con tằm nhả tơ để cho ra một tấm vải đẹp, còn tấm vải được dùng vào việc gì thì đó là những mẩu chuyện khác thuộc về tài năng và nhân cách của mỗi con người. Nhập môn chữ là thế, nghĩa cũng thâm hậu không kém. Ví dụ, đánh vần tiếng Chăm là Cak mưk Chăm có nghĩa là trói bắt Chăm. Tự nguyện học tiếng Chăm là trói buộc mình làm người Chăm có học đúng nghĩa, không ai ép buộc mình cả nếu tự thân không nỗ lực phấn đấu để thể hiện mình. Khốn thay nhiều người yếu bóng vía hoặc bị lịch sử bi thảm ám ảnh nên cứ tưởng người khác bắt trói mình nên thêm đại âm Ơk vào thành Cak cơk mưk Chăm để ra trói núi mới bắt được Chăm. Oái ăm là Chăm cũng không thoát nên Ban Biên Soạn phán luôn, Cak ăm Chăm nghĩa là trói thiêu Chăm thì Chăm dứt khoát không sống nổi là cái chắc! Đánh vần xong phải hiểu nghĩa ngọn nguồn chứ không phải học để biết đọc biết viết chữ sạch vở đẹp thầy giỏi trò ngoan. Âm gốc của tiếng Chăm là Cham hoặc xa hơn nữa là Chiam nên tiếng Việt phiên âm là Chàm hoặc Chiêm. Chăm có nói: Dơh di danaok daok di cam có nghĩa là, nghỉ trong nhà ở trên đất. Cham là vùng đất có chủ quyền và có thể danh xưng đó có từ khi Chăm độc lập từ cuối thế kỷ thứ II. Hôm nay, qua bao dâu bể Cham biến thành Chiêm, thành Chàm rồi thành Chăm thì cũng chẳng sao! Nếu không tự trói bắt mình thành Chăm thì nguy cơ người khác bắt trói mình là tất yếu!

Mỗi một âm một từ Chăm mang một ý nghĩa, chở một linh hồn nên có một quyền năng riêng. Người Chăm quý chữ, nể chữ là vì thế, cho nên không ai dám mang một tờ giấy có chữ Chăm lau chùi một vật ô uế hoặc một mục tiêu không trong sạch. Tagalau 16 có mặt đem đến nhiều niềm vui và cũng chừng ấy nỗi buồn khi hàng chữ Chăm bị xóa bỏ. (*) Có thể đó chỉ là một sai sót đáng tiếc nhưng cần khắc phục điều chỉnh lại cho phù hợp. Cũng không ít người Chăm hô hào làm văn hóa Chăm nhưng thực chất là mang chữ cha ông đi rao bán cho mục đích danh lợi riêng. Tất yếu họ sẽ bị trừng phạt đích đáng và dần bị đào thải vào lãng quên trong lời nguyền ăn chữ! Cũng rất nhiều Chăm đóng góp cho Tagalau hồn nhiên vô vị lợi rất đáng tri ân khen ngợi và chúng tôi, kẻ từ khi còn là những độc giả từ số đầu tiên xin thay mặt nhiều người nói lời cảm ơn đến anh em, bè bạn, cô bác gần xa đã cùng đồng hành để Tagalau 17 có mặt hôm nay. Rija Nưgar đã về, xin chúc mọi người Thuk siam kajap karo Po pajiơng. Hailaih!


TAGALAU

(*): Kiếm duyệt lượt bỏ một đoạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com